Không sợ Bộ trưởng, sợ nhất cán bộ thu thuế
Tại hội thảo Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015, ông Nguyễn Đình Cung cho hay, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, chỉ số cải cách trong lĩnh vực Thuế và Hải quan tác động tới hơn 333 tỷ USD.
Ông Cung nói thêm, chúng ta mới chỉ bàn tới lĩnh vực thông quan trong vấn đề cải cách Hải quan mà trong thủ tục Hải quan chỉ chiếm 1/4 của thông quan, còn 3/4 thì thuộc chuyên ngành do các cơ quan khác thực hiện. Thuế có cải thiện về thứ bậc còn Hải quan lại tụt mỗi năm một bậc, vì sao?
Bên cạnh đó, ông Cung cũng đặt ra vấn đề kiểm tra chuyên ngành tại hội nghị. Theo ông Cung hiện nay có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam.
“Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực. Chính việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành làm giảm tốc độ, gây khó khăn cho việc thông quan”– ông Cung nhấn mạnh.
Ông Cung nêu cụ thể, các cơ quan Hải quan vẫn kiểm tra khoảng 35% số lô hàng xuất khẩu trong khi các nước khác chỉ kiểm tra 5,6% tổng lô hàng xuất nhập khẩu. Ngoài ra, việc kiểm tra này cũng liên quan tới hơn 10 Bộ. Dưới mỗi Bộ lại có hàng trăm đơn vị liên quan, dẫn tới quá trình mất thời gian, phiền hà tốn kém cho doanh nghiệp.
Đồng thời, khi nói về thái độ làm việc của cán bộ Thuế, ông Cung chia sẻ: “Qua thực tế khảo sát nhiều doanh nghiệp, người ta nói: “Không sợ Bộ trưởng mà sợ cán bộ trực tiếp thu thuế. Cán bộ nói doanh nghiệp sai là sai, nói doanh nghiệp đúng là đúng. Chính vì vậy, chúng ta cần trực tiếp làm rõ những vấn đề này”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hải Giang – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng nhận định rằng, sự quyết liệt và quyết tâm từ Trung ương là rất cao nhưng dường như càng đi xuống địa phương thì lại càng giảm.
Theo ông Giang, trong thời gian tới cần phải làm quyết liệt hơn tới từng cán bộ trực tiếp làm việc, cần có cơ chế để giám sát và phản biện tốt hơn giữa các đơn vị phối hợp.
Cũng góp ý về môt số hạn chế của việc cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Phương Bắc – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho rằng, ngành Hải quan cần cải cách nhiều hơn, tăng tính đối thoại hơn nữa. Bộ Tài chính cần nâng cao sự phối hợp thông tin của 2 ngành. 
“Ví dụ như trong nhiều trường hợp Cục thuế có đầy đủ thông tin của doanh nghiệp rồi thì phía Hải quan vẫn loay hoay đi kiểm tra lại liệu đúng hay không” – ông Bắc cho hay.
Cải cách hành chính có tiến bộ
Bên cạnh những điểm hạn chế thì công tác cải cách hành chính trong thời gian qua cũng ghi nhận nhiều tiến bộ. Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, 75-80% các doanh nghiệp khi khảo sát đều cho rằng những cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan đã có những tiến bộ nhất định trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề xuất 2 hướng nhằm tiếp tục phát huy việc cải cách thủ tục hành chính. Thứ nhất, trong năm 2016, tiếp tục kiểm tra ở 6 tỉnh thuộc 3 vùng miền. Thứ hai, triển khai thí điểm, đánh giá tại từng tỉnh và nên chọn những tỉnh, thành phố có lượng hàng hóa lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng lớn liên quan tới xuất nhập khẩu (dự kiến khoảng 10-15 tỉnh, thành) để giám sát được tốt hơn.
Bên cạnh đó, ông Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhận định rằng, trong lĩnh vực thuế, Bộ đã thực hiện cắt giảm được khoảng 420 giờ. Số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai mạnh các dự án hiện đại hóa công tác thu nộp thuế. Đến nay có trên 98,95% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử, có 90,81% doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế và Hải quan trong thời gian qua đã mang tới những luồng gió mới. Những luồng gió này đã làm cho doanh nghiệp tin tưởng hơn vào đường lối chính sách của Đảng.
Song song với đó, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, báo cáo này đã đưa ra nhiều kết quả khả quan.
“Nếu nhìn lại vài năm trước đây, ngành tài chính của chúng ta đặc biệt là thuế và hải quan đội sổ so với khu vực ASEAN, là 2 điểm nóng nhất của môi trường kinh doanh.  Tuy nhiên hiện tại 2 ngành này đã trở thành hai ngành tiên phong trong cải cách hành chính” – ông Lộc nhấn mạnh.
Hoàng Long