- BTTD chỉ tin khi lời nói đi đôi với việc làm. Xử là cần thiết, nhưng quan trọng là kết quả xử thế nào ?
Tổng bí thư cho hay sẽ xem xét đưa thêm một số vụ án, vụ việc vào diện Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2014.
Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, TTXVN ngày 12/1 đăng tải phỏng vấn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trả lời câu hỏi "Gần đây, nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, đã bị xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Phải chăng đây là bước quyết liệt hơn trong việc thực hiện nghị quyết TƯ 4 khóa XI về xây dựng Đảng?", Tổng bí thư nhấn mạnh: Sau gần một năm được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị và đi vào hoạt động, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng bước đầu đã làm được một số việc.
Bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng được kiện toàn với việc tái lập Ban Nội chính từ TƯ tới địa phương. Bảy đoàn công tác đã được cử tới các bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả các cơ quan tư pháp TƯ để kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội ngày 28/9/2013. Ảnh: Minh Thăng |
"Ban chỉ đạo đã thúc đẩy việc xử lý, giải quyết một số vụ tham nhũng tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ban đã quyết định đưa 8 vụ án, 2 vụ việc vào diện Ban theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2013 và sẽ xem xét đưa thêm một số vụ án, vụ việc khác vào diện Ban theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2014", Tổng bí thư cho biết.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài; rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt.
"Tốt nhất là đừng để nó xảy ra; phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng... Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tích cực", ông Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng bí thư cũng nhận định: Tham nhũng như ung nhọt nhức nhối, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm; lãng phí về của cải, tiền bạc, tài nguyên, thời gian, công sức... Nghị quyết TƯ 4 khóa XI về xây dựng Đảng ra đời chính là nhằm phòng, chống cho được tham nhũng, lãng phí, những hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm, hư hỏng, suy thoái biến chất trong cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý...
Theo ông, việc thực hiện nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng đã giúp mỗi tổ chức và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn những tiêu cực, sai phạm. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên đã có nhiều việc làm thiết thực để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.
Ở TƯ, đó là việc xây dựng một loạt cơ chế, chính sách, quy chế, quy định nhằm phát huy mặt tích cực, xây dựng mặt tốt và ngăn ngừa, hạn chế những mặt xấu, tiêu cực. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; mở lớp bồi dưỡng cho các ủy viên TƯ khóa XI, mở lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn; ban hành Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định những điều đảng viên không được làm; quy định việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên...
Nhiều địa phương đã rà soát, điều chỉnh, thu hồi các dự án được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và bố trí lại một số cán bộ; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ việc phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm... Nhiều cơ quan, đơn vị đã có sự đổi mới, cải tiến về việc sử dụng xe công, tổ chức hội nghị, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc... Hay như đi công tác địa phương, đã cắt giảm lễ nghi, hình thức, tập trung vào làm việc thực chất hơn...
Tổng bí thư nói: Những việc làm đó dù nhỏ nhưng rất có ý nghĩa, rất cần thiết, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình. Nhân dân mong muốn: Đã là cán bộ, đảng viên thì phải luôn gương mẫu, tự rèn giũa mình, gần gũi gắn bó với dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, lắng nghe, học hỏi nhân dân, từ những việc cụ thể, nhỏ nhất.
Trong khi mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân; những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đang làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, thì việc tiếp tục thực hiện thật tốt ba vấn đề cấp bách và bốn nhóm giải pháp nêu trong nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa sống còn, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng tầm lãnh đạo đất nước - ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Theo TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét