Trang

9 tháng 2, 2014

McDonald’s vào Việt Nam

Khi cửa hàng đầu tiên của McDonald’s vừa mở cửa tại Sài Gòn, thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ này nói riêng và "văn hóa đồ ăn nhanh" ở Việt Nam nói chung trở thành đề tài được dư luận quan tâm.

22 năm và một sự khởi động lại
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), ngày 20.10.1979, McDonald’s chính thức chào sân Singapore. Sau 34 năm, thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ này đã rất phổ biến ở Đông Nam Á với khoảng 400 cửa hàng ở Philippines, khoảng 260 cửa hàng ở Malaysia, khoảng 195 cửa hàng ở Thái Lan, khoảng 150 cửa hàng ở Indonesia…
Tuy nhiên, từ năm 1992, sau khi khai trương một cửa hàng ở Brunei, McDonald’s đã tạm ngưng sự “bành trướng” của mình ở Đông Nam Á. Cửa hàng khai trương ở TP.HCM hôm 8.2 chính là sự khởi động lại của McDonald’s ở Đông Nam Á sau hơn 22 năm.


Hãng AFP phân tích, là thị trường có hơn 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người tăng ấn tượng từ mức 402 USD/người vào năm 2000, lên mức 1.896 USD/người vào năm 2013 (theo số liệu thống kê của Blomberg), Việt Nam đang “lọt vào tầm ngắm” của các thương hiệu Mỹ. Đó cũng chính là lý do then chốt để McDonald’s lựa chọn Việt Nam sau một thời gian dài có phần không mặn mà với các dự án mới ở Đông Nam Á.

Blomberg cũng dẫn lời ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành khu vực Mekong của hãng nghiên cứu TNS Vietnam, phân tích: McDonald’s sẽ tập trung vào các gia đình có thu nhập trung bình từ 500 - 1.000 USD mỗi tháng. Trẻ em sẽ là đối tượng khách hàng được ưu tiên số 1.
Ngay từ giữa năm 2013, McDonald’s đã rầm rộ công bố dự án “đổ bộ” vào TP.HCM. Là “người đến sau”, McDonal’s chắc chắn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt cùng hàng loạt các thương hiệu đồ ăn nhanh: KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, Domino’s Pizza… đang có chỗ đứng khá tốt ở Việt Nam.
Tuy nhiên, McDonld’s lại có thể lợi thế hơn khi thói quen ăn uống sử dụng đồ ăn nhanh đã được định hình trong một bộ phận người Việt trẻ. Đây là lợi thế không hề nhỏ mà các đối thủ như KFC không thể có được khi đặt chân đến Việt Nam cách đây 17 năm.
Ăn nhanh chỉ là ăn chơi?
Theo thống kê của Bộ Công thương Việt Nam, tổng doanh số của ngành thức ăn nhanh ở Việt Nam năm 2011 ước tính đạt 870 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2010. Với mức tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, thị trường thức ăn nhanh đang trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong các ngành hàng tiêu dùng thực phẩm hiện nay.
Vì sao đồ ăn nhanh lại ngày càng được hưởng ứng? Với khẩu vị của đại đa số người Việt, có thể những chiếc hamburger không quá hấp dẫn họ, nhưng những cửa hàng đồ ăn nhanh lại là điểm hẹn họ, giải trí, thư giãn hợp lý vào dịp lễ, tết, cuối tuần.
McDonald’s vào Sài Gòn: Người mừng, người đắn đo 2
McDonald’s vào Sài Gòn: Người mừng, người đắn đo 3
Đa phần thực khách đến cửa hàng trong buổi sáng McDonald’s khai trương tại TP.HCM là những người trẻ và các gia đình
Giáo sư Markus Taussig, giảng viên Đại học Quốc gia Singapore, nhận định với Blomberg: “McDonald vào Việt Nam sẽ được các bậc phụ huynh hưởng ứng. Có thể McDonald’s không hấp dẫn họ nhưng họ lại hạnh phúc khi nhìn thấy con mình ngấu nghiến chiếc bánh mì kẹp thịt. Điều này khiến họ cảm thấy hòa nhập vào cuộc sống hiện đại, tích cực”.


Nếu như ở Mỹ, đồ ăn nhanh được coi là đồ ăn bình dân, ăn nhanh để tiết kiệm thời gian, thì ở Việt Nam khái niệm “ăn nhanh” đã có phần thay đổi. Thậm chí, nhiều người vẫn quan niệm đi ăn KFC, Lotteria... là ăn sang và rất sành điệu. Đồ ăn nhanh đáp ứng một phần nhu cầu tiếp cận dịch vụ phong cách Tây của hàng triệu cư dân trẻ tại các thành phố lớn.

Lẽ dĩ nhiên McDonald’s vào TP.HCM làm thị trường đồ ăn nhanh sẽ càng thêm hấp dẫn, sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh những sự háo hức được thưởng thức hương vị của “gã khổng lồ” McDonald’s, cũng có không ít đắn đo rằng khi mà thế giới đang dần chuyển từ thức ăn nhanh, đông lạnh sang các thực phẩm có lợi cho sức khỏe thì Việt Nam lại đang tiếp nhận khá nhiều chuỗi thức ăn nhanh.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho rằng: Điều rất đáng ngại là thức ăn nhanh có sức hấp dẫn, dễ trở thành “phong trào sành điệu” đối với trẻ em hay thanh thiếu niên.
Đặc biệt, trong vòng 10 năm nay, tình trạng thừa cân béo phì tại TP.HCM gia tăng nhanh chóng, tăng đến 9 lần. Nếu như thiếu kiểm soát, thức ăn nhanh có thể góp phần hình thành thói quen ăn uống không tốt cho giới trẻ.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan đồ ăn nhanh chỉ là đồ ăn chơi, không thể ăn thường xuyên được. Với mức giá của một chiếc hamburger, cộng thêm khẩu vị của người Việt, thì không dễ gì lựa chọn hamburger cho mỗi ăn sáng. Còn để ăn bữa chính vào buổi trưa hay buổi tối lại càng khó khả thi.
“Ở Việt Nam, có thể tạm gọi xôi, những loại bánh mì kẹp trứng, kẹp thịt, cá hộp, chà bông, kèm với dưa leo, cà chua… là một dạng “thức ăn nhanh” nhưng lại là các loại thức ăn lành mạnh đối với sức khỏe. Thế thì, nếu vì lý do "nhanh" và "tiện lợi" thì hãy chọn các loại thức ăn nhanh kiểu Việt hơn là các loại thức ăn nhanh kiểu Mỹ nói trên”, tiến sĩ Minh Hạnh khuyên.

Tiến sĩ Minh Hạnh khuyến cáo: “Phải nhấn mạnh rằng thức ăn nhanh chứa rất nhiều chất đạm, chất béo no, nhiều muối, nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin. Ngoài ra, thức ăn nhanh còn thường kèm theo các loại nước uống có ga, khoai tây chiên chứa rất nhiều năng lượng. Bởi vậy, nếu bạn thường xuyên ăn thức ăn nhanh sẽ làm tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì”.
Theo Linh San
Thanh niên

Không Văn của Sở Văn hóa Hà Nội

(PetroTimes) - Quả thật, đi đuổi người bán chữ, cho chữ… xem ra chả “văn” tí nào?
Sở Văn hóa Hà Nội và Ban quản lý Văn Miếu ra tay dẹp phố “ông Đồ” Văn Miếu.
Họ bắt các “ông Đồ” (có đăng ký) ra ngồi chỗ hồ Văn, trước cửa Văn Miếu, và cho dựng lù lù dãy lều bạt trắng lôm lốp quay lưng vào Văn Miếu.
Về mặt thẩm mỹ, thì quả là những người thiết kế khu “chợ chữ” mới, đúng là… mù dở!
Lều ông Đồ ở hồ Văn hiu quạnh.
Thứ nhất là xấu không thể tưởng được.
Thứ hai là để các ông Đồ thật (và Đồ… rởm), ngồi… quay đít lại với “Cửa Khổng, Sân Trình” là quá vô lễ.
Thứ ba là khu vườn Văn này quá chật chội và không ra dáng “chợ chữ” chút nào.
Và thứ tư, là họ đã hợp thức hóa việc “chặt chém” - ấy là cho yết bảng giá dịch vụ “bán chữ”. Một tờ giấy viết thư pháp, theo bằng này, đắt gần… 10 lần giá gốc!
Bảng hợp thức hóa cho chặt chém.
Hậu quả nhỡn tiền là có cảnh các “ông Đồ" cắp bút nghiên chạy như vịt khi thấy cảnh sát?
Hậu quả là các ông Đồ bị nhốt trong khu vườn Văn ngồi… ngáp ruồi?
Và hậu quả là phố Văn Miếu vẫn tấp nập? Người ta vẫn ngang nhiên bày mực Tàu, giấy đỏ.
Đành rằng từ các năm trước, Văn Miếu trở thành phố “ông Đồ” là do tự phát. Rồi sau chính quyền mới quản lý lại và có thu phí. Nhưng do chẳng có quy hoạch, và với tầm nhìn “không quá sống mũi” của những người có trách nhiệm quản lý, nên phố “ông Đồ” trở nên nhộm nhoạm, gây mất trật tự đô thì trong những ngày Tết, và cũng làm mất mỹ quan.
Khu lều quay lưng vào Văn Miếu.
Thế thì lẽ ra, họ cần quy hoạch lại phố “ông Đồ”, thậm chí có thể biến con phố ngắn này thành phố đi bộ trong những ngày Tết thì đã sao? Rồi có thiết kế lều chõng cho tử tế.
Và đặc biệt là phải phân loại ra, ông Đồ nào là “Đồ thật”, còn ai là “đồ… rởm”, thậm chí là “đồ… đểu” nữa? Có không ít những người cũng cậy đứng tuổi, để thêm tí râu tóc cho có vẻ “nhà Nho”, và cũng bút nghiên, mực tàu, giấy đỏ ra ngồi viết chữ. Mà chữ nghĩa thì cũng chỉ lem nhem, quanh đi quẩn lại “Nhân nghĩa lễ…” tất nhiên là cả “trí… trá !?”.
Và phố Văn Miếu vẫn là phố ông Đồ.
Theo một nhà thư pháp có danh tiếng cho biết, thì sở dĩ năm nay họ nghĩ ra cái mẹo dồn các nhà thư pháp vào vườn Văn, cũng là một cách để kiếm tiền cho Ban Quản lý Văn Miếu. Vì nếu để ở phố Văn Miếu, Ban Quản lý chẳng được gì, mà phường lại thu được tiền. Còn bây giờ làm thế này, Ban Quản lý hy vọng thu được tiền, nhưng phường sở tại thì lại… thất thu? Vậy là phường cũng chẳng hơi sức đâu mà đi đuổi những người mong bán chữ kiếm thêm mấy ngày Tết.
Các ông Đồ vẫn điềm nhiên viết chữ ở phố Văn Miếu, mặc cho cảnh sát đi dẹp.
Mà quả thật, đi đuổi người bán chữ, cho chữ… xem ra chả “văn” tí nào?
Chính quyền Hà Nội từ xưa đến nay, hay có cái trò, quản cái gì không được, làm không ra hồn, làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì là cấm!
Nhà văn Nguyễn Như Phong

Lý giải bản chất của phong thủy


(PetroTimes) - Từ trước đến nay, nhiều người hiểu về phong thủy theo những khái niệm rất mù mờ, mang nặng màu sắc tâm linh, thậm chí là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, phong thủy thực chất là một bộ môn khoa học vô cùng thú vị. Yếu tố địa lý và môi trường tự nhiên tạo ra hiệu ứng phong thủy làm ảnh hưởng đến công trình môi trường sống và con người. Hiểu và điều khiển được quy luật tương tác đó sẽ tạo ra được nhiều hiệu ứng tích cực cho con người.
Phong thủy là âm Hán Việt, dịch ra là gió và nước. Thuật phong thủy tức là nghệ thuật điều khiển và sử dụng tính năng của gió và nước. Đây cũng là một môn khoa học nghiên cứu hiệu ứng của thủy khí động học.
Tại sao công trình lại sinh ra hiệu ứng phong thủy?
Bạn hãy tưởng tượng thế này: Nếu không có nhà cửa chặn hướng lưu thông thì gió cứ thổi, nước cứ trôi theo quy luật tự nhiên, không có gì đột biến bất ngờ, nên không gây ra hiệu ứng. Nhưng khi ta xây dựng công trình (dù to hay nhỏ) thì nó cũng sẽ là vật cản, tạo ra hiệu ứng dòng xoáy và như vậy sẽ tạo ra thế năng phong thủy.
Trước hết, chúng ta đề cập đến hình thế của đất. Đất nền chỗ cao chỗ thấp tạo thế năng cho nước. Nước chảy từ trên cao xuống thấp thành dòng năng lượng do chênh lệch thế năng. Gió sẽ thổi từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp, khi gặp các vật cản lớn bé, rộng hẹp khác nhau thì cũng tạo ra các xung lực khác nhau.
Bố trí xây dựng nhà cửa khoa học sẽ giúp chủ nhân có sức khỏe tốt
Đối với công trình thủy điện, khi ta xây đập để chắn dòng chảy, nước sẽ tự nhiên dâng lên và tạo thành thế năng rất cao. Vật kiến trúc cũng thế, cũng sẽ tạo sự chênh lêch hiệu ứng dòng khí giữa “thượng lưu và hạ lưu” của công trình. Khi một dòng chảy bị một vật ngăn cản sẽ tạo ra một “bước nhảy” về thế năng, bước nhảy càng lớn thì hiệu ứng càng lớn. Và chính thế năng đó sẽ chuyển thành động năng của dòng đối lưu.
Chính vì thế, địa hình địa vật xung quanh liên quan mật thiết đến thuật phong thủy. Các cụ ta thường xây dựng nhà cửa theo thế đối “tọa sơn, đạp thủy”, đó là một trong những thế chuẩn, thế thuận (lưng tựa vào núi, chân nhìn về phía dòng sông).
Núi tượng trưng cho sự vững chãi, kín đáo để che chắn, lại không bị dòng xoáy đối lưu ở phía sau làm ảnh hưởng. Thủy (là sông nước) ở phía trước thì vừa mát mẻ, tầm nhìn được phong quang, tượng trưng cho sự lưu thông, khoáng đạt. Nếu quay lưng xuống nước thì hở lưng, đầu lại cắm vào vách núi thì bị chặn, rất bất lợi.
Con người có 3 thể: thể hồn, thể vía và thể phách. Nếu khi ta ngồi mà phía sau bị trống trải, cho dù ta không nhìn ra phía sau thì cơ thể ta vẫn tự động phòng bị phía sau. Như vậy ta không thể tập trung toàn bộ nguồn năng lượng tâm thức cho phía trước, dẫn đến hiệu ứng thể vía sẽ bị phân tán mất năng lượng. Nhà cửa cũng vậy, nếu ở phía sau trống hoặc bị hở lưng thì những người ở trong ngôi nhà ấy cũng cảm thấy bất an. Vì thế, khi thiết kế công trình cũng cần chú ý đến sự che chắn, vững chãi ở phía sau, còn phía trước phải thoáng đãng, không bị chướng ngại vật cản trở tầm nhìn.
Về nội thất, tưởng tượng rằng, có người vừa trong phòng mở cửa ra, tiếp xúc đột ngột với luồng gió lạ thì rất dễ bị cảm (dân gian gọi là “trúng gió”). Cơ chế hô hấp của con người là khi hít không khí từ môi trường bên ngoài vào phổi, không khí sẽ được lọc và sẽ dần dần được làm ấm lên bởi khoang mũi để tránh cho phổi tiếp xúc trực tiếp với khí lạnh đột ngột từ môi trường bên ngoài.
Như vậy, những “đường dẫn khí” vào công trình hợp lý sẽ tạo sự hài hòa và an bình trong căn nhà, ngược lại nếu không hợp lý thì tạo ra các dòng áp suất biến thiên bất thường, không lợi cho sức khỏe.
Hệ thống cửa được ví như “mũi” của con người. Bố trí hợp lý hệ thống cửa sẽ tạo ra “đường sức” của dòng khí. Cửa ra vào, cửa sổ là “trạm đón khách”, nhưng nếu “đường ra” không hợp lý thì công trình trở thành “hũ nút”, dòng khí không thể lưu thoát, gây ra “loạn giao thông”.
Tục ngữ có câu “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” cũng xuất phát từ thuật phong thủy. “Lấy vợ hiền hòa” thì gia đình đương nhiên yên ấm, hạnh phúc còn “làm nhà hướng Nam” thì do vị trí địa lý nước ta khiến hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây dựng nhà cửa. Nhà xoay hướng Nam buổi sáng tránh được nắng chiếu từ phía đông, buổi chiều không bị mặt trời nung và nắng xiên gay gắt từ phía tây; lại có thể đón gió mát về mùa hè và tránh gió lạnh mùa đông.
Dễ nhận thấy rằng, vị trí công trình dân dụng không thể đặt cuối hướng gió từ vùng công nghiệp và không được đặt ở cuối nguồn nước thải hoặc do các nguồn hóa chất độc hại khuếch tán, xâm thực. Nhiều làng mạc bị hai yếu tố phong thủy ô nhiễm này mà dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư rất cao. Đây hoàn toàn do yếu tố địa lý môi trường, không phải do yếu tố tâm linh siêu hình. Vì thế rất cần có kiến thức về thuật phong thủy để lựa chọn hướng và vị trí cho công trình sao cho khoa học nhất, tránh được những hiệu ứng bất lợi gây ra cho người sử dụng.
Công trình cũng như con tàu, hình dáng bên ngoài nếu nương theo hiệu ứng của thủy khí động lực học một cách hợp lý thì sẽ tạo sự trơn tru, hiền hòa khi vận hành. Ngược lại, nếu hình dáng bên ngoài không hợp lý thì sẽ bị va đập mạnh hơn, khiến cho sự vận hành gặp trắc trở.
Thuật phong thủy có thể áp dụng cho một công trình độc lập, cá thể, nhưng cũng có thể áp dụng cho cả một vùng rộng lớn, thậm chí quy hoạch cho chiến lược của cả một vùng lãnh thổ của quốc gia.
Đối với kiến trúc sư cũng vậy, phải có tầm nhìn quy hoạch quốc gia, sau đó mới đến tầm quy hoạch từng vùng miền, từng thành phố, rồi từng quận, huyện và rồi mới đến từng công trình, từng căn phòng cá biệt, rồi trong từng căn phòng lại có những đặc điểm bút pháp khác nhau. Tùy theo từng vị trí của công trình, mà bố trí thuật phong thủy theo quy mô cho phù hợp.
Như vậy, thuật phong thủy phải được giải mã từ cao đến thấp, rồi từ rộng, trung bình đến hẹp. Nghiên cứu về phong thủy cần có kiến thức tổng hợp thì mới không bị sa đà vào tiểu cục “tham bát bỏ mâm” và tránh bị rơi vào kiến giải mang màu sắc mê tín dị đoan, bởi sự biến hóa của phong thủy là “thiên hình vạn trạng”.
Theo quan điểm biện chứng thì phong thủy là thực thể hữu hình. Nó là vật chất có thể nhận biết rõ ràng và sự ảnh hưởng của nó có thể nhìn thấy và đo đếm được. Sự ảnh hưởng đó hoàn toàn thuộc về yếu tố địa lý môi trường.
Nếu chỉ nói hai từ “phong thủy” thì chưa thể nói lên điều gì về học thuật, mà phải nói đến “thuật phong thủy” thì mới là môn khoa học nghiên cứu về các yếu tố đặc trưng liên quan tới dòng đối lưu của gió và nước, tạo thành những hiệu ứng và dòng xoáy năng lượng. Các hiệu ứng này tương tác tới công trình, sự kiện (là vật trung gian) và ảnh hưởng tới chủ thể (là con người sử dụng công trình đó)
Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển hóa các dòng đối lưu của gió và nước để tạo ra một trường năng lượng tương tác điều hòa, phù hợp và thuận lợi cho nhịp sinh học của con người thì đó là mục tiêu của thuật phong thủy.
Hiện nay, có nhiều người gán cho môn phong thủy những chức năng mang nhiều tính duy tâm chủ quan mà chưa hề có kiểm chứng thực tế, gây nên sự hỗn loạn và phá vỡ hình thái kiến trúc. Thiết nghĩ, giới kiến trúc cũng nên vào cuộc, tránh để cho nhiều “dị nhân hoang tưởng” tự phong là “thầy phong thủy”, hành nghề mê tín dị đoan, chắp vá rất nhiều loại vật liệu cùng những hình thái nhảm nhí, làm ô nhiễm môi trường phong thủy.
TS Vũ Thế Khanh

'Không cúi không quỳ' dễ bị tinh giản biên chế


Là một trong nhiều câu chuyện nói mãi mà làm không được bao nhiêu nên dự thảo nghị định mới về tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ không tránh khỏi sự nghi ngại của công chúng.
Tuyển vào ồ ạt, giờ tìm cách cho ra
Chia sẻ quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng cồng kềnh của bộ máy, song độc giả VietNamNet thẳng thắn chỉ ra đây là hậu quả của việc kiểm soát thiếu hiệu quả đầu vào.
"Tuyển vào ồ ạt, giờ lại tìm cách cho ra", độc giả Huynh cảm thán. Độc giả này kiến nghị đầu tiên là giải quyết những đối tượng tuyển dụng sai.
Nhiều độc giả khác đưa ví dụ việc chỉ cần một hai người làm, nhưng cứ viện cớ thiếu để nhận thêm gấp đôi gấp ba, từ đó đẻ ra các khâu trung gian, cấp phó, không rõ chức năng, nhiệm vụ, chẳng rõ trách nhiệm, đầu mối... "Giảm được các khâu trung gian này mới gọi là tinh giản", độc giả Thanh Đắc Bình viết.
Để làm được vậy, độc giả Hương Đỗ kiến nghị rà soát tất cả cán bộ từ thời điểm được tuyển vào xem đã đóng góp được gì, có sáng kiến, kinh nghiệm nào hữu ích, để tinh giản đúng chỗ, đúng người.
tinh giản biên chế,      công chức, bộ nội vụ
Thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức của Bộ Nội vụ tháng 1/2013. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chính vì thế độc giả Nguyen Tuan nhận định: Không nhận thêm người mới nữa là được, ai đến tuổi hưu thì nghỉ, không tốn kém kinh phí và cũng không gây mất đoàn kết nội bộ, tiết kiệm thời gian họp hành, tuyển dụng..., đến 2020 có khi giảm được nhiều hơn con số 100.000.
Độc giả Ly Quoc Viet cũng thấy số tiền 8.000 tỷ đồng không hề nhỏ khi được dùng vào việc cho ra vì trước đó đã nhận vào quá tràn lan. Trong khi đó, giảm được số lượng người ăn lương ngân sách thì lương của những người còn lại cũng sẽ được cải thiện.
Bên cạnh đó là thận trọng với việc lập thêm cơ quan mới, chia tách đơn vị hành chính, cùng lúc đẩy mạnh tự hạch toán, xã hội hóa, thì nguy cơ tăng biên chế cũng sẽ được kiểm soát, độc giả góp ý.
Cho nên việc tinh giản biên chế khả thi hay không phụ thuộc nhiều vào cái tâm, cái tầm của những người đứng đầu, lãnh đạo: Nếu thực sự muốn thì sẽ tìm hiểu, tham khảo các nước phát triển, rút kinh nghiệm trong quá khứ, không vụ lợi để kiên quyết thực thi, không để các nhóm lợi ích và cái tôi vị kỷ chi phối, theo độc giả Thien Doan.
"Có vậy mới tinh giản được đúng nghĩa là lược giảm những người không làm được việc, thiếu ý thức và vô tổ chức; giữ lại và nâng niu những người làm được việc, nghiêm túc và tử tế", độc giả này viết.
Lo phát sinh chạy chọt
Nhắc đến chuyện tâm - tầm, không ít độc giả lo sức ép tinh giản biên chế có thể dẫn đến những biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện.
"Do hiện tượng bè phái, nhóm lợi ích, nhóm gia đình trong cơ quan hành chính mà không ít cán bộ có trình độ bị bố trí ít việc, việc vớ vẩn hoặc sai chuyên môn... Liệu họ có vì thế mà trở thành đối tượng cho về hưu non?", độc giả TNT băn khoăn.
Độc giả Nguyen Anh lại nghĩ: Nhiều cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, làm việc không hiệu quả, nhưng đến cuối năm vì nhân viên, tập thể sợ bị trù dập nên họ vẫn là lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua - những người như thế có bao giờ bị tinh giản được.
Nhìn vào thực tế bộ máy, độc giả Laptt lo cho những cán bộ "không có quan hệ tốt", còn độc giả Hoàng Văn lo những người có trình độ, tài giỏi, thẳng thắn, không luồn lách, "không cúi không quỳ" sẽ bị sa thải.
Độc giả Cố Nhân bi quan hơn khi dự liệu một trận "chạy", trong đó những người có quyền quyết định sẽ "giàu lên".
Nếu để tình trạng đó xảy ra, sau tinh giản biên chế số lượng còn lại vẫn không đáp ứng về năng lực, không hoàn thành được nhiệm vụ để rồi lại phải tuyển mới vào nhiều hơn, độc giả Thien Doan cảnh báo về cái vòng luẩn quẩn của bộ máy hành chính.
Chung Hoàng

Đạo đức người Việt đang suy đồi

Việt Nam sẽ mất thêm vài thế hệ


Những hiện tượng gần đây xảy ra trong hành xử nhỏ nhặt nhất của tương tác xã hội (nạn hôi của, lừa đảo, chụp giựt, côn đồ, vô cảm...) cho thấy Việt Nam còn mất ít nhất vài ba thế hệ nữa mới sản sinh một đa số văn minh và có đạo đức dân sự .
Theo phong tục mùa xuân nên nói toàn chuyện lạc quan để lấy hên, nhưng không thể bịt mắt để mơ mộng về ‘tiền rừng bạc biển', về ‘tự hào dân tộc' hay về ‘quốc gia công nghiệp cho 2020'. Với tôi, ý nghĩa của mùa xuân là sự định giá chuẩn xác vị trí của mình và đem lại một kế hoạch bài bản để thực hiện nghiêm túc, đem lại một mùa xuân đích thực cho quê hương.
Dĩ nhiên đến một lúc nào đó, những chùm hoa mai, hoa cúc...rồi sẽ đâm chồi, những con chim trốn tuyến rồi lại quay về cố hương và những hy vọng mới về một tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến trong lòng số đông. Nhưng hiện nay, ngay tại quê hương, chúng ta vẫn phải trực diện với những vấn nạn chưa giải quyết được, dù vài tín hiệu cho thấy sự đổi thay cũng gần kề.
Hai điểm sáng duy nhất của kinh tế xứ này, và dĩ nhiên chúng sẽ đem theo những điều chỉnh về chính trị xã hội, là sự phát triển mạnh của khu vực FDI (đầu tư từ nước ngoài) và TPP (hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương). Sự ký kết và thực hiện TPP được nhiều chuyên gia tiên liệu vào cuối năm 2014 sẽ mở rộng thị trường may mặc, giầy dép...và đương nhiên cũng lôi kéo thêm nhiều FDI trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, giá tăng của FDI sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân, cho họ một thu nhập cao hơn, kích thích tiêu dùng và ổn định xã hội. Các đầu tư nước ngoài cũng gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và bất động sản, hạ thấp áp lực về nợ xấu ngân hàng và ngân sách chính phủ.
Kinh tế, mùa xuân, Alan Phan
Với tôi, ý nghĩa của mùa xuân là sự định giá chuẩn xác vị trí của mình và đem lại một kế hoạch bài bản để thực hiện nghiêm túc, đem lại một mùa xuân đích thực cho quê hương.
Ở bình diện khác có những thử thách quá lớn như " năm con voi to tướng trong phòng" có thể giảm thiểu, ngay cả phá vỡ, tác dụng của hai "con én" FDI và TPP, đang lẻ loi trong mùa xuân mới. Năm con voi đó là:
Bình rượu cũ
Kinh nghiệm khi nhìn qua Trung Quốc và những cố gắng cải cách gần đây của ông Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo bao quanh là một sự thất vọng của hành động nửa vời. Khi nhất định giử cơ chế chính trị và quyền lợi của nhóm tư bản đó qua sự chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, mọi thay đổi về kinh tế sẽ hời hợt và chỉ gia tăng lợi thế của khu vực FDI.
Thực ra, nhóm lãnh đạo Trung Quốc cũng không đủ quyền lực để lựa chọn. Ngày xưa, khi ông Đặng Tiểu Bình thực hiện "cải cách" kinh tế Trung Quốc còn nghèo và nhóm lợi ích rất thưa thớt. Ngay nay đối thủ của ông Tập mạnh và giàu hơn nhiều. Mọi người thỏa hiệp là "bứt dây động rừng" nên có lẽ họ không thực sự muốn thay đổi.
Chỉ số "giàu nghèo", "thành phố - nông thôn" ,"các tỉnh Đông - Tây"... vẫn rất nhiều khác biệt và sự bất mãn của đa số của dân Tàu nghèo vẫn ám ảnh an sinh xã hội. Kinh tế sẽ vẫn bế tắc về lâu dài và mọi thay đổi đang được đẩy lùi về phía sau để một thế hệ trẻ mới của Trung Quốc tự lo liệu.
Việt Nam đang sao chép kịch bản tái cấu trúc này của Trung Quốc.
Yếu kém của khu vực tư nhân
Sau tám năm thử thách khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp tư nhân Việt vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, dù cạnh tranh trên sân nhà, với chi phí điều hành và vẫn bảo vệ với nhiều đặc lợi trong nhiều lãnh vực.
Ngoài việc sản suất gia công và tiến bộ trong nông nghiệp, thành quả về tài chánh cho thấy sự thua yếu trong quản trị, thiếu sót về quản trị, thiếu sót vế sáng tạo, nhất là kiến thức kinh nghiệm về biển lớn ngoài kia. Thử tách lớn nhất vẫn là một tư duy "xin - cho", làm ăn theo quan hệ ...đã mọc rễ sau 80 năm của bao cấp, tiểu nông và gia đình.
Không một thương hiệu Việt nào có thể thâm nhập thị trường Âu Mỹ dù lợi thế nguyên liệu về gạo, càphê, giầy dép, nội thất...rất dồi dào. Thay đổi tình thế là việc làm khả thi, những sẽ mất rất nhiều năm ngay cả thập kỷ.
Yếu tố thời gian
Trong khi đó, những tiến bộ về công nghệ mới, hệ thống quản trị, nguồn lực tài chánh ...của thế giới không ngừng tăng tốc. Trong định chế cạnh tranh tự do, không ai chờ đợi Việt Nam tái cấu trúc để cúng song hành. Điều này có nghĩa là sự cách biệt về kinh tế của các nước đang và đã phát triển so với các nước tụt hậu sẽ mỗi ngày càng lớn.
Với thông tin đa dạng và cập nhận từng giây qua Interner, áp lực đòi hỏi từ dân chúng, từ nhu cầu mới, từ thu nhập.... sẽ vô cùng lớn lao, gây bất ổn trầm trọng cho an ninh xã hội.
Giáo dục văn hóa
Một yếu tố quan trọng và luôn luôn là khởi điểm cho mọi phát triển hiện đại là dân trí hình thành từ nền giáo dục khai phóng tự do. Những hiện tượng gần đây xảy ra trong hành xử nhỏ nhặt nhất của tương tác xã hội (nạn hôi của, lừa đảo, chụp giựt, côn đồ, vô cảm...) cho thấy Việt Nam cón mất ít nhất vài ba thế hệ nữa mới sản sinh một đa số văn minh và có đạo đức dân sự .
Hiện tượng du học cao độ chẳng qua là một hình thức tỵ nạn vì hệ thống giáo dục trong nước gần như không còn điểm sáng. Sự tuyệt vọng của các bậc phụ huynh, cô thầy cũng như con em học sinh hiện rõ qua từng lời kêu cứu trên mọi mạng truyền thông, trái hay phải. Nền giáo dục hiện tại còn tiếp tục thì chuyện phát triển đất nước cho kịp đà tiến của nhân loại vẫn chỉ là một chuyện "chém gió", càng nói nhiều càng thấy khôi hài.
Môi trường an sinh
Quan trọng hơn hết, để có cuộc sống khả dĩ chấp nhận được, con người cần một môi trường bảo bọc yến ấm của gia đình, bạn bè, tha nhân. Khi chúng ta phải đối diện hàng ngày với thực phẩm pha trộn hóa chất độc hại, nước và không khí ô nhiễm tệ hại, trộm cướp từ những người quen hay sơ, phong bì đều đều cho các cơ quan... thì tâm không an và thân xác thì phó mặc cho may rủi. Ngay cả khi vào bệnh viện, không ai biết những gì sẽ xẩy ra cho mình vì một hệ thống y tế cực kỳ xuống cấp trên mọi góc độ.
Alan Phan/ Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Tác giả Flappy Bird không cần phải lo bị kiện

Việc mượn ý tưởng để viết một trò chơi là điều hết sức bình thường, có hàng nghìn game trên Apple Stores có chung ý tưởng giống như Flappy Bird.

Tôi là độc giả của VnExpress gần đây có theo dõi hiện tượng Flappy Bird xin đóng góp 1 vài ý kiến.
Bản thân là một người làm về công nghệ cũng đã từng tham gia sáng lập một vài công ty và hiện sống ở nước ngoài nhiều năm (Mỹ, Úc, Singapore), tôi thấy ngoài lý do cá nhân thì bạn Đông không có gì phải lo ngại về mặt pháp lí với trò chơi Flappy Bird của mình.
Hãy khoan nói về sự may mắn hay tài năng của tác giả Flappy Bird. Việc mượn ý tưởng để viết một trò chơi (nếu có) là điều hết sức bình thường, có hàng ngàn game trên Apple Stores có chung ý tưởng giống như Flappy Bird.
Ý tưởng là thứ không thể đăng ký bản quyền và được bảo hộ bởi cục sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy bản thân các đại gia công nghệ như Facebook, Google đều xây dựng trên những ý tưởng về mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm của những công ty đi trước (MySpace, Yahoo...). Sở dĩ họ thành công là vì họ làm tốt hơn những người tiền nhiệm.
Lấy thí dụ như chúng ta không thể đăng kí bản quyền ý tưởng thám hiểm mặt trăng sau đó đợi NASA hay các cơ quan hàng không của châu Âu, Nga, Trung Quốc làm điều này rồi kiện họ.
Có một số tin đồn về việc Nintendo có thể kiện tác giả Flappy Bird đòi bồi thường tiền lên đến hàng tỉ đô la, điều này có lẽ chỉ là một ý kiến cá nhân mang tính chất đố kị về thành công của người khác.
Để làm được điều này Nintendo phải chứng minh được những điều sau đây. Một là game Flappy Bird đã copy trái phép những hình ảnh của game Super Mario, cụ thể là hình vẽ chiếc ống khói xanh. Để có được điều này Nintendo phải chứng minh là họ đã đăng kí bản quyền hình vẽ đó, và bản quyền còn giá trị pháp lí.
Trò chơi Super Mario được phát hành từ năm 1985, đến nay đã là gần 30 năm, những bản quyền đăng kí của Nintendo nếu có thì có lẽ đều đã hết hạn. Bản quyền phát minh, thiết kế thường có giá trị khoảng 20 năm tùy theo các quốc gia.
Hai là Nintendo phải chứng minh rằng họ bị thiệt hại về mặt tài chính cho game Super Mario từ khi Flappy Bird ra đời. Điều này cũng rất khó xảy ra vì Nintendo không viết game cho mobile và Super Mario không có trên các thiết bị mobile hay được bán trên Apple Store để có thể gánh những thiệt hại do Flappy Bird gây ra.
Thậm chí Flappy Bird còn vô tình là công cụ PR cho Nintendo khi mà game Super Mario đã dần vào quên lãng. Có chăng một số người chơi sẽ quay trở lại với Super Mario vì Flappy Bird.
Còn về thu nhập cá nhân và các vấn đề liên quan đến thuế bạn Đông cũng nên tìm các nhà tư vấn tài chính, pháp luật trong nước để có thể thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đúng đắn nhất.
Việt Nam và Mỹ (hay những nước khác) không ký kết hiệp ước thuế cá nhân cho công dân 2 nước cho nên bạn Đông chỉ phải chịu thuế của Việt Nam.
Đối với Việt Nam bạn đã mang ngoại tệ, sự quan tâm quảng bá về cho Việt Nam, điều này chỉ có lợi cho nước ta. Ít ra bây giờ thế giới cũng biết đến Việt Nam có những nhà phát triển game như Đông.
Qua hiện tượng Flappy Bird tôi thấy có một bộ phận không nhỏ người Việt Nam tỏ ra đố kị với thành công của người khác. Nếu Đông đang sống ở Mỹ, có lẽ truyền thông phải trả tiền bạn để phỏng vấn, những lời mời vào làm tại các hãng phát triển game lớn hay ít ra những công ty thương mại có thể mua lại hình ảnh Flappy Bird cho các sản phẩm lưu niệm như áo phông, mũ, nón,…
Người Mỹ họ suy nghĩ tích cực và nắm bắt cơ hội rất nhanh, bởi vậy họ giàu có và phát triển. Người Việt chúng ta không dám nghĩ dám làm nhưng khi ai đó thành công thì lại thi nhau vào “dìm hàng”.

Quang Hưng ( Vnexpress)

CÔNG HÀM 1958 CỦA TT PHẠM VĂN ĐỒNG

Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:
"Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng".
Cần phải thấy rằng, các tuyên bố nói trên của Trung Quốc cũng như của VNDCCH ra đời trong bối cảnh có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan.
Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia.
Từ đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý tới nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển, bộc lộ ý đồ mở rộng chủ quyền trên biển. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển, cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển. Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong chiến lược cho tương lai, thì việc cạnh tranh trên biển, cũng như tìm kiếm những nguồn tài nguyên trên biển là một vấn đề được Trung Quốc đặt ra.
Trên thực tế, cũng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã hình thành ý định nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng, việc nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thế kỷ XX đã nằm trong chiến lược "lấn sân" của Trung Quốc về tham vọng mở rộng biên giới quốc gia trên biển.
Đảo Núi Le ở quần đảo Trường Sa.
Ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Các nhà chép sử gọi đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất.
Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ "giải phóng" Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ.
Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này.
Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.
Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách" đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH -Trung Quốc lúc đó "vừa là đồng chí vừa là anh em". Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước VNDCCH - Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không quên mục đích "sâu xa" của họ trên Biển Đông nên đã "lồng ghép" thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố.
Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên.
Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu.
Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về người Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực.
Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.
Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Một phần nội dung của bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời cũng vi phạm nghiêm trọng các cơ sở pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận cũng như đã nhiều lần tái thừa nhận một cách minh thị là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ VNDCCH trong bối cảnh quan hệ hữu nghị rất đặc thù với Trung Quốc đã khẳng định lập trường ghi nhận, tán thành tuyên bố giới hạn 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, còn những nội dung cụ thể diễn giải vượt quá phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo các hiệp ước quốc tế đã không được đề cập tới như là một sự mặc nhiên thừa nhận sự vô hiệu của nó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế.
Trong khi đó, Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Bức Công hàm ngày 14-9-1958 của Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký
Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên càng thấy rõ một sự thật hiển nhiên là Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đơn giản chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không hề nhắc lại các nội dung mập mờ liên quan đến các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như lập luận phía Trung Quốc), cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do.
Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 1958 có thể hiểu không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Genève năm 1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho VNDCCH. Nội dung Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa VNDCCH và Trung Quốc bấy giờ, đồng thời cũng hàm chứa thái độ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam, bởi từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một cơ sở nữa trên phương diện pháp lý, nước VNDCCH lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của VNDCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Tuy nhiên, có tác giả đã cố tình nêu thuyết "estoppel" để suy diễn những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam.
Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết "estoppel". Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính: (1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch; (2) Quốc gia nại "estoppel" phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) Quốc gia nại "estoppel" cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó; (4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ: bản án "Phân định biển trong vùng Vịnh Maine", bản án "Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua", bản án "Ngôi đền Preah Vihear"...
Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của VNDCCH, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của VNDCCH. Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. VNDCCH cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó.
Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế những hành vi xuyên tạc, tung hỏa mù, cố tình làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận càng khiến cho Trung Quốc lộ rõ âm mưu cũng như thủ đoạn của họ trong suốt quá trình áp đặt ý đồ "nuốt trọn" Biển Đông, theo kiểu "miệng nói hòa bình không xưng bá, tay làm phức tạp hoá tình hình".
Theo Đại Đoàn Kết