"Cả dân tộc đang nắm tay nhau"
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã thốt lên khi hòa vào dòng người từ mọi miền tổ quốc đang lặng lẽ xếp hàng vào viếng Đại tướng chiều nay.
Ngày thứ ba gia đình mở cửa cho người dân vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia (30 Hoàng Diệu, Hà Nội), dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về mỗi lúc một đông. 8h sáng, đoàn người đã nối dài hết đường Hoàng Diệu, qua Điện Biên Phủ, quảng trường Ba Đình, vào Hoàng Văn Thụ - phía trước Ban tổ chức Trung ương và chưa có dấu hiện dừng lại.
Để phục vụ đồng bào đến viếng, nhiều đơn vị đã tự nguyện giữ xe miễn phí, nhiều bình nước cũng được đặt dọc hai bên hè đường đi. Phía cổng phụ của ngôi nhà, xe cấp cứu 115 Hà Nội với kíp bác sĩ, y tá luôn túc trực để kịp thời hỗ trợ người dân.
Từ cổng ngôi nhà của Đại tướng, hàng trăm thanh niên tình nguyện thủ đô nắm tay nhau, tạo thành một hàng rào kéo dài ngăn cách dòng người với lòng đường, đảm bảo an toàn cho người đến viếng. Phía bên trong, người dân xếp thành hàng trật tự, tay cầm hoa, lặng lẽ nhích từng bước, không ai chen lấn.
Gần 100 thanh niên tình nguyện nắm tay nhau làm thành hàng rào ngăn cách lòng đường với dòng người đến viếng. Tất cả đều trật tự, lặng lẽ bước đi. Ảnh: Nguyễn Thắng.
|
Đoàn người từ già tới trẻ, cả Việt kiều, người phương xa, người nước ngoài, người tu hành..., tất cả đều bước đi trong im lặng. Những cụ già tuổi ngoài 80 được thanh niên dìu đi, những em nhỏ nằm trong vòng tay mẹ chưa hiểu chuyện cũng được đưa đến viếng cụ.
"Không có thước đo nào bằng thước đo lòng dân. Dòng người bất chấp mọi khó khăn, khoảng cách, đến đây xếp hàng cả cây số đã nói lên tất cả. Dường như cả dân tộc đang nắm tay nhau", nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ khi bước ra từ căn nhà Đại tướng. Mắt ông hoe đỏ.
Đinh Viết Phúc - chiến sĩ cảnh sát cơ động đội 2, công an TP Hà Nội cho biết, anh bắt đầu ngày làm việc từ rất sớm. Nhưng khi ra đến số 30 Hoàng Diệu, trước mắt anh đã là cả rừng người đang mong mỏi được vào viếng. Các lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông, cơ động, lữ đoàn 144, cảnh vệ, công an phường... hôm nay được điều động với số lượng lớn hơn 2 ngày qua.
Phúc chia sẻ, được điều động đến khu vực nhà Đại tướng với anh là niềm vinh dự.
"Nhân dân đến đông nhưng rất trật tự. Người đến sau tự giác đến phía cuối xếp hàng, còn những người qua lại thì đi chậm rãi hơn", Phúc nói.
Ông Thái Bá Dũng xuất phát từ Bắc Giang lúc 5h sáng, xuống đến Hà Nội lúc 7h song vị trí xếp hàng của người cựu binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cách cổng nhà Đại tướng hơn 1 km. Đã 82 tuổi, ông bảo, dù phải xếp hàng bao lâu cũng đợi, vì đây là cơ hội cuối cùng để tiễn biệt người anh cả đã dẫn dắt cả thế hệ ông làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Những người già được lực lượng công an, cảnh vệ dìu, ưu tiên vào viếng trước. Ảnh: Nguyên Anh.
|
Ông nhớ những ngày cầm cuốc, xẻng, đào giao thông hào, nhớ lần kéo pháo vào lại kéo pháo ra khi Đại tướng quyết định thay đổi chiến thuật từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Dù gian khổ, vất vả, cũng có lúc dao động, song được đặc phái viên của Đại tướng giải thích tận tình, được Người động viên, tất cả lại hợp sức, đồng lòng. Nhất là khi cắt sân bay địch làm 3 đoạn, địch không thể hạ cánh, buộc phải thả dù ra ngoài, quân ta chia nhau bắn tỉa và thu được nhiều lương thực, súng đạn, niềm tin chiến sĩ lại càng tăng lên mạnh mẽ.
"Đã 40 năm kể từ lúc nghỉ hưu tôi không được gặp Đại tướng nhưng vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động, sức khỏe của Người. Tôi chẳng thể ngồi yên từ hôm nghe tin người anh cả của toàn quân ra đi. Chúng tôi xuống đây, dù không được nhìn thấy mặt anh, nhưng cũng tiễn anh đi nốt chặng đường cuối cùng", người lính già ngậm ngùi nói.
Nghe nói có đoàn từ miền Nam ra viếng Đại tướng, những người đã đứng xếp hàng suốt buổi sáng bảo nhau nhường cho họ được vào viếng trước. Gương mặt hiện rõ vẻ đau buồn, bà Lê Thị Huế (Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, khi nghe thông báo Đại tướng qua đời, bà và chồng đã bật khóc. Chồng bà vốn là lính của Tướng Giáp năm xưa, nhưng giờ ông đã yếu không thể đi lại được, đành nhờ vợ thay mình ra tiễn biệt.
Vơ vội mấy bộ quần áo, được các con gom góp tiền làm lộ phí, bà cùng 5 người hàng xóm lên đường. Hai ngày, hai đêm trên tàu, những người nông dân miền Tây chỉ mong sớm đến Hà Nội để được cúi đầu trước Tướng Giáp. "Với chúng tôi, Đại tướng như vị thánh sống. Nếu không ra tiễn được người, chồng tôi sẽ không thể sống thanh thản", vợ người cựu binh cho hay.
Hướng ánh mắt vào ngôi nhà nơi Đại tướng sinh sống suốt những năm qua, cựu binh Đỗ Văn Ngọc (Hải Phòng) tâm sự, dù có vất vả như thế nào, ông và đồng đội vẫn lên tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Từng chiến đấu suốt các chiến trường miền Nam, ông vẫn nhớ những lần đơn vị được Đại tướng gửi thư động viên, thăm hỏi.
Những người dân thủ đô mua bánh mì, nước uống rồi phát miễn phí cho dòng người kiên nhẫn chờ đợi vào viếng lúc giữa trưa. Ảnh: Nguyên Anh.
|
Ông Ngọc cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, đây là lần đầu tiên ông được nhìn thấy đồng bào cả nước tập trung đông đảo. Hàng chục nghìn người nối dài tựa như một dòng nước chảy không ngừng, đại diện cho nhân dân suốt chiều dài đất nước.
"Dù hành trình xa xôi, chúng tôi cũng phải đến tiễn đưa anh. Đại tướng về quê Quảng Bình, chẳng biết bao giờ mới được hội ngộ", ông Ngọc ngậm ngùi.
Càng về trưa, nắng thu càng hanh hao, gay gắt, song đoàn người chờ viếng Đại tướng vẫn không hề giảm. Hàng nghìn chiếc mũ, quạt giấy được thanh niên tình nguyện phát đến tận tay người dân. Vợ chồng chủ một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ huy động tất cả nhân viên ra rót nước, phát bánh mì miễn phí. Cả gia đình bà Bùi Thị Trọng (phường Hàng Bài) gồm con trai, gái, dâu, rể và các cháu cũng chia nhau gửi đến tận tay mọi người đồ ăn trưa.
Do lượng người đến viếng quá đông, gia đình Đại tướng quyết định đón tiếp xuyên trưa, từ hôm nay cho đến trưa ngày 11/10. Lời cảm ơn được gia đình gửi đến đồng bào qua loa thông báo ở cổng và suốt dọc đường đi, qua tấm bảng dưới những cây cổ thụ sum suê bóng mát. Hòa trong dòng người, bà Trần Thị Quỳnh Mai (Bình Dương) và Nguyễn Thị Cúc (Thanh Hóa) vẫn tiếp tục xếp hàng vào viếng. "Mỗi ngày tôi sẽ vào cúi đầu trước Đại tướng một lần, khi nào tiễn Người về nơi yên nghỉ cuối cùng tôi mới trở về quê", bà Cúc cho hay.
"Liệu còn ai sau Đại Tướng để lại cho dân một niềm cảm thương sâu sắc, tận đáy lòng như thế", bà hỏi mà không chờ ai trả lời, chậm rãi nhích theo hàng người như vô tận.
Hoàng Thùy (VnExpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét