Trang

16 tháng 3, 2014

Đại gia - chân dài: chuẩn mực đáng lo của giới thượng lưu mới

Đại gia - chân dài: chuẩn mực đáng lo của giới thượng lưu mới
"Trong khi những cuộc mua bán dâm trá hình cao cấp của các đại gia, chân dài, quan chức... được chấp nhận như một chuẩn mực của giới thượng lưu mới, thì người ta kỳ thị, lên án, xua đuổi, đăng lên mặt báo ảnh các cô gái bán dâm bình dân bị gom túm tụm lại như những kẻ ăn cắp vặt. " – TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển (CECODES), chia sẻ với Một Thế Giới.
Những năm gần đây, chính sách của Việt Nam đối với quản lý hoạt động mua bán dâm đã có nhiều tiến bộ, tư duy quản lý mại dâm cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, hợp pháp hoá mại dâm ở Việt Nam vẫn còn đang là một đề tài gây nhiều tranh cãi. 
Nghề mại dâm được coi là một trong những nghề cổ xưa nhất của xã hội. Ngay cả ở những xã hội nghiêm khắc nhất, mại dâm vẫn tồn tại. Vậy câu chuyện quản lý mại dâm nên được nhìn nhận dưới góc độ nào, theo anh?
Chúng ta nên nhìn nhận mại dâm trên hai phạm trù: Thứ nhất là phạm trù đạo đức, thứ hai là phạm trù quản lý xã hội. Trên khía cạnh đạo đức, nhiều người phản đối mại dâm vì cho rằng tình dục phải luôn gắn với tình yêu, nó là cái chỉ có thể trao tặng nhau, chứ không thể đem ra mua bán được. Rằng khi mua bán tình dục thì chúng ta chỉ còn lại phần “con”, chứ không còn phần “người” nữa. 
Quan điểm này rất lãng mạn, nhưng đáng tiếc nó không thực tế. Đòi hỏi tình dục phải gắn liền với tình yêu thì cũng giống như đòi hỏi hôn nhân luôn phải gắn với tình yêu vậy. Nếu bắt hôn nhân phải luôn đi cùng tình yêu thì có lẽ phải giải thể hơn nửa các cặp vợ chồng hiện nay. Rồi nếu lại bắt là hôn nhân phải đi kèm với tình dục, thì lại phải giải thể thêm một nửa trong số những hôn nhân còn lại.
Khía cạnh đạo đức của mại dâm hiện nay không còn là đề tài để tranh cãi ở phần lớn các nước - người trưởng thành và không bị ép buộc thì có quyền tự chủ về thân thể, và có lựa chọn cá nhân. Điều mà các quốc gia quan tâm hơn là các hệ luỵ xã hội như chuyện bóc lột hay buôn bán người, các bệnh tình dục, hay nạn bạo hành. Đây là những vấn đề hay đi kèm với mại dâm. Làm thế nào để giải quyết được chúng?
Câu hỏi này tương đối phức tạp, và các quốc gia khác nhau đi theo các mô hình khác nhau. Ở Đức, Hà Lan, hay Singapore, là cho phép hoàn toàn, ở đó những người bán dâm được công khai, có thẻ hành nghề, trả thuế, được bảo hiểm y tế, được lập hội đoàn… Có nơi cấm hoàn toàn, như ở Mỹ, Trung Quốc, hay Nga, đi kèm là xử phạt hành chính hay cho vào trại lao động như Việt Nam đã làm trong quá khứ. 
Giữa hai cực đó thì còn có rất nhiều sắc thái khác nhau. Có quốc gia như Anh thì cho phép mại dâm nhưng không cho phép các hoạt động môi giới, lập nhà chứa, để hạn chế việc kiếm lợi nhuận trên lưng người bán dâm. (Nhà chứa được định nghĩa là một nơi có hai hoặc nhiều hơn người hoạt động bán dâm). Thuỵ Điển, Na Uy và Iceland lại đi theo mô hình coi hành động bán dâm là không phạm pháp, nhưng mua dâm thì có - khách hàng, chứ không phải người bán dâm, là người bị coi là phạm tội. 
Thực tế, không có một mô hình nào tối ưu có thể áp dụng cho mọi quốc gia. Mỗi nước đều phải thử và tìm ra con đường đi riêng của mình, và cần luôn theo dõi, khảo sát, đánh giá tác động để điều chỉnh.
Những năm gần đây, mại dâm đồng tính nam gia tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn. Theo anh, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Liệu việc thừa nhận quyền được kết hôn của người đồng tính có giảm được hiện trạng này hay không?
Theo một khảo sát của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội năm 2012 thì có tới 14% người bán dâm nam chọn công việc này vì họ muốn thoả mãn nhu cầu tình dục của mình (Con số này chỉ là 1% ở người bán dâm nữ, ngược lại có tới 17% người bán dâm nữ đi vào con đường này do trục trặc trong quan hệ với gia đình). Qua đó, chúng ta có thể cho rằng nếu người đồng tính nam được công khai các quan hệ của mình, thậm chí được kết hôn, và không bị xã hội kỳ thị, thì con số 14% kia sẽ giảm xuống.
Một nhận xét khác là hồi đầu thế kỷ 20, tỷ lệ nam thanh niên Mỹ tìm tới gái bán dâm để có sinh hoạt tình dục khá cao, vì xã hội Mỹ hồi đó không chấp nhận tình dục trước hôn nhân. Sau này, khi xã hội cởi mở hơn, nhu cầu sinh hoạt với gái mại dâm của thanh niên mới lớn ít đi. Có thể hình dung là chuyện tương tự đang xảy ra với thanh niên nông thôn Việt Nam, nơi mà tình dục trước hôn nhân còn chưa phổ biến.
Quay trở lại câu chuyện quản lý mại dâm, liệu mô hình nào phù hợp với Việt Nam?
Thực tiễn nhiều năm ở Việt Nam đã chỉ ra là cấm đoán, phạt tiền, bắt vào trại lao động là không hiệu quả. Không những thế, cấm đoán còn đẩy những người bán dâm vào bóng tối, họ không dám tới báo công an khi bị bạo hành, quịt tiền, bị bảo kê bóc lột, hay khi rơi vào một đường dây buôn người. Chính những bất cập này đã khiến một số nơi như Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất thay đổi.  
Mô hình của Thuỵ Điển - coi người mua dâm, chứ không phải người bán dâm, là phạm pháp - theo tôi là không khả thi ở Việt Nam. Thật khó mà hình dung được là lực lượng công an sẽ công tâm và liêm chính làm chuyện này. Rồi người ta sẽ tuyên bố là ở Đồ Sơn không có người mua dâm, giống như họ đã tuyên bố là ở Đồ Sơn không có người bán dâm vậy.  
Năm ngoái, chính quyền thành phố Zurich, Thuỵ Sĩ, đã dùng tiền thuế của dân để dựng lên một số phòng bằng gỗ để người bán dâm có thể tiếp khách trong đó, miễn phí. Mỗi phòng có một poster khuyến cáo dùng bao cao su, một phòng tắm nhỏ, và một nút báo động để người bán dâm có thể báo cảnh sát khi cần.
Chúng ta chưa có điều kiện kinh tế để làm giống Thuỵ Sĩ, nhưng điều đầu tiên có thể thử nghiệm là bỏ các hình thức phạt hành chính, chấm dứt tình trạng chạy trốn, chui lủi của người bán dâm, khuyến khích họ tìm tới các nhà chức trách và công an khi có vấn đề. 
Ngoài ra, cho phép họ thành lập những nhóm, tổ, hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra điều kiện làm việc an toàn hơn, ví dụ gây sức ép lên khách hàng trong việc dùng bao cao su. Thông qua các tổ chức Phi chính phủ (NGO) cung cấp tư vấn tâm lý, tạo điều kiện cho người bán dâm chuyển nghề nếu họ mong muốn, phát hiện và triệt phá các đường dây bảo kê và buôn bán người.
Để làm được những điều trên, điều quan trọng nhất là thay đổi thái độ trong dư luận.
Như vậy, câu chuyện cấm hay không cấm, hợp thức hay không hợp thức phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức chung của cả xã hội?
Chúng ta nên chấm dứt tình trạng đạo đức giả hiện nay trong xã hội. Ngày ngày dư luận và báo chí háo hức, say sưa theo dõi những câu chuyện của các đại gia và chân dài. Đại gia mà không có chân dài thì bị coi là không có đẳng cấp, chân dài mà không đi với đại gia thì bị coi là bất bình thường. 
Rồi việc các quan chức chu cấp nhà cửa, xe cộ, hàng hiệu, cho bồ nhí, vợ bé cũng được coi là hết sức bình thường. Trong khi những cuộc mua bán dâm trá hình ở mức cao cấp này được chấp nhận như một chuẩn mực của giới thượng lưu mới, thì người ta kỳ thị, lên án, xua đuổi, đăng lên mặt báo ảnh các cô gái bán dâm bình dân bị gom túm tụm lại như những kẻ ăn cắp vặt. 
Sự khác nhau giữa hai nhóm này chỉ là ở chỗ những người bán dâm cao cấp có nhiều “vốn cơ thể” hơn, do họ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ spa, thẩm mỹ viện, cũng như đầu tư cho quần áo, trang sức, kiểu tóc… Nhóm này cũng có “vốn văn hóa” cao hơn, cho phép họ có khả năng di chuyển và giao tiếp trong môi trường khách sạn hay nhà hàng sang trọng. Những người bán dâm bình dân không có điều kiện để phát triển cả hai loại vốn này.   
Tương tự, ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu xã hội đưa ra tới 7 bậc khác nhau để phân loại đẳng cấp của những người bán dâm. Bậc một, cao nhất, là các vợ bé của các đại gia và quan chức. Bậc hai là các “vợ kèm”, những cô gái đi theo một khách hàng giàu có trong một thời gian nhất định, ví dụ trong một chuyến công tác, nhưng chưa lọt được vào bậc một. Ba bậc tiếp theo nằm trong ngành công nghiệp giải trí: những cô gái làm việc trong các karaoke, quán bar, khách sạn, tiệm massage v.v… Bậc sáu là những người bán dâm đứng đường, và bậc bảy là người bán dâm phục vụ người lao động nhập cư. Các vợ bé và “vợ kèm” được chu cấp bằng tiền tham nhũng, giống như ở Việt Nam, mà hai anh em nhà họ Dương là ví dụ nhãn tiền gần đây nhất. 
Ít ra thì những người bán dâm tự nguyện, dù hài lòng hay không với cuộc sống của mình, đều tự nhận rằng đó là lựa chọn của chính họ, và họ tự chịu trách nhiệm với bản thân, không đổ lỗi cho ai. 
Trong cuốn “Tình dục và công bằng xã hội”, giáo sư Martha Nussbaum của Đại học Chicago viết, “Tất cả chúng ta, trừ những người rất giàu có và những người thất nghiệp, đều kiếm tiền từ việc sự dụng cơ thể của mình. Giáo sư, công nhân, luật sư, ca sĩ opera, người bán dâm, bác sĩ, nhà làm luật - chúng ta đều làm những việc nhất định với những bộ phận thân thể của chúng ta, và nhận được thù lao qua đó. Có những người nhận được thù lao cao, có những người không, có những người làm chủ được điều kiện làm việc của mình, có những người không, có những người có nhiều lựa chọn trong công việc, có những người không. Và có những người bị xã hội coi rẻ, và có những người không.”
Việc một xã hội coi rẻ ai, và xu nịnh ai, nói lên rất nhiều về bản thân xã hội đó. 
Cảm ơn anh!
Theo Một Thế Giới- Tuấn Ngọc (thực hiện)

'Nhu cầu lập hội là một thực tế ở VN'

- "Nguyện vọng của người dân muốn thành lập các hội của họ cũng là một nguyện vọng chính đáng. Vấn đề chính là nhà nước phải đưa ra những cơ chế để hình thành được, nhất là điều này đã được đưa vào Hiến pháp rồi"

Bà Phạm Chi Lan

- "Tôi nghĩ rằng việc này là một việc phải giải quyết ở trong một xã hội thực sự dân chủ, mình không thể quan niệm một cách rất là máy móc như trước đây được nữa. Mình phải nhìn nhận đây là một thực tế, và có một sự hướng dẫn cho người dân".
-
GS Nguyễn Minh Thuyết

Nhu cầu thành lập các hội, đoàn là một thực tế ở Việt Nam mà chính quyền cần có sự đổi mới về nhận thức để đi tới đáp ứng, hướng dẫn người dân thực hiện quyền của họ, theo cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết.
Trao đổi với BBC hôm 16/3/2014, Giáo sư Thuyết cho rằng nhu cầu lập hội đoàn là một nhu cầu chính đáng đã được Hiến pháp Việt Nam thừa nhận, do đó mặc dù Việt Nam chưa có luật được ban hành về lập hội, các cơ quan hành pháp, trong lúc đợi luật được xây dựng, công bố, vẫn có thể căn cứ vào những văn bản pháp quy đã có để hướng dẫn người dân thực hiện quyền của họ.
Cựu đại biểu cho hay hiện vẫn chưa biết khi nào một đạo luật về quyền lập hội sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam, tuy theo kế hoạch được dự kiến mà ông biết, tới năm 2015-2016, Việt Nam có thể sẽ có luật biểu tình được trình ra Quốc hội.
Giáo sư Thuyết nói với BBC:
"Dù là chưa có luật, nhưng cũng đã có nghị định của Chính phủ về tổ chức hội rồi, và chính phủ cũng đã giao cho những cơ quan cụ thể phụ trách về vấn đề này.

"Theo tôi, trong trường hợp này, các cơ quan phụ trách cần phải căn cứ vào nghị định của Chính phủ và có hướng dẫn đối với ý kiế
n đề xuất thành lập hội của người dân.
"Để làm sao mình vừa bảo đảm được việc thực thi pháp luật, nhưn
g cũng vừa đảm bảo được nguyện vọng của người dân."
Theo Giáo sư Thuyết, với hội nào mà chính quyền cảm thấy chưa thích hợp lắm, chính quyền cũng có thể trao đổi với người dân để người dân nghiên cứu có 'tôn chỉ, mục đích' thích hợp hơn.

'Không thể máy móc'

Giáo sư Thuyết cho rằng nhà nước phải có sự thay đổi trong cách nhìn về xã hội dân sự và ứng xử với nhu cầu hội đoàn của người dân.
Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng việc này là một việc phải giải quyết ở trong một xã hội thực sự dân chủ, mình không thể quan niệm một cách rất là máy móc như trước đây được nữa.
"

"Mình phải nhìn nhận đây là một thực tế
, và có một sự hướng dẫn cho người dân.
"Để làm sao người dân thực hiện được quyền của người ta về việc thành lập hội đoàn theo quy đ
ịnh của Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam."
Giáo sư Thuyết cho rằng trong việc soạn thảo luật liên quan tới lập hội, nhà nước cần phải có bước đi cải cách.
Ông nói:
"Tôi nghĩ phải có một tư tưởng cải cách thật là mạnh, ví dụ, đã gọi là các hội đoàn, đã gọi là các tổ chức xã hội dân sự thì phải do người dân tự nguyện lập nên và kinh phí ấy là kinh phí đóng góp của các thành viên,
"Chứ không thể nào mà mình sử dụng kinh phí nhà nước để làm những việc như vậy, bởi vì nếu thế thì bộ máy hành chính quá cồng kềnh, không có một ngân sách nào chịu nổi cả."
Đến nay nhiều hội, đoàn của Việt Nam, trong đó các tổ chức như Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Hội Liên hiệp Văn học & Nghệ thuật, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, cho tới một số thiết chế khác như Tổng Liên đoàn Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng nhiều Đoàn, Đội, hội khác đều ít nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhận kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước để hoạt động và nhân sự do chính quyền xét duyệt, cơ cấu, bổ nhiệm hoặc thông qua v.v...

'Phải có luật sớm'

"

Cũng liên quan tới quyền thành lập hội của người dân và việc xã hội dân sự cần được chính quyền nhìn nhận ra sao, hôm thứ Sáu, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng chính phủ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nêu quan điểm:
"Nguyện vọng của người dân muốn thành lập các hội của họ cũng là một nguyện vọng chính đáng. Vấn đề chính là nhà nước phải đưa ra những cơ chế để hình thành được, nhất là điều này đã được đưa vào Hiến pháp rồi.
"Về quyền lập hội của người dân, cần sớm có những quy định bằng luật để cho có thể thực hiện được điều đó."
Gần đây, một loạt các tổ chức trong xã hội dân sự Việt Nam đã được người dân 'tự phát' thành lập.
Trong lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp, mới nhất là đầu tháng Ba này, đã xuất hiện một tuyên bố vận động một tổ chức được gọi là "Văn đoàn Việt Nam Độc lập" do một nhóm các văn nghệ sỹ và các nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật v.v... đứng ra đồng chủ xướng vận độngMột trong những thành viên của nhóm vận động hội đoàn này, ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hà Nội, giải thích với BBC, tổ chức này không hề có ý định đối lập với Hội nhà văn Việt Nam được chính quyền thừa nhận và cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên có thể sẽ có một cấp độ mà ông gọi là 'cạnh tranh chuyên môn' với Hội nhà văn hiện hữu, như ông Nguyên nói với BBC hôm 03/3/2014:
"Sự cạnh tranh đó sẽ trên hoạt động, rồi thì sẽ thấy cái chuyện cạnh tranh hay không.
"Chứ không phải mục đích là lập ra hội này để đối lập với hội kia, để cạnh tranh, thì điều đó, bản thân sự thành lập cũng đã có cái khác rồi.
Trước đó, trong một số lĩnh vực chính trị, xã hội và cộng đồng, một số hội dân sự đã ra đời, trong đó có các nhóm mang tên gọi như Diễn đàn Xã hội Dân sự, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Tổ chức Cựu tù nhân Lương tâm, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Dân oan Việt Nam v.v...

Tiền chạy vòng quanh- Ai hưởng lợi, ai bị hại?










- BTTD: Nhà nước phát hành trái phiếu, chỉ có các ngân hàng tranh nhau mua hết. Tiền bán trái phiếu về kho bạc, nhà nước sài không kịp nên kho bạc lại gửi vào ngân hàng 57 ngàn tỷ để hưởng lãi cho vay. Ngân hàng lại ứ vốn mà không bơm ra được thị trường, thế rồi ngân hàng lại mua trái phiếu...Tít mù tiền chạy vòng quanh... Nhà nước và ngân hàng hưởng lợi, thị trường và dân đen chết mòn.









Theo một thông tin chưa chính thức, trong tuần qua (10 - 14/3), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ngoại tệ và đáo hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, do đó, một lượng tiền tới 40 nghìn tỷ đồng được bơm thêm vào hệ thống.









Do giải ngân ì ạch nên lượng tiền gửi kho bạc hiện lên tới 57 nghìn tỷ đồng, thay vì mức bình thường là 20 - 25 nghìn tỷ đồng. Cập nhật mới nhất từ bản tin thị trường của BIDV cho thấy, trong tuần đầu của tháng 3/2014, đấu thầu trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp diễn ra khá sôi động với tỷ lệ trúng thầu được giới buôn vốn nhận xét là “gọi bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu”.

Ngân hàng giữ tiền mà lo ngay ngáy

Đã có biểu hiện ngấm ngầm cuộc đua hạ lãi suất cho vay tiêu dùng giữa các ngân hàng...




“Điệp khúc” mua trái phiếu

Theo đó, Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2, 3 và 5 năm, lãi suất trúng thầu giảm nhẹ, riêng kỳ hạn 3 năm giảm tới 17 điểm phần trăm. Ngoài ra, đơn vị này còn phát hành thêm 2 nghìn tỷ đồng tín phiếu với mức lãi suất 5,6%/năm.

Cụ thể: kỳ hạn 2 năm, gọi 3 nghìn tỷ, bán hết cả 3 nghìn tỷ, lãi suất 6,1%, giảm 5 điểm phần trăm so với phiên trước. Tương tự, kỳ hạn 3 và 5 năm gọi 4 nghìn tỷ và 3 nghìn tỷ đồng đều bán hết veo với lãi suất lần lượt là 6,58% và 7,63%, so với phiên trước, lãi suất giảm lần lượt là 4 điểm và 17 điểm phần trăm. 

Cùng đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phát hành thành công 500 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm với mức giá 7,3%/năm. Trên thị trường liên ngân hàng, vốn cũng dư dả ê hề. Tuần đầu tháng ba, doanh số giao dịch lên tới 20 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn qua đêm - 2 tuần chiếm tới 75% tổng doanh số. Mặt bằng lãi suất kỳ hạn qua đêm - 1 tuần ở mức 2% - 2,5%/năm; 2 tuần: 2,6%/năm và 1 tháng là 3,3%/năm.

Đề phòng các ngân hàng dư vốn khả dụng và “ngó nghiêng” sang ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 20 nghìn tỷ đồng qua OMO và phát hành tín phiếu. 

Theo một thông tin chưa chính thức, trong tuần qua (10 - 14/3), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ngoại tệ và đáo hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, do đó, một lượng tiền tới 40 nghìn tỷ đồng được bơm thêm vào hệ thống. 

Vì thế, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đi ngang như tuần trước đó, thậm chí giảm nhẹ ở mức 1,5% - xấp xỉ 3%/năm đối với kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần.

Cũng do ngân hàng dư vốn, ở thị trường 1 đã có biểu hiện ngấm ngầm cuộc đua hạ lãi suất cho vay tiêu dùng khi mà khu vực đầu tư tư nhân đang nằm im nghe ngóng. 

TPBank thông báo hạ lãi suất cho vay tiêu dùng với nhiều sự chọn lựa: 6,6%/năm cố định trong 6 tháng đầu; 8,8%/năm trong 8 tháng đầu hoặc 0%/năm trong tháng đầu và 8,8% trong 5 tháng tiếp theo. 

Một vài ngân hàng khác bắt đầu liên kết với các đơn vị hưởng lương ngân sách, ký thỏa thuận để cho vay tiêu dùng qua lương với mức 12%/năm, kỳ hạn 1-3 năm. Tuy nhiên, mức lãi suất tiêu dùng như trên còn hạn chế ở một số ít ngân hàng, phổ biến vẫn ở mức trên 15%/năm.

Khổ vì tiền đi lòng vòng

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong quý 1 hàng năm, tín dụng thường tăng chậm nhưng từ quý 2, sẽ bắt đầu tăng. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ phát hành trái phiếu trong quý 1 để có nguồn tiền đầu tư cho nền kinh tế. 

Gần đây, giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có sự phối hợp tương đối nhịp nhàng và nhờ đó, trong hai tháng đầu năm, phát hành thành công 55.701 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. 

Do lượng tiền về nhiều, để tránh tình huống các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn này đánh ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước vừa hút về, vừa phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu nhưng phải lựa chọn mức lãi suất phù hợp để không gây khó khăn cho phát hành. 

Theo đó, trong hai tháng đầu năm so với cuối năm ngoái, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 36 - 90 ngày đạt 5,6%/năm, giảm 0,6%; kỳ hạn 2 năm còn 6,15%, giảm 0,3%; 3 năm: 6,75%, giảm 0,43%; 5 năm: 7,67%, giảm 0,58%; 10 năm: 8,8%, giảm 0,02%.

Tuy nhiên, khi Kho bạc phát hành trái phiếu thành công thì cũng kéo theo những bất cập khác mà đầu tiên là lượng tiền gửi hệ thống kho bạc tại các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, đến nay, con số lên tới 57 nghìn tỷ đồng do Nhà nước chưa dùng đến. 

“Ngân hàng Nhà nước mong muốn phải giải ngân nhanh số tiền này cho đầu tư, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, ở chỗ: chúng trở thành con số tính vào thanh khoản nhưng nếu Kho bạc bất ngờ rút đi thì sẽ gây rủi ro thanh khoản”, Thống đốc nói. 

Ngoài ra, theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Quốc hội Tp.HCM, cũng do tín dụng bế tắc, hiện khá nhiều ngân hàng đã dùng tới 70% - 80% vốn để mua trái phiếu Chính phủ. 

“Khi kinh tế hồi phục, nếu doanh nghiệp muốn vay vốn trung dài hạn để tái đầu tư mà không có, sẽ đẩy cầu vốn lên cao và lãi suất sẽ rất khó hạ, trái ngược với mong muốn hạ lãi suất tiền vay của Ngân hàng Nhà nước. Đó là chưa nói, phần lớn cơ cấu vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Đây là mắc mớ lớn mà Ngân hàng Nhà nước không thể không tính tới”, ông Lịch nói.

Câu chuyện ngân hàng mua trái phiếu cũng chưa dừng ở đó mà còn thêm vòng luẩn quẩn, ở chỗ: ngân hàng huy động tiền thì phải trả lãi suất cho bên gửi, sau đó lại mua trái phiếu và được Bộ Tài chính trả lãi suất, khi Nhà nước chưa giải ngân kịp phải gửi vào ngân hàng và ngân hàng lại phải trả lãi suất cho Bộ Tài chính. 

Dĩ nhiên, vòng quay của tiền với các nghiệp vụ trên là cần thiết để cân đối cung cầu vốn nhưng mục đích cuối cùng vẫn phải phục vụ đầu tư. Nhưng đáng tiếc, đã hai năm qua, chưa ai trả lời câu hỏi: bao giờ khu vực sản xuất chấm dứt cảnh đứng ngoài vòng quay của tiền từ hệ thống ngân hàng.

95% người Crimea muốn sáp nhập Nga


Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea với hơn một nửa số phiếu được kiểm, cho thấy 95,5% người dân bán đảo này mong muốn tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Liên bang Nga.

Người dân Crimea cất tiếng hát quốc ca Nga sau khi kết quả được công bố. Ảnh: AFP
Người dân Crimea cất tiếng hát quốc ca Nga sau khi kết quả được công bố. Ảnh: AFP
Theo Reuters, thông tin trên được ông  Mikhail Malyshev, chủ tịch Ủy ban trưng cầu dân ý Crimea, công bố hai tiếng sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Ông này cũng cho biết tỷ lệ đi bỏ phiếu đạt 83%, mức cao chưa từng thấy kể từ khi Ukraine độc lập.
"Crimea đã về nhà", Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea Sergiy Aksyonov tuyên bố trước hàng nghìn người ủng hộ tại quảng trưởng Lenin, trung tâm thủ phủ Simferopol.
Đám đông hò reo, hát vang quốc ca Nga ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố. "Đây là một ngày tuyệt vời. Tôi sẽ đổi sang hộ chiếu Nga nhanh nhất có thể. Cuộc sống sẽ thay đổi và tốt đẹp hơn", anh Aleksiy, một người dân Crimea 36 tuổi, cho biết.
Còn tại thành phố hải cảng Sevastopol, nơi Hạm đội Biển Đen đồn trú, hơn 5.000 người dân tụ tập trong một buổi hòa nhạc kỷ niệm sự kiện trưng cầu dân ý từ nhiều giờ trước khi có kết quả.
Ngay sau khi kết quả được công bố, các quan chức lên sân khấu vinh danh Sevastopol và Nga. Ban nhạc rock Lubeh yêu thích của Tổng thống Vladimir Putin cũng tham dự buổi hòa nhạc. Ca sĩ Igor Matvienko của nhóm hét lên: "Hoan hô Sevastopol. Thành công của các bạn".
Nghị viện Crimea dự kiến sẽ bỏ phiếu phê chuẩn kết quả trưng cầu dân ý vào 10h sáng hôm nay theo giờ địa phương. Các nghị sĩ Crimea dự đoán Nga sẽ nhanh chóng ban hành quyết định công nhận việc thống nhất này.
"Tôi nghĩ rằng Nga sẽ nhanh chóng có câu trả lời, bởi bạn thấy những gì đang diễn ra với mọi người đấy. Đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ với Crimea, mà là cả với Nga và toàn thế giới", kênh 24 News dẫn lời ông Vladimir Konstantinov, chủ tịch Quốc hội Crimea, nói.
crimea-2535-1393601528.jpg
Bản đồ cho thấy vị trí của Kiev, Crimea ở Ukraine và Nga. Đồ họa: SkyNews
Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ lâm thời tại Kiev và phương Tây. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk kêu gọi đưa những người theo chủ nghĩa ly khai ra trước công lý.
Phát biểu tại Brussels trong một cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Anh William Hague lên án cuộc trưng cầu dân ý là vi phạm Hiến pháp Ukraine và tuyên bố London không công nhận kết quả bỏ phiếu.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết các nước châu Âu chuẩn bị áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung với Nga và ch rằng Moscow xâm phạm chủ quyền Ukraine.
Trong khi đó, ông Putin nhấn mạnh cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ông cũng nêu ra tiền lệ tương tự của Kosovo khi vùng này tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008. Mỹ và các thành viên EU, cùng hơn 100 quốc gia khác đã công nhận điều này.
Tổng thống Putin cũng nêu ra quan điểm tương tự trong cuộc điện đàm trước đó với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Người đứng đầu hai nhà nước đã thống nhất về việc mở rộng triển khai quan sát viên của Tổ chức Anh ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại miền đông Ukraine.  
Đức Dương (Vnexpress)

Nga và Ukraine thống nhất đình chiến ở Crimea

Chủ Nhật, ngày 16/03/2014 22:02 PM (GMT+7)
Khi mà kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea vẫn chưa có kết quả, Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine đã bất ngờ đưa ra quyết định sẽ đình chiến đến ngày 21/3.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Ihor Tenyukh - vừa đưa ra tuyên bố, Ukraine và Nga đã đồng ý sẽ tạm thời đình chiến tại Crimea ít nhất đến thứ Sáu tuần tới.
Động thái trên diễn ra chỉ ít giờ trước khi Ukraine cáo buộc Moscow đang tăng số quân ở Crimea lên tới 22.000 người. Theo Bộ trưởng Ihor Tenyukh, điều này là trái với thỏa thuận giữa Nga và Ukraine, bởi giới hạn quân nhân Nga được đồn trú tại Crimea trong năm 2014 chỉ là 12.500 người, bao gồm cả Hạm đội Biển Đen.
Nga và Ukraine thống nhất đình chiến ở Crimea - 1
 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - Ihor Tenyukh (trái) (Ảnh: Timesunion.com)
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói: "Thật buồn vì trong thời gian ngắn, con số 12.500 đã tăng lên 22.000. Điều đó vi phạm thô bạo hiệp định song phương và minh chứng rằng việc Nga đưa lính vào Crimea là bất hợp pháp".
Cũng theo ông Tenyukh, chính vì sự gia tăng lính Nga tại Crimea nên Ukraine cũng phải điều quân tới sát khu vực này. Tuy nhiên, Kiev sẽ rất thận trọng khi đưa ra quyết định hành động. "Chúng tôi đang theo dõi hành động tăng số lượng quân nhân của Nga ở Crimea và do đó lực lượng vũ trang Ukraine sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp dọc các giới tuyến phía Nam", ông Tenyukh nhấn mạnh.
Giang Bàng (Theo Reuters) (Khampha.vn)

Chuyện lạ: Rắn 5 đầu

(Tinmoi.vn) Việc xuất hiện những con rắn 2 đầu từng khá phổ biến trong thế giới động vật. Tuy nhiên, rắn 5 đầu lại là một trường hợp cực kì hiếm gặp.
Giải mã bí mật rắn thần nhiều đầu ở Ấn Độ

Hình ảnh một chú rắn 5 đầu đã được tìm thấy ở Infosys University Campus, Karnataka, Ấn Độ. Đây là một chú rắn có hình dáng bề ngoài giống như loài hổ mang bành. Tuy nhiên thay vì chỉ có một chiếc đầu như những loài rắn bình thường từ phần đốt cổ của nó được xẻ thành 5 và có đến tận 5 cái đầu cùng trên một cơ thể.
Giải mã bí mật rắn thần nhiều đầu ở Ấn Độ
Việc xuất hiện những con rắn 2 đầu từng khá phổ biến trong thế giới động vật. Tuy nhiên, rắn 5 đầu lại là một trường hợp cực kì hiếm gặp.
Ngoài 3 bức hình độc nhất được đưa lên mạng về chú rắn 5 đầu này hầu như không có bất kì một thông tin liên quan nào khiến tất thảy mọi người đều cảm thấy tò mò.
Trước khi hình ảnh rắn 5 đầu xuất hiện tại Infosys University Campus, Karnataka thì những bức ảnh rắn nhiều đầu cũng đã được đăng tải trên mạng, nhưng theo nhiều người đây chỉ là sản phẩm của Photoshop.Theo các chuyên gia chỉnh sửa ảnh thì việc biến một chú rắn 1 đầu thành 5 đầu hoặc nhiều hơn thế là điều không quá khó khăn.

Một điểm nữa khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ về tính chân thật của những bức ảnh này là không ai có clip quay loài rắn này trong khi lại có nhiều ảnh chụp?

Có lẽ rắn 5 đầu vẫn tồn tại, nhưng mà là tồn tại trong tâm trí của những người Ấn Độ thờ rắn, còn trong thực tế thì loại rắn 5 đầu vẫn được đặt ra một dấu hỏi lớn về sự tồn tại thực sự của nó.
Hoàng Anh (TH)
Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn

Người Crimea bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Nga

Cuộc bỏ phiếu về việc Crimea sáp nhập vào Nga hay là một phần của Ukraine đang diễn ra ở nhiều khu vực thuộc bán đảo tự trị này, trong bối cảnh Mỹ và các nước châu Âu không công nhận cuộc trưng cầu dân ý là hợp pháp.

2014-03-16T071341Z-86739291-LR-9808-2084
Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa từ 8h sáng nay theo giờ địa phương (13h theo giờ Hà Nội). Tại một trường trung học ở thủ phủ Simferopol của khu tự trị Crimea, những cử tri đầu tiên đã bắt đầu xếp hàng để tiến hành bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu được tiến hành dưới sự điều hành của các nhà quan sát quốc tế. Ảnh: Reuters
2014-03-16T063305Z-1312319361-4358-1849-
Các cử tri sớm có mặt ở khu vực bỏ phiếu ở Bakhchysaray, trung tâm của cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Tatar ở Crimea. Những người này trước đó đã kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu sáp nhập Crimea vào Nga. Ảnh: Reuters
tag-reuters-6397-1394955962.jpg
Bầu không khí ở đây đang nóng lên trong nhiều ngày qua khi nghị viện Crimea quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về việc trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Khoảng 1,5 triệu người đã được kêu gọi tham gia bỏ phiếu hôm nay. Trong đó phần lớn là những người Nga sinh sống ở khu vực này. Ảnh: Reuters
2014-03-16T065035Z-1094946878-7566-8548-
Trên các lá phiếu được công bố trước buổi trưng cầu dân ý bắt đầu, cử tri có quyền quyết định lựa chọn một trong hai câu hỏi. "Bạn có ủng hộ việc thống nhất của Crimea với vai trò là một phần của Liên bang Nga hay không? " và "Bạn có ủng hộ khôi phục lại Hiến pháp năm 1992 và tình trạng của Crimea như là một phần của Ukraine hay không?". Ảnh: Reuters
2014-03-16T072333Z-931678738-L-2655-6028
Lựa chọn thứ hai đồng nghĩa với viễn cảnh bán đảo tự trị Crimea tiếp tục là một phần của Ukraine. Crimea lúc đó sẽ vẫn được coi là một chủ thể độc lập nằm trong Ukraine, nhưng được quyền tự xác định hướng đi và xây dựng các mối quan hệ riêng, trong đó bao gồm quan hệ với Nga. Ảnh: Reuters
2014-03-16T070340Z-1101164790-9918-5333-
Nhiều người đến bỏ phiếu thể hiện sự ủng hộ Nga và mong muốn được sáp nhập vào Nga. Theo họ, đây là hành động vì lợi ích của Crimea và của người Crimea. "Chúng tôi đã đợi giây phút này trong nhiều năm. Tất cả mọi người đều ủng hộ Nga", ông Ivan Konstantinovich, 71 tuổi, giơ tay và nói sau khi tham gia bỏ phiếu ở Bakhchysaray. Ảnh: Reuters
2014-03-16T065813Z-125974135-L-8023-5062
Hai người phụ nữ đang kiểm tra lá phiếu tại một điểm bầu cử ở Simferopol. Bán đảo Crimea có hơn một nửa dân số là người Nga và tính riêng Simferopol, con số này là khoảng 70%. Ảnh: Reuters
2014-03-16T071005Z-1690500126-2194-1364-
Trong thời gian chuẩn bị và diễn ra bỏ phiếu, cờ Nga được treo ở nhiều tuyến phố của Sevastopol. Các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Mỹ Barack Obama coi cuộc bỏ phiếu được tổ chức bởi chính quyền thân Nga ở Crimea là bất hợp pháp và vi phạm Hiến pháp Ukraine. Ảnh: ReutersẢnh: Reuters
2014-03-16T073334Z-601733533-L-7652-4166
Tại cuộc họp hôm qua, các thành viên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp Quốc đã bỏ phiếu một bản dự thảo nghị quyết có nội dung khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sáp nhập vào Nga là vô giá trị. Bản dự thảo nhận được 13 phiếu thuận từ 15 thành viên HĐBA. Nga là thành viên thường trực duy nhất sử dụng quyền phủ quyết. Trung Quốc, quốc gia luôn ủng hộ Nga tại các phiên họp, đã bỏ phiếu trắng. Ảnh: Reuters
000-Par7822930.jpg
Các nghị sĩ của nước cộng hòa tự trị trên bán đảo cùng tên bỏ phiếu tán thành mong muốn Crimea "sáp nhập vào Liên bang Nga với các quyền lợi của một chủ thể thuộc Liên bang Nga" hôm 6/3. Hôm 11/3, nghị viện địa phương tiếp tục phê chuẩn "một tuyên bố về sự độc lập của nước cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol" khỏi Ukraine. Trong ảnh là hoạt động chuẩn bị cho buổi bỏ phiếu được chuẩn bị ở Sevastopol. Ảnh: AFP
Thùy Linh (Vnexpress)