Trang

18 tháng 9, 2013

Bao nhiêu vụ tham nhũng đã bị can thiệp xử nhẹ?


Bao nhiêu vụ tham nhũng đã bị can thiệp xử nhẹ? Đây chỉ là một trong nhiều câu hỏi đã không thể có câu trả lời thỏa đáng, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, sáng 18/9.

Và bởi vậy, thời gian dành cho nội dung này đã được kéo dài hơn một tiếng so với dự kiến ban đầu.

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện.


Tham nhũng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.


Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trong năm nay đã phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, chuyển cơ quan hình sự 11 vụ, 34 đối tượng. Đã có 36 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng, trong đó 4 người bị xử lý hình sự.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.


So với cùng kỳ năm 2012 thì năm nay công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã tăng cả về số vụ và số đối tượng phạm tội (khởi tố tăng 8 vụ với 91 bị can; truy tố tăng 91 vụ với 202 bị can), báo cáo thẩm tra của ủy ban so sánh.


Tuy  nhiên, số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh một trong các nguyên nhân dẫn đến tình hình nói trên.


Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng tham nhũng nghiêm trọng có nguyên nhân từ tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị. 


Tuy nhiên, cả hai bản báo cáo, theo nhiều ý kiến thảo luận đều còn không ít khoảng trống.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đánh giá tình hình như trong báo cáo còn nhẹ hơn đánh giá trong nghị quyết của Trung ương. Thế giới đánh giá thế nào, báo chí và mặt trận là hệ thống đánh giá hết sức quan trọng có ý kiến ra sao, có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không, Chủ tịch đưa ra hàng loạt câu hỏi.


Ông cũng không thật đồng tình với đánh giá của cơ quan thẩm tra về việc người dân rất ít tham gia tố cáo tham nhũng vì “góp ý mãi mà không có tác dụng gì cả”.


Chủ tịch cũng băn khoăn khi chưa nhìn thấy rõ sau khi sửa luật, không còn các ban chỉ đạo trong hệ thống hành pháp, thì công tác phòng, chống tham nhũng thay đổi như thế nào.


Không đánh giá vấn đề này là một khoảng trống mà "cứ thế đem nói với toàn dân là nguy hiểm", Chủ tịch lưu ý.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước hỏi, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhận được bao nhiêu thông tin về tham nhũng và xử lý thế nào?


Ông cũng muốn biết trong các vụ án tham nhũng nghiêm trọng thì có bao nhiêu vụ án đã có sự can thiệp của lãnh đạo chủ chốt các cấp cản trở hoặc làm hẹp lại? Nếu làm rõ thì cũng hạn chế một số đồng chí có chức có quyền can thiệp vào quá trình điều tra của các cơ quan chức năng, ông nói.


Lần lượt trả lời, song cả Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện và cả Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cùng Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong đều không làm rõ được các câu hỏi nói trên.


Nếu không có cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập thì vẫn là tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, ông Phong phát biểu.


Về ý kiến lãnh đạo can thiệp vào các vụ án tham nhũng mấy anh tố tụng không có báo cáo nên chúng tôi không báo cáo được, ông Tranh phân trần.


Vẫn băn khoăn, ông Ksor Phước nêu thực tế có nhiều vụ án nghiêm trọng kéo dài, có cả kết luận của Thủ tướng rồi mà lòng thòng im lặng cả năm trời khiến lòng dân không yên.


“Cán bộ cỡ Trung ương như tôi cũng băn khoăn dù Trung ương nhiều thông tin nhất, trong đợt này cần làm rõ”, ông đề nghị.


Ông cũng “gợi ý”, câu trả lời cho câu hỏi có bao nhiêu ý kiến can thiệp làm xẹp án tham nhũng của ông nếu không trả lời được trước Quốc hội thì cũng phải nói ở Trung ương hoặc Bộ Chính trị và Bộ Chính trị phải có ý kiến và báo cáo Trung ương, chứ không thể im lặng. Bởi dân phạm tội trộm cắp 2 triệu thì bắt đi tù, cán bộ nhà nước cả mấy tỷ thì án treo, đó là dấu hiệu của tham nhũng, nghi vấn cao động cơ về tham nhũng.


Lê Nguyên (VnEconomy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét