Trang

12 tháng 1, 2016

NHỮNG NGƯỜI CÓ Ô TÔ VÀ CẢ BỘ CÔNG AN CẦN BIẾT ĐIỀU NÀY

 BTTD: Đọc và suy ngẫm !
Bình chống cháy mà Bộ Công an yêu cầu lái xe ô tô mang theo xe có ghi những cảnh báo bằng hơn cả chục thứ tiếng (nhưng tiếc thay không có tiếng Việt cho các quan chức công an đọc), trong đó có 1 đoạn tiếng Anh như sau: Content is under pressure. Protect from sun rays and do not expose temperature over 50 C. Do not punch nor burn the container after use. Keep out of reach of children, keep away sources of ignition. Có thể dịch ra tiếng Việt như sau: Chất chứa bên trong có áp suất. Tránh phơi ra nắng hay đặt trong nhiệt độ cao hơn 50 độ C. Không đục cũng như đốt bình sau khi dùng. Giữ xa khỏi trẻ con, tránh những nguồn tạo tia lửa.
Như vậy nếu đem một cái bình trên một chiếc xe ô tô chạy rung lắc suốt ngày, phơi nắng nóng (vì phải để ngoài đường) thì khác gì mang quả bom đặt trong xe. Vì thế nên các nhà sản xuất ô tô không khuyến cáo đem theo bình cứu hoả vì xe con thể tích rất nhỏ, khó để chỗ nào an toàn để tránh nhiệt độ cao.
Nếu bình chữa cháy bị nổ trong xe thì người thiệt bị hại không thể bắt Bảo hiểm đền vì đã không nghe theo lời khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, những người bị thiệt hại có thể kiện Bộ Công an dựa trên những quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 theo các điều khoản sau:
- Trong trường hợp bình chữa cháy nổ làm chết người hay bị thương tích thì căn cứ vào:
Điều 99. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm
Điều 109. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
- Trong trường hợp bình chữa cháy nổ làm hỏng xe thì căn cứ vào:
Điều 145. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Tuy nhiên các cụ đã nói: Được vạ thì má đã sưng! Vì vậy các chủ xe phải biết tuỳ cơ ứng biến để khỏi bị xử phát nhưng lại bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của mình, đặc biệt hiện nay trên thị trường trôi nổi rất nhiều bình chữa cháy dởm của Trung Quốc. Tốt nhất là mua bình chữa cháy xong xì ra trước khi bỏ vào xe, nếu bị kiểm tra thì bảo là vừa sử dụng do có sự cố.
Sưu tầm

Từ 6/1/2016 các ôtô không trang bị phương tiện chữa cháy sẽ bị xử phạt

Pháp luật


Phương tiện PCCC, bình chữa cháy trang bị trên xe ô tô được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe



Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 57, hướng dẫn trang bị phương tiện PCCC đối với ôtô từ 4 chỗ trở lên, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Thông tư này có hiệu lực bắt đầu từ 6/1/2016
Danh mục phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với xe ôtô từ 4 chỗ trở lên:
Thông tư quy định, phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe.
Theo danh mục quy định, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg.
Cụ thể, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi như, trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ hoặc không đồng bộ theo quy định, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
Thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát PCCC và chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường.
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cảnh sát PCCC được phép phối hợp với cảnh sát giao thông dừng ôtô để kiểm tra, xử lý nếu phương tiện không lắp bình cứu hỏa.
- Xin ông cho biết những phương tiện giao thông nào bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy?
- Theo quy định trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, có hiệu lực kể từ ngày hôm nay, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên, xe rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện PCCC.
Căn cứ theo danh mục thiết bị PCCC, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg.
- Ôtô không trang bị phương tiện PCCC sẽ bị xử lý như thế nào?
- Việc xử lý sẽ căn cứ vào Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, PCCC. Cụ thể, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi như, trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ hoặc không đồng bộ, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
- Cảnh sát PCCC và giao thông được xử phạt trong trường hợp nào khi chủ phương tiện không trang bị phương tiện chữa cháy?
- Cảnh sát PCCC và giao thông có thể phối hợp kiểm tra theo chuyên đề về trang bị phương tiện phòng cháy trên xe ôtô, khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra độc lập, làm chuyên đề riêng biệt về xử lý xe ôtô không trang bị bình chữa cháy theo quy định.
Nếu phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận.
Thiết bị chữa cháy phải được lắp đặt như thế nào trong khi nhiều xe không được thiết kế chỗ đặt bình cứu hỏa?
- Trong Thông tư quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe.
Với những ôtô mà nhà sản xuất không bố trí nơi để treo, đặt bình cứu hỏa thì chủ phương tiện nên để ở hốc cánh cửa trước, hoặc cửa sau, gầm ghế. Hoặc tốt nhất nên mua loại bình có đai ngang hông bên trong xe để dễ thấy, dễ lấy và dễ dàng cho việc sử dụng.
Cục đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn chi tiết về các cách lắp đặt, sử dụng phương tiện PCCC trên xe ôtô và sẽ đăng trên cổng thông tin của Cục và tuyên truyền rộng rãi để các chủ phương tiện, cơ quan, xí nghiệp tham khảo.
- Trước đây đã có nhiều trường hợp bình cứu hỏa trong xe đã  phát nổ, gây nguy hiểm, theo ông nguyên nhân do đâu?
- Tôi chưa gặp trường hợp cụ thể nên không thể có đánh giá chính xác được. Tuy nhiên, có những nguyên tắc nhất định khi sử dụng bình chữa cháy mà các chủ phương tiện cần nắm rõ. Đơn cử, bình phát nổ có thể là do để ở vị trí bất lợi, sát cửa kính trước, xe đỗ dưới trời nắng to, khiến nhiệt độ tăng cao, gây nổ. Hoặc cũng có thể do chất lượng của bình, không đủ tiêu chuẩn, không có đăng kiểm, tem mác.
Để tránh được những sự cố đáng tiếc, chủ phương tiện nên để bình theo hướng dẫn, mua bình ở những cơ sở uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đặc biệt nên để xe tránh ánh nắng mặt trời và những nơi có nhiệt độ quá cao.
- Với tư cách là chuyên gia về phòng chống cháy nổ, ông có khuyến cáo gì với lái xe cách phòng tránh và xử lý khi xảy ra sự cố?
- Để tránh xảy ra cháy nổ, chủ phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện, tránh quá tải; thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe; tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng...
Khi gặp sự cố cháy xe ôtô, cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi đông người, nơi có nhiều chất dễ cháy. Thông báo cho mọi người trên xe thoát ra ngoài. Nếu cửa xe bị kẹt thì sử dụng các dụng cụ, phương tiện phá dỡ được trang bị hoặc dùng vật cứng để phá cửa. Tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp để chữa cháy, như tắt khóa điện; hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi Cảnh sát PCCC (điện thoại 114);
Nếu phát hiện khói, lửa trong nắp capô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ. Trong trường hợp đã phát hiện có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy trước khi mở nắp capô để xử lý. Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa. Trong trường hợp thấy không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa để tránh nổ bình xăng gây tai nạn...
Ngày đầu tiên ra quân, cảnh sát phòng cháy chữa cháy phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra hàng loạt ôtô tuy nhiên chưa xử phạt mà chỉ nhắc nhở, hướng dẫn.
Sáng 6/1, ngày đầu tiên thực hiện Thông tư số 57 của Bộ Công an về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy, Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông chọn tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) là điểm duy nhất để dừng ôtô nhắc nhở và hướng dẫn. Trong 30 phút, hàng chục xe đã bị kiểm tra, phần lớn được ghi nhận chưa trang bị bình chữa cháy, đặc biệt với chủ xe 4 chỗ.
Tài xế Bùi Kim Hoàng khi được hướng dẫn đã vui vẻ nhất trí ủng hộ. Ông bảo đã nghe về quy định do công việc bận nên chưa tìm hiểu xem lắp thế nào và mua ở đâu. "Việc này rất hữu ích, khi có tình huống bất ngờ xảy ra mình có thể tự khống chế đám cháy, thậm chí hỗ trợ các xe khác khi gặp sự cố trên đường", ông Hoàng nói.
Kiểm tra 4-5 xe khách, xe bồn chở xăng dầu, lực lượng chức năng thấy hầu hết đã trang bị bình cứu hoả, tuy nhiên các thiết bị này hoen rỉ, không đảm bảo an toàn kỹ thuật do không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.
Những xe còn lại được ghi nhận có trang bị bình cứu hoả đã được để ở nơi dễ nhìn thấy như bên hông xe, cạnh ghế lái, sau ghế lái. Nhiều xe còn có búa, găng tay để phá cửa thoát hiểm khi có tình huống khẩn cấp.
Trong những ngày đầu, đơn vị phối hợp với cảnh sát giao thông chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn các chủ phương tiện về quy định của Chính phủ chứ "chưa xử phạt".
Sau thời gian này, căn cứ Nghị định 167/2013 sẽ phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng với một trong những hành vi trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
Theo vnexpress

Kính thưa ông… PCCC!


Phải mua chiếc bình chữa cháy với giá cao gần gấp 3 lần ngày trước, lại loay hoay tìm chỗ đặt, lại đi học cách sử dụng, nhưng vẫn nhớ lời “khi xe bị cháy thì hãy biến khỏi xe càng nhanh càng tốt”.

kinh thua ong pccc
'Xưa nay chưa thấy trường hợp nào bình cứu hỏa phát nổ'
kinh thua ong pccc
Thêm hình ảnh đáng sợ về nổ bình cứu hỏa trong ôtô

kinh thua ong pccc
(Ảnh minh họa)
Kính thưa ông Phòng cháy Chữa cháy (PCCC).
Tôi xin kể hầu các ông câu chuyện này của tôi.
Vì lệnh của các các ông, nên tôi cũng phải nghiến răng đi mua một cái bình chữa cháy về lắp cho chiếc xe Misubishi máy dầu.
Mua xong không biết nhét cái bình vào đâu, vì các nhà thiết kế Nhật Bản đã “rất cẩu thả” và “vô trách nhiệm”, là khi thiết kế xe, lại không thiết kế chỗ gài bình; cũng không có chỉ dẫn là với loại xe máy dầu này, nên dùng bình chữa cháy loại nào, công năng ra sao?
Tôi có mang thắc mắc này hỏi một vài chuyên gia về ô tô, xe máy, thì họ bảo rằng: “Việt Nam ta là nước XHCN nên coi trọng tính mạng, và tài sản con người, còn đám tư bản kia, họ chỉ vì tiền… cho nên ô tô của họ không thiết kế phải có bình cứu hỏa, mà họ chỉ thiết kế làm sao cho xe… không bị cháy!”.
Thế nhưng Thổ tôi lại hỏi: “Tôi nghe ông Cục trưởng Cục PCCC nói rằng bình chữa cháy chịu được nhiệt độ từ âm 5 độ tới dương 55 độ C, cho nên để trong xe là an toàn. Không có chuyện vì nóng hơn 55 độ mà nổ vỡ bình. Nhưng tôi biết rất rõ là dưới trời nắng nóng cỡ 38-40 độ, thì nhiệt độ trong xe  phải vọt lên 65 độ. Mà với nhiệt độ này, bình cứu hỏa xì, hoặc nổ”.
kinh thua ong pccc
Cục trưởng PCCC: 'Công an không bắt tay với doanh nghiệp'
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC (Bộ Công an): "Việc bắt tay giữa cơ ...
Lại được nghe giải thích “Ngu lắm, khi đỗ xe dưới trời nắng nóng, hãy quay cửa kính xuống cho thoát hơi… thế là nhiệt độ chỉ còn hơn năm chục thôi”.
Thổ tôi lại hỏi: “Quay kính xuống, bụi lắm, tiền đâu ra mà đi hút bụi”.
Lại bị mắng: “Ngu lắm, có tiền mua ô tô, thì ắt phải có tiền hút bụi, rửa xe, và mua bình cứu hỏa”.
Thổ tôi lại hỏi: “Tôi từng được nghe dạy rằng, khi xe bị cháy, thì hãy biến khỏi xe càng nhanh càng tốt, và chạy ra càng xa càng tốt… Vì đám cháy nhỏ, nhưng nó mà ăn vào bình xăng thì bình xăng biến thành quả bom cháy…”.
Lại bị mắng tiếp: “Ấy là ngày xưa, còn bây giờ, để chưa cháy lan đến bình xăng, phải có bình chữa cháy… Mua ngay, đừng lắm lời”.
Phải mua chiếc bình chữa cháy với giá cao gần gấp 3 lần ngày trước, lại loay hoay tìm chỗ đặt, lại đi học cách sử dụng, nhưng vẫn nhớ lời “khi xe bị cháy thì hãy biến khỏi xe càng nhanh càng tốt”.
Các vị lãnh đạo PCCC nghĩ ra cái sáng kiến này, thì không biết trước đó, họ có tìm hiểu kỹ về đặc điểm khí hậu Việt Nam hay không? Họ có tìm hiểu là tại sao các hãng xe hơi, lại không quan tâm đến cái bình chữa cháy hay không?
Chả biết “hạ hồi phân giải” chuyện PCCC cho ô tô con thế nào, nhưng chỉ biết trước mắt, lượng bình chữa cháy bán ra tăng vọt, và có giời biết bình cũ, bình mới thế nào?
Thôi chết, khéo khéo lại có “lợi ích nhóm” ở đây.
 Xin các vị lãnh đạo PCCC hãy cảnh giác.

11 tháng 1, 2016

“Đồng USD mạnh có thể đẩy giá dầu về 20 USD/thùng”


Kịch bản giá dầu về ngưỡng 20-25 USD/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra, Morgan Stanley dự báo...

“Đồng USD mạnh có thể đẩy giá dầu về 20 USD/thùng”
Tuần trước, giá dầu mất 10% khi chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ cùng lao dốc - Ảnh: Flickr.
BÌNH MINH
Đồng USD tăng giá nhanh có thể đẩy giá dầu Brent giảm tới mức 20 USD/thùng - hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley công bố ngày 11/1 cho biết.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley nói giá dầu có thể giảm từ 10-25% nếu đồng USD tăng giá 5%. 

Báo cáo của ngân hàng này cho rằng, sự dư thừa nguồn cung toàn cầu đã khiến giá dầu giảm dưới 60 USD/thùng, nhưng khoảng cách giữa mức giá 35 USD/thùng và 55 USD/thùng dầu chủ yếu được quyết định bởi tỷ giá đồng USD.

“Với đồng USD tiếp tục tăng giá, kịch bản giá dầu về ngưỡng 20-25 USD/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra. Đồng USD và các yếu tố phi nền tảng đang tiếp tục tác động tới giá dầu”, báo cáo viết.

Giá dầu Brent đã giảm năm thứ ba liên tiếp trong năm 2015 và mất thêm hơn 11% kể từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016. 

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trên thực tế đã từ bỏ trần sản lượng vào tháng 12 vừa qua, đặt ra nguy cơ khiến tình trạng thừa mứa dầu toàn cầu gia tăng. Trong khi đó, lượng dầu tồn kho của Mỹ vẫn cao hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm.

Tuần trước, giá dầu mất 10% khi chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ cùng lao dốc. 

Ngày 11/1, giá dầu tiếp tục “đổ đèo”, về ngưỡng 32-33 USD/thùng vào buổi chiều theo giờ Việt Nam.

Morgan Stanley không phải là tổ chức đầu tiên dự báo giá dầu giảm về mức 20 USD/thùng, nhưng lý do mà họ đưa ra có sự khác biệt so với các ngân hàng khác.

Ngân hàng Goldman Sách đặt ra khả năng các bể chứa dầu của thế giới sớm hết chỗ chứa. Trong trường hợp đó, giá dầu sẽ phải giảm về mức buộc một phần hoạt động khai thác dầu phải dừng ngay lập tức, cụ thể là mức 20 USD/thùng - theo Goldman. 

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu tồn kho ở Cushing, Oklahoma - điểm giao hàng dầu thô ngọt nhẹ và là kho dầu lớn nhất của nước này - đã tăng 9 tuần liên tiếp, đạt mức 63,9 triệu thùng vào ngày 1/1. Công suất của kho chứa dầu này là 73 triệu thùng.

“Giá dầu về ngưỡng 20 USD/thùng là điều có thể xảy ra, nhưng không phải vì những lý do mà mọi người thường nói đến - không phải vì sự xấu đi của những yếu tố nền tảng”, báo cáo của Morgan Stanley có đoạn viết.

Tin khó tin: Nhỏ như…tỉ đồng


(LĐO) HÀ PHAN (TỔNG HỢP) 
Hài có lẽ là một vị thuốc mà người dân đang cần

Trong lúc dân Mỹ xếp hàng mơ tấm vé số 1,3 tỷ đô thì nhiều người Việt đã xem tiền tỷ nhỏ như con thỏ! Ông Hải quan nho nhỏ ở TP HCM có phong bì tiền tỉ, đại gia Cà Mau nợ ngang chúa chổm chơi sang với đám cưới chục tỷ, bốn ông quan xổ số Tiền Giang lĩnh lương gần tỷ vẫn đúng quy trình… Nhưng may cho dân, vẫn còn những danh hài với thuốc hài bạc tỷ giúp dân tạm quên đói nghèo …

    1. Thuốc hài bạc tỷ chữa bách bệnh

    Hoài Linh sắp phải mổ thanh quản vì…nói nhiều 
    Hoài Linh vừa cho hay hài chữa bách bệnh. Anh bảo lẽ ra mình đã vào viện mổ họng do nói quá nhiều nhưng chính những show hài trước khi lên bàn mổ sẽ khiến anh quên bệnh tật. Giữa lúc đời cơ bản là buồn như hiện nay, Hoài Linh và đồng nghiệp tung hoành từ Bắc vào Nam chẳng có gì lạ. Chỉ riêng việc giúp một bộ phận dân chúng không nhỏ tạm quên đói nghèo lâu hơn xem bắn pháo hoa thì cát sê tiền tỷ cho các danh hài đã đáng đồng tiền bát gạo. Thời buổi này dường như chưa có phương thuốc nào chữa buồn đau, sầu bi khổ ải bằng những màn múa may quay cuồng đôi lúc hơi bội thực nhưng có còn hơn không của tân Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân Hoài Linh, Tự Long, Xuân Bắc , Quang Thắng… Thôi thì đằng nào cũng phải ăn, phải mất tiền no bụng cười hơn anh ách vì tức rồi cười.
    2. Chuyện lạ hải quan
    Việc cán bộ Hải Quan nhận phong bì vừa bị bắt không ai lạ, có lạ chăng Nguyễn Tường Duy là thành viên thứ 3 trong gia đình có 5 anh em làm Hải quan tra tay vào còng vì những phong bì nhỏ chứa số tiền to. Lạ hơn nữa 4 anh em Duy đã từng bị kỷ luật khi còn làm hải quan An Giang nhưng chưa biết con đường nào đã đưa họ về nơi ấy- Hải quan TP HCM!? Đấy ai bảo tiền tỷ khó kiếm, với anh em Duy rất dễ là đằng khác chỉ tiêu xài lâu được hay không mới khó thôi đúng không các vị? Kỷ lục này chắc không ai muốn phá, truyền thống này cũng chẳng ai muốn tiếp nối nhưng những câu hỏi vì sao, vì sao và vì sao sẽ mãi đeo đuổi những cấp trên của anh em Duy!
    3. Lại đúng quy trình
    Lương bạc tỉ vẫn đúng quy trình. 
    Không như Thanh tra Chính phủ và những gì ồn ã trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang vừa có Công văn cho biết vụ lương khủng ở Công ty xổ số kiến thiết tỉnh này đều đúng quy định và quy trình! Giờ thì 4 sếp ở Cty này rung đùi mà hưởng 2,8 tỷ 3/4 vị/năm rồi nhé. Quy trình đúng nhưng lòng tin sao nhỉ? Thanh tra Chính phủ hay Sở đúng? Bắc thang hỏi ông nào đây? Mà thôi đời có bao giờ công bằng nên mới có chuyện xe lăn trên mọi nẻo đường rao từng tờ vé số gom tiền cho một số quan mãn kỳ du hí trời Tây. Cái này cũng đúng quy trình, nhiệm vụ chức năng đấy chứ: ai bán cứ bán, ai lương khủng vẫn vô tư nhận và ai đi chơi thì lên đường. 
    4. Đừng hỏi khó nhau thế
    Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo đặt vấn đề: chuyện gì xảy ra nếu những chiếc bình chữa cháy trên xe của các lãnh đạo cấp cao phát nổ? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Ông Bảo hỏi khó thế ai trả lời ? Tôi mà như các vị ra thông tư bắt lắp bình chữa cháy cứ làm gương post lên face những tấm hình xe quý vị gắn bình chữa cháy phơi nắng suốt ngày không nổ là bọn lắm mồm im lặng ngay. Chứ suốt ngày ngồi quân tướng phán mò có thể nổ có thể không thì chẳng cần cấp cao đâu thấp cổ bé họng lâu lâu xài uber, grab, taxi như chúng tôi cũng hãi cái bình con con đo đỏ ấy lắm các vị ạ. Mà nghe đâu xe máy cũng có nguy cơ cháy nổ cao lắm hay nhân dịp này thử lắp bình chữa cháy xem sao. Không thành công cũng tạo được vô số việc làm và thấu hiểu nhau đấy.
    5. Bôi trơn sao dám nói?
    Bôi trơn trong xã hội Việt Nam là có thật 
    Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành khẳng định, chuyện bôi trơn trong xã hội Việt Nam là có thật và nó đã bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực đạo đức như giáo dục, y tế, thanh tra... Nhưng cũng như thường lệ và đại đa số câc phát biểu khác, chẳng có cái tên hay vụ việc cụ thể nào được nêu ra. Có lẽ nước ta nó thế như ông này thừa nhận “bôi trơn sao dám nói”. Mà phàm cái gì trơn rồi là cho qua, có tắc mới GATO nhau tố này tố nọ chứ không vần “kính thưa các anh chưa bị lộ”.
    6. Oan rau muống
    Nỗi oan rau muống. 
    Cuối cùng thì Sở Văn hóa thể thao Hà Nội cũng đưa ra đáp án Hoa tóc tiên cho các đài hoa bị dèm pha là hoa rau muống sát Hồ Gươm. Thế mà mấy ngày qua cứ rộn cả lên nào là hoa dâm bụt, hoa rau muống, hoa loa kèn… Mà vị nào thiết kế đài hoa này cũng tài thật, dân tình nhìn hoa nào cũng giống trí tưởng tượng của mình. Theo tôi thì cứ để đài hoa ấy, đặt cho cái tên hoa trừu tượng, một công trình đảm bảo chẳng Thủ đô nào có. Có khi trăm năm sau người đời mới nhìn ra vẻ đẹp vĩnh hằng của đài hoa ấy, không khéo lại quý như tranh Van Gogh ấy chứ! Việc gì mà phải vội vã dựng lên rồi vội vã dẹp đi nhỉ? Thật là oan rau muống quá…
    7. Ấn tượng hôm nay: Viện Khổng Tử cần mở ngay tại TQ
    Hôm qua, trên Lao động cùng lúc xuất hiện 2 bản tin: Một, cho biết tàu cá ngư dân Quảng Bình thiệt hại nặng nề khi những chiếc “tàu cá” Trung Quốc, của những người danh nghĩa “ngư dân” đâm va trực tiếp! Và bản tin thứ 2, kể lại câu chuyện nhân văn khi- có lẽ không tình cờ- chính những ngư dân Quảng Bình cứu sống một người Trung Quốc bị nạn trên biển!
    Ngư dân Việt Nam cứu người Trung Quốc 
    Tôi nghĩ có thể viện Khổng Tử được mở khắp nơi trên thế giới, nhưng cái chỗ nó cần mở nhất lại là quê hương của một vị được coi là “thầy thiên hạ” mở miệng là nói đến nhân nghĩa!

    Có nên để "bình chữa cháy có thể nổ" trong xe hơi?

    Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: “Bình chữa cháy, có thể nổ, không thể cháy!”

    (GDVN) - Đến nay, cơ quan Cảnh sát PCCC chưa chính thức ghi nhận một vụ nổ bình chữa cháy nào xảy ra bên trong xe ô tô và các phương tiện giao thông cơ giới khác.
    Xung quanh việc triển khai Thông tư 57/2015/TT-BCA Hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) về vấn đề này.

    Phóng viên: Xin ông cho biết căn cứ để ban hành Thông tư 57/2015/TT-BCA Hướng dẫn trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ?

    Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Để ban hành Thông tư nói trên, chúng tôi phải dựa trên những cơ sở thực tế và pháp lý. Cụ thể:

    - Tình hình cháy, nổ:

    Theo thống kê, từ 2011 đến nay, cả nước xảy ra trên 600 vụ cháy nổ ô tô, xe máy. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2012, số vụ cháy, nổ các phương tiện giao thông cơ giới tăng đột biến, gây ra hoang mang, lo ngại cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

    Theo đó, ngày 12/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 73/TTg-KTN chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan có các giải pháp khẩn cấp để hạn chế tình trạng trên.

    Gần đây, năm 2014 và 2015 đã xảy ra 253 vụ cháy ô tô, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố điện, sự cố kỹ thuật và sơ suất, bất cẩn trong sử dụng xe.

    Trong đó, nhiều vụ cháy do không có bình chữa cháy để dập tắt kịp thời ngay từ khi mới phát sinh đã dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.

    - Cơ sở thực tế:

    Việc ban hành Thông tư 57 là dựa trên yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội, tình hình cháy nổ phương tiện cơ giới diễn biến phức tạp. Trước đây, khi Bộ Công an chưa ban hành Thông tư 57, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã thường xuyên khuyến cáo về vấn đề này.
    Và, để tự bảo vệ, rất nhiều chủ phương tiện đã trang bị bình chữa cháy cho xe của mình. Hiện nay, cả nước có 2,6 triệu ô tô đang lưu hành và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ trong lĩnh vực này.

    - Cơ sở pháp lý của việc ban hành Thông tư

    Việc ban hành Thông tư 57 là đúng quy định của pháp luật, có cơ sở từ các quy định của Luật PCCC và Nghị định 79/2014/NĐ-CP:

    + Khoản 1, 3 Điều 50 Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001, quy định:”Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tự trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy cho cơ sở, các loại rừng, phương tiện giao thông cơ giới thuộc phạm vi quản lý của mình” và giao Bộ Công an quy định cụ thể và hướng dẫn về điều kiện và trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với các đối tượng: Cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và phương tiện giao thông cơ giới.

    + Khoản 1, điểm đ, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC quy định:

    Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm của phương tiện, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

    Vậy mục đích của việc ban hành Thông tư là gì?

    Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: - Việc ban hành Thông tư là để nâng cao ý thức PCCC cho người quản lý, người sử dụng phương tiện.

    - Giúp cho người sử dụng phương tiện giao thông cơ giới có phương án, phương tiện để kịp thời xử lý cháy, nổ ô tô ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, nhất là trong các tình huống khẩn cấp.

    Sau khi Thông tư có hiệu lực, hầu hết cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đã bày tỏ sự đồng tình với quy định này, và cho rằng việc đầu tư không tốn kém, nên không ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp.

    Nhiều người dân có thắc mắc về mức độ an toàn của bình chữa cháy khi để trên xe ô tô trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm như nước ta, và thực tế đã xảy ra một số vụ cháy, nổ bình chữa cháy. Với vai trò đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy, ông có khuyến cáo gì về vấn đề này để người dân yên tâm khi sử dụng.


    Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh:
     Trước hết phải khẳng định bình chữa cháy thì không thể cháy được. Có thể có trường hợp nổ do áp suất trong bình tăng quá cao (có thể do van của bình bị hỏng, không còn khả năng điều áp cho bình nên gây ra nổ). Nhiều người cho rằng trên thực tế đã xảy ra một số vụ nổ bình chữa cháy, gây thiệt hại cho nội thất của xe.

    Tuy nhiên, trước mỗi một vụ việc xảy ra cần phải có điều tra, phân tích khoa học mới cho ra những kết luận chính xác được. Và đến nay, cơ quan Cảnh sát PCCC chưa chính thức ghi nhận một vụ nổ bình chữa cháy nào xảy ra bên trong xe ô tô và các phương tiện giao thông cơ giới khác. 
    Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Ảnh: Thanh Liêm)
    Các bình chữa cháy dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50-55 độ C.

    Do đó, khi đặt bình chữa cháy trên ôtô, cần tránh không để ở những nơi ánh nắng chiếu trực tiếp như khu vực táp-lô, khay để đồ dưới kính hậu (xe hatchback), cột A... bởi vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao (có lúc tới 70oC ở trong xe) sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng của bình chữa cháy.

    Vị trí tốt nhất để đặt bình chữa cháy là ở dưới gầm ghế ngồi, dưới chân hành khách phía trước; hoặc hốc để đồ trên cánh cửa. Điểm cốt lõi là phải đặt bình chữa cháy ở vị trí gần với người lái để thuận tiện khi có sự cố xảy ra; lưu ý không để bình chữa cháy ở cốp sau của xe ô tô bởi vì vị trí này dễ xảy ra va đập, khó lấy, khó thao tác sử dụng.

    Khi mua bình chữa cháy nên chọn cửa hàng uy tín, có dán tem kiểm định cơ quan chức năng. Khi nhận bình phải kiểm tra kỹ hạn sử dụng ở dưới đáy bình; vòi phun; van hãm; thân bình.

    Tùy từng loại bình chữa cháy (dạng bột hoặc dạng khí) sẽ có thời gian sử dụng khác nhau, do đó cần lưu ý để luôn đảm bảo rằng bình cứu hỏa trong xe luôn trong tình trạng tốt nhất (thường đối với bình chữa cháy dạng bột loại 1kg có thể tới 5 năm, đối với bình khí CO2 thì phụ thuộc vào lượng khí bên trong, thường đo bằng cách cân bình).

    Có ý kiến cho rằng, chỉ có Việt Nam mới quy định về việc trang bị bình chữa cháy, các nước có quy định về việc này không thưa ông?

    Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Khi ban hành Thông tư chúng tôi đã tìm hiểu, tham khảo quy định ở nhiều nước trên thế giới. Có rất nhiều quốc gia đã có quy định về việc này:

    Theo thống kê của Hội liên hiệp ô tô Vương quốc Anh – AA, có 14 quốc gia Châu Âu quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô gồm: Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Hy Lạp, Bỉ, Ba Lan, Bulgaria, Belarus, Estonia, Latvia, Romania, Macedonia, Lithuania.

    Trong đó:

    - Liên bang Nga: Tiêu chuẩn an toàn cháy do Bộ Nội vụ Liên bang Nga ban hành năm 1997, quy định rõ: Xe loại nhẹ (4 chỗ, 7 chỗ), xe tải cần trang bị bình chữa cháy bằng bột hoặc bình làm lạnh có dung tích bình không dưới 2 lít.

    Xe buýt (xe chở khách) siêu nhỏ cần trang bị ít nhất 1 bình 2l, xe buýt nhỏ trang bị 2 bình 2 lít, xe buýt cỡ trung và các phương tiện vận chuyển người khác phải trang bị 2 bình (1 bình 5l trong khoang hành khách, 1 bình 2l trong cabin).
    Xe vận chuyển xăng dầu và các chất nguy hiểm cháy nổ cần trang bị ít nhất 2 bình 5l (1 bình lắp trên khung xe, 1 bình lắp trên thùng hoặc trong khoang hàng…).

    - Hy Lạp: Bình chữa cháy, bộ dụng cụ sơ cứu là bắt buộc trang bị trên phương tiện cá nhân.

    - Ba Lan: Bình chữa cháy phải trang bị bắt buộc đối với các phương tiện được đăng ký.

    - Bulgaria: Bình chữa cháy, bộ dụng cụ sơ cứu bắt buộc trang bị đối với xe cá nhân.

    - Macedonia (áp dụng bắt buộc đối với xe chạy bằng khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG);

    Ở Châu Á: Ấn Độ: Để nâng cao an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông chết người, Chính phủ đang đề xuất bắt buộc trang bị bình chữa cháy cho tất cả các loại phương tiện giao thông (cá nhân và thương mại).

    Ngoài ra các nước khác như Nam Phi và một số nước Châu Phi (Quốc đảo Mauritius, Nigeria…) cũng quy định trang bị bình chữa cháy trên xe buýt và mini buýt và nếu không trang bị sẽ bị phạt.

    Hiện nay có tình trạng “cháy hàng”do người dân đổ xô đi mua bình chữa cháy để trang bị cho xe ô tô vì lo sẽ bị phạt. Từ đó có ý kiến cho rằng, có sự bắt tay giữa cơ quan Công an với các doanh nghiệp trong lợi ích nhóm. Ông có thể cho ý kiến về vấn đề này?

    Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh
    : Việc “cháy” hàng trên thị trường như các anh, chị phản ánh là có nguyên nhân của nó. Thông tư 57 được ban hành ngày 26/10/2015 đến nay đã hơn 2 tháng.

    Khi ban hành Thông tư đã có thông cáo, tuyên truyền của cơ quan chức năng để cơ quan, tổ chức và người dân có thể chuẩn bị cho việc này. Tuy nhiên, do nhiều người chưa quan tâm, để ý nên đến lúc Thông tư có hiệu lực mới đổ xô đi mua.

    Nguyên nhân nữa là do nước ta hiện nay có rất ít doanh nghiệp sản xuất bình chữa cháy mà chủ yếu là phải nhập khẩu nên trước tình trạng nhu cầu mua tăng đột xuất sẽ dẫn đến tình trạng nêu trên.

    Trước thực tế đó, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cung ứng bình chữa cháy cùng chung tay để đảm bảo nguồn cho nhu cầu thị trường.

    Còn lo ngại bị phạt của người dân, chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ, tuy nhiên, trong thời gian đầu, chúng tôi chỉ tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở chứ chưa tiến hành xử phạt.

    Việc bắt tay giữa cơ quan Công an với doanh nghiệp như anh, chị đề cập, chúng tôi khẳng định là không có. Chúng tôi đề xuất ban hành thông tư này với mục tiêu như đã nêu ở trên và là vì sự an toàn của xã hội.

    Chúng tôi đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng không được tham gia vào việc này vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của ngành, trừ những đơn vị có chức năng theo quy định thì mới được làm.

    Nếu đơn vị, cá nhân nào phát hiện hành vi vi phạm nêu trên xin phản ánh về cơ quan Thanh tra của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, số điện thoại 069.43087 hoặc 0913211258.

    Ông có khuyến cáo gì với lái xe về cách phòng cháy chữa cháy cho xe ô tô? Khi xảy ra sự cố cháy, nổ trên xe ô tô, lái xe nên làm gì?

    Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Để phòng chống cháy nổ cho xe ô tô, lái xe cần lưu ý một số điểm sau đây: Không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện, tránh quá tải về điện.

    Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe. Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng.

    Tuân thủ các quy định an toàn vận chuyển hành khách, hàng hóa, hàng nguy hiểm cháy nổ. Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường, nhất là hệ thống tiếp nhiên liệu.

    Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, trong khoang động cơ. Trang bị bình chữa cháy phù hợp theo quy định tại Thông tư số 57/2015.

    Khi gặp sự cố cháy xe ô tô, cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi đông người, nơi có nhiều chất dễ cháy. Thông báo cho mọi người trên xe thoát khỏi xe theo các cửa ra vị trí an toàn, nếu cửa xe đã bị kẹt thì sử dụng các dụng cụ, phương tiện phá dỡ được trang bị hoặc dùng vật cứng để phá cửa xe. Tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp để chữa cháy, theo quy trình xử lý sau:

    - Tắt khóa điện;

    - Hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (điện thoại 114);

    - Nếu bình nhiên liệu bị thủng, bị rò rỉ, có thể tìm cách bít lại, sau đó sử dụng các bình chữa cháy, cát, chăn chiên, bao tải, vải nhúng nước để dập lửa.

    - Nếu phát hiện khói, lửa trong nắp ca pô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ. Trong trường hợp đã phát hiện có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy trước khi thận trọng nở nắp ca pô để xử lý. Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa.

    - Trường hợp xét thấy không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa để tránh nổ bình xăng gây tai nạn.
    Thanh Liêm

    10 tháng 1, 2016

    Đảng Cộng hòa Mỹ thách Trung Quốc chiếm biển Đông


    Đăng Bởi  - 
    Dang Cong hoa My san sang thach thuc TQ doi chiem Bien Dong
    Chủ tịch Hạ viện Ryan

    Đảng Cộng hòa Mỹ sẵn sàng thách Trung Quốc chiếm biển Đông, vào lúc Trung Quốc gia tăng những hành động khiêu khích ở vùng biển này.

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan là một trong những thành viên đảng Cộng hòa sẵn sàng thách Trung Quốc (TQ) dám chiếm biển Đông.
    Tại một cuộc họp báo hôm 7.1, ông Ryan nói sự căng thẳng trên biển Đông khiến cần Mỹ duy trì một thế lực hải quân mạnh để ngăn chặn TQ. Ông phê phán tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã ra các đề xuất, mà theo ông Ryan, là giảm sức mạnh hải quân Mỹ:
    “Chúng ta lẽ ra không có một tổng thống đề nghị hạ số tàu chiến xuống mức hồi Thế chiến 1. Điều này có nghĩa chúng ta cần có một quân đội mạnh, một hạm đội hải quân mạnh và một chính sách đối ngoại thật sự mà hiện chúng ta chẳng có”.
    Chặn ý đồ bá chủ biển Đông của TQ
    Tuyên bố của ông Ryan ra một ngày sau việc TQ thông báo một máy bay thử nghiệm đã hạ cánh trên đường băng ở đá Chữ Thập, một trong những đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
    Đó là chuyến hạ cánh thứ hai (chuyến đầu ngày 2.1) của TQ. Nước này đang hung hăng tuyên bố độc chiếm 90% biển Đông, tranh chấp biển đảo với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
    Từ ngày 1 đến 8.1,TQ cũng có 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay TP.HCM (FIR Hồ Chí Minh) mà không thông báo trước, một hành động thách thức quy định hàng không thế giới, đe dọa an toàn hàng không.
    Dang Cong hoa My thach Trung Quoc chiem bien Dong-hinh-anh-1
    Máy bay TQ đưa người đến đá Chữ Thập 
    Từ cuối năm 2013, TQ đã xây trái phép 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. TQ nói các đảo nhân tạo được xây nhằm phục vụ tàu dân sự, ngư dân và cứu hộ thiên tai. Nhưng Mỹ nói TQ có ý đồ triển khai quân sự ở các đảo này, tiến tới lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
    Ý đồ này nhằm để TQ kiểm soát, khống chế biển Đông, ngăn cản các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng không-hàng hải của Mỹ.
    TQ xem sự hiện diện của Mỹ ở châu Á là nhằm kiềm chế TQ, theo Denny Roy, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Đông-Tây ở Honolulu. Ông nói Bắc Kinh xem việc đòi quyền và dùng lịch sử để tự khẳng định là một thế lực ở châu Á.
    Ứng viên Tổng thống Mỹ Marco Rubio là thành viên khác của đảng Cộng hòa, nói nếu ông trúng cử, ông sẽ đưa tàu chiến Mỹ đến biển Đông, để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển, trên không của TQ.
    Ông Rubio cũng nói sẽ hợp tác với các đồng minh trong khu vực, khi trả lời phỏng vấn của Fox Business Network hôm 7.1: “Chúng ta  cần tăng cường sức mạnh cho đồng minh quân sự ở Thái Bình Dương, bắt đầu bằng việc Mỹ đầu tư nguồn lực cần thiết để tái thiết hải quân của chúng ta”.
    Khi được hỏi nếu trúng cử tổng thống, ông có sẵn sàng can thiệp quân sự để chặn máy bay TQ hạ cánh xuống các đảo nhân tạo mà họ xây trái phép trên biển Đông hay không, ông Rubio nói Mỹ cần thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của TQ: “Chúng ta sẽ phản đối tuyên bố chủ quyền của TQ ở những khu vực này, và chúng ta nên tiếp tục đưa máy bay, tàu chiến đến tuần tra ở vùng biển đó”.  
    Đảng Cộng hòa đang muốn hất đảng Dân chủ khỏi Nhà Trắng, trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.2016. Đảng này chọn chủ trương đối ngoại của ông Obama làm chủ đề vận động tranh cử.
    Các nghị sĩ Cộng hòa khác đã chỉ trích chính phủ Obama không tích cực tuần tra biển Đông.
    Các sĩ quan hải quân Mỹ nói cuộc tranh chấp ở vùng biển này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
    Hạm đội Thái Bình Dương có đủ sức trị TQ?
    Trong khi đó, hãng tin AP nêu việc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ít tàu chiến hơn, đã làm dấy lên tranh luận về việc Mỹ và các đồng minh có đủ sức đối phó sức mạnh hải quân TQ hay không.
    AP nêu việc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ít tàu chiến hơn, vào lúc Mỹ và đồng minh đối mặt với thách thức từ sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
    Các sĩ quan hải quân Mỹ nói các tàu chiến hiện đại hơn đang bù đắp số tàu thiếu hụt. Theo Đô đốc Scott Swift, câu hỏi Hạm đội Thái Bình Dương có đủ tàu chiến hay không phản ánh sự lo lắng của dư luận khu vực về thực lực của hải quân Mỹ.
    Ông nói: “Tôi rất thoải mái với nguồn lực tôi có”. Ông nêu ví dụ là khu trục hạm mang tên lửa hành trình Benfold vừa được nâng cấp với tên lửa đạn đạo, hoặc 3 khu trục hạm mới DDG-1000 đang sắp được gia tăng cho hạm đội.
    Nhưng chuyên gia Peter Jennings ở Viện nghiên cứu chiến lược Úc nói vấn đề trong thời bình là liệu có đủ tàu chiến Mỹ để trấn an đồng minh và bạn bè. Ông cho rằng đây là một điều cần giải quyết về lâu dài.
    Hạm đội Thái Bình Dương hiện có 182 tàu chiến, gồm tàu chiến đấu như tàu sân bay, các tàu tiếp liệu, hỗ trợ, theo người phát ngôn của lực lượng này. 20 năm trước, hạm đội này có 192 tàu chiến.
    Hải quân TQ có hơn 300 tàu nổi, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra, theo báo cáo Chiến lược an ninh hàng hải châu Á-Thái Bình Dương (thuộc Lầu Năm Góc) công bố hồi tháng 8.2015.
    AP cho biết vì Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ít tàu chiến hơn, nên hải quân Mỹ phải triển khai lâu, phải hoãn chuyện bảo trì để duy trì sự hiện diện với ít tàu chiến hơn.
    Một hậu quả của việc ít tàu chiến là tàu phải hoạt động nhiều hơn. Đô đốc về hưu Zap Zlatoper, từng chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương thập niên 90, nói việc triển khai tàu quá 6 tháng khiến hải quân Mỹ khó giữ chân được thủy thủ.
    Nhưng các tàu chiến hiện được triển khai mỗi đợt trung bình từ 7 đến 9 tháng, dù hải quân Mỹ tính giảm xuống còn 7 tháng.
    Điều kiện hoạt động của tàu chiến cũng gặp khó khăn. Hồi đầu năm 2011, chiếc Essex phải bỏ cuộc tập trận với Úc, qua năm sau cũng hủy tập trận với Thái Lan do máy móc trục trặc, sau một thời gian bị hoãn bảo trì và bị yêu cầu tiếp tục hoạt động trên biển.
    Nhà nghiên cứu Bryan Clark của tổ chức nghiên cứu Center for Strategic and Budgetary Assessments nói đó là các dấu hiệu của sự nguyên trạng không thể bền vững.
    Trong báo cáo tháng 11, ông nêu các giải pháp: đóng thêm nhiều tàu chiến, dù việc này cần tiền nhưng có thể quốc hội Mỹ không duyệt cho hải quân; hoặc ít triển khai hơn, điều mà Lầu Năm Góc có thể miễn cưỡng chấp nhận ít sự hiện diện hải quân trên biển hơn.
    Các lựa chọn khác: giữ tàu chiến ở các căn cứ nước ngoài, nơi mà chúng gần vùng hoạt động hơn; hoặc chỉ cử ít tàu hộ tống một tàu sân bay.
    Hải quân Mỹ cần được tăng cường “cú đấm hạt nhân”
    AP nêu ý kiến của Đô đốc John Richardson, rằng hải quân Mỹ cần được tăng cường sức mạnh bằng cú đấm hạt nhân, nhằm đề phòng những mối đe dọa không thể biết trước của các nước, như CHDCND Triều Tiên hôm 7.1 đã tuyên bố thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên.
    Ông đặt ưu tiên số 1 là phải có một hạm đội tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân mới, lặn thật yên tĩnh dưới biển. Hải quân Mỹ tính thay 14 chiếc lớp Ohio hiện nay (bắt đầu phục vụ từ năm 1981) bằng 12 chiếc thế hệ mới.
    Đô đốc Richardson nói: “Đấy là nền tảng cho sự tồn tại của đất nước chúng ta”. Nhung đấy cũng là một khoản chi “khủng”, ước tính tốn 100 tỉ USD. Ngay cả thượng nghị sĩ  Richard Blumenthal, người rất ủng hộ kế hoạch trên, phải thốt lên rằng “đó là một con số làm chóng mặt”.
    Đấy là một trong 3 nỗ lực mà Lầu Năm Góc muốn hiện đại lực lượng hạt nhân: tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa mới hoặc được nâng cấp và phóng từ trên bộ, cùng máy bay ném bom tầm xa.
    Tổng khoản chi cho 3 nỗ lực này, cùng sự nâng cấp và thay thế, từ năm 2024 có thể lên tới 348 tỉ USD.
    Đô đốc Richardson xác nhận khoản chi này quá lớn, nhưng xứng đáng với nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới mà Mỹ gánh vác. Hồi cuối năm 2015, ông nói rằng theo quan điểm an ninh ngày nay, thì một khả năng hạt nhân tầm cỡ thế giới là cần thiết để được xem là một cường quốc. Nếu không thì “chúng ta có thể bị các nước khác đe dọa, bắt nạt. Đó là các nước có treo mối đe dọa hạt nhân trên đầu chúng ta”.
    Ý ông Richardson ám chỉ Nga và TQ đều đang hiện đại hóa lực lượng hạt nhân.  
    Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  William J.Perry (từ 1994 đến 1997) nói Mỹ có thể ngăn chặn một đòn tấn công hạt nhân bằng một số ít tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân. Ông ủng hộ loại bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của không quân Mỹ. Những người khác nói nên kết hợp tàu ngầm với ICBM.
    Bảo Vĩnh (theo The Age)