“Có lần tôi đến thấy 8 mẹ con nấu 1 nồi nước to, bỏ 1 gói mì tôm vào để 8 mẹ con ăn chung, nhìn chảy cả nước mắt. Cả tài sản nhà chị ấy tôi định giá chưa tới 40 nghìn đồng”, ông Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch UBND xã An Trung, nghẹn ngào.
Ấy là tình cảnh của 8 mẹ con chị Đinh Thị Nguyên, hiện trú làng Blô, xã An Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai. Nhà chị Nguyên không có nổi cái giường, 1 manh chiếu để ngủ, không có một mảnh giấy tờ tùy thân, không quần áo… và ngay cả tuổi của mình và các con là bao nhiêu chị cũng đầu hàng.
Chúng tôi tới nhà chị Nguyên vào một buổi trưa của đầu mùa mưa này, nói là nhà cho sang chứ thực chất chỗ tá túc của mẹ con chị chỉ là một túp lều rộng chừng 5m2, phía trên lợp mấy tấm tôn cũ rách, 3 bên hông trống rỗng, còn 1 bên được che bằng tấm bạt cũ. Trong “nhà” chỉ có đứa con út 7 tháng tuổi của chị đang khóc ngằn ngặt dưới nền đất, còn đứa thứ 6 chừng 2 tuổi đang xúc cơm trắng ăn. Chị Nguyên và đứa con gái chừng 4 tuổi đang đi xin lửa ở nhà hàng xóm về nhen bếp.
Do cuộc sống của gia đình chị Nguyên phần lớn là trên rẫy nên vốn tiếng Việt của chị rất hạn hẹp, chúng tôi phải nhờ đến anh Đinh Vin (Công an xã An Trung) phiên dịch.
Chị Nguyên cho biết, chị sinh ra ở xã Yang Trung (huyện Kông Chro) còn chồng chị là anh Đinh Tum sinh ở xã An Trung. Sau khi lấy nhau, 2 vợ chồng chị phần lớn sống trong rừng, trong rẫy nên đến bây giờ họ không có ruộng vườn, nhà cửa, cũng như sổ hộ khẩu…
2-25ca1-b1cae
Con chị Nguyên vừa ở truồng, do không có giường chiếu nên cả ngày các cháu lấm lem bùn đất
 
Cuộc sống gia đình khó khăn, nhiều lúc đói, gia đình chị phải ăn tạm lá cây rừng để sống qua ngày. Được sự động viên của dân làng, cách đây chừng 1 năm, gia đình chị về làng Blô làm tạm túp lều để có chỗ tá túc. Tuy nhiên, do đã quen với cách sống trong rừng, rẫy nên lâu lâu vợ chồng chị mới về làng.
Thấy cảnh 2 vợ chồng trẻ mà có đến 7 đứa con (6 trai, 1 gái, hiện tại lớn nhất là 11 tuổi, nhỏ là 7 tháng) nhưng chẳng cháu nào được đi học, cuộc sống bấp bênh bữa đói, bữa no nên các con chị đều bị suy dinh dưỡng. Chính quyền địa phương và xóm làng tìm mọi cách để kéo gia đình chị về làng Blô để sống an cư, nhưng điều này chưa thực hiện được thì cách đây chừng 3 tháng chồng chị Nguyên đã về với Yàng A tâu (tổ tiên), để lại 8 mẹ con chị sống trong cảnh đói khổ trên cõi đời này.
3-25ca1
Cháu bé 7 tháng tuổi suy dinh dưỡng đói khóc dưới nền đất

Người Bahnar sống rất trọn tình, trọn nghĩa, dù trong nhà không có bất kì hạt gạo nào, nhưng để tổ chức ma chay cho chồng, chị Nguyên đã cố gắng đi vay mượn của một chủ trại bò ít tiền về tổ chức tang lễ cho chồng.
Sau khi chôn cất xong cho chồng, đứa con đầu của chị Nguyên phải thay mẹ trả nợ bằng cách đi chăn bò cho chủ nợ để trừ nợ. “Hàng ngày, sáng nó đi chăn bò cho người ta, chiều tối nó về với mình. 7 đứa con của mình thì có 1 đứa đang đi học lớp 1, 2 đứa học mẫu giáo”, chị Nguyên cho biết.
Không ruộng vườn, một nách chăm 7 đứa con khiến cuộc sống của 8 mẹ con luôn rơi vào bế tắc bữa đói, bữa no. Để có cái ăn sống qua ngày, chị Nguyên phải đi làm thuê, làm mướn mới có tiền mua gạo, mua mì về để ăn. Nhưng do phải chăm con nên công việc của chị không được thường xuyên, vì vậy mẹ con chị luôn rơi vào cảnh thiếu đói: “Có hôm cả 8 mẹ con phải nhịn ăn cả ngày, có hôm mình đi mượn được gạo thì có cái ăn. Còn thịt, cá thì không biết lúc nào mới có để ăn, lâu lắm”, chị Nguyên bộc bạch.
4-25ca1
Đứa lớn nhất đi làm thuê gạt nợ, 3 đứa kế đi tắm, còn 4 mẹ con chị Nguyên ở nhà
Không chỉ thiếu ăn, mà 7 đứa con của chị cũng thiếu mặc, hầu hết các cháu phải ở truồng vì chị không có tiền mua quần áo cho con. Xót xa hơn khi nhìn khắp căn lều, chúng tôi chẳng thấy gì ngoài 1 đống củi nhỏ, 2 cái nồi và cái mền mỏng cũ rách, ngay đến cả manh chiếu cũng không có. Vì vậy, hàng ngày mẹ con chị đều phải ngủ dưới đất, rét thì đốt củi để sưởi, trời mưa to, gió lớn mẹ con chị phải đi xin ngủ nhờ ở hàng xóm.
Anh Vin tâm sự: “Trước đây, có hôm tôi lên rẫy thấy gia đình chị ấy đói quá không có gì ăn phải vặt lá cây ở ven suối cho vào mồm ăn”.
.Đứa lớn nhất đi làm thuê gạt nợ, 3 đứa kế đi tắm, còn 4 mẹ con chị Nguyên ở nhà
Ước mơ lớn nhất của những mảnh đời bất hạnh này là có căn nhà kiên cố, 1 mảnh đất làm rẫy để có cơm ăn hàng ngày
“Cách đây 1 tuần, có một nhóm thiện nguyện trên Gia Lai xuống, thấy cảnh gia đình chị ấy tội quá nên đã cho mấy đứa trẻ ít quần áo cũ, 3 bao gạo và mắm muối. Do lúc nào cả gia đình cũng ở rẫy, lúc ở xã An Trung, lúc ở xã Yang Trung nên họ chưa có sổ hộ khẩu, chưa có chế độ gì. Bây giờ chúng tôi động viên mẹ con chị ấy ở đây để làm sổ hộ khẩu cho 8 mẹ con…”, anh Vin cho biết thêm.
“Tôi định giá toàn bộ tài sản của nhà chị ấy có giá trị chưa đến… 40 nghìn đồng. Do xã có nhiều hộ nghèo nên sự giúp đỡ của chúng tôi có hạn. Trước cảnh gia đình chị ấy, tôi đang vận động để ủng hộ gia đình chị ấy để có nhà ở, hiện tại tôi đã vận động ủng hộ được 1,5 triệu đồng, mà để xây một ngôi nhà cũng phải mất mấy chục triệu”, ông Ký xót xa.
Khi chúng tôi hỏi mong ước của mình, thì chị Nguyên trả lời: “Mình chỉ mong có 1 cái nhà để ở, có ít tiền mua miếng rẫy để sau này con mình lớn nó làm để có cái ăn”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1.Mã số 997: Chị Đinh Thị Nguyênở thôn Blô, xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học & Dân trí – Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email:quynhanai@dantri.com.vn

Theo Dân TRí