Trang

1 tháng 1, 2014

Người ký văn bản “chụp ảnh CSGT phải xin phép” được khen thưởng

(NLĐO) - Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, người từng ký văn bản yêu cầu nhà báo "chụp ảnh CSGT phải xin phép" vừa được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Người ký văn bản “chụp ảnh CSGT phải xin phép” được khen thưởng
Văn bản của 1042 do ông Trần Sơn Hà ký duyệt

Tại hội nghị tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2013 sáng 31-12, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đọc thông báo khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia dành cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc năm qua.
Đáng chú ý, trong danh sách 7 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có tên Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an.
Ông Trần Sơn Hà là người đã ký văn bản số 1042/C67-P3 gửi trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị nhà báo muốn chụp ảnh CSGT đang thực hiện nhiệm vụ trên đường phải xin phép.
“Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật” - văn bản 1042 viết.

Văn bản 1042 yêu cầu nhà báo "chụp ảnh CSGT phải xin phép" đã bị thu hồi
 - Ảnh minh họa

Ngay lập tức văn bản này đã khiến dư luận phản ứng rất mạnh. Các chuyên gia tư pháp, Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã liên tiếp bày tỏ ý kiến không đồng tình và cho rằng văn bản 1042 có nhiều dấu hiệu trái luật.
Trong văn bản gửi C67, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân, phóng viên quay phim, chụp ảnh thì mới bắt buộc công dân phải tuân thủ quy khi quay phim chụp ảnh. 
Qua rà soát, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ nếu không thuộc trường hợp cấm, hạn chế. Việc quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT không phải hành vi bị pháp luật cấm. Hơn nữa cán bộ, chiến sĩ CSGT cũng không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo.
Trước sự phản đối của dư luận, ngày 23-8-2013, C67 đã có công văn 2315/PC67-P6/2013 gửi trưởng phòng CSGT các địa phương trên cả nước, trong đó nói rằng công văn 1042 ban hành trước đó có nội dung chưa chuẩn xác nên phải hủy bỏ. 
Theo chỉ đạo của C67, trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp người dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của CSGT thì thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và kịp thời xử lý nghiêm túc theo quy định hiện hành.

Thế Kha
[Quay lại]
CÓ 61 Ý KIẾN

  • Dân quèn
    1Thích  
    01/01/2014 16:04
    Gởi bạn "yêu nước" làm sai mà được khen thưởng thì mới hy vọng có ngày làm đúng, còn làm đúng mà được khen thưởng là chuyện bình thường rồi.
  • Single Firefly
    0Thích  
    01/01/2014 16:00
    To NONG DAN: Khen nhầm người thì cũng đã từng xảy ra. Cụ thể là Anh hùng giả ở Thừa Thiên-Huế đó. Không nhớ sao?
  • Phê Binh
    1Thích  
    01/01/2014 15:50
    Trình của người khen và người được khen...
  • TH
    3Thích  
    01/01/2014 15:48
    Ông này không được khen thưởng hoặc phong quân hàm mới là chuyện lạ.
  • Quoc Khanh
    2Thích  
    01/01/2014 15:04
    "...nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản...". Các bạn có hiểu ý của câu này không chứ tôi thì bó tay chấm com toàn tập.
  • PHẠM VĂN BẰNG
    12Thích  
    01/01/2014 11:49
    Ai đi làm mà chẳng biết, cứ làm sếp thì khen thưởng thôi.
  • võ Thăng
    8Thích  
    01/01/2014 11:45
    Tháng 11/2013 đã có chuyện ở Bình phước khen thưởng giáo viên dạy giỏi gì đó cho một người chưa từng đứng lớp buổi nào đấy thôi, khen chê là quyền của lãnh đạo mà....
  • Hăng rết
    10Thích  
    01/01/2014 11:44
    Có khen mới lên được chức chớ các còm.
  • Thanh
    0Thích  
    01/01/2014 11:44
    Tôi thì không biết qui trình khen thưởng như thế nào, ai đáng được khen, ai chưa được khen nên không có ý kiến về việc này, có thể các vị có những đóng góp to lớn khác nên được khen thưởng. Tuy nhiên tôi mong các vị trước khi ban hành một quyết định nào đó nên cân nhắc, xem xét thấu đáo mọi khía cạnh để người dân tâm phục khẩu phục thực hiện theo quyết định đó. Như vậy vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật vừa nâng cao uy tín của lãnh đạo. Nhưng mà không có phần thưởng nào cao quí hơn tình cảm và lòng dân đối với những "công bộc" của dân đâu.
  • Vĩnh
    2Thích  
    01/01/2014 11:43
    Ông này có công ký văn bản sai để dân tình phản ứng, cơ quan chức năng mới có việc làm!
  • rui
    3Thích  
    01/01/2014 11:41
    Thật đúng là "đồng thanh tương ứng,đồng khí tương cầu".
  • rua vang
    4Thích  
    01/01/2014 11:41
    @NÔNG DÂN : quyết định do thủ tướng chính phú ký khen thưởng thì sao có sự nhầm lẫn hả bạn
  • Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam
    3Thích  
    01/01/2014 11:19
    Trước đó, Giám Đốc Công An Hải Phòng được thăng quan, tiến chức, thì ông này được nhận khen thưởng cũng không có gì lạ. Phải không Quý vị!?
  • Tiến sỹ phổ cập
    4Thích  
    01/01/2014 10:04
    Quyết định cấm quay phim cũng như quyết định cấm nhìn.
  • lá bùa
    4Thích  
    01/01/2014 10:01
    Có được tấm bùa khen thưởng quý giá cuối năm, sang năm mới ông Cục phó sẽ tự tin sáng tác tiếp những văn bản gây sốc cho xem.
  • gia huy
    3Thích  
    01/01/2014 09:45
    Một bài báo rất hay có ý nghĩa mà dân chúng bất bình về sự kiện trong bài cũng nhiều ... Viết hay sát thực tế (ngày nào tôi cũng đọc báo các bạn).
  • Thanh Lý
    77Thích  
    31/12/2013 22:25
    Hồi trước tôi định đặt tên cháu trai là Sơn Hà, nhưng sau cái vụ ông này ký cái nọ hồi tháng tám, tôi không đặt tên này cho cháu nữa, sợ cháu lớn lên xấu hổ với bạn bè.
  • Nói Không Được
    98Thích  
    31/12/2013 20:07
    Năm ngoái có Táo nói về "xe chính chủ". Năm nay chắc có táo nói về "chụp ảnh CSGT phải xin phép". Chờ xem!!!
  • NÔNG DÂN
    85Thích  
    31/12/2013 20:07
    Trong các trường hợp khen thưởng có khi nào bị khen nhầm người không nhỉ...
  • Quan Trung
    131Thích  
    31/12/2013 20:01
    Đúng là thi đua dành cho lãnh đạo.
  • yêu nước
    167Thích  
    31/12/2013 19:52
    Lên đến tầm Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an mà tham mưu ký văn bản quá kém, thể hiện năng lực chỉ đạo và tầm nhìn ích kỷ của người cán bộ. Không bị kiểm điểm kỷ luật mà còn được khen thưởng...không hiểu nổi.
  • lộc
    82Thích  
    31/12/2013 19:50
    Mấy bác không đọc bài báo nói về : " Chiến sĩ thi đua " là sân chơi của mấy sếp hay sao??? Chuyện Đại tá Trần Sơn Hà được Bằng Khen của Thủ Tướng Chính Phủ chỉ là chuyện nhỏ,  cũng đâu có chuyện gì là ầm ĩ.
  • Tiến Sỹ MUA
    139Thích  
    31/12/2013 19:44
    ĐÂY LÀ GIẢI THƯỞNG "MÂM XÔI VÀNG" CỦA VIỆT NAM NĂM 2013!
  • nguyễn hung huy
    129Thích  
    31/12/2013 19:42
    Nên đưa vào chương trình hài gặp nhau cuối năm.
  • Tô Bá Hải
    12Thích  
    31/12/2013 17:21
    Văn bản "Nhà báo muốn chụp ảnh CSGT đang thực hiện nhiệm vụ trên đường phải xin phép" đã bị hủy rồi các bạn ạ! Có lẽ Đại tá Trần Sơn Hà được khen thưởng vì các thành tích khác mà nhiều người trong chúng ta chưa được biết.
  • vien
    36Thích  
    31/12/2013 17:20
    Vì sao chụp hình csgt lại phải xin phép ?.
  • Nguyễn Văn Thanh
    40Thích  
    31/12/2013 17:20
    Tôi ko hiểu tiêu chí khen thưởng cho các tổ chức,cá nhân có thành tích xuất sắc như thế nào? Trong trường hợp Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt. Người thẩm định và ký một văn bản,trước khi được ban hành chắc cũng đã nghiên cứu kỹ: "Chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ.Nếu không thuộc trường hợp cấm,hạn chế.Việc quay phim,chụp ảnh lực lượng CSGT không phải hành vi bị pháp luật cấm. Hơn nữa án bộ, chiến sĩ CSGT cũng không được quyền truy hỏi người đang quay phim,chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ, để xác định là nhà báo, hay giả danh nhà báo".Vậy mà văn bản vừa mới ban hành, đã bị "Tuýt còi" và hủy bỏ.
  • Tư tèo tèo
    87Thích  
    31/12/2013 17:18
    Phải công nhận phóng viên Báo Người Lao Động đưa nhiều tin rất hay và giá trị vô cùng để chúng ta hiểu rõ hơn nữa cái sự...cái sự.... Mà thôi, cái sự đó lãnh vực nó rộng và cao siêu quá, tôi không đủ trình độ để nới được, mong có Còm nào kiến thức sâu rộng nói giùm. Xin cảm ơn báo NLĐ.
  • Minh Khang
    104Thích  
    31/12/2013 17:09
    Nên kỷ luật người tham mưu trong vụ khen thưởng này.
  • Hai Cù Nèo
    125Thích  
    31/12/2013 16:23
    Ông ấy được khen thưởng vì trong năm qua ông ấy đã có những "đóng góp tích cực" dù không hợp lòng dân.
  • NVM
    170Thích  
    31/12/2013 16:23
    Trong ngành họ bầu chọn thi đua cho ông này là đúng. Vì là để bồi đắp cho những thiệt thòi mà ông phải chịu khi ông bị dư luận phê phán. Ông có công bảo vệ đồng đội, nhưng xui xẻo một điều là dư luận phát hiện được.
  • tu-ha
    91Thích  
    31/12/2013 16:23
    Sao không ký đại thêm vài cái văn bản "nội dung chưa chuẩn xác" nữa để mau lên chức!
  • quang quang lê
    57Thích  
    31/12/2013 16:22
    Thật kỳ lạ ? Đúng sai nào rõ được trắng đen ? Hơn cả chuyện tiểu lâm .....
  • duc_hoi
    121Thích  
    31/12/2013 16:22
    làm sai không thấy bị kỷ luật mà còn được khen thưởng thật là hết đường để nói
  • Hải Sùi
    84Thích  
    31/12/2013 16:21
    Thật ngộ nghĩnh. Nên xếp vào những sự kiện ngộ nghĩnh nhất trong năm cùng với hành động hôn sư của Đàm Vĩnh Hưng,....
  • holo1993
    69Thích  
    31/12/2013 16:21
    Ban hành văn bản mà không biết luật, hay dùng.....để bao che???
  • Q.Binh
    41Thích  
    31/12/2013 16:21
    Cái này dư luận phản ánh mà cũng được khen thưởng???
  • canh
    104Thích  
    31/12/2013 16:20
    Chán từ lâu lắm rồi, chứ không phải bây giờ mới chán !
  • long
    61Thích  
    31/12/2013 16:20
    Có thật mà tưởng kịch châm biếm. Giống như Vedan!
  • Nguyễn Văn Tèo
    34Thích  
    31/12/2013 16:19
    Buồn cười nhỉ.
  • Ti
    27Thích  
    31/12/2013 16:19
    Món quà cuối năm
  • Phot van Doi
    107Thích  
    31/12/2013 16:19
    Cục còn ai thành tích tốt hơn nữa đâu, bác Hà phải nhận. Làm lãnh đạo khổ thế đó
  • Dân đọc báo
    64Thích  
    31/12/2013 16:18
    Ở VN mà không xét khen thưởng cho các bác như thế này mới là lạ, vì ý tưởng của các bác quá hay và không đụng hàng,miễn sao có ý tưởng là có thành tích, còn được áp dụng hay không thì..."Hên,xui"
  • hai Nhách
    46Thích  
    31/12/2013 16:18
    Phần thưởng ý nhị,thưởng cho người có đề nghị "trời ơi" nhất trong năm đây mà!
  • Đào Trọng Đạt
    35Thích  
    31/12/2013 16:18
    Khen vì dũng cảm, sáng tạo
  • Kiệt Ròm
    84Thích  
    31/12/2013 16:17
    Ra văn bản sai thì phải khiển trách , kỷ luật chứ sao lại được khen thưởng !!! Đúng là chuyện lạ ...
  • Hương Chanh
    55Thích  
    31/12/2013 16:16
    Từng nghe có người từ chối bằng khen này, ngẫm lại người ấy thật có lòng tự trọng.
  • Mr.Dang
    125Thích  
    31/12/2013 16:16
    ông ấy được khen vì giám đứng gia bảo vệ nồi cơm cho các bác đứng đường nên được các bác đứng đường tôn làm đại ca và họ bình bầu cho ông ấy . cũng dễ hiểu mà từ khi tôi ở quê lên thành phố tôi bị công an thổi tổng cộng là 8 lần và cả 8 lần họ đều đề nghị tôi chi tiền nếu không sẽ bị giam xe và phạt tiền gấp đôi và cũng giống như những người khác tôi chọn cách bỏ túi cho họ để được đi . xin lỗi nhé .
  • Hồ Hoàng Tông
    111Thích  
    31/12/2013 15:28
    Chẳng giống ai.
  • Công Minh
    19Thích  
    31/12/2013 15:27
    Có lẽ đơn vị nơi ông Hà công tác họp xét thành tích cá nhân trước ngày 23/8/2013 nên mới được khen. Hoặc văn bản trên (không ảnh hưởng và thiệt hại) cho xã hội.
  • Thích Bình Loạn
    64Thích  
    31/12/2013 15:26
    ...Bác Sơn Hà thấy "được" thì ký văn bản thui, bác ý được thưởng vì có ý tưởng hay !
  • Huy Vu
    38Thích  
    31/12/2013 15:26
    Không biết chúng ta nên khóc hay nên cười đây?
  • Phan Ngọc Cường
    56Thích  
    31/12/2013 15:26
    Sự đời là vậy mà. Nhiều sếp có làm được gì đâu mà hàng năm vẫn được khen thưởng
  • Montreal
    43Thích  
    31/12/2013 15:25
    Chuyện dài của Quê hương nên nói hoài cũng vậy thôi .
  • Nguyên Quán
    93Thích  
    31/12/2013 15:24
    Có gì lạ đâu, cái danh hiệu này cũng giống như cái "giấy chứng nhận gia đình văn hóa" vậy mà...
  • thanh minh
    29Thích  
    31/12/2013 15:04
    Thế này… là thế nào.? Không hiểu nổi nữa..! có nhầm lẫn không đấy..?
  • ngo minh phu
    59Thích  
    31/12/2013 15:04
    Chẳng biết nên khóc hay nên cười.
  • tra thanh
    196Thích  
    31/12/2013 15:03
    Lên đến tầm Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an mà tham mưu ký văn bản quá kém, thể hiện năng lực chỉ đạo và tầm nhìn ích kỷ của người cán bộ. Không bị kiểm điểm kỷ luật mà còn được khen thưởng...không hiểu nổi.

Chống tham nhũng, Trung Quốc giám sát cả ủy viên Bộ Chính trị

Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương sẽ được gài vào tất cả các cơ quan Đảng và ban ngành chính phủ.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, cuộc chiến chống tham nhũng sắp tới sẽ bao gồm tất cả mọi quan chức, trong đó, các thành viên Bộ Chính trị kiêm nhiệm chức danh bí thư tỉnh cũng không nằm ngoài “phạm vi giám sát” của cơ quan này.
“Bất luận là ai, kể cả ủy viên bộ chính trị kiêm nhiệm chức vụ bí thư đảng ủy ở địa phương đều nằm trong phạm vi giám sát của ủy ban” - Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết.
Một kỳ họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ảnh: AFP)
Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết, cán bộ của ủy ban này sẽ được gài vào tất cả các cơ quan đảng và ban ngành chính phủ, thay vì chỉ một số cơ quan đảng nhất định như trước đây. Ủy ban này cũng sẽ kiện toàn chức năng của “các nhóm phối hợp chống tham nhũng” trong ủy ban và tăng cường vai trò lãnh đạo của ủy ban.
Là một phần của gói cải cách kinh tế và xã hội, các biện pháp mới nói trên nhằm mục đích tăng cường sự giám sát của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với nạn tham nhũng và sẽ yêu cầu đảng viên báo cáo các vụ tham nhũng cho các quan chức kỷ luật cũng như các quan chức cấp cao khác trong đảng./.
Tham nhũng là một vấn đề gây bức xúc tại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ có thể quét sạch tham nhũng khi Trung Quốc cho công khai toàn bộ tài sản của các quan chức cấp cao.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng tham nhũng đe dọa đến sự sống còn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và mở chiến dịch đánh cả “hổ” lẫn “ruồi”./.
Theo Tuổi Trẻ, Vietnam Plus

Trung Quốc mạnh tay với tham nhũng

VOV.VN - Thông qua chống tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn tạo dựng một chính quyền trong sạch.

Theo Tân Hoa Xã ngày 28/12, hơn 500 nhà lập pháp của tỉnh Hồ Nam đã bị mất chức bởi tội nhận hối lộ khoảng 110 triệu nhân dân tệ (tương đương 18 triệu USD) với mục đích dàn xếp trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân diễn ra từ 28/12/2012 đến 3/1/2013.
Tháng 10 vừa qua, Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc bị xét xử bởi tội tham nhũng.
Trung Quốc đang đối mặt với nạn tham nhũng. Tham nhũng không tồn tại ở một cá nhân mà tồn tại ở cả những tổ chức với qui mô lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Một câu hỏi lớn đối với Trung Quốc, có lẽ các biện pháp phòng chống tham nhũng chưa thật hiệu quả?
Chủ tịch Tập Cận Bình gặp khó khăn trong chống tham nhũng?
Từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc từ tháng 11/2012 đến nay, ông Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện chính sách ngoại giao linh hoạt nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Tuy nhiên, để có thể thực hiện giấc mơ này, ông Tập Cận Bình cũng phải mạnh tay trong vấn đề chống tham nhũng.
Theo đó, ông Tập Cận Bình đã phát động rộng khắp trên toàn Trung Quốc chiến dịch chống tham nhũng. Ông tuyên bố rằng, dù quan chức trung ương hay địa phương, dù chức vụ lớn hay nhỏ đều phải bị xử lý bằng pháp luật nếu tham nhũng, sống xa hoa, hủ bại. Tham nhũng, theo ông là một căn bệnh nan y, ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng. Tham nhũng làm “sung sướng” một số người, nhưng làm khổ nhân dân.
Có lẽ vụ xét xử Ủy viên Bộ chính trị, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã gây chấn động trên toàn thế giới. Lần đầu tiên Trung Quốc “khó xử” đến vậy. Nhưng trước quyết tâm của toàn đảng, ông Bạc Hy Lai phải chịu án tù chung thân. Ước muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu được thực hiện.
Theo thống kê được công bố mới đây, từ sau Đại hộị Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đến nay, đã có 108.000 cán bộ bị điều tra xử lý do vi phạm kỷ luật, ít nhất 10 quan chức cấp tỉnh bị điều tra xử lý.
Vụ xét xử mới nhất là vụ Đồng Kiến Minh - Phó chủ tịch Chính hiệp nhân dân tỉnh Hồ Nam. Và vụ cách chức hơn 500 nhà lập pháp ngày 28/12 cũng ở tỉnh này cho thấy rằng tham nhũng đã ăn sâu vào trong nhận nhức của những kẻ tham nhũng. Tham nhũng đã tồn tại lâu dài, gắn kết trong phạm vi của một tỉnh hết sức tinh vi và khó phát hiện. Vậy làm thế nào để biết có tham nhũng mà chống. Đây là điều thực sự khó.
Ngày 20/12, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã chính thức thông báo thực hiện điều tra Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh bị do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Ông Tưởng Khiết Mẫn, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Quản lý giám sát tài sản quốc gia Trung Quốc bị bãi miễn tất cả các chức vụ để điều tra hồi tháng 9 vừa qua.
Liên tiếp những quan chức cao cấp của Trung Quốc bị điều tra, xét xử.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong một phát biểu đã nhấn mạnh rằng nếu không triệt để trong công cuộc chống tham nhũng, xã hội Trung Quốc sẽ lâm vào thời kỳ của những năm 60 của thế kỷ trước. Do vậy, cần phải mạnh tay trong việc xử lý ông Tường Khiết Mẫn.
Trong năm 2013, sau vụ Bạc Hy Lai, có lẽ vụ Tường Khiết Mẫn là quan chức cao cấp thứ hai bị điều tra, xét xử.
Giáo sư sử học Lâm trường Đại học Trung văn Hongkong đánh giá Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng sẽ trở thành người có quyền lực lớn trong việc chống tham nhũng mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc trước kia không làm được.
Song song với việc thực hiện mạnh mẽ điều tra, xử lý cán bộ cao cấp vi phạm kỷ luật đảng, Trung Quốc còn triển khai nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng. Tháng 1/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành "8 quy định" và "6 điều cấm" đối với cán bộ đảng viên.
Tháng 8/2013, quy định tiết kiệm trong các hội nghị có hiệu lực. Đặc biệt ngày 19/1, Trung Quốc ban hành lệnh cấm tổ chức lễ tang và lễ tưởng niệm một cách xa hoa lãng phí đối với cán bộ và người nhà. Liên tục những chính sách, biện pháp chống tham nhũng được ban hành, bước đầu góp phần tích cực vào công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc.
Thực sự thành công?
Sau vụ xét xử Bạc Hy Lai và một số quan chức cao cấp khác, truyền thông Trung Quốc và truyền thông quốc tế coi năm 2013 là năm thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình về chống tham nhũng. Công tác chống tham nhũng triển khai tích cực với cường độ lớn. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết tâm diệt cả “Hổ” lẫn “Ruồi”.
Bạc Hy Lai bì tù chung thân vì tội tham nhũng (Ảnh: Tân Hoa xã)

Đằng sau thành công bước đầu, liệu chủ trương chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình có được thực hiện lâu dài?
Theo nhận định của Reuters từ sau Hội nghị Trung ương lần 3 khóa 18 kết thúc, dường như chính sách tập trung vào chống tham nhũng của Trung Quốc có vẻ như khó khăn hơn.
Đây là Hội nghị xác định lộ trình phát triển Trung Quốc theo thể chế Tập-Lý (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường).   
Theo Thủ  tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ tập trung vào thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình với chủ trương “thanh lọc” bộ máy nhà nước, thông qua việc tích cực chống tham nhũng sẽ là những “cản trở” của chính sách ông Lý.
Theo các chuyên gia phân tích ngoại giao Trung Quốc Thạch Bình thì có khả năng trong chính quyền Trung Quốc sẽ tồn tại những “cuộc đảo chính ngầm” và Trung Quốc đang ở trong trạng thái “tuyệt vọng”.
Trong Hiến pháp của Trung Quốc qui định rõ ràng rằng Đảng cộng sản Trung Quốc là đảng chấp chính duy nhất và Hiến pháp bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc không thừa nhận những đảng mới nào ngoài Đảng cộng sản Trung Quốc.
Do vậy, việc Trung Quốc thẳng tay trừng trị những lãnh đạo tham nhũng, đặc biệt là vụ xét xử Bạc Hy Lai vừa qua thể hiện việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạo dựng một chính quyền không có tham nhũng.
Lập trường này của ông Tập Cận Bình còn được nói rõ tại Hội nghị cấp cao G20 được tổ chức tại Nga: “Trong việc giải quyết cơ bản vấn đề lâu dài của kinh tế, Trung Quốc cần thiết phải cải cách lại cơ cấu”. Quyết tâm của ông Tập Cận Bình có trở thành hiện thực như những gì ông muốn, hiện chưa có câu trả lời cuối cùng./.  
Bùi Hùng/VOV online

"Đúng quy trình" là cách rũ bỏ trách nhiệm

"Cơ quan nào cũng nói là đúng quy trình, chuyện lọt mấy trăm cân ma túy cũng đúng quy trình, tiêm vac-xin cũng là đúng quy trình, thậm chí tiêm người chết rồi cũng đúng quy trình. Tôi nghĩ đấy là một sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm. Ở một góc độ khác thì đúng là quy trình ấy cũng có vấn đề" - Ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

LTS: Trong những ngày cuối năm 2013, Tuần Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến cùng các khách mời để tìm ra những điểm hạn chế,  các thách thức đang tồn tại và đề xuất giải pháp, hướng đi cho năm tới 2014.
Tham gia buổi tọa đàm có ông  Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội; ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và ông  Nguyễn Trần Bạt, Luật sư, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty tư vấn Invest Consult Group.
Tiếp theo phần 123 chúng tôi xin giới thiệu phần cuối cuộc tọa đàm.
Xây lại niềm tin từ những điều nhỏ
Nhà báo Hoàng Hường:  Thưa các khách mời, cách đây chỉ vài hôm vụ va chạm giữa người bán hàng rong với các anh dân phòng đang khiến người dân quan tâm. Điểm gây chú ý ở đây là ông chủ tịch phường phát ngôn khiến cho dư luận ngỡ ngàng: anh kia “lăn ra ngủ khi đang bị đánh”.
Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây là lời giải thích rất khó chấp nhận. Liệu có phải chỉ vì một vài cách hành xử như vậy đã dẫn đến xói mòn niềm tin của người dân đối với các công bộc của dân?Ông Lê Quang Bình: Tôi nghĩ rất đơn giản: niềm tin hoặc tình cảm mà người dân dành cho bất cứ một cơ quan công quyền nào đấy, hoặc một người đảm nhận một công quyền nào đó phản ánh qua cuộc sống hàng ngày của họ. Một người dân khi đến Ủy ban nhân dân phường thì người ta được tiếp đón thế nào, và công việc của người ta có được giải quyết hay không.
Khi người ta gặp khó khăn, người ta đến cơ quan công quyền chứng nhận thì cơ quan làm gì cho họ. Khi người dân vi phạm giao thông thì lực lượng cảnh sát giao thông giúp họ thế nào, hướng dẫn họ ra sao để họ thấu hiểu và họ biết để lần sau mà không vi phạm nữa.
Tôi nghĩ người dân Việt Nam mình cũng không đòi hỏi nhiều, người ta đòi hỏi những cái rất bình thường, cuộc sống người ta được yên bình, được tốt, và những khó khăn trong cuộc sống thì người ta được giải quyết.
Tôi nghĩ rằng có thể những vụ việc như chị vừa nêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn của người dân vào thể chế, Nhà nước và chính quyền. Thành ra tôi nghĩ có lẽ khi chúng ta nói đến những chương trình rất lớn như chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính chẳng hạn thì tôi nghĩ nên bắt đầu bằng những cái đời thường như vậy..
đúng quy trình, trách nhiệm, quản lý, tọa đàm, dự kiến 2014
  Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Nguyễn Sỹ Cương:  Tôi xin nói thêm ở một khía cạnh khác. Bấy lâu nay cuộc sống tạo cho người dân thói quen là phải tự bảo vệ mình, tự lo cho mình trước một thái độ đôi khi vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm và cả thiếu lịch sự của các cơ quan chức năng.
Phía các cơ quan chức năng thì bất kỳ có việc gì xảy ra, thì việc đầu tiên bao giờ cũng là tìm cách giải thích như thế nào để giảm nhẹ trách nhiệm của mình đi nhất, luôn luôn là như thế.
Tôi đồng tình với ý kiến của anh Bình đưa ra, có những việc sự đòi hỏi của người dân không quá lớn. Đối với tư cách là một người dân, tôi nghĩ những đòi hỏi bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Tôi lấy ví dụ tôi ra UBND Phường để sao một giấy tờ gì đó. Tôi đưa giấy tờ, người ta nhận và trả lời là mấy anh lãnh đạo phường đi họp hết, anh cứ để đây rồi lúc khác quay lại. Giá như người tiếp nhận giấy tờ đó bảo tôi là cứ để lại giấy tờ ở đây và khi giải quyết xong chúng tôi sẽ báo và  giá như một hai tiếng sau tôi nhận được cú điện thoại báo là đã xong rồi mời anh ra nhận, thì có lẽ là tôi thấy thực sự mãn nguyện. Rất tiếc là một việc đơn giản như vậy không bao giờ xảy ra!
Bây giờ bất cứ một việc gì cần phải đến cơ quan nhà nước, dù việc to hay nhỏ, cứ phải chạy đi chạy lại để hỏi xem giải quyết được chưa mà không bao giờ có sự phản hồi nào.
Con nói đến chuyện trách nhiệm, khi xảy ra chuyện gì thì cũng cố giải thích làm sao cho nhẹ trách nhiệm nhất. Ví dụ như chuyện tra tấn oan sai vừa rồi, cơ quan nào cũng nói là đúng quy trình, chuyện lọt mấy trăm cân ma túy cũng đúng quy trình, tiêm vacxin cũng là đúng quy trình, thậm chí tiêm người chết rồi vẫn khẳng định là…đúng quy trình. Tôi nghĩ đấy là một sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm.
đúng quy trình, trách nhiệm, quản lý, tọa đàm, dự kiến 2014
Ông Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Lê Anh Dũng
 Thế còn ở một góc độ khác thì đúng là quy trình ấy cũng có vấn đề, thực sự có vấn đề, mà vấn đề đó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tức là bản thân quy trình đó không mang lại hiệu quả, nhưng bên cạnh đó quy trình đó còn có cả lợi ích và sự tiêu cực trong đó.
Tôi lấy ví dụ chuyện 230kg ma túy lọt qua cửa khẩu, người ta nói rằng do máy soi bị hỏng, kiểm tra một hồi thì máy soi không hỏng, rồi đến lúc Cục hàng không Việt Nam nhận trách nhiệm là nhân viên soi chiếu không biết cách phát hiện ma túy. Vậy thì đúng là quy trình có vấn đề rồi!
Chúng ta không thể tự chọn Bộ trưởng
Nhà báo Hoàng Hường:  Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm thông với Bộ trưởng Bộ y tế: “có nhiều việc nằm ngoại sự tính toán của tư lệnh ngành và không thể giải quyết được” Các khách mời có thể tìm giúp những “sự tính toán” trọng điểm nhất, cần chú trọng giải quyết trong năm tới không? 
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Trước hết phải nói là hệ thống y tế có vấn đề mà nói rộng ra là vấn đề của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ TBT nói đúng vì không những cần chia sẻ với Bộ trưởng bộ y tế mà cần chia sẽ với nhiều các Bộ trưởng khác vì lâu nay chúng ta thực hiện phân cấp tương đối mạnh cho chính quyền các cấp.
Còn Tổng bí thư nói là có việc nằm ngoài sự tính toán, đúng là ngoài sự tính toán thật. Chuyện bác sĩ làm chết bệnh nhân là chuyện có thể xảy ra, nhưng làm chết rồi mang đi thủ tiêu là điều hết sức “lạ”, “ngoài sự tính toán”. Nó ngoài sức tưởng tượng, bởi vì logic thông thường là khi anh làm chết người ta thì anh làm thế nào đó để việc nhẹ đi, nhưng đây thì theo chiều hướng ngược lại. Cho nên tôi nghĩ ý của Tổng bí thư là nghĩ ở góc độ như vậy.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng tôi không có điều kiện để hiểu biết năng lực tính toán của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên không thể phát biểu gì. Đồng chí Tổng bí thư thì có thể biết vì là người quản lý trực tiếp những ủy viên trung ương như đồng chí Kim Tiến. Có thể những sự việc ấy nằm ngoài tính toán của chị Kim Tiến thật. Với tư cách là một con người thì tôi thích cách giải thích như vậy của Tổng bí thư, để có thể cảm thông được, có thể nuốt trôi được.
Tuy nhiên, chúng ta không nên kéo dài tình trạng vận mệnh của xã hội lệ thuộc vào năng lực tính toán của một vài bộ trưởng, mà bộ trưởng ấy lại không phải do chúng ta chọn.
Chúng ta không có khả năng tham gia vào quá trình chọn. Chúng ta có thể chọn một đại biểu quốc hội như anh Cương, nhưng chúng ta không thể chọn bộ trưởng. Chúng ta phải treo thân phận của mình lên trên năng lực tính toán của một người bộ trưởng mà mình không được tham gia vào quá trình chọn.
Tôi nghĩ rằng có lẽ cần phải xây dựng lại hệ thống chức danh, hệ thống trách nhiệm, và phải tìm ra được ngay kẻ phải giơ đầu chịu báng trước các sự cố của xã hội. Nếu không làm được như thế thì mọi lời nói, lời hứa, lời hay ý đẹp cũng vô ích, thậm chí nếu không cẩn thận ngay cả nghị quyết cũng vô ích.
Ông Lê Quang Bình: Tôi nghĩ đây là vấn đề của hệ thống y tế chứ không phải là vấn đề của một cá nhân cụ thể.
Khi người ta phải đến bệnh viện, thì mối quan hệ quyền lực giữa bệnh nhân và bác sĩ rất chênh lệch. Chúng ta cần phải xem xem làm sao để kiểm soát được việc lạm dụng quyền lực có thể không xảy ra. Có nhiều cách khác nhau, cách thứ nhất là liệu bệnh nhân có sự lựa chọn nào hay không, hay là người ta không có sự lựa chọn nào cả, người ta bắt buộc phải tuân thủ tất cả những thứ mà người ta không có lựa chọn?
Đa số người dân, đặc biệt người nghèo thì không có sự lựa chọn nào. Tôi nghĩ là trách nhiệm của Nhà nước thì vẫn rất quan trọng trong vấn đề làm sao cải tổ được hệ thống y tế. Tôi tin rằng ngành y tế cũng đang gặp rất nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép về mặt tài chính. Tôi rất hy vọng là sau này mình có thể tăng ngân sách cho ngành y tế lên, vì so với giáo dục thì y tế đang rất hạn chế về mặt ngân sách.
đúng quy trình, trách nhiệm, quản lý, tọa đàm, dự kiến 2014
Ông Lê Quang Bình. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cái thứ ba là ông Bạt có nói về vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Tôi nghĩ về mặt lâu dài, Nhà nước nên rút khỏi việc chứng nhận, mà nên để cho hội nghề nghiệp hay hội chuyên môn làm việc đó. Rất nhiều nước trên thế giới, ví dụ hội luật gia là do họ bình chọn, về y đức cũng thế.
Nhà báo Hoàng Hường: Xin cảm ơn những vị khách mời đã chia sẻ những quan điểm rất cởi mở, thẳng thắn và sâu sắc.
Tôi xin được tổng kết lại là năm 2014, chúng ta sẽ có một số việc trọng tâm phải làm. Trước tiên là phải rà soát lại và xây dựng hệ thống trách nhiệm cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Phải tìm bằng được người chịu trách nhiệm mỗi khi có sự vụ xảy ra. Chúng ta cũng chú trọng hơn trong công tác chăm sóc quyền con người, giáo dục, truyền thông, làm sao để người dân hiểu được những quyền lợi và trách nhiệm cũng như những vấn đề đối với cộng đồng và với chính bản thân họ. Và quan trọng nhất là làm sao chúng ta làm rõ hơn trách nhiệm quản lý của nhà nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực nóng như y tế, chăm sóc con người và quản lý xã hội.
Thời gian tọa đàm đã hết. Tôi xin một lần nữa cảm ơn các vị khách mời đã tham gia vào buổi Tọa đàm với Tuần Việt Nam. Chúc quý vị sức khỏe, thành đạt và có một năm mới làm được nhiều công việc; cũng như cống hiến tốt hơn nữa cho xã hội!