Trang

2 tháng 10, 2014

Tri kỷ ở đâu?


Phải tìm thấy chính bản thân mình thì mới tìm được người tình, người bạn tri kỷ!
Phạm Hải

Trò mong gì ở thầy cô?

Trong cuộc khảo sát do chúng tôi thực hiện tại một số trường THPT ở TPHCM, hầu hết học sinh đều cho rằng tính cách của thầy cô là nguồn cảm hứng, tác động lớn nhất đến việc học của các em.

Mỗi khi bước vào lớp, thầy cô giáo thường kiểm tra học sinh về việc chuẩn bị bài học mà ít khi để ý xem học sinh mong muốn gì ở thầy cô? Trạng thái tâm lý của các em đang như thế nào? Chúng tôi vừa làm một cuộc khảo sát với học sinh THPT tại một số trường ở TPHCM gồm Lê Hồng Phong, Marie Curie, Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân và thật bất ngờ trước những điều các em bày tỏ.
Khó tính nhưng đừng cáu gắt
Với câu hỏi “Những yếu tố nào làm cho em yêu thích một môn học nào đó?”, hầu hết học sinh đưa ra những lý do: năng lực học tập đối với môn học, truyền thống gia đình, ý thức và mục đích học tập, ảnh hưởng từ bạn bè, tính chất bộ môn và tính cách của thầy cô. Đặc biệt, nhiều em thổ lộ tính cách của thầy cô là yếu tố quyết định nhiều nhất. Các em đều có chung kết luận thầy cô giáo là nguồn cảm hứng quyết định. Em N.B.T, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, mong muốn: “Thầy cô phải là người hiểu tâm lý học sinh. Trình bày bài giảng một cách ngắn gọn, súc tích để bài học dễ đi sâu vào trí nhớ, không tốn nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn hiệu quả”.
Trò mong gì ở thầy cô?
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hào hứng trong một giờ học liên hệ thực tế. (Ảnh: Thiên Hoàng)
Giữa một cô giáo trẻ vui tính và cô giáo lớn tuổi dạy hay nhưng khó tính em sẽ lựa chọn thế nào? Với câu hỏi này, đa số học sinh thiên về cô giáo trẻ vui tính. Một số em đưa ra lựa chọn rất khôn ngoan: “Em sẽ lựa chọn theo từng giai đoạn, nếu là lớp 10 và lớp 11, em chọn cô giáo trẻ vui tính để có tâm lý thoải mái. Còn lớp 12, em sẽ chọn cô giáo lớn tuổi dạy hay vì kinh nghiệm và sự khắt khe của cô giúp em học tập tốt hơn để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp và ĐH” - N.N.H, Trường THPT Marie Curie, chia sẻ. Một số em chấp nhận thầy cô giáo khó tính “nhưng đừng cáu gắt, tạo không khí nặng nề làm cho học sinh sợ đến mức chán môn học” như mong muốn của V.M.T, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. 100% các em đều có chung mong mỏi: “Nếu thầy cô vừa dạy hay vừa vui tính thì tốt quá”.
Thầy cô cho điểm dễ, đó có phải là yếu tố làm em yêu thích bộ môn? Với câu hỏi này, đa số đều cho rằng thầy cô cho điểm dễ là yếu tố quan trọng khiến các em yêu mến thầy cô và là tiêu chí chọn môn học của học sinh. Nhưng cũng có một số em đưa ra ý kiến ngược lại. Em N.T.A, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nêu ý kiến sâu sắc đến bất ngờ: “Học không phải vì điểm số nhưng thực tế không một học sinh nào còn đam mê lớn vào bộ môn khi nhiều lần bị điểm thấp và khi thầy cô cho điểm quá khó. Dẫu sao chúng em cũng phải chịu áp lực điểm số từ phía gia đình nhưng cũng không muốn phải học theo kiểu cày cuốc để kiếm điểm”.
Dạy để hiểu, không phải để “cháy” giáo án
Thầy cô có thể giảng dạy thêm các vấn đề ngoài sách giáo khoa và có thể trả lời những câu hỏi khó mà học sinh thắc mắc; dạy hay dễ hiểu, gắn với thực tế, vui tính hòa đồng, có biện pháp giúp học sinh đỡ nhàm chán trong tiết dạy; bài tập giao phải vừa sức; tôn trọng suy nghĩ của học sinh, quan tâm đến việc học sinh hiểu bài hơn là “cháy” giáo án... Đó là mong muốn của rất nhiều học sinh khi được hỏi: “Nếu có quyền lựa chọn, em sẽ lựa chọn thầy cô với tiêu chuẩn như thế nào? Tiêu chuẩn nào là quan trọng nhất?”.
Khi đưa ra tiêu chuẩn về phong cách và phương pháp giảng bài, em N.T.A, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thể hiện quan điểm một cách sinh động: “Em thích thầy cô có phong thái dạy học nghiêm túc nhưng phải vui để tạo cho học sinh sự năng động chứ không phải bạo động và cũng không để học sinh quá thụ động”. Phần lớn các em đều mong muốn thầy cô là người tâm lý, hòa đồng vui vẻ, hiểu được học sinh mình muốn nói gì để đạt được hiệu quả tương tác giữa giáo viên và học sinh ở mức độ cao nhất. Ý kiến trùng khớp nhất ở câu này là học sinh mong muốn thầy cô tận tâm với nghề, với học sinh.
Nếu em là thầy cô, em sẽ làm gì để cho học sinh yêu thích bộ môn? Với câu hỏi này, hầu hết học sinh tha thiết được thầy cô giải thích sự cần thiết của bộ môn khi bắt đầu tiếp xúc với môn học. Tại sao phải học nó? Nó giúp ích gì? Những yếu tố cần thiết để học tốt bộ môn đó? Mong thầy cô luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy hay hơn, giúp đỡ học sinh tiếp cận với bài học một cách dễ dàng nhất, bài kiểm tra vừa sức và đủ để phân loại. “Rất mong thầy cô và nhà trường tạo điều kiện để học sinh có thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, giải trí. Đừng biến mỗi ngày đến trường là một ngày vui thành mỗi ngày đến trường là một ngày áp lực” - V.V.Th, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, mong mỏi.
Nhiều gửi gắm, kỳ vọng
Qua 150 bài khảo sát, chúng tôi thấy dù có sự chênh lệch về sức học nhưng sự mong muốn của các em về thầy cô đều giống nhau. Học trò thông minh, nhìn nhận vấn đề sắc bén, các em gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều ở thầy cô của mình. Có thể những điều các em mong muốn, thầy cô đã làm nhưng chưa hoàn thiện. Rất mong đội ngũ thầy cô giáo ngày càng đáp ứng được nguyện vọng của các em.

Hoàng Thị Thu Hiền
(Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM)
Theo Người Lao Động

Tình hình Ukraine: Ăn miếng trả miếng

(Tin tức 24h) - Nga bị tố vẫn duy trì hàng trăm binh sĩ trong lãnh thổ Ukraine, EU giữ nguyên lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Ăn miếng trả miếng
Ngày 30/9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết hàng trăm binh sĩ Nga vẫn ở bên trong lãnh thổ Ukraine cho dù Mátxcơva đã rút "đáng kể" lực lượng sau khi Kiev và lực lượng ly khai ủng hộ Nga nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn hồi đầu tháng 9.
Phát ngôn viên NATO Jay Janzen khẳng định rằng sau đợt rút quân đó, hàng trăm lính Nga, kể cả các lực lượng đặc nhiệm, vẫn ở bên trong lãnh thổ Ukraine. Ông Janzen nói thêm rằng trong tuần qua Nga không rút thêm binh sĩ nào và vẫn triển khai khoảng 20.000 quân gần biên giới Ukraine.
Một binh sĩ Ukraine tuần tra trên con đường gần thành phố Donetsk
Một binh sĩ Ukraine tuần tra trên con đường gần thành phố Donetsk
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine cáo buộc rằng, tính tới ngày 18/9, trên địa bàn vùng Donbass, có khoảng 5.000 binh sĩ và hơn 15.000 lính đánh thuê từ Nga.
Trong một động thái khiến phương Tây chú ý, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh tổng động viên quân đội với mục tiêu huy động khoảng 154.000 nam công dân nhập ngũ.
“Các nam công dân Nga nằm trong độ tuổi từ 18- 27 sẽ là những đối tượng trong đợt tổng động viên kéo dài từ ngày 1/10 – 31/12/2014 với mục tiêu cuối cùng là huy động khoảng 154.100 người nhập ngũ”, trích một phần sắc lệnh.
Đáp lại, Liên minh châu Âu ngày 30/9 đã quyết định giữ nguyên gói trừng phạt cứng rắn đối với Nga vì lý do kế hoạch hòa bình ở Ukraine chưa được thực hiện đầy đủ.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga có thể được điều chỉnh, ngừng, thậm chí bãi bỏ hoàn toàn, phụ thuộc vào tình hình an ninh tại các tỉnh miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu cho rằng, tại thời điểm này vẫn chưa thể nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Lệnh trừng phạt do Ủy ban châu Âu đề xuất và thông qua hôm 5/9 vừa qua nhằm siết chặt thêm gói các biện pháp đã được Liên minh châu Âu thông qua cuối tháng 7 nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và các công nghệ nhạy cảm của Nga.
Trong một động thái được cho là trả đũa, các nghị sĩ Thượng viện Nga ngày 30/9 đã ngừng mọi liên lạc liên Quốc hội với các nước ủng hộ trừng phạt Nga. Trong tháng 10, quốc hội Nga có 19 chuyến thăm nước ngoài theo lịch. Nga đồng thời cũng cảnh báo, Liên minh châu Âu có khả năng mất hàng trăm tỷ USD và hàng ngàn việc làm do các biện pháp trừng phạt qua lại với Nga.
Cuộc chiến pháp lý leo thang
Căng thẳng giữa Nga-Ukraine tiếp tục leo thang khi hai nước tuyên bố đang mở các cuộc điều tra hình sự nhằm vào các quan chức của nhau.
Ngày 29/9, Nga đã mở một vụ án hình sự về cái mà nước này gọi là hành vi diệt chủng của chính quyền Kiev đối với cộng đồng người nói tiếng Nga tại miền Đông Ukraine.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc quyền của Tổng thống cho biết, những cư dân nói tiếng Nga là mục tiêu của quân đội Ukraine khi lực lượng này sử dụng các vũ khí hạng nặng, khiến hơn 2.500 người tại Lugansk và Donetsk thiệt mạng.
Ngay sau đó, các công tố viên Ukraine tuyên bố mở cuộc điều tra hình sự đối với các quan chức Ủy ban điều tra Liên bang Nga với cáo buộc Nga gây căng thẳng khi vi phạm các điều khoản trong lệnh ngừng bắn.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/9, Thủ tướng Ukraine Yatseniuk tuyên bố: “Nga đã ký tất cả 12 điều khoản trong lệnh ngừng bắn tại Minsk trong đó có điều khoản là không được nổ súng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga đã cho thấy có một khoảng cách khá xa từ lời nói đến hành động. Theo tôi, Nga thiếu thiện chí để giải quyết xung đột”.
An Nhiên (Tổng hợp)

Chiếc iPhone 6 và Phật giáo Việt Nam

BTTD: Sống lương thiện đã là tu nhân, tích đức rồi.

Hà Mi

  • 2 tháng 10 2014

Chiếc Iphone 6 và tượng Phật tại Chùa Bái Đính (ảnh minh họa)

Có lẽ ít người nghĩ lại có mối liên hệ trực tiếp giữa chiếc iPhone 6 và Phật giáo Việt Nam nếu không có những bức ảnh tự đăng trên Facebook của sư thầy Thích Thanh Cường chụp với chiếc điện thoại iPhone 6 và sau đó là điện thoại Vertu có giá trị trên 600 triệu đồng.
Vụ việc đã gây xôn xao dư luận về hình ảnh của giới tăng ni và hiện trạng Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
Trả lời BBC Việt Ngữ, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), cho biết việc đại đức Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, Hải Dương đưa những bức ảnh đó lên Facebook là đi ngược lại đường lối tu hành hiện nay của Phật giáo Việt Nam.
Việc làm này đã bị nhiều người lên tiếng phê phán và nó làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông nói.
Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói thêm:
"Suy nghĩ và hành động của thầy Cường không đại diện cho đường lối tu hành ở Việt Nam, vì thế chính các tăng ni Phật tử cũng đã có phản ứng.”
Được biết Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Dương nay đã quyết định sẽ bãi miễn cương vị Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Tứ Kỳ nhưng tiếp tục để Đại đức Thích Thanh Cường giữ chức trụ trì chùa Cương Xá.
"Vụ việc này cũng là một lời cảnh báo đối với Giáo hội của chúng tôi trước một hiện tượng xã hội mà chúng ta cũng cần đề cập đến," Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

'Hình ảnh tăng ni bị méo mó'


Mái chùa Túy Vân Sơn (hình minh họa)

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện thì thầy Thích Thanh Cường không phải là chủ nhân của những chiếc điện thoại đắt tiền đó, hay không đi ô tô sang trọng nhưng ý kiến một vài Phật tử khi được hỏi về vụ việc vẫn có ý phê phán.
Họ không phản đối các tăng ni sử dụng các phương tiện tân tiến trong một xã hội hiện đại, nhưng việc một người tu hành dường như khoe khoang các vật dụng xa xỉ đi ngược với giáo lý của Đạo Phật, đó là không màng tới của cải vật chất.
Chính điều đó đã gây phản cảm trong công luận và khiến nhiều người đặt câu hỏi về giới tăng ni Việt Nam thời hiện đại.
Một nhà nghiên cứu văn hóa có tiếng tại Việt Nam nói với BBC Việt Ngữ với điều kiện ẩn danh rằng người chân tu ở Việt Nam có lẽ còn rất ít và liệu có thể giữ gìn được tinh thần của Đạo Phật hay không là điều đáng lo ngại nhất hiện nay.
Theo ông, các sư sãi ngày nay "trình độ thì không có và hình ảnh nhà sư nói chung đã bị méo mó mất rồi".
Ông giải thích đó là vì "ai muốn vào chùa cũng được, ai muốn mở chùa cũng được", và "thậm chí sư thành cái nghề, có trường hợp thanh niên 18-20 tuổi không có nghề thì vào chùa đi tu", và như vậy đã làm mất hết ý nghĩa của người tu hành, của Đạo Phật.
Ý kiến này cũng được một học giả chuyên nghiên cứu về tôn giáo tại Việt Nam đồng tình.
Theo nhà nghiên cứu tôn giáo thì "tại Việt Nam hiện nay, phẩm chất Phật giáo trong một bộ phận nào đó đã đánh mất niềm tin của quần chúng”.
Nó khiến người dân đặt câu hỏi liệu có phải họ thực sự đang tu thân không, hay “việc tu hành được dùng làm phương tiện để đạt được những điều mà họ mong muốn. Và đó là một điều rất dở," ông nói.

Khác biệt Nam Bắc


Tượng các vị La Hán, chùa Mía, Hà Tây

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng có sự khác biệt giữa Phật giáo ở miền Nam và ở miền Bắc.
Ông cho biết trên phương diện tu hành thì "Phật giáo miền Nam có khá hơn so với miền Bắc".
Theo ông, “một bộ phận của Phật giáo miền Bắc thực sự không tu hành mà sống cuộc sống nhiều khi còn thô tục hơn cả đời thường.”


Trong con mắt của người dân thì niềm tin, sự tín nhiệm đối với Phật giáo đã mất đi rất nhiều, ông nói.
Tuy không phải không còn những người chân tu ở miền Bắc, và một số ít chùa vẫn giữ được nếp xưa, nhưng tình trạng dung tục hóa do đời sống trần tục thì ở miền Bắc thể hiện rõ hơn.
Ông cho biết đã từng sống với một số trong giới tăng lữ ở phía Nam và thấy rằng ở một số nơi họ vẫn còn giữ được nền nếp của Đạo Phật.
"Ngoài Bắc, ở chùa chiền tại các làng đơn lẻ, có thể nói là thực sự không có ai kiểm soát, muốn làm gì thì làm, và nhiều người dân nay bắt đầu kêu về tình trạng các vị sư tại các chùa này sống trần tục quá.
"Họ đã lợi dụng lòng tin của dân và khía cạnh trục lợi thấy rõ hơn ở miền Bắc. Còn ở miền Nam, tuy có những nơi cũng bị biến dạng, nhưng không khí tu hành còn thể hiện tương đối rõ," nhà nghiên cứu về tôn giáo nói.
Tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Văn Huy từ Paris chia sẻ nhận định này.
“Do thiếu sách báo viết về Phật học, trình độ thuyết pháp của những vị sư ở thành thị và thôn quê rất là chênh lệch và nghi thức phụng pháp giữa hai vùng cũng hoàn toàn khác nhau,” tiến sĩ Nguyễn Văn Huy viết trong bài “ Phật giáo Việt Nam và hai giáo hội”.
Khi được hỏi nguyên nhân của sự khác biệt này, nhà nghiên cứu tôn giáo nói: "Có rất nhiều căn nguyên. Có căn nguyên về đời sống, căn nguyên về thái độ chính trị của họ."
Và đây cũng là điều nhà văn hóa từ Hà Nội có chung quan điểm.
Cả hai ông cho rằng Đạo Phật ở Việt Nam đã bị chính trị hóa và đây cũng là điều những người trong giới nghiên cứu muốn nhắc nhở các chính trị gia về "xu hướng rất đáng lo" này, vì "nó làm mất đi cái đẹp thực sự của Phật giáo trước đây”.

Quản lý và Minh bạch


Hòm công đức
Những vụ việc liên quan tới tăng ni như vụ việc tại Chùa Bồ Đề khiến Phật tử đặt câu hỏi về việc sử dụng tiền công đức

Thêm vào đó, hai ông cùng có chung nhận xét rằng ngoài chuyện một số người trục lợi về mặt tiền bạc thì còn có tình trạng trục lợi về cả những phương diện khác, và cho rằng “đây là một xu hướng thiếu lành mạnh".
Trong bối cảnh việc đi lễ chùa chiền ngày một phát triển, con số người đi lễ nhiều hơn rất nhiều so với những năm trước đây, tiền công đức của các Phật tử cúng vào chùa tăng lên đáng kể, nó đã đặt ra câu hỏi liệu việc quản lý chi tiêu cho các sinh hoạt hàng ngày của sư sãi trong chùa và cho việc xây dựng Tam bảo, làm từ thiện đang được quản lý như thế nào.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết “hiện chưa có những quy định rõ ràng phải công khai, khai báo về tiền công đức”, tuy nhiên ở tất cả các chùa Việt Nam, các cộng đồng xã hội, tức là các Phật tử địa phương tham gia quản lý và “việc thu nhập hay chi tiêu được thể hiện rõ ràng và công khai."
Thế nhưng vụ việc tại chùa Bồ Đề mới đây đã khiến dư luận đặt câu hỏi liệu việc giám sát của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các hoạt động của các chùa và tăng ni ở Việt Nam ra sao.
Khi được hỏi về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói: "Qua vụ việc ở chùa Bồ Đề, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nhận thấy việc quản lý lỏng lẻo ở các cơ sở từ thiện xã hội.
“Trình độ quản lý của các nhà sư còn hạn chế nên để xảy ra hiện tượng chính những người được nhà chùa cưu mang làm ảnh hưởng."
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn "duy trì hình ảnh các tăng ni với những chiếc áo nâu sồng hay áo vàng thanh bạch, không màng tới đời sống vật chật trong bối cảnh xã hội phát triển ngày một hiện đại và đời sống ngày càng cao hơn".
Để thực hiện điều đó, GHPGVN đã có quy định về nội quy của Ban Tăng sự để quản lý tăng ni trong toàn quốc.
"Hòa nhập chứ không hòa tan và vẫn phải giữ cốt cách của đạo, giữ được sự thanh bạch trước xã hội vật chất vì trong đạo Phật vật chất chỉ là phương tiện thôi," Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

'Thiếu cơ quan lãnh đạo toàn quốc'


Chùa Quán Sứ
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trụ sở tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội

Tuy nhiên theo cả nhà văn hóa và nhà nghiên cứu về tôn giáo không muốn được nêu tên thì những người có vai trò lãnh đạo trong các tổ chức Phật giáo cũng biết về tình trạng Phật giáo Việt Nam hiện nay nhưng “họ cũng không thể làm gì được.
Cả hai ông cho rằng bên Phật giáo có phần nào không được “nghiêm khắc và có trên có dưới” như bên Thiên Chúa giáo và nhìn chung Phật giáo Việt Nam khá phức tạp.
Một thực tế là ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có trụ sở tại Hà Nội và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì còn có một tổ chức Phật giáo khác ở phía Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), không chịu sự quản lý của GHPGVN và hiện chưa được nhà nước Việt Nam công nhận.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy thì ở Việt Nam hiện nay thiếu một cơ quan lãnh đạo Phật giáo toàn quốc.
Chính vì “không có một cơ quan Phật học chủ đạo để đào tạo giới tăng lữ nên ai cũng có quyền đi tu và có thể trở thành tăng sĩ, tăng sĩ nào có công xây chùa thì được trụ trì tại chùa đó,” tiến sĩ Nguyễn Văn Huy viết.
Các học giả cho rằng ở Việt Nam có tình trạng là trong rất nhiều lĩnh vực, giới lãnh đạo cũng đều nhìn thấy vấn đề, nhưng họ không tìm được cách khắc phục và điều đó khiến nó trở thành “gần như một sự bế tắc và bất lực”, nhà nghiên cứu tôn giáo kết luận.

Hong Kong ra chiến lược đối phó biểu tình

Trưởng khu đặc chính Hong Kong Lương Chấn Anh và đội ngũ cố vấn, với sự ủng hộ của các lãnh đạo TQ, đã quyết định chiến lược tốt nhất hiện nay là chờ đợi.

Hong Kong, biểu tình, TQ
Người biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: Reuters
Ngày 2/10, Nhân dân Nhật báo TQ đã đưa ra lời cảnh báo khá mạnh từ Bắc Kinh với người biểu tình. Báo này nói rằng, Hong Kong có thể lâm vào cảnh "hỗn loạn". Trên trang nhất, tờ báo cáo buộc phong trào Occupy Central là "vi phạm" luật pháp của thành phố.
“Những hành động của ‘Occupy Central’ rõ ràng vi phạm luật pháp và quy định của Hong Kong, làm giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng và đảo lộn trật tự xã hội", bài báo viết.
Trưởng khu đặc chính Hong Kong Lương Chấn Anh và đội ngũ cố vấn, với sự ủng hộ của các lãnh đạo TQ, đã quyết định chiến lược tốt nhất hiện nay là chờ đợi và hy vọng rằng, sự đảo lộn và gián đoạn cuộc sống hàng ngày sẽ đảo lộn quan điểm của người dân địa phương, khiến họ quay sang phản đối người biểu tình.
Theo một nguồn tin, ông Lương Chấn Anh và các cố vấn không có kế hoạch sử dụng vũ lực để giải tán biểu tình, nhưng họ cũng sẽ không đàm phán với các nhà lãnh đạo biểu tình hiện tại. Cũng chưa có bất kỳ cuộc thảo luận chính thức nào về khả năng ông Lương sẽ từ chức - điều mà hàng chục nghìn người biểu tình yêu cầu.
Giới chức Hong Kong đưa ra kết luận rằng, sẽ vô ích khi ông Lương Chấn Anh ngồi thương thảo với các lãnh đạo biểu tình. “Chính quyền có thể chịu đựng được sự phong tỏa 3, 4 hay 5 khu vực và chứng kiến diễn biến biểu tình. Cách duy nhất là để người biểu tình có thể làm leo thang - như lan rộng ra nhiều nơi hơn - và sau đó họ không thể duy trì điều đó...", một người liên quan tới việc hoạch định chính sách tại Hong Kong nói.
Theo một cố vấn cho chính quyền Hong Kong thì các quan chức tin rằng, ông Lương có thể "chờ thời". "Có sự đồng thuận cao là chờ đợi và kiên nhẫn xử lý khủng hoảng. Nó không dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực tốt nhất để giải quyết tình thế một cách hòa bình", vị cố vấn nói.
Chiến lược này rủi ro ở chỗ, nó sẽ làm giảm uy quyền của nhà chức trách, để người biểu tình có thể dẫn dắt các diễn biến. Với TQ, những cuộc biểu tình kéo dài có thể truyền cảm hứng tới đại lục.
Với nhà chức trách Hong Kong, rủi ro là hình ảnh thành phố - một trung tâm tài chính ổn định - sẽ bị tổn hại và chính hành động của chính phủ - chứ không phải người biểu tình - sẽ bị đổ lỗi cho mọi gián đoạn kinh tế, xã hội.
Các nhà lãnh đạo biểu tình ở Hong Kong tuyên bố rằng, họ sẽ tiếp tục theo đuổi tôn chỉ bất bạo động. Bạo lực sẽ mang lại rủi ro cho cả hai phía, người biểu tình cũng như cảnh sát. Khi cảnh sát dùng hơi cay đối phó với người biểu tình hôm chủ nhật, họ đã khiến sự tức giận lan rộng và thêm nhiều người đổ xuống đường hôm thứ hai. Sau khi cảnh sát rút phần lớn lực lượng khỏi khu vực thương mại, sự phẫn nộ đã giảm dần.
Chiến lược chờ đợi dường như có sự ủng hộ của các ông trùm với ảnh hưởng lớn ở đặc khu. Niềm hy vọng của giới chức Hong Kong và Bắc Kinh là, áp lực kinh tế sẽ khiến các chủ doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu quay lại phản đối người biểu tình. Họ hy vọng người dân sẽ coi người biểu tình gây ra phiền hà chứ không phải những anh hùng đấu tranh cho dân chủ.
Tổng thống Mỹ Obama và cố vấn an ninh quốc gia Susan E. Rice đã đề cập tới việc biểu tình trong cuộc gặp tại Nhà Trắng với Ngoại trưởng TQ Vương Nghị. Nhà Trắng cho hay, ông Obama và bà Rice nói với ông Vương rằng, họ đang theo sát tình hình và "thể hiện sự hy vọng những khác biệt, bất đồng giữa giới chức Hong Kong với người biểu tình sẽ được giải quyết một cách hòa bình".
Thái An (theo Nytimes) 

Cái xấu sinh sôi buộc người ta phải sống vô cảm?


Đăng Bởi  - 
Cái xấu sinh sôi buộc người ta phải sống vô cảm?
Nếu cái xấu, giả dối, vụ lợi, tham lam vẫn được dung dưỡng rồi sinh sôi nảy nở trong đời sống xã hội, nhiều người sẽ buộc phải chọn cách sống vô cảm như một kỹ năng để… tồn tại?!
1. Chúng ta không ít lần phê phán thói vô cảm trong đời sống cộng đồng. Nhiều người dửng dưng, thờ ơ, không thấy thương cảm, bức xúc trước khó khăn, nguy khốn của người khác.
Nhiều người quay mặt đi khi ai đó cần sự trợ giúp, hỗ trợ, hay tảng lờ khi nhìn thấy những hành động sai trái, trộm cắp, thậm chí cướp giật trên đường…Tất cả chỉ vì họ sợ phiền toái, ngại mất thời gian, lo sợ bị vạ lây.
Mới đây nhất, báo chí và cư dân mạng cũng đăng tải một câu chuyện thương tâm về cái chết của cả 4 người trên chiếc xe hơi do một tai nạn trên QL62 thuộc địa bàn xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, Long An).
Điều đau lòng là ở chỗ đáng lẽ 4 người này sẽ không chết nếu như người ta không vô cảm trước khó khăn của người xunh quanh. 5h sáng, sau khi nghe tiếng động mạnh, những người dân quanh khu vực xảy ra tai nạn thấy một chiếc xe hơi bị lật úp xuống ao và đang từ từ chìm dần.
Họ vẫn nghe thấy tiếng người bên trong kêu cứu nhưng dẫu có lội xuống ao, họ cũng không sao mở được cửa xe để cứu người.
Họ vội chạy lên đường vẫy cầu cứu những chiếc xe đi đường, nhưng đổi lại 2 chiếc xe khách đi qua, từ từ đi chậm lại rồi vọt đi thẳng.
Chỉ mãi sau mới có một chiếc xe khác chạy qua và người tài xế đã vội vàng vác ống sắt đập phá cửa chiếc xe bị nạn, nhưng mọi việc đã quá muộn...
Trước đó, là vụ tai nạn xe khách giường nằm của hãng xe Sao Việt tại Lào Cai. Bên cạnh những hành động dũng cảm cứu giúp người bị nạn, thì dư luận càng thêm phẫn nộ với những kẻ táng tận lương tâm lợi dụng vụ tai nạn, dẫm đạp lên nỗi đau của người khác để trục lợi. 
Dưới vực sâu thẳm, giữa ngổn ngang tang thương, có kẻ đang tâm bước qua những lời van xin của người bị nạn, nhanh tay “hôi của”, lục tìm những đồ đạc, tư trang của họ.
Một số nạn nhân sau đó phải mang tiền đi chuộc lại  điện thoại, đồ đạc của người thân đã không may qua đời trong vụ tai nạn kinh hoàng đêm đó.
Vụ việc này làm cho chúng ta xót xa về lòng tự trọng, về tình yêu thương đồng loại. Sự thờ ơ, vô cảm đến mất hết tính người trong những trường hợp như thế chính là tội ác.
Tội ác này có thể pháp luật không định danh nhưng lương tâm và lòng người sẽ lên án.

Điều đau lòng là ở chỗ đáng lẽ 4 người này sẽ không chết nếu như người ta không vô cảm trước khó khăn của người xunh quanh- Ảnh TL
2. Tôi còn nhớ lần bị mất xe đạp cũng vậy! Tôi dừng lại ghé mua một chiếc cặp tóc nên dựng xe ở vỉa hè ngay tủ kính bày hàng. Khi kẻ trộm nhảy lên chiếc xe của tôi phóng mất.
Nhìn thấy kẻ lấy trộm xe của mình lao trên đường, tôi cuống cuồng chặn vẫy những chiếc xe máy chạy qua để mong họ cho đi nhờ đuổi theo kẻ ăn trộm. Nhưng rồi kẻ trộm ngày càng xa mà tôi thì chẳng được một ai cho đi nhờ…
Mới đây thôi, con trai tôi học lớp 10, trên đường đi học bằng chiếc xe đạp điện cũng bị 3 cậu thanh niên đòi đi nhờ và định cướp chiếc xe của cháu. Vì không đồng ý, con trai tôi đã bị 3 cậu thanh niên đánh bầm dập mặt mày, trong khi đó người đi đường thờ ơ đi qua.
Bị đánh đau nhưng cu cậu vẫn cố giữ chiếc xe và phóng thật nhanh vào một khu dân cư. Thế nhưng, tình thế cũng không khá lên mấy, không một ai giúp con trai tôi.
Có người vô tâm không cần biết lý do quát đổng lên: “Tụi bay không được đánh nhau ở đây” rồi bỏ đi. Thấy tình thế như vậy, con trai tôi đành chạy bừa vào sân một nhà dân và may mắn thoát nạn.
Câu chuyện của con trai tôi, có lẽ bạn cũng có thể hàng ngày, hàng giờ thấy trên đường. Nhiều người đều nghĩ không phải chuyện của mình, hoặc tránh xa vì sợ biết đâu “không phải đầu, cũng phải tai”, để rồi thờ ơ đi qua.
Có khi nào chúng ta tự hỏi, có một lúc nào đó những nạn nhân đó lại chính là người thân, là bạn bè của mình thì sao?

Muốn có được xã hội tốt đẹp đó cần rất nhiều thứ nuôi dưỡng niềm tin trong con người- Ảnh minh họa 
3. Hàng ngày, bạn có thể bỏ ra dăm, bảy ngàn bố thí cho những người ăn xin, hay làm phúc cho những mảnh đời bất hạnh. Thế rồi một ngày kia bạn phát hiện ra kẻ ăn xin đó đâu phải khốn khó gì, chỉ là đội lốt, giả vờ, hay mảnh đời ấy thực ra không hẳn đã bất hạnh, mà chỉ là diễn kịch. Tất nhiên bạn sẽ cảm thấy bực tức, phẫn nộ và quan trọng hơn bạn đã mất lòng tin.
Ở ngã tư nọ, cứ chiều chiều lại thấy một người mẹ trẻ bồng đứa con nhỏ oặt ẹo đói khát ngửa tay xin ăn, xin tiền để mua sữa cho đứa bé đang đói lả. Hình ảnh đó rất dễ nhận được sự thương cảm của người khác. Và bằng cách đó, “mẹ con họ” dễ dàng có thu nhập đều đặn qua một thời gian dài.
Thế nhưng, 2-3 năm trôi qua, đứa trẻ đó không hiểu sao chẳng lớn, cứ vẫn ẵm ngửa trên tay người phụ nữ đáng tội nghiệp kia?
Và nữa, không ít lần người ta bắt gặp những người tàn tật ăn xin, hành khất đáng thương hôm nào, bỗng một ngày đẹp trời lại đi lại bình thường, thậm chí “chém gió” nhậu nhẹt ở đâu đó rất…hoành tráng!?
Câu chuyện gần đây của cư dân mạng chia sẻ về “vở kịch” diễn xuất rất đạt của một nhóm người ngay trên đường phố Hà Nội càng khiến niềm tin, lòng trắc ẩn của con người bị tổn thương ghê gớm.
“Nhân vật chính” của vở kịch bỗng dưng ngất xỉu trên phố, ngay lập tức 2 người tốt xuất hiện vội vàng đến hỏi han, giúp đỡ. Và kịch bản là nhân vật chính kia có con đang nằm viện mà không có tiền, anh ta đã phải vét những đồng xu cuối cùng mua thuốc, nộp viện phí cho con nên đành phải nhịn ăn đến đói lả và ngất ra đường.
Cảm thông, chia sẻ, 2 người tốt này lập tức móc ví, người thì 200 ngàn, kẻ thì 100 ngàn giúp đỡ nhân vật chính. Đám đông vây quanh cũng động lòng trắc ẩn, mỗi người góp một chút, chẳng mấy cũng được một khoản không nhỏ.
Đúng lúc ấy, cô bán hàng rong đi qua nhìn thấy buột miệng: “Ơ chú này vừa ngất ở đằng kia bây giờ lại ngất tiếp ở đây à? Lại là hai cậu này đỡ dậy à?” 
Đoàn kịch đang kiếm khá, bị phá bĩnh liền nổi đóa: “Con kia, việc của mày à? Có muốn ăn đòn không?” Vậy là cô gái đành bơ đi im bặt.
Đám đông còn lại lơ ngơ, hiểu ra chuyện thì nhóm diễn viên đã mất hút không thấy  đâu. Biết bị lừa, một vài người tặc lưỡi bỏ đi, số khác văng tục vài câu cho bõ tức.
Mất tiền, bực bội, chửi thề…nhưng rồi nhiều người cũng nhanh chóng quên đi câu chuyện này. Song điều nguy hiểm hơn là con người ta không còn biết tin vào điều gì nữa khi thật giả, trắng đen lẫn lộn.
Giả sử gặp lại tình cảnh tương tự liệu còn ai dừng lại, ra tay giúp đỡ không? Và chúng ta bỗng chợt giật mình, nếu có người thật sự cần giúp đỡ, người thân, bạn bè của chính mình bị ngất xỉu, hay gặp nạn trên đường thì sẽ thế nào?

Nếu có người thật sự cần giúp đỡ trên đường thì sẽ thế nào?- Ảnh minh họa
Khách quan mà nói, không phải chúng ta thiếu đi lòng tốt, cũng không phải con người muốn đối xử với nhau không có tình. 
Ai cũng muốn được sống trong một môi trường trong lành, nơi con người cư xử thân ái với nhau, sự tử tế được đền đáp chứ không phải càng tử tế càng thiệt thòi, dễ bị lừa phỉnh, qua mặt hay bị vạ lây.
Muốn có được xã hội tốt đẹp đó cần rất nhiều thứ nuôi dưỡng niềm tin trong con người. Nhưng nếu như cái xấu, sự giả dối, những vụ lợi, bon chen, tham lam vẫn được dung dưỡng để lấn át, rồi sinh sôi nảy nở đầy rẫy trong đời sống xã hội thì nhiều người sẽ buộc phải chọn cho mình biện pháp an toàn là sống vô cảm như một kỹ năng để… tồn tại!?.
Theo Tuyết Yến ( VOV.VN)

Mỹ dỡ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương với VN

Mỹ hôm qua dỡ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm giúp Hà Nội thúc đẩy an ninh hàng hải, một động thái có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm chiến tranh kết thúc. 
Một chiếc máy bay giám sát P-3 Orion, loại máy bay mà Washington có thể sẽ bán cho Hà Nội. Ảnh:  Aviation Spectator.
Một chiếc máy bay giám sát P-3 Orion, loại máy bay mà Washington có thể sẽ bán cho Hà Nội. Ảnh:  Aviation Spectator
"Bộ Ngoại giao vừa thực hiện các bước đi nhằm cho phép việc chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo. 
Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết trong một cuộc họp báo khác rằng quyết định trên sẽ nới lỏng lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được áp đặt từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, và vào thời điểm này, nó chỉ hướng đến mục đích an ninh hàng hải. 
Các trang thiết bị mới sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tuần tra và phòng thủ trên Biển Đông, giữa những thách thức ngày càng gia tăng, các quan chức này nói. Tuy nhiên, trong tương lai, các vũ khí được bán có thể bao gồm cả hệ thống phòng không và tàu thuyền. Bất kỳ đề nghị của Việt Nam về loại vũ khí đặc biệt nào cũng sẽ được đánh giá theo một từng trường hợp một.
Các nguồn tin Mỹ cho rằng Washington có thể sẽ bán cho Việt Nam các máy bay giám sát P-3 Orion đã qua sử dụng, do hãng Lockheed Martin sản xuất. Các phi cơ này hiện được thay thể bằng thế hệ máy bay P-8A mới hơn của hãng Boeing. 
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối nêu ra những hệ thống vũ khí cụ thể có thể bán cho Việt Nam hay thời điểm đưa ra thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng đầu tiên. 
Họ cũng cho biết Washington không mong đợi phản ứng gay gắt từ Trung Quốc vì Mỹ sẽ chủ yếu cung cấp cho Việt Nam các hệ thống phòng thủ. "Đây không phải là một động thái chống Trung Quốc", một trong các quan chức khẳng định. 
Mỹ đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với công nghiệp quốc phòng, nhất là trong bối cảnh chính sách tái cân bằng chiến lược quân sự Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương đang được thúc đẩy.
Anh Ngọc