Trang

30 tháng 10, 2013

THIÊN ĐƯỜNG ẢO VỌNG

                                          Cha tôi- Phạm Đình Long
 Cha mẹ tôi tham gia hoạt động cách mạng ngay sau năm 1945, khi họ còn rất trẻ. Cha tôi gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến chống Pháp, là chiến sĩ Điện Biên Phủ, thương binh chống Pháp với nhiều huân huy chương. Mẹ tôi hoạt động bí mật, chiến đấu ở vùng địch hậu, bị Pháp bắt, phải tù đày, là thương binh chống Pháp với nhiều thành tích vẻ vang. Sau năm 1954 vì thương tật nên cha tôi chuyển ngành, mẹ tôi cũng trở về địa phương công tác.
 Từ ngày đầu tham gia cách mạng, cha mẹ tôi luôn trung thành với đảng cộng sản, với Tổ quốc VN, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ nào mà đảng giao cho, vì niềm tin vào tương lai tươi sáng, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm kể cả phải hy sinh. Vào thời gian đó, cha mẹ tôi cũng như những người VN yêu nước không còn lựa chọn nào khác tốt hơn, cách mạng là hiện thực khách quan của lịch sử.

 Những năm kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc VN đã phải chịu muôn vàn gian khổ, hy sinh...bao đời sau sẽ không quên, lịch sử sẽ không quên.
                                 Mẹ tôi- Nguyễn Thị Ngọ

 Cha mẹ sinh ra 4 anh em tôi, trong đó tôi là trai út.

 Cũng như bao người dân Việt, cha mẹ tôi đã trải qua cuộc đời vô cùng gian lao, cực nhọc để vừa làm việc nước vừa lo việc nhà. Với thương tật và những cơn đau tái phát trên cơ thể gầy mòn, cha mẹ tôi đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để nuôi dưỡng 4 anh em tôi khôn lớn, trưởng thành.

 Đau lòng nhất là mỗi lần mẹ cho anh em tôi bú. Trước kia, khi mẹ bị giặc bắt, mẹ đã bị thực dân Pháp và lũ Việt gian tra tấn dã man, chúng cắm kim sâu vào 2 đầu vú mẹ, gây nên vết thương âm ỉ lâu dài. Lúc anh em tôi ngậm đầu vú bú mẹ, vết thương cũ tái phát, máu mẹ bật ra, mẹ cắn răng chịu đựng cơn đau tê buốt để cho anh em tôi bú, nước mắt mẹ chảy dài còn mấy anh em tôi vẫn ngây thơ, thảm nhiên nuốt từ giọt sữa pha lẫn máu tươi của mẹ. Bà ngoại kể, có lần cho tôi bú xong thì mẹ cũng ngất xỉu vì đau, còn tôi thì lại toét miệng cười ê a no nê. Tám tháng tôi đã phải cai sữa vì mẹ kiệt sức.

 Cha mẹ tôi chịu đựng được như vậy là vì niềm tin mãnh liệt vào đảng cộng sản, vì tình yêu Tổ quốc. Họ chấp nhận mọi hy sinh mất mát và hy vọng vào một ngày mai no ấm, vì hy vọng dân tộc Việt Nam trong đó có gia đình tôi sẽ được sống trên THIÊN ĐƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA. Cha mẹ luôn tin rằng, khi nước nhà thống nhất, mấy anh em tôi và con cháu sau này sẽ được hưởng tự do, no đủ, công bằng, sẽ là những người được làm chủ cuộc đời mình, làm chủ Quê hương Đất nước.

 Năm 1980 cha tôi về hưu với cuốn sổ hưu và tài sản mang theo là chiếc xe đạp Thống Nhất mà mỗi lần đi thì "mọi bộ phận trên xe đều kêu, trừ cái chuông". Mẹ tôi cũng về hưu với khoản lương hưu mấy trăm ngàn/tháng. Nhà thiếu gạo ăn, cha tôi vô rừng, ra cánh đồng khai hoang trồng lúa, trồng khoai để cứu đói cho cả nhà. Hỡi ơi! Cả ruộng lúa, nương khoai đều bị cán bộ xã cho dân quân, bảo vệ phá nát hết. Cha tôi còn bị phê bình là lấn chiếm đất công mặc dù đó là những mảnh đất hoang hóa. Mẹ tôi phải tảo tần nuôi từng con lợn, con gà, chắt chiu từng m2 đất để trồng rau, trồng cây. 
 Ôi ! Đói, rét, nghèo, hèn !!!

 Khổ thế mà cha mẹ vẫn nuôi được 4 anh em tôi học hết PTTH: Anh Cả tốt nghiệp PTTH rồi gia nhập quân đội đánh Mỹ, sau này chuyển ngành đi học đại học. Chị Hai đi học đại học TDTT, chị Ba đi học cao đẳng sư phạm. Tôi gia nhập quân đội trong thời kỳ chiến tranh biên giới chống bọn bành trướng Trung quốc, rồi đi học lái máy bay ở trường Đại học Hàng Không Kiev thuộc Liên Xô cũ.

 Tôi còn nhớ rõ những ký ức đau lòng, đó là những lần các vết thương của cha mẹ tái phát trong tình cảnh không có bác sĩ, không có thuốc men. Gặp lúc nắng gió trở trời, vết thương trên đầu cha đau nhức, cha bị thần kinh, mất kiểm soát, cha chạy ra ngoài đường, tay giả cầm súng ngắn, miệng bắn “pằng pằng” rồi hét “xung phong, xung phong”. Những vết thương của mẹ thì đau âm ỉ hàng ngày, mẹ cắn răng chịu đựng, tự tìm cách chữa trị bằng các loại thuốc nam.

 Cực khổ là vậy nhưng chẳng bao giờ thấy cha mẹ kêu than, oán trách. Hễ anh em tôi nói tới những chuyện xấu, những tiêu cực trong xã hội thì cha mẹ liền gạt phắt, nói đó chỉ là hiện tượng nhỏ của những quan chức nhỏ. Với cha mẹ, đảng luôn luôn đúng. Cha mẹ vẫn tin đảng cộng sản, hy vọng vào CNXH.
                           Cha tôi (phải) và TBT Lê Khả Phiêu

 Tuy đã về hưu, tuổi già sức yếu, nhưng cha mẹ vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội. 80 tuổi cha tôi vẫn tham gia đội an ninh thôn, vẫn tham gia cứu hộ, cứu nạn. Về việc này, báo Công An Nhân Dân đã viết một bài dài cả trang ca ngợi cha tôi.

 Tôi và anh Cả ở xa, hàng năm đều về thăm cha mẹ. Hai chị tôi công tác ở quê nhà nên có điều kiện chăm sóc mẹ cha hơn. Nhưng có lẽ cha mẹ là người chăm sóc nhau tốt nhất, họ luôn bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Có lần mẹ ốm nặng phải nhập bệnh viện huyện, tôi và anh Cả bay từ Sài Gòn ra thăm mẹ. Tối đó cả nhà xúm xít quây quần quanh giường bệnh của mẹ. Đêm, mọi người phải về, chỉ để một người ở lại chăm mẹ, tôi xung phong, cha nhìn tôi rồi nói với tất cả:

- Các con về nghỉ đi, để cha ở lại với mẹ, về nhà cha không ngủ được đâu.

Tối ngày 28/03/2009, tại nhà An dưỡng Sầm Sơn Thanh Hóa, sau khi cha mẹ đi thăm một người bà con về, cha tắm rửa xong, thấy đau đầu nên lên giường nằm nghỉ, cha nói mẹ đi gọi bác sĩ tới khám bệnh. Khi mẹ và bác sĩ trở về phòng thì cha tôi đã từ trần, thọ 83 tuổi.

 Tới lúc chết ông vẫn còn tin đảng, hy vọng sẽ có THIÊN ĐƯỜNG XHCN.

 Sau khi cha mất, mẹ cảm thấy lạc lõng cô đơn, suốt ngày ủ rũ. Mấy anh em tôi tìm đủ cách mà vẫn không làm mẹ vui. Mẹ vấp ngã, bị liệt nửa người. Nay mẹ vẫn dưỡng bệnh ở quê, tại xã Hà Bình, Hà Trung, Thanh Hóa.

 Cũng như cha, mẹ vẫn còn tin đảng cộng sản, tin nhà nước, tin CNXH sẽ thành công. Tôi là đứa con bất hiếu nhất vì đôi khi dám tranh cãi với cha mẹ về đề tài này, đã xúc phạm đến niềm tin vào “đảng, bác” của mẹ cha.

...

 Với tôi, cha mẹ là người đáng kính nhất, vỹ đại nhất. Một sự vỹ đại rất bình dị. Chúng tôi và con cháu sau này sẽ khó mà lập lại được kỳ tích như cha mẹ tôi đã làm.

 Than ôi! Cha mẹ tôi cũng như hàng triệu người dân VN khác đã đặt niềm tin, hy vọng vào đảng cộng sản VN. Cả đời họ đã hy sinh xương máu, mồ hôi và nước mắt cho đảng cộng sản, cho CNXH, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, khi nằm liệt giường vì thương tật mà chẳng thấy THIÊN ĐƯỜNG CNXH ở đâu? 


 Tiếc thay cho niềm hy vọng của cha mẹ tôi đã trở thành ảo vọng!

 Có lẽ mẹ tôi vẫn chưa biết ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

 Ôi thôi thôi! Tan vỡ rồi mộng ước của của bao người VN, tan vỡ rồi niền tin, hy vọng của cha mẹ tôi!

 Hỡi ơi! 87 năm nữa vẫn chưa có CNXH hoàn thiện ở VN. Mẹ tôi đã 83 tuổi rồi, đảng cộng sản VN với những "đỉnh cao trí tuệ", có phép mầu nào làm ra thuốc trường sinh cho mẹ tôi sống thêm 100 năm để coi CNXH lúc đó thế nào chăng?
Vậy ra thiên đường CNXH chỉ là ảo vọng. 
Than ôi! Tổ quốc tôi!
Than ôi! Dân tộc tôi!
                                                                                                          Phạm Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét