Ông Vũ Khoan: "Tổng thống Thụy Sĩ tiếp tôi ở một trạm bưu điện"
Phương Nhi |
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
(Soha.vn) - “Tôi nhớ mãi cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ, tôi rất ngạc nhiên vì ông ấy tiếp tôi ở một trạm bưu điện, phòng tiếp rất nhỏ".
“Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh có nói: Trong "Swiss Made" không tìm ra phương thuốc nào trị bệnh tự mãn của người Thụy Sĩ. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên tìm thứ thuốc đó để chữa bệnh tự mãn và tự tin” - ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố như vậy trong buổi ra mắt cuốn sách “Swiss Made - Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ”.
Đã nhiều lần đặt chân tới đất nước xinh đẹp Thụy Sĩ, ông Vũ Khoan nhìn nhận về mảnh đất này gói gọn trong 4 từ: Tươi đẹp, sạch sẽ, yên bình và giàu có.
“Tại sao Thụy Sĩ giàu vậy? Họ không có gì cả, trong khi Việt Nam lại có quá nhiều. Điểm đầu tiên mà chúng ta phải học hỏi ở đất nước này đó là: Thụy Sĩ không có gì mà có tất cả, trong khi mình có tất cả nhưng lại không có gì” – ông Vũ Khoan nhấn mạnh.
Năm 2012, GDP của Thụy Sĩ đạt hơn 600 tỉ USD, tương đương với thu nhập bình quân đầu người hàng năm của quốc gia là trên 75 nghìn USD. Trong khi đó, tại Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 50 nghìn USD; tại Pháp và Đức, con số này khoảng 43 nghìn USD, còn tại Anh Quốc là 41 nghìn USD.
Thụy Sĩ cũng có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất thế giới và hệ thống giáo dục cũng thuộc loại tốt nhất thế giới. Điều gì đã làm nên thành quả phi thường này của đất nước Thụy Sĩ vốn nổi tiếng với nguồn tài nguyên ít ỏi (ngoại trừ tài nguyên nước và thắng cảnh tuyệt mỹ phục vụ du lịch)?
Trong ngân hàng , dược phẩm, máy móc, thậm chí dệt may, ở bất cứ lĩnh vực nào công ty Thụy Sĩ cũng xếp hạng cùng với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu lớn nhất và mạnh nhất . Làm thế nào mà họ đạt được thành công đó trong khi Việt Nam lại không làm được?
"Thụy Sĩ không có gì mà có tất cả, trong khi mình có tất cả nhưng lại không có gì” – ông Vũ Khoan nhấn mạnh
Như thường lệ, vẫn luôn thẳng thắn trong những nhận định về hiện trạng đất nước, ông Vũ Khoan lý giải: Thứ nhất, người Thụy Sĩ nhận thức được rằng: “Cái gì họ có thì họ tận dụng còn cái gì không có thì họ cố gắng tạo ra”. Thụy Sĩ được “trời phú” cho nông nghiệp, đồng cỏ và đất đai, cộng thêm tuyết. Họ đã phát triển nông nghiệp tới mức ai cũng biết Nestlé của Thụy Sĩ, ai cũng biết sô-cô-la Thụy Sĩ, đồng hồ Thụy Sĩ, ai cũng biết pho mát Thụy Sĩ. Còn tuyết ở Thụy Sĩ đã làm nên ngành du lịch số 1 thế giới.
Họ đã tận dụng tiềm năng có thực của mình. Trong khi đó, theo ông Vũ Khoan, ở nước ta, có tiềm năng nông nghiệp nhưng chưa có mặt hàng nào của Việt Nam trở thành thương hiệu nổi tiếng như Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có khả năng du lịch nhưng lại chưa biến lợi thế đó thành ngành có giá trị.
“Cái họ không có thì họ tạo nên được, đó là vấn đề đáng học hỏi ở đất nước này. Họ chọn những ngành cần trí tuệ, công nghệ cao và dịch vụ - đó là các ngành nghề phát triển mạnh. Còn Việt Nam chọn lĩnh vực nào – thực sự là chưa rõ. Mặc dù, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều mũi nhọn nhưng tôi nghĩ đó là mũi tù chứ không phải mũi nhọn” – ông Vũ Khoan bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.
Điều thứ 2 mà Việt Nam có thể học hỏi từ bài học thành công của Thụy Sĩ đó là vấn đề con người. Thụy Sĩ không có tài nguyên thiên nhiên nhưng họ có con người, do con người quyết định. Đất nước này đã có các chương trình đào tạo nhân lực tốt tạo ra sức mạnh cho nước được coi là “quốc gia đáng sống nhất thế giới này”. Đặc biệt, họ rất chú ý tới dạy nghề. Dạy nghề của người Thụy Sĩ hiện nằm trong tốp tốt nhất thế giới.
Ngoài ra, họ luôn tạo mọi điều kiện cho người dân có tiếng nói, chính vì vậy, việc trưng cầu dân ý rất phổ biến ở Thụy Sĩ.
“Bài học thứ 3, tôi thấy đáng học đó là bộ máy nhà nước của Thụy Sĩ rất nhỏ nhưng tiết kiệm và hiệu quả. Chính vì vậy, tôi mới nói họ giàu vì họ ít. Cũng giống như Singapore, họ ít nhưng lại rất hiệu quả” – Nguyên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói.
Thụy Sĩ giàu là bởi họ biết tận dụng những gì mà họ có.
“Tôi nhớ mãi cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ, tôi rất ngạc nhiên vì ông ấy tiếp tôi ở một trạm bưu điện, phòng tiếp rất nhỏ. Tôi tìm hiểu mới biết rằng, tất cả các quan chức ở Thụy Sĩ đi công tác tại các địa phương, chỉ được ở nhà bưu điện thôi, chứ không được ở nhà khách sạn. Trong khi, nước mình nghèo nhưng cứ đòi ăn sang” – ông Vũ Khoan nhắn nhủ.
Hai bài học nữa tạo nên một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới - Thụy Sĩ đó là quan hệ hài hòa giữa các dân tộc khác nhau và chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ.
“Thụy Sĩ sống kẹt giữa các nước lớn nhưng họ ứng xử tốt khiến các nước lớn đều tôn trọng. Về đối ngoại, họ theo đuổi chính sách trung lập tích cực, tức là một chính sách trung lập không đứng về bên nào cả nhưng có vai trò tích cực đối với người dân. Họ biến đất nước của họ thành tụ điểm của toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam ta đang có quan hệ rộng rãi với thế giới, vị thế ngày càng nâng cao, điều đó rõ ràng rồi, nhưng tôi nhìn mãi, điểm lại vẫn không thấy có cơ quan quốc tế nào nói về Việt Nam mình. Vì thế, cần biến Việt Nam thành nơi quy tụ trí tuệ của thế giới tại Việt Nam, thay vì bỏ tiền đi nơi khác thì hãy thu tiền của nơi khác vào Việt Nam” – ông Vũ Khoan nêu bật sự khác biệt giữa Việt Nam và đất nước Thụy Sĩ.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét