Trang

24 tháng 1, 2016

Hàng Việt bị thế chỗ

BTTD: Thuế-phí cao thì DN khổ, dân nghèo, nước suy.

Trước đây, khi đi học ở Thái Lan, những lúc rảnh rỗi tôi hay ghé vào các siêu thị và chợ nông sản Thái (Talad Thai) để quan sát xem người ta buôn bán thế nào, tiện thể mua sắm vài thứ.
Mặc dù người buôn bán ở Thái trông có vẻ chậm chạp hơn người Việt, đặc biệt là so với mấy tiểu thương chợ Đồng Xuân hay chợ Bến Thành mà tôi có dịp gặp, nhưng họ có tinh thần buôn bán rất mạnh, đâu đâu cũng thấy chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Có rất nhiều thương hiệu bán lẻ nổi tiếng thế giới có mặt ở đây, tại bất kỳ khu vực đông dân cư nào: BigC, WalMart, Robinson... Bên cạnh đó, chợ truyền thống cũng được quy hoạch bài bản, sạch sẽ và tiện dụng. Các cửa hàng tự chọn như 108, 7Eleven... có mặt ở khắp các trạm xăng, trường học. Thậm chí trong khuôn viên trường tôi có tới ba cửa hàng tiện lợi kiểu này.
Điều đặc biệt là đa phần hàng hóa bày trên các kệ là hàng nội địa, sản xuất tại Thái Lan. Tôi không rõ đây là quy định của Chính phủ Thái hay do quyết định của các nhà đầu tư, nhưng nó cho thấy nền sản xuất hàng tiêu dùng của người Thái rất mạnh. Khi vào siêu thị thấy hàng hóa của họ ngồn ngộn, nhiều mẫu mã, nhiều lựa chọn, giá cả tốt, tôi thầm mong một ngày nào đó hàng hóa ở Việt Nam mình cũng phong phú như vậy.
Nay thì dù sống ở Việt Nam, chỉ ra khỏi cửa ba bước chân, tôi đã có thể mua mọi thứ từ Thái Lan. Các đại gia Thái đang tích cực thâu tóm các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Họ đã hoàn thành việc mua Metro và vài chuỗi bán lẻ khác. Hàng Thái sẽ tràn ngập xứ sở này, bởi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) khi hình thành đầy đủ sẽ cho phép hàng hóa thông thương với rất ít rào cản.
Tôi ủng hộ hội nhập, ủng hộ các định chế như: Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN AEC... Khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, người dân Việt sẽ có nhiều lựa chọn hàng hóa hơn, với giá cả và chất lượng tốt hơn bây giờ. Mặc dù vậy tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn lại nền sản xuất của nước mình. Hàng Việt bị thế chỗ ngay chính trên sân nhà. Lâu nay, cuộc chiến giữ thị phần giữa hàng Việt và hàng Trung Quốc vốn đã rất cam go. Trong nhiều lĩnh vực, hàng Việt đã bị chèn ép trước những mặt hàng Trung Quốc chất lượng kém nhưng giá quá rẻ. Hàng Thái đang tràn vào. Mà hàng Thái giá cũng rẻ, chất lượng không hề tệ, thậm chí tốt. Tôi tin, cuộc cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn với các doanh nghiệp nội. Nghĩ tới viễn cảnh đất nước không đủ năng lực sản xuất ra những sản phẩm căn bản, hàng Việt không thể đứng trên các kệ hàng Việt, tôi thấy lòng mình chùng xuống.
Vải, dưa hấu, hành tím… ế ẩm, rớt giá. Rất nhiều “chiến dịch nghĩa tình” đã được phát động để giúp nông dân tiêu thụ nông sản tồn. Quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa bị chi phối bởi quy luật thị trường, chứ không phải sự kêu gọi. Nếu hàng Việt đủ sức để cạnh tranh, tôi tin không ai phải kêu gọi. Nhưng ngay cả những thứ tưởng chừng như đơn giản nhất như cây tăm, đôi đũa chúng ta cũng nhập khẩu từ Trung Quốc. Những sản phẩm nội địa bắt đầu gây dựng được tiếng tăm thì liên tục dính phải những scandal về chất lượng. Tôi thấy rất ít doanh nghiệp Việt xây dựng được thương hiệu ổn định và uy tín trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam.
Điều này có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Chúng ta quá chú trọng xuất khẩu mà bỏ lơ thị trường nội địa, quá ưu ái FDI mà không quan tâm đúng mức đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Chẳng hạn, chính sách thuế dành cho xuất khẩu của Việt Nam đã làm nản lòng nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu được áp thuế suất bằng 0, không nộp thuế và còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước không có các chính sách ưu đãi như vậy, thậm chí còn phải đóng quá nhiều loại thuế phí. Tại Việt Nam, phí và thuế chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận doanh nghiệp phải chi trả. Trong khi đó, mức thuế doanh nghiệp trong ASEAN bình quân là 17%. Với mức thuế này, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam rõ ràng là không có cửa cạnh tranh với các nước bạn.
Việt Nam, với 90 triệu dân, là một thị trường bán lẻ đầy hấp dẫn. Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nếu không có các chính sách đúng đắn và kịp thời để thúc đẩy sản xuất trong nước, tôi sợ là chúng ta đang nắm không chắc trong tay miếng bánh ngon, trước con mắt nhòm ngó của những người hàng xóm năng động và tham vọng.
Lê Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét