BT Bùi Quang Vinh trích từ tài liệu của Ngân Hàng Thế giới: Năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và quy mô kinh tế, lớn hơn Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ bình quân thế giới.
Lãnh thổ VN thời Minh Mạng lớn gấp 1,7 lần ngày nay là minh chứng cho một thời kỳ cường thịnh.
Một điểm lạ lùng độc đáo của vua Minh Mạng là chủ trương: TỰ DO NGÔN LUẬN.
Quốc sử quán triều Nguyễn khi biên soạn bộ Minh Mệnh chính yếu đã dành hẳn một thiên, gọi là “Quảng ngôn lộ”, nghĩa là mở rộng đường ngôn luận.
Dưới sự trị vì của vua Minh Mệnh, nước Việt ta không những là quốc gia có cương thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc, bao gồm đất liền và biển đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn là quốc gia cường thịnh nhất ở châu Á thời bấy giờ, vượt xa cả Nhật Bản.
Là một minh quân, có lẽ Minh Mệnh là vị vua để lại nhiều di sản nhất cho dân tộc về cương vực lãnh thổ, về kinh tế và văn hóa, về quốc phòng, về ngoại giao và các chính sách an dân… Những di sản ấy không chỉ được ghi trong sử sách, mà ngày nay chúng ta còn có thể nhìn thấy trong thực tế, có thể “sờ mó” và thụ hưởng chúng. Các địa giới hành chính, hệ thống phòng thủ biên giới, bờ biển và hải đảo qua các giai đoạn tuy có dịch chuyển, tăng cường, gia cố, nhưng về căn bản đã được thiết lập dưới thời vua Minh Mệnh. Ngày ấy nước ta mạnh đến mức có người chặn xa giá dâng thỉnh nguyện xin nhà vua đem quân lấy lại vùng Lưỡng Quảng, vốn thuộc đất Lĩnh Nam của ta từ thời Hai Bà Trưng, về lại cho Việt Nam. Tất nhiên nhà vua không làm cái chuyện tiêu tốn máu xương và thiếu khả thi đó nên bảo người ấy là “cuồng ngôn”, nhưng ông thừa sức khiến cho Trung Quốc không dám động đến một sợi lông chân của người Việt, không dám xâm phạm một ngọn cỏ của nước Việt. Đối với các nước lân bang, ông thực hiện chính sách hòa ái, vỗ về che chở, chứ tuyệt đối không ức hiếp. Ông còn phong quan tước cho các hậu duệ của hoàng tộc Chiêm Thành và trân trọng tấm lòng của họ đối với cố quốc.
Nhiều bậc minh quân ngày xưa từng xuống chiếu cầu lời nói thẳng, nhưng thường là hư văn, ít tính khả thi. Vua Minh Mệnh thì khác, ông rất ghét hư văn, ông hành xử một cách chân thành để đảm bảo thực chất.
Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua hạ tờ sắc cho 6 bộ phải nộp tất cả các tờ tấu từ các nơi gửi tới, dù có “hợp lẽ” hay không, bởi vì trước đó các bản tấu dâng lên vua phải lập thành 2 bản, Bộ mở ra xem trước 1 bản, nếu thấy không cần thiết thì giữ lại không dâng lên. Ông làm vậy là để phòng ngừa các quan ở Bộ che lấp nhà vua, tự ý bác bỏ những lời ngay thật. Vua dụ bảo quan Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Thận: “Bề tôi thờ vua có thể phạm đến nhà vua chứ không được ẩn giấu điều phải, điều trái, điều nên làm hay không nên làm, mọi điều nhất thiết phải nói thực”.
Đại thi hào Nguyễn Du lúc đó giữ chức Hữu Tham tri Bộ Lễ. Là một bậc tài danh nhưng Hữu tham tri Nguyễn Du lại nhút nhát ít khi dám tâu bày sự thật, khiến cho nhà vua phải nhắc nhở: “Ngươi cùng quan Hữu tham tri Bộ Lại đã được trẫm tri ngộ, đều nên hết sức mà tỏ lòng thành thật, nếu đã biết thì không điều gì là không được nói, dâng điều phải bỏ điều trái để làm tròn chức vụ, nếu chỉ nín lặng không nói thì còn có ích gì”. Liền theo đó, nhà vua đã ban chiếu tìm người nói thẳng. “Người muốn thấy hình dáng của mình phải nhờ đến gương tỏ, vua muốn biết lỗi lầm của mình phải đợi kẻ trực thần”, tờ chiếu viết, “lời nói các ngươi như vàng ngọc, được nói thẳng những điều lầm lẫn của trẫm mà không phải kiêng kỵ”. Ông không những kêu gọi các bề tôi, những “kẻ sĩ dám trái với nhà vua” mà còn “tìm đường ngôn luận cho đến cả người cắt cỏ, kiếm củi” nói thẳng sự thật về chính sự, về nỗi khổ của dân chúng và về sự sai trái của bản thân hoàng đế.
Do vậy mà vào thời của ông, có rất nhiều bản tấu thẳng thắn của các quan và thường dân, thậm chí có người còn đón xa giá để tâu trình trực tiếp. Mọi lời tấu đều được ghi nhận, điều gì hợp lý được đem thi hành ngay, những lời nói sai thì được nhắc nhở chứ không bắt tội (tất nhiên là trừ những lời quỉ quái hoặc vu cáo sai sự thật xuất phát từ ác tâm, gây tổn hại cho người vô tội).
Năm Minh Mệnh thứ hai, vua ngự đến một trường thi, có người ở trấn Kinh Bắc dâng “15 điều quốc sách”, phần lớn là những điều vu khoát (những lời viễn vông không thực tế), người này bị quan sở tại bắt giữ, nhưng nhà vua nói: “Trẫm mở đường cho dân chúng được ngôn luận, đâu có vì câu nói mà bắt tội người ta”, rồi tha cho người ấy.
Năm Minh Mệnh thứ tám, có sự kiện Thái Lan đem quân đánh nước Lào, triều thần nghị bàn không nên can thiệp, khi nào Thái Lan đem quân đánh vào nước ta thì mới tấn công. Quan Tham tri Bộ Lại Hoàng Kim Hoán dâng sớ hiến kế không thể bỏ rơi nước Lào, mà phải đem quân đến biên giới để nước Lào biết là có quân viện trợ mà hăng hái phục thù, sau đó ta đem quân tiến vào cùng với quân Lào hợp lực đại trương thanh thế tấn công Thái Lan, sau đó trả lại quốc hiệu và kén người bề tôi để bảo hộ nước Lào, nước Thái sẽ thế suy sức yếu không dám chống lại nước ta nữa. Đình thần nghị bàn cho rằng “Kim Hoán bàn việc binh trên tờ giấy, về lý lẽ, về tình thế, về địa hình nhiều điểm không thi hành được”. Nhà vua bảo đình thần nói đúng, nhưng ông cho rằng sự tâu trình của Hoàng Kim Hoán cũng là hết lòng lo toan việc nước, chẳng qua đó là “ý kiến của một người không tự biết là không hợp lẽ” mà thôi. Dù tờ sớ bị bác bỏ nhưng nhà vua vẫn lưu ý đình thần không nên vì vậy mà lui bước trong việc nói thẳng.
Vào năm Minh Mệnh thứ mười bốn, quan Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Khoa Minh tâu rằng, trước đây có một số quân dân Nam bộ do bị ức hiếp nên phải theo giặc (chỉ cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi), nay giặc yên đã ra thú tội để được trở về quê quán, thế mà quan địa phương vẫn nã bắt tra tấn, việc đó gây bất an cho dân. Nhà vua bảo ông đã giáng tờ dụ không trị tội những người bị bắt hiếp phải theo giặc mà nay còn bắt bớ tra tấn và chưa ai nói với ông việc đó cả, “nay Nguyễn Khoa Minh đem việc ấy tâu bày thật đáng ban khen”.
Minh Mệnh là ông vua quan tâm đặc biệt đến nỗi khổ của dân chúng. Suốt 21 năm làm vua, năm nào ông cũng giảm thuế cho dân, không năm nào tăng thuế, khi giá lúa lên dân gặp khó khăn thì xuất lúa kho bán rẻ cho dân để bình ổn giá, khi dân gặp hoạn nạn thì lập tức xuất kho cứu tế. Những gì gây phiền hà cho dân, dù là chuyện nhỏ nhất ông cũng kiên quyết bãi bỏ. Quan Nội vụ lang trung Lê Vạn Công thấy dân Quảng Bình phải lấy đá hoa cương cho Nhà nước rất khổ cực, nhân đó tâu: “Việc lấy đá ở tỉnh Quảng Bình không tiện cho dân chúng”. Vua cho kiểm tra thấy đúng, nên lập tức ra lệnh bãi bỏ, phạt quan địa phương và thưởng cho Lê Vạn Công. Nhân đó, giáng tờ dụ cho các quan: “Lê Vạn Công theo chỉ dụ đi bán thóc cho dân, đi quan tỉnh Quảng Bình mà để ý đến điều đau khổ của dân chúng, về kinh bảo trẫm, trẫm rất hài lòng, cho nên đặc cách hậu thưởng để nêu cho những người nói thẳng”.
Dẫn chứng cho việc triều đình cần những lời nói thẳng đến mức nào, nhà vua bảo trước đây ông đã cho trải chiếu trên điện để người muốn tâu việc gì thì quỳ xuống đó cho khỏi lạnh lẽo, nhưng ông không hiểu vì lẽ gì mà suốt hai năm không có ai đến quỳ vào chỗ ấy, cho đến khi gặp mưa to gió lớn ông sai cuộn chiếu đi thì thấy ở dưới còn có lớp chiếu bằng mây, ông mới biết quỳ vào đó đau đầu gối nên không có ai quỳ. Nhân đó ông kết luận: “Đến một việc nhỏ ngay trước mắt mà sự thông minh của trẫm còn không nghĩ tới, huống gì là việc khác”.
Minh Mệnh không thích người ta tâng bốc. Ông là nhà thơ lớn, đã để hàng ngàn bài thơ hay, trong đó có nhiều bài là kiệt tác thi ca, nhưng quan niệm thi ca của ông rất khác với các văn nhân đương thời và đến ngày nay vẫn còn mới mẻ. Có lần nhân lúc tan chầu sớm, vua làm bài thơ “Bồn mai thịnh khai” (Chậu mai nở nhiều hoa), rồi gọi các đại thần là Phan Huy Thực, Lê Văn Đức, Hà Quyền đến bình chú. Các ông này tâu : “Học của bậc thánh uyên thâm, lũ hạ thần nông cạn này không thể mong bằng được một phần trong muôn phần”. Vua cười, nhân đó bảo: “Lúc nhàn rỗi vui cười nếu thấy sự việc gì cũng nên nói thẳng, trẫm đâu có đem chữ nghĩa cùng với lũ ngươi tranh hơn kém”. Thời đó, ở Trung Quốc có vô số các vụ án văn chương, nhiều văn nhân thi sĩ vì chữ nghĩa mà bị triều đình nhà Thanh bức hại, trong khi ở nước ta thời vua Minh Mệnh không hề có văn nhân nào vì chữ nghĩa mà bị triều đình gây khó dễ. Nhà vua bảo: “Trước ông Dạng Đế nhà Tùy, nhân câu thơ ‘Không hương lạc yến nê’ (Chỗ bờ đập vắng người con chim yến rơi xuống bùn) của Tiết Đạo Thành mà đem lòng nghi kỵ, trẫm rất khinh bỉ”.
Phạm Văn Hải (Theo VTC News và MOTTHEGIOI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét