Nhà báo Nguyễn Công Khế trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam
Vai trò của báo chí trong kỷ nguyên truyền thông số bị thách thức giữa việc nói lên sự thật, truyền tải những thông tin có ích cho xã hội và áp lực câu view hàng ngày. Một Thế Giới xin giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Công Khế về vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên truyền thông số với các phương tiện kỹ thuật thông tin hiện đại. Cách đây hơn hai mươi năm, khi báo Thanh Niên mới ra đời, một người bạn Việt kiều ở Đức nói chuyện với tôi về việc biên tập trên máy vi tính và hoàn chỉnh maquette trên máy toàn bộ một tờ báo để đưa ra nhà in luôn. Thật lúc đó chúng tôi không hình dung nổi tương lai của nghề báo, bởi vì các tờ báo ở trong nước lúc đó, có tờ còn typo tờ rơi.
Ngày nay, mở mạng internet ra, mỗi phút mỗi giây chúng ta biết tin tức xảy ra ở tận một nơi hẻo lánh nhất của thế giới chỉ bằng ipad hay điện thoại di động. Hàng triệu blog mọc lên với chỉ một người làm chủ một tờ báo. Hàng triệu facebook được lập ra không chỉ nói lên những tâm trạng, tâm sự của chủ facebook đó mà còn bàn tất cả chuyện bàn dân thiên hạ, từ chuyện của Tổng thống Nga Putin có bao nhiêu tiền đến chuyện cô người mẫu Ngọc Trinh ở Việt Nam tặng cho ai đó một đôi kính mắt đắt tiền.
Thế giới mạng đa dạng và phong phú đến chừng nào. Chúng ta tận dụng nó để hiểu về việc giữ gìn sức khỏe cho từng người, đến việc tra cứu bất kỳ tư liệu lịch sử nào mà không cần phải đến thư viện quốc gia ngồi lục lọi như trước đây.
Việc ai muốn kiểm soát những nguồn thông tin như vậy là vô cùng khó khăn và phức tạp. Có những nước phải lập tường lửa để ngăn một số nguồn tin mà nước đó cho là có hại cho quốc gia họ. Mỹ và Trung Quốc đều quan tâm đến lĩnh vực này về cả phương diện công nghệ lẫn phổ cập thông tin.
Có điều tôi muốn nói ở bài viết này là, tình hình báo chí ở Việt Nam ta, báo giấy đang ở tình trạng đi xuống, thì báo điện tử đang dần chiếm ưu thế gần như tuyệt đối về việc đưa thông tin sớm mà tôi từng nói là đã trở thành báo phút hoặc báo giây chứ không còn là báo ngày nữa.
Thực tình mà nói, trên mặt báo điện tử ở Việt Nam hiện nay chúng ta đã quá sa đà vào khuynh hướng mà thế giới gọi là báo Lá cải. Tôi chưa bao giờ phủ nhận những khuynh hướng và chức năng giải trí của báo chí. Tuy nhiên, thế giới hàng ngày hàng giờ vẫn xảy ra không biết bao nhiêu sự kiện liên quan mật thiết đến vận mệnh của các quốc gia, số phận của từng con người, chiến tranh, hòa bình. Các cuộc tranh chấp biên giới trên đất liền và trên biển khốc liệt của những thế lực ỷ vào sức mạnh vật chất. Sự tàn phá môi trường sống diễn ra khắp nơi trên trái đất. Chính con người đã nhẫn tâm sản xuất ra bao nhiêu thứ hoa quả, thực phẩm độc để giết chết bao nhiêu sinh mạng lại không được các báo mạng của chúng ta ưu tiên cảnh báo hơn là việc đưa tin 1 cô người mẫu hạng hai, hạng ba nào đó có thân hình sexy kéo lên hay tụt xuống trên hay dưới rốn bộ nội y của mình.
Gần đây, báo cáo của Hội đồng Doanh Nghiệp Trung Quốc Asean cho biết việc nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc năm qua không dưới 44 tỷ USD của năm 2014 chứ không phải như con số gần 29 tỷ USD như chúng ta từng được thông tin. Sốt ruột và lo lắng lắm nhưng vai trò của báo chí chúng ta thì thế nào?
Nguyễn Công Khế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét