(Tin tức thời sự) - ‘Các quy định đặt ra nhưng không được thực hiện triệt để, có nghĩa là chưa thống nhất giữa nói và làm…khiến niềm tin vào bộ máy nhà nước bị giảm
Đại biểu Lê Nam, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra góc nhìn của mình khi bàn về câu chuyện các quy định của nhà nước đưa ra nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc mà ở đây là việc các bộ, ngành không trả lại trụ sở theo đúng lộ trình.
Chính phủ phải trả lời
PV: - Mới đây Bộ TNMT chính thức thông tin việc không trả lại trụ sở cũ vì phải thêm nhiệm vụ, nhiều cán bộ. Ông bình luận gì về điều này?
Đại biểu Lê Nam: - Tôi nghĩ rằng việc này cần xem xét lại và làm rõ xem tại sao lại có chuyện như vậy. Ở đây Chính phủ phải xem việc này như thế nào. Nếu thực sự Bộ thêm chức năng nhiệm vụ, thêm yêu cầu về nơi làm việc thì cũng phải đảm bảo cho họ.
Nếu họ còn thêm việc, thêm người mà bắt phải trả lại trụ sở cũ xem ra cũng là khó khăn.
Nhưng chắc chắn Chính phủ sẽ phải biết rõ việc này. Phải xem từ khi có chủ trương được xây trụ sở mới và sau khi đó có những yêu cầu gì phát sinh, thêm biên chế, thêm chức năng nhiệm vụ thì phải bố trí đủ điều kiện làm việc.
Còn nếu không có việc này hoặc nơi làm việc mới hoàn toàn có thể sắp xếp được để bộ máy gọn về một mối thì hoàn toàn Bộ TNMT phải trả lại trụ sở.
PV: - Không chỉ riêng Bộ TNMT, mà theo phản ánh của HN, đa số các bộ có trụ sở mới nhưng vẫn không trả lại trụ sở cũ. Một vị lãnh đạo Cục Công sản, thuộc Bộ Xây dựng đã giải thích, thực tế không phải bộ, ngành nào được xây dựng trụ sở mới cũng dư thừa diện tích. Phải lý giải như thế nào về chuyện đầu tư xây trụ sở mới mà vẫn không đủ diện tích mà vẫn phải dùng trụ sở cũ?
Đại biểu Lê Nam: - Có một điều ai cũng thấy rõ có một sự mâu thuẫn trong lý giải có trụ sở mới nhưng nhiều bộ vẫn không đủ chỗ làm việc.
Có thể thấy rằng là nhìn về bên ngoài có thể thấy rõ trước đây với trụ sở cũ thì cũng bộ máy đó, con người đó, nhiệm vụ đó nhưng mọi việc vẫn được sắp xếp ổn. Nhưng nay được xây trụ sở mới, to đẹp hơn gấp nhiều lần thì mắc mớ gì mà lại thiếu chỗ ngồi so với địa điểm cũ?
Chỉ nhìn vào điểm này thì nhân dân, dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao lại có ‘phong trào’ các bộ muốn níu giữ trụ sở cũ.
Về điều này không ai khác, nếu các bộ không trả lời được thì Chính phủ phải trả lời bởi các cơ quan này đều thuộc Chính phủ.
Nếu Chính phủ chấp thuận để các bộ tồn tại song song hai trụ sở thì đồng nghĩa với việc hai bộ máy vận hành song song, kéo theo rất nhiều chi phí.
Tuy nhiên cái lớn nhất có thể thấy đất đô thị là đất vàng. Hơn nữa đây là cơ sở vật chất nếu tiết kiệm, dồn lại và tận dụng địa điểm cũ thì sẽ mang lại rất nhiều tiền cho ngân sách nhà nước. Hoặc là có thể phục vụ nhiệm vụ khác cho nhà nước thì sẽ tiết kiệm, có thêm thu nhập từ các hoạt động khác tận dụng trụ sở này để bổ sung thêm vào nguồn ngân sách trong bối cảnh nguồn thu đang khó khăn như hiện nay.
Trụ sở mới của Bộ Khoa học và công nghệ có tổng diện tích đất là 1,63ha (trong đó, diện tích sàn là 30.628m2, quy mô 17 tầng) |
Còn đây là trụ sở cũ tại 39 Trần Hưng Đạo |
PV: - Còn nhớ, khi nói về việc xây trụ sở nguy nga, có vị lãnh đạo địa phương cũng giải thích, vì thêm nhiều người nên phải xây trụ sở to. Điều này đi ngược hoàn toàn với chủ trương tinh giản biên chế, cũng như nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, 30% công chức cắp ô. Ông bình luận như thế nào về những mục tiêu đi ngược đường nhau như vậy? Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là vì đâu?
Đại biểu Lê Nam: - Đúng là điều này đang mâu thuẫn. Cũng có nơi phát sinh thêm bộ máy là có nhưng với những đơn vị không phải vì lý do này thì là vì muốn chiếm giữ tài sản của nhà nước để tăng cường tích lũy tài sản của ngành hơn.
Nhưng điều này thực chất đang đi ngược lại yêu cầu về tiết kiệm chống lãng phí. Chúng ta cứ nói phải tiết kiệm, chống lãng phí thế nhưng trong từng việc làm cụ thể của các cấp lãnh đạo, từng cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành…nhiều nơi chưa thể hiện sự gương mẫu, đúng đắn nhất. Chưa thống nhất giữa nói và làm.
PV: - Có đại biểu đã thẳng thắn nhận định, hết nhiệm kỳ công tác mà không trả lại nhà công vụ có thể bị coi như tham nhũng. Vậy việc xây trụ sở mới mà vẫn không đủ chỗ nên không trả trụ sở cũ phải được coi là hành động như thế nào? Trách nhiệm trong việc này sẽ phải được quy cho ai, thưa ông?
Đại biểu Lê Nam: - Hai hành động này là khác nhau. Việc không trả nhà công vụ có thể gọi là tham nhũng nếu thu mà họ không chịu trả. Còn không trả trụ sở cũ thì các bộ vẫn đang sử dụng diện tích này vào mục đích công.
Tuy nhiên có thể xem xét đây là hành vi lãng phí tài sản công sản của nhà nước. Điều này rất phản cảm bởi trong lúc chúng ta đang khó khăn về ngân sách, Đảng, Quốc hội kêu gọi tiết kiệm chống lãng phí, rồi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… rất nhiều thứ nói mà không làm thì nhân dân càng mất niềm tin.
Chính vì thế trong chuyện các bộ xây trụ sở mới hàng loạt mà lại không trả lại trụ sở cũ thì các bộ trưởng cần phải xem xét lại trách nhiệm. Chính phủ cũng phải nhìn nhận lại.
PV: - Cũng liên quan đến việc ‘trên bảo dưới không nghe’, về quy định số thứ trưởng, các bộ vượt rồi đưa ra lý do bốn thứ trưởng không đủ đi họp; quy định trả nhà công vụ, trả trụ sở thì các bộ viện lý do thêm người, thêm việc… Điều này có nghĩa là quy định đưa ra nhưng lại không được thực hiện một cách triệt để. Ông bình luận gì về điều này? Theo ông nếu để xảy ra chuyện cứ ra quy định còn thực hiện cứ không thực hiện thì hệ quả sẽ như thế nào?
Đại biểu Lê Nam: - Việc quy định mà không làm đúng thì kỷ cương phép nước sẽ bị nhờn. Ở đâu cũng viện lý do mà không thực hiện thì mỗi việc sẽ làm cho dày dần lên, từ đó nơi này làm được, nơi kia làm được theo kiểu nhìn nhau thì dần mọi việc sẽ trì trệ.
Hậu quả niềm tin vào bộ máy nhà nước của người dân bị giảm và từ đó mọi cố gắng sẽ bị đẩy lùi và việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta sẽ gặp khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
- Bích Ngọc (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét