Trang

11 tháng 3, 2015

Những sự thật khác như Dung Quất: Mắc bẫy?

(Doanh nghiệp) - Phải thay đổi luật về khu kinh tế, nơi nào đã thất bại thì phải sửa. Nếu không làm được thì buộc phải thu hồi, đấu thầu bán cho tư nhân...

ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề "hội chứng khu kinh tế".
Sa bẫy?
Lý giải cho "hội chứng khu kinh tế" ở Việt Nam, Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng sức hấp dẫn của nó xuất phát từ việc các khu kinh tế được lấy nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thành lập.
"Khi lập ra các khu kinh tế, ai quản lý được vấn đề xây dựng và chi tiêu trong đó? Các động cơ để xây dựng khu kinh tế thì chẳng cần phải chứng minh kỹ thuật gì, không có một quy trình nào để nói rằng lập ra khu kinh tế này thì hiệu quả mà là do các tỉnh. Các tỉnh vì muốn có thành tích hay có tiền để chi tiêu thì phải lập ra thứ nọ thứ kia để xin, còn thành công hay không thì mặc kệ".
Bởi thế cho nên không chỉ khu kinh tế, rất nhiều thứ ở Việt Nam chạy theo phong trào, từ sân bay đến cảng biển... 
Về mặt nguyên tắc, theo ông Sơn, tất cả những hoạt động trên thuộc về vấn đề của thị trường, Nhà nước chỉ cấp phép mà thôi.
"Nếu thích thì các công ty tự lập ra một công ty đủ lớn hoặc nhập lại với nhau để thành lập ra một khu như thế, sau đó đệ trình lên chính quyền phê duyệt, cấp phép hoạt động theo luật quốc gia. Kinh doanh được hay không, lỗ lãi thế nào là việc của họ", ông Sơn đề xuất.
Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất có quy mô đầu tư hơn 3 tỷ USD đến nay vẫn chưa được triển khai
Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất có quy mô đầu tư hơn 3 tỷ USD đến nay vẫn chưa được triển khai
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, "hội chứng khu kinh tế" xảy ra ở Việt Nam chính là hiện tượng bong bóng.
"Có một dạng bong bóng là do thị trường. Sự thất bại của thị trường không điều tiết hết cầu, đầu cơ quá cao. Một dạng khác nữa là do lỗ hổng về chính sách, người ta lợi dụng lỗ hổng ấy và trục lợi khiến bong bóng bùng phát. Những thứ đó sẽ tạo ra các công trình thừa, vứt đi sau đó nợ xấu sẽ chất đống, nằm trong nợ của Chính phủ, nợ công. Khi ấy tài sản không bán được, nợ công thì quá lớn không thể giải quyết được, lấy tiền đâu để phát triển kinh tế nữa? Thế kẹt ấy chính là cái bẫy".
Dẫn câu chuyện về bong bong bất động sản xảy ra ở Mỹ vào năm 2008, ông Sơn cảnh báo Việt Nam phải thận trọng bởi ngay một nền kinh tế phát triển như Mỹ cũng có thể mắc bẫy vì một lỗ hổng. 
Vào thời điểm đó, cho vay dưới chuẩn tăng mạnh là khởi điểm cho quả bong bóng tại thị trường nhà đất tại Mỹ. Các ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản mà không quan tâm tới khả năng chi trả của khách. Theo thông tin trên báo chí, dư nợ trong mảng này nhảy từ 160 tỷ USD của năm 2001 lên 540 tỷ vào năm 2004 và bùng nổ thành 1.300 tỷ vào năm 2007.
Ước tính vào cuối quý III năm 2008, hơn một nửa giá trị thị trường nhà đất Mỹ là tiền đi vay với một phần ba các khoản này là nợ khó đòi. Trước đó, để đối phó với lạm phát, Cục Dự trữ liên bang (FED) đã liên tiếp tăng lãi suất từ 1% vào giữa năm 2004 lên 5,25% vào giữa năm 2006 khiến lãi vay phải trả trở thành áp lực quá lớn với người mua nhà. Thị trường bất động sản thời điểm này bắt đầu có dấu hiệu đóng băng và sụt giảm.
Trước tình hình trên, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính... đã mua lại các hợp đồng thế chấp và biến chúng thành tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu ra thị trường. Loại sản phẩm phái sinh này được đánh giá cao bởi các tổ chức định giá tín dụng, nên thanh khoản tốt. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều công ty bảo hiểm còn sẵn sàng bảo lãnh cho những hợp đồng hoán đổi này.
Chiến lược trên được đưa ra với mục đích giảm rủi ro cho những khoản vay bất động sản. Tuy nhiên, trái lại nó tạo ra hiệu ứng đổ dây chuyền và khiến rủi ro bị đẩy lên cao hơn. Những bất ổn từ hoạt động cho vay dưới chuẩn khiến giá nhà sụt giảm mạnh, thị trường nhà đất đóng băng. Cuộc khủng hoảng từ đó lan từ thị trường bất động sản sang thị trường tín dụng và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Mỹ và tràn sang nhiều nước châu Âu, khiến nhiều công ty lớn phá sản.
"Như vậy, lỗ hổng ở Mỹ là do chưa kiểm soát được việc chứng khoán hoá tài sản cầm cố (chứng khoán cầm cố -PV) và giới đầu cơ lập tức nhảy vào phát triển nó, buộc Mỹ phải sửa luật", ông Sơn nói. 
Ông cho rằng, đối với các nước chậm phát triển, nguy cơ mắc bẫy càng trở nên dễ dàng bởi tốc độ phát triển mạnh theo chiều rộng, bộ máy quản lý dễ tham nhũng và trình độ quản lý kinh tế yếu kém.
"Thất bại của thị trường và thất bại về mặt quản trị nhà nước, hai thứ ấy song hành với nhau rất dễ gây nên hiện tượng thao túng và làm cho thị trường méo mó, phát triển lệch lạc. Khi hiện tượng này mạnh lên thì nó trở thành cái bẫy, đã sa vào đấy thì khó có thể đi tiếp được".
Cần sửa luật
Nhấn mạnh lẽ ra phải tính toán những thiệt hại do "hội chứng khu kinh tế" gây ra từ lâu nhưng ông Sơn cho rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội để chỉnh sửa.
"Muốn sửa phải đổi thay đổi toàn bộ hệ thống luật về vấn đề khu kinh tế. Ngân sách nhà nước hãy chỉ chi cho quốc phòng, an ninh, xã hội, các cơ sở hạ tầng thực sự cần thiết, những thứ còn lại hãy để tư nhân làm nốt, kể cả đường sá, sân bay, đường sắt. Nhà nước chỉ cấp phép và yêu cầu họ tuân thủ luật pháp, còn lỗ lãi, sống chết là việc của họ".
Với những thứ đã làm, đã thất bại, theo ông Sơn, nên ngừng lại và buộc phải thu hồi, đấu thấu bán cho tư nhân, cho phép chuyển quyền sử dụng hoặc mục đích sử dụng các khu vực đó. 
"Không phải như bây giờ, xây mà không cần biết làm ăn có được không, chỉ cần có thành tích và có tiền, thua lỗ thì vứt đấy, muốn thay đổi lại không có luật. Cứ xây sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế quá dễ dàng bảo sao thất thoát, tham nhũng nhiều.
Nếu Nhà nước quyết hết sẽ lại có hiện tượng nhảy vào xin xin xỏ xỏ hay có thể lại xảy ra câu chuyện ụ nổi những năm trước, nước ngoài vứt đi Việt Nam lại mua về với giá cao", chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cảnh báo.
  • Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét