Trang

21 tháng 11, 2014

Dự án du lịch Hải Vân: Không thể bất chấp an nguy

-Sự an nguy với đất nước là điều không thể đánh đổi với bất cứ mối lợi nào, lại càng không cho phép bị thao túng vì những toan tính lợi ích riêng tư, cục bộ.

Vụ cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Cửa Khẻm, Hải Vân, một địa điểm quan yếu về quân sự đang thu hút sự chú ý chính đáng của công luận.
Sau những phát biểu chính thức của lãnh đạo Đà Nẵng, một số tướng lĩnh, cơ quan có trách nhiệm và báo chí, chắc chắn Chính phủ sẽ xem xét và giải quyết việc này thỏa đáng. Rõ ràng rằng dù quyết định  thế nào thì sự việc này cũng đều sẽ gây ra thiệt hại. Vấn đề là chọn cái thiệt hại nhỏ.
Sự an nguy với đất nước là điều không thể đánh đổi với bất cứ mối lợi nào, lại càng không cho phép bị thao túng vì những toan tính lợi ích riêng tư, cục bộ.
Đất nước, Đà Nẵng, Huế, Hải Vân
Phối cảnh dự án. Theo VOV
Những gì loan tải trên các phương tiện thông tin chính thức đã gợi nên nhiều điều chung rất đáng lo ngại. Sau đây là một số trong những vấn đề đó:
Về quản lý địa giới: Mảnh đất Cửa Khẻm thuộc địa giới tỉnh nào? Đà Nẵng cho là nó thuộc khu vực chưa được phân định (?), Thừa Thiên- Huế cho là thuộc mình. Sự thật thế nào?
Một địa điểm trọng yếu như thế về quốc phòng (như khẳng định của các tướng lĩnh) mà lại để “mù mờ” không biết thuộc địa phương nào thì là điều không thể chấp nhận. Đà Nẵng và Huế cùng với Hải Vân là những địa danh nổi tiếng trong nước và quốc tế, đâu phải là  “vùng sâu vùng xa”, lại càng không cho phép “châm chước” cho điều này vì bất cứ lý do gì. Ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc này? Khi có động dạng thì sao.
Điều rất đáng suy nghĩ là ý kiến của hai địa phương khác hẳn nhau. Ý kiến khác nhau là chuyện thường, nhưng đáng quan ngại ở đây là cách tiếp cận và kết luận trái ngược nhau.
Đà Nẵng thì nhấn mạnh tính chất hiểm yếu về quốc phòng của địa điểm, và vì vậy kiến nghị không thể để cho một cơ sở nước ngoài chốt ở đây, dù là với danh nghĩa khu nghỉ dưỡng. Ý kiến này được sự đồng tình của nhiều tướng lĩnh đương chức và đã nghỉ hưu (trừ một số vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên- Huế).
Thừa Thiên- Huế, địa phương cấp phép thì bảo vệ cho quyết định của mình, viện lý do là đã làm đúng các thủ tục.
Chẳng lẽ những người lãnh đạo ở đây chỉ quan tâm duy nhất việc làm tròn “thủ tục” mà không hề suy nghĩ gì đến sự an nguy của đất nước? Thật lòng tôi không muốn tin như vậy. Trước khi bàn về thủ tục và việc thực hiện nó như thế nào thì mọi người đều có thể đặt ra hai câu hỏi:
Thứ nhất, lãnh đạo Thừa Thiên – Huế có cân nhắc yếu tố quốc phòng khi quyết định cấp phép không? Nếu có, thì họ đã cân nhắc thế nào, và tại sao không đưa ra những điều đã cân nhắc đó để bảo vệ quyết định của mình?
Thứ hai, tại sao hai nhóm ý kiến trái ngược nhau lại “phân tuyến” trùng khít theo ranh giới địa phương? Hai tỉnh liền kề của khúc ruột Miền Trung chẳng lẽ có vận mệnh khác nhau và khác cả vận mệnh chung của dân tộc?
Tất cả lãnh đạo địa phương (cấp ủy tỉnh và huyện) đều được đào tạo thống nhất về  quốc phòng toàn dân nên không thể đổ thừa cho sự hiểu biết không đồng đều… Chẳng lẽ những mối lợi cục bộ và cá nhân đã che mắt?
Lãnh đạo Thừa Thiên- Huế nói nhiều đến việc chấp hành đúng các thủ tục. Nếu cuối cùng chính phủ quyết định dừng dự án thì kết luận chắc chắn phải rút ra là thủ tục có vấn đề, hoặc việc thực hiện thủ tục có vấn đề, hoặc cả hai đều có vấn đề.
Thủ tục phân cấp cấp phép cho cấp tỉnh: Tỉnh được giao quyền cấp phép đên đâu? Để thực hiện quyền đó thì phải “xin ý kiến và được chấp thuận” những gì đối với cấp trên ở TƯ. Nếu tỉnh đã làm đầy đủ các thủ tục đó và được chấp thuận (điều kiện để cấp giấy phép) thì tại sao bây giờ các cơ quan cấp trên lại đòi họ báo cáo?
Phải chăng trong khi ra quyết định/ chấp thuận đã bỏ qua những yếu tố quốc phòng, nay được nhắc thì mới nhớ đến? Nếu giấy phép đã được cấp theo đúng luật, thì việc thu hồi giấy phép có căn cứ luật pháp không?
Cho đến nay, dư luận chỉ đề cập tập trung về trách nhiệm các cơ quan quản lý hành chính. Nhưng có lẽ trước hết phải xem xét trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu đảng bộ. Vì theo quy chế lãnh đạo hiện nay  của các cấp ủy địa phương, các quyết định quan trọng (như mức cấp phép đầu tư Cửa Khẻm) đều được bàn và quyết đinh trong tập thể cấp ủy/ ban thường vụ.
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư Lệnh Quân khu 5  cho biết, đây là khu vực đất địa hình loại 2, quản lý trong thời bình. Đất loại này được giao cho địa phương quản lý đất đai và giao cho dân sản xuất bình thường. Không được liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài, kể cả Việt kiều. Trong khi đó, vốn đầu tư của Công ty cổ phần Thế Diệu - Trung Quốc. (Theo VOV)
Người đứng đầu đảng bộ địa phương đương nhiên có trách nhiệm lớn nhất, cả với tư cách là thành viên đảng ủy quân sự quân khu.
Từ lâu đã hình thành nề nếp dành cho cơ quan quân sự thẩm quyền có ý kiến về địa điểm xây dựng các cơ sở kinh tế, xã hội là trên những địa bàn trọng yếu về quốc phòng. Trong trường hợp này, liệu điều đó có được thực sự tôn trọng và thực hiện nghiêm túc không?
Trả lời báo chí, các cơ quan quân sự cũng có quan niệm khác nhau về tính chất hiểm yếu của địa điểm này? Và nếu thật họ quan niệm khác nhau thì đã có lúc nào họ trao đổi với nhau để báo cáo sự không thống nhất đó lên những người lãnh đạo cấp trên?  Phải chăng các thủ tục được thực hiện cho xong?
Trong khi xem xét và ra quyết định giải quyết vụ Cửa Khẻm, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan, các tổ chức đảng cần xem xét kỹ lưỡng, thay đổi, điều chỉnh những quy định hiện hành và kiểm tra việc thực hiện các quy định đó, xử lý trách nhiệm nghiêm túc những người lãnh đạo để không lặp lại những vụ việc tương tự.     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét