Trang

27 tháng 10, 2014

Úm ba la “nhà công” thành… nhà ông, “xe công” thành… xe ông!

(Dân trí) - Chúng ta nên tính luôn tiền nhà ở vào lương bởi như vậy là công bằng với mọi đối tượng, vừa để tránh không còn hiện tượng “bám trụ kiên cường”, coi nhà của công là nhà “của ông”, như “của để dành” cho con cháu.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một lần nữa, chuyện nhà công vụ lại được đặt ra nhưng lần này thì ở cấp cao hơn, đó là nghị trường Quốc hội.
Tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án luật Nhà ở sửa đổi ngày 24/10 vừa qua, nhiều đại biểu đã bày sự băn khoăn về chính sách nhà công vụ hiện nay.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) bày tỏ: “Ở các địa phương khác thế nào không biết, nhưng ở nội thành Hà Nội, các bộ không những được hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng tiền nhà, mà còn không bao giờ lo mất điện, mất nước, chữa bệnh ở bệnh viện tốt, con cái đi học trường tốt...”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị đưa một phần đối tượng vốn được hưởng chính sách nhà công vụ sang hướng tiếp cận thị trường nhà ở xã hội và đối tượng hưởng nhà công vụ chỉ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước trong thời gian đảm nhận chức vụ.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề xuất nên tính tiền nhà theo lương để tất cả mọi người đều được hưởng. “Chúng ta cứ lo xây dựng nhà công vụ nhưng nhiều người ở nhà thì chiếm nhà luôn thì rất khó” - ông Thuyền nói.
Cách đây hơn một tháng, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 10/9, ĐB Lê Như Tiến đã thẳng thắn bày tỏ hiện chính sách nhà công vụ không đúng đối tượng. Vì thế thực tế, “nhà công vụ thành nhà "tư vụ", hết nhiệm kỳ, về quê rồi vẫn giữ, không chịu trả chìa khóa nhà”.
Còn ĐB Chu Sơn Hà khi đó cũng bày tỏ bức xúc khi so sánh hiện tại, nhiều khu công nghiệp công nhân phải thuê nhà với giá 24 ngàn đồng/m2, còn cán bộ ở nhà công vụ chỉ phải trả 600 ngàn đồng/100 m2, tức là chỉ 6 ngàn đồng/ m2.
Trao đổi với báo chí, ĐB. Lê Đình Khanh nói: "Nhiều cán bộ thừa tiền nhưng vẫn bám lấy nhà công vụ. Có những trường hợp hưởng lợi hàng chục tỷ đồng nhờ hóa giá nhà công vụ".
Đây là mức thu nhập kinh hoàng bởi con số “hàng chục tỉ đồng” mà ĐB. Khanh nói chắc chắn ít nhất cũng phải là 10 tỉ đồng trở lên. Thôi thì, cứ giả sử là 10 tỉ đồng vậy.
Một cán bộ được điều động từ địa phương về Trung ương công tác ít là một nhiệm kỳ 5 năm, nhiều có lẽ cũng chỉ khoảng ba nhiệm kỳ 15 năm công tác.
Nếu đem số “lợi nhuận” từ hóa giá nhà 10 tỉ đồng (như con số của ĐB. Khanh) chia cho 5 năm công tác thì mỗi năm 2 tỉ VND, chia cho 10 năm thì “lợi nhuận” là 1tỉ VND/năm mà chia cho 15 năm thì khoảng gần 700 triệu đồng/năm.
Như vậy giả sử với người một nhiệm kỳ 5 năm, mỗi tháng vị chi thu lợi khoảng 160 triệu đồng. Với người 10 năm thì khoảng 80tr/tháng và 15 năm khoảng 50tr đồng/tháng. Đó là chưa tính còn biết bao khoản thu nhập khác.
Chợt nhớ cách đây tròn hai năm (cuối tháng 10/2012), khi tiếp xúc với cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói rất giản dị rằng khi nghỉ ông sẽ về quê, trả lại nhà cho Đảng. “Nhà tôi nhỏ thôi, 51m2, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”.
Một vị đứng đầu Nhà nước của một quốc gia ở một căn nhà có 51 mét vuông, khi về hưu vẫn trả lại nhà là một tấm gương sáng để cán bộ công chức cả nước phải học tập.
Trở lại với sáng kiến của ĐB. Thuyền, có lẽ chúng ta nên tính luôn tiền nhà ở vào lương bởi như vậy là công bằng với mọi đối tượng, vừa để tránh không còn hiện tượng “bám trụ kiên cường”, coi nhà của công là nhà “của ông”, như “của để dành” cho con cháu.
Tuy nhiên, một vấn đề cũng rất lo ngại là nếu như đã qui định thì phải thực hiện nghiêm túc, đừng như Quyết định 59 khoán xe công vào lương cho cấp thứ trưởng (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) trở xuống nhưng đến nay đã hơn 7 năm trôi qua (5/2007 – 10/2014) mới có duy nhất một người thực hiện. Đó là ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện ông Thuận đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay.
Tình trạng xử dụng xe công, nhà công có những biểu hiện rất lộn xộn.
Xin đừng để những “màn ảo thuật”, úm ba la “nhà công” thành nhà ông, xe công thành xe… ông!

Bùi Hoàng Tám

26 tháng 10, 2014

Một cảnh sát bị đâm thủng tim khi đi chơi bar

(Tin tức pháp luật) - Trong lúc can ngăn đánh nhau, Tú bất ngờ bị hai đối tượng đâm một nhát thấu ngực, thủng tim và tử vong ngay sau đó.

Khoảng 1h ngày 26/10, tại quán bar Wonder (67 Nguyễn Tất Thành, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, Gia Lai) đã xảy ra vụ án mạng.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, Nguyễn Thế Tú (24 tuổi, là chiến sỹ nghĩa vụ tại phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp công an tỉnh Gia Lai) sau chầu nhậu đã cùng với một người bạn đến chơi tại bar Wonder.
Tại đây, người bạn của Tú đã mâu thuẫn với một số người khách và dẫn đến xô xát. Thấy bạn bị đánh, Tú cùng nhân viên bảo vệ quán đã xông vào can ngăn.
Nơi được cho là hiện trường vụ án mạng
Nơi được cho là hiện trường vụ án mạng
Trong lúc lộn xộn, có hai đối tượng đã thừa lúc mọi người không để ý dùng dao đâm một nhát khiến Tú tử vong do bị đâm thủng tim.
Hiện công an tỉnh Gia Lai đang tiến hành điều tra làm rõ vụ án
Đây không phải lần đầu xảy ra trường hợp chiến sĩ cảnh sát bị đâm vì can ngăn đánh nhau. Trước đó, vào ngày 19/4, thượng uý Lê Hữu Nam, Đội phó phong trào Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đang trên đường đi công tác đến địa phận thôn 1, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân thì phát hiện 1 nhóm người khoảng 10 đối tượng cầm dao, kiếm chuẩn bị đánh nhau.
Thấy vậy, thượng uý Nam dừng lại ngăn chặn vụ ẩu đả. Trong khi thượng úy Nam đang can ngăn thì bất ngờ một đối tượng cầm dao tấn công, chém vào tay khiến người sĩ quan công an phải nhập viện với tỷ lệ thương tật khoảng 10%.
Ngay sau khi sự việc thượng úy công an bị chém xảy ra, Công an huyện Thọ Xuân đã điều tra và triệu tập Trần Văn Ninh (18 tuổi, ngụ xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) tới cơ quan công an để làm rõ hành vi chém thượng úy công an trọng thương.
Thanh Giang (Tổng hợp)

Đường cao tốc lún, nứt: Chuyện không mới ở VN !

(Tin tức thời sự) - "Hiện tượng này đã tồn tại trong thực trạng xây dựng của ngành GTVT từ trước đến nay, chứ không phải đến thời điểm này mới có".

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế QH thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình.
Lún, nứt đường là câu chuyện không mới
PV:- Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014, đã có hơn chục tuyến đường cao tốc vừa thông xe đã lún nứt, tiêu biểu là tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... Ông bình luận như thế nào về thực tế này?
Theo thông tin ông được biết, các nước láng giềng có điều kiện địa chất tương tự Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc có phải đối mặt với tình trạng này không?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Có thể thấy rằng xảy ra sự cố phá vỡ kết cấu lớp mặt của các đường giao thông thì là điều không ai mong muốn.
Thế nhưng, còn tùy từng vấn đề sẽ thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu chúng ta nhìn lại vấn đề lún, hằn vệt bánh xe, thì sẽ thấy câu chuyện này không mới ở VN mà bản chất nó đã xuất hiện từ rất lâu rồi.
Nhìn vào QL5 chúng ta có thể thấy đây là quốc lộ đầu tiên xảy ra hiện tượng này. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy chiều bị lún, nứt là chiều từ HP-HN, còn đường từ HN-HP lại vô cùng tốt, đi chất lượng tốt hơn.
Từ đó, sẽ thấy ngay rằng ở đây không phải vấn đề chất lượng thi công công trình mà là do tải trọng xe. Chúng ta nhìn con đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cách đây hơn 10 năm khi đưa vào khai thác có 1 số điểm lần đầu tiên được đưa khái niệm đường chờ lún vào sử dụng.
Vì thế, nên hiện tượng này đã tồn tại trong thực trạng xây dựng của ngành GTVT từ trước đến nay, chứ không phải đến thời điểm này mới có.
Nhưng ở mỗi một vị trí, một công trình, nguyên nhân có nét khác nhau. Dư luận đang quan tâm rất nhiều đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai,  chỉ rõ điểm gây ra trượt, rách áo đường trên tuyến này, tất cả các sai sót này đều được các nhà thầu, tư vấn thiết kế dự báo trên cung đường.
Còn theo tôi được biết, thì ta phải thấy được rằng, kết cấu nền đường của chúng ta hoàn toàn khác so với các nước, dù có ở cạnh nhau. Đơn giản, ví dụ, như trong TPHCM tuyến Sài Gòn- Trung Lương có kết cấu khác, nhưng Nội Bài- Lào Cai cũng có kết cấu khác, mỗi vùng trong nước có đặc điểm riêng, nói gì đến các nước.
Ngay trong 1 tuyến Nội Bài- Lào Cai, cũng có sự khác biệt giữa hai bên đường, đoạn đường đi có đường sắt chạy thì sụt, trượt rất lớn, còn đi bên này đường phía sông Hồng thì nó không là vấn đề lớn. Cùng một vùng mà kết cấu địa chất khác nhau, không thống nhất.
Vì thế, rất khó có thể so sánh, một điểm chung, là phải xem lại về nguyên nhân xảy ra hiện tượng, xem tiến độ thi công, chất lượng thi công có phù hợp với nhau không, từ đó mới phát hiện ra được.
PV:- Trong khi, tất cả các tuyến đường nói trên đều có mức đầu tư rất lớn, giá thành làm đường cao tốc rất cao (theo Bộ trưởng Bộ KHĐT là gấp 3 lần Mỹ). Theo ông, nguyên nhân vì sao mà đồng tiền không đi liền chất lượng như vậy? Để xảy ra thực tế này, trách nhiệm của bộ chủ quản ra sao?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Thiết nghĩ ở đây chúng ta phải nói tách nhau ra, một trong những nguyên nhân đẩy giá thành đường của chúng ta lên cao là gì; nguyên nhân tại sao xảy ra lún, trượt là gì?
Như ngay tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai biểu hiện cụ thể là sụt, trượt, còn một số tuyến đường cao tốc khác lại là hằn, lún vệt bánh xe. Từ đó có thể thấy rằng mỗi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân khác nhau, nên không thể nào nói chung vào một câu "đường của VN đắt gấp 3 lần Mỹ" mà chất lượng không đảm bảo, nói như vậy là không đúng.
Ở đây, chúng ta nhìn nhận, đánh giá thì phải nói theo Luật, không nên nói theo cảm tính, cụ thể vấn đề theo Luật là ai chủ đầu tư, ai là đại diện chủ đầu tư, sai ở đoạn nào sẽ quy trách nhiệm đoạn đấy.
Tuyến đường hình thành lên bị sụt trượt ở những chỗ chúng ta đắp nền đất cao, thế thì về mặt kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thẩm tra phải tìm hiểu nguyên nhân, tại sao ở đoạn đó phải đắp nền đất cao lên như thế. Giả thiết có phải để tăng tải trọng, nên mới sinh ra trượt trên 1 nền đất cơ lý đang yếu, có những túi bùn, túi biến động, đột biến về mặt địa chất.
Đường bị lún, nứt là câu chuyện không mới ở Việt Nam
Đường bị lún, nứt là câu chuyện không mới ở Việt Nam
Nên tất yếu trách nhiệm quy ra lỗi ở khâu nào thì khâu đó chịu trách nhiệm, nói chung về mặt quản lý nhà nước thì ai là quản lý thì người đó cũng phải chịu trách nhiệm.
Có thể thi công theo kiểu phá đá làm đường
PV:- Không thể phủ nhận nỗ lực của bộ GTVT trong việc điều tra nguyên nhân đường lún nứt, xử lý nhà thầu làm đường kém chất lượng.  Thậm chí, việc điều tra chỉ đem lại kết quả là tất cả đều minh bạch, không có rút ruột công trình, lỗi tại bê tông hay thời tiết... Vì vậy, việc quy trách nhiệm không thể thực hiện được. Ông có đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này không, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Thứ nhất, để tìm ra nguyên nhân thì phải phân tích dựa trên các yếu tố khoa học do các nhà nghiên cứu giao thông tìm hiểu.
Thứ hai, tại sao tìm ra nguyên nhân là vật liệu, tôi thấy đây cũng là nguyên nhân rất quan trọng, vật liệu là yếu tố quan trọng nhưng nó không làm sụt, trượt, nó chỉ làm biến dạng lớp áo đường , khi có tải trọng lên. Nên nếu có thì vẫn phải xử lý nhưng nó không phù hợp khi lấy làm nguyên nhân của đường lún, nứt.
Phải nói hằn vệt lún bánh xe do tải trọng cũng là một nguyên nhân, ở đây phải nhận định rằng Bộ GTVT đã tìm ra một trong số những nguyên nhân cho sự cố trên các tuyến đường quốc lộ.
Chính vì phát hiện được nên Bộ đẩy mạnh công tác tải trọng xe, ở đây phải nhìn nhận cơ quan quản lý nhà nước đã có thành tích phát hiện ra một trong các nguyên nhân gây đến đường xuống cấp.
Nên không hiểu tại sao chỉ nói mỗi nguyên nhân là quản lý từ Bộ GTVT, chứ không nói đến các phương tiện vận tải, là một trong những tác nhân rất lớn gây ra hậu quả phá đường như vậy.
PV:- Theo ông, liệu Bộ GTVT có vướng vào những vấn đề kiểu như "lợi ích nhóm"... mà không được thể hiện năng lực như mong muốn hay không? Nếu vậy, với vai trò là ĐBQH, ông sẽ đề xuất gì để gỡ khó cho Bộ GTVT?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Tôi thấy, không có gì là lợi ích nhóm ở đây, có thể những tiêu cực này sẽ xảy ra ở khâu đấu thầu, khâu tuyển nhà thầu, chứ khi có kết quả thì lợi ích ở đâu, hơn nữa đây lại là vấn đề kỹ thuật.
Còn tiêu cực rút ruột công trình thì tính đến giờ phút này chưa ai báo cáo, nhưng phải nói rằng, chúng ta cũng đã nhiều lần thuê tư vấn giám sát là nước ngoài, cụ thể là Cu Ba.
Họ tiến hành công tác giám sát ngay trên tuyến đường TP HCM, tại sao vẫn có sụt trượt? Có những trường hợp bất khả kháng thì phải chấp nhận, phải có biện pháp tổ chức thi công, bởi chúng ta phụ thuộc năng lực thiết bị, đội ngũ công nhân viên , chi phí làm đường, tất cả quyết định rất nhiều.
Thế nên, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải làm tốt vai trò của mình, còn nếu thấy kh�� khăn quá không xử lý được thì làm văn bản trình lên QH, bên quản lý sẽ có chế độ tài chính cụ thể.
Nếu thuộc thẩm quyền Bộ thì giữa Bộ GTVT và Bộ xây dựng phải bàn bạc với nhau, tìm ra các giải pháp cho vấn đề này.
PV:- Sắp tới, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Ông có kỳ vọng, báo cáo sẽ có những đột phá trong việc tiếp cận nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho vấn nạn này hay không và vì sao?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Đừng nói đây là vấn nạn, mà nó là vấn đề xảy ra trong quá trình thi công, nó đã có từ lâu, chẳng qua do chúng ta không nhìn thấy.
Đây cũng là điều tất yếu trong quá trình thi công bao giờ cũng phòng ngừa có các rủi ro về những sự cố ngoài ý muốn như kỹ thuật. Nói ngay đến việc đơn giản là đổ bê tông với tốc độ nhanh quá thì bị nứt, chậm thì bị phân tầng.
Riêng đối với lĩnh vực giao thông, khi đầu tư vào nó khác các hoạt động bình thường phụ thuộc thời tiết rất nhiều.
Hiện nay trong ngành GTVT tồn tại mấy vấn đề: Một là, hằn lún vệt bánh xe; Hai là, sụt trượt tại tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nó cũng vẫn hay xảy ra đối với các tuyến đường làm mới, dĩ nhiên sẽ phải có giải pháp. 
Có thể thực hiện thi công theo kiểu phá đá mở đường, vì hằn lún, phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thi công công trình và tải tọng xe đi theo từng chiều.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!
  • Gia Khánh

Không tăng lương: Căn nguyên từ bệnh “thích hoành tráng”

Không có nguồn cho tăng lương: Căn nguyên từ bệnh “thích hoành tráng”

Nếu chúng ta cắt bớt được những khoản đầu tư lãng phí thì còn có tiền tăng lương theo lộ trình...

Đầu tư dàn trải khiến tình trạng lãng phí xảy ra ở nhiều nơi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không cân đối được nguồn cho tăng lương trong 2 năm 2014 và 2015.
Theo ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Nếu chúng ta cắt bớt được những khoản đầu tư lãng phí thì còn có tiền đầu tư vào những cái khác bức bách hơn như giảm tải y tế, đầu tư cho đồng bào nghèo hoặc tăng lương theo lộ trình của Chính phủ. Nay cứ như thế này thì đến năm 2015 cũng chưa tăng lương được dù đã đề xuất hai năm nay rồi”.
Dẫn chứng cho quan điểm này, ông Lê Như Tiến cho rằng, không chỉ có trụ sở mà công trình công cũng rất nhiều. Sân vận động, bảo tàng, trung tâm văn hóa hàng nghìn tỷ nhưng để hoang hóa, xuống cấp, cho thuê dịch vụ sai mục đích và phi văn hóa. Có công trình vừa khai sinh đã khai tử, vừa làm xong đã hỏng.
“Đó là tiền thuế của dân nên phải được sử dụng có mục đích còn nếu chúng ta sử dụng không có hiệu quả không đúng mục đích thì sẽ là có lỗi với dân” – ông Lê Như Tiến nói.
Cũng theo ông Lê Như Tiến, đây chính là bệnh thích hoành tráng, con gà tức nhau tiếng gáy. Địa phương này, huyện này có sân vận động lớn thì địa phương kia cũng phải có mặc dù chưa tính toán lượng người được hưởng thụ công trình đó như thế nào.
Trong những năm qua, Chính phủ thực hiện cắt giảm đầu tư công và chi tiêu Chính phủ. Tuy nhiên, việc hạn chế đầu tư các khu vực công, công trình công của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là vẫn còn yếu. “Chúng ta chỉ được 31/100 điểm” – ông Lê Như Tiến dẫn chứng.
Dẫn chứng cụ thể về trường hợp của Hải Dương, mới đây, tỉnh này đã đề xuất xây dựng khu hành chính tập trung hơn 2.000 tỷ đồng. Đề xuất này của Hải Dương lập tức vấp phải sự phản ứng của dư luận. Bởi trong lúc đất nước khó khăn, nhiều công trình cần thiết còn phải tạm dừng thì tỉnh này lại đưa ra một đề xuất “kiểu nhà giàu”.
Theo đại biểu Ngô Văn Minh, đề xuất của tỉnh Hải Dương là không thể được vào thời điểm này. Nhưng dù sau này đất nước khá giả lên rồi thì cũng không thể chấp nhận được, nhất là khi có Luật Đầu tư công.
Đó là chúng ta chưa nói đến chuyện đầu tư dàn trải trong thời gian qua ở một số lĩnh vực, như chuyện các trường nghề đầu tư mấy chục tỷ đồng ở một số tỉnh. Cái này, Bộ LĐ-TB-XH phải xem lại, vì không có học sinh, không có đủ giáo viên, học sinh được đào tạo ra không xin được việc làm thì đào tạo để làm gì?
Trong tình hình hiện nay, theo ông Ngô Văn Minh, những dự án “trên giời” phải dừng lại để tập trung ưu tiên sản xuất, kinh doanh, đầu tư những dự án đem lại hiệu quả kinh tế nhanh, nâng cao đời sống cho người dân.
Đại biểu Ngô Văn Minh cũng nhắc đến một “bi kịch” trong đầu tư công, đó là việc dự án trình ở một qui mô chấp nhận được nhưng khi đi vào thực hiện vốn đội lên gấp đôi, gấp rưỡi.
Cùng quan điểm phải căn cơ, tiết kiệm, đầu tư những công trình thực sự cần thiết, cắt giảm chi tiêu cho lễ hội, đi nước ngoài… để dành tiền cho việc bố trí tăng lương, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) khẳng định: “Nếu chúng ta “chắt chiu”, tiết giảm các khoản chi không cần thiết, như chi cho khánh tiết, chi tổ chức lễ hội, chi tiếp khách…. thì có thể tiết kiệm và khoản này sẽ dành cho chi trả lương”.
Với những trường hợp duyệt dự án, đầu tư dự án một cách lãng phí, không hiệu quả, theo ông Lê Như Tiến, đối với những dự án đã làm rồi cũng phải kiểm điểm rõ trách nhiệm. Những công trình đang làm phải kiểm tra rà soát lại xem công năng thế nào, dân số bao nhiêu, quy mô có quá lãng phí không khi người thụ hưởng không như dự toán. “Hiện có nhiều cơ quan để rà soát. Khi sử dụng ngân sách nhà nước thì Bộ Tài chính và các bộ hữu quan phải rà soát, tại địa phương thì các cơ quan liên quan phải rà soát” – ông Tiến nói.
Hiện tại, về chi thường xuyên, theo ông Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu), chúng ta nợ chế độ, chính sách đã ban hành tương đối nhiều. Chi đầu tư mấy năm nay bố trí trong ngân sách Nhà nước thấp hơn bội chi. Theo Luật Ngân sách Nhà nước thì toàn bộ bội chi ngân sách, tiền vay trong và ngoài nước, chỉ sử dụng để đầu tư. 
Nhưng tài khóa 2015, bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ, nhưng bố trí cho đầu tư chỉ được 195.000 tỷ đồng, thấp hơn mức đi vay, chưa nói tới gần 40.000 tỷ thu cấp quyền sử dụng đất theo qui định là chỉ sử dụng để đầu tư. Nếu cộng thêm số này với 226.000 tỷ thì chi đầu tư phải lớn hơn nhiều. Trong bối cảnh cân đối như vậy, chi đầu tư thấp hai năm 2014-2015 đều thấp dưới mức bội chi.
Cũng nói về lương, theo ông Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), hiện nay, đời sống một bộ phận người lao động gặp khó khăn nên nhu cầu cấp thiết là nâng cao đời sống người lao động, đảm bảo tái sản xuất sức lao động và có nguồn kinh phí hợp lý tích lũy sau lao động; đảm bảo cho giáo dục trẻ em và chăm sóc sức khỏe trẻ em là điều mà nhà nước phải xử lý.
Một thời kỳ chúng ta triển khai đầu tư theo chiều dọc, tận dụng nguồn tài nguyên cấp một, lao động giá rẻ. Nay, chỉ với 2 điều kiện đó ta không có khả năng cạnh tranh với DN khác ngay trên thị trường Việt Nam, ví dụ như Samsung. 

Khi samsung vào ta cần tỷ lệ nội địa hóa cao hơn nữa nhưng nay chỉ có 4 DN đáp ứng được điều kiện của Samsung. Do đó cần nâng cao tích lũy để có công nghệ mới, đào tạo lao động tay nghề cao. Nếu chúng ta không làm được thì sẽ mất thị trường với Samsung.

>>>Tăng lương tối thiểu, người lao động thờ ơ

Theo Vũ Hạnh
VOV Online

25 tháng 10, 2014

'Vụ bắt ông Thắm xôn xao giới làm ăn'


Vụ ông Hà Văn Thắm, một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bất động sản, vừa bị bắt đã gây 'xôn xao' kinh động giới làm ăn ở Việt Nam, theo nhận định của một nhà quan sát từ trong nước.
Trao đổi với BBC hôm 25/10/2014, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách & Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nói:
"Trong khi Việt Nam chưa xử đến cuối cùng đại gia Kiên (tức ông Nguyễn Đức Kiên), thì bây giờ lại xuất hiện ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Đại Dương, Chủ tịch của bốn đơn vị tài chính, các công ty tài chính, ngân hàng.
"Điều đó đã gây xôn xao dư luận trong giới làm ăn, đặc biệt là hệ thống tài chính ngân hàng."

'Trấn an'

Ông Thọ nói thêm: "Tuy có những trấn an rằng không có ảnh hưởng gì đến những hoạt động của Ngân hàng Đại Dương, nhưng người ta nhận định rằng đây cũng là một việc 'cực chẳng đã', vì việc này đã được Ngân hàng Nhà nước trước đó đã thanh tra.
Về mặt thời điểm ông Hà Văn Thắm bị bắt, vốn trùng với phiên họp của Quốc hội Việt Nam đang diễn ra, nhà quan sát bình luận:
"Thời điểm này đang có rất nhiều đồn đoán rằng đằng sau các đại gia này có thể là có một số thế lực nào đó, hay một nhóm lợi ích nào đó, và người ta thấy cần thiết quyết định vào lúc này."

Bức xúc với những 'luật rừng' trong 'rừng luật' Việt Nam


'Gần đây, người ta có khái niệm kiểu chúng tôi đã làm đúng quy trình (dù có gây oan sai hay chết người). Không có nhà nước pháp quyền nào làm đúng pháp luật mà chết người cả. Nếu không thì không thể cho là làm đúng được, họ chỉ bao biện thôi'.
Theo GS Nguyễn Đăng Dung, việc có những văn bản “trên trời” là nhiều khi người ta làm luật chỉ để chiều ý cấp trên, chứ không vì đa số dân chúng.
Đến tôi còn bức xúc nữa là!
- Khi đọc được những thông tin về các loại văn bản mà khi ban hành bị cho là xa rời thực tế, thậm chí vô cảm như quy định giấy phép vận chuyển trứng chỉ có hiệu lực trong một ngày ở Lào Cai, hay dự thảo quy định nơi bán bia không được vượt quá 30 độ C của Bộ Công Thương... ông thấy thế nào?
             - GS Nguyễn Đăng Dung: Việc có những văn bản xa rời thực tế đang là vấn đề nóng bỏng, gây nhức nhối hiện nay, dù đã có những hội thảo, hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình này nhưng nó vẫn không hề thuyên giảm.
Với quy định kiểu giấy phép vận chuyển trứng chỉ có hiệu lực trong một ngày, tôi biết Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y lên Lào Cai để kiểm tra thông tin. Quy định như thế không chỉ khiến những chủ trang trại mà đến tôi còn bức xúc nữa là.
- Nhưng hình như, khi đưa ra những văn bản quy định như thế, người ta cũng xuất phát từ mục đích tốt là bảo vệ sức khoẻ nhân dân?
- Tôi cũng có nhận thấy điều đó.
- Theo ông, vì sao người ta có mục đích, động cơ tốt song lại không thể chuyển hóa vào trong những văn bản mang tính thuyết phục?
- Là bởi họ không cân bằng được giữa trạng thái nôn nóng, vội vàng, muốn cho ra hiệu quả tức thì với việc phải cân nhắc thấu đáo trước khi ra quyết định. Văn bản quy phạm pháp luật phải được tính toán cẩn trọng. Tiếc là ở ta chưa làm được.
Đừng có đổ hết cho năng lực
- Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có những văn bản bị cho là “trên trời” như thế. Thử “bắt bệnh” cho nó, theo ông là do đâu?
- Dễ dàng nhận thấy rằng việc ban hành văn bản ở ta không bắt nguồn từ thực tiễn. Cái xưa nay chúng ta vẫn nói là đưa pháp luật vào cuộc sống chỉ đúng một phần. Bây giờ phải là đưa cuộc sống vào pháp luật, nhưng ta vẫn giữ tư duy cũ thành thử các văn bản pháp luật xưa nay không có hiệu lực thực thi hoặc kém hiệu lực.
- Thú thực, đôi khi đọc những văn bản đó, tôi tự hỏi: Không hiểu người ta nghĩ cái gì mà quy định như thế?
- Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi đó. Nó có vấn đề về trình độ, năng lực. Nhưng nó cũng có lý do mang tính hệ thống mà chúng ta không nên chỉ chăm chăm trách bản thân người ra quyết định.
- Ông đang biện hộ cho những người ra văn bản “trên trời” dù chính ông cũng thấy bức xúc với những văn bản đấy?
- Không phải, mà đó là thực tế. Ở ta hiện nay, bản thân người quản lý ra quyết định còn phải hướng về phía trên, giữa người dân và cấp trên thì họ chiều cấp trên hơn vì họ ăn lương từ cấp trên, ngồi ở vị trí đó là do cấp trên chứ không phải từ lá phiếu của người dân. Thậm chí, nếu làm đúng ý chí của dân thì họ mất chức, mất lương vì nhiều khi ý chí của trên nhưng cũng là ý chí của con người, chiều được người nọ thì lại mất lòng người kia. Do vậy, đừng có đổ hết cho năng lực!
- Nghĩa là, những người ra văn bản “trên trời” cũng cần được thông cảm?
- (Cười) Đó là sự thật mà. Họ cũng có cái khó khi đưa ra quyết định chứ. Dĩ nhiên, cũng tùy từng văn bản nhưng đúng là đang tồn tại thực tế như vậy.
Không thể lu loa “đã lấy ý kiến”, nếu…
- Ông đánh giá thế nào về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở ta hiện nay?
- Tôi rất đồng ý với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi đánh giá rằng, ở ta có cả một rừng luật nhưng hành xử lại áp dụng luật rừng. Đó là câu ví von rất hay và cũng cực chuẩn.
Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi như có nên gọi là văn bản quy phạm pháp luật hay bỏ chữ quy phạm đi. Chúng ta phân biệt như thế hóa ra chúng ta chỉ chú trọng khâu văn bản chứa đựng quy phạm còn những văn bản là nghị quyết, quyết định, chỉ thị của một người đứng đầu hành pháp lại không ban hành đúng quy trình, trong khi đáng ra quy trình chuẩn phải áp dụng cho mọi văn bản.
- Vậy thế nào mới là quy trình chuẩn trong ban hành văn bản?
- Nó tùy từng mức độ và từng loại văn bản. Nhưng tựu trung lại, trước hết cần căn cứ xem cơ quan ra văn bản đó là gì. Nếu là Quốc hội thì phải có biểu quyết đa số, muốn vậy phải tranh luận. Nhưng trước đó, để đưa ra một dự thảo luật thì cần những người làm công tác chuyên môn soạn thảo, không được duy cảm, duy lý.
Còn với cơ quan hành pháp, việc ban hành ra các quyết định là quyền của anh nhưng phải đúng luật. Muốn vậy, trước hết phải đúng thẩm quyền, thứ hai là đúng quy trình mà một trong những quy trình là khi ban hành quyết định liên quan đến quyền lợi của một nhóm xã hội nào đó thì phải hỏi ý kiến của họ như thế nào. Người Pháp có câu “Quyền của tôi phải được bảo vệ”, người Anh và Mỹ có câu “Phải lắng nghe phía bên kia”. Những cái như thế tiếc là chúng ta không có.
- Sao ông lại bảo không có, vì người ta vẫn lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật rồi đấy chứ?
- Đúng là người ta có lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo, thông thường là trên các website. Vậy nhưng, nên nhớ, thứ nhất không phải ai cũng có điều kiện sử dụng internet. Thứ hai, ngay với bản thân tôi có khi còn phải lăn lộn, vướng bận nhiều thứ trong cuộc sống cũng chẳng biết đến cái việc lấy ý kiến ấy. Thứ nữa, khi những văn bản ấy chưa động chạm đến quyền lợi của người ta thì họ chẳng quan tâm đâu.
- Thế thì còn trách gì được những người ra văn bản nữa, vì họ sẽ bảo “chúng tôi đã lấy ý kiến rồi đấy, quý vị không góp ý thì khi ban hành quyết định, quý vị đừng kêu ca”!
- Không thể mang cái lý do đó ra để nại được. Anh không thể tung một cái dự thảo dài ngoằng ra để bắt người dân phải đọc rồi cho ý kiến. Không phải cứ tung dự thảo lên mạng rồi lu loa “chúng tôi đã lấy ý kiến rồi đấy” là xong đâu.
- Vậy theo ông, làm gì để đưa ra được những văn bản khiến người dân tâm phục khẩu phục?
- Muốn vậy, với những dự thảo luật dài tới hàng trăm trang, người soạn thảo nên làm bản tóm lược những ý chính để người ta tiện theo dõi, góp ý. Còn với những dự thảo văn bản hành chính có tác động trực tiếp tới quyền lợi của người dân thì cần phải trực tiếp hỏi ý kiến của họ thông qua những buổi tiếp xúc. Biết là như thế sẽ làm khó nhà quản lý, nhưng đó là việc buộc phải làm để tránh những văn bản “trên trời”.
- Tôi e sẽ là chưa đủ nếu chính bản thân những người làm công tác điều hành, quản lý cũng phải bớt vô cảm?
- Dĩ nhiên rồi. Bản thân họ cũng cần phải học để hiểu về quyền hạn, trách nhiệm của mình, nâng cao năng lực, trình độ thì mới đưa ra văn bản có tính khả thi. Ngoài ra, họ cũng cần nhận thức được rằng mình phải công tâm, vì dân. Muốn vậy thì việc tuyển chọn, bầu cử phải hoàn toàn từ lá phiếu của nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn ông!

/*** GS Nguyễn Đăng Dung“Luật phải là công lý, là bình đẳng, bác ái. Gần đây, người ta có khái niệm kiểu chúng tôi đã làm đúng quy trình (dù có gây oan sai hay chết người). Không có nhà nước pháp quyền nào làm đúng pháp luật mà chết người cả. Nếu không thì không thể cho là làm đúng được, họ chỉ bao biện thôi”./
 (Red.vn)
Theo Buivanbong

Chạy việc

Vnexpress

Gần đây, một em gái liên lạc với tôi để xin lời khuyên. Mẹ em đang muốn trả 300 triệu đồng cho người ta để đổi lấy vị trí tốt trong một ngành.
Em bảo đang rất phân vân vì số tiền quá lớn, đồng nghĩa với việc em gần như phải làm việc không lương trong nhiều năm. Nhưng em nghe nói vị trí ấy “nhàn và sung sướng” lắm, lại ổn định nên không muốn bỏ lỡ cơ hội.
Tôi những muốn hỏi lại em: Cơ hội nào? Cơ hội để phí phạm số tiền lớn mà mẹ em, một viên chức bình thường, đã vất vả tích lũy trong nhiều năm? Cơ hội để dung túng và nuôi dưỡng căn bệnh tham nhũng đang hoành hành trong bộ máy nhà nước? Dù suy nghĩ theo cách nào, tôi vẫn không hiểu nổi vì sao em lại cảm thấy điều đó đáng làm. Em chỉ vừa ra trường và tràn đầy sức sống như mọi cô gái 9x mà tôi biết, vậy mà em đã sớm hình thành tư duy hưởng thụ - chọn việc nhàn hạ để ấm thân (chứ không phải công việc mình đam mê và muốn cống hiến). Nhưng không chỉ có em, cách đây không lâu, một cậu bạn khác của tôi cũng nói rằng ra trường bố mẹ sẽ xin cho cậu vào một cơ quan nhà nước rất lớn. Nếu vào được, cậu sẽ có một công việc ổn định và nhiều tiền từ “các nguồn thu khác”. Tôi đã không hỏi cậu “nguồn thu khác” ấy bao gồm những gì, vì tôi không muốn cảm thấy thất vọng thêm.
Cách đây hai năm, Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã tiến hành một cuộc khảo sát về thu nhập ngoài lương của công chức, viên chức tại 10 tỉnh thành lớn trong cả nước. Cuộc khảo sát này đã cũ, nhưng tôi tin rằng nó vẫn còn khá đúng với hiện trạng của đất nước. Trong số những người được hỏi, 79% viên chức thừa nhận đã được hưởng lợi từ nguồn thu nhập phụ không nằm trong quy chế, trong đó cứ chín người thì có một cho biết số tiền họ kiếm thêm bằng ít nhất 50% lương định kỳ.
Khảo sát của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng hành vi tham nhũng đằng sau chuyện quà cáp biếu xén là có, khi 25% công chức thừa nhận từng nhận tiền hoặc quà để lợi dụng chức vụ biệt đãi người tặng quà. 17% số người được hỏi khác cho biết họ thậm chí đã duyệt thăng chức cho các nhân viên thiếu năng lực vì lợi ích cá nhân. Một số người thừa nhận đã chạy tiền để đổi lấy một vị trí trong cơ quan nhà nước.
Tình trạng chạy tiền xin việc không chỉ hoành hành ở cơ quan nhà nước. Khu vực tư nhân cũng có tình trạng này, dù có thể không nghiêm trọng bằng. Cách đây một năm, tôi được người quen giới thiệu với anh chàng làm việc cho một ngân hàng tư nhân có tiếng. Anh trông rất đẹp trai và sáng sủa. Thế nhưng ngay trong buổi gặp đầu tiên ấy, anh đã hỏi tôi: “Em có mất nhiều tiền để xin việc không?”. Thú thực, tôi không nén được nỗi bực bội khi trả lời câu hỏi đó. Nhưng anh không hề nhận ra giọng điệu có phần giận dữ của tôi. Anh cho rằng việc chạy tiền kiếm việc là đương nhiên, và chắc không thể ngờ rằng tôi lại có thể cáu vì câu hỏi đó.
Nhiều người xung quanh tôi coi chuyện chạy tiền xin việc là bình thường. Họ cho rằng ai cũng làm như thế, nên việc họ làm chẳng có gì sai trái. Tôi không biết mình có ngây thơ quá hay không, nhưng tôi tin rằng nếu tất cả mọi người đều từ chối chạy tiền, thì người ta sẽ “buộc” phải tuyển dụng người giỏi nhất trong số ứng viên. Một vị trí cho kẻ chạy tiền để xin việc có nghĩa là một người khác - có thể giỏi hơn - bị mất đi cơ hội.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Việt Nam ở vị trí 116 trên Bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2013 - một vị trí thể hiện tình trạng tham nhũng ở mức độ tương đối nguy hiểm. Việt Nam chỉ đứng sau một số nước ở châu Á như Lào, Campuchia, Bangladesh, còn lại vẫn thua các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc, và bị bỏ xa bởi Malaysia, Hàn Quốc, Brunei, Singapore và Nhật Bản.
Với tình trạng hiện nay, tôi e rằng xếp hạng năm nay của Việt Nam sẽ chẳng khá hơn là bao. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy buồn vô hạn.
Minh Thi