Trang

13 tháng 1, 2014

Ai cũng đi làm trễ 1, 2 phút thì đất nước mãi nghèo


Nếu cứ giữ tư tưởng, lề thói tiểu nông khi làm việc cho một công ty nước ngoài thì đến bao giờ đất nước Việt Nam mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu?

Những gì đã xảy ra trong vụ hỗn loạn tại nhà máy Samsung, Thái Nguyên, ắt hẳn đã để lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ. Tại sao tại một nhà máy được xem là đi đầu trong lĩnh vực công nghệ lại có thể xảy ra tình trạng trên? Do sự thiếu kinh nghiệm, lỏng lẻo trong việc quản lý của các cấp lãnh đạo hay sự nông nổi của công nhân viên nơi đây?
Trong bài viết này tôi sẽ không bàn đến vấn đề ai đúng, ai sai và quy kết trách nhiệm cho bất kì một bên nào mà điều quan trọng là những bài học rút ra sau vụ việc thương tâm trên.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ẩu đả xảy ra ở nhà máy Samsung vào sáng 9/1 là do công nhân đi làm muộn nhưng vẫn cố chen vào dẫn đến xô xát với bảo vệ.
Kết quả có đến 11 bảo vệ và 2 công an bị thương, 22 xe máy và 3 container bị đốt cháy.Ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng, đó là chỉ riêng số xe máy, chưa kể những tổn thương về người và 3 container kia.
Thiết nghĩ, một việc “bé” không đáng “xé ra to” như vậy nhưng người ta lại khiến nó trở thành một cuộc hỗn chiến, gây sát thương cho nhiều người. Chắc chắn, vụ việc này sẽ còn được nhắc đến và trở thành vấn đề bất cập trong cung cách ứng xử giữa con người với nhau.
Sau khi nguyên do ẩu đả được đưa ra, hầu hết mọi người đều nói rằng chuyện đi trễ là điều hết sức bình thường của người Việt trong cuộc sống hiện nay. Người ta còn bao biện cho cuộc loạn đả ấy rằng sinh viên đi trễ, công nhân, viên chức đi muộn là “chuyện thường ngày ở huyện”, hà cớ gì bảo vệ phải gay gắt như vậy?
Hàng loạt những phân tích, trách móc... được đưa ra  nhằm đổ hết lên đầu những nhân viên bảo vệ. Tôi không bênh vực cho họ, tuy nhiên nếu ai cũng giữ trong đầu thứ tư tưởng “đi trễ một chút cũng chẳng sao” thì thử hỏi đến tận bao giờ đất nước Việt Nam mới khá lên được?
Nếu vẫn giữ lề thói tiểu nông trong khi đang làm việc tại một công ty nước ngoài thì các bạn đừng trách vì sao Việt Nam ta mãi nghèo, cuộc sống còn khó khăn và mãi than vãn vì sao tôi làm việc quanh năm suốt tháng nhưng vẫn chưa dư dả tiền bạc.
Có rất nhiều công ty, nhà lãnh đạo kêu trời, phàn nàn về việc công, nhân viên đi làm trễ, kể cả viên chức nhà nước cũng vậy. Ai cũng cho rằng đến sớm cũng chẳng để làm gì, chậm một, hai phút có chết ai đâu và đương nhiên điệp khúc đi muộn ấy diễn ra hết ngày này qua tháng khác.
Nếu một, hai người đi trễ thì lực lượng bảo vệ có thể châm chước cho qua nhưng hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đi trễ thì thử hỏi nơi đó có còn là một công ty nữa hay không? Xin thưa, nếu vẫn giữ lề thói ấy thì không khác gì bạn đang ra vào một cái chợ.
Đúng vậy, nếu đã đi chợ thì bạn không cần phải coi trọng giờ giấc mà thích đi lúc nào cũng được, chẳng ai cấm cản và cũng chẳng một cá nhân nào có quyền lên tiếng. Nhưng ở đây, người ta đang làm việc cho một công ty nước ngoài, mà ai cũng biết các công ty nước ngoài bao giờ cũng coi trọng quy định về giờ giấc.
Đã là quy định thì nhân viên nên tuân theo, công nhân cũng vậy mà bảo vệ cũng vậy. Công nhân là người làm công ăn lương thông qua sản phẩm mà họ tạo ra và bảo vệ cũng nhận lương thông qua việc hướng cho công nhân thực thi những nguyên tắc, quy định mà công ty đã đề ra.
Ai có công việc của người nấy, nếu bảo vệ làm không tốt thì nhà quản lý có quyền khiển trách, thậm chí sa thải họ. Dù rằng có những nguyên nhân bất khả kháng khiến cho nhân viên đi làm trễ, nhưng nếu ngày nào cũng vậy, người nào cũng thế thì bảo vệ có quyền không cho vào. Tuy nhiên, bảo vệ nơi đây cũng chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống mới xảy ra tình trạng trên.
Tôi thấy xót xa khi có nhiều người bị thương trong vụ ẩu đả trên, biết bao nhiêu con người đang sống dựa vào họ, vợ con của những nhân viên bị thương ấy sẽ sống ra sao trong khi tết đang cận kề? Vì sao họ có thể coi rẻ mạng sống con người đến vậy?
Nếu không may một trong những người bị thương có mệnh hệ gì liệu những người công nhân trên có thanh thản để sống tiếp phần đời còn lại mà không một lần cảm thấy cắn rứt lương tâm hay không?
Sau vụ việc này, tôi mong sẽ không bao giờ có tình trạng như vụ nhà máy Samsung, Thái Nguyên xảy ra, trên hết là bản thân mỗi người nên tự ý thức được hành động của mình. Nếu cố gắng đi làm đúng giờ chẳng ai có quyền nói gì các bạn hết. Bởi vậy, hãy chấp hành quy định khi là nhân viên tại một cơ quan nào đó.
Tống Thu Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét