Trang

20 tháng 5, 2014

Đối đầu “quái vật 981”


 (kỳ 2): Trực diện trên biển

Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận nhiều cuộc hải chiến, đối đầu chống giặc ngoại xâm oai hùng và bi thương trên biển. 
 >> Đối đầu “quái vật 981” - bài 1: Hoàng Sa - chưa bao giờ gần thế

Đối đầu “quái vật 981” (kỳ 2): Trực diện trên biển
 
Nhưng, những cuộc đối đầu trực diện khi thực hiện chấp pháp bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam với các tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, hộ vệ tên lửa Trung Quốc trong suốt hơn 20 ngày qua là những "trận đánh" kỳ lạ nhất mà tôi được biết.
“Anh ra muộn mất rồi…”
Sau khi “chuyển quân” sang tàu 763 được an toàn, chưa kịp chào hỏi các thành viên trên tàu, tôi đã ngủ vùi sau một đêm gần như thức trắng trước đó. “Nhà báo ơi, dậy đi ra ngoài cho thoáng” - kiểm ngư viên tên Nam lay tôi dậy với nụ cười thân thiện.
“Anh ra muộn mất rồi. Mấy hôm trước tình hình ở đây căng thẳng, ly kỳ như trong phim hành động. Căng đến mức có lúc chúng tôi tưởng chiến tranh đã đến nơi. Nhưng mấy hôm nay thì khác, không hiểu sao tàu Trung Quốc không còn chủ động gây hấn với tàu mình như trước nữa”.
Tàu chao như đưa võng. Tôi phải “bò” ra ngoài với thoáng hụt hẫng sau khi nghe “anh ra muộn mất rồi”. Đập vào mắt tôi là “quái vật” Hải Dương 981 bốn bề đầy nanh vuốt với cái đầu nhọn đâm chọc lên đầy thách thức ở khoảng cách hơn 10 hải lý, chung quanh có hàng chục tàu Trung Quốc bảo vệ. Tàu 763 chúng tôi lúc này đang thả trôi trước mặt “quái vật”.
Đối đầu “quái vật 981” (kỳ 2): Trực diện trên biển
Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đang vây một tàu kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên biển Hoàng Sa. ảnh: H.V.M
Trên boong, các kiểm ngư viên đang tắm gội, trêu đùa, kỳ cọ lưng cho nhau bằng đế của những chiếc dép nhựa. Khung cảnh đẹp và yên bình tới mức tôi ngỡ mình đang ở trên một du thuyền nào đó chứ không phải con tàu tham gia chiến dịch đẩy đuổi “quái vật” ra khỏi vùng biển Hoàng Sa, điểm nóng đang làm sục sôi triệu triệu trái tim Việt. Nhưng vẻ bình yên đó chỉ kéo dài đến hết đêm hôm ấy.
Cận cảnh một "trận chiến"
Sớm hôm sau, khi tôi vừa phát hiện trên mạn phải tàu kiểm ngư 763 có một băngrôn viết bằng chữ Tàu đại ý “đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc hãy rút tàu và giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi khu vực...” thì đã nghe sau lưng có tiếng loa phát bằng tiếng Việt lơ lớ: “tàu cá 763 hãy rời khỏi khu vực này, nếu không chúng tôi sẽ tiến hành bắt giữ...” được phát đi từ tàu hải cảnh số hiệu 3401 cách khoảng 2 hải lý đang chĩa mũi lao đến tàu kiểm ngư 763. Chuông báo động rung lên. Mọi người trên tàu ai nấy vào vị trí sẵn sàng ứng phó.
Gần 30 phút sau đó, hải cảnh 3401 vẫn lỳ lợm bám theo tàu kiểm ngư 763 để lải nhải xua đuổi khiến máu trong người tôi sôi lên.
Đến 8 giờ, chuông báo động rung lên lần nữa. Tôi cầm máy ảnh lao lên đài chỉ huy. Lúc này có đến 3 con hải cảnh đang lao đến tàu kiểm ngư 763 với thế trận bao vây từ hai bên và khoá đuôi.
“Mọi người vào vị trí, chuẩn bị đóng cửa tránh vòi rồng” - lệnh được phát đi từ thuyền trưởng Nguyễn Nam Hải. Không khí bắt đầu căng thẳng. Tàu kiểm ngư 763 được lệnh nổ cả 3 máy để tăng tốc, nhưng tàu họ còn tăng tốc nhanh hơn bởi nó to hơn, khoẻ hơn tàu kiểm ngư 763 đến 4 - 5 lần. 8 giờ 30, khoảng cách lúc này giữa các tàu là 5 hải lý, rồi 4 hải lý, 3 hải lý, 1 hải lý...
Tàu kiểm ngư 763 - nơi phóng viên Báo Lao Động tác nghiệp bị tàu Trung Quốc đâm móp mạn.
Tàu kiểm ngư 763 - nơi phóng viên Báo Lao Động tác nghiệp bị tàu Trung Quốc đâm móp mạn.
“Chú ý mạn phải, hải cảnh 4044 đang thử “chim” (vòi rồng), nhà báo và các người bên ngoài vào trong ngay để đóng cửa” - ai đó hét lên. Cửa bên hông đài chỉ huy ở mạn phải vừa đóng sập thì vừa lúc hải cảnh 4044 lao lên song song với kiểm ngư 763 và hướng vòi rồng xuống thân tàu, đặc biệt là đài chỉ huy. Nước tung lên trắng xoá sau những ô cửa kính, toàn tàu rung lắc, các chốt cửa, ốc vít trong tàu kiểm ngư 763 rung bần bật trước áp lực của vòi phun. “Trái 5 độ, phải 7 độ, chú ý bên mạn trái, một con hải cảnh nữa đang tiến lên” - giọng phát ra từ đài chỉ huy vẫn bình tĩnh.
Bỗng nghe một tiếng rầm, tôi bị bật ngã khỏi vị trí. Mũi hải cảnh 4044 vừa đâm vào mạn tàu kiểm ngư 763 thì gặp lúc sóng nhồi đưa tàu kiểm ngư lên cao, mũi hải cảnh 4044 theo đó cũng bị hất lên khiến tàu địch như dựng đứng. “Hắn sắp bị lật” - ai đó reo lên.
Nhưng “hắn” chưa kịp lật thì sóng đã hạ xuống. Mũi hải cảnh 4044 vừa tách khỏi tàu kiểm ngư 763 thì “hắn” bồi tiếp một cú bẻ lái ngay sau đó. Tôi có cảm giác một nửa trên của hải cảnh 4044 được gấp lại rồi quăng ngang vào tàu kiểm ngư. Rầm, rắc rắc!...
Như thể tàu chúng tôi đang vỡ tung, nhiều kiểm ngư viên ngã lăn chiêng, ghế, vật dụng trên đài chỉ huy và dưới tàu rơi loảng xoảng. “Mưa đá” từ vòi rồng tàu Trung Quốc vẫn liên tục dội xuống. “Trái 3 độ, phải 5 độ, chú ý mạn trái và đằng sau tàu Trung quốc đang lên” - tình hình căng như dây đàn nhưng giọng chỉ huy vẫn điềm tĩnh như trước đó. Phải hơn 30 phút chịu trận, tàu kiểm ngư 763 mới thoát khỏi sự vây hãm của hải cảnh 4044 và 2 tàu khác.
Mọi người lập tức kiểm tra thiệt hại. Cú bẻ lái của con hải cảnh 4044 làm sập toàn bộ phần lan can boong bên mạn phải và hỏng một phao cứu sinh của tàu kiểm ngư 763. Lúc này trên bầu trời, từng tốp máy bay lượn lờ, quần thảo đầy đe doạ.
Mặc kệ máy bay trên đầu, anh em kiểm ngư viên lúi húi đi tìm dép của mình. “Lại mất thêm một chiếc nữa rồi. Cứ mỗi lần Trung Quốc phun vòi rồng là dép trên tàu lại mất đi một ít, đà này chắc mấy hôm nữa cả tàu mình đi chân đất...” - một người lẩm bẩm.
“Các anh nghĩ đến điều gì trong phút giây sinh tử vừa qua?” - tôi tò mò đặt câu hỏi với vài thành viên đứng gần. Thuyền trưởng Nguyễn Nam Hải trả lời: “Điều duy nhất tôi nghĩ đến lúc đó là làm sao bảo đảm được an toàn của anh em trên tàu. Thật ra, đối đầu với tàu Trung Quốc như vừa rồi không phải lần đầu mà là chuyện cơm bữa từ nhiều năm nay nên không ai nao núng hay run sợ dù tàu họ mạnh và hung hãn như anh vừa chứng kiến...”.
Dù không bị thương tích sau cú ngã khi tàu Trung Quốc đâm húc, nhưng toàn thân tôi rã rời sau trận chiến đầu tiên do căng thẳng cộng với say sóng. Vừa xuống đến phòng ngủ ở tầng 1 để chợp mắt một lát thì chuông báo động lại rung vang. Tôi ôm máy ảnh lao lên đài chỉ huy.
Lần này, tàu kiểm ngư 763 không bị đe doạ nhưng có đến 4 con hải cảnh đang vây hãm, phun vòi rồng và đâm húc tàu kiểm ngư 7752 cùng đội với 763 ở hướng mạn trái. Bốn vòi rồng của tàu Trung Quốc cùng lúc tấn công khiến tàu kiểm ngư 7752 lúc này chỉ còn là cái bóng mờ mịt giữa trận “mưa đá”.
Chúng tôi dồn cả ra mạn tàu, ai nấy ruột gan như có lửa đốt.... “Thoát rồi!” - bên ngoài bỗng nhiều người cùng hét lên. Chúng tôi vọt ra, chứng kiến tàu kiểm ngư 7752 đã phá được vòng vây. Bốn con hải cảnh Trung Quốc vẫn hung hăng bám đuổi một lúc mới quay đầu về phía “quái vật”.
Cùng thời điểm tàu chúng tôi bị tấn công, ở các điểm khác, hàng chục tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc vây hãm, xịt vòi rồng, đâm húc... Và đã có hàng trăm cuộc đối đầu kiểu chiến tranh du kích cùng những cảm xúc uất nghẹn như vậy từ những người thực hiện nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam từ ngày 2.5 đến nay.
Làm sao có thể khác hơn được khi khí tài hai bên quá chênh lệch và lực lượng chấp pháp của Việt Nam chỉ được lệnh ngăn chặn, xua đuổi, tránh mắc bẫy khiêu khích của Trung Quốc?
Không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo
Hai ngày sau đó, vùng biển Hoàng Sa nơi tôi và các kiểm ngư tàu 763 đang chấp pháp, độ nóng có giảm đi chút ít. Mỗi ngày 2 bận, tàu chúng tôi vào ra khu vực cư ngụ của “quái vật”, có khi vào sâu đến 5 hải lý, nhưng tàu Trung Quốc chỉ lượn lờ đe doạ chứ không hung hăng áp sát như trước.
Thường tàu Trung Quốc và Việt Nam chỉ đối đầu nhau trong “giờ hành chính”, còn đêm đến là hai bên treo “miễn chiến bài”. Nhưng cũng có một vài ngoại lệ, như đêm tàu chúng tôi thả trôi vào gần “quái vật” ở khoảng cách 6 hải lý và cả tàu đang ăn tối thì bất ngờ tàu Trung Quốc lao ra tấn công. Chúng tôi bỏ cơm, ứng phó, mãi đến hơn 1 giờ sau mới có thể quay lại bữa cơm bỏ dở.
Những khoảng lặng ở điểm nóng thuộc vùng biển Hoàng Sa luôn ẩn chứa nhiều bất trắc. Sáng nay đang bình yên đấy nhưng chẳng ai biết được chiều nay, tối nay, hay thậm chí là vài phút sắp tới điều gì sẽ xảy ra. Tình hình ngày càng trở nên khó lường hơn khi Trung Quốc có vẻ như đang thay đổi chiến thuật. Tàu Trung Quốc được điều ra bảo vệ “quái vật” ngày một đông hơn - đến thời điểm này đã lên gần 150 tàu các loại.
Theo Hoàng Văn Minh
Lao Động

Khối ngoại hốt bạc trên TTCK


Mua vào liên tục suốt 2 tuần qua khi giá nhiều cổ phiếu giảm sâu 20 - 25%, các nhà đầu tư nước ngoài đã có đợt giao dịch khá thành công khi hiện nay thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại.

Mua ròng gần 4.500 tỉ đồng
Trong phiên giao dịch hôm qua 19.5, các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn với tổng giá trị 181 tỉ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, khối ngoại đã mua ròng gần 1.700 tỉ đồng, cao hơn cả lượng mua ròng của cả tháng 4 trước đó. Tính chung từ đầu năm đến nay, các NĐTNN đã mua ròng gần 4.500 tỉ đồng.

Khối ngoại hốt bạc trên TTCK (1)
Với kinh nghiệm đối diện khủng hoảng và xử lý đầu tư, các NĐTNN đã bình tĩnh và gặt hái được nhiều kết quả. Điều này là đáng tiếc cho nhiều NĐT trong nước
Khối ngoại hốt bạc trên TTCK (2)

TS Nguyễn Văn ThuậnTrưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM

Mức độ giải ngân của khối ngoại trong hai tuần qua khá mạnh, nhất là trong những phiên thị trường giảm điểm sâu và nhiều cổ phiếu (CP) giảm giá hết biên độ. Chẳng hạn, chỉ riêng phiên giao dịch ngày 8.5, khối ngoại đã giải ngân 243,45 tỉ đồng. Bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Rồng Việt, phân tích: “Kể từ năm 2010 đến nay, khối ngoại liên tục có động thái mua vào nhiều hơn bán ra, mặc dù có những giai đoạn giao dịch khác nhau. Nếu trước đây khối ngoại ít mua bán liên tục thì hiện nay họ sẵn sàng chốt lời khi thị trường tăng điểm mạnh và mua vào khi thị trường giảm điểm. Chiến lược này không phải mới nhưng họ có kinh nghiệm và thực hiện đúng nguyên tắc khi giao dịch nên dễ dàng thu được lợi nhuận cao hơn các NĐT nội”.
Một phép tính nhỏ cho thấy chỉ trong 10 ngày qua, khối ngoại đã thu được lợi nhuận khổng lồ. Đó là trong phiên ngày 12.5, khối ngoại mua vào hơn 1,5 triệu CP HAG (Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai) với mức giá từ 21.100 - 22.000 đồng/CP (mức giá ngang bằng cuối năm 2013 của CP này). Đến phiên hôm qua, giá CP HAG đã lên 24.500 đồng/CP, tăng khoảng 3.000 đồng/CP. Đây là một mức tăng cao hơn kỳ vọng và khối ngoại đã có thể thu lợi được hơn 4,5 tỉ đồng với lượng CP vừa mua vào.
Các NĐTNN mua gì?
Câu trả lời là những CP blue-chips. Từ đầu tháng 5 đến nay, khối ngoại cũng tập trung mạnh dòng tiền vào những CP thuộc nhóm này như HAG, ITA (Công ty CP đầu tư và công nghiệp Tân Tạo), HPG (Công ty CP tập đoàn Hòa Phát), VIC (Tập đoàn VinGroup - Công ty cổ phần), VNM (Công ty CP Sữa VN), DPM (Công ty CP phân bón và hóa chất dầu khí)… Đây cũng là những doanh nghiệp đang dẫn đầu về kết quả kinh doanh tốt trong quý 1 vừa qua. Chẳng hạn, HAG công bố lợi nhuận sau thuế đạt gần 400 tỉ đồng; VIC đạt 1.068 tỉ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2013; HPG đạt 910 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 41% kế hoạch cả năm 2014…
Giám đốc một quỹ đầu tư Nhật tại TP.HCM nhận xét trong đợt giảm điểm mạnh vừa qua, hầu hết các quỹđầu tư và bộ phận tự doanh của nhiều công ty chứng khoán đều mua ròng bởi đây là cơ hội quá tốt. Nếu nhiều CP trước đó rất khó mua do giá cao hoặc người bán không muốn nhả hàng thì ở những phiên vừa qua, cơ hội vàng đã đến với người mua. “Có thể thấy các NĐTNN luôn tuân thủ đúng chiến lược và kỷ luật mua thấp - bán cao, tham lam khi thị trường sợ hãi. Điều mà các NĐT trong nước dù biết rõ nhưng đã không đủ độ "lì" để thực hiện”, vị giám đốc này nói.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận xét: “Trong những phiên lo sợ thái quá, các NĐT trong nước đã bán ra và đánh mất thành quả của việc giá chứng khoán tăng trước đó. Ngược lại, với kinh nghiệm đối diện khủng hoảng và xử lý đầu tư, các NĐTNN đã bình tĩnh và gặt hái được nhiều kết quả. Điều này là đáng tiếc cho nhiều NĐT trong nước”.
Theo Mai Phương
Thanh niên

Trung Quốc tính sai ở biển Đông


Không có tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở biển Đông hiện nay là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trang tin tức Asia Sentinel hôm 19-5 đăng bài viết trong đó nhận định Trung Quốc đã tính toán sai khi đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển của Việt Nam. Theo bài viết, một bước đi đơn phương như thế không chỉ khiến quan hệ với Việt Nam căng thẳng mà còn dẫn đến làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế và làm sống lại “mối đe dọa Trung Quốc” ở Đông Nam Á.
Mang tiếng là đưa giàn khoan đi khai thác dầu nhưng rõ ràng hành động này mang động cơ chính trị nhiều hơn là kinh tế. Theo chuyên gia Yenling Song của Công ty Platts Energy (Singapore), Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang trả khoảng 328.000 USD mỗi ngày để duy trì hoạt động của giàn khoan, trong khi khả năng nó tìm thấy dầu tại nơi đang hoạt động trái phép là không nhiều.
Lợi nhuận đã không là lý do thì nhiều khả năng Bắc Kinh muốn củng cố yêu sách chủ quyền trên biển Đông thông qua hành động này. Bắc Kinh đã sai nếu nghĩ thế bởi sẽ không có tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở biển Đông hiện nay là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Một lý do khác là Trung Quốc có thể âm mưu gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN và cô lập Việt Nam. Bắc Kinh có lẽ hy vọng lặp lại thành công mà nước này đạt được tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia hồi tháng 7-2012. Hội nghị này diễn ra sau khi Trung Quốc chiếm giữ thành công bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và đã không có thông cáo chung nào về biển Đông được đưa ra do những bất đồng sâu sắc.
 Tàu Cảnh sát biển Việt Nam (phải) ngăn chặn tàu Trung Quốc ở khu vực đặt giàn khoan trái phép
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam (phải) ngăn chặn tàu Trung Quốc ở khu vực đặt giàn khoan trái phép
Ảnh: Reuters
 
Tuy nhiên, điều này không tái diễn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Myanmar gần đây. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và hội nghị cấp cao sau đó đã lần lượt đưa ra tuyên bố chung chỉ trích những sự kiện ở biển Đông. Bài viết nhận định: “Nếu Trung Quốc hy vọng cô lập được Việt Nam và gây chia rẽ ASEAN thì nước này đã thất bại. Đối mặt với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biển Đông, ASEAN trở nên đoàn kết và lo ngại về những ý đồ của Trung Quốc hơn bao giờ hết”.
Bên cạnh đó, cũng có thể xem hành động nêu trên của Trung Quốc là nhằm gây sức ép lên Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN về vấn đề soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
ASEAN hy vọng COC có thể giúp ngăn chặn những tranh chấp trên biển nhưng Trung Quốc lại không hào hứng trong việc hoàn tất văn kiện này, khiến  các cuộc đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ. Những diễn biến mới nhất ở biển Đông chắc chắn sẽ càng khiến ASEAN quyết tâm đòi hỏi một COC nghiêm ngặt. Một lần nữa, theo bài viết, bước đi giàn khoan lại có hại cho Trung Quốc về lâu dài.
Nói tóm lại, cho dù có ý đồ gì thì hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông hiện nay sẽ chỉ gây tổn hại cho nước này cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Các nước láng giềng sẽ ngày càng tức giận, lo lắng và xa lánh Trung Quốc, đồng thời có thêm lý do mới để hoan nghênh chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Bằng chứng là cả Malaysia và Indonesia đang công khai lo ngại về Trung Quốc ở biển Đông.
 Theo Hoàng Phương
Người lao động

Cảnh giác với việc TQ sơ tán công nhân về nước


"Trung Quốc sơ tán công dân là hành vi thái quá"

(GDVN) - Trung Quốc điều tàu "di tản công dân" cũng là một cách (thủ đoạn nham hiểm - PV) để chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến dư luận vụ giàn khoan 981.
Việt Nam tạo điều kiện để Trung Quốc đưa công dân về nước theo yêu cầu từ đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Thiện chí này của Việt Nam đang bị bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh xuyên tạc hòng bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam và đổ tội cho Việt Nam gây căng thẳng.
Bloomberg ngày 19/5 dẫn lời ông Trần Đắc Hòa, Phó Chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh cho biết, 2 tàu Trung Quốc đã rời cảng Vũng Áng đưa theo 1908 công dân Trung Quốc rời Việt Nam ngày hôm qua, hơn 3000 người khác sẽ được đưa về nước hôm nay với 2 tàu Trung Quốc đang chờ.

Trong hoạt động tuần hành phản đối Trung Quốc cắm giàn khoan 981 trái phép tại vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa Việt Nam, một số kẻ xấu đã lợi dụng tình hình, đập phá tài sản doanh nghiệp nước ngoài và hành hung các công dân Trung Quốc, nhưng ngay sau đó lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm soát tình hình, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người nước ngoài, trong đó có công dân Trung Quốc.

Tuy nhiên theo Thông Tấn Xã Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trung Quốc sơ tán công dân của họ về nước, nhưng bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh tiếp tục bóp méo thiện chí này, vu cáo và đổ lỗi cho Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 - PV.

Động thái Trung Quốc điều tàu để đón người lao động của họ từ Việt Nam về nước "có thể là một phản ứng thái quá cho dù nó được cố tình thực hiện như một thông điệp chính trị hay không", David Koh - một nhà tư vấn độc lập và là cựu thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận xét.

Theo David Koh, các tín hiệu thực sự có thể thấy đằng sau cái Bắc Kinh gọi là "sơ tán công dân" của họ hiện nay là nhằm chứng minh với người dân Trung Quốc rằng nhà nước luôn quan tâm đến họ.

Chuyên gia Biển Đông Singapore Ian Storey cho rằng, việc Trung Quốc điều tàu "di tản công dân" cũng là một cách (thủ đoạn nham hiểm - PV) để chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến dư luận vụ giàn khoan 981.

Bloomberg cũng cho biết Việt Nam đã nỗ lực khôi phục trật tự, người đứng đầu Chính phủ đã kêu gọi người dân thể hiện lòng yêu nước một cách hòa bình, kiềm chế các cuộc biểu tình trái phép và giúp Chính phủ duy trì trật tự xã hội, an ninh.

Mặc dù bế tắc trên Biển Đông vẫn đang tiếp tục (khi Trung Quốc chưa chịu rút giàn khoan 981 - PV), thì ở biên giới, mối quan tâm về người Trung Quốc chỉ mang tính địa phương, những người Trung Quốc vẫn qua lại biên giới và sang Việt Nam để vào sòng bạc, khách sạn. Ben Reichel, giám đốc điều hành của tập đoàn Donaco National hoạt động trong lĩnh vực khách sạn và sòng bạc tại Lào Cai cho biết.


Putin và Tập Cận Bình thảo luận gì ở Thượng Hải?



 - Sáng 20.5, Tổng thống Nga V. Putin đã đến Thượng Hải, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc và tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á.

Theo Tân Hoa xã, Tổng thống Nga Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, diễn ra trong hai ngày 20 và 21.5, tại Thượng Hải.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin sẽ hội đàm vào ngày 20.5 để ra một tuyên bố “đáng kể”, đồng thời cũng chứng kiến lễ ký một loạt các thỏa thuận hợp tác song phương quan trọng.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Putin kể từ khi tái đắc cử và là cuộc gặp thứ hai trong năm của hai nhà lãnh đạo Nga- Trung.

Đừng để lòng yêu nước trong… "tủ kính"



Sợi dây lịch sử của lòng yêu nước sẽ bị cắt đứt nếu chúng ta cứ bàng quan, nói để mà nói, tiếp tục tán gẫu như thể đặt lòng yêu nước trong "tủ kính" mà “ngắm” với nhau vậy.


Theo VNN
Yêu nước là phải hiểu lịch sử đất nước

Nếu đơn thuần “lòng yêu nước là truyền thống quý báu, lâu đời của dân tộc” thì chỉ là nói để mà nói, khẩu hiệu chung chung, chẳng định hình được lòng yêu nước và mang chút giá trị thực tiễn nào cả.

Ảnh: Cổng làng, nét văn hoá nuôi dưỡng tâm hồn Việt (Nguồn: Làng Việt)

Chưa xác định đối tượng thì chưa thể so sánh, miêu tả đối tượng ấy. Thế nên, hiểu như vậy về lòng yêu nước là mơ hồ, phản khoa học, tất yếu sẽ rơi vào bế tắc, luẩn quẩn.

Lòng yêu nước cũng không phải “tự nhiên, ai cũng có”; và xa hơn nữa, chẳng có thứ tình cảm nào là tự nhiên, ai cũng có cả. Mọi sự phát sinh, tồn tại, phát triển của tình cảm, hành động, hiện tượng,…đều có nguồn gốc, môi trường, điều kiện cần thiết. Chưa tìm hiểu, nghiên cứu mà kết luận “tự nhiên, ai cũng có” là võ đoán, quan liêu, thậm chí bất lực.

Yêu nước chính là yêu thương đồng bào. Sự thôi thúc từ con tim ấy cộng với sự dẫn đường của lý trí khiến người ta cụ thể hóa thành bảo vệ tổ quốc, gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng kinh tế, chăm lo môi trường, làm từ thiện…

Muốn “yêu” ai phải biết mặt, biết tên; muốn “yêu nước” thì đương nhiên và tối thiểu cần biết ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, phạm vi lãnh thổ,…đất nước mình ra sao: hình chữ S, nằm ở khu vực Đông Nam Á, nói tiếng Việt, ăn bằng đũa…chứ không phải hình chiếc ủng của Ý, nằm ở Bắc Mỹ, nói tiếng Anh, ăn bằng thìa-dĩa…

Những kiến thức này chẳng thể “tự nhiên, ai cũng có”; nó là khoa học, là giáo dục, là lao động bài bản và nghiêm túc chứ chẳng phải “nói chơi”.

Bảo rằng một đứa trẻ lên ba hoặc một người dân tộc vùng xâu vùng xa là “có sẵn lòng yêu nước” trong khi họ còn chưa biết chữ là giáo điều, áp đặt, duy tâm, siêu hình. Phải tích lũy vốn kiến thức căn bản thì chúng ta mới xác định được ai là đồng bào, đâu là đất nước để mà yêu thương.

Tuy nhiên, chỉ kiến thức nền được phổ cập thôi thường là không đủ. Cần cả một quá trình trải nghiệm, va đập phức tạp nữa để một cá nhân “có thể” trắc ẩn nơi trái tim, chín chắn nơi khối óc rồi yêu thương đồng bào, yêu thương đất nước, cuối cùng và đỉnh cao là yêu thương toàn nhân loại.

Người vị kỷ là không Yêu Nước


Nhấn mạnh rằng “có thể” đồng nghĩa khả năng “không thể” vẫn xảy ra. Suốt chiều dài lịch sử, trong mọi quốc gia, dân tộc luôn tồn tại những người không yêu nước. Chẳng hạn các bạo chúa, độc tài phong kiến khi xưa; hay những kẻ buôn bán ma túy ngày nay.

Nói vậy để thấy rằng: từ cái “tôi” cá nhân đến cái “chúng ta” trong gia đình, từ cái “tôi gia đình” đến cái “chúng ta” làng xóm, từ cái “tôi” làng xóm đến cái “chúng ta” xã hội, dân tộc, đất nước…là những tầng nấc đấu tranh, phát triển liên tục từ riêng đến chung, từ nhỏ đến lớn, từ ích kỷ đến tập thể. Quá trình phát triển này vô cùng khó khăn, phức tạp.

Đó là quy luật tất yếu. Chẳng có cái gì gọi là “tự nhiên, ai cũng có” ở đây cả. Không phải ai cũng đi được từ yêu mình, vì mình đến yêu người, vì người. Mà nếu không yêu người, vì người thì không bao giờ có chuyện yêu đồng bào, yêu tổ quốc hay vì dân, vì nước.

Bảo rằng lòng yêu nước luôn thường trực, đang “ngủ quên” và chỉ cần “đánh thức” thì nó sẽ “dậy” là ngụy biện, lảng tránh sự thật, mang tư tưởng trông chờ, đi ngược lại quan điểm của Marx-Lenin và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đời sống kinh tế quyết định đời sống chính trị, văn hóa, xã hội; quan hệ vật chất, lợi ích chi phối các mối quan hệ khác giữa người với người.

Thế nên, có những đứa con đang tâm sát hại ông bà, cha mẹ, họ hàng, bè bạn chỉ vì vài đồng bạc chơi game; có người chồng đang tâm giết vợ chỉ vì...không chịu dọn cơm! Tuy còn ít ỏi song nguy cơ rạn vỡ tình cảm - dù thiêng liêng, cao đẹp đến mấy – cũng đã rõ ràng.

Gieo mầm tình cảm thật khó nhưng nuôi nấng, gìn giữ nó còn khó hơn gấp bội. Cái xấu xa “cá biệt” sẽ trở thành cái xấu xa “phổ biến” nếu không có sự quan tâm, phòng ngừa đúng mực. Khối đoàn kết sẽ nhanh chóng bị chia rẽ nếu bài toán kinh tế, vật chất, lợi ích không được giải quyết thỏa đáng.

Sợi dây lịch sử của lòng yêu nước sẽ bị cắt đứt nếu chúng ta cứ bàng quan, nói để mà nói, tiếp tục tán gẫu như thể đặt lòng yêu nước trong tủ kính mà “ngắm” với nhau vậy.

Đôi mắt sắc lạnh của bầu Kiên trước tòa


 - Sáng nay (20/5), phiên xử Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm được mở lại sau khi bị hoãn (ngày 16/4) do ông Trần Xuân Giá nằm viện không thể hầu tòa. Xem lại hình ảnh Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm tại phiên tòa hôm 16/4.

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; Trần Xuân Giá; xét xử; Huyền Như
 
Nam Phong