Trang

11 tháng 3, 2014

Thế giới 24h: Yanukovych tái xuất

Ông Yanukovych khẳng định mình vẫn là tổng thống hợp pháp của Ukraina; Phát hiện được dấu vết của chiếc máy bay Malaysia... là những tin nóng trong ngày.
Nổi bật
Chiều ngày 11/3, Tổng thống bị phế truất của Ukraina Viktor Yanukovych đã tiến hành cuộc họp báo lần thứ hai tại trung tâm triển lãm VertolExpo ở thành phố Rostov bên sông Đông của Nga.
Tại cuộc họp báo, ông Yanukovych nói mình vẫn là tổng thống hợp pháp của Ukraina và sẽ sớm trở về Kiev. "Tôi không chỉ là tổng thống hợp pháp mà còn là tổng tư lệnh của Ukraina", ông nói.
Ukraina, Crưm, độc lập, Nga
Ông Viktor Yanukovych. (Ảnh: Telegraph)
  Ông Yanukovych nói rằng, ông muốn khẳng định rằng bản thân "vẫn sống và khỏe mạnh", bởi lẽ trước đó truyền thông Ukraina từng tung tin, ông Yanukovych đã chết bởi nguyên nhân không rõ.
Trên tư cách tổng tư lệnh của Ukraina, ông tiếp tục cáo buộc các phần tử cực đoan tiếm quyền và tiến hành đảo chính ở Kiev, đồng thời tuyên bố rằng cuộc bầu cử vào 25/5 tới là bất hợp pháp.
Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych cũng tố cáo những âm mưu khủng bố nhằm vào ông, cũng như cảnh báo về các nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và nội chiến đang xuất hiện ở Ukraina.
Ông Yanukovych cũng đề nghị hai viện trong Quốc hội Mỹ, cũng như Tòa án tối cao Mỹ xem xét tính hợp pháp trong các hành động của chính quyền Tổng thống Barak Obama đối với Ukraina.
Cũng trong ngày 11/3, Nghị viện Crưm đã bỏ phiếu, thông qua tuyên bố nước này độc lập với Ukraina. Đây là một bước đi quan trọng, tiến tới thực hiện cuộc trưng cầu dân ý, vào ngày 16/3 tới.
Theo một thông báo được đăng tải trên trang web của Hội đồng tối cao nước cộng hòa tự trị Crưm, đại đa số các đại biểu tham dự đã bỏ phiếu tán thành bản tuyên bố độc lập của bán đảo này.
Tuần trước, Nghị viện Crưm đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về sáp nhập vào Liên bang Nga, đồng thời ấn định thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân tại Crưm về vấn đề này là ngày 16/3 tới.
Tin vắn
- Hãng thông tấn Reuters dẫn lời quan chức quân đội Malaysia cho biết, họ tin rằng đã lần ra dấu vết chiếc máy bay mất tích MH370 trên radar tới tận eo biển Malacca.
- Thân nhân của các hành khách Trung Quốc trên máy bay mất tích mang mã hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines hôm 11/3 đã từ chối nhận tiền hỗ trợ từ hãng này.
- Các nhà khoa học Trung Quốc cho hay họ đã phát hiện được ba vết dầu loang mà họ cho rằng có thể liên quan tới máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia.
- Phần lớn quan chức Triều Tiên được cho là thân cận của ông Jang Song Thaek, người dượng bị xử tử của lãnh đạo Kim Jong Un, đắc cử trong cuộc bầu cử hôm 9/3.
- Ngoại trưởng Pháp nói, biện pháp trừng phạt Nga có thể áp dụng ngay tuần này nếu Moscow không đáp ứng đề xuất của phương Tây giải quyết khủng hoảng Ukraina.
- Theo hãng thông tấn Reuters, Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) ngày 11/3 cho rằng, vụ mất tích của chiếc máy bay Malaysia, không phải do bị tấn công khủng bố.
- Chính quyền Cộng hòa tự trị Crưm có ý định quốc hữu hóa Hạm đội Hải quân Ukraina tại Sevastopol, và các tàu của Công ty cổ phần quốc gia Chornomornaftohaz.
- Ngày 11/3, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, đã bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào với người Palestine, nếu như họ không công nhận Israel là nhà nước Do Thái.
- Đảng Nhân dân Campuchia và đảng Cứu nguy Dân tộc ở Campuchia đã đưa ra tuyên bố sau khi không đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán về cải cách bầu cử.
- Trong bối cảnh quan hệ với Nga đang trở nên cực kỳ căng thẳng, Quốc hội Ukraina đã thông qua một đạo luật để khôi phục lực lượng vệ binh quốc gia vào sáng 11/3.
- Tổng Thanh tra Lực lượng cảnh sát Malaysia ngày 11/3 khẳng định, thông tin 5 hành khách đã hoàn tất thủ tục nhưng không lên chiếc máy bay mất tích, là không đúng.
Tin ảnh
Ảnh 2: Hai người Iran dùng hộ chiếu đánh cắp lên chuyến bay MH370. (Ảnh: Nst)
Ukraina, Crưm, độc lập, Nga
Hai người Iran dùng hộ chiếu đánh cắp lên chuyến bay MH370. (Ảnh: Nst)
Phát ngôn
Tổng thư ký Interpol hôm 11/3 cho biết, ông không tin vụ mất tích chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines là kết quả của một vụ tấn công khủng bố.
"Càng thu nhận được thêm nhiều thông tin, chúng tôi càng có cơ sở để kết luận đây không phải là vụ tấn công khủng bố", ông Ronald Noble phát biểu từ trụ sở của Interpol.
Sự kiện
Ngày 12/3/1918, Moscow chính thức trở thành thủ đô của nước Nga.
  • Thanh Vân (tổng hợp theo Vietnam.net )

Hai người Việt được vinh danh Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu


Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa công bố danh sách 200 lãnh đạo trẻ tiêu biểu toàn cầu năm 2014, trong đó có 2 người Việt là Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và ông Nguyễn Hoàng Long - Đại sứ Việt Nam tại Italy.

Lãnh đạo trẻ toàn cầu (YGL) là giải thưởng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bình chọn và trao tặng hàng năm cho các cá nhân dưới 40 tuổi có đóng góp lớn cho lĩnh vực chuyên môn và xã hội.
Theo danh sách YGL 2014 được công bố ngày 11/3, Việt Nam có hai đại diện. Đó là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, nhà sáng lập Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa và ông Nguyễn Hoàng Long - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italy.
anh-1-4496-1394534074.jpg
Hai đại diện của Việt Nam lọt danh sách lãnh đạo trẻ thế giới năm nay.
Võ Trọng Nghĩa được coi là "nhà ảo thuật" ứng dụng nguyên lý động lực học vào  kiến trúc, có thể biến những ngôi nhà xây dựng từ nguyên liệu dân dã thành công trình xanh hiện đại. Anh cũng là một trong những kiến trúc sư đầu tiên trong nước có nhiều công trình đạt giải thưởng của Hội Kiến trúc sư châu Á, International Architecture Award (Mỹ), Green wood Design (Mỹ) hay Holcim toàn cầu. Nhờ vậy, năm 2012, Võ Trọng Nghĩa đã lọt top 50 Người Tiên phong trong lĩnh vực Nghệ thuật do VnExpress bình chọn.
Trong khi đó, theo WEF, ông Nguyễn Hoàng Long được coi là vị đại sứ trẻ tuổi nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Sinh năm 1976, ông cũng đã có những đóng góp lớn vào việc xây dựng quan hệ Việt Nam - Italy.
Năm ngoái, Việt Nam cũng có hai cái tên lọt danh sách của WEF. Đó là ông Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) và bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup.
Giải thưởng năm nay được WEF trao cho 214 lãnh đạo trẻ đến từ 66 quốc gia trên thế giới, trong đó có 106 người là nữ. Lĩnh vực hoạt động của họ rất đa dạng, từ văn hóa - nghệ thuật, giáo dục, truyền thông, đến kinh doanh và chính trị. Đông Á góp mặt nhiều nhất với 49 đại diện, theo sau là Bắc Mỹ (48), châu Âu (46), Trung Đông và Bắc Phi (18), Mỹ Latin (17), châu Phi cận Sahara (19) và Nam Á (17).
Những người này được WEF chọn ra từ hơn 2.000 ứng cử viên. Ban đầu, họ được rà soát kỹ càng về chuyên môn và lý lịch. Sau đó, các ứng viên được đánh giá độc lập bởi Hãng nghiên cứu lãnh đạo toàn cầu Heidrick & Struggles. Một hội đồng do Hoàng hậu Rania Al Abdullah của Jordan đứng đầu sẽ loại bỏ lần cuối. Các ứng cử viên được chọn dựa trên thành tích chuyên môn, kiến thức, cam kết với xã hội và khả năng vượt khó.
Những người Việt Nam từng được vinh danh Lãnh đạo trẻ toàn cầu
NămTênChức vụ
2007Nguyễn Thanh HùngChủ tịch HĐQT Sovico Group
Phạm Thị HuệSáng lập viên nhóm Hoa phượng đỏ (Hải Phòng)
2009David TháiCEO kiêm Chủ tịch Tập đoàn Việt Thái, chủ chuỗi cà phê Highland
Khuất Thị Hải OanhĐồng sáng lập và hiện là trưởng phòng Nghiên cứu sức khỏe, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS
2011GS Ngô Bảo ChâuGiảng viên Đại học Chicago (Mỹ)
2012TS Phạm Minh TuấnChủ tịch HĐQT Tổ hợp Giáo dục TOPICA
2013Giản Tư TrungViện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED)
Lê Thị Thu ThủyTổng giám đốc Tập đoàn Vingroup
Hà Thu (Vnexpress)

Nga đang chiếm ưu thế tại Ukraina

Thế trận của Nga tại Ukraine là không thể đảo ngược!
- Thế trận của Nga tại Ukraine là thế trận buộc chính phủ mới thành lập phải tan rã hoặc buộc lãnh thổ Ukraine bị chia cắt.
Phe đối lập cùng với Mỹ và EU chưa kịp ăn mừng chiến thắng thì họ như chết đứng, tê liệt phản ứng khi bán đảo Crimea hoàn toàn bị “lính lạ” làm chủ trong chớp nhoáng.
Toàn bộ quân đội, Hải quân Ukraine trên Crimea hoàn toàn bị thúc thủ và chính quyền cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố muốn sát nhập vào Liên bang Nga.
Còn nhớ trong chiến dịch ném bom của NATO vào Serbia, sau 78 ngày thì Belgrade phải nhượng bộ. Tại Kosovo, lực lượng Serbia được thay bằng quân của NATO và Liên hợp quốc, nhưng NATO rất bất ngờ khi đã có đại đội đặc nhiệm Nga cũng có mặt sẵn ở đó không biết từ khi nào. Như vậy, lúc đó dù Nga không là gì so với bây giờ, nhưng họ đã tỏ ra rất nhạy và rất nhanh trong tạo thế. Đúng là phong độ thì nhất thời nhưng đẳng cấp là vĩnh viễn. Đừng đùa với hổ, báo trong bất kỳ tình huống nào.
Với Nga, Ukraine đoạn tuyệt với Nga để theo EU và Mỹ, tùy, nhưng bán đảo Crimea thì không. Ukraine làm gì cũng mặc, nhưng ít nhất cũng không được chống lại Nga…Tất cả các mục tiêu đó là mục tiêu bắt buộc tối quan trọng trong chiến lược an ninh nước Nga. Nếu Ukraine rơi vào các tình huống trên thì Kremli chỉ việc thực hiện theo kế hoạch tình thế đã vạch sẵn.
Thế và thế trận của Nga với EU-Mỹ tại Ukraine
Trong quân sự, thế là tổng thể các mối quan hệ tạo thành điều kiện và xu thế vận động, phát triển của các bên tham chiến. Thế có thế chủ động và thế bị động, thế tiến công và thế phòng ngự, thế bao vây chia cắt và thế bị vây hãm, bị cô lập, thế phát triển và thế suy thoái... Tổng hợp các thế đó tạo thành thế mạnh và thế yếu, thế thắng và thế thua…
Như vậy, tại Ukraine, Nga có thế chủ động, thế bao vây, thế phát triển, còn lực lượng đối lập và EU-Mỹ thì thế bị động lúng túng đối phó, thế suy thoái.
Do đó về mặt quân sự, tại Ukraine, Nga đã thắng thế, chính phủ mới Kiev, NATO, Mỹ không thể làm gì. Tình thế là không thể đảo ngược được bởi những lý do sau:
Một là, Ukraine chưa phải là thành viên NATO nên NATO không thể can thiệp bằng quân sự để hỗ trợ chính phủ mới Kiev. Tuy nhiên, dù quy định của NATO cho phép khối can thiệp quân sự vào các quốc gia ngoài thành viên đi chăng nữa thì họ cũng không dám xung đột quân sự với Nga. NATO chẳng dại điều quân đến khu vực mà Nga đã chiếm cứ, dàn trận đợi sẵn. Xung quanh hoạt động quân sự của Nga tại Grudia năm 2008 đã chứng minh điều đó.
Hai là, Mỹ đã không còn sức để “bao sân” như trước đây mà đang dồn sức tập trung lực lượng cho chiến lược châu Á-TBD. Mỹ sẵn sàng can thiệp quân sự bởi cái đảo đá Senkaku nhưng can thiệp quân sự vào Ukraine thì không. Lợi ích quốc gia của Nga tại Ukraine là 10, là “lợi ích cốt lõi” thì Mỹ chỉ là 1, cho nên, quyết tâm của Nga là bằng mọi giá, trong khi Mỹ thì…việc gì phải đâm đầu vào khối quyết tâm đó, châu Á-TBD mới là “lợi ích cốt lõi” của Mỹ. Mỹ thực dụng, thông minh cả thế giới đều biết.
Ba là, rốt cuộc, giáng trả vào Nga của EU-Mỹ chỉ là lĩnh vực không thuộc quân sự, đó là kinh tế. Nhưng Nga cóc cần quan tâm vì thiệt hại kinh tế mà Nga phải gánh chịu không là gì so với “lợi ích cốt lõi” tại Ukraine, Nga đủ sức chịu đựng, trong khi EU và Mỹ còn phải hạch toán xem lời lỗ như thế nào bởi nếu sự thiệt hại kinh tế của họ khi cấm vận Nga quá lớn so với cái được từ chính phủ mới dựng lên ở Kiev thì…xin lỗi nhé, sống chết mặc bay.
Cuối cùng là, cứ cho là Nga đã xâm lược, chiếm Cộng hoà tự trị Crimea của Ukraine thì chính phủ mới thành lập muốn dùng máu của EU để giải phóng Crimea? Hoang tưởng. Chính họ, quân đội của họ phải làm việc đó, nhưng quân đội Ukraine dưới sự chỉ huy của Tổng thống đương nhiệm đã làm dược gì?. Đất nước bị suy thoái, Chính phủ thì không kiểm soát được đất nước, quân đội thì tan rã, mất sức chiến đấu…thì đòi lại Crimea bằng cách nào?
Tại Ukraine, Nga vừa có thế lại có lực lại có mưu kế sẵn cho nên tạo ra một thế trận vô cùng thuận lợi để phát triển theo ý đồ chiến lược của Kremli.
Thế trận của Nga tại Ukraine là thế trận buộc chính phủ mới thành lập phải tan rã hoặc buộc lãnh thổ Ukraine bị chia cắt.
Hai cuộc tập trận lớn của Nga tại biên giới Nga-Ukraine cùng với lực lượng thân Nga ở 9 tỉnh miền Đông và Crimea của Ukraine đã làm cho chính phủ mới Kiev không một chút hy vọng gì về miền Đông cho cuộc chiến tranh chống lại Nga. Chắc chắn Nga không muốn khu vực miền Đông Ukraine ly khai gia nhập vào Nga, trừ Crimea, nhưng điều Nga muốn là khu vực này sẽ gây áp lực mạnh mẽ với chính phủ mới Kiev, là một thành phần không thể thiếu trong chính phủ tương lai mà Nga chấp nhận.
Về an ninh năng lượng, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga hôm 7/3 tuyên bố sẽ đóng van cung cấp khí đốt tự nhiên như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2009 nếu chính phủ Kiev không trả nợ 1,89 tỷ USD cho họ, trong khi đó chính phủ mới Kiev tuyên bố là phải cần ít nhất 35 tỷ USD để cứu nền kinh tế sụp đổ. 
Tranh biếm họa: Đường ống khí đốt chạy ngang qua gầm bàn làm việc của Tông thống Nga V.Putin với chiếc van đóng mở nằm ngay trên mặt bàn.
Tranh biếm họa: Đường ống khí đốt chạy ngang qua gầm bàn làm việc của Tông thống Nga V.Putin với chiếc van đóng mở nằm ngay trên mặt bàn.
Vậy là với thế và thế trận Nga đã tạo ra và triển khai như trên thì chắc chắn chính phủ mới Kiev (chính phủ mà Nga không thừa nhận) hoặc là phải đầu hàng hoặc sẽ trở thành nạn nhân của một cuộc cách mạnh tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian.
Rồi đây, Nga, EU và Mỹ sẽ thống nhất để Ukraine có một chính phủ mới mà cả 3 bên đều chấp nhận được, nhưng, có một chữ nhưng to tướng ở đây là vấn đề Crimea thì đã quá muộn với Ukraine, với Mỹ và EU.
Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine
Trước hết, NATO là sản phẩm của chiến tranh lạnh còn tồn tại đến bây giờ, tuy nó đã vài lần thể hiện sức mạnh vào các cuộc không kích, đánh “hội đồng” vào Apganixtan, Libia, Irac…nhưng với Nga là không có tác dụng.  Chiến tranh giữa NATO với Nga là một cuộc chiến không có kẻ thắng.
Cho nên việc NATO, đứng đầu là Mỹ cứ cố mở về phía Đông để làm gì đó Nga là vô ích. Nước Nga không bao giờ “tự ngã” như Liên Xô trong một thế giới đã toàn cầu hóa sâu sắc như ngày nay thì NATO chỉ là “bóng ma quá khứ”.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á, vì vậy, xoay trục sang châu Á-TBD mới là tương lai của nước Mỹ và giới quan sát chẳng mấy khó khăn khi dự đoán hành động của Mỹ tại Ukraine.
Thứ hai là có một thực tế trên thế giới mà ai cũng phải buộc thừa nhận là “luật rừng”, kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Mỹ-EU và Nga hay Trung Quốc đều như nhau cả thôi, có điều họ tố cáo lẫn nhau vì quyền lợi, lợi ích quốc gia của họ khác nhau.
Nga có những việc cần phải làm và nên làm để bảo vệ an ninh quốc gia và công dân của Nga. Có điều nếu Ukraine yếu kém, mục nát thì họ thắng lợi dễ dàng, còn nếu như Ukraine có một chính phủ mạnh…thì họ gặp khó khăn hơn buộc họ phải “tính toán 2 lần”, thế thôi.
Nếu giả sử chúng ta ủng hộ Nga, nhiều người lo ngại rằng sẽ tạo ra một tiền lệ cá lớn nuốt cá bé? Vấn đề là những “con cá bé” đó làm sao không để bị nuốt và nếu “cá lớn” giở trò nuốt thì nuốt không trôi, bị trả giá đắt không chịu đựng nổi, “cá lớn” mới không dám nuốt, chỉ lúc đó thì “cá bé” mới tồn tại, chỉ lúc đó chính nghĩa mới được thế giới để tâm đến, nghe thấy.
Vì an ninh, chủ quyền quốc gia, Việt Nam chẳng sợ bất kỳ ai và sẽ sẵn sàng hành động hết mọi khả năng có thể để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
 Theo Lê Ngọc Thống (Đất Việt )

Chiến tranh tại Crimea có thể xảy ra

Trong những ngày tới, và có thể trong vòng vài giờ tới, sẽ có một cuộc tấn công trên bán đảo Crimea của quân đội Ukraine.
Báo Nga: Chiến tranh tại Crimea có thể xảy ra trước 16/3

Biểu tình ủng hộ Nga tại bán đảo Crimea

Cuộc chiến tranh này rất có thể sẽ xảy ra trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, dự kiến vào ngày 16/3 sắp tới để xem xét khả năng bán đảo Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Liên Bang Nga. Trước đó như chúng ta đã biết, quốc hội của khu tự trị Crimea đã nhất trí sát nhập bán đảo này vào Nga và đã có văn bản gửi tới Tổng thống Putin.
Tất nhiên, hiện nay Crimea là một phần chính thức của Ukraine, nên rất có thể trong thời gian tới quân đội Ukraina sẽ tấn công vào Crimea để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý này và giữ Crimea ở lại Ukraine.
Theo một số nguồn tin tức, hiện nay chính quyền mới được thành lập Ukraine đang tăng cường quân và các phương tiện chiến tranh tiến về bán đảo Crimea,bao gồm 2 lữ đoàn tăng-thiết giáp và 4 lữ đoàn xe cơ giới, các đơn vị pháo binh, phòng không, không quân và một số trang thiết bị khác. Tất cả chúng bắt đầu được vận chuyển bằng đường sắt đến Criema vào ngày 8/3.
Đồng thời, Mỹ và các đồng minh châu Âu kêu gọi Nga hãy dừng ngay các hành động gửi quân sang Crimea nếu không sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt Moscow về tất cả các mặt.
Trong khi đó, Nga bác bỏ tất cả các lập luận của Mỹ và phương tây, đồng thời không chấp nhận chính phủ mới của Ukraine là hợp pháp. Tất cả những biện pháp của Moscow chỉ duy nhất là nhằm bảo vệ người dân Nga ở bán đảo Crimea (60% dân số ở Crimea là người Nga) tránh khỏi các phong trào phát xít mới từ Kiev.
N.P (Theo News Land)
Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn

Kết luận về sập cầu treo Chu Va

BTTD: Nguyên nhân sập cầu treo Chu Va đã được sáng tỏ. đúng như BTTD đã phán đoán: Xuất phát từ nạn tham nhũng, tệ rút ruột công trình và thói vô trách nhiệm. Không như thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu nhận định, nguyên nhân sập cầu vẫn là do quá tải. Vong hồn oan uổng của 8 người dân sẽ được an ủi khi những kẻ phạm tội bị trừng phạt. 

 Theo thông báo mới nhất của Bộ GTVT về nguyên nhân sập cầu treo Chu Va 6, không phải do những người đi trên cầu quá đông mà do thi công không đúng thiết kế, giám sát, nghiệm thu không đảm bảo.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ ra nguyên nhân sập cầu treo chính là do chế tạo sai ắc neo tăng đơ đồng thời trong quá trình kiểm tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm khác trong thiết kế, thi công và nghiệm thu khi xây dựng cầu treo Chu Va 6.
Bộ GTVT cho biết, theo hồ sơ thiết kế và báo cáo thẩm định, cầu Chu Va 6 thiết kế cho xe gắn máy, đoàn người đi bộ, xe súc vật kéo, tải trọng ≤ 1,5 tấn. Tải trọng rải đều tiêu chuẩn theo chiều dài cầu là 150 kg/m.
“Trong tính toán đã xét đến hệ số vượt tải là 1,4 cho thấy cầu có thể chịu tải trọng rải đều theo chiều dài cầu là 210 kg/m, tương ứng với tổng tải trọng là 11,34 tấn. Với đoàn người phân bố đều, đi không đều bước để không xảy ra cộng hưởng thì có thể chịu được số người trên cầu nhiều hơn 135 người (trung bình 60 kg/ người), không tính hệ số vượt tải,” đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Kết luận chính thức nguyên nhân vụ sập cầu treo Chu Va khiến 8 người chết

Sập cầu treo ở Lai Châu khiến 8 người chết, 38 người bị thương

Phân tích đánh giá về mặt kỹ thuật cho thấy: việc đưa tang có tập trung nhiều người trên ½ chiều dài cầu nhưng tổng tải trọng còn nhỏ hơn so với khả năng chịu tải của cầu theo thiết kế nên nguyên nhân sự cố không phải do quá tải đông người. Không có biểu hiện cộng hưởng dao động do tác động của nhiều người trùng tần số, ảnh hưởng của gió và nhiệt độ không ở mức nguy hiểm cho công trình.
Nguyên nhân sự cố sập cầu Chu Va 6 có thể khẳng định do việc chế tạo ắc neo tăng đơ có 2 sai sót lớn là không đúng thiết kế và không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Cụ thể : "Ắc neo bị đứt, bị phá hoại giòn gây ra đứt vỡ đột ngột. Bề mặt lỗ chốt ắc neo phía trong lồi lõm, biểu hiện có khả năng được gia công tạo lỗ bằng cách gia nhiệt thổi xuyên chiều dày, làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu".
Ngoài ra tiết diện ắc thực tế tại vị trí nhỏ nhất khoảng 25 cm2 chỉ bằng khoảng 50% tiết diện chịu lực thiết kế. Bề mặt lỗ ắc neo tăng đơ lồi lõm biểu hiện không được gia công chế tạo đúng yêu cầu kỹ thuật, có khả năng khi chế tạo đã sử dụng biện pháp gia nhiệt thổi thủng chiều dày, sai chỉ dẫn kỹ thuật. Theo nhận định của Tổ công tác Bộ GTVT đây là nguyên nhân trực tiếp gây sự cố.
Tuy nhiên, trong quá trình tháo dỡ cầu đã phát hiện bên trong thân trụ tháp cầu có ốp gạch lỗ. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu đã có báo cáo về việc này là do thấy bề mặt bê tông xấu, không được phẳng, để tạo thẩm mỹ cho trụ tháp cầu đã yêu cầu nhà thầu ốp thêm hàng gạch và trát vữa tạo phẳng.
Nhìn nhận về vấn đề này, Tổ công tác của Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, thi công trụ tháp neo không đúng yêu cầu kỹ thuật, việc ốp gạch, trát phủ ngoài trụ tháp không có trong hồ sơ thiết kế và không đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành là điều sai phạm.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu xem xét, khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến sự cố lật cầu treo Chu Va 6.
Về xử lý trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ, Tư vấn thiết kế phải chịu trách nhiệm về các sai sót trong Hồ sơ thiết kế, không chỉ dẫn về mác thép đúc làm ắc neo tăng đơ, không thực hiện giám sát quyền tác giả đối với một số bộ phận công trình như ắc neo tăng đơ và trụ tháp cầu, chấp thuận nghiệm thu các hạng mục công trình không đúng yêu cầu thiết kế.
Bên cạnh đó, nhà thầu chịu trách nhiệm về nguyên nhân sự cố do thi công ắc neo tăng đơ không đúng kích thước thiết kế, công nghệ chế tạo dẫn đến không đảm bảo yêu cầu chịu tải, gây sự cố nghiêm trọng. Ngoài ra, nhà thầu còn phải chịu trách nhiệm về thi công trụ tháp không đúng hồ sơ thiết kế.
Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm về việc không theo dõi, giám sát quá trình chế tạo, kiểm tra chất lượng, lắp đặt ắc neo tăng đơ dẫn đến sự cố, không kiên quyết loại bỏ những hạng mục công trình thi công không đúng thiết kế và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chấp thuận nghiệm thu các hạng mục công trình không đúng yêu cầu thiết kế./
H.Nguyên
Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn

Tàu Yết Kiêu khen tàu ngầm Trường Sa


- Ông Phan Bội Trân, người chế tạo thành công chiếc tàu ngầm mini Yết Kiêu gửi lời khen ngợi và chúc mừng trước thành công của tàu ngầm Trường Sa.
Chặng đường còn dài
Tại Việt Nam, không phải doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) là người đầu tiên bắt tay vào việc chế tạo tàu ngầm mà trước đó, từ năm 2010, ông Phan Bội Trân (TP Hồ Chí Minh) đã chế tạo thành công chiếc tàu ngầm mini đầu tiên.
Chỉ có điều, tàu ngầm mini của ông Trân sử dụng động cơ ắc quy điện, còn với ông Hòa là động cơ diesel với tham vọng sở hữu cả công nghệ không khí tuần hoàn AIP tiên tiến.
Vừa qua, trong liên tiếp hai ngày 7 và 8/3/2014, trước sự chứng kiến của nhiều đoàn công tác, gồm có Sở Khoa học Công nghệ Thái Bình, Viện kỹ thuật Hải quân Hải Phòng, Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đài truyền hình nhà nước… doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã thử nghiệm thành công con tàu Trường Sa.
Tại lần thử nghiệm này, tàu Trường Sa lặn nổi nhịp nhàng trong bể thử nghiệm, và sau đó lặn nhiều giờ đồng hồ và vận hành hệ thống AIP. Kết quả hoàn hảo khiến những người chứng kiến phải thán phục.
Tàu ngầm Trường Sa lặn trong bể thử nghiệm
Tàu ngầm Trường Sa lặn trong bể thử nghiệm
Trao đổi với ông Phan Bội Trân (hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu) ngày 8/3/2014, ông Trân cho biết: “Tôi đã nhiều lần trao đổi với ông Hòa qua điện thoại và cả gặp mặt trực tiếp về những vấn đề chế tạo, cũng như nguyên tắc hoạt động của tàu ngầm. Và cả hai đều có chung đam mê, nhiệt huyết”.
“Thông tin ông Hòa thử nghiệm thành công những yếu tố cơ bản của một chiếc tàu ngầm với tôi là không bất ngờ, bởi tôi biết ông Hòa chắc chắn sẽ thành công điều này. Nhưng tôi biết chặng đường mà ông Hòa còn phải đi để biến tàu ngầm Trường Sa trở nên ưu việt như dự định của ông còn dài và nhiều gian nan, nhưng tại thời điểm này, thành công bước đầu của Trường Sa là một tin vui và vô cùng đáng ngợi khen, khích lệ” – Ông Phan Bội Trân chia sẻ.
Ông Phan Bội Trân bày tỏ: “Tôi hi vọng, với thành công này, Trường Sa sẽ được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía những nhà chuyên môn, cũng như trang thiết bị, công nghệ nghiên cứu, thậm chí cả kinh phí, trong trường hợp ông Hòa cảm thấy cần thiết. Bởi chế tạo được AIP sẽ là một bước tiến đang kinh ngạc cho nền công nghệ Việt Nam.”
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về thăm tàu Trường Sa ngày 8/3/2014.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về thăm tàu Trường Sa ngày 8/3/2014.
Ước mơ khí tài đặc công
Trước đó, đã nhiều lần doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa chia sẻ về những ứng dụng của tàu ngầm nếu Trường Sa thành công. Trước hết, về dân dụng, tàu sẽ có thể phục vụ mục đích nghiên cứu đáy sông, biển, thềm lục địa, phục vụ du lịch dịch vụ…
Nhưng tiến xa hơn, nếu được sự quan tâm đúng mực và hỗ trợ của quân đội, ông Hòa hi vọng những tàu Trường Sa tiếp theo sẽ có thể mang mục đích quân sự. Bởi đã từng là một người lính, ông Hòa hiểu cách đánh du kích của quân đội Việt Nam, hiểu sức mạnh của đặc công nước, hi vọng tàu Trường Sa có thể trở thành một khí tài.
Nhận định về điều này, ông Phan Bội Trân chia sẻ: “Hệ thống AIP đã được một số quốc gia có nền quốc phòng hiện đại ứng dụng từ lâu, nhất là với những lực lượng đặc biệt, tiêu biểu như Pháp, Nhật Bản, Anh… Ví dụ như người nhái Pháp, Nhật được trang bị những bình dưỡng khí có hệ thống AIP. Chẳng hạn với 10kg dưỡng khí, ta có thể lặn được 2 tiếng, nhưng họ có thể lặn được 6 tiếng, 8 tiếng.
Vì thế, nếu AIP của ông Hòa thành công thì việc được nghiên cứu ứng dụng vào trong các sản phẩm quốc phòng là điều dễ dàng.”
“Đây là một tin vui, và chúng ta có quyền hi vọng” – Ông Phan Bội Trân nhận định.
Tàu ngầm phiên bản một người lái tại thời điểm vừa thử nghiệm thành công (Ảnh internet)
Tàu ngầm phiên bản một người lái tại thời điểm vừa thử nghiệm thành công (Ảnh internet)
Hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu
Ông Phan Bội Trân là Việt kiều nhưng đã trở về sống ở Việt Nam. Theo ông Trân, cụ của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu và làm quan trong triều Nguyễn. Cụ được triều đình cử vào cai quản một vùng đất phương Nam mà bây giờ là vùng Dĩ An- Bình Dương. Theo chân cụ, con cháu họ Phan cũng theo vào lập thành dòng họ Phan khá lớn ở khu vực này. Sau khi cụ tổ mất, dân trong vùng đã lập đền thờ.
Cha ông Trân từng tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 và bị thực dân Pháp bắt giam. Sau những đòn tra tấn dã man không khuất phục được ông, chúng đành thả ông ở tình trạng tàn phế. Năm 1975, đất nước thống nhất khi ông An đang du học tại Pháp.
Là sinh viên ngành hóa, ông được học chuyên sâu về vật liệu composit, đặc biệt là những loại composit chuyên được ứng dụng cho các thiết bị trong tàu ngầm, máy bay trực thăng. Sau khi học xong, ông Trân làm việc tại một hãng chuyên chế tạo tàu ngầm và có cơ hội nghiên cứu kỹ thuật chế tạo tàu ngầm. Năm 1996, ông trở về Việt Nam và mở phân xưởng nghiên cứu về composit.
Nam Phong ( Đất Việt )

Phim "Người đàn bà cuồng dâm"


Bộ phim đang gây nhiều tranh cãi của Lars von Trier đưa người xem trải nghiệm một chuyến tàu cảm xúc, đi đến tận cùng của tình dục để rồi khó bứt khỏi dư âm của nó.
Khi loạt poster nhân vật trong phim Người đàn bà cuồng dâm ra mắt, nhiều người đã phải vừa cười vừa thở dài cho sự táo bạo tới lố lăng của đạo diễn Lars von Trier. 14 tấm poster nhân vật, mỗi người đều mình trần trong tư thế đạt cực khoái, với dòng tựa “Quên tình yêu đi” (Forget About Love) thách thức. Cùng 8 teaser và trailer hé lộ nhiều chi tiết nhạy cảm, khán giả lại mong chờ một bộ phim lấy đề tài nghiện sex làm nghệ thuật từ một đạo diễn vốn thích trêu ngươi người xem.
Chùm poster gây sốc của "Người đàn bà cuồng dâm" khi các diễn viên thể hiện sự khoái cảm.
Chùm poster gây sốc của "Người đàn bà cuồng dâm".
Thực tế, Người đàn bà cuồng dâm, cũng như các poster quảng bá cho bộ phim, hài hước nhưng là cái nhìn trực diện về cảm xúc của con người, ở đây là Joe, trong ham muốn nhục cảm. Câu chuyện bắt đầu khi Seligman bắt gặp Joe gục trong căn hẻm gần nhà ông. Cô từ chối để ông gọi xe cứu thương hay người cứu giúp mà chỉ muốn một tách trà pha sữa. Seligman dìu Joe về nhà và lắng nghe câu chuyện về chứng nghiện tình dục của cô từ bé tới hiện tại.
Làm phim về chứng nghiện sex, dĩ nhiên không thể thiếu những cảnh quan hệ trần trụi nhưng nếu Lars von Trier đủ hiểu đề tài nhạy cảm thu hút sự chú ý trong quảng bá ra sao, thì khi vào phim ông rất biết cách khiến người xem cuốn vào mặt kia của chứng bệnh - đó là nạn nhân của căn bệnh ấy.
Trong câu chuyện Joe kể cho Seligman, cô lấy ý tưởng từ những đồ vật trong phòng rồi biến nó thành những tiêu đề trừu tượng hoặc ngụ ý đơn giản: Mê sảng(Delirium), Tấm gương (The Mirror), Jerôme, Bà H. (Mrs. H). Nhưng khi đi theo câu chuyện đó, những sự kiện liên tục được xen với hình ảnh của ý thức, lúc của Joe, lúc của Seligman. Khi Joe nói về cuộc đua trên tàu hỏa với cô bạn B xem ai làm tình được với nhiều đàn ông hơn trước lúc chuyến tàu chạm đích, trong ký ức Joe là một bảng điểm số còn trong đầu Seligman là một cuộc câu cá bằng ruồi nhân tạo.
Lần lượt như vậy, khi Joe kể về một điểm quan trọng trong “cuộc khám phá các thể loại dương vật” thì Seligman có thể liên tưởng tới một khía cạnh hoàn toàn “sâu xa” như toán học, tôn giáo, văn chương. Những hình ảnh liên kết của họ xuất hiện không báo trước, chỉ có chút thay đổi trong màu sắc hay kích cỡ khung hình. Bộ phim gần như một phiên bản ngắn hơn của Nghìn lẻ một đêm mà người đối thoại với Scheherazade là Robert Langdon.
Seligman tự nhận là một người vô tính trong thiên hướng tình dục, tình yêu duy nhất của ông là những cuốn sách và kỷ vật cất quanh nhà. Chúng là khởi nguồn cho những câu chuyện của Joe và là cách ông phân tích những câu chuyện ấy. Tính cách bướng bỉnh, bất cần của Joe đối lập với sự ân cần, triết lý từ Seligman, cộng thêm cách nhìn nhận tình dục khác nhau của họ tạo thành một đường dây dẫn chuyện thú vị bởi không chỉ tạo ra những bước ngoặt trong hình ảnh, nó còn là những giây phút hài hước khi khán giả có thể cười ồ với sự ngơ ngác của Seligman lúc lắng nghe những hành động thời trẻ của Joe, việc ông vui mừng vì thấy sự liên kết giữa tình dục và nhạc Bach, đổi lại Joe trợn mắt với cái đầu không tưởng của người đàn ông này nhưng cũng thản nhiên mắng Seligman là “nữ tính” vì dùng sai dĩa để ăn bánh.
Từ trái qua: nữ diễn viên Charlotte Gainsbourg (vai Joe tuổi trung niên), đạo diễn Lars von Trier, nam diễn viên Stellan Skarsgaard (vai Seligma) và Stacy Martin (vai Joe thời trẻ).
Từ trái qua: nữ diễn viên Charlotte Gainsbourg (vai Joe tuổi trung niên), đạo diễn Lars von Trier, nam diễn viên Stellan Skarsgaard (vai Seligma) và Stacy Martin (vai Joe thời trẻ).
Charlotte Gainsbourg và Stellan Skarsgaard đã có sự tung hứng rất đồng điệu trong hai vai diễn. Là những cộng sự lâu năm của Lars von Trier, họ hiểu rõ sự tự do ông dành cho diễn viên và đã tận dụng nó để tạo nên Joe và Seligman sống động, luôn tương tác cho bộ phim tăng tiến. Trong phần hai, khi câu chuyện u ám hơn, nhiều khi khán giả chỉ mong phim quay lại với hiện tại của họ để nghe thêm một ý kiến kỳ quặc nữa của Seligman, để nghe Joe phán: “Đây là cái sự lạc đề tồi tệ nhất của ông tối nay”.   
Với một bộ phim dài 4 tiếng (nếu xem liên tục), Lars von Trier biết cách để người xem loại bỏ dần sự e ngại với chủ đề nhạy cảm chính, bắt đầu bộ phim bằng các tình huống đối thoại hài hước về tình dục vừa lôi cuốn vừa khiến khán giả yên tâm theo dõi. Sự kết nối chặt chẽ với lời thoại của nhân vật (nếu Joe nói “như một con mèo” thì một con mèo ngay lập tức hiện ra) khiến khán giả dần đi sâu vào trong tâm tư cô gái ở mọi thời điểm câu chuyện.
Hơn nữa, ở việc trưng bày những hình ảnh Joe liên kết với tình dục, Lars von Trier cũng gắn người xem vào thân thể của Joe. Những phân đoạn quan hệ theo lẽ đó mang nhiều cảm xúc hơn và giúp phát triển nhân vật chứ không đơn thuần chỉ là một cảnh “đẹp” để chiêm ngưỡng. Nếu không tập trung vào một cận cảnh trên cơ thể, có thể phim sẽ dùng trung cảnh nhưng là nhiều cảnh như vậy liên tiếp, hoặc khi có một số hình ảnh đủ gợi cảm thì màn hình sẽ chia ba theo ý kiến của Joe cho sự đồng đều. Khán giả luôn phải đi cùng Joe trong những cuộc làm tình ấy. Nói cách khác, không những họ không được thỏa mãn chút tò mò, họ còn không thể lên án cô nếu muốn câu chuyện tiếp diễn.
Đây cũng là cách đạo diễn Lars von Trier lột dần sự kiểm soát của trí não khán giả lên bộ phim mà thay bằng sự gắn kết cảm tính. Sau những trường đoạn tranh đua trẻ con, những giây phút căng thẳng vì bị đánh ghen bất chợt (phân đoạn hài hước nhất phần đầu với sự tham gia của Uma Thurman trong màn diễn xuất rợn gáy), một giai đoạn “gần như là yêu” với anh chàng Jerôme (Shia LaBeouf), Joe thét lên “Em không cảm thấy gì cả” ngay trong khi làm tình để mở ra tấn bi kịch của cô. Hậu quả khó tránh của Joe nặng nề hơn đối với người xem bởi sự đồng điệu họ từng có đã bị cắt đứt.
Không còn sự tươi vui hay khám phá điên rồ của thời trẻ, bộ phim trở nên nặng nề như cách người lớn tuổi gánh vác trách nhiệm và đối đầu với những hành vi của mình. Joe tìm kiếm sự trừng phạt cho lòng ham muốn của cô: cũng không còn những cảnh làm tình mạnh bạo, giờ là bối cảnh của những màn bạo lực Joe nhờ nhân vật K (Jamie Bell) ném lên thân thể.
Phần hai là khi Joe cảm nhận sức nặng của xã hội lên con người và ham muốn của cô, đòi hỏi cô phải lên tiếng cho bản thân và tính dục của mình. Liệu cô có thể làm được điều đó không và còn ai trong những người đàn ông cô gặp có thể ủng hộ Joe? Cảm giác như còn dang dở, cuốn phim khép lại khi khán giả vẫn còn bàng hoàng trong hai tiếng của những tranh cãi về tương lai Joe nhiều hơn là vì những cảnh tình dục như phần trước.
Phần hai vẫn còn những hình ảnh đẹp nhưng dần là sự nhạt nhòa của cảm xúc dẫn đến một sự bức bối từ người xem, một phần vì họ không tìm được những khoảnh khắc, chi tiết quan trọng ngụ ý cho cảm xúc chung trong cảnh. Vẫn có những bài hát nhạc phim xuất sắc nhưng những Fur Elise, Burning Down The House của phần hai vang lên đôi chút lệch lạc, chúng có thể nhảy từ hài hước qua bi kịch, ngược lại với những Born To Be Wild đúng không khí nổi loạn hay bản dạo hòa âm của Bach khớp ba âm với ba nấc thang người tình của Joe.
Nếu như phần một, khán giả có thể bám theo câu chuyện vì tính sinh động của nhân vật, thì khi Joe quay lưng lại với xã hội đã lên án gay gắt cô, khán giả thấy rõ hơn sự lạ lẫm của sự sống quanh cô. Không có một sự rõ ràng trong địa điểm hay thời gian câu chuyện. Ngay ngõ hẻm ngôi nhà của Seligman cũng mang dáng dấp một trường quay dựng trong studio, những ngôi nhà Joe từng ở hay thăm viếng có màu trắng lợt lạt và kiến trúc đơn giản, không nói điều gì về thời kỳ chúng được xây dựng.
Dàn diễn viên quốc tế được Lars von Trier tận dụng tối đa cho bộ phim cũng giúp sự xa lạ tăng tột độ trong khán giả, với nhiều người bị bắt phải “làm méo” giọng rõ ràng: trong khi Joe (diễn bởi Stacy Martin thời trẻ và Charlotte Gainsbourg thời trung niên) có giọng Anh khá rõ, bố cô (Christian Slater) có giọng như một người Scotland về già, Shia LaBeouf là kỳ quặc nhất với giọng âm hưởng Nam Phi với chữ “r” khá dị trong phát âm, P (Mia Goth), người tình cuối cùng của Joe thì mang giọng Anh pha Canada lạ lẫm, bản thân Seligman cũng không giấu chất châu Âu trong giọng nói của ông.
Diễn viên Stellan Skarsgaard thường so sánh các phim của Lars von Trier với những câu chuyện cổ tích: chúng thuyết phục và thú vị nhưng không phản ánh đời thực. Tuy nhiên, kết hợp bi kịch của Joe cùng sự gắn kết Lars von Trier xây dựng giữa khán giả và nhân vật, thế giới kỳ lạ của Joe giúp họ thưởng thức câu chuyện tình dục một cách thoải mái nhưng khi cần lại không có cửa giải thoát cảm xúc. Bản thân họ đồng cảm với cô nhưng cảm thấy bất lực bởi không có một mối liên hệ nào với thế giới của cô để sẻ chia với Joe. Tấn bi kịch của Joe là do bản năng của cô tạo nên và khán giả sẽ phải nhìn cô tự đương đầu với nó.
Tài tử Shia LaBeouf có vai diễn đột phá trong sự nghiệp.
Tài tử Shia LaBeouf có vai diễn đột phá trong sự nghiệp.
Điều này Lars von Trier đã triển khai ngay từ phút đầu của phần một khi bộ phim bắt đầu trong bóng đêm, để rồi cuối phần hai màn hình tắt nhưng những âm thanh chỉ hành động vẫn diễn ra cho đến khi dòng credits hiện lên. Trong giữa hai khoảng đen đó, vừa giả nhưng lại vừa thật, Lars von Trier đã tìm cách tạo ra một số phận phụ nữ đủ đáng yêu nhưng đủ “nhẫn tâm” để đẩy cô vào nghiệt ngã, rồi phút cuối thả cô đi, mặc phim đã hết.
Đầy bất ngờ tới phút cuối, khán giả sẽ phải trải qua một chuyến tàu cảm xúc thực sự để đi tận cùng Người đàn bà cuồng dâm. Họ còn khó khăn hơn để bứt khỏi những dư âm của bộ phim đọng lại. Trần trụi: có - rất nhiều, phản cảm: có thể. Nhưng có lẽ dùng một hai từ là quá nhanh để đánh giá một tác phẩm giàu trí tưởng tượng đột phá và thuyết phục về lớp ý như Người đàn bà cuồng dâm. Có lẽ tốt nhất, để hiểu rõ hơn bộ phim, khán giả nên đi cùng ý tưởng của Lars von Trier và liên tưởng về một cái gì đó khác.
Người đàn bà cuồng dâm đã bắt đầu đầy hung bạo với Fuhre Mich của Rammstein và kết thúc bằng Hey Joe ma mị, nhưng chặng đường của nó, có lẽ giống hơn lời kêu thống thiết “Rape me” mà Kurt Cobain cất lên trong bài hát của Nirvana. Nó gây sốc, đủ khiến người thưởng thức đỏ mặt nhưng đủ đẹp ở giai điệu, đủ lôi cuốn khiến khán giả quay cuồng vào vòng xoay bế tắc của cảm xúc ở trung tâm; để khi nốt nhạc dừng là chút mong mỏi cho gì đó tốt đẹp hơn sau những xung bạo xác thịt. Một điều gì đó, như tình yêu chẳng hạn?
Trailer phim "Người đàn bà cuồng dâm"
Hai trích đoạn trong phim
Phương Hà (Vnexpress)