Theo ông Nguyễn Xuân Thành
Những nút thắt trong quản lý điều hành của Nhà nước như bảo hộ, ưu đãi tín dụng, ưu đãi đất đai… thì doanh nghiệp phải phản ánh mạnh mẽ. Ngược lại, Nhà nước cũng phải ép lại doanh nghiệp để doanh nghiệp tập trung kinh doanh, không phải dành nhiều thời gian và chi phí để… lobby.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright chia sẻ như vậy với TGTT trong cuộc trò chuyện về bức tranh kinh tế 2016.
– Số liệu kinh tế 2015 vừa công bố cho thấy có sự cải thiện đáng kể về tăng trưởng, ông có thể mổ xẻ cụ thể hơn về những quan ngại đằng sau con số tăng trưởng ấy?
– Nếu như chỉ nhìn vào số liệu công bố chính thức thấy có sự nhất quán về chỉ số sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhưng cũng có một số quan ngại và dấu hỏi về con số tăng trưởng này.
Thứ nhất vì sao tăng trưởng mà doanh nghiệp vẫn thấy khó khăn? Thứ hai vì sao tăng trưởng mà ngân sách vẫn thấy không có tiền? Và thứ ba tiêu dùng của người dân, tăng trưởng như vậy mà tại sao lạm phát thấp? Thị trường phải nóng lên, chỉ số lạm phát phải cao chứ?
Mọi người quan ngại số doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động ở mức cao, nhưng phải lấy tổng số doanh nghiệp đang kinh doanh trừ đi số doanh nghiệp giải thể, mới thấy con số đó cũng bình thường. Khó khăn của doanh nghiệp thực ra không có gì mâu thuẫn. 6,7% tăng trưởng nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại mức tăng trưởng tốt như 2004 – 2006, như vậy có doanh nghiệp cải thiện hơn so với 2012 – 2014, nhưng trở lại bình thường thì chưa.
Như vậy, khó khăn thực sự của doanh nghiệp vẫn còn. Những yếu kém về cấu trúc của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt trong cơ sở hạ tầng để giải quyết những nút thắt chưa cải thiện, chi phí bỏ ra của doanh nghiệp vẫn còn lớn. Kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng doanh nghiệp chưa tin vào tầm nhìn trung hạn. Đặc biệt trong năm vừa rồi yếu tố căng thẳng về tỷ giá gây lo ngại. Tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu nhờ lãi ở bất động sản, tiêu dùng cá nhân. Còn tín dụng của doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với tốc độ bình quân.
Chúng ta nói rất nhiều cải cách thể chế trong ban hành luật mới có hiệu lực giữa năm 2015. Nhưng không phải cứ ban hành luật mới mà phải thay đổi được luật chơi trên thị trường. Trong văn bản luật thì Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng bộ máy hành chính vận hành vẫn theo cách “hành” doanh nghiệp.
Nhiều khi doanh nghiệp bức xúc kêu lên thì các cấp lãnh đạo nhà nước mới nhảy vào cuộc, khó khăn được giải quyết nhất định, sau lại đâu vào đấy, chứ không vận hành theo cơ chế thị trường một cách tự động.
Tăng trưởng mạnh về sản xuất nhờ sản xuất công nghiệp, không phải từ gia tăng đầu tư sản xuất kinh doanh. Tác động từ nguyên liệu giảm nhờ giá thế giới giảm có tác động tích cực cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là giá dầu giảm. Doanh nghiệp được hỗ trợ bởi tiêu dùng nội địa. Niềm tin người tiêu dùng được cải thiện đáng kể qua những thống kê độc lập…
Từ đó thấy hai quan ngại tiếp theo được giải thích. Tăng trưởng nhưng ngân sách vẫn căng thẳng. Do Nhà nước vẫn đang mở rộng tài khoá, chấp nhận thâm hụt ngân sách khoảng 5% GDP, giải quyết bằng vay nợ, cả tăng chi lẫn tăng đầu tư. Trong khi phần thu thấy rõ nhất là giảm thu dầu thô, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm, thu từ các loại thuế xuất nhập khẩu cũng giảm.
Nhưng cũng có cái may là thu thuế giá trị gia tăng tăng mạnh, nên vẫn giữ cho giá trị tuyệt đối của ngân sách tăng. Nhìn vào chính sách điều hành vĩ mô, từ nay đến năm 2020 không thấy hướng đi khả thi để giảm chi, nên vẫn thấy thâm hụt, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ công vượt ngưỡng an toàn 60% GDP.
Thứ ba, tăng trưởng nhanh nhưng trong bối cảnh lạm phát thấp do chi phí giá cả thị trường thế giới thấp nên tăng trưởng tín dụng 2015 không kéo theo lạm phát đi lên, nhờ niềm tin tiêu dùng tăng, thị trường bất động sản ấm lên.
– Sau một loạt nỗ lực về tái cơ cấu, theo ông vì sao vẫn tồn tại những biểu hiện tiêu cực trong cơ cấu kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng, nhiều nghịch lý về giá cả, tiền tệ, bộc lộ điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu?
– Nói là cải cách thể chế để cởi trói cho nền kinh tế, nhưng xử lý những hậu quả trong phát triển không đi vào chất lượng, năng suất, mà dựa vào vay nợ, đầu tư mang tính chi tiêu. Chuyện này đem lại lợi ích cho một bộ phận những người hoạch định, làm chính sách, một bộ phận những doanh nghiệp liên hệ đến người làm chính sách. Nếu thay đổi sẽ làm mất đi lợi ích đó, sẽ có sự cưỡng lại sự thay đổi đó.
Nhìn vào hệ thống thể chế Việt Nam, điểm nổi lên là sự chia cắt theo lĩnh vực cả ngành dọc và ngang một cách có chủ định, để bảo đảm rằng Việt Nam vẫn tăng trưởng, năng lực của cơ quan nhà nước vẫn có thể giải quyết ách tắc, nhưng không đi đến tận cùng, không ai mất đi quyền lợi của mình, không ai phải trả giá.
Ngân hàng, tổ chức tín dụng nào có thua lỗ Nhà nước cũng tìm cách giải quyết bằng cách chia số thua lỗ đó ra cho mọi người dân chịu. Còn người làm ra thua lỗ đó không ai chịu trách nhiệm, cuối cùng không có cách gì để lấp nữa mới xử lý, chứ không xử lý bằng hệ thống pháp lý minh bạch.
Điều đó giúp cho mọi người không cảm nhận được mất mát, nhưng lại đẩy mất mát đó cho tương lai.
– Câu chuyện tăng lãi suất của Hoa Kỳ, tỷ giá đồng nhân dân tệ vẫn treo lơ lửng, sẽ tác động thế nào lên đồng tiền Việt Nam? Sức ép điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn với hệ thống ngân hàng đang đặt ra thách thức lớn nào cho doanh nghiệp?
– Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, điều hành chính sách có hai thái cực, cho đến thời điểm này không Nhà nước nào muốn ở hai thái cực đó. Một là kiểm soát để ổn định nguồn tài chính tín dụng chỉ định cho mục tiêu phát triển kinh tế. Ở thái cực kia thì Nhà nước phải tự do hoá tài chính hoàn toàn, cân bằng thị trường vốn để cung cấp nền kinh tế.
Hai thái cực đó đều tác động xấu cho nền kinh tế. Nếu kiểm soát mạnh thì tạo áp lực chính trị, tính phi hiệu quả rất cao. Nhưng ngược lại tự do hoá tài chính lại gia tăng rủi ro tài chính vĩ mô, khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng nợ.
Việt Nam đã nhìn vào kinh nghiệm quốc tế, muốn có lộ trình tự do hoá tài chính từ từ. Đầu tiên là ban hành luật, nâng cao năng lực của bộ máy. Từ sau khủng hoảng tài chính Đông Nam Á, Việt Nam tự do tài chính theo hướng thúc đẩy thị trường chứng khoán, các tổ chức tài chính như ngân hàng thương mại, khuyến khích mở rộng quy mô. Lãi suất nới lỏng, có thời điểm nới lỏng hoàn toàn, nhiều lúc người ta quên luôn đi luật dân sự.
Điều đó đúng nếu xây dựng khung luật pháp tốt, nâng cao năng lực quản lý bằng các nghị định thông tư ngân hàng, luật chứng khoán, giám sát ngân hàng…. Nhưng khi đi theo hướng đó mình lại bị cuốn theo, nới lỏng kiểm soát các dòng vốn. Nhìn vào những ngân hàng yếu kém buộc phải mua 0 đồng cho thấy họ không tuân thủ luật đã ban hành.
Đáng tiếc là sự không tuân thủ ấy không phải ngân hàng Nhà nước không biết mà là biết nhưng cho qua, vì chưa thấy gây thiệt hại, vẫn thấy khắc phục được nên cho phép hoãn lại, tạo ra văn hoá kinh doanh điều hành vi phạm hay lách cũng được.
Sau một thời gian đầu tư, cho vay mới phát sinh nợ xấu nhiều quá, mà xử lý đúng theo luật lại gây rủi ro cho toàn hệ thống, lại buộc phải xử lý trong tình huống luẩn quẩn. Kiểm soát hoàn toàn, áp chế tài chính, rồi tự do, lại kiểm soát lại, một vòng luẩn quẩn khiến cho những nhóm lợi ích vẫn có cơ hội để hưởng lợi ích đó, đến khi họ gây thiệt hại lớn thì Nhà nước lại cứu, doanh nghiệp lại chịu chung.
– Khu vực kinh tế tư nhân vẫn bị chèn ép, không công bằng, sẽ gây hệ quả thế nào cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp?
– Kinh tế tư nhân thực thụ vẫn bị rào cản để phát triển. Một bộ máy có luật, nhưng lại giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính thì doanh nghiệp nhỏ và vừa không có sự bấu víu. Mọi thủ tục, từ công an phường đến phòng cháy chữa cháy đều bị hành. Doanh nghiệp lớn thì đều phải đầu tư nguồn lực đáng kể về các mối quan hệ để có được những dự án lớn, nếu có khó khăn lại có các gói tín dụng.
Kim Yến thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét