Ngày 15/1 tại TP.HCM, ĐHQG TP.HCM phối hợp với Tạp chí Cộng Sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”.
Tham nhũng hiện
đang có mặt ở mọi nơi, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội Việt Nam . Việc phòng
chống tham nhũng đòi hỏi sự nhìn nhận và xác định đúng đối tượng, loại tham
nhũng và gốc rễ của tham nhũng mới có thể có giải pháp chống vấn nạn này...
Nhận diện tham nhũng
Phát biểu tại hội thảo các đại biểu đều thống nhất cho
rằng tham nhũng đang trở thành vấn nạn quốc gia, là nỗi day dứt đối với lòng tự
hào dân tộc và ý thức công dân của mỗi công dân. Tham nhũng đang là vấn đề
chính trị, đạo đức, pháp lý và văn hóa đang thâm nhập vào các lĩnh vực của đời
sống xã hội, các cơ quan công quyền và các đoàn thể chính trị -xã hội...
Theo PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy
viên hội đồng lý luận Trung ương: Tham nhũng đang làm thất thoát một lượng lớn
tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng các dự án,
các công trình xây dựng, làm xấu đi môi trường kinh tế, xã hội, làm nản lòng
các nhà đầu tư, làm giảm tốc độ tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh
tranh của nền kinh tế nước nhà...
GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn, tham nhũng trong xã hội
hiện đại tồn tại dưới rất nhiều biến thể vô cùng tinh vi, hết sức khéo léo, cực
kỳ xảo quyệt nên nhiều khi rất khó phát hiện mặc dù mọi người đều có thể cảm
nhận được. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ở nước ta hiện nay bất kể ngành nào,
kể cả các cấp trong ngành giáo dục, trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, bất
kể địa phương nào, cấp nào cũng đều có tham nhũng tuy mức độ có khác nhau.
Trong đó có thể phân ra hai loại tham nhũng cơ bản là
tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị. Tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế là
loại tham nhũng phổ biến nhất từ trước đến nay trên thế giới. Người nắm kinh tế
hoặc làm việc trong lĩnh vực kinh tế là người có môi trường thuận lợi nhất để
tham nhũng. Những người nắm quyền điều hành trong lĩnh vực này càng dễ có điều
kiện hơn những người khác để tham nhũng.
Các vụ án lớn ở nước ta trong thời gian vừa qua là minh
chứng cụ thể nhất cho điều này. Hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng tiến thuế
của dân, tiền ngân sách nhà nước đã bị bọn sâu mọt này lấy làm của riêng hoặc
tiêu xài phung phí theo nhiều cách khác nhau. Khi các vụ tham nhũng bị phát
hiện thì khả năng thu hồi là rất nhỏ.
Tệ hại hơn nữa, loại tham nhũng trong lĩnh vực này còn
tồn tại dưới dạng mách nước, vạch đường, bảo kê để trốn thuế, khai man thuế,
phá rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, vườn quốc gia v.v.
Đặc biệt nhất là
tham nhũng trong chính trị, trong việc chi phối các chính sách. Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, Hội
đồng lý luận Trung ương: “Đây mới là điều đáng lo ngại nhất đối với sự tồn vong
của chế độ, của đất nước. Nó bộc lộ sự hư hỏng của con người, sự vẩn đục trong
bộ máy, sự đánh mất nhân cách, liêm sỉ, lòng tự trọng, nghĩa vụ, bổn phận của
người cán bộ, công chức; đó chính là những kẻ thoái hóa biến chất. Thoái hóa
đạo đức, biến dạng của quyền lực tất yếu dẫn tới phi pháp, phạm pháp.
Giải quyết từ gốc rễ
Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam xuất hiện ở hầu khắp các cấp,
ngành, lĩnh vực như hành chính, tư pháp, nhà nước, tư nhân… từ qui mô nhỏ đến
lớn. Đáng lo ngại hơn cả là nhiều người dân nhận biết được các hành vi tham
nhũng của những người có chức, có quyền nhưng hầu hết không dám tố cáo vì sợ bị
trả thù hoặc không thấy lợi lộc. Vì vậy việc phòng, chống tham nhũng trrong
thời điểm hiện tại phải xác định là không dễ dàng.
Theo PGS, TS Đoàn Công Tiến, nguyên hiệu trưởng trường
ĐHKT TP.HCM, nguyên nhân của tham nhũng là do chúng ta duy trì quá lâu nền kinh
tế công hữu, một nền kinh tế công hữu tạo ra một khối tài sản không có chủ, kêu
gọi và khơi gợi lòng tham trong con người.
Trong khi đó, GS, TS Trần Đình Bút lại cho rằng chính việc tư duy chính
trị không theo kịp tư duy quản lý nên đã tạo cơ hội cho việc nảy sinh nạn tham
nhũng. Vì vậy việc chống tham nhũng phải thực hiện từ tư duy đến đường lối và
giải quyết các vấn đề từ gốc rể...
Theo đó, phải đi từ các vấn đề cốt lõi từ giáo dục đạo
đức nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong toàn Đảng, toàn dân, trong Nhà
nước và các đoàn thể, tạo ra áp lực xã hội và đề cao dũng khí của cả dân tộc
trong việc giải quyết quốc nạn tham nhũng. Về luật pháp phải coi chống tham
nhũng là chống một tội ác xã hội, trừng trị cái ác để bảo vệ cái thiện, sự
lương thiện vì sự bình yên của cuộc sống, sự an toàn của phẩm giá, sự lành mạnh
của xã hội.
Mặt khác cần bảo vệ người tố cáo và đấu tranh chống
tham nhũng cùng gia đình họ bằng sức mạnh luật pháp và an ninh, đồng thời cũng
nghiêm trị những sự lợi dụng chống tham nhũng để tố cáo sai, vu khống, làm
nhục, làm hại người khác vì những động cơ xấu.
Về mặt vĩ mô, để chống lại nạn tham nhũng thì nhà nước
pháp quyền phải được củng cố thật sự vững chắc. Luật pháp phải được nhanh chóng
bổ sung, nhất là bịt ngay những lỗ hổng nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng
lợi dụng rất phổ biến những lỗ hổng này, trước hết là bổ sung luật công vụ vì
tham nhũng chỉ gắn với những người thực thi công vụ các cấp chứ không liên quan
đến người dân bình thường.
Quốc hội phải thực sự là cơ quan lập pháp chứ không
phải chỉ là cơ quan thông qua luật pháp do các bộ, các ngành chấp bút đệ trình
nhằm tránh tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành chi phối luật pháp và các
chính sách.
Cơ quan phòng chống tham nhũng phải có thực quyền, có
cơ chế đặc biệt dưới sự giám sát của Quốc hội và độc lập đối với mọi thành phần
của Chính phủ. Cơ quan này được lập ra để kiểm soát hoạt động của Chính phủ,
của các cơ quan công quyền thì người đứng đầu Chính phủ không thể là người đứng
đầu cơ quan này.
Đẩy nhanh tiến trình kiểm soát tài sản và kiểm soát thu
nhập, việc không công khai, không minh bạch là điều kiện hết sức thuận lợi cho
hành vi tham nhũng.
Sửa đổi luật phòng, chống tham nhũng, khuyến khích tố
giác người tham nhũng; không đánh đồng người đòi hối lộ với người buộc phải đưa
hối lộ nếu người bị buộc đưa hối lộ tự giác và tố cáo người đã đòi hối lộ, đã
hoặc sẽ nhận hối lộ, với nhà chức trách.
Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm những kẻ mắc tội tham
nhũng, dù kẻ đó ở bất cứ cương vị nào, và cần coi tham nhũng là nội xâm phải
kiên quyết diệt trừ… Đặc biệt cần có đổi mới trong tư duy quản lý để hạn chế
nạn tham nhũng.
Theo Thùy Trang
Petro Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét