Trang

22 tháng 9, 2013

Quốc hội không giao, Chính phủ vẫn làm


In
Nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật cần thì không có, nhưng một số điều khoản Quốc hội không giao quy định chi tiết nhưng Chính phủ vẫn ban hành. 

Đây là thực tế được Ủy ban Pháp luật chỉ ra tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến hết tháng 7/2013.

Cơ quan thẩm tra cho biết, so với tổng số văn bản cần quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thì tính đến thời điểm này, mới có 76/228 văn bản (chiếm 33,3%) được ban hành. Trong khi quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. 

Ủy ban Pháp luật lưu ý, trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì có đến 46 văn bản quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính và 10 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi), là hai luật có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. 
 
Thế nhưng, có luật, pháp lệnh của Quốc hội không giao quy định chi tiết nhưng Chính phủ vẫn ban hành văn bản quy định chi tiết các điều khoản không được giao trong luật. 

Ví dụ cụ thể là điều 4 nghị định về thu nhập miễn thuế, điều 6 nghị định về thu nhập tính thuế... liên quan đến nội dung của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân...

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ  rà soát tất cả các nội dung tương tự và báo cáo rõ hơn về vấn đề này cũng như nguyên nhân, hướng khắc phục.

Dẫn con số trên 67% văn bản cần mà chưa có, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9 đề nghị cần phải rõ hơn về địa chỉ trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, ai cũng hiểu là khi luật đã ra đời thì phải hướng dẫn chi tiết, nên việc chậm trễ trên thuộc về ý thức trách nhiệm và năng lực. Ông Hiển đề nghị Ủy ban Pháp luật phải liệt kê ra tất cả các điều, khoản chưa có hướng dẫn để Quốc hội định ra thời gian phải hoàn thành.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng hết sức sốt ruột bởi bản thân luật đã có sự lạc hậu tương đối, thực tế có luật chưa đến ngày có hiệu lực đã phải sửa đổi bổ sung rồi, nên các văn bản hướng dẫn “phải gay gắt ngay từ đầu, càng gay gắt bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu vì cùng mục tiêu phục vụ là nhân dân”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải nhận một phần trách nhiệm trong việc chưa quan tâm thỏa đáng đến thẩm quyền giải thích pháp luật của mình.

Trách nhiệm của bộ trưởng đối với vấn đề này rất rõ, nhưng thực tế ta chưa xử lý cá nhân nào, bộ ngành nào chưa triển khai nghiêm túc việc thực hiện chủ trương tuân thủ pháp luật này,  Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

'Nhân quyền trước, vũ khí sau'

David Shear
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 7/8
Đại sứ Mỹ nói Việt Nam cần có những bước tiến về nhân quyền nếu muốn Hoa Kỳ xem xét việc tháo gỡ cấm vận bán vũ khí sát thương, hãng thông tấn AFP đưa tin.
"Phía Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng muốn Hoa Kỳ tháo gỡ cấm vận [vũ khí sát thương], và chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu này một cách nghiêm túc," ông David Shear nói trong buổi họp báo ngày 7/8 tại Hà Nội.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin rằng để có được sự ủng hộ chính trị nhằm tháo gỡ cấm vận ... chúng tôi cần thấy được những tiến bộ về vấn đề nhân quyền từ phía Việt Nam."
Trước đó, trong một thông cáo đăng tải trên trang web ngày 6/8, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc" trước Nghị định 72 của chính phủ Việt Nam về quản lý Internet, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận.

Vật cản ngoại giao

Hoa Kỳ hiện vẫn chưa sẵn sàng gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, mặc dù chính quyền ông Obama xem nước này là một đồng minh quan trọng trong việc tái cân bằng chính sách đối ngoại tại Châu Á, AFP nhận định.
Việt Nam đã bắt giữ và buộc tội hơn 40 nhà bất đồng chính kiến trong năm nay, nhiều hơn so với cả năm 2012.
"Để có được sự ủng hộ chính trị nhằm tháo gỡ cấm vận ... chúng tôi cần thấy được những tiến bộ về vấn đề nhân quyền từ phía Việt Nam."
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear
So với các nước khác trên thế giới, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng các blogger và nhà báo bị bắt giữ.
Mặc dù cho rằng Việt Nam cần có những cải thiện về nhân quyền, ông David Shear cũng nhận xét chuyến công du sang Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang hồi tháng Bảy là một "sự thành công".
"Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua là một chuyến thăm thành công. Việc hai bên tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện thể hiện tầm mức mới của mối quan hệ song phương," ông Shear được trang VietnamNet dẫn lời phát biểu.
"Trong những năm qua, hai bên cũng phát triển hợp tác trên những khía cạnh ngoại giao, an ninh… Chúng tôi tin rằng, khuôn khổ ‘đối tác toàn diện’ phản ánh những bước phát triển tích cực của mối quan hệ giữa hai bên."
Vị đại sứ cũng nhắc đến những lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang đến cho Việt Nam.
"Việt Nam sẽ gia tăng được xuất khẩu vào các nền kinh tế trong TPP như Mỹ, Nhật Bản, thu hút nhiều hơn FDI từ các nước trong hiệp định. Theo nhận định của tôi, mối quan tâm của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam đang tăng lên," ông nói.
"Quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa biểu tượng đối với Việt Nam, là cơ sở cho việc đánh giá trong giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá."
"Việc công nhận quy chế này là một quy trình gồm nhiều bước về hành chính, pháp lý, do Bộ Thương mại Mỹ đảm trách. Phương thức tốt nhất để Việt Nam có được quy chế kinh tế thị trường, đó là thông qua đàm phán hiệp định TPP."
Theo BBC

Nga có cần VN trong chiến lược khu vực?



Quan hệ Nga-Việt đang được thắt chặt trên mọi phương diện trong thời gian gần đây
Tiến sỹ Stephen Blank, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, ngày 19/9 đã có bài viết trên trang The Diplomat về quan hệ Nga-Việt trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. 
BBC xin được giới thiệu với quý độc giả một số chi tiết chính trong bài viết.
Mở đầu bài viết, tiến sỹ Stephen Blank cho rằng những diễn biến trong quan hệ Nga-Việt gần đây là yếu tố quan trọng để nắm bắt xu hướng về an ninh quốc phòng và đối ngoại tại khu vực Châu Á.
"Những chính sách của Nga tại Đông Nam Á thường không để lại ấn tượng gì nhiều," ông viết.
"Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ những diễn biến mới nhất trong quan hệ Nga-Việt sẽ không thể nắm bắt được những yếu tố chính trong cách mà hai tác nhân quan trọng ở khu vực Châu Á đang phản ứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như xu hướng về vấn đề an ninh tại Châu Á".

Thắt chặt trên mọi mặt

Theo ông, mặc dù quan hệ Nga-Trung đang "ngày càng thắt chặt", ít ra là từ góc nhìn của Hoa Kỳ, nhưng "Nga thực chất đang công khai chống lại sự bành trướng của Trung Quốc và đang thiết lập một quan hệ quân sự-chính trị sâu sắc hơn với Vệt nam."
Cây bút này lấy dẫn chứng từ tuyên bố muốn thiết lập căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh của Nga hồi năm 2012, cũng như những dự án hợp tác Nga-Việt về khám phá, khai thác dầu mỏ, điều mà ông gọi là "những biện pháp có thể nhằm kiềm chế Trung Quốc".
"Bắc Kinh đã liên tục yêu cầu Moscow chấm dứt khai phá năng lượng tại biển Nam Trung Hoa" ... "Mặc dù tỏ ra im lặng, có lẽ để tránh gây sự thù địch với Trung Quốc, Moscow vẫn giữ nguyên chiến lược của mình," ông viết.
"Rõ ràng là mối quan hệ này, với đỉnh điểm là các hiệp ước mới cũng như các hợp đồng mua bán vũ khí, thực chất là để kiềm chế ý đồ và hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông"
Stephen Blank, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ
"Kể từ đó, nước này đã tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam, trong đó bao gồm các dự án thăm dò năng lượng ở Biển Nam Trung Hoa ... các hợp đồng bán vũ khí cũng như hợp tác quốc phòng."
Theo Stephen Blank, "quan hệ của Nga với Việt Nam đang ngày càng phồn thịnh", biểu hiện qua việc Hà Nội gần đây đã trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga, chủ yếu là các mặt hàng tàu ngầm và chiến cơ tiêu biểu như 12 chiếc Su-30MK2 hay sáu chiếc tàu ngâm lớp Varshavyanka.
"Rõ ràng điều này nhằm mục đích đối phó với sự đe dọa từ Trung Quốc," ông viết.
Bên cạnh đó, tác giả cũng nhắc đến những tiến triển đáng kể về hợp tác thương mại và các lĩnh vực khác giữa hai nước:
"Nga và Việt Nam đã trở thành "đối tác chiến lược" năm 2001, và mối quan hệ này đã được nâng cấp thành "đối tác chiến lược toàn diện" vào năm 2012."
"Hợp tác thương mại và trao đổi văn hóa, nghiên cứu khóa học song phương đang ngày càng phát triển, với Nga giờ đây xếp thứ 18 trong số 101 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ..."
"Nga cũng đang giúp Việt Nam xây dựng nhà máy hạt nhân".

'Nhằm vào Trung Quốc'


Quan hệ Nga-Trung phải chăng chỉ mang tính hình thức?
Khía cạnh nổi bật của tất cả những hợp đồng mua bán vũ khí và những cuộc đối thoại cấp cao, theo Stephen Blank, là việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông qua dự thảo hiệp ước hợp tác quân sự, vốn chính thức công nhận hợp tác quốc phòng giữa chính phủ hai nước.
"Hiệp ước này quy định việc trao đổi thông tin, xây dựng lòng tin, hợp tác tăng cường an ninh quốc tế và đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn trong việc chống khủng bố và kiểm soát vũ khí," tác giả nhận định.
Tuy nhiên, Stephen Blank cho rằng mối quan hệ song phương Nga-Việt thực chất là để đối phó với Trung Quốc, bất chấp việc hai bên tuyên bố điều này "không hề nhằm vào một nước thứ ba".
"Rõ ràng là mối quan hệ này, với đỉnh điểm là các hiệp ước mới cũng như các hợp đồng mua bán vũ khí, thực chất là để kiềm chế ý đồ và hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông," ông viết.
"Điều đáng chú ý là hầu hết những tuyên bố này đều đến từ phía Việt Nam, nước rõ ràng có đầy đủ mọi lý do để chứng tỏ với Trung Quốc rằng mình có khả năng tìm kiếm sự ủng hộ về quân sự cũng như lập trường chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc."
Theo tác giả, việc Moscow đang tăng dần sự hỗ trợ về cả quân sự, kinh tế và chính trị cho Việt Nam là một phần của chiến lược "chuyển hướng" về Châu Á, với mục đích sử dụng ảnh hưởng về "kinh tế, quân sự và chính trị của Moscow để thiết lập một thế lực độc lập, mạnh mẽ, đứng riêng tại Châu Á".

Trung Quốc đã công khai cáo buộc Nga là muốn quay trở lại Cam Ranh

Nga, Trung đối đầu

Mối quan hệ Nga-Trung ở thời điểm hiện tại, theo Stephan Blank, chỉ là "vẻ bề ngoài".
Điều này biểu hiện qua việc hồi năm 2012, truyền thông Trung Quốc đã cáo buộc quan hệ hợp tác quân sự cũng như năng lượng Nga-Việt đang giúp cho Việt Nam mở rộng hoạt động khám phá dầu mỏ tại những khu vực tranh chấp, theo tác giả.
Trung Quốc cũng đã công khai cáo buộc Nga là đang "tìm cách quay trở lại Cam Ranh".
Trong bài viết của mình, Stephen Blank dẫn lời cây bút Jeffrey Mankoff cho rằng "ở những nơi quan trọng trên thế giới đối với Nga và Trung Quốc, hai nước này là kình địch nhiều hơn là đồng minh" và rằng bất chấp những hoạt động hợp tác quân đội giữa hai nước, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng "làm Nga lo ngại không kém gì Hoa Kỳ."
Hồi tháng Bảy, Jeffrey Mankoff cho rằng một trong những bằng chứng của sự đối đầu này là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử quân đội Nga hồi năm 2010, với kịch bản giả định nhằm bảo vệ vùng Viễn Đông nước Nga trước sự xâm lược của kẻ thù không được nêu đích danh, nhưng có đặc điểm giống Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
"Nếu đây là đúng, thì quan hệ Nga-Trung có lẽ không nguy hiểm như Hoa Kỳ và một số nước khác đã lo sợ," Stephen Blank nhận xét.
"Dù chính phủ hai nước này rõ ràng sẽ cấu kết để ngăn chặn nhiều bước đi của Mỹ trên quốc tế ... ..."
"Điều này sẽ làm chủ đề an ninh tại Châu Á, vốn đã rối rắm, nay sẽ còn thêm phức tạp."
Theo BBC

Chia rẽ về trả lời của Thủ tướng

Độc giả BBC người khen, người chê phần trả lời ba câu hỏi tại Đối thoại Shangri-La của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong lúc đó nhất loạt các tướng lĩnh được chính quyền dẫn lời khen ngợi diễn văn của ông Dũng tại diễn đàn quốc phòng với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương cùng Hoa Kỳ.
BấmBáo Điện tử của Chính phủ Việt Nam dẫn lời các tướng tá nói họ "tâm đắc" với kêu gọi xây dựng "lòng tin chiến lược" giữa các nước của ông Dũng và rằng bài phát biểu của ông Thủ tướng "đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta."
Trong phát biểu của mình ông Dũng cũng kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc đóng vai trò lớn trong việc duy trì an ninh và hòa bình nhằm đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng trong khu vực.

'Trách nhiệm lớn nhất'

Sau diễn văn, ông Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời ba câu hỏi.
Phần hỏi đáp của ông Thủ tướng bao gồm:
Tiến sỹ Christian Le Miere, Nghiên cứu viên cao cấp về Hải quân và An ninh Hàng hải, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS):Trong bài phát biểu của ngài, ngài nhiều lần nhắc tới tầm quan trọng của luật pháp quốc tế ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và tất cả các nước nên tôn trọng luật quốc tế. Điều này có nghĩa là Việt Nam đồng ý với Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về đối với tranh chấp chủ quyên tại Bãi cạn Scraborough? Và ngài có muốn thấy có thêm nhiều nước dựa vào tòa trọng tài quốc tế như một công cụ để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thưa các bạn, vấn đề Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, về vấn đề này ngày 26/4/2013, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố công khai quan điểm của mình, tôi xin không nhắc lại để đỡ tốn thời gian của quý vị.
"Chúng tôi tin tưởng và hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ với tư cách là hai cường quốc của thế giới, của khu vực nhận rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình mà có những chiến lược, những việc làm thiết thực, phù hợp để đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực."
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Một lần nữa chúng tôi kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng nhau thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực xây dựng COC. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược vào nhau vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng. Xin cảm ơn các bạn.
Nữ Thiếu tướng Yao Yunzhu, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung – Mỹ, Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc: Cảm ơn Ngài Thủ tướng về bài phát biểu rất khai sáng. Tôi có câu hỏi rất cụ thể cho Ngài. Trong bài phát biểu, ngài đề cập các thách thức an ninh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang đối mặt hiện nay, trong đó ngài có đề cập tới có việc tự do hàng hải bị gián đoán cũng như ảnh hưởng luồng trung chuyển thương mại quốc tế trong đó một hoặc nhiều cường quốc chính vi phạm luật quốc tế. Câu hỏi của tôi là ngài có thể nêu ra một vài ví dụ cụ thể về việc tự do hàng hải bị vi phạm và vi phạm theo luật quốc tế nào?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thưa các bạn, hòa bình, an ninh, hòa bình, ổn định, phát triển, hợp tác phát triển thịnh vượng cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông là lợi ích, là mong muốn chung, là mục tiêu chung của các quốc gia ASEAN, của các quốc gia trong khu vực, cũng như của cộng đồng quốc tế.
Chúng tôi cho rằng những diễn biến gần đây trên thực tế chắc có lẽ tất cả mọi người của chúng ta ở đây đều biết, tôi thấy không cần nhắc lại.
Quan điểm của tôi, quan điểm của Việt Nam, đã nói rõ trong bài, tôi đã đề cập rõ trong bài phát biểu của mình là để thực hiện được mong muốn chung, mục tiêu chung như tôi vừa để cập thì các bên, trước hết các quốc gia, các bên liên quan trước hết cần thực hiện nghiêm túc DOC, cùng nhau tiến tới COC trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel ngồi nghe diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel (phải) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong buổi diễn thuyết của Thủ tướng VN
Chỉ có như thế chúng ta mới cùng nhau, thực đượng, duy trì và thực hiện đuợc cái lợi ích chung, cái mục tiêu chung, cái mong muốn chung là hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển thịnh vượng cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông. Cảm ơn các bạn.
Tiến sỹ Lee Chung Min, Đại học Yonsei, Hàn Quốc: Cảm ơn Ngài Thủ tướng. Ngài đã đề cập tới các từ "lòng tin chiến lược" tới 30-40 lần, câu hỏi của tôi rất đơn giản là vậy ngài tin tưởng Hoa Kỳ như thế nào khi so với Trung Quốc, đứng ở quan điểm của Việt Nam? Cảm ơn Ngài!
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Như tôi đã đề cập trong bài phát biểu của tôi là Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai cường quốc có trách nhiệm lớn nhất, tôi nhấn mạnh là lớn nhất, trong tương lai trong quan hệ của chính mình, cũng như sự đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực.
Chúng tôi tin tưởng và hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ với tư cách là hai cường quốc của thế giới, của khu vực nhận rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình mà có những chiến lược, những việc làm thiết thực, phù hợp để đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực. Xin cảm ơn các bạn.

Người khen...

Trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, các độc giả, đa số ở độ tuổi dưới 30, tỏ ra chia rẽ về màn thể hiện của ông Dũng trong phần hỏi đáp.
Kien Hoang Trung nói: "Thủ Tướng trả lời rõ ràng, rành mạch, rất thông minh theo cách ngôn từ ngoại giao ....cả ba câu hỏi và cách trả lời đề dễ hiểu theo ẩn ý của từng phần một, nhưng khái quát đầy đủ nội dung và tầm nhìn quốc tế!"
"Thủ Tướng trả lời rõ ràng, rành mạch, rất thông minh theo cách ngôn từ ngoại giao."
Kien Hoang Trung trên Facebook
Luu Xuan Do nói: " Ông Dũng trả lời quá tốt. Một câu hỏi theo kiểu "trong hai người bạn của anh anh tin ai hơn" là câu hỏi gài bẫy người khác. Ông Dũng trả lời: hai nước đều phải nhận thấy vai trò, trách nhiệm.... Ông ấy đã nói trong bài phát biểu là phải tạo lòng tin chiến lước giữa các nước. Có nghĩa là các nước phải tin tưởng nhau. Ông người Hàn hỏi câu đó vô duyên quá. May mà thủ tướng trả lời linh hoạt."
Jose Mourinho nhận xét: "Câu số 1: trả lời như thế thì ổn, vì bản chất câu hỏi là muốn xem quan điểm VN có ngả theo Philipines không, nhưng thực tế Philippines kiện cũng kiện luôn một số đảo của VN, nên nếu VN ngả theo Philippines thì chắc chắn là công khai thừa nhận những đảo đó thuộc về Philippines.
"Nên VN lúc này coi như không liên quan, nếu vụ kiện đó Philippines thắng thì Việt Nam cũng sẽ lên tiếng về vấn đề các đảo kia thuộc Việt Nam mà thôi.
"Câu 2: Nếu trả lời thẳng thì sập bẫy khiêu khích của con Trung Quốc, nếu trả lời kiểu "ai cũng biết rồi" thì cũng là một cách mỉa rất hay, nên câu này là câu trả lời hay nhất.
"Câu 3: Đây là câu hỏi để phân cực, xem VN hiện tại ngả về cực nào, thì trả lời hơi chung chung, thậm chí ko đả động gì đến hai cực. Theo mình VN bây giờ cũng nên chọn lấy một cực để mà giải quyết triệt để vấn đề chứ cứ thế này lằng nhằng lắm."

Người chê

Trong khi đó cũng có những ý kiến châm biếm hoặc chê ông Thủ tướng.
Fata LError viết:
"Dựa theo 1 câu chuyện vui:
- câu 1: nếu các bạn ngồi đây chưa biết mà hỏi tôi, thì tôi có trả lời các bạn cũng ko hiểu đâu.
- câu 2: nếu các bạn ngồi đây đã biết rồi thì cho phép tôi ko trả lời lại nữa.
- câu 3: nếu các bạn ngồi đây, người biết, người chưa biết thì xin người đã biết nói cho người chưa biết hiểu vấn đề, tôi xin phép không trả lời."
Tien Lang nhận xét:"Nói yếu ớt như kẻ mất hồn không có khẩu khí, vừa nói vừa sợ mình nói sai quan điểm mất lòng Trung Quốc đến nỗi đeo headphone ngược."
"Bài phát biểu rất hay, còn trả lời trực tiếp các câu hỏi móc máy thì rất dở! Lãnh đạo Việt Nam hiện nay trình độ kém xa với thế hệ lãnh đạo ngày trước."
Việt Tú
Trung Bui viết: "Chết cười với những câu trả lời của ông Dũng, nếu Việt Nam mở một khóa đào tạo giao tiếp cho ông Dũng thì tốt quá! Trả lời không đúng trọng tâm, không cảm ơn sau khi nghe câu hỏi....thế này bị cô giáo mắng là không hiểu đề."
Việt Tú nhận định: "Bài phát biểu thì hay. Nhưng cách trả lời của thủ tướng cho thấy ông ấy không phải là người viết bài đó.
"Nhận thức khá chung chung, câu trả lời chưa có trọng tâm và cũng chưa có điểm nhấn mang tính quốc gia trong quan điểm của mình, nó cho thấy ông ấy chưa thực nắm chắc tình hình."
Nam Nguyen cũng phần nào có chung quan điểm với Việt Tú:
"Bài phát biểu rất hay, còn trả lời trực tiếp các câu hỏi móc máy thì rất dở! Lãnh đạo Việt Nam hiện nay trình độ kém xa với thế hệ lãnh đạo ngày trước. Xem lại các bài phỏng vấn của phóng viên nước ngoài hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hoặc Võ Nguyên Giápv.v... thấy rõ điều đó. Nguyễn Chí Vịnh trả lời trực tiếp còn hay hơn nhiều ông Dũng, mặc dù chỉ là cấp thứ trưởng. Sau vụ này ông X chắc toát mồ hôi hột, sợ đến già, còn hơn đứng trước Quốc hội."
Dung Le Anh viết: "Hoan hô Thủ tướng, trả lời lòng vòng cho tụi nó chóng mặt chơi. Nói theo kiểu "đi đâu lanh quanh cho đời mỏi mệt..." í mà!"
Theo BBC

19 tháng 9, 2013

Trailer phim HIỆP SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG


Tác giả kịch bản- giám đốc sản xuất: Phạm Văn Hải, Đạo diễn Huỳnh Phú, DOP Kiều Phương Giang, ánh sáng Vĩnh Tứ, dựng phim Tony Thế Hiển.

Nhà dột từ nóc

Ai bảo kê cho nạn ‘chặt chém’ du khách ở Phủ Chủ tịch?

(VTC News) – Việc chèo kéo, “chặt chém” du khách tham quan ở Phủ Chủ tịch diễn ra công khai nhưng các cơ quan chức năng có liên quan vẫn "làm ngơ".
Từ nhiều tháng nay, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết - mưa nắng thất thường, một nhóm chủ yếu là các thiếu nữ ngoài 20 tuổi vẫn chăm chỉ có mặt ở khu vực gần Phủ Chủ tịch.
Họ tới đây từ khoảng 8h và khung giờ làm việc như viên chức. Thế nhưng, công việc hàng ngày của họ chỉ đơn thuần là chèo kéo du khách mua các sản phẩm của mình với giá “trên trời”.
Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... – những nơi gần Phủ Chủ tịch từ lâu đã được xem là điểm hẹn lý tưởng của nhiều du khách, đặc biệt du khách ngoại mỗi lần tới thăm Việt Nam. Biết được điều đó, nhóm người trên đã chọn khu vực này để “hành nghề”.
Với vài tấm bản đồ Hà Nội, vài bức ảnh về thủ đô, những món quà lưu niệm nhỏ nhắn, xinh xắn và vốn tiếng Anh còm cõi, người ta có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Chỉ với vài tấm bản đồ Hà Nội, vài bức ảnh về thủ đô và vốn tiếng Anh còm cõi, người ta có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ “chăm chỉ chặt chém” du khách ở gần Phủ Chủ tịch (Ảnh: Minh Quân)
Chỉ với vài tấm bản đồ Hà Nội, vài bức ảnh về thủ đô và vốn tiếng Anh còm cõi, họ dễ dàng kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ chăm chỉ 'chặt chém' du khách thăm quan (Ảnh: Minh Quân) 
Theo quan sát của phóng viên VTC News, tại khu vực này có khoảng 10 người, chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi 20 – 40 liên tục rao bán các sản phẩm cho du khách. Ngoài tiếng Việt, họ có khả năng mời chào du khách mua sản phẩm và mặc cả giá bán bằng một vài câu tiếng Anh ở dạng cơ bản đã học thuộc lòng từ trước.
Dù không thể giao tiếp với khách hàng bằng tiếng nước ngoài, nhưng với thái độ nài nỉ, thậm chí van xin và với sự trợ giúp của các hướng dẫn viên du lịch, họ vẫn “sống khỏe” nhờ tình thương của những du khách lạ.
Giá cả của các mặt hàng họ rao bán không hề được niêm yết và cũng chẳng theo quy luật thị trường. Nó tùy thuộc vào độ hào phóng và kinh nghiệm mua sắm của du khách.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi tấm bản đồ thường được bán với giá 10 USD, trong khi những món đồ lưu niệm như tranh ảnh, vòng tay có lúc bị đội giá tới 500.000 đồng/sản phẩm.
Đáng chú ý, việc chèo kéo, “chặt chém” du khách diễn ra công khai và tồn tại từ rất lâu nay, nhưng các lực lượng chức năng có liên quan vẫn “làm ngơ” trước điều đó.
Hứa thật nhiều...
Đây không phải lần đầu báo chí đề cập tới nạn chặt chém du khách ở Việt Nam. Nhìn tổng thể nền kinh tế 2012, ngành du lịch góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội.
Nạn chèo kéo, đeo bám du khách khiến hình ảnh Việt Nam bớt đẹp trong mắt khách quốc tế (Ảnh: Internet)
Nạn chèo kéo, đeo bám du khách khiến hình ảnh Việt Nam bớt đẹp trong mắt khách quốc tế (Ảnh: Internet) 
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có sự bất cập ảnh hưởng đến ngành du lịch quốc gia. Không riêng ở Hà Nội, ở một số địa phương khác cũng có hiện tượng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” đối với khách du lịch trong nước cũng như khách du lịch nước ngoài.
Tại phiên trả lời chất vấn sáng 13/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh từng cam kết sẽ có những biện pháp cấp bách, quyết liệt xử lý vấn nạn này.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng để nhanh chóng tiếp nhận và xử lý vụ việc nhanh nhất. Theo kế hoạch Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội trang bị hai số điện thoại di động đường dây nóng. Cán bộ phụ trách sẽ trực điện thoại 24/24 giờ.
Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ phối hợp với đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội, quận huyện… để giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm. Phối hợp với đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải, Hiệp hội taxi Hà Nội về các vấn đề liên quan đến phương tiện vận chuyển khách du lịch, chất lượng phục vụ cũng như giá cước taxi.
Thậm chí, Hà Nội còn kiến nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để xử lý quyết liệt hơn đối với các đối tượng “chặt chém” du khách.
Thế nhưng, không lâu sau đợt ra quân rầm rộ dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, Sở, ngành có liên quan, mọi chuyện đâu vẫn lại hoàn đó. Ở nhiều trung tâm lớn của Hà Nội, du khách vẫn bị “chặt chém” như thường.
Thiết nghĩ, cần nghiêm túc nhìn lại tính khả thi của các biện pháp mà lãnh đạo ngành du lịch từng đưa ra nhằm giữ hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vụ việc này.
Minh Quân

Thế giới luôn cần Putin

Bài viết của Putin trên New York Times

Những sự việc xảy ra gần đây xung quanh vấn đề Syria đã thôi thúc tôi phải lên tiếng trực tiếp tới những người dân và giới lãnh đạo Mỹ. Điều này cần phải được thực hiện giữa thời điểm thông tin giữa các xã hội của chúng ta không đủ.

Mối quan hệ giữa chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn. Chúng ta từng chống lại nhau trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh. Nhưng cũng từng có thời là đồng minh, hợp tác chống lại Đức Quốc xã. Và rồi một tổ chức có tính ảnh hưởng trên toàn cầu - Liên Hợp Quốc - sau đó đã được thành lập để ngăn chặn những tai hoạ như thế.
Những người sáng lập Liên Hợp Quốc hiểu rõ rằng những quyết định về chiến tranh và hòa bình cần phải đạt được sự nhất trí, và với sự đồng thuận của Mỹ, quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã được quy định rõ trong Hiến chương. Điều đúng đắn này chính là nền tảng cho sự ổn định trong mối quan hệ quốc tế suốt hàng thập kỷ qua.
Không ai muốn Liên hợp quốc chịu chung số phận với Hội Quốc liên. Hội Quốc liên đã sụp đổ bởi nó thiếu những cán cân quyền lực thực tế. Sự sụp đổ cũng có thể xảy ra với Liên Hợp Quốc nếu những cường quốc phớt lờ tổ chức này, đơn phương tấn công quân sự mà không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an.
Một cuộc tấn công từ phía Mỹ vào Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, những quan chức chủ chốt và các thủ lĩnh tôn giáo, bao gồm cả giáo hoàng, sẽ đưa đến hậu quả cho các nạn nhân vô tội, làm xung đột leo thang và lan tràn, có thể vượt ra ngoài biên giới của Syria.
Một cuộc tấn công sẽ làm gia tăng bạo lực và tạo đà cho một làn sóng khủng bố mới. Nó có thể phá hoại những cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía để giải quyết vấn đề nguyên tử ở Iran và xung đột của người Israeli – Palestine. Nó cũng sẽ gây mất cân bằng cho hệ thống trật tự và luật pháp quốc tế.
Cuộc chiến tranh ở Syria không phải để tìm kiếm nền dân chủ, mà đang có một cuộc chiến giữa chính phủ và phe đối lập xảy ra tại quốc gia đa tôn giáo này. Không có nhiều người vì dân chủ ở cuộc chiến Syria, nhưng lại có quá nhiều phần tử Qaeda và những thành phần cực đoan đều ra sức chống đối chính phủ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho rằng Al Nusra Front và Quốc gia Hồi giáo Iraq và Cận Đông, một thành phần của phe đối lập ở Syria, là những tổ chức khủng bố. Cuộc nội chiến được cung cấp vũ khí từ các thế lực bên ngoài này là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trên thế giới.
Những lính đánh thuê Arab chiến đấu tại đây, hàng trăm phiến quân đến từ các quốc gia phương Tây và có cả Nga, là một trong những mối lo ngại sâu sắc. Liệu bọn chúng sẽ không quay lại đất nước chúng ta với từng ấy kinh nghiệm có được từ cuộc chiến ở Syria? Thực tế là , sau khi chiến đấu ở Libya, quân khủng bố đã di chuyển tới Mali. Điều này chính là mối đe dọa đối với tất cả chúng ta.
putin-g20-8631-1379067467.jpg
Bài viết của Tổng thống Nga Putin trên NYT châm ngòi nhiều ý kiến trái chiều, cả phẫn nộ và đánh giá cao. Ảnh: Al Jazeera.
Ngay từ ban đầu, Nga đã luôn thể hiện thái độ ủng hộ đối với một cuộc đối thoại nhằm để cho người Syria lập ra một kế hoạch nhượng bộ lẫn nhau vì tương lai của chính họ. Chúng tôi không bảo vệ cho chính phủ Syria mà bảo vệ luật pháp quốc tế. Chúng ta cần sử dụng Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và tin tưởng rằng việc gìn giữ, bảo đảm luật pháp, thiết lập trật tự trong thời điểm phức tạp và hỗn loạn như hiện nay là một trong rất ít những cách để gìn giữ những mối quan hệ quốc tế tránh đi tới sự hỗn loạn. Luật là luật, và chúng ta cần phải tuân thủ luật dù thích hay không. Trong luật pháp quốc tế hiện hành, vũ lực chỉ được phép xảy ra khi đó là biện pháp tự vệ hoặc được hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận. Bất kỳ hình thức bạo lực nào khác đều không được chấp nhận trong hiến chương Liên Hợp Quốc và sẽ bị coi là hành động gây hấn.
Không còn nghi ngờ gì về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria. Nhưng tất cả những lý do đưa ra đều khiến chúng ta tin rằng vũ khí hóa học không phải do quân đội Syria sử dụng, mà đó là hành động của phe đối lập, dùng nó để kích động sự can thiệp của những thế lực bên ngoài vào Syria. Có những tin tức cho rằng đám phiến quân đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác -  lần này là chống lại Israel – điều này không thể bị phớt lờ.
Có một điều đáng báo động, đó là hành động can thiệp quân sự vào xung đột nội bộ của những nước khác đang trở thành hành động quen thuộc của Mỹ. Đó liệu có phải là lợi ích lâu dài của Mỹ? Tôi nghi ngờ điều đó. Hàng triệu người trên thế giới đang ngày càng nhận thấy rằng Mỹ không phải là một hình mẫu cho một xã hội dân chủ mà chỉ đơn thuần ỷ vào sức mạnh, thiết lập các liên minh dựa trên nguyên tắc "không theo ta nghĩa là chống lại ta".
Vũ lực đã được chứng minh là vô hiệu và vô nghĩa. Afghanistan thì đang chao đảo, và không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra sau khi lực lượng quốc tế rút khỏi đây. Libya thì bị chia ra thành nhiều bộ lạc và bè phái. Tại Iraq nội chiến vẫn tiếp tục với hàng chục người bị giết mỗi ngày. Ở Mỹ, nhiều người đang nhận ra những điểm chung giữa tình hình tại Iraq và Syria, và câu hỏi đặt ra là tại sao chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục lặp lại những sai lầm như vậy.
Bất kể là việc xác định mục tiêu rõ ràng đến thế nào, bất kể vũ khí đạt độ chính xác đến thế nào, thương vong đối với người vô tội là không thể tránh khỏi, trong đó có cả người già và trẻ em, những người mà về lý thuyết họ phải được bảo vệ.
Thế giới đang phản ứng lại nghịch lý này bằng cách tự hỏi: nết ta không dựa vào luật pháp quốc tế được, ta phải tìm cách  nào để tự bảo vệ? Như thế, số lượng các quốc gia muốn có vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ tăng lên. Logic của họ là: nếu bạn sở hữu bom, chả ai dám động tới bạn. Chúng ta sẽ không tiến lên được trong việc thảo luận về không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt một khi thực tế trên bị làm ngơ.
Chúng ta phải dừng ngay việc sử dung vũ lực để trở lại với con đường ngoại giao và giải pháp chính trị.
Một cơ hội mới để tránh không phải sử dụng đến quân sự đã xuất hiện vài ngày trước. Mỹ, Nga và tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế cần phải tận dụng việc chính phủ Syria bằng lòng giao nộp kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế và sau đó phá hủy chúng. Qua lời tuyên bố của tổng thống Obama, Mỹ xem đây là một giải pháp thay thế cho biện pháp quân sự.
Tôi hoan nghênh sự quan tâm của tổng thống Obama khi tiếp tục tham gia đàm phán cùng với Nga về vấn đề Syria. Chúng ta chắc chắn sẽ phải làm việc cùng nhau để đảm bảo những hy vọng này sẽ vẫn được duy trì, như chúng ta đã đồng ý với nhau tại cuộc gặp của G8 ở Bắc Ireland hồi tháng 6 vừa rồi, và lái cuộc đàm phán trở lại với chiều hướng thương lượng.
Nếu chúng ta tránh được việc sử dụng vũ lực với Syria, điều này chắc chắn sẽ cải thiện bầu không khí trên trường quốc tế và tăng thêm sự tin tưởng lẫn nhau. Nó sẽ là thành công chung của tất cả chúng ta và mở ra cánh cửa hợp tác trên nhiều vấn đề quan trọng khác.
Mối quan hệ công việc và cá nhân của tôi với tổng thống Obama được đánh dấu bởi lòng tin đang lớn dần. Tôi đánh giá cao điều này. Tôi đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bài diễn văn của tổng thống hôm thứ ba. Và tôi không đồng ý với việc ông ấy nói về chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ. Ông ấy nói rằng chính sách của Mỹ là "thứ khiến nước Mỹ khác biệt. Đó là điều khiến chúng ta biệt lệ". Sẽ rất nguy hiểm khi khuyến khích công chúng tự cho mình là biệt lệ, cho dù động cơ của việc đó là gì
Có nước lớn, nước nhỏ, có nước giàu nước nghèo, có nước có truyền thống dân chủ lâu dài, và có nước mới chỉ đang đi trên con đường hướng tới dân chủ. Chính sách của mỗi nước cũng sẽ khác nhau. Chúng ta đều khác nhau, nhưng khi mỗi chúng ta nhận ơn từ Tạo hóa, chúng ta không được phép quên rằng Tạo hóa đã sinh ra chúng ta bình đẳng.
----------------------------------------------------------------------------------------------------

Lãnh đạo Mỹ giận dữ vì bài viết của Putin

Các nghị sĩ Mỹ và Nhà Trắng nổi giận trước bài bình luận của tổng thống Nga được đăng trên báo New York Times hôm 11/9. 


putin-obama-9257-1379045841.jpg
Tổng thống Putin đón người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nga. Ảnh: AP
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói với phóng viên rằng ông cảm thấy bị sỉ nhục vì bài viết có nội dung chỉ trích lập trường cứng rắn của Mỹ đối với chế độ Syria. Thượng nghị sĩ Robert Menendez nói rằng bài viết khiến ông "buồn nôn", còn Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng trí tuệ của mỗi một người Mỹ đã bị lăng mạ trong bài viết.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jay Carney cũng không tiếc lời phản bác bài viết của Putin"Cần nói rõ rằng Nga đang bị cô lập và đứng một mình khi đổ lỗi cho phe đối lập vì tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8", Global Post dẫn lời ông nói tiếp. "Không có báo cáo nào đáng tin cậy cho thấy phe đối lập sử dụng vũ khí hóa học tại Syria". 
Trong bài báo có 1.068 từ ở mục "Ý kiến" trên tờ New York Times, giải thích về việc Nga phản đối dùng vũ lực chống Syria, Putin cho rằng một cuộc tấn công quân sự có thể làm gia tăng bạo lực trong khu vực, "mở ra một làn sóng mới của chủ nghĩa khủng bố" và cướp thêm mạng sống của những nạn nhân vô tội. "Việc khuyến khích người dân tự xem mình là biệt lệ là điều cực kỳ nguy hiểm, dù động cơ có là gì đi nữa", Putin viết.
Trước đó, trong bài phát biểu quan trọng hôm 10/9 với quốc dân Mỹ, Obama nói dù Mỹ không thể là cảnh sát toàn cầu, Washington vẫn phải hành động trong một số hoàn cảnh cụ thể.  "Điều đó khiến chúng ta khác biệt ", Obama nói. "Bằng sự nhún nhường, nhưng kiên quyết, chúng ta không bao giờ xao nhãng sự thật đó". 
Tuy nhiên một số ít người khen ngợi bài báo của Putin. Pat Buchanan, cựu cố vấn của Nixon và Reagan cũng là nhà bình luận chính trị bảo thủ, cho rằng đó là một bài viết "nổi bật". "Vladimir Putin đưa ra lập luận chống lại việc Mỹ tấn công Syria tốt hơn so với điều Tổng thống Mỹ làm tối qua", Fox News dẫn lời Buchanan nói. 
Trọng Giáp
- Có những quan điểm và tư tưởng khác nhau, nhưng tôi vẫn yêu nước Nga và ủng hộ ông Putin. Trong việc giải quyết vấn đề Syria rõ ràng Putin đang thắng Obama và được đa số ủng hộ.
Phạm Hải