Trang

7 tháng 11, 2014

"Chúng mày không khá nổi là vậy!"

Một nhân viên kỹ thuật người nước ngoài có lần vào kiểm tra nhà vệ sinh nữ, đã nhún vai: "Chúng mày không khá nổi là vậy!".
Tôi là cán bộ nhân sự ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM. Tôi ăn lương của chủ nên như người ta nói: "Ăn cơm chúa, phải múa tối ngày" hoặc "Ăn cây nào rào cây ấy". Tuy nhiên, tôi không mù quáng bênh vực những việc làm sai trái mà muốn có một tiếng nói công bằng.

Vì sao nhân viên kỹ thuật nước ngoài và cả một số cán bộ quản lý người Việt Nam hay chửi mắng; thậm chí bạt tay, đá đít lao động Việt Nam? Đâu phải vô cớ mà họ như vậy? Cũng đâu phải những người này có vấn đề về tâm thần nên không kiểm soát được hành vi. Chung quy là có lửa nên mới có khói; tại anh, tại ả, tại cả đôi đường!


Tôi chỉ kể những điều tai nghe mắt thấy tại công ty của tôi để mọi người "lắng nghe và thấu hiểu". Công ty quy định 7h làm việc. Nhưng đến 7h15, vẫn còn công nhân lê la hàng quán bên ngoài. Nếu bị lập biên bản vì đi trễ, họ sẽ xúm lại la ó: "Không lẽ bắt người ta để bụng đói đi làm à?".

Công ty quy định giày dép, tư trang để vào ngăn tủ cá nhân. Công nhân vứt mỗi thứ một nơi, túi xách thì mang vào chỗ làm việc. Khi bị nhắc nhở thì trả treo: "Công ty có dảm bảo đảm đồ đạc để trong tủ không bị mất hay không? Nếu mất có đền cho tụi tôi không?". Ai biết công nhân để cái gì trong túi xách, nếu họ la hoảng lên là bị mất cắp thứ này, thứ kia, ai dám đứng ra gánh vác trách nhiệm?

Công ty quy định uống nước xong, phải để ly đúng quy định để nhân viên vệ sinh dọn dẹp; uống xong phải tắt vòi nước. Thế nhưng ngày nào cũng có tình trạng mở vòi nước uống rồi để cho chảy lênh láng. Không la rầy làm sao được?

Đến giờ ăn, hôm nào thức ăn không vừa miệng, gạo nấu cơm không được ngon như ý muốn thì công nhân vừa ăn, vừa đổ ra bàn để phản ứng. Họ đâu biết trên thế giới có 1 tỉ người thiếu ăn? Nói đâu xa, ngay ở đất nước mình, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, mùa giáp hạt vẫn phải ăn khoai sắn thay cơm!

Quy định của công ty là "cấm hút thuốc" trong khu vực sản xuất vì nơi đó có hàng hóa, nguyên phụ liệu dễ cháy. Nhưng ngày nào nhân viên vệ sinh cũng quét hốt cả nắm tàn thuốc lá. Khi bị bắt gặp, nhắc nhở, lập biên bản thì dọa đánh những người thừa hành nhiệm vụ.


Công ty quy định phải mang khẩu trang để bảo đảm vệ sinh- an toàn lao động nhưng khi nào có kiểm tra thì mang, còn không thì "vứt ở đâu không rõ". Chịu nổi không?

Nhà vệ sinh công cộng thì khỏi nói. Dùng xong không dội nước, vứt giấy vệ sinh tràn lan xuống nền nhà. Thậm chí, nói thì kỳ nhưng có nhiều chị em tới ngày tháng, khi thay băng vệ sinh không gói ghém cẩn thận mà vứt bừa ra đó. Hết biết luôn!

Đây chỉ là một phần trong những gì đã và đang xảy ra tại công ty chúng tôi. Ý thức chấp hành nội quy kỷ luật của "một bộ phận không nhỏ" công nhân còn rất yếu kém. Nhân viên quản lý là những người trực tiếp làm việc với công nhân, tận mắt chứng kiến những việc này, không nổi nóng, không bức xúc mới lạ. Một nhân viên kỹ thuật người nước ngoài có lần vào kiểm tra nhà vệ sinh nữ, đã nhún vai: "Chúng mày không khá nổi là vậy!".

Nghe mắc cỡ quá nhưng biết phải làm sao?

6 tháng 11, 2014

Tội quan và tội dân

Báo Nông nghiệp VN - 

Hai vụ việc giống hệt nhau. Nhưng quan chỉ bị khiển trách, cảnh cáo. Còn dân thì ngồi tù.

2 "ông Nội" và "ông Ngoại" chỉ bị phạt khiến trách và cảnh cáo
Vụ Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Phước Bùi Quốc Khánh cầm ly bia đập vào mặt Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thành Chung, khiến ông Chung chảy máu mặt đầm đìa, phải nhập viện cấp cứu, làm dư luận xôn xao một thời gian, đã đi đến hồi kết, khi ông Chung bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Còn ông Khánh bị cảnh cáo.
Mới đây, TAND huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Đình Mỹ Lân, bị VKSND huyện truy tố về tội “Làm nhục người khác”, do Lân đã cầm ly bia hắt vào người ông Phạm Văn Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Định Quán. Và tòa đã phạt Lân 12 tháng tù ngồi, vì đã làm nhục ông Trọng.
Chuyện “ông Nội” và “ông Ngoại” choảng nhau, có nguyên nhân là khi “ông Nội” đang “tiếp khách” trong giờ hành chính tại quán karaoke thì “ông Ngoại” từ ngoài vào, cầm ly bia cụng với khách nhưng lại phớt lờ “ông Nội”, khiến “ông Nội” nổi giận. Đấu võ mồm chưa đã, hai quan tỉnh chuyển sang đấu võ tay, “ông Ngoại” đã cầm ly bia táng “ông Nội”.
Còn chuyện Trần Đình Mỹ Lân hắt ly bia vào người ông Phạm Văn Trọng cũng có nguyên nhân từ cuộc nhậu trong quán. Thấy ông Trọng dùng xe công biển xanh vào quán nhậu, nói năng ầm ỹ quá.
Từ một bàn khác, Lân nhắc nhở: “Nay đang còn quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp, mấy ông ăn nhậu nói nhỏ thôi”, khiến ông Trọng nổi giận. Và vụ án đã xảy ra.
Trần Đình Mỹ Lân bị tù vì “Đã xâm phạm đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngành thuế địa phương (trích bản án)”. Còn hành vi của “ông Nội” và “ông Ngoại” thì chỉ là việc nhậu nhẹt dẫn đến thiếu kiềm chế.
Xét nguyên nhân của hai vụ việc, thì Lân có ý thức hơn cả “ông Nội” lẫn “ông Ngoại”. Ý thức ở chỗ thấy đang kỳ quốc tang, cờ rủ treo khắp nơi, mọi hoạt động vui chơi giải trí bị cấm, mà quan chức vẫn ngang nhiên dùng xe công đi nhậu nhẹt. Lại còn cười nói ầm ỹ, gây phản cảm, nên Lân nhắc nhở.
Và khi hai bên cãi nhau thì hắn cũng chỉ hắt (chứ không đập) ly bia vào người ông quan thuế cấp huyện. Hành vi đó, theo các luật sư, cùng lắm là chỉ bị xử lý hành chính. Thế mà hắn vẫn phải bóc lịch trong tù.
Còn “ông Nội” và “ông Ngoại” đều là quan chức cấp tỉnh, địa vị cao hơn Lân cả chục tầm, hưởng lương cao ngất ngưởng từ tiền thuế của dân. Nhưng vẫn nhậu nhẹt bê tha trong giờ hành chính.
Chỉ riêng việc đó thôi đã đáng bị đuổi việc rồi. Lại còn dùng ly bia làm vũ khí choảng nhau đến chảy máu đầu đầm đìa nữa, mà chỉ bị “gãi” sơ sơ.
Trước tình trạng quan chức say xỉn, gây nên hết chuyện này đến chuyện khác. Nào đánh người, nào lái xe gây tai nạn cho người đi đường… xảy ra ngày càng nhiều thì mức độ kỷ luật đối với “ông Nội” và “ông Ngoại” nói trên, là quá... hẻo!

Việt Nam thừa chuyên gia, thiếu chất xám!

(Giáo dục) - VN đang phải đi thuê chuyên gia nước ngoài với giá cao, vậy tại sao lại phải để chuyên gia của VN đi làm thuê trên nước khác - Bà Bùi Thị An.

PV:- Hiện tại, nông dân Việt đã xuất khẩu sang nhiều nước nhận mức thu nhập cao hơn nhiều so với lao động trong nước. Nhiều chuyên gia chỉ rõ, nông dân Việt Nam rất có “chất lượng” nhưng do hạn chế trong quy trình sản xuất nên không hưởng lợi cao khi làm việc ở VN. Nhìn ở góc độ kinh tế, theo bà, đây có phải là một lựa chọn phù hợp hay không? 
ĐBQH Bùi Thị An: - Xuất khẩu nông dân thì cũng cần nhưng tôi cho rằng cần phải xuất khẩu nông dân chất lượng cao. Hiện nay kinh tế của chúng ta đang khó khăn, trong bối cảnh nông dân không thể làm giàu được bằng nông nghiệp trên đất nước của mình thì trước mắt nên giúp họ đi ra nước ngoài, làm giàu từ nước khác và sống được bằng nông nghiệp cũng là một hướng.
Tuy nhiên, trong 10-20 năm nữa nền tảng phát triển của VN vẫn phải đi lên bằng nông nghiệp, nếu cứ xuất khẩu như vậy mà không có chiến lược, kế hoạch cụ thể đến lúc đó VN sẽ rơi vào cảnh ruộng đồng bỏ trống, nông nghiệp dậm chân tại chỗ.
Vì sao nông dân Việt không làm giàu được nhờ trồng lúa?
Vì sao nông dân Việt không làm giàu được nhờ trồng lúa?
Do đó, trước hết, VN cần phải nhìn nhận lại thực tế này để có chiến lược phát triển trong tương lai. Nếu vậy, đầu tiên Chính phủ phải có được cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân có thể làm giàu trên chính đất nước mình sau đó mới nghĩ tới việc xuất khẩu.
Nếu không có cơ chế kịp thời, nông dân sẽ bỏ ruộng đi làm thuê cho nước khác, khi đó nông nghiệp VN sẽ bị điêu đứng, kinh tế gặp nhiều khó khăn, an ninh lương thực cũng bị đe dọa.
Đứng trên góc độ kinh tế tôi không hoàn toàn ủng hộ bài toán đưa nông dân đi xuất khẩu. Vì xuất khẩu nông dân mới chỉ nhìn thấy được cái lợi trước mắt là mang được ít tiền về, xây được cái nhà cao nhưng lợi bất cập hại, hậu quả là khôn lường.
Việc này có nguyên nhân từ phía nhà nước, đầu tư cho nông nghiệp chưa đủ ngưỡng, khiến nền kinh tế VN chưa thể bứt phá được nhờ nông nghiệp. Cần phải nhìn nhận nghiêm túc trong thời gian qua, khi kinh tế thế giới bị khủng khoảng, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn chính nông nghiệp là yếu tố cứu cánh cho nền kinh tế, giữ cho nền kinh tế phát triển ổn định, đảm bảo đủ an ninh lương thực cho quốc gia.
Thế nhưng, cái cơ bản hiện nay là họ đang bị vướng mắc bởi cơ chế, chính sách, bởi quy trình sản xuất khiến họ không sống được bằng nông nghiệp, thậm chí còn luôn chịu khổ cực, thiệt thòi.
Đây phải nói rằng, nông dân chưa được hưởng đúng tiềm năng họ có  và sự cống hiến họ đã đóng góp.
PV:- Bà đánh giá như thế nào về khả năng những người nông dân này sẽ tự trau dồi kiến thức, trở về VN làm giàu nếu thực hiện chính sách này, thưa bà?
ĐBQH Bùi Thị An: - Tôi cho rằng phải có cơ chế để đưa họ đi phải đưa được họ về, có như vậy việc xuất khẩu nông dân để họ tự nâng cao được tình độ chuyên môn, tay nghề mới có kết quả. Thứ hai, phải có đánh giá cụ thể các dự án trước khi đưa nông dân đi và kết quả khi họ trở về lúc đó mới có thể kết luận được khả năng tự trau dồi và đóng góp của họ với nông nghiệp trong nước ở mức nào.
Nhưng dù muốn hay không muốn, 70% dân số đang sống bằng nông nghiệp thì phải tạo mọi điều kiện cho họ làm giàu trên chính quê hương mình. Nếu trong điều kiện nông dân chỉ sang đó làm thuê thì khả năng trau rồi kiến thức là rất hạn chế và cũng rất mạo hiểm
PV:- Trên thực tế, việc những lao động dạng đặc thù và có chất lượng như nông dân, các chuyên gia khoa học… cũng đã được thực hiện, mang lại danh tiếng khoa học cho VN. Trong khi đó, cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp, những người làm khoa học ở Việt Nam cũng than khó có sáng tạo, phát minh, nghiên cứu vì vướng… cơ chế.
Vậy theo bà, liệu VN có nên cân nhắc nghiêm túc tới chiến lược “xuất khẩu” các chuyên gia có trình độ cao để họ có điều kiện nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của khoa học, mang lại những lợi ích trực tiếp hay gián tiếp cho Việt Nam hay không?
ĐBQH Bùi Thị An: - Giai đoạn vừa rồi khi đất nước khó khăn nhất VN cũng đã gửi một số chuyên gia đi Châu Phi và nhiều nước khác làm bác sĩ, tham gia giảng dạy. Giải pháp này khi đó được coi là cứu cánh và có thể họ sẽ mang lại được một ít tiền về. Tuy nhiên, nếu nói xuất khẩu chuyên gia để mang lại những lợi ích khoa học cho đất nước thì chưa có.
Hình thức thứ hai là gửi chuyên gia trẻ đi đào tạo ở nước ngoài nhưng giải pháp này cũng gặp rất nhiều rủi ro do một số ở lại không về nước, một số trở về lại không thể thích nghi được với cơ chế, môi trường làm việc tại VN. Do đó, hiệu quả cũng cần phải nhìn nhận, đánh giá lại.
Tôi không hoàn toàn ủng hộ chiến lược này. Nếu coi giải pháp đó là chỉ là cứu cánh, xuất khẩu để mang được ít tiền về thì không ổn. Ai dám đảm bảo đưa đi họ sẽ trở về và ngay cả khi trở về vẫn cơ chế này thì ai đảm bảo sẽ giữ được chân họ?
Quan điểm của tôi là phải tạo được cơ chế, chính sách có thể khuyến khích họ ở lại học tập, sáng tạo bằng chính sức lực, trí tuệ của họ để họ phát triển công nghệ trong nước.
Thực tế hiện nay, VN đang thiếu rất nhiều chuyên gia có năng lực, có sáng tạo. Thậm chí VN đang phải đi thuê chuyên gia nước ngoài với giá cao, vậy tại sao lại phải để chuyên gia của VN đi làm thuê trên nước khác.
PV:- Theo bà, việc xuất khẩu chuyên gia như vậy sẽ giúp Việt Nam không lãng phí tài nguyên khoa học, hạn chế tình trạng họ phải làm những việc trái với chuyên môn trong bối cảnh Việt Nam đang là nước thuộc top đầu thế giới về số lượng hay không?
ĐBQH Bùi Thị An: - Tôi nghĩ phải thay đổi cơ chế, chính sách thu hút người tài. Rõ ràng VN phải khẳng định khoa học công nghệ chưa có đóng góp nhiều để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. VN đang rất thiếu chuyên gia có chuyên môn, VN không nên đưa đi nữa mà phải thay đổi cơ chế để giữ chân họ, khuyến khích họ ở lại trong nước nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến.
Ở góc độ kinh tế, có thể cá nhân người đi sẽ giàu hơn, sướng hơn nhưng trên góc độ đất nước chung thì không đem lại hiệu quả.
Dù VN hiện đang rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, đào tạo nhiều nhưng lại quá thiếu chất xám để đẩy nền kinh tế nên. Tức là chất lượng đào tạo cũng phải nhìn nhận lại, để không còn tình trạng thừa về số lượng nhưng thiếu nghiên cứu.
PV:- Nếu cân nhắc thực hiện chiến lược này, chúng ta sẽ phải đối diện với những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
ĐBQH Bùi Thị An: - Thứ nhất về mặt cá nhân tôi cho rằng ở góc độ nào đó nó sẽ tốt với người đi. Trên phương diện đất nước cũng có thêm ít tiền. Nhưng cái được so với cái mất là không thể cân đong đo đếm được do bị chảy máu chất xám, do trong nước phải đi thuê chuyên gia nước ngoài với giá cao.
Vậy tại sao lại không thể sử dụng được những chuyên gia do chính VN đào tạo?  Tức là vấn đề của VN hiện nay là phải tạo được môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút được người tài.
PV:- Xin cảm ơn bà!
  • Hiếu Lam

'Chính người dân phải tự trách mình'

  • 6 tháng 10 một 2014
GS Nguyễn Minh Thuyết
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người dân có trách nhiệm với chất lượng của Quốc hội.
Nếu Việt Nam hiện nay đang có một Quốc hội mà người dân 'không hài lòng', thì chính người dân cũng phải 'tự hỏi lại chính mình', theo một cựu Đại biểu và Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội Việt Nam.
Trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến http://bit.ly/1onwvra của BBC hôm 06/11/2014, nhân sự kiện Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đang tiến hành kỳ họp thứ tám, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói:
"Tôi hoàn toàn chia sẻ với sự phê bình của các vị đã phát biểu trước tôi với tư cách là cử tri. Phê bình như thế là đúng đấy và tôi nghĩ có thể còn phê bình mạnh hơn nữa.
"Thế nhưng còn hỏi là vì sao chúng ta lại có một Quốc hội mà người dân không hài lòng như vậy, thì tôi cho là chính người dân cũng phải tự trách mình.
"Người dân như thế nào, thì Quốc hội như thế ấy. Nếu bao giờ người dân của mình (Việt Nam) mà giác ngộ, mình đi bầu, mình chọn lọc thật cẩn thận, thì lúc ấy mình sẽ có một Quốc hội như ý của mình.
"Còn bây giờ người ta bảo đưa ra 5 người, lấy 3 người, ông cũng tìm bằng được cho đủ ba người, mặc dù ông chẳng biết mặt ba người ấy, ông chẳng biết tài của ba người ấy, thì sẽ bầu vào những đại biểu kiểu như ấy thôi.
"Theo tôi vấn đề là giác ngộ của người dân. Người dân bây giờ mà một người lại đi bỏ phiếu, cầm cả một nắm phiếu bầu thay cho cả nhà, thì lấy đâu ra chính xác.
"Tôi cho quan trọng nhất là người dân phải giác ngộ. Khi nào người dân giác ngộ về quyền làm chủ của mình, thì lúc ấy đất nước sẽ có dân chủ hơn.
"Và lúc ấy lá phiếu của người dân sẽ có giá trị hơn," ông Nguyễn Minh Thuyết nói với cuộc tọa đàm hôm thứ Năm.

'Tôi không đi bầu nữa'

TS. Xã hội học Lê Bạch Dương
TS. Lê Bạch Dương cho rằng cơ chế bầu cử hiện nay ở VN 'không có ý nghĩa' và làm 'mất thì giờ' của cử tri.
Bình luận về ý kiến của Giáo sư Thuyết, Tiến sỹ Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói:
"Với ý kiến... của Giáo sư Thuyết, tôi cũng minh chứng bản thân tôi như một ví dụ.
"Tức là bây giờ tôi không đi bầu nữa. Bởi vì tôi thấy cơ chế bầu cử như thế này chẳng có ý nghĩa gì cả, cho nên tôi thấy không nên mất thì giờ cho việc như vậy.
"Chừng nào đưa ra một cơ chế mới thì tôi sẽ đi bầu.
"Mọi người có thể nói tôi vô trách nhiệm, nhưng tôi không thích bầu cho những người mà tôi chẳng hiểu gì cả.
"Lẽ ra họ phải đưa ra được những cương lĩnh, những chương trình để tôi có thể so sánh xem tôi nên bầu cho ông A, cho ông B.
"Đưa một bản lý lịch ngắn ngủn treo ở cỗ bầu cử như vậy, đọc không có một tí thông tin gì cả, thì tôi thấy bầu như vậy vô nghĩa, cho nên là khi thấy làm cái gì vô nghĩ thì tôi không làm.
"Cho nên tôi nghĩ, chừng nào thay đổi được cơ chế bầu cử, may ra mới có được ý kiến của người dân xác đáng, để chọn ra được những vị ... (Đại biểu) xứng đáng," nhà nghiên cứu xã hội học nói với tọa đàm.

'Chỉ đồng ‎ý 1/3'

TS. Nguyễn Quang A
TS Quang A nói chỉ đồng ý với 1/3 nội dung một ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà phân tích kinh tế và phản biện xã hội độc lập, nói với tọa đàm rằng ông chỉ đồng ý với một phần ba quan điểm trong ý kiến nói trên của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tại cuộc tọa đàm của BBC.
Trước tiên ông trả lời BBC về việc liệu Quốc hội Việt Nam có đạt được tiến bộ, cải thiện nào hay không trong thời gian gần đây, sau nhiều tuyên bố, chương trình cải cách.
Tiến sỹ Quang A nói: "Tôi nghĩ là có sự cải thiện chứ không phải là không có sự cải thiện. Vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao hơn so với trước. Nhưng mà về cơ bản, Quốc hội này vẫn là 'Quốc hội nghị gật', phải nói thực như thế.
"Và tôi đồng ý một phần ba với Giáo sư Thuyết ở cái chỗ là người dân phải tự giác... Nhưng mà người dân tự giác, ở đây là người dân thực sự không có quyền lựa chọn, người dân chỉ có thể bất tuân tự động như là anh Dương (TS. Lê Bạch Dương) thôi, không đi bầu nữa.
"Nhưng tôi nghĩ rằng cái quan trọng là người dân phải lên tiếng, phải đấu tranh để xóa bỏ những cơ chế ấy đi, chứ còn ngồi đợi để cơ chế thay đổi, chẳng bao giờ nó thay đổi cả. Tôi nghĩ rằng cái cơ chế của Mặt trận Tổ quốc là phải dẹp bỏ, 'cơ chế hiệp thương' là phải dẹp bỏ. Đấy là cơ chế lọc người theo ý định của những người lãnh đạo, thì tôi nghĩ rằng đấy hoàn toàn là phi dân chủ.
"Và tôi nghĩ rằng người dân đúng là phải giác ngộ, phải lên tiếng, và phải bảo rằng "Các ông làm như thế là không được, chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi đòi phải làm khác."
"Và chỉ có cách tích cực như vậy, thì sự thay đổi mới có thể xảy ra, chứ chưa chắc đã xảy ra. Nhưng mà nếu chúng ta phản ứng một cách thụ động, hoặc chỉ có trách tại sao lại không khéo chọn lựa giữa những người mà người ta đã chọn sẵn cho mình, thì tôi nghĩ rằng tất cả những cách ứng xử như thế sẽ chỉ kéo dài chế độ này mà thôi.
"Và tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ có sự thay đổi gì cả. Tôi mong muốn rẳng từng cử tri, từng người dân phải chủ động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, cất lên tiếng nói của mình," Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với tọa đàm.
Quốc hội Việt Nam
Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đang họp phiên thứ Tám tại Hà Nội.
BBC và các khách mời thảo luận về một số chủ đề đang được cử tri và Quốc hội Việt Nam quan tâm, bàn thảo từ dự án sân bay Long Thành, tới nợ công và lấy phiếu tín nhiệm kín.
Trong số các khách mời tham gia cuộc trao đổi gồm có Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội.
Tiến sỹ Lê Bạch Dương, nhà xã hội học, Đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát và chuyên gia kinh tế.
Mời quý vị theo dõi cuộc thảo luận trực tuyến được phát trên trang nhà của BBC và các kênh Google Hangout và YouTube của BBC Việt ngữ tại đây:http://bit.ly/1onwvra
Cuộc tọa đàm diễn ra trực tuyến từ 19h30-20h00 giờ Việt Nam.
(Tiếp tục cập nhật)

Quân ly khai Ukraine nhận giấy triệu tập gia nhập quân đội Nga

Đăng Bởi  - 

Quân ly khai ở Donetsk
Quân ly khai ở Donetsk
Hơn 30.000 tay súng miền đông Ukraine nhận giấy triệu tập gia nhập quân đội Nga, ngay sau cuộc tự bầu cử của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk, theo cáo buộc "Nga bắt lính" của Cục tình báo Ukraine (SSU).

Theo báo Bưu điện Kiev, lãnh đạo 2 nhóm quân ly khai ở Donetsk và Luhansk đều thắng cử, và kết quả hai cuộc tự bầu cử này được Nga công nhận, nhưng Mỹ, EU và Kiev đều lên án đó là cuộc bầu cử phi pháp.  
Theo tạp chí Newsweek (Mỹ) SSU nói các tay súng ly khai đã nhận được lệnh triệu tập gia nhập quân đội Nga, và Kiev xem đây là một bước khác để sáp nhập miền đông Ukraine vào Cộng hòa liên bang Nga.  
Chỉ huy SSU Markiyan Libkiyvskiy nói hôm 2.11: “Theo các chứng cứ chúng tôi đã xem, gồm cả giấy triệu tập, Nga đang lên kế hoạch sử dụng các cuộc tự bầu cử ở Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Luhansk để tăng cường quân số liên bang Nga”.
Libkiyvskiy còn đưa lên trang mạng xã hội các ảnh chụp giấy triệu tập vào lính Nga, của Bộ Quốc phòng Cộng hòa nhân dân Donetsk gởi công dân nước cộng hòa này, yêu cầu họ tuân thủ luật pháp liên bang Nga, và ra thời hạn ngày 5.11 các công dân phải trình diện tại bộ chỉ huy quân sự địa phương.
Các tài liệu này thực tế là lệnh triệu tập một công dân Nga thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện khâu khám sức khỏe và chứng tỏ khả năng phục vụ quân đội Nga.
giay triêu tap gia nhap quan doi Nga
 
Theo tổ chức phi chính phủ Thông tin kháng chiến (ở Kiev), kế hoạch này nhằm sáp nhập các lực lượng quân sự ly khai Ukraine vào quân đội Nga.
Tổ chức này gọi đó là “chương trình thống nhất” do Nga điều phối, và ước tính sẽ có khoảng từ 24.000-27.000 tay súng sẽ tham gia cuộc tái cơ cấu quân đội Nga. 
Họ cũng cho rằng có hơn một nửa số quân tiếp tục chiến đấu chống quân Ukraine này là “lính đánh thuê Nga” với khoảng 14.000-15.000 lính Nga trong hàng ngũ quân ly khai.
Ngày 3.11, người phát ngôn Andriy Lysenko của Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine xác nhận: Nga ngày càng công khai ủng hộ quân ly khai ở miền đông:
“Mức tăng mãnh liệt số quân và khí tài quân sự Nga ở khu vực do ly khai kiểm soát vẫn không giảm. Chúng tôi đã có sự xác nhận rằng lính Nga đang hiện diện ở Donetsk và Luhansk”.
Lysenko còn nói quân Nga ở đông Ukraine nay “thậm chí chẳng thèm che giấu sự hiện diện của họ”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov luôn bác bỏ sự cáo buộc của Kiev và phương Tây rằng Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Ukraine.
Hồi tháng 10, ông Putin tuyên bố tại một diễn đàn của các chuyên gia phân tích chính trị, rằng các cáo buộc Nga can thiệp vũ trang vào Ukraine là “vô căn cứ”.
Theo báo Bưu điện Kiev, sau khi Ukraine bắt 3 lính Nga hồi mùa hè, thủ lĩnh ly khai Alexander Zaharchenko của Cộng hòa nhân dân Donetsk nói với báo chí, rằng thực tế có lính Nga hỗ trợ nhóm quân của ông. Nhưng đó là những tình nguyện quân, không theo lệnh của Moscow.
Tuy nhiên, theo Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine, Nga cũng đã tăng cường vi phạm không phận quân sự Ukraine những 4 lần sau cuộc tự bầu cử ở miền đông Ukraine.
Hồi tháng 3, Nga từng sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý nhưng EU và Mỹ không công nhận.
Crimea hiện đã có hơi thở cuộc sống Nga, gồm việc đóng thuế cho ngành thuế Nga, an ninh Nga lo gìn giữ trị an, thậm chí có đội bóng Crimea tham dự giải vô địch bóng đá Nga.
Tuần trước, Nga đã công nhận kết quả bầu cử quốc hội Ukraine, với các đảng thân phương tây thắng lớn. Ủy ban bầu cử Ukraine nêu đa phần vùng ly khai không tham dự cuộc bầu cử này.
Nhưng theo số liệu của các nước cộng hòa tự phong, Donetsk có hơn 1 triệu người đi bỏ phiếu ở cuộc tự bầu cử và 1,5 triệu cử tri ở Luhanks. Tổng số dân cư ở hai vùng này là hơn 5 triệu người. 
Trần Trí (theo Newsweek, Bưu điện Kiev)