Trang

1 tháng 1, 2014

Trung Quốc mạnh tay với tham nhũng

VOV.VN - Thông qua chống tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn tạo dựng một chính quyền trong sạch.

Theo Tân Hoa Xã ngày 28/12, hơn 500 nhà lập pháp của tỉnh Hồ Nam đã bị mất chức bởi tội nhận hối lộ khoảng 110 triệu nhân dân tệ (tương đương 18 triệu USD) với mục đích dàn xếp trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân diễn ra từ 28/12/2012 đến 3/1/2013.
Tháng 10 vừa qua, Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc bị xét xử bởi tội tham nhũng.
Trung Quốc đang đối mặt với nạn tham nhũng. Tham nhũng không tồn tại ở một cá nhân mà tồn tại ở cả những tổ chức với qui mô lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Một câu hỏi lớn đối với Trung Quốc, có lẽ các biện pháp phòng chống tham nhũng chưa thật hiệu quả?
Chủ tịch Tập Cận Bình gặp khó khăn trong chống tham nhũng?
Từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc từ tháng 11/2012 đến nay, ông Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện chính sách ngoại giao linh hoạt nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Tuy nhiên, để có thể thực hiện giấc mơ này, ông Tập Cận Bình cũng phải mạnh tay trong vấn đề chống tham nhũng.
Theo đó, ông Tập Cận Bình đã phát động rộng khắp trên toàn Trung Quốc chiến dịch chống tham nhũng. Ông tuyên bố rằng, dù quan chức trung ương hay địa phương, dù chức vụ lớn hay nhỏ đều phải bị xử lý bằng pháp luật nếu tham nhũng, sống xa hoa, hủ bại. Tham nhũng, theo ông là một căn bệnh nan y, ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng. Tham nhũng làm “sung sướng” một số người, nhưng làm khổ nhân dân.
Có lẽ vụ xét xử Ủy viên Bộ chính trị, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã gây chấn động trên toàn thế giới. Lần đầu tiên Trung Quốc “khó xử” đến vậy. Nhưng trước quyết tâm của toàn đảng, ông Bạc Hy Lai phải chịu án tù chung thân. Ước muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu được thực hiện.
Theo thống kê được công bố mới đây, từ sau Đại hộị Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đến nay, đã có 108.000 cán bộ bị điều tra xử lý do vi phạm kỷ luật, ít nhất 10 quan chức cấp tỉnh bị điều tra xử lý.
Vụ xét xử mới nhất là vụ Đồng Kiến Minh - Phó chủ tịch Chính hiệp nhân dân tỉnh Hồ Nam. Và vụ cách chức hơn 500 nhà lập pháp ngày 28/12 cũng ở tỉnh này cho thấy rằng tham nhũng đã ăn sâu vào trong nhận nhức của những kẻ tham nhũng. Tham nhũng đã tồn tại lâu dài, gắn kết trong phạm vi của một tỉnh hết sức tinh vi và khó phát hiện. Vậy làm thế nào để biết có tham nhũng mà chống. Đây là điều thực sự khó.
Ngày 20/12, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã chính thức thông báo thực hiện điều tra Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh bị do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Ông Tưởng Khiết Mẫn, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Quản lý giám sát tài sản quốc gia Trung Quốc bị bãi miễn tất cả các chức vụ để điều tra hồi tháng 9 vừa qua.
Liên tiếp những quan chức cao cấp của Trung Quốc bị điều tra, xét xử.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong một phát biểu đã nhấn mạnh rằng nếu không triệt để trong công cuộc chống tham nhũng, xã hội Trung Quốc sẽ lâm vào thời kỳ của những năm 60 của thế kỷ trước. Do vậy, cần phải mạnh tay trong việc xử lý ông Tường Khiết Mẫn.
Trong năm 2013, sau vụ Bạc Hy Lai, có lẽ vụ Tường Khiết Mẫn là quan chức cao cấp thứ hai bị điều tra, xét xử.
Giáo sư sử học Lâm trường Đại học Trung văn Hongkong đánh giá Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng sẽ trở thành người có quyền lực lớn trong việc chống tham nhũng mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc trước kia không làm được.
Song song với việc thực hiện mạnh mẽ điều tra, xử lý cán bộ cao cấp vi phạm kỷ luật đảng, Trung Quốc còn triển khai nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng. Tháng 1/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành "8 quy định" và "6 điều cấm" đối với cán bộ đảng viên.
Tháng 8/2013, quy định tiết kiệm trong các hội nghị có hiệu lực. Đặc biệt ngày 19/1, Trung Quốc ban hành lệnh cấm tổ chức lễ tang và lễ tưởng niệm một cách xa hoa lãng phí đối với cán bộ và người nhà. Liên tục những chính sách, biện pháp chống tham nhũng được ban hành, bước đầu góp phần tích cực vào công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc.
Thực sự thành công?
Sau vụ xét xử Bạc Hy Lai và một số quan chức cao cấp khác, truyền thông Trung Quốc và truyền thông quốc tế coi năm 2013 là năm thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình về chống tham nhũng. Công tác chống tham nhũng triển khai tích cực với cường độ lớn. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết tâm diệt cả “Hổ” lẫn “Ruồi”.
Bạc Hy Lai bì tù chung thân vì tội tham nhũng (Ảnh: Tân Hoa xã)

Đằng sau thành công bước đầu, liệu chủ trương chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình có được thực hiện lâu dài?
Theo nhận định của Reuters từ sau Hội nghị Trung ương lần 3 khóa 18 kết thúc, dường như chính sách tập trung vào chống tham nhũng của Trung Quốc có vẻ như khó khăn hơn.
Đây là Hội nghị xác định lộ trình phát triển Trung Quốc theo thể chế Tập-Lý (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường).   
Theo Thủ  tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ tập trung vào thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình với chủ trương “thanh lọc” bộ máy nhà nước, thông qua việc tích cực chống tham nhũng sẽ là những “cản trở” của chính sách ông Lý.
Theo các chuyên gia phân tích ngoại giao Trung Quốc Thạch Bình thì có khả năng trong chính quyền Trung Quốc sẽ tồn tại những “cuộc đảo chính ngầm” và Trung Quốc đang ở trong trạng thái “tuyệt vọng”.
Trong Hiến pháp của Trung Quốc qui định rõ ràng rằng Đảng cộng sản Trung Quốc là đảng chấp chính duy nhất và Hiến pháp bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc không thừa nhận những đảng mới nào ngoài Đảng cộng sản Trung Quốc.
Do vậy, việc Trung Quốc thẳng tay trừng trị những lãnh đạo tham nhũng, đặc biệt là vụ xét xử Bạc Hy Lai vừa qua thể hiện việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạo dựng một chính quyền không có tham nhũng.
Lập trường này của ông Tập Cận Bình còn được nói rõ tại Hội nghị cấp cao G20 được tổ chức tại Nga: “Trong việc giải quyết cơ bản vấn đề lâu dài của kinh tế, Trung Quốc cần thiết phải cải cách lại cơ cấu”. Quyết tâm của ông Tập Cận Bình có trở thành hiện thực như những gì ông muốn, hiện chưa có câu trả lời cuối cùng./.  
Bùi Hùng/VOV online

"Đúng quy trình" là cách rũ bỏ trách nhiệm

"Cơ quan nào cũng nói là đúng quy trình, chuyện lọt mấy trăm cân ma túy cũng đúng quy trình, tiêm vac-xin cũng là đúng quy trình, thậm chí tiêm người chết rồi cũng đúng quy trình. Tôi nghĩ đấy là một sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm. Ở một góc độ khác thì đúng là quy trình ấy cũng có vấn đề" - Ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

LTS: Trong những ngày cuối năm 2013, Tuần Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến cùng các khách mời để tìm ra những điểm hạn chế,  các thách thức đang tồn tại và đề xuất giải pháp, hướng đi cho năm tới 2014.
Tham gia buổi tọa đàm có ông  Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội; ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và ông  Nguyễn Trần Bạt, Luật sư, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty tư vấn Invest Consult Group.
Tiếp theo phần 123 chúng tôi xin giới thiệu phần cuối cuộc tọa đàm.
Xây lại niềm tin từ những điều nhỏ
Nhà báo Hoàng Hường:  Thưa các khách mời, cách đây chỉ vài hôm vụ va chạm giữa người bán hàng rong với các anh dân phòng đang khiến người dân quan tâm. Điểm gây chú ý ở đây là ông chủ tịch phường phát ngôn khiến cho dư luận ngỡ ngàng: anh kia “lăn ra ngủ khi đang bị đánh”.
Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây là lời giải thích rất khó chấp nhận. Liệu có phải chỉ vì một vài cách hành xử như vậy đã dẫn đến xói mòn niềm tin của người dân đối với các công bộc của dân?Ông Lê Quang Bình: Tôi nghĩ rất đơn giản: niềm tin hoặc tình cảm mà người dân dành cho bất cứ một cơ quan công quyền nào đấy, hoặc một người đảm nhận một công quyền nào đó phản ánh qua cuộc sống hàng ngày của họ. Một người dân khi đến Ủy ban nhân dân phường thì người ta được tiếp đón thế nào, và công việc của người ta có được giải quyết hay không.
Khi người ta gặp khó khăn, người ta đến cơ quan công quyền chứng nhận thì cơ quan làm gì cho họ. Khi người dân vi phạm giao thông thì lực lượng cảnh sát giao thông giúp họ thế nào, hướng dẫn họ ra sao để họ thấu hiểu và họ biết để lần sau mà không vi phạm nữa.
Tôi nghĩ người dân Việt Nam mình cũng không đòi hỏi nhiều, người ta đòi hỏi những cái rất bình thường, cuộc sống người ta được yên bình, được tốt, và những khó khăn trong cuộc sống thì người ta được giải quyết.
Tôi nghĩ rằng có thể những vụ việc như chị vừa nêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn của người dân vào thể chế, Nhà nước và chính quyền. Thành ra tôi nghĩ có lẽ khi chúng ta nói đến những chương trình rất lớn như chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính chẳng hạn thì tôi nghĩ nên bắt đầu bằng những cái đời thường như vậy..
đúng quy trình, trách nhiệm, quản lý, tọa đàm, dự kiến 2014
  Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Nguyễn Sỹ Cương:  Tôi xin nói thêm ở một khía cạnh khác. Bấy lâu nay cuộc sống tạo cho người dân thói quen là phải tự bảo vệ mình, tự lo cho mình trước một thái độ đôi khi vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm và cả thiếu lịch sự của các cơ quan chức năng.
Phía các cơ quan chức năng thì bất kỳ có việc gì xảy ra, thì việc đầu tiên bao giờ cũng là tìm cách giải thích như thế nào để giảm nhẹ trách nhiệm của mình đi nhất, luôn luôn là như thế.
Tôi đồng tình với ý kiến của anh Bình đưa ra, có những việc sự đòi hỏi của người dân không quá lớn. Đối với tư cách là một người dân, tôi nghĩ những đòi hỏi bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Tôi lấy ví dụ tôi ra UBND Phường để sao một giấy tờ gì đó. Tôi đưa giấy tờ, người ta nhận và trả lời là mấy anh lãnh đạo phường đi họp hết, anh cứ để đây rồi lúc khác quay lại. Giá như người tiếp nhận giấy tờ đó bảo tôi là cứ để lại giấy tờ ở đây và khi giải quyết xong chúng tôi sẽ báo và  giá như một hai tiếng sau tôi nhận được cú điện thoại báo là đã xong rồi mời anh ra nhận, thì có lẽ là tôi thấy thực sự mãn nguyện. Rất tiếc là một việc đơn giản như vậy không bao giờ xảy ra!
Bây giờ bất cứ một việc gì cần phải đến cơ quan nhà nước, dù việc to hay nhỏ, cứ phải chạy đi chạy lại để hỏi xem giải quyết được chưa mà không bao giờ có sự phản hồi nào.
Con nói đến chuyện trách nhiệm, khi xảy ra chuyện gì thì cũng cố giải thích làm sao cho nhẹ trách nhiệm nhất. Ví dụ như chuyện tra tấn oan sai vừa rồi, cơ quan nào cũng nói là đúng quy trình, chuyện lọt mấy trăm cân ma túy cũng đúng quy trình, tiêm vacxin cũng là đúng quy trình, thậm chí tiêm người chết rồi vẫn khẳng định là…đúng quy trình. Tôi nghĩ đấy là một sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm.
đúng quy trình, trách nhiệm, quản lý, tọa đàm, dự kiến 2014
Ông Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Lê Anh Dũng
 Thế còn ở một góc độ khác thì đúng là quy trình ấy cũng có vấn đề, thực sự có vấn đề, mà vấn đề đó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tức là bản thân quy trình đó không mang lại hiệu quả, nhưng bên cạnh đó quy trình đó còn có cả lợi ích và sự tiêu cực trong đó.
Tôi lấy ví dụ chuyện 230kg ma túy lọt qua cửa khẩu, người ta nói rằng do máy soi bị hỏng, kiểm tra một hồi thì máy soi không hỏng, rồi đến lúc Cục hàng không Việt Nam nhận trách nhiệm là nhân viên soi chiếu không biết cách phát hiện ma túy. Vậy thì đúng là quy trình có vấn đề rồi!
Chúng ta không thể tự chọn Bộ trưởng
Nhà báo Hoàng Hường:  Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm thông với Bộ trưởng Bộ y tế: “có nhiều việc nằm ngoại sự tính toán của tư lệnh ngành và không thể giải quyết được” Các khách mời có thể tìm giúp những “sự tính toán” trọng điểm nhất, cần chú trọng giải quyết trong năm tới không? 
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Trước hết phải nói là hệ thống y tế có vấn đề mà nói rộng ra là vấn đề của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ TBT nói đúng vì không những cần chia sẻ với Bộ trưởng bộ y tế mà cần chia sẽ với nhiều các Bộ trưởng khác vì lâu nay chúng ta thực hiện phân cấp tương đối mạnh cho chính quyền các cấp.
Còn Tổng bí thư nói là có việc nằm ngoài sự tính toán, đúng là ngoài sự tính toán thật. Chuyện bác sĩ làm chết bệnh nhân là chuyện có thể xảy ra, nhưng làm chết rồi mang đi thủ tiêu là điều hết sức “lạ”, “ngoài sự tính toán”. Nó ngoài sức tưởng tượng, bởi vì logic thông thường là khi anh làm chết người ta thì anh làm thế nào đó để việc nhẹ đi, nhưng đây thì theo chiều hướng ngược lại. Cho nên tôi nghĩ ý của Tổng bí thư là nghĩ ở góc độ như vậy.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng tôi không có điều kiện để hiểu biết năng lực tính toán của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên không thể phát biểu gì. Đồng chí Tổng bí thư thì có thể biết vì là người quản lý trực tiếp những ủy viên trung ương như đồng chí Kim Tiến. Có thể những sự việc ấy nằm ngoài tính toán của chị Kim Tiến thật. Với tư cách là một con người thì tôi thích cách giải thích như vậy của Tổng bí thư, để có thể cảm thông được, có thể nuốt trôi được.
Tuy nhiên, chúng ta không nên kéo dài tình trạng vận mệnh của xã hội lệ thuộc vào năng lực tính toán của một vài bộ trưởng, mà bộ trưởng ấy lại không phải do chúng ta chọn.
Chúng ta không có khả năng tham gia vào quá trình chọn. Chúng ta có thể chọn một đại biểu quốc hội như anh Cương, nhưng chúng ta không thể chọn bộ trưởng. Chúng ta phải treo thân phận của mình lên trên năng lực tính toán của một người bộ trưởng mà mình không được tham gia vào quá trình chọn.
Tôi nghĩ rằng có lẽ cần phải xây dựng lại hệ thống chức danh, hệ thống trách nhiệm, và phải tìm ra được ngay kẻ phải giơ đầu chịu báng trước các sự cố của xã hội. Nếu không làm được như thế thì mọi lời nói, lời hứa, lời hay ý đẹp cũng vô ích, thậm chí nếu không cẩn thận ngay cả nghị quyết cũng vô ích.
Ông Lê Quang Bình: Tôi nghĩ đây là vấn đề của hệ thống y tế chứ không phải là vấn đề của một cá nhân cụ thể.
Khi người ta phải đến bệnh viện, thì mối quan hệ quyền lực giữa bệnh nhân và bác sĩ rất chênh lệch. Chúng ta cần phải xem xem làm sao để kiểm soát được việc lạm dụng quyền lực có thể không xảy ra. Có nhiều cách khác nhau, cách thứ nhất là liệu bệnh nhân có sự lựa chọn nào hay không, hay là người ta không có sự lựa chọn nào cả, người ta bắt buộc phải tuân thủ tất cả những thứ mà người ta không có lựa chọn?
Đa số người dân, đặc biệt người nghèo thì không có sự lựa chọn nào. Tôi nghĩ là trách nhiệm của Nhà nước thì vẫn rất quan trọng trong vấn đề làm sao cải tổ được hệ thống y tế. Tôi tin rằng ngành y tế cũng đang gặp rất nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép về mặt tài chính. Tôi rất hy vọng là sau này mình có thể tăng ngân sách cho ngành y tế lên, vì so với giáo dục thì y tế đang rất hạn chế về mặt ngân sách.
đúng quy trình, trách nhiệm, quản lý, tọa đàm, dự kiến 2014
Ông Lê Quang Bình. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cái thứ ba là ông Bạt có nói về vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Tôi nghĩ về mặt lâu dài, Nhà nước nên rút khỏi việc chứng nhận, mà nên để cho hội nghề nghiệp hay hội chuyên môn làm việc đó. Rất nhiều nước trên thế giới, ví dụ hội luật gia là do họ bình chọn, về y đức cũng thế.
Nhà báo Hoàng Hường: Xin cảm ơn những vị khách mời đã chia sẻ những quan điểm rất cởi mở, thẳng thắn và sâu sắc.
Tôi xin được tổng kết lại là năm 2014, chúng ta sẽ có một số việc trọng tâm phải làm. Trước tiên là phải rà soát lại và xây dựng hệ thống trách nhiệm cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Phải tìm bằng được người chịu trách nhiệm mỗi khi có sự vụ xảy ra. Chúng ta cũng chú trọng hơn trong công tác chăm sóc quyền con người, giáo dục, truyền thông, làm sao để người dân hiểu được những quyền lợi và trách nhiệm cũng như những vấn đề đối với cộng đồng và với chính bản thân họ. Và quan trọng nhất là làm sao chúng ta làm rõ hơn trách nhiệm quản lý của nhà nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực nóng như y tế, chăm sóc con người và quản lý xã hội.
Thời gian tọa đàm đã hết. Tôi xin một lần nữa cảm ơn các vị khách mời đã tham gia vào buổi Tọa đàm với Tuần Việt Nam. Chúc quý vị sức khỏe, thành đạt và có một năm mới làm được nhiều công việc; cũng như cống hiến tốt hơn nữa cho xã hội!

Sức dân như nước

 -Trong khúc quanh bĩ cực lại sáng lên phẩm chất quật cường của người dân Việt. Không chỉ trong chống chọi với tai ương, mà còn ở sự trỗi dậy của lương tri và ý thức công dân.

360 ngày mà như thoáng chốc, cả nước căng thần kinh, gân sức trì kéo đà lao dốc của nền kinh tế ốm o nghiêng ngả sau mấy năm suy thoái, và vật lộn với liên tiếp tai ương bão lũ, cả bởi thiên tai cùng nhân hoạ, rồi băng tuyết giáng hoạ tận cữ cuối năm trên vùng núi, gây những tàn hại nặng nề.
Bừng mắt đã năm mới đến.
1. Năm cũ qua đi, gian lao hết mức, mà bao việc lớn quốc gia, cơm áo người dân còn dở dang.
Kia những xóm làng, ruộng bãi  Quảng Bình, Quảng Trị, Quãng Ngãi…chưa hết cảnh hoang tàn, thiếu đói sau bão chập bão, lũ chồng lên lũ. Chưa bao giờ như đông lạnh mới qua, đỉnh Mẫu Sơn, Ỷ Tý, Sìn Hồ… trắng tuyết, héo rụi hoa mầu, vùi lấp hàng chục tỷ đồng mồ hôi nước mắt đồng bào còn chưa đủ cái ăn cái mặc.
năm mới, hành trang, Thế Văn
Năm cũ đã qua đi...
Lại thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc nhập vào đoàn dân thất nghiệp nghèo khó vốn đã đông đảo, khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc giãn thợ.
Vẫn nằm trơ lì ở đó quả bom nợ xấu, hiện hình là con số “khủng”- trong đó các Tổng công ty Nhà nước nợ đến hơn 1,4 triệu tỷ đồng, mới được chạm tay tháo kíp bằng cơ cấu lại và Công ty quản lý tài sản (VAMC) mua lại một số nhỏ nhoi chưa đáng bao nhiêu…
Hệ lụy của kinh tế suy thoái cùng đời sống của đông đảo nhân dân đều chạm đáy, là xã hội thêm bất an.
Và dưới “cống ngầm” thể chế, các đường dây tham nhũng vẫn lì lợm, ranh ma tìm cách, lựa cơ đục khoét, vơ vét của nước, của dân, gây tổn thất cả niềm tin lẫn tổn hại biết bao nguồn lực cho phát triển quốc gia.
Đã lo toan vất vả bươn chải vì cơm áo, thuốc men, con cái học hành; đã trĩu nặng nhiều bức xúc tích tụ chưa giải toả.
Có lẽ vì thế mà bệnh vô cảm có cơ xâm chiếm số đông. Nào nạn hôi của, chuyện Cát Tường, bạo hành trẻ thơ...
Đó là vài nét phác sơ sài khung cảnh một khúc quanh thời cuộc ở cực âm hình “sin”- tới đáy, của năm qua. Mà đất nước phải đối mặt và phải vượt lên, vào năm mới.
2.Sức dân như nước và hồng phúc tổ tiên
Nhưng vẫn cứ là qui luật của muôn đời.
Đời sống nhân gian như dòng chảy vĩnh hằng, cho dù lắm khúc quẩn quanh, lên thác xuống ghềnh vật vã, vẫn băng lên phía trước. Công sức khó nhọc của toàn dân rốt cuộc đã hãm lại đà trượt dốc của nền kinh tế, truyền cho nó hơi ấm của chặng đường hồi phục.
Ngân sách vượt thu ở phút chót, lạm phát được kiểm soát ( 6,04% so 6,48% năm ngoái). Kinh tế vĩ mô ổn định. Nợ công trong giới hạn an toàn. Nguồn lực năm mới cho tăng trưởng cao hơn năm trước, là đáng lạc quan: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 22 tỷ USD, giải ngân 11 tỷ. Giải ngân ODA ước đạt 14 tỷ USD, cao hơn năm trước. Cán cân thanh toán thặng dư hơn 2 tỷ USD. Thêm vào là luồng kiều hối tăng cao hơn năm trước, đạt hơn 10 tỷ USD.
Chính trong khúc quanh bĩ cực, ta lại thấy sáng lên phẩm chất quật cường của người dân Việt, không chỉ trong chống chọi với tai ương, mà còn ở sự trỗi dậy của lương tri, của ý thức công dân vượt lên nỗi sợ hãi và tâm lý yên thân, để tự cứu mình, chống kẻ gian, giúp người ngay. Tố cáo giới chức địa phương cư xử bất công, oan trái, đòi lại công bằng. Tố cáo tham nhũng, tố giác tội phạm. Cả hệ thống thông tin đại chúng vào cuộc, dấy lên những cơn sóng dư luận chấn động lương tri toàn xã hội.
năm mới, hành trang, Thế Văn
Người dân đã rơi chung nước mắt trong Quốc tang Đại tướng. Ảnh: News.zing.vn
Chính là người dân. Nào là đưa ra ánh sáng những vụ nhân bản xét nghiệm máu để trục lợi, chôn  thuốc trừ sâu nhiều năm làm nhiễm độc đất đai, nguồn nước. Đến cả anh thợ hồ (dấu tên) cũng bí mật quay video clip bằng điện thoại di động, đem nộp công an tố cáo các bảo mẫu hoá ra ác mẫu.  
Sức dân quả như sức nước, đẩy thuyền, thuyền phải trôi nhanh. Sức ép của dư luận nhân dân phả hơi nóng vào nghị trường, truyền xung lực cho tinh thần trách nhiệm, làm sôi động những cuộc chất vấn đòi phải trả lời sòng phẳng, không vòng vo; qui trách nhiệm rạch ròi, không đổ lỗi loanh quanh; và đòi hỏi sữa lỗi  không chậm trễ.
Đã có cuộc tuyên chiến không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng mà bấy nay dân chỉ thấy sao mà lắm án treo. Mười đại án tham nhũng, với những “đại ca”của “thế giới cống ngầm” từng một thời được coi là sáng giá, đã và sẽ lần lượt ra trước vành móng ngựa.
Tháng khép lại năm 2013, bốn án tử hình đã tuyên trong hai phiên toà xử các quan tham và đồng bọn từng nắm chức quyền tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII),Vinalines.
Luật nước, nơi mấy phiên toà ấy, đã thấy lên ngôi.  
Những năm tháng gian lao suy thoái kinh tế, nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền như đã cận kề, vậy mà nhờ hồng phúc của Tổ tiên, đất nước đã không chìm đắm. Trái lại, thế nước tới nay, bước vào năm mới, đã vững chãi hơn lên. Đó là nhờ giang sơn ông cha truyền lại có nguồn tài nguyên và thế địa-chính trị, kinh tế nhiều ưu điểm, để những tháng năm này Việt Nam lấy hoà bình, ổn định làm điểm tựa, năng động ngoại giao, tiến một bước quan trọng tạo lập được thế cân bằng động về lợi ích cốt lõi của nhiều cường quốc và lợi ích thương mại, hàng hải… trên Biển Đông của đông đảo các quốc gia. Biển Đông đã tạm thời lắng dịu. Nhưng tiềm lực quốc phòng, sức mạnh sắt thép phòng thủ biển đảo vẫn gia tăng.
Và Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế  nhìn nhận như một đất nước thân thiện, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển, và tham gia ngày càng sâu rộng và có trách nhiệm các công việc  toàn cầu, nay được tín nhiệm gánh vác trọng trách một thành viên Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Các quan hệ hợp tác đa phương mật thiết hơn và tăng cấp độ.  
Nhìn lại 2013 - Kỳ vọng 2014:
Kế sách hưng thịnh đất nước cũng đã được căn chỉnh với tầm nhìn xa hơn, với mong muốn tạo thành tựu lớn, đột biến trong dài hạn.
Nổi bật như một sự kiện quốc gia trong năm 2013, là  Hiến pháp sửa đổi, với nhiều điểm mới, được ban hành.
Đó là bộ luật nền tảng cho hoàn thiện hơn một bước hệ thống pháp luật để mở đường thông thoáng hơn đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn quyền lực của bộ máy công quyền cũng như mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, ngoại giao… trên chặng đường phát triển mới.  
Bấy nhiêu tai hoạ và tổn thất, thách thức và buồn vui, sự kiện và  ấn tượng…như là dồn nén lại, căng đến tột cùng thần kinh và gân sức mỗi người dân, trong cái năm mang con số 13 cả nhân loại đều chịu chung vận bĩ.
Thế và lực cho phát triển ở ta, vào thời điểm nhiều nền kinh tế thế giới còn khốn khó vì nợ công, đã có thể nói là khả quan. Các ngả đường hợp tác làm ăn với thế giới, đã rộng mở hơn bao giờ hết. Vậy là đất nước bước vào năm mới, cơ hội thoát nhanh khỏi suy thoái, trì trệ, để tăng đà tăng trưởng, đang vẫy gọi ta trước ngõ.  
Cơ may đã tới, hành trang đã sẵn sàng. Nếu thiếu chăng, là thiếu một động lực từ mỗi con tim: thiếu Lửa! Thứ lửa ở toàn  dân, trước nhất ở những người đại diện ý nguyện và quyền lực nhân dân, là động lực dân tộc chúng ta từng làm nên nhiều đột phá, chuyển ngoặt thời cuộc.
Xin hãy cháy sáng lên, năm mới. Từ trỗi dậy của lương tri và trách nhiệm vì nước, vì dân!  

Thông điệp 2014 của Thủ tướng

Thông điệp 2014 của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
In
“Dân chủ”, “quyền làm chủ của nhân dân, “hoàn thiện thể chế”... là những cụm từ xuất hiện nhiều trong thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Với tiêu đề: "Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững", thông điệp của Thủ tướng nhìn nhận: “Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.

“Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông điệp khẳng định: “Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”.

“Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả”.

VnEconomy xin giới thiệu toàn văn thông điệp 2014 của Thủ tướng.


Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Chính trị - xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Trong đó xác định tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Mặc dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi; kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

I

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Báo cáo thường niên của nhiều tổ chức quốc tế đều xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Đây là chỉ báo tham khảo quan trọng về vị trí của từng quốc gia trong cuộc ganh đua toàn cầu. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại.

Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng.

Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu từ Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Mở rộng mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh với việc ban hành Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật đầu tư nước ngoài... đã đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra không gian phát triển mới, rộng mở hơn.

Những quyết sách đổi mới phù hợp của Đảng và Nhà nước ta đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.

Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường xuyên truy cập Internet để giao lưu, học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế. Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế.

Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả. Vì vậy, phải đặt mối quan hệ giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong tổng thể các giải pháp bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm thực hiện thí điểm Nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.

Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật.

Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước.

Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Phải tăng cường tương tác giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức Chính trị - xã hội. Mở rộng đối thoại với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phát huy chủ động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của cả hệ thống. Thường xuyên tăng cường ổn định chính trị - xã hội.

Trên tinh thần đó, năm 2014 phải tập trung sức cao nhất xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp. Đồng thời rà soát bổ sung thể chế - cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

 II

Trong những năm qua, chúng ta đã có bước tiến dài về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đây cũng là một đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Thời gian tới phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt đột phá chiến lược nêu trên, trong đó tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.

Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.

III

Thực hiện đường lối Đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế. Đây cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.

Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.

Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

IV
Ba năm qua, kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã dành nhiều công sức, nguồn lực để giải quyết những vấn đề trước mắt và đạt được những kết quả quan trọng. Đồng thời cũng đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tiễn cho thấy nếu không giải quyết tốt những nhiệm vụ này thì sẽ không bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, không khai thác có hiệu quả được tiềm năng của đất nước và cơ hội trong hội nhập quốc tế và cũng không tạo lập được nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Khó khăn, thách thức là rất lớn. Nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy Đổi mới mạnh mẽ hơn. Đòi hỏi phải có quyết tâm và bản lĩnh chính trị rất cao. Bản lĩnh của Đảng và Nhân dân ta đã tỏa sáng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bản lĩnh đó cũng đã tỏa sáng khi đất nước ta đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hình thành đường lối Đổi mới.

Ngày nay, thế và lực của chúng ta đã mạnh hơn nhiều. Nhất định bản lĩnh đó sẽ lại tỏa sáng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.