Trước đây, cứ mỗi lần giá dầu sụt giảm quá mạnh, thế giới lại lâm vào bất ổn với các cuộc chiến tranh và các quốc gia sụp đổ. Liệu lần này có là ngoại lệ?
Có thể bạn quan tâm
Một sự kiện đáng chú ý diễn ra trong tuần này là việc giá dầu tiếp tục có xu hướng sụt giảm mạnh hơn bao giờ hết. Những ngày cuối cùng của năm 2015 đang chứng kiến giá dầu tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua kể từ năm 2004, khi trong phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần này, giá dầu Brent tại London giảm xuống chỉ còn 36 USD/thùng.
Hầu hết các chuyên gia dù là người lạc quan nhất cũng đều cho rằng giá dầu trong năm 2016 sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trước sự cứng đầu của tất cả các cường quốc xuất khẩu dầu lửa trên thế giới hiện nay. Giá dầu tụt xuống một mức quá thấp đến mức buộc người ta phải đặt ra câu hỏi về những tác động của nó với tình hình thế giới, ngoài yếu tố tài chính. Trước đây, cứ mỗi lần giá dầu sụt giảm quá mạnh, thế giới lại lâm vào bất ổn với các cuộc chiến tranh và các quốc gia sụp đổ. Liệu lần này có là ngoại lệ?
Có một luật bất thành văn mà các chuyên gia kinh tế - chính trị lão luyện trên thế giới đồng ý ngầm với nhau trong hàng chục năm qua, đó là: có một ranh giới nhất định cho sự sụt giảm giá dầu. Nếu giá dầu giảm dưới ranh giới ấy, mọi chuyện sẽ không còn đơn thuần là vấn đề tài chính giá cả nữa, mà sẽ là những bất ổn chính trị đáng sợ. Hầu hết các cuộc xung đột và bất ổn chính trị lớn nhất trong nửa sau thế kỷ 20 đều bắt nguồn, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ việc giá dầu sụt giảm.
Chẳng hạn như, việc giá dầu sụt giảm mạnh trong những năm 1980 đã dẫn đến việc Iraq của Saddam Hussein xâm lược Kuwait và khiến chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ. Khi đó, Iraq vốn chịu nhiều tổn thất từ cuộc chiến dai dẳng với Iran với một thiệt hại lên tới gần 37 tỷ USD, đã gần như không chịu đựng nổi trước một sự sụt giảm giá dầu nghiêm trọng do Kuwait gia tăng nguồn cung ứng dầu lửa từ nước này ra thị trường thế giới. Nó dẫn đến việc Saddam Hussein quyết định xâm lược Kuwait sau khi triệu tập đại sứ Mỹ ở Iraq đến để phàn nàn về việc Kuwait tăng sản lượng xuất khẩu đang khiến giá dầu sụt giảm mạnh, đẩy Iraq rơi vào đường cùng.
Với Saddam Hussein khi ấy, xâm lược Kuwait là một giải pháp một tên trúng liền vài đích. Nắm được Kuwait và các mỏ dầu dồi dào của nước này, Iraq sẽ trở thành một Ả Rập Xê Út thứ hai, ngoài việc nắm trong tay một lượng dầu dự trữ dồi dào thì Iraq còn có thể can thiệp vào giá dầu thế giới theo ý muốn để đem về nhiều lợi nhuận nhất. Và Iraq đã xâm lược Kuwait, buộc Mỹ phải tham chiến và cuộc chiến vùng Vịnh bùng nổ.
Việc giá dầu sụt giảm hay tăng quá mạnh cũng tác động lớn tới tình hình chính trị thế giới. Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 một phần là đến từ việc giá dầu sụt giảm từ cuối thập kỷ 80. Nhưng khi giá dầu tăng vọt vào đầu những năm 2000, thì nước Nga của tổng thống Vladimir Putin lại là một trong những nước hưởng thụ lợi ích lớn nhất từ sự kiện này. Nguồn thu khổng lồ đến từ việc giá dầu tăng vọt đã mang lại cho ông Putin một uy tín tuyệt vời, thông qua sự cải thiện tình hình kinh tế xã hội của nước Nga từ khoản ngân sách thu được từ giá dầu cao ngất ngưởng.
Cũng tương tự như vậy là tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Thế giới nói nhiều đến các biện pháp kinh tế cánh tả của ông Chavez mà quên mất rằng thời điểm ông lên nắm quyền cũng là lúc giá dầu tăng vọt, tạo nguồn thu cho các chính sách an sinh xã hội kiểu dân túy của vị cựu tổng thống này.
Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ giá dầu vượt ra khỏi ranh giới an toàn một lần nữa có nguy cơ tái hiện. Rất ít người tin rằng giá dầu trong năm 2016 có thể trụ được ở mức 25 USD/thùng, một mức thấp kỷ lục. Thậm chí rất nhiều chuyên gia dự đoán nó sẽ giảm xuống dưới 20 USD/thùng. Một trong những món hời mà giới đầu cơ thế giới đang tranh nhau là mua các hợp đồng quyền chọn đặt cược giá dầu sẽ giảm xuống tới mức nào trong năm 2016.
Và đa phần chọn mức giá 15 USD/thùng, một mức giá được đánh giá là thảm họa với rất nhiều quốc gia xuất khẩu dầu. Nếu điều này diễn ra, nó sẽ kích hoạt một loạt các bất ổn và biến động chính trị lớn trên toàn cầu, mà trước hết là ở các quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất.
Quốc gia đầu tiên có nguy cơ rơi vào khủng hoảng khi kịch bản giá dầu còn 15 USD/thùng diễn ra, là Venezuela. Quốc gia Nam Mỹ này đang ở rất gần nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng. Đã từ lâu chính phủ Venezuela phải chạy ngược chạy xuôi vay tiền hết nước này đến nước khác để trì hoãn nguy cơ khủng hoảng nổ ra, đang biến nước này trở thành con nợ hàng đầu của Trung Quốc.
Thậm chí Venezuela còn không thể cầm cự được đến khi giá dầu sụt còn 15 USD/thùng nữa, mà có khi giá dầu chỉ còn 25 USD/thùng là quốc gia này đã sụp đổ cả về kinh tế lẫn chính trị. Một sự sụp đổ của Venezuela có thể đẩy cả khu vực Trung Mỹ lẫn một phần Nam Mỹ vào một cơn suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Nga cũng là quốc gia đang tiềm tàng những bất ổn do tác động từ giá dầu. Cho đến thời điểm hiện tại, Vladimir Putin và các cộng sự đã làm rất tốt để tạo được sự ổn định của nền kinh tế Nga bất chấp giá dầu sụt giảm đã hơn một năm nay. Ở thời điểm hiện tại, thu ngân sách của Nga từ xuất khẩu dầu tuy chỉ chiếm gần 10% GDP, nhưng việc bộ năng lượng Nga đưa ra giá trần là 40 USD/thùng như một giới hạn cuối cùng cho sự ổn định tăng trưởng kinh tế cho thấy giá dầu vẫn có tác động lớn với kinh tế xã hội nước này.
Trong bối cảnh Nga đang trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, và EU thì lại vừa mới gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng hồi đầu tuần này, thì rất ít người có thể dám chắc Nga không làm gì khi giá dầu còn 15 – 20 USD/thùng. Một nước Nga hùng mạnh của Putin kiệt quệ vì giá dầu sẽ khác rất xa với một Iraq của Saddam Hussein kiệt quệ vì giá dầu hồi những năm 1980.
Và ngay ở thời điểm hiện tại, việc giá dầu giảm cũng đã tác động trực tiếp đến tình hình bất ổn ở một số khu vực. Mà Trung Đông là điển hình. Khi giá dầu sụt giảm quá mạnh khiến cho các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông đang khốn đốn vì ngân sách cạn kiệt, thì tất yếu sẽ dẫn đến việc sự chú tâm và tiềm lực để chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS sẽ giảm đi trông thấy. Mỹ và phương Tây thì không ít lần buộc tội Ả Rập Xê Út vì muốn tranh giành thị phần trên thị trường dầu mà cương quyết không cho các nước OPEC giảm sản lượng để nâng giá dầu trở lại, khiến cho các nước Trung Đông như Iraq kiệt quệ về tài chính và bị quân IS lấn lướt.
Nếu phạm vi kiểm soát của IS mở rộng, tiềm lực quân sự tăng lên nhanh chóng, thì IS có thể kéo cả Trung Đông vào một cuộc đại chiến có quy mô lớn. Và khi đó thì cái giá phải trả sẽ không thể đong đếm được, và thậm chí có thể lôi kéo cả những ông lớn cũng đang kiệt quệ vì giá dầu như Nga hay Mỹ nhảy vào cuộc. Và khi đó thì có trời mới biết được điều gì sẽ xảy ra. Tất cả cũng chỉ vì giá dầu.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét