Trang

6 tháng 11, 2014

'Chính người dân phải tự trách mình'

  • 6 tháng 10 một 2014
GS Nguyễn Minh Thuyết
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người dân có trách nhiệm với chất lượng của Quốc hội.
Nếu Việt Nam hiện nay đang có một Quốc hội mà người dân 'không hài lòng', thì chính người dân cũng phải 'tự hỏi lại chính mình', theo một cựu Đại biểu và Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội Việt Nam.
Trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến http://bit.ly/1onwvra của BBC hôm 06/11/2014, nhân sự kiện Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đang tiến hành kỳ họp thứ tám, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói:
"Tôi hoàn toàn chia sẻ với sự phê bình của các vị đã phát biểu trước tôi với tư cách là cử tri. Phê bình như thế là đúng đấy và tôi nghĩ có thể còn phê bình mạnh hơn nữa.
"Thế nhưng còn hỏi là vì sao chúng ta lại có một Quốc hội mà người dân không hài lòng như vậy, thì tôi cho là chính người dân cũng phải tự trách mình.
"Người dân như thế nào, thì Quốc hội như thế ấy. Nếu bao giờ người dân của mình (Việt Nam) mà giác ngộ, mình đi bầu, mình chọn lọc thật cẩn thận, thì lúc ấy mình sẽ có một Quốc hội như ý của mình.
"Còn bây giờ người ta bảo đưa ra 5 người, lấy 3 người, ông cũng tìm bằng được cho đủ ba người, mặc dù ông chẳng biết mặt ba người ấy, ông chẳng biết tài của ba người ấy, thì sẽ bầu vào những đại biểu kiểu như ấy thôi.
"Theo tôi vấn đề là giác ngộ của người dân. Người dân bây giờ mà một người lại đi bỏ phiếu, cầm cả một nắm phiếu bầu thay cho cả nhà, thì lấy đâu ra chính xác.
"Tôi cho quan trọng nhất là người dân phải giác ngộ. Khi nào người dân giác ngộ về quyền làm chủ của mình, thì lúc ấy đất nước sẽ có dân chủ hơn.
"Và lúc ấy lá phiếu của người dân sẽ có giá trị hơn," ông Nguyễn Minh Thuyết nói với cuộc tọa đàm hôm thứ Năm.

'Tôi không đi bầu nữa'

TS. Xã hội học Lê Bạch Dương
TS. Lê Bạch Dương cho rằng cơ chế bầu cử hiện nay ở VN 'không có ý nghĩa' và làm 'mất thì giờ' của cử tri.
Bình luận về ý kiến của Giáo sư Thuyết, Tiến sỹ Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói:
"Với ý kiến... của Giáo sư Thuyết, tôi cũng minh chứng bản thân tôi như một ví dụ.
"Tức là bây giờ tôi không đi bầu nữa. Bởi vì tôi thấy cơ chế bầu cử như thế này chẳng có ý nghĩa gì cả, cho nên tôi thấy không nên mất thì giờ cho việc như vậy.
"Chừng nào đưa ra một cơ chế mới thì tôi sẽ đi bầu.
"Mọi người có thể nói tôi vô trách nhiệm, nhưng tôi không thích bầu cho những người mà tôi chẳng hiểu gì cả.
"Lẽ ra họ phải đưa ra được những cương lĩnh, những chương trình để tôi có thể so sánh xem tôi nên bầu cho ông A, cho ông B.
"Đưa một bản lý lịch ngắn ngủn treo ở cỗ bầu cử như vậy, đọc không có một tí thông tin gì cả, thì tôi thấy bầu như vậy vô nghĩa, cho nên là khi thấy làm cái gì vô nghĩ thì tôi không làm.
"Cho nên tôi nghĩ, chừng nào thay đổi được cơ chế bầu cử, may ra mới có được ý kiến của người dân xác đáng, để chọn ra được những vị ... (Đại biểu) xứng đáng," nhà nghiên cứu xã hội học nói với tọa đàm.

'Chỉ đồng ‎ý 1/3'

TS. Nguyễn Quang A
TS Quang A nói chỉ đồng ý với 1/3 nội dung một ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà phân tích kinh tế và phản biện xã hội độc lập, nói với tọa đàm rằng ông chỉ đồng ý với một phần ba quan điểm trong ý kiến nói trên của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tại cuộc tọa đàm của BBC.
Trước tiên ông trả lời BBC về việc liệu Quốc hội Việt Nam có đạt được tiến bộ, cải thiện nào hay không trong thời gian gần đây, sau nhiều tuyên bố, chương trình cải cách.
Tiến sỹ Quang A nói: "Tôi nghĩ là có sự cải thiện chứ không phải là không có sự cải thiện. Vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao hơn so với trước. Nhưng mà về cơ bản, Quốc hội này vẫn là 'Quốc hội nghị gật', phải nói thực như thế.
"Và tôi đồng ý một phần ba với Giáo sư Thuyết ở cái chỗ là người dân phải tự giác... Nhưng mà người dân tự giác, ở đây là người dân thực sự không có quyền lựa chọn, người dân chỉ có thể bất tuân tự động như là anh Dương (TS. Lê Bạch Dương) thôi, không đi bầu nữa.
"Nhưng tôi nghĩ rằng cái quan trọng là người dân phải lên tiếng, phải đấu tranh để xóa bỏ những cơ chế ấy đi, chứ còn ngồi đợi để cơ chế thay đổi, chẳng bao giờ nó thay đổi cả. Tôi nghĩ rằng cái cơ chế của Mặt trận Tổ quốc là phải dẹp bỏ, 'cơ chế hiệp thương' là phải dẹp bỏ. Đấy là cơ chế lọc người theo ý định của những người lãnh đạo, thì tôi nghĩ rằng đấy hoàn toàn là phi dân chủ.
"Và tôi nghĩ rằng người dân đúng là phải giác ngộ, phải lên tiếng, và phải bảo rằng "Các ông làm như thế là không được, chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi đòi phải làm khác."
"Và chỉ có cách tích cực như vậy, thì sự thay đổi mới có thể xảy ra, chứ chưa chắc đã xảy ra. Nhưng mà nếu chúng ta phản ứng một cách thụ động, hoặc chỉ có trách tại sao lại không khéo chọn lựa giữa những người mà người ta đã chọn sẵn cho mình, thì tôi nghĩ rằng tất cả những cách ứng xử như thế sẽ chỉ kéo dài chế độ này mà thôi.
"Và tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ có sự thay đổi gì cả. Tôi mong muốn rẳng từng cử tri, từng người dân phải chủ động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, cất lên tiếng nói của mình," Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với tọa đàm.
Quốc hội Việt Nam
Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đang họp phiên thứ Tám tại Hà Nội.
BBC và các khách mời thảo luận về một số chủ đề đang được cử tri và Quốc hội Việt Nam quan tâm, bàn thảo từ dự án sân bay Long Thành, tới nợ công và lấy phiếu tín nhiệm kín.
Trong số các khách mời tham gia cuộc trao đổi gồm có Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội.
Tiến sỹ Lê Bạch Dương, nhà xã hội học, Đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát và chuyên gia kinh tế.
Mời quý vị theo dõi cuộc thảo luận trực tuyến được phát trên trang nhà của BBC và các kênh Google Hangout và YouTube của BBC Việt ngữ tại đây:http://bit.ly/1onwvra
Cuộc tọa đàm diễn ra trực tuyến từ 19h30-20h00 giờ Việt Nam.
(Tiếp tục cập nhật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét