Nhưng hình như mọi người đã quên mức lương của bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Năm 2011, lương tháng của bà được công bố đã hơn 500 triệu đồng, năm 2012 trên 630 triệu đồng và được thưởng 37 tháng lương, tương đương số tiền khoảng 22 tỷ đồng… Với doanh thu đạt trên 1,5 tỷ USD vào năm 2013, những cổ đông của công ty này không ai không bỏ phiếu thông qua mức lương, thưởng trên cho bà Liên - một mức gấp rất nhiều lần lương, thưởng cho lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn.
Trong khi đó, mức lương lãnh đạo những tập đoàn có doanh thu cao nhờ vào việc khai thác tài nguyên, như Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - 65,8 triệu đồng mỗi tháng; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) 53,42 triệu đồng (hiện đã nghỉ hưu). Tập đoàn Điện lực Việt Nam mấy năm liên tục tăng giá điện vẫn thua lỗ, ông Chủ tịch năm 2013 vẫn có mức lương 61,3 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, còn nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty khác có mức lương 30-50 triệu khi đơn vị của họ làm ăn thua lỗ, hoặc có lợi nhuận thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cực thấp như các con số mà Kiểm toán Nhà nước hằng năm công bố.
Trong một hội nghị hồi tháng 7, Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước cho biết, có tới 84 doanh nghiệp được cho là “không có một tiến triển nào” trong việc Cổ phần hóa theo yêu cầu của Thủ tướng. Tại sao những lãnh đạo doanh nghiệp này không dám mạnh dạn cổ phần hóa, để nếu làm ăn có lãi, hiệu quả thì họ cũng có thể được cổ đông cho hưởng mức lương cao, dù không được như bà Mai Kiều Liên thì cũng phải vượt xa con số mà họ hiện hưởng?
Tôi cho rằng, đơn giản vì những người lãnh đạo đó không muốn thay đổi, không phải vì họ chấp nhận mức lương đã có mà họ đang có những khoản thu nhập không nhỏ, và không phải chịu quá nhiều áp lực như ở các công ty cổ phần. Ở công ty cổ phần người lãnh đạo nếu điều hành không tốt sẽ bị đại hội cổ đông phế truất.
Người thân của một lãnh đạo tổng công ty nhà nước rất lớn, có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm từng cho tôi biết, chồng của bà được một số doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả lương 20.000-30.000 USD để làm đại diện của hãng đó ở khu vực châu Á. Nhưng ông không chịu sang làm để vẫn nhận mức lương chỉ khoảng 36 triệu đồng mỗi tháng theo quy định nhà nước hiện hành. Nếu không phải là vì có mức thu nhập thực tế cao hơn mức 30.000 USD rất nhiều thì chẳng lẽ là vì ông thực sự muốn gắn bó, vì tình yêu và trách nhiệm với doanh nghiệp nhà nước?
Tôi không cho là mức lương, thưởng dành cho lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện là cao hay thấp, mà điều quan trọng là không nên ràng buộc nó bởi Nghị định 51/CP. Theo nghị định này, nếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì mức lương sẽ được tăng thêm nhưng vẫn không quá 0,5 lần mức lương cơ bản. Như vậy, nếu doanh nghiệp đó có lãi 100 tỷ đồng hay 1000 tỷ đồng thì thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp... vẫn thế. Vậy thử hỏi làm sao người lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lao tâm, khổ trí để đưa doanh nghiệp đi lên?
Do đó, theo tôi, một là chuyển sang công ty cổ phần, để mức lương, thưởng của doanh nghiệp sẽ do cổ đông quyết định dựa trên hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hoặc vẫn là ở doanh nghiệp nhà nước nhưng cách tính lương, thưởng của nhà nước cũng phải thay đổi, không thể cứng nhắc như Nghị định 51. Điều đó sẽ tạo ra một cơ chế hiệu quả khiến người lãnh đạo doanh nghiệp được hưởng mức lương theo đúng năng lực của mình.
Mạnh Quân (Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét