Vi phạm nguyên tắc cơ bản
Vinacomin cho biết đến nay, mới chỉ có 2 dự án thử nghiệm
được đầu tư xây dựng theo quy hoạch là Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng (công
suất 650.000 tấn alumin/năm) và Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông (công suất
650.000 tấn alumin/năm). Cuối năm 2012, Nhà máy Alumin Tân Rai đã chạy thử, Nhà
máy Alumin Nhân Cơ dự kiến giữa năm 2014 sẽ cho ra sản phẩm. Dự báo, đến năm
2020, lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp
hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án cảng đã được phê duyệt là năm
2020: 17,5 triệu tấn, năm 2025: 27 triệu tấn và năm 2030: 37 triệu tấn.
Theo ông Trần Văn Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin, các
dự án sản xuất hydroxide nhôm, alumin, điện phân nhôm khác đều không đúng tiến
độ là do kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tiêu thụ và giá khoáng sản thấp.
“Mặt khác, do các vấn đề phức tạp về công nghệ, kỹ thuật, môi trường khi đầu tư
xây dựng các dự án này nên Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch
bauxite cho phù hợp” - ông Chiều nói.
Dù thừa nhận sai lầm về xây dựng cảng Kê Gà nhưng
Vinacomin vẫn cho rằng việc dừng đầu tư dự án này không ảnh hưởng đến 2 dự án
bauxite - alumin do có các cảng tại khu vực Thị Vải - Cái Mép như Gò Dầu, Phú
Mỹ… “thế chân”.
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm - Tổng Công ty
Khoáng sản Việt Nam (sau này sáp nhập Vinacomin), cho biết giai đoạn 1998-2001,
tổng công ty đã nghiên cứu dự án khai thác bauxite - nhôm Tây Nguyên và dự kiến
công suất ban đầu là 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng nảy
sinh là vận tải. “Chưa có nơi nào trên thế giới vận chuyển 600.000 tấn
alumin/năm ra cảng bằng ô tô trên quãng đường dài như vậy. Cách tốt nhất là vận
chuyển bằng đường ống hoặc đường sắt thì mới có hiệu quả nhưng không hiểu sao
Vinacomin lại vẫn dùng đường bộ?” - ông Ban đặt vấn đề.
Ngay cả người của Vinacomin là TS Nguyễn Thành Sơn, Giám
đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, cũng đã nhiều lần phản đối
phương thức vận chuyển bằng đường bộ. “Một nguyên tắc cơ bản trong ngành khai
khoáng là vận chuyển sản phẩm không quá 10 km, trong khi quãng đường từ Tân Rai
xuống cảng là 260 km, còn từ Nhân Cơ cũng cả trăm km thì chỉ có lỗ nặng” - ông
Sơn nhận định.
Phải kiểm toán giá thành
Trước hàng loạt câu hỏi của giới chuyên môn về tính hiệu
quả của dự án bauxite Tây Nguyên, lãnh đạo Vinacomin thanh minh rằng Nhà máy
Alumin Tân Rai đưa ra sản phẩm đầu tiên với mức dưới 340 USD/tấn là do bối cảnh
kinh tế thế giới khủng hoảng và giá các khoáng sản nói chung trên thế giới đều
giảm. “Không công bằng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án chỉ căn cứ vào hiệu
quả kinh tế đơn thuần mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội lan tỏa, cũng
như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng đối với địa phương và khu vực Tây
Nguyên” - ông Chiều phản ứng.
Tiếp tục bảo vệ dự án của mình, lãnh đạo Vinacomin đưa ra
đề tài nghiên cứu thu hồi các sản phẩm có ích từ bùn đỏ “đã có kết quả ban đầu
khích lệ, khả năng thành công lớn” của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
(VAST) mới đây (Báo Người Lao Động đã thông tin). “Với xu thế nền kinh tế thế
giới đang phục hồi, Vinacomin tin chắc giá alumin sẽ tăng” - ông Chiều khẳng
định. Sở dĩ có sự tự tin này là do Vinacomin căn cứ trên dự báo của các chuyên
gia phân tích thuộc Citigroup Inc, Morgan Stanley và Societe General SA. Theo
đó, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 sẽ dao động trong
khoảng 300 USD/tấn đến 640 USD/tấn, trung bình ở khoảng 450 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo thông tin mà các chuyên gia Ngân hàng
Societe General (Pháp) đã trả lời trên báo chí, năm 2012, sản lượng nhôm trên
thế giới vượt nhu cầu 1,4 triệu tấn và tiếp tục vượt 1,1 triệu tấn vào năm
2013. Tồn kho nhôm trên sàn London
đã lên mức kỷ lục là 5,177 triệu tấn. Đáng lưu ý, thay vì nhôm đến tay các nhà
sản xuất (xe hơi, vỏ hộp…) thì hầu hết lại đến tay cộng đồng các nhà đầu tư và
ngân hàng đầu tư - những người đang ôm hàng chờ tăng giá.
Theo Tập đoàn Tài chính Citigroup (Mỹ), khoảng 65%-75%
nhôm tại nhà kho của sàn London
thuộc sở hữu của giới đầu tư. Hiện tượng này càng trở nên phổ biến hơn trong
thời kỳ khủng hoảng tài chính, khi nhu cầu nhôm vật chất giảm mạnh và các nhà
sản xuất buộc phải tìm những phương án khác để tăng vốn lưu động. Citigroup dự
báo giá nhôm sẽ đạt trung bình 2.100 USD/tấn trong năm 2013, trong khi Societe
General dự báo con số này sẽ khoảng 2.185 USD/tấn.
TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng mức giá bán 450 USD/tấn hay
có thể lên thêm nữa không phải vấn đề chính mà là giá thành 1 tấn alumin mà
Vinacomin sản xuất ra là bao nhiêu? “Vinacomin đang lập lờ, che đậy mức giá
thành tính đúng, tính đủ trên 1 tấn alumin bởi hàng loạt chi phí chưa được tính
hết, nhất là chi phí vận tải. Cần có cơ quan kiểm toán độc lập về giá thành
alumin ở Tây Nguyên” - ông Sơn kiến nghị.
Cố làm thì môi trường lãnh đủ!
Ông Trần Văn
Chiều cho rằng quyết định đầu tư 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai là căn cứ vào
tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế, đồng thời đã tính đến mức độ rủi ro. Nhà
máy Alumin Nhân Cơ được khởi công ngày 28-2-2010, hiện đã triển khai thực
hiện 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình,
khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%. “Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ có sản phẩm
vào giữa năm 2014 nên quyết định ngừng là không thực tế” - ông Chiều quả
quyết.
Theo TS Nguyễn
Thành Sơn, không chỉ mối họa môi trường mà bài toán kinh tế đã quá rõ để
Vinacomin nghiêm túc xem xét Nhà máy Alumin Tân Rai, nếu thực sự có hiệu quả
thì mới làm tiếp Nhà máy Alumin Nhân Cơ. “Nếu không có hiệu quả mà cố làm thì
lỗ lại càng lỗ mà môi trường thì lãnh đủ” - ông Sơn cảnh báo.
|
Theo Thế Dũng (Thứ 2, 25/02/2013,Cafef). NLĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét