Trang

17 tháng 1, 2013

Xã hội suy đồi, chế độ diệt vong


           Quân đội Trung Quốc đàn áp sinh viên biểu tình
 Cải cách hay xụp đổ?
Trong bối cảnh cuộc tranh luận sôi nổi về cải cách chính trị ở Trung Quốc vốn vẫn không hề giảm nhiệt sau Đại hội Đảng lần thứ 18, nguy cơ về một cuộc cách mạng đã được nhắc đi nhắc lại để nhấn mạnh việc cần thiết phải thay đổi khẩn cấp.
Hôm 25/12 năm ngoái, hơn 70 học giả và luật sư hàng đầu đã trình một bản kiến nghị kêu gọi ban lãnh đạo mới của nước này tiến hành những cải cách chính trị vừa phải trong khuôn khổ Hiến pháp hiện tại.
Các cải cách được đề xuất bao gồm bầu cử tự do, bảo vệ quyền tự do ngôn luận, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân và xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập.

‘Nguy cơ cách mạng’

Bản kiến nghị, do Giáo sư Trương Thiên Phàm ở Khoa Luật Đại học Bắc Kinh chấp bút, cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ xảy ra một cuộc cách mạng nếu nước này không thay đổi.
“Nếu những cải cách hệ thống mà xã hội Trung Quốc đang đòi hỏi khẩn cấp tiếp tục bị ghìm nén và tinh trạng tham nhũng và bất bình xã hội tích tụ lại đến mức độ nguy hiểm và bùng nổ thì lúc đó Trung Quốc sẽ một lần nữa để lỡ cơ hội cải cách hòa bình và sẽ chìm sâu trong hỗn loạn của một cuộc cách mạng bạo lực,” bản kiến nghị viết.
Không chỉ những người đã ký tên vào kiến nghị thư mới có những quan ngại này mà nhiều người khác cũng thế.
"Cơ hội (cải cách) không kéo dài lâu. Nhiều lắm là 5 đến 10 năm. Có thể không đến 10 năm."
Giáo sư Tôn Lập Bình
Một trong số các nhân vật bi quan là Giáo sư Tôn Lập Bình, một trong những nhà xã hội học hàng đầu Trung Quốc và là người hướng dẫn luận án tiến sỹ cho Tập Cận Bình, tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phát biểu tại hội thảo Tài Kinh thường niên ở Bắc Kinh hôm 29/11, tức là hai tuần sau khi Đại hội 18 bế mạc, ông Tôn nói rằng cánh cửa cơ hội cải cách của Trung Quốc nhiều nhất ‘chỉ khoảng từ 5 đến 10 năm nữa’.
Giáo sư Tôn dẫn lời Giáo sư Bùi Mẫn Hân tại Trường Claremont McKenna rằng ‘một cuộc cách mạng âm thầm đang diễn ra’ trong đời sống chính trị Trung Quốc khi mà niềm tin của dân chúng vào chính quyền đang suy giảm và năng lực duy trì ổn định của Chính phủ đang suy yếu.
Tuy nhiên ông Tôn cũng nói rằng hiện chưa phải là quá muộn để tiến hành thay đổi.
“Tôi nghĩ, vào lúc này, dân chúng vẫn còn một chút tin tưởng và cảm tình dành cho chính quyền. Nếu một vấn đề nào đó không được giải quyết mà lãnh đạo xin lỗi thì người dân vẫn cảm động đến khóc,” ông nói.
“Tuy nhiên, cơ hội không kéo dài lâu. Nhiều lắm là 5 đến 10 năm. Có thể không đến 10 năm. Có thể trên dưới 5 năm,” ông nói thêm.

‘Cái giá cực đắt’


Điều gì sẽ xảy ra nếu uy tín của chính quyền không còn chút gì? Câu trả lời của Giáo sư Tôn là: “Khi đó, chỉ còn có một cách: cai trị bằng bạo lực và đàn áp bất cứ ai chống đối. Xã hội sẽ phải trả một cái giá cực kỳ đắt.”
Quan ngại của ông Tôn cũng được ông Nhiệm Chí Cường, một ông trùm bất động sản mạnh miệng đồng thời cũng là một người dùng nổi bật trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Bình luận về ý kiến ông Vương Bá Mẫn, tổng biên tập tạp chí Tài Kinh, rằng ‘không cải cách còn nguy hiểm hơn là bản thân cải cách’, ông Nhiệm viết trên trang blog của mình rằng ‘Nếu không cải cách thì sẽ không có Đại hội Đảng lần thứ 19’.
Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra trong vòng 5 năm nữa.
Viễn cảnh về một cuộc cách mạng bạo lực không chỉ là một chủ đề bình luận của các học giả cũng như trên mạng. Có những dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, ở một mức độ nào đó, cũng có cùng quan ngại về khả năng sụp đổ của chế độ.
"Nếu không cải cách thì sẽ không có Đại hội Đảng lần thứ 19."
Nhiệm Chí Cường, trùm bất động sản
Hồi cuối tháng 12, Tổng bí thư Tập Cận Bình, đã đưa ra một lời cảnh báo bất thường về chu kỳ thịnh rồi suy của các triều đại trong lịch sử Trung Hoa.
Tại một cuộc gặp với lãnh đạo các đảng phái phi cộng sản, ông Tập đã nhắc đến một cuộc gặp hồi năm 1945 giữa cố Chủ tịch Mao Trạch Đông và ông Hoàng Viêm Bồi, lãnh đạo của một đảng thân Cộng sản.
Hoàng hỏi Mao rằng làm sao mà Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tránh được chu kỳ thịnh suy của các triều đại Trung Quốc và Mao trả lời rằng đảng của ông đã tìm được cứu cánh – đó là dân chủ.
Cuộc đàm đạo này, dù rằng đã hơn sáu thập kỷ trôi qua, ngày ngay vẫn giữ nguyên giá trị như là một động lực và lời cảnh báo đối với Đảng Cộng sản, ông Tập được dẫn lời nói.
Cũng giống như câu nói ‘dân chủ’ của Mao không nên được hiểu theo nghĩa đen, sự đề cập mơ hồ của ông Tập về dân chủ như là đường thoát của Đảng có thể được diễn dịch theo nhiều cách khác nhau.

Sách của de Tocqueville

Điều mỉa mai là sự quan tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc về một cuốn sách cổ của người Pháp có lẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quan điểm của ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tương lai của Đảng.
Hôm 30/11, Vương Kỳ Sơn, tân chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng, đã kêu gọi các quan chức và học giả hãy đọc tác phẩm kinh điển của Alexis de Tocqueville về Cách mạng Pháp, Chế độ cũ và Cách mạng.
Các bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc không cho biết ông Vương có nói rõ vì sao ông yêu cầu đọc cuốn sách này hay không, nhưng bản tóm tắt ngắn tác phẩm của Tocqueville được đăng tải trên báo chí chính thống giúp chúng ta hiểu được phần nào.
Theo đó, lập luận chính yếu của Tocqueville là: ‘chế độ phong kiến trước kia sụp đổ là do suy đồi và mất lòng dân, nhưng những cuộc bạo loạn xã hội không đem lại kết quả mà những nhà cách mạng mong muốn. Cả những kẻ thống trị và quần chúng cuối cùng đều bị ngọn lửa phẫn nộ nuốt chửng.’
"Chế độ phong kiến trước kia sụp đổ là do suy đồi và mất lòng dân, nhưng những cuộc bạo loạn xã hội không đem lại kết quả mà những nhà cách mạng mong muốn. Cả những kẻ thống trị và quần chúng cuối cùng đều bị ngọn lửa phẫn nộ nuốt chửng."
Alexis de Tocqueville
Với việc kêu gọi đọc cuốn sách này, rõ ràng ông Vương muốn cảnh báo các quan chức trong Đảng rằng tham nhũng và sự xơ cứng có thể làm cho một chế độ hùng mạnh sụp đổ trong chốc lát.
Đồng thời, lời cảnh báo của ông Vương dường như cũng nhắm vào những trí thức có quan điểm tự do và những người muốn làm cách mạng vốn đòi hòi nhanh chóng dân chủ hóa xã hội. Ông Vương cảnh báo họ về những nguy cơ mà thay đổi cách mạng sẽ đem lại, chẳng hạn như hỗn loạn, đổ máu và những hậu quả không lường trước được.
Bản thân ông Vương và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác dường như nhận ra nhu cầu phải thay đổi. Tuy nhiên đối với họ, điều quan trọng cũng không kém là phải kiểm soát những tiếng nói kêu gọi thay đổi vốn ngày càng tăng và không cho những tiếng nói đó đi quá xa.
Chính vì vậy mà chẳng có gì ngạc nhiên khi bản kiến nghị cải cách của các học giả, vốn chỉ dám dừng ở mức cải cách chính trị vừa phải, bị dỡ bỏ chẳng lâu sau khi nó được đưa lên mạng.
   (Theo bbc ngày 17/1/2013 )
Một lần nữa Biển Trời Tự Do khẳng định:
- Khi xã hội suy đồi thì chế độ diệt vong.
- Xã hội công bằng, dân giàu nước mạnh thì chế độ trường tồn.
 Phạm Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét