Trang

11 tháng 5, 2014

Gái xinh, kinh nghiệm vẫn dính bẫy trai đẹp, có học thức

Những cô gái đẹp có tiền, có kinh nghiệm tình trường lại vẫn có thể dại tới mức bị lừa, bị cướp mà chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Còn kẻ lừa tình là người có bằng cử nhân ĐH Ngoại thương, từng tu nghiệp ở Anh, học cao học ở Iceland, công ăn việc làm ổn định, vợ đẹp con khôn...

“Trai đẹp” Đỗ Tuấn Hiệp.
“Trai đẹp” Đỗ Tuấn Hiệp.
Gái đẹp dại trai
Thông qua mạng xã hội, Đỗ Tuấn Hiệp (SN 1984, tạm trú ở ngõ 290 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội; hộ khẩu thường trú ở 96 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) quen biết chị T (ở quận Đống Đa, Hà Nội) – một cô gái ở tuổi 30, chưa chồng, đẹp như người mẫu, kinh tế khá giả. T là người từng trải, có nhiều bạn trai và từng rủ nhau đi du hý một số nơi trên thế giới. Nhưng lần này, dù chỉ quen biết qua mạng nhưng T đã dễ dàng nhận lời Hiệp đến khách sạn để “tâm sự”.
Theo hẹn, khoảng 16h thứ Bảy ngày 19.4, Hiệp đã đến khách sạn Venus (ở 15 đường Láng Hạ, Hà Nội) để thuê phòng. Nhưng khi lễ tân yêu cầu cung cấp giấy chứng minh thư, nhằm tránh sự điều tra của cảnh sát sau này, y nói chỉ là tiền trạm đến tham quan phòng trước cho một bạn gái mới ở nước ngoài về chơi. Còn giấy tờ tùy thân thì chờ bạn gái lúc đến sẽ trình.
Về phần cô gái, theo lễ tân khai, T tự điều khiển chiếc ôtô 4 chỗ hạng sang (do đề nghị của bị hại, chúng tôi không đưa tên thật, địa chỉ nhà ở, kể cả phương tiện đi lại), xách trên tay là chiếc túi hàng hiệu bước vào khách sạn. Cũng theo lễ tân, khi Hiệp ra khỏi khách sạn thì cũng không mấy ai chú ý vì đối tượng này đã khai chỉ đến đặt phòng hộ.
Một lúc sau, bộ phận đón khách ở tầng 1 của khách sạn nghe tiếng kêu “cướp, cướp” liền quay lại thì thấy T vừa nhẩy lò cò từ tầng 2 xuống vừa kêu cứu. Các nhân viên lễ tân biết ngay có chuyện khi thấy cô gái bị trói và bên dưới chỉ có một chiếc quần lót. Rồi họ bất ngờ khi nạn nhân lẳng lặng thu dọn hành lý rời khách sạn, không nói một câu về việc bị cướp cũng như không yêu cầu trình báo công an.
Nhưng qua các nguồn tin và với trách nhiệm của mình, các trinh sát hình sự công an quận Ba Đình đã không bỏ qua vụ việc. Không như các vụ án khác, trong vụ cướp này, các trinh sát phải đi tìm địa chỉ, tiếp cận nạn nhân và vận động hợp tác để truy tìm thủ phạm. Bỏ qua mặc cảm việc bị lừa tình, T bắt đầu khai báo với cơ quan điều tra.
Theo nạn nhân, khi mới lên phòng, ngay lập tức Hiệp đã khống chế, rồi dùng băng dán khổ to trói chặt chân, tay, dán vào miệng và dọa T nếu la hét sẽ bị giết ngay lập tức.
Sau đó, Hiệp bắt đầu lục lọi và với con mắt của kẻ biết ăn chơi, y chỉ lấy đi những đồ có giá trị: Một túi xách nhãn hiệu Chanel (trị giá khoảng 150 triệu đồng), một điện thoại Vertu màu đen, trắng (T mua năm 2009 trị giá 140 triệu đồng), một điện thoại iPhone 5, một iPhone 4, một điện thoại Nokia và 24 triệu đồng tiền mặt.
Chưa an tâm, trước khi rời khỏi phòng, Hiệp còn giật dây điện thoại cố định trong phòng buộc vào chân T để nạn nhân không thể ra khỏi phòng. Hiệp vừa ra khỏi phòng, T dùng tay kéo được băng dính trên miệng kêu cứu, nhưng không ai nghe được tiếng kêu. Sau đó, T tìm cách thoát được mớ dây điện thoại, nhẩy lò cò ra khỏi phòng và cứ nhẩy như vậy từ tầng 2 xuống tầng 1.
Về phần tên cướp, không biết đối tượng có phải muốn giảm tội lỗi của mình hay không mà Hiệp khai, thực tế hai người đã “ân ái mặn nồng” rồi, nhưng thấy bạn gái có nhiều đồ giá trị, lúc đó mới sinh lòng tham. Nhưng với cuộn băng dính (để trói nạn nhân) được chuẩn bị từ trước và vụ lừa đảo ngay đêm cùng ngày với một cô gái khác đã chứng minh việc cướp là chủ ý ngay từ đầu của y.
Nạn nhân không muốn hợp tác với cơ quan điều tra
Từ các lời khai của nạn nhân, các trinh sát hình sự đã xác định được đối tượng gây án và không khó khăn lắm để bắt đối tượng nghiệp dư như Hiệp. Bám theo Hiệp từ quận Ba Đình cho đến quận Cầu Giấy, chỉ chờ Hiệp dừng xe máy vào một cửa hàng tạp hóa, các trinh sát đã ập đến. Không một lời chối cãi, đối tượng ngoan ngoãn theo các trinh sát về công an quận Ba Đình và thừa nhận những hành vi mình đã gây ra với chị T.
Tại cơ quan điều tra, Hiệp khai, sau khi gây án với chị T lúc 16h chiều, đến 23h cùng ngày, cũng qua mạng xã hội, y lại “dụ dỗ” được chị H (SN 1980, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tới khách sạn Sen (26 Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) để “tâm sự”.
Trắng trẻo, xinh đẹp lại là gái một con, nên H trông rất đằm. Và cũng siêu lòng trước những lời có cánh, trẻ trung của Hiệp, nàng đi taxi đến khách sạn trước để lấy phòng. Thay vì đưa chứng minh thư, H đặt 1,5 triệu đồng cho lễ tân để lấy phòng và hồi hộp nằm chờ người tình chưa một lần gặp mặt.
Không uổng công chờ đợi, gõ cửa bước vào phòng là một thanh niên vừa đẹp trai, vừa tỏ ra có học, ăn nói lịch thiệp nhưng không kém phần ga lăng. Cả hai tỏ ra tâm đầu ý hợp khi họ vừa “tâm sự” vừa xem bóng đá và cùng thức trắng đến gần 6h sáng.
Hiệp cố chứng tỏ tình yêu H tới mức không muốn ai can thiệp (gọi điện thoại) vào đêm thứ 7 tuyệt vời của hai đứa bằng cách thu cả hai điện thoại của nàng. Y nói với người tình, muốn ra ngoài dạo một tý cho sảng khoái và để tránh người tình nghi kỵ Hiệp vẫn để đồ và điện thoại của mình lại phòng.
Sau đó, khi cả hai rời khách sạn, H vẫn ngoan ngoãn đi theo mà không để ý đến việc y vẫn cầm cả hai chiếc điện thoại của mình. Xuống đến lễ tân thanh toán, còn thừa 500.000 đồng của H, Hiệp cầm lấy và thản nhiên đút túi, H vẫn không thấy điều gì bất thường.
Trước khi ra khỏi khách sạn, Hiệp thì thầm với H “em đi sau một chút nhé, ở đây gần cơ quan anh, gặp người quen thì phiền lắm”. Đang ngất ngây vì tình, Hiệp nói gì H chẳng nghe. Kể cả khi ra cửa khách sạn không thấy người tình đâu, nàng vẫn nghĩ chàng trai trẻ chắc muốn chơi trò ú tim cho cuộc tình thêm phần thi vị.
Nhưng chỉ chục phút sau, H hiểu ra mọi chuyện và đắng cay lủi thủi đi về mà không dám nói cùng ai, kể cả với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ngay đến lúc các trinh sát tiếp cận rồi, H vẫn không muốn kể lại chuyện tình như... ác mộng. Chỉ đến khi được động viên, H mới bắt đầu vào chuyện một cách... dè chừng.
Biến thành kẻ cướp chỉ vì muốn... vui một tý
Tôi không thể hình dung nổi hai cô gái đẹp như mộng, đều già dặn tình trường, sao vẫn có thể dễ bị lừa tình một cách dễ dàng như vậy? Liệu phía sau cái gọi là cuộc tình này còn ẩn khuất điều gì khác? Đây là câu hỏi ám ảnh tôi sau khi tiếp cận với hồ sơ cũng như với Hiệp.
Dù không có tiền án, tiền sự, không nghiện hút, là kẻ vừa bị bắt tạm giam, nhưng khi nói chuyện, Hiệp luôn tỏ ra chủ động. Vừa mới ngồi xuống ghế đối diện, Hiệp đã hỏi anh có phải nhà báo không. Dù rất thích nhìn thẳng vào mắt người đối thoại khi nói chuyện, nhưng khi tôi vừa giơ máy ảnh lên y cúi mặt xuống rất nhanh.
Mới bị tạm giam mấy ngày, nhưng chắc vì mất ngủ, nên trên khuôn mặt trắng trẻo thư sinh, mắt Hiệp đã thâm quầng, thiếu thần sắc. Khi nói chuyện, Hiệp khá bình thản, không biểu cảm khi kể lại chuyện gia đình: Đã có một cô con gái lên 2 tuổi và người vợ có lẽ nay cũng đã đến bệnh viện để sinh thêm bé gái nữa.
Hiệp cũng không tỏ ra đau đớn, ân hận khi cho biết, gia đình bị khuynh gia bại sản là do chính y gây nên. Bố mẹ Hiệp tuy chỉ là viên chức nhà nước bình thường, sau khi nghỉ “một cục” về nhà buôn bán vặt và do có vài nhà cho thuê nên sống khá sung túc.
Khi mới lớn, Hiệp là niềm tự hào của gia đình khi thi đỗ vào trường ĐH Ngoại thương. Dù gia đình có của ăn của để, nhưng Hiệp vẫn vừa học, vừa đi làm ở một Cty xây dựng của ông anh họ.
Thấy tiềm năng của Hiệp, Cty cho đi tu nghiệp tại Anh một năm khi Hiệp vẫn đang học đại học. Tốt nghiệp ĐH, Hiệp lại được gia đình cho đi Iceland học cao học. Kết thúc khóa học, Hiệp về Hà Nội làm việc với ông anh họ.
Con đường sự nghiệp đang thênh thang phía trước, vậy mà, chỉ vì vui với bạn bè, cá độ “bóng bánh” một tý cho vui, chẳng mấy chốc Hiệp đã “ngập” vào trò đỏ đen tới mức bố mẹ phải bán dần nhà cửa để trả nợ cho Hiệp. Rồi cả căn nhà được bố mẹ mua cho cũng bị Hiệp bán đi nốt.
Rốt cuộc, Hiệp phải đi thuê nhà và vợ chồng bắt đầu lục đục. Đang lúc mang bầu, tiền nong không còn, trong lúc nóng giận, vợ thách đố “ông có giỏi thì tối nay mang tiền về cho tôi”, “dạng ông chỉ có đi cướp may ra mới có tiền”... , thế là Hiệp đùng đùng bỏ nhà ra đi.
Trước khi đi, vì sĩ diện, vì tự ái và nói cho sướng mồm, Hiệp bảo: “Tao sẽ đi cướp cho mà xem”.
Nào ngờ, chỉ chục ngày sau, lời nói tưởng như chỉ buông ra lúc điên giận lại thành sự thật. Có lẽ, chính Hiệp cũng không ngờ mình có ngày dám hành động như vậy và tôi cũng hy vọng là như thế.
Theo Văn Hải
Lao động

Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN-24 về tình hình Biển Đông


(Dân trí) - Ngày 11/5, Chủ tịch Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 24 đã ra tuyên bố về tình hình hiện nay ở Biển Đông.

Thủ tướng phát biểu về vụ giàn khoan Trung Quốc trước ASEAN
Các nhà lãnh đạo ASEAN trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại thủ đô Myanmar Nay Pyi Taw (Ảnh: Đức Tám).
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông. Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin; thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo đó, chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở Biển Đông, đã được Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra ngày 10/5/2014".
Trước đó, trong Tuyên bố ngày 10/5, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, cho rằng các vụ việc này đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Các Ngoại trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và UNCLOS, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Các Ngoại trưởng ASEAN cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như tầm quan trọng của Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm ký DOC.
Các Bộ trưởng kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được COC.
- Trong Tuyên bố chung Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 24 cũng nhấn mạnh đến tăng cường hợp tác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông;

Miền đông Ukraine bỏ phiếu về ly khai


Cư dân hai vùng ở Dotnesk và Luhansk, miền đông Ukraine, hôm nay đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập khỏi Kiev, lặp lại kịch bản của bán đảo Crimea.
Ballot boxes stand already bearing the flag of Donetsk People's Republic at a polling station, in preparation for the upcoming referendum in the center of Donetsk, Ukraine, Saturday, May 10, 2014. Two restive regions in eastern Ukraine are preparing to vote on declaring sovereignty and ceding from Ukraine, in a referendum on Sunday in the Donetsk and Luhansk regions, where pro-Russia insurgents have seized government buildings and clashed with police and Ukrainian troops. (AP Photo/Manu Brabo)
Người dân hai vùng Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine hôm nay tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc tăng sự độc lập của khu vực và tách khỏi Kiev. Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa từ 8h và đóng cửa vào 22h. Trong ảnh, các hòm phiếu với hình lá cờ "Cộng hòa nhân dân Donetsk" được chuẩn bị cho một điểm bỏ phiếu ở Donetsk. Ảnh: AP.
People visit a polling station to take part in the referendum on the status of Donetsk region in the eastern Ukrainian city of Mariupol May 11, 2014. Pro-Russian separatist leaders pressed a referendum on self-rule across eastern Ukraine on Sunday that has raised fears in Kiev and the West of civil war and dismemberment. REUTERS/Marko Djurica (UKRAINE - Tags: POLITICS CIVIL UNREST ELECTIONS)
Chính quyền Kiev và phương Tây đều phản đối cuộc trưng cầu dân ý, coi đây là hành động "bất hợp pháp". Quyền Tổng thống Ukraine Oleksandr Turchynov hôm qua cảnh báo rằng sự độc lập của hai vùng miền đông "sẽ tàn phá kinh tế ở nơi này". Ảnh: Reuters.
"I wanted to come as early as I could. We all want to live in our own country," said Zhenya Denyesh, a 20-year-old student voting at a three-storey concrete and glass university building.  Asked what he thought would come after the vote, he replied: "It will still be war."
Reuters dẫn lời Zhenya Denyesh, sinh viên 20 tuổi, muốn đến điểm bỏ phiếu sớm nhất có thể bởi anh "muốn sống trong đất nước của riêng mình". Khi được hỏi về điều gì sẽ xảy ra sau trưng cầu, Denyesh cho rằng đó sẽ vẫn có thể là chiến tranh. Ảnh: Reuters.
Members of a local election commission sit at a polling station to take part in the referendum on the status of Donetsk region in the eastern Ukrainian city of Donetsk May 11, 2014. Pro-Russian separatist leaders pressed a referendum on self-rule across eastern Ukraine on Sunday that has raised fears in Kiev and the West of civil war and dismemberment. REUTERS/Maxim Zmeyev (UKRAINE - Tags: POLITICS CIVIL UNREST ELECTIONS)
Vyacheslav Ponomaryov, người tự xưng là thị trưởng thành phố Slavyansk, hy vọng 100% người dân sẽ tham gia vào cuộc bỏ phiếu. Sau khi có kết quả kiểm phiếu, "Cộng hòa nhân dân Donetsk sẽ bắt đầu vận hành" và sẽ xây dựng "những mối quan hệ thân thiện" với Nga. Trong ảnh, thành viên của ủy ban bầu cử địa phương ở thành phố Donetsk chuẩn bị cho cuộc trưng cầu. Ảnh: Reuters.
A woman casts her ballot as she visits a polling station to take part in the referendum on the status of Donetsk region in the eastern Ukrainian city of Donetsk May 11, 2014. Pro-Russian separatist leaders pressed a referendum on self-rule across eastern Ukraine on Sunday that has raised fears in Kiev and the West of civil war and dismemberment. REUTERS/Maxim Zmeyev (UKRAINE - Tags: POLITICS CIVIL UNREST ELECTIONS)
Tuy nhiên, Roman Lyagin, một thủ lĩnh lực lượng ly khai khác, nói rằng dù câu trả lời là "có" thì vẫn không có nghĩa rằng hai khu vực này sẽ sáp nhập vào Nga. Trong ảnh, một phụ nữ bỏ lá phiếu tại điểm bỏ phiếu ở thành phố Donetsk. Ảnh: Reuters.
Ballots, cast by voters, are seen inside a ballot box at a polling station during the referendum on the status of Luhansk region in the village of Khryaschevatoye outside Luhansk, eastern Ukraine May 11, 2014. Pro-Russian separatist leaders pressed a referendum on self-rule across eastern Ukraine on Sunday that has raised fears in Kiev and the West of civil war and dismemberment. REUTERS/Valentyn Ogirenko (UKRAINE - Tags: POLITICS CIVIL UNREST ELECTIONS)
Những lá phiếu đầu tiên tại điểm bỏ phiếu ở làng Khryaschevatoye ngoại ô thành phố Luhansk, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters.
People stand in a line to enter a polling station to take part in the referendum on the status of Donetsk region in the eastern Ukrainian city of Mariupol May 11, 2014. Pro-Russian separatist leaders pressed a referendum on self-rule across eastern Ukraine on Sunday that has raised fears in Kiev and the West of civil war and dismemberment. REUTERS/Marko Djurica (UKRAINE - Tags: POLITICS CIVIL UNREST ELECTIONS)
Người dân đứng xếp hàng tham gia trưng cầu dân ý tại một điểm bỏ phiếu ở thành phố Mariupol, thuộc vùng Donetsk. Ảnh: Reuters.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý này, nhằm chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để tiến hành đối thoại và tìm giải pháp cho vấn đề khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, những người biểu tình bỏ qua lời kêu gọi của Putin.
Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở miền đông Ukraine ngày một tăng cao khi quân đội Ukraine đang mở các đợt tấn công vào một số thành phố nhằm giành lại quyền kiểm soát từ tay lực lượng ly khai. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý này, nhằm chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để tiến hành đối thoại và tìm giải pháp cho vấn đề khủng hoảng ở Ukraine nhưng những người biểu tình bỏ qua lời kêu gọi của Putin. Ảnh: AFP.
Bản đồ thể hiện vị trí các thành phố Donetsk, Luhansk và Kharkiv của Ukraine. Đồ họa:BBC
Bản đồ thể hiện vị trí vùng Donetsk và Luhansk của Ukraine. Đồ họa: BBC.
Video Người dân ở thành phố Mariupol đi bỏ phiếu
Như Tâm (Video: RT)

Nhặt bọc tiền để trả lại nhưng bị vu là hôi của

Một bác tuổi trung niên vượt lên, giằng co lại bịch tiền kèm theo lời nói: “Tao không tin mày, bọn trẻ bây giờ láo lắm".
Tôi năm nay 20 tuổi, đang theo học một trường cao đẳng ở TP HCM. Câu chuyện xảy ra vào ngày thi cuối kỳ. Tôi dậy muộn, nhà tôi ở quận Tân Bình mà trường tận quận 12 nên sáng đó, tôi liều mạng phóng như bay trên đường.
Khi cách trường chừng 500m, bất ngờ một chiếc túi ni lông trắng rơi xuống mặt đường từ chiếc xe cọc cạch chạy trước tôi. Phản ứng theo bản năng, tôi dừng xe cúi xuống nhặt, đó là một bịch tiền với rất nhiều tờ 20.000, 50.000, 100.000 đồng được gói gém trong hai lớp túi ni lông cẩn thận.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tôi toan rồ ga để trả lại cho chủ nhân của nó (chiếc xe cọc cạch chạy phía trước), nhưng từ bên phải, một bác tuổi trung niên vượt lên giật lại bịch tiền từ tay tôi.
Tôi giằng co vì nghĩ là cướp, nhưng khi nghe bác đó bảo: "Mày không được lấy tiền của người khác", tôi biết mình bị hiểu lầm nên cố gắng phần trần và giằng lại bịch tiền vì chiếc xe đó ngày một chạy xa. Tuy nhiên, điều tôi nhận lại được chỉ là câu nói: “Tao không tin mày, bọn trẻ bây giờ láo lắm”.
Giằng co một hồi, bịch ni lông bị rách, tiền rơi tung tóe, bác trung niên nhặt bịch tiền rồi gửi nhờ một sạp báo ven đường để chờ người quay lại lấy. Tôi chẳng quan tâm tới lời nói của bác ấy, tôi chỉ nghĩ làm sao để trả lại tiền cho chủ nhân của nó, vậy là tôi rồ ga đuổi theo chiếc xe rớt tiền.
Chạy được vài trăm mét, tôi cũng bắt kịp chiếc xe cọc cạch. Đó là một cô bán rau dạo, có lẽ bịch tiền kia là cả gia tài với cô nên khi nghe tôi bảo cô đánh rơi tiền rồi quay lại lấy, cô bấn loạn rồi mừng rơn.
Tôi quay đầu xe rồi dẫn cô trở lại sạp báo để lấy lại tiền, trên đường đi cô cảm ơn tôi rối rít và luôn kèm theo câu hỏi: “Đến nơi chưa con?”, cô hỏi tôi câu đó đến 5 lần.
Quay lại sạp báo, cô bán rau nhận lại được tiền của mình, khi đã an tâm, tôi phóng xe đi đến trường trong cái nhìn ngạc nhiên của người bán báo. Lòng phơi phới vì làm được một việc tốt nhưng trong tôi vẫn có chút gì đó hơi nhói lòng.
Bác trung niên đó là người tốt, trách thì chỉ trách Sài Gòn xô bồ quá nên đôi khi người ta mất đi một chút niềm tin.
Nguồn: VNE

Máy bay tiêm kích TQ xâm phạm không phận VN


TTO - Sáng 11-5, đại tá Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, cho biết Trung Quốc đã đưa cả máy bay chiến đấu vào bảo vệ giàn khoan HD981, xâm phạm chủ quyền biển và không phận Việt Nam.
Theo đại tá Thu, trong ngày 10 và sáng 11-5, cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện có hai tốp máy quan quân sự của Trung Quốc bay phía trên các tàu của cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư với độ cao từ 800m – 1000m.
Trong số này có một tốp máy bay tiêm kích của Trung Quốc và một máy bay cánh bằng mang số hiệu 9401 lượn trên không khu vực của tàu CSB 8003.
Cũng trong ngày 10-5, phía Trung Quốc đã tạo ra một vùng bán kính bảo vệ cách giàn khoan theo hình rẻ quạt khoảng 7 hải lý gồm các tàu dân sự và tàu chấp pháp của Trung Quốc. Những tàu này thực hiện việc ngăn chặn đối với tàu của Việt Nam khi tiến về phía giàn khoan HD981.
Các tàu Trung Quốc ngăn cản phía mũi tàu của ta, sử dụng vòi rồng phun nước công suất lớn phun vào tàu Việt Nam.
Đến nay Trung Quốc vẫn duy trì 3 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu tấn công nhanh để ngăn cản tàu của Cảnh sát biển Việt Nam.
Về phía mình, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã dùng loa tuyên truyền, phản đối hành vi Trung Quốc xâm phạm vùng biển và vi phạm quyền tài phán của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 và các tàu bảo vệ khỏi thềm lục địa và vùng biển của Việt Nam.
Quan điểm của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là kiên trì bám trụ trên biển, kiềm chế, không đẩy tình hình nóng lên và hạn chế va chạm, tránh gây ra những tổn thất đối với tàu của ta và thương vong đối với cán bộ chiến sĩ và kiểm ngư viên.
Đại tá Ngô Ngọc Thu cũng bày tỏ lòng cảm ơn đối với người dân trên cả nước, kiều bào nước ngoài, bạn bè quốc tế đã có những chia sẻ và bày tỏ lòng cảm phục trước những hành động dũng cảm, mưu trí, quyết tâm của lực lượng cảnh sát biển trong bảo vệ chủ quyền trên biển.
Đạt tá Thu thay mặt cán bộ chiến sĩ và kiểm ngư viên đang hoạt động trên biển gửi lời cảm ơn đến đồng bào cả nước, kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế đã có những quan tâm và gửi lời chia sẻ, động viên đến lực lượng. Đó là tình cảm để tiếp thêm sức mạnh đối với các lực lượng trong việc quyết tâm bám trụ vùng biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.
M.QUANG

Thủ tướng VN: 'Hành động của TQ cực kỳ nguy hiểm'


Trong lần đầu tiên chính thức lên tiếng về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang gia tăng các hành động cực kỳ nguy hiểm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Naypyitaw, Myanmar. Ảnh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Naypyitaw, Myanmar. Ảnh: AFP
Tuyên bố của Thủ tướng được đưa ra tại phiên họp Cấp cao của ASEAN diễn ra tại Myanmar hôm nay. Ông có một bài diễn văn trong đó nhấn mạnh đến an ninh ở Biển Đông.
"Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. 
"Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương".
"Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông".
Thủ tướng thông báo rằng Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. "Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn", ông cho biết.
"Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với Luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình", Thủ tướng khẳng định.
"Chúng tôi trân trọng cám ơn và khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam", ông Dũng nói.
Thủ tướng đề nghị ASEAN khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, phải đặc biệt tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Thủ tướng đề nghị đưa các nội dung nêu trên về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Việt Nam cũng đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5 đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra các đề xuất của Việt Nam về lộ trình xây dựng và tương lai của cộng đồng ASEAN và ủng hộ việc thông qua Tuyên bố Naypyitaw về xây dựng Cộng đồng ASEAN làm văn kiện định hướng cho các hoạt động trong năm 2014.
ttg-2.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN hôm nay. Ảnh:Việt Anh
Vũ Hà - Việt Anh

Người dân ba miền tuần hành phản đối Trung Quốc


"Ủng hộ Chính phủ, phản đối Trung Quốc" - dòng người hô to trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, trên đường phố Đà Nẵng và TP HCM sáng 11/5 để yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động bất hợp pháp tại vùng biển Việt Nam.
Tượng đài Lê Nin (mặt đường Điện Biên Phủ và Hoàng Diệu, Hà Nội)7h30 sáng 11/5 náo nhiệt khác thường bởi dòng người kéo về tập trung trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc, biểu tình ôn hòa để phản đối hành vi xâm phạm thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc, ủng hộ Chính phủ bảo vệ chủ quyền.
Họ giương cao khẩu hiệu: "Đồng hành cùng Chính phủ bảo vệ Tổ quốc; Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
Cổng Đại sứ quán Trung Quốc đóng kín. Các hàng rào sắt được dựng phía trước, lực lượng bảo vệ đứng trước rào chắn làm nhiệm vụ.
DSC-1883.jpg
Hàng nghìn người tụ tập, hô vang khẩu hiệu trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc. Ảnh: Quý Đoàn.
Mỗi lúc dòng người đổ về một đông, khoảng 9h, con số đã lên đến hàng nghìn người với đầy đủ thành phần nam phụ lão ấu. Có những người trong trang phục cựu binh, mặc áo in hình cờ Tổ quốc. Nhiều em nhỏ cũng được bố mẹ cho tham gia đoàn tuần hành. Gương mặt ngây thơ của các em nhìn về phía cổng Đại sứ quán đang đóng kín. Những người dân cho biết, họ đoàn kết một lòng, phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, xâm phạm thềm lục địa Việt Nam.
Các cựu binh từng chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang) cũng đến đây bày tỏ thái độ. "Trải qua chiến tranh nên không muốn con cháu phải sống những ngày gian nan đó, chúng tôi muốn giải quyết ôn hòa", ông Nguyễn Ngọc Thạch, chiến sĩ sư đoàn 356 từng chiến đấu ở Vị Xuyên nói. Các cựu binh trong trang phục bộ đội, mang theo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép khỏi vùng biển Việt Nam.
cuubinh-3394-1399778610.jpg
Những cựu chiến binh hô vang khẩu hiệu đoàn kết để bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Quý Đoàn.
"Tôi là người Việt Nam và không thể ngồi nhìn Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước", ông Chu Việt, cựu chiến binh phường Kim Mã, Hà Nội nói.
Đám đông liên tục hô vang "Đả đảo Trung quốc, Việt Nam Hồ Chí Minh muôn năm". Đoàn người cũng đọc lớn bài thơ Nam Quốc sơn hà, hát Quốc ca và vỗ tay vang dội. Một cụ già giơ tấm biển viết tay lời thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Biển Đông vạn dặm giang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình".
Lực lượng công an có mặt khắp các cung đường, ngã rẽ dẫn vào Đại sứ quán Trung Quốc. Lực lượng kiểm soát quân sự cũng tham gia phân luồng giao thông, đảm bảo trật tự.
Xe của công an phường trước cổng Đại sứ quán phát thanh nói về tình hình những ngày qua, kêu gọi đồng bào bình tĩnh, hãy yêu nước theo cách của bản thân, góp phần bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời khẳng định hành động của Trung Quốc đi ngược lại với Luật Biển Liên Hợp Quốc và quan hệ hữu nghị hai nước.
be-3894-1399776970.jpg
Một em bé được người thân đưa đi tham gia cuộc phản đối. Ảnh: Phạm Công Minh.
Gần 2 tiếng sau khi người dân thể thiện thái độ, trong cánh cổng Đại sứ quán Trung Quốc, một số người xuất hiện dùng máy ảnh, máy quay phim ghi lại hình ảnh người Việt Nam tụ tập bên ngoài.
Lúc này, ba thanh niên Việt Nam với áo in hình I love Ha noi, Viet Nam (Tôi yêu Hà Nội, Việt Nam) tay vẫy lá cờ đỏ sao vàng, cầm giấy in dòng chữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" bắt nhịp cho mọi người cùng hô vang thông điệp phản đối Trung Quốc.
Xe thương binh dán khẩu hiệu "Đả đảo Trung Quốc xâm lược biển Đông của Việt Nam, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam là bất khả xâm phạm, chúng ta không thể đứng im cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm", được đưa đến trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc.
Nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Huần, Tam Dương (Vĩnh Phúc) đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan. "Chúng tôi là phụ nữ nhưng cũng không thể ngồi yên trước hành động ngang ngược này. Chúng tôi từng chiến đấu gian khổ để giành độc lập cho dân tộc, nên không dễ dàng để Trung Quốc leo thang như vậy", bà Huần nói.
DSC-1819.jpg
Cựu chiến binh bắt nhịp để người dân hô khẩu hiệu. Ảnh: Quý Đoàn.
Có mặt trong đoàn mít tinh, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: "Là con dân của đất Việt, tôi lần đầu tiên tham gia cuộc biểu tình, chống lại ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Chính phủ, Quốc hội Mỹ, Nhật cùng chính phủ, người dân nhiều nước trên thế giới đã ủng hộ chúng ta, lên án hành vi xâm phạm thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc".
Cậu học sinh trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa) Nghiêm Minh Trị và em gái được bố mẹ đưa đến tượng đài Lê Nin, hô khẩu hiệu cùng những người xung quanh. Người cha giảng giải cho các con nguyên nhân vì sao người dân Việt Nam lại tập trung phản đối Trung Quốc. "Lớn lên con muốn làm bộ đội để bảo vệ Tổ quốc", Trị nói.
Bé Nghiêm Minh Trị đi cùng gia đình đến phản đối Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Thùy.
Học sinh tiểu học Nghiêm Minh Trị và em gái được bố giải thích ý nghĩa cuộc biểu tình. Ảnh: Hoàng Thùy.
Khoảng 10h, đoàn người mít tinh bắt đầu dừng hô khẩu hiệu và nói chuyện về lịch sử, về chủ quyền và sự đoàn kết của các cựu binh. Những tràng pháo tay vang lên giòn giã. Người phía trong Đại sứ quán Trung Quốc tiếp tục chụp ảnh và quay phim.
Một phần đoàn người phản đối từ tượng đài Lê Nin, tuần hành qua phố Hàng Bông lên Hồ Hoàn Kiếm. Số người trên phố nhập vào đoàn tuần hành mỗi lúc một đông, ước chừng lên đến 1.000 người. Họ hát quốc ca, những bài ca về biển đảo. Lực lượng trật tự đã đề nghị các cửa hàng trên phố Hàng Bông tạm dừng kinh doanh để đoàn người đi qua trong trật tự.
Trưa Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ dự báo có thể lên đến 36 độ C, nhưng những âm thanh hô vang bảo vệ Việt Nam vẫn không giảm.
DSC-1782.jpg
Một phần đoàn biểu tình tiếp tục diễu hành từ Đại sứ quán Trung Quốc lên trung tâm Hà Nội. Ảnh: Quý Đoàn.
Khoảng 10h30, đoàn người qua tòa nhà Hàm cá mập, đi một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm. Tiếng loa thông báo tạm thời chấm dứt cuộc tụ tập phản đối Trung Quốc vang lên, thành viên đoàn tuần hành đã giãn ra và về dần. Họ động viên nhau giữ sức khỏe và hẹn nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, họ sẽ tiếp tục tụ tập phản đối.
Tại Đại sứ quán Trung Quốc, vài trăm người tụ tập thành các nhóm nhỏ, kể cho nhau nghe những câu chuyện lịch sử. Thanh niên tình nguyện, lực lượng bảo vệ vẫn làm nhiệm vụ tại hiện trường. Gần 12h trưa, các hàng rào sắt đã được tháo hết, đường Hoàng Diệu qua Đại sứ quán Trung Quốc đã được lưu thông.
Cùng thời điểm với Hà Nội, tại TP HCM hàng nghìn người tay cầm băng rôn và biểu ngữ xuất phát từ Nhà hát thành phố, tuần hành qua đường Đồng Khởi, Nhà thờ Đức Bà rồi về ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu, gần Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM. Họ hô vang các khẩu hiệu: "Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan về nước", "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam"...
Hàng trăm chiến sĩ công an, cảnh sát giao thông giữ trật tự quanh khu vực, phong tỏa các tuyến đường nơi đoàn tuần hành đi qua. Hàng chục cảnh sát cơ động xếp hàng tránh việc đoàn biểu tình tiếp cận sát Lãnh sự quán. Sau khi được công an giải thích, những người phản đối vòng qua Hồ Con Rùa, đường Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng rồi trở về gần Lãnh sự quán tiếp tục hô vang khẩu hiệu.
Trước đó, ngày 10/5, người TP HCM đã tập trung tại khu vực này mang theo biểu ngữ: "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", "Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi lãnh hải Việt Nam".
bt5-6803-1399780580.jpg
Dòng người tuần hành trên đường phố TP HCM sáng 11/5. Ảnh: Hữu Công.
Trời miền Trung sáng 11/5 nắng nóng gay gắt, không ngăn được hơn 3.000 người Đà Nẵng tập trung tại công viên Bạch Đằng, dưới chân cầu Rồng. Họ căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi thềm lục địa Việt Nam.
Đoàn biểu tình đi qua các con phố lớn, liên tục hô to khẩu hiệu: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Phản đối Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa Việt Nam", "Dỡ bỏ giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi biển Đông"... 
Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc kéo dài nhiều tiếng liền thu hút sự chú ý, quan tâm của người dân và khách du lịch tại thành phố bên sông Hàn.
Đoàn người cho biết, họ sẽ tiếp tục tập trung đông hơn để biểu tình phản đối, nêu cao tinh thần bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm phạm trắng trợn từ phía Trung Quốc.
bt2-2025-1399789685.jpg
Nhân sĩ, trí thức và người dân TP HCM tuần hành yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Ảnh: Hữu Công.
Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc: "Người dân không làm thế mới lạ"
Trao đổi với VnExpress sáng 11/5, ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết, do có cuộc họp đột xuất của Ủy ban nên ông không có mặt cùng nhân dân xuống đường tuần hành thể hiện lòng yêu nước, phản đối hành động đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc.
Theo ông Kim, việc người dân tổ chức mít tinh, biểu tình vừa qua là chính đáng, là hành động tự vệ trước việc đất nước bị xâm phạm chủ quyền. "Việc làm này phù hợp pháp luật, thể hiện tinh thần dân chủ. Nếu nhân dân không phản ứng mới là lạ. Trước sự thách thức về chủ quyền Tổ quốc, bất cứ người dân đất nước nào cũng làm vậy, trong khi người dân Việt Nam đã phải đổ biết bao máu, mồ hôi và nước mắt qua các thế hệ mới giữ được độc lập như ngày nay", ông nói.
"Chúng ta phải biết trân trọng tình cảm đó của nhân dân. Chỉ có người dân mới giải quyết được vấn đề bảo vệ đất nước. Đó là chân lý muôn thuở", ông Kim bày tỏ thêm.
Đánh giá về các hoạt động biểu tình sáng 11/5, ông Kim cho rằng “rất chừng mực và có văn hóa”. Theo ông, các hoạt động như vậy đã biểu hiện được lòng yêu nước mà không động chạm chuyện này chuyện khác, không gây thiệt hại tài sản của Nhà nước hay của nhân dân.
“Các cuộc mít tinh, biểu tình cũng không đi lạc vào chủ đề khác, không gây kích động, bạo lực. Tôi đánh giá cao những hành động rất văn hóa như vậy. Ứng xử văn hóa đó là rất tuyệt vời”, ông Kim nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm, các cuộc biểu tình đã thể hiện sự coi trọng tình hữu nghị vốn có của hai nước. Điều đó có lợi cho nhân dân, cho hòa bình hai nước và khu vực mà không gây thiệt hại cho bên nào.
Nhóm phóng viên
Video: Thanh Tùng - Hồng Phúc