(Tin tức thời sự) - "Chúng ta cứ đưa ra các khẩu hiệu như miền núi phải tiến kịp miền xuôi, nông thôn phải tiến kịp thành thị, nhưng làm thì ngày càng chậm"
Đó là nhận định TS Phạm Tiến Bình – Giảng viên, Tiến sĩ Kinh tế - Đại học kinh tế - Đại học QGHN với Đất Việt.
Trưởng giả học làm sang
PV:- Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp nhận chứng nhận khu nghỉ dưỡng, nhà hàng sang trọng bậc nhất thế giới. Những thương hiệu đắt tiền bậc nhất về xe hơi, thời trang, trang sức… cũng đang hiện diện ở Việt Nam. Điều này có thể coi nghịch lý khi Việt Nam vẫn thuộc top các nước nghèo, mức lương trung bình chỉ nhỉnh hơn Lào và Campuchia? Ông bình luận như thế nào về điều này?
TS Phạm Tiến Bình:- Thứ nhất, việc này theo tôi thể hiện sự phân chia giàu nghèo hiện nay, ở đất nước ta quá lớn, thứ hai, người Việt ta luôn muốn thể hiện cho người khác biết là mình giàu, mình có của.
Giả dụ đáng lẽ ra chưa cần đến mức sang như vậy, hoặc trong điều kiện VN cũng chưa nên sử dụng xe sang như vậy, thì cũng đã sử dụng, để chứng minh sự giàu có, đẳng cấp.
Đặc biệt, với mặt bằng kinh tế, đến 90% người dân làm nông nghiệp. Chưa kể, ở nông thôn người nông dân vẫn phải lao động vất vả, rồi hệ thống trường học, bệnh viện, các công trình công cộng tối thiểu vẫn còn quá thiếu thốn, đặc biệt vùng sâu vùng xa.
Trong khi, cứ nêu cao khẩu hiệu, "miền núi phải tiến kịp miền xuôi, nông thôn phải tiến kịp thành thị", cứ đặt ra như vậy, nhưng làm thì ngày càng chậm, thậm chí khoảng cách lại ngày càng xa hơn.
Để thấy rằng, về mặt kinh tế thì VN thuộc vào TOP cuối cùng, còn ăn chơi thì rơi vào TOP đầu, để thấy nhìn tổng thể thực ra không có gì đáng mừng.
PV:- Đồng ý rằng những khu nghỉ dưỡng, những nhà hàng sang trọng nhằm tới mục tiêu phục vụ khách nước ngoài. Thế nhưng phải hiểu như thế nào về những chiếc xe hơi có một không hai trên thế giới, trào lưu đua nhau xây trụ sở… như cung điện đã được chính các đại biểu Quốc hội phản ánh, những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm “kiểu đại gia” của nhiều cán bộ dự án…? Bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể phân tích, ai là những người được xài sang ở Việt Nam?
TS Phạm Tiến Bình:- Ở đây, nó cũng giống như câu chuyện, hai người nhận đấu thầu một công trình, nhưng đơn vị nào nhận đấu thầu giá thấp thì không được, giá cao thì mới được.
Lý do tại sao?
Bởi vì làm như thế thì không có hiệu quả, nó sẽ trở thành tâm lý rất nguy hiểm. Thứ nhất, dùng tiền ngân sách thì sẽ thiết kế được cực kỳ to, hoành tráng, cực kỳ an toàn chắc chắn, có thể đội giá lên rất cao. Thứ hai, người có liên quan xây dựng các công trình này sẽ có cơ hội giàu theo, nói đúng với một danh từ hiện nay hay dùng là "tham nhũng".
Tôi khẳng định không có một công trình công cộng nào được xây dựng bằng vốn ngân sách, mà không hoành tráng quá mức cần thiết, giá cả bao giờ cũng đắt hơn nếu như cùng tính giá của một công trình được xây dựng tương tự. Cho nên đây là 1 cái thuộc về vấn nạn của VN.
Tôi cũng biết, bộ phận xài sang hiện nay của VN, là những người có chức, có quyền được cấp duyệt các dự án, các công trình có thể "tham nhũng", thì mới được hưởng lợi.
PV:- Trở lại vấn đề GDP, mức lương trung bình thấp, nhiều chuyên gia đã lý giải đó là do Việt Nam có nền kinh tế gia công, khai thác và bán tài nguyên thô. Vậy phải hiểu sự “sang” này có nguồn gốc từ đâu? Có phải điều đáng mừng khi chúng ta có nhiều người “sang” đến thế, trong khi mức sống của đại đa số người dân vẫn vô cùng chật vật?
TS Phạm Tiến Bình:- Hiện nay, xuất hiện nhiều vấn đề, một là, các cụ ngày xưa đã từng cho rằng, người Việt có suy nghĩ "trưởng giả học làm sang", tức là dù chưa đến mức đó nhưng sỹ diện, muốn ra điều ta rất sang, nên phải cố thể hiện, cách làm này vẫn đúng cho đến hiện tại.
Đây cũng là vấn nạn, là tư duy của lãnh đạo nhiệm kỳ, nếu được vào một vị trí trong nhiệm kỳ này, thì phải làm cái gì hơn người lãnh đạo nhiệm kỳ trước, mặc dù không cần thiết. Nhưng đó lại là nguồn gốc quan trọng, là con đường duy nhất có thể tham nhũng.
Sự phân biệt giàu - nghèo quá rõ ràng
|
Chả những vậy, cứ với cách làm của người Việt như hiện nay, thì vẫn mãi chỉ là anh công nhân, mãi là anh bốc vác, làm thuê, ăn lương, không thể khá lên được.
Và câu chuyện này diễn ra, thì không có gì để vui mà còn đáng buồn. Khi bắt đầu có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới thì có người nông dân, công nhân nào đến được hay không, hay chỉ có những hội nghị này, hội nghị kia rồi đốt tiền ngân sách vào đó.
Tôi khẳng định, những người có nhận thức đều thấy buồn về điều này, chứ không ai có thể tự hào, có thể vui được.
Người Việt có tư tưởng sĩ diện
PV:- Việt Nam không làm được cái bỏ bao bì Samsung nhưng tỷ lệ số người sử dụng những loại điện thoại đắt tiền như vậy cao hơn nhiều so với những nước có mức thu nhập trung bình cao hơn. Đó có phải là một sự phản chiếu mờ những sự “sang” của đại gia hay của những người đặc tuyển nói trên? Phải lý giải việc một đất nước chưa giàu mà đã tâm lý phổ biến là xài… “sang” như Việt Nam như thế nào?
TS Phạm Tiến Bình:- Phong tục tập quán từ xưa của người VN là rất sĩ diện. Thấy người này có, mình không có, thì cũng phải sĩ với người yêu, với bạn bè, với tầng lớp cấp trên.
Bây giờ ra đường mà dùng điện thoại đen trắng Nokia, hay Samsung, bao giờ cũng bị mắng, bị nói là lạc hậu, cổ hủ, bây giờ thì phải dùng smartphone. Đó chính là bệnh sĩ kinh niên, khó chữa, không bằng lòng cuộc sống hiện tại.
Đáng chê trách hơn cả, đó là, tiền học thêm, nâng cao tri thức thì không có, nhưng phải bằng được có tiền để mua điện thoại sang cho bằng bạn, bằng bè.
Theo tôi, một là, nó cũng do hệ thống giáo dục, hệ lụy văn hóa từ bé, hai là, hãy nhận thức nhìn lên trên, không nhìn xuống dưới, khi có vị trí, có chức quyền, thì chỉ nên nghĩ tới chuyện vơ vào.
PV:- Ông bình luận như thế nào về ý kiến, nền kinh tế tiêu thụ iPhone 6 nhưng không làm được nổi một chiếc ốc vít ô tô cũng như người đi bán máu để mua trang sức, dần dần sẽ suy kiệt và chết yểu? Có thể thay đổi tâm lý “sang” này của người Việt hay không? Vì sao ạ?
TS Phạm Tiến Bình:- Từ xưa các cụ đã có những bài học dạy cho những người "vung tay quá trán", đến nay tôi thấy vẫn nguyên giá trị.
Nếu như quốc gia không có thì phải đi vay để làm, còn đối với cá nhân, nếu như bố mẹ không cho tiền, thì cũng bằng mọi cách lừa bố mẹ để có Iphone, cuối cùng trở thành nếp sống.
Chúng ta đã quên mất bài học, bằng lòng với những gì mình có, cho nên bây giờ sự phô trương, đã trở thành vấn nạn, mà nó ở cấp độ nào thì cũng có hại như nhau, dù cấp độ quốc gia, tỉnh, huyện, xã hay cá nhân cũng vậy. Nó hoàn toàn có hại chứ không có lợi.
Tất cả đều rơi vào tình trạng, không lo trau dồi tay nghề, trau dồi những kiến thức cần thiết để kiếm tiền, từ đó có được những thứ mình muốn, mà chỉ quan tâm đến tiêu xài.
Tôi cho rằng, những người dùng Iphone 6 mà chưa có công ăn việc làm, thì cũng chỉ vì chưa phải bỏ sức lao động ra đi xúc đất, bóc vác, để kiếm được mấy chục nghìn một ngày, nên chưa biết quý, biết trân trọng đồng tiền, mà chỉ biết tiêu xài hoang phí.
Bây giờ, chỉ đơn giản đặt một phương trình "Tài sản = nợ phải trả + vốn tự có", tài sản càng to thì bên kia vốn tự có phải to hơn nợ phải trả thì sẽ cân bằng được. Thế nhưng, trong phương trình hiện nay thì tài sản VN ngày càng to, nhưng vốn tự có càng ngày càng nhỏ, còn nợ phải trả càng ngày càng to.
Và cái nguồn gốc tâm lý xài sang này, trước đây xuất phát từ công tử Bạc Liêu lấy tiền đốt trứng, muốn tỏ ra mình giàu có, tâm lý này giờ đã ảnh hưởng ra tận cả nước, tuy nhiên, cháu mấy đời của công tử bạc Liêu giờ phải đi xe ôm kiếm ăn.
Để giáo dục lại, thì chúng ta phải quay trở lại cả 1 hệ thống từ truyền thông cho đến những bài hát, bài học đưa vào nội dung, để người dân thấy quý sức lao động, tiết kiệm ngay trong những khoản chi tiêu nhỏ nhất, sao cho phù hợp với sức lao động, với thu nhập mà mình có, đừng có mang công mắc nợ để mà làm sang.
Thử hỏi trong một gia đình nghèo nhưng phải dùng Iphone, quốc gia nghèo, sống bằng bán tài nguyên thô, thì phương trình kia có cân bằng được hay không?
Tôi chỉ cần lấy ngay ví dụ, hai người cùng có một chiếc xe, giá tiền như nhau, thế nhưng, một anh nợ bằng 0, vốn tự có bằng tài sản chiếc xe; còn 1 anh thì tiền nợ bằng tiền xe, vốn tự có bằng 0. Vậy ai biết, anh nào nợ, anh nào không, tất cả chỉ là hình thức.
- Xin cảm ơn TS đã chia sẻ với Đất Việt!
- Thanh Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét