(Quan hệ quốc tế) - Nhiều tướng lĩnh Trung Quốc tuyên bố hùng hồn bộc lộ tham vọng không dừng lại của nước này, dự báo làm nóng tình hình Biển Đông 2015.
Tướng lĩnh Trung Quốc tuyên bố gì?
Hàng loạt tướng lĩnh quân đội Trung Quốc vừa được bổ nhiệm chức vụ mới. Theo các trang mạng Trung Quốc ngày 26/12, kế tiếp Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc, Viện khoa học quân sự thay "2 quan chính" (tư lệnh, chính ủy), Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc cũng vậy.
Ngày 25/12, trong hoạt động thăm hỏi tại hải quân dịp tròn 6 năm hộ tống vịnh Aden, nguyên Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Tưởng Vĩ Liệt, nguyên Chính ủy Vương Đăng Bình lần lượt xuất hiện với tư cách là Phó tư lệnh và Phó chính ủy Hải quân.
Theo đó, khi Tưởng Vĩ Liệt làm chỉ huy biên đội đã phát biểu, cho rằng hạm đội là một lực lượng chiến lược quan trọng để làm cái gọi là "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền lợi biển, củng cố tuyến đường chiến lược Biển Đông, duy trì ổn định tình hình Biển Đông, nhiệm vụ nặng nề, sứ mệnh quang vinh, trách nhiệm to lớn".
Tưởng Vĩ Liệt |
Tưởng Vĩ Liệt tuyên bố những lời lẽ hùng hồn, bộc lộ tham vọng không dừng lại của Trung Quốc, dư luận không thể không lưu tâm đó là: "Chúng ta cần luôn kiên định niềm tin ở Biển Đông, cùng chung vinh quang và nhục nhã, đồng lòng đồng đức, hết trách nhiệm, quên mình với Biển Đông; luôn nhớ kỹ sứ mạng thiêng liêng canh giữ Biển Đông, tập trung đánh thắng, khổ luyện, sẵn sàng súng ống, lấy võ công để ngăn chặn chiến tranh, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải và quyền lợi biển quốc gia; luôn cố lập công ở Biển Đông, trăn trở và giành vinh quang ở Biển Đông, bằng trung thành và phấn đấu để giành được giấc mơ 'xây dựng quân đội mạnh'".
Bên cạnh đó, Lưu Minh Lợi thay thế Miêu Hoa làm Chính ủy Hải Quân cũng hùng hồn tuyên bố về Biển Đông. Tháng 10/2012, Phó chính ủy Hạm đội Nam Hải kiêm chính ủy lực lượng hàng không Lưu Minh Lợi từng viết bài trên trang mạng “Xây dựng Đảng”, bài viết có tên là "Trung thành thực hiện sứ mệnh, bảo đảm an ninh lãnh hải".
Ông ta viết: "Lực lượng hàng không Hạm đội Nam Hải là lực lượng bay đảm đương nhiệm vụ tác chiến phòng không lãnh thổ vùng biển Biển Đông và Hải Nam" (trên thực tế, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam).
"Những năm gần đây, chúng ta xem xét sự thay đổi của tình hình trong và ngoài nước cùng sứ mệnh được giao, tập trung thúc đẩy xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi chủ nghĩa xã hội, đi sâu xây dựng quan niệm giá trị cốt lõi của quân nhân cách mạng đương đại, tiếp tục tăng cường nền tảng tư tưởng binh sĩ giương cao ngọn cờ xây dựng tinh thần, đã thúc đẩy nâng cấp tổng thể sức chiến đấu cho bộ đội, đã xuất sắc hoàn thành một loạt nhiệm vụ quan trọng như tuần tra trên biển-trên không, duyệt binh quốc khánh, hộ tống biển xa, diễn tập quân sự liên hợp".
Ông ta cũng đề xuất 3 điểm kiến nghị gồm phát huy truyền thống, tôi luyện tinh thần chiến đấu, lãnh đạo đi đầu nêu gương nhằm thực hiện tham vọng bá quyền biển đảo.
Biển Đông sẽ là điểm nóng năm 2015?
Theo Hội đồng các mối quan hệ nước ngoài (CFR) của Mỹ tại Washington, tranh chấp hàng hải trên Biển Đông là 1 trong 10 cuộc giao tranh mà Mỹ ưu tiên ngăn chặn trong năm 2015.
Trong khi đó, Trung tâm Hành động ngăn chặn thuộc CFR đã nâng từ mức thấp lên trung bình trong thang độ khả năng các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông leo thang thành xung đột.
CFR cho rằng hiệp ước quốc phòng giữa Washington và Manila có thể dẫn tới một cuộc chiến giữa Trung Quốc – Philippines liên quan tới hoạt động khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên tại Bãi Cỏ Rong hoặc các ngư trường tại bãi cạn Scarborough.
Chính việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đông Nam Á không thể giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thông qua con đường ngoại giao, rất có thể làm mất đi giá trị của các quy định quốc tế trong việc kiểm soát tranh chấp hàng hải và tạo ra cuộc đua vũ trang bất ổn trong khu vực, CFR nhận định.
Tàu tuần tra bờ biển BRP Pampanga của Philippines đối mặt với 4 tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough hồi năm 2012. |
Hãng tin Bloomberg ngày 17/12 cũng đưa ra các dự báo điểm nóng trên thế giới năm 2015, từ đụng độ hải quân giữa Trung Quốc và láng giềng quanh chủ quyền các quần đảo tranh chấp đến căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, Đông Âu, Trung Đông...
Theo Bloomberg, những điểm nóng tiềm tàng ở châu Á có thể là bùng nổ sự đối đầu giữa hải quân Trung Quốc với ngư dân trên Biển Đông, máy bay Trung Quốc và Nhật Bản đụng độ trên khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Sự leo thang đụng độ này sẽ lôi kéo các đồng minh vào, và châm ngòi cho căng thẳng về chủ nghĩa dân tộc.
Không có nơi nào trên thế giới đang có nguy cơ đối đầu giữa các nước như ở các vùng biển quanh Trung Quốc, nơi có các tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới.
Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền biển Hoa Đông với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông bằng việc tung ra bản đồ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), ôm hết cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Những yêu sách hung hăng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc có thể diễn tiến xấu đi. Trung Quốc đang quyết tâm mở rộng chủ quyền trên biển và luôn có nguy cơ xảy ra sự cố về hải quân với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines khi tình hình leo thang ngoài tầm kiểm soát", ông Philippe Moreau-Defarges, Viện Quan hệ quốc tế Pháp tại Paris bình luận.
Tuyết Minh (Tổng hợp GDVN/ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét