Trang

26 tháng 9, 2014

Ông cử, bà cử lao đao tìm việc

TNO. Xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là đào tạo tràn lan, cào bằng tất cả. Để rồi đào tạo cứ mặc đào tạo, thất nghiệp cứ mặc thất nghiệp.


Nhiều cử nhân đến tìm việc ở hội chợ việc làm, nhưng đa số nhà tuyển dụng chỉ cần lao động
có tay nghề - Ảnh: Ngọc Thắng
Chiều, mở facebook, thấy cô bạn ấn nút like vào bài viết “Về quê và thấy” của chú Văn Công Hùng, hiện công tác tại báo Gia Lai. Về quê thấy gì?
Thấy cảnh những cử nhân vật vã với tấm bằng đại học, đang vất vưởng vì thất nghiệp, mình lại nhớ tới thông tin tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay là 1,84% do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đưa ra với lời bình rằng: “Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới”. Không biết nên khóc hay cười.
Mình tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành toán năm 2010. Ngày cầm tấm bằng cử nhân trên tay, lòng mình rộn rã vui vì hình dung ngày được bước chân vào một ngôi trường cấp 3, ngày được cầm tháng lương đầu tiên về phụ mẹ…Bốn năm đã qua, mình làm được những gì? Đó là cảnh cứ đầu mỗi năm học mới, mình trông chờ sự phân công của Sở giáo dục; là cảnh mình mòn mỏi đợi việc, còn mẹ mình đi ra đi vào thở ngắn than dài thương xót cho con gái. Mình học có tệ không? Không tệ, vì trong số những bạn bè cùng khóa ngày ấy, điểm trung bình môn của mình cao nhất. Thế mà suốt 4 năm nay, mình lao đao tìm việc.
Rồi mình cũng lập gia đình, con mình bây giờ đã gần 1 tuổi. Những tháng ngày “nằm ổ” là những tháng ngày thấm thía nỗi khổ thất nghiệp nhiều hơn cả. Hằng ngày, hàng tháng, mình cầm đồng lương ít ỏi của chồng để xoay trở mọi việc trong nhà, phần lo cho mình phần lo cho con, ngỡ ngàng như lá rách tứ bề, đắp chỗ này thì hụt chỗ kia.
Rồi lại nghe chuyện thi công chức, cả tỉnh chỉ có 7 chỉ tiêu toán, nhưng mà có tuyển là có một niềm hy vọng. Lại học, lại ôn, công văn ra từ hồi tháng 1, nghe đâu tháng 3 thi, nhưng rồi tháng 7 mới thi, tới giờ đã cuối tháng 9 mà vẫn không có thông tin chính thức nào.
Mới đây, mình đọc một bài báo viết về tình hình nhân sự ở tỉnh mình, mới biết sở giáo dục hiện đang lưu trữ 900 bộ hồ sơ, nghĩa là ngay trong tỉnh mình đã có 900 con người đang ở nhà chờ việc giống như mình.
Bữa nọ con mình ốm, chồng mình nằm trên võng ru con, nói với mình: “Ít bữa có tiền thì mua cho con ít quần áo, đồ của con ngắn hết rồi”. Rồi chồng hát ru con: “Khi tôi sinh ra đã mang tiếng con nhà nghèo...”. Đêm đó mình không ngủ được, vì mình thương con thiếu thốn đủ thứ, thương chồng mình nặng gánh gia đình, trách mình là kẻ vô dụng quanh năm suốt tháng không làm ra được đồng nào.
Có lúc túng quá, mình nghĩ tới chuyện chạy vào Sài Gòn tìm việc. Nhưng đi rồi bỏ con cho ai, bỏ nhà ai lo. Mà đâu chỉ riêng mình, bạn mình học thạc sĩ rồi mà hết đường cũng phải xin vào xưởng hột đào làm. Không quen việc, ngày chỉ kiếm được 15 - 20 nghìn. Còn nếu không làm hột đào thì đi may, chạy bàn quán cà phê…
Xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là đào tạo tràn lan, cào bằng tất cả. Để rồi đào tạo cứ mặc đào tạo, thất nghiệp cứ mặc thất nghiệp. Đừng nói gì là ở nông thôn mà ngay cả thành thị, đừng nói là làm đúng hay không đúng ngành nghề, đừng nói là những con người có năng lực trung bình mà ngay cả những người khá giỏi, họ đang phải hằng ngày hằng giờ đau đầu tìm việc.
Giá mà những người cầm cân nảy mực kia cũng giống như ông vua Càn Long trong phim, có một cuộc vi hành để thị sát thực tế thì mình nghĩ tình hình xã hội nước ta đã thay đổi. Cho nên đừng nhìn vào cái tỉ lệ thất nghiệp 1,84% mà vội mừng, có chăng đó cũng chỉ là con số đưa ra để che mắt thế gian.
Nguyễn Thị Phương Trang (*)

Quan chức hạ cánh và cặp bài trùng ma quỷ

-Lòng tham sẽ khiến cho người Việt, từ quan chức đến dân thường, sẵn sàng “thoát y” để khiêu vũ, không chỉ với đồng tiền nữa, mà với chính… pháp luật. Chữ quyền + tiền đang trở thành cặp bài trùng ma quỷ.

I-Có một thực tế phũ phàng, con người vốn được coi là chúa tể muôn loài. Vì sức mạnh trí tuệ và sáng tạo vô song, có thể biến những câu chuyện cổ tích thành hiện thực. Ở những xã hội văn minh, có nền tài chính minh bạch, con người còn biết sai khiến đồng tiền, chế ngự tính xấu của nó bằng thiết chế quản lý và những chính sách, luật pháp phù hợp quy luật thực tiễn, xây dựng xã hội kỷ cương lành mạnh.
Nhưng trên con đường phát triển, không phải xã hội nào cũng đạt tới sức mạnh làm chủ hoàn toàn cái đồng tiền bất kham này. Và với thiết chế quản lý còn nhiều lỗ hổng, đồng tiền còn có thể trở thành một loại “giặc nội xâm”- tham nhũng. Mà nước Việt đang vất vả phòng chống là thế.
Chả thế người ta thường gọi chua xót- thời đại kim tiền. Chả thế, đồng tiền đã từng được nâng lên như một … “học thuyết” của giới giang hồ:Tiền có thể không mua được. Nhưng rất nhiềutiền vẫn có thể mua được. Mà những vụ án tham nhũng khủng, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng là những ví dụ điển hình.
Câu chuyện ở ngay trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mới đây là một vụ việc khá điển hình, cho dù số tiền vỏn vẹn “có 30 triệu vụ này mới xong”- chỉ là một số tiền bé mọn. Nhưng những vấn đề bị lộ ra lại rất nghiêm trọng. Nó cho thấy khi phải khiêu vũ với đồng tiền, thì con người có lúc gần như … “thoát y” đến méo mó cả lương tâm, nghiệp vụ, chức trách.
Hồ Nghĩa Dũng, thoát y, khiêu vũ, với pháp luật, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, Triệu Sơn, Thanh Hóa,
Tòa án huyện Triệu Sơn. Ảnh: Lao động
Câu chuyện tóm gọn: Ông Lê Bá Quý - nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông (Triệu Sơn) bị cơ quan chức năng kết luận phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Ông này nhờ bà Nguyễn Thị Niên - Kiểm sát viên Viện KSND huyện Triệu Sơn, là người họ hàng - giúp đỡ để chạy án. Và việc chạy án đã diễn ra đúng như một bộ phim hình sự, với những đối thoại rất đời. Các “diễn viên” chính gồm: Lê Ngọc Hiệp - Thẩm phán trung cấp, Chánh án; Lê Sỹ Thuần - Thư ký tòa và bà Lê Thị Thu - Thẩm phán, đều thuộc TAND huyện Triệu Sơn.
Bộ phim bị lộ giữa thanh thiên bạch nhật bởi ông Lê Bá Quý, cũng chính là người bí mật ghi âm các lời thoại mặc cả, ngã giá của các … “diễn viên”. Ông này vốn tự cho là mình bị bẫy, bị kết tội oan, rút cục đưa cả chánh án, thư ký tòa, thẩm phán nay mai ra trước vành móng ngựa. Rõ là kẻ cắp bà già gặp nhau. Họ oan ra sao, chỉ là “tai nạn nghề nghiệp” thế nào- như lời ông Lê Ngọc Hiệp thanh minh thanh nga, thì để nay mai họ có nhiệm vụ trả lời trước pháp luật.
Một hiện tượng đáng chú ý, cán bộ ngành tư pháp các cấp “khiêu vũ” với đồng tiền khá nhiều, không còn là của hiếm.
Đó là Phan Văn Quang, nguyên Chánh án TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã bị tuyên phạt 06 năm tù vị tội nhận hối lộ, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Võ Tá Trường, nguyên Thẩm phán tòa, 02 năm tù về tội nhận hối lộ, tháng 08/2014.
Đó là Nguyễn Duy Hiệp, nguyên quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam), nhận hối lộ 235 triệu đồng của đương sự. Chỉ một ngày trước khi chính thức trở thành chánh án, ông quyền này bị bắt giam, tháng 07/2014.
Đó là Nguyễn Thái Quốc Cường, Thư ký TAND Q. 12 (t/p HCM) bị cơ quan chức năng bắt quả tang nhận 170 triệu đồng của đương sự trong một vụ án hình sự để chạy án, tháng 04/2014.
Trước đó, tháng 01/2014, Phan Mạnh Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Q. 12 bị tuyên án 07 năm tù về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của một người nhờ tư vấn.
Hết chánh án, quyền chánh án, thư ký tòa án, đến cả cán bộ sở tư pháp cũng “thoát y” khiêu vũ với đồng tiền. Đó là ông Nguyễn Ngọc Lan, chỉ là cán bộ Sở TP Nghệ An, nhưng lại mạo danh là Phó Giám đốc sở, lừa lấy 100 triệu đồng của người nhà một bị can với lời hứa “chạy án”, và đã bị bắt, tháng 05/2014, v.v… và v. v…
Hồ Nghĩa Dũng, thoát y, khiêu vũ, với pháp luật, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, Triệu Sơn, Thanh Hóa,

Hiện tượng này cho thấy hoạt động tư pháp là một trong những mảnh đất mà tham nhũng  luôn dòm ngó. Bởi một điều đơn giản, xã hội đang trong giai đoạn phát triển, thiết chế quản lý lỏng lẻo, luôn có nhiều bất ổn, thì ở một góc độ nào đó, văn hóa- đạo lý xã hội lệch lạc, tội lỗi, thậm chí tội ác cũng nảy nở tỷ lệ thuận theo.
Chữ quyền+ tiền đang trở thành cặp bài trùng ma quỷ.
Vụ việc chạy án ngay giữa trụ sở TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mới đây, phản chiếu rất sinh động và cụ thể cái tư duy lẫn “định hướng” phạm tội của các quan tòa ở huyện này sau hậu trường sàn diễn. “Lỗi hệ thống” ở đây không thuần túy là chuyện ăn hối lộ theo dây, mà cả cung cách giẫm đạp lên pháp luật cũng… “theo dây”. Tính chất nguy hiểm của vụ việc này tinh vi còn là ở chỗ đó.
Đó là khi cả Tòa án, Viện Kiểm sát “hợp tác” với bị can để chạy án như thế nào? (GDVN, ngày 19/9). Theo báo này, khởi đầu tại trụ sở Viện KSND huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Đình Hà, Phó Viện trưởng, người được ông Nguyễn Bá Quý nhờ vẽ đường cho hươu chạy. Và các thao tác “chạy” rất bài bản.
Thao tác đầu tiên là gì? Băng ghi âm của ông Quý cho thấy, ông Phó Viện trưởng Viện KS huyện Nguyễn Đình Hà đe doạ và yêu cầu ông này phải làm đơn, xin rút luật sư bào chữa: Nếuanh không rút luật sư thì chúng tôi không thể chiếu cố cho anh được! Cái yêu cầu rút luật sư bào chữa này, một lần nữa, cũng lại được ông Lê Ngọc Hiệp, nguyên Chánh án TAND đưa ra, trước khi mặc cả giá tiền. Một yêu cầu thực chất vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự và những quy định của ngành.
Thao tác thứ hai, xuống tỉnh: Cái này còn phải xuống tỉnh để xin, may ra mới có được án treochứ xử ở đây thế, (xử án treo - PV), xuống dưới kia lỡ may bị bắt giam thì chả giải quyết vấn đề gì.
Thao tác thứ ba: Bây giờ sang tòa án xem hết bao nhiêu?
Chính ở cái công đoạn- thao tác thứ ba này, mới thấy hết sự “thoát y” về nhân cách, lương tâm nghề nghiệp của họ ra sao, với những phát ngôn thật ấn tượng. Hãy thử nghe:
Ông Lê Ngọc Hiệp, Chánh án: Đây được mấy tiền? Khi biết chỉ có 10 triệu, ông Hiệp: Một nấy chưa đủ đi tỉnh.
Ông Lê Sỹ Thuần - Thư ký tòa: Anh vứt xuống tỉnh 20 cái (tiền - PV),lo đây10 cái, tổng 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật. Rồi “Tội cưỡng đoạt khoản 2 đ. ai cứu”.
Công nhận là ông này rất thật, khi nói đến tiền. Nhưng đã rất thật với tiền, thì sẽ rất gian khi xử án.
Một câu hỏi cần đặt ra, nơi khác là nơi nào, và tỉnh ở đây, là đâu nhỉ? Như vậy, cái giá tiền cũng mang tính rất… phổ biến? Mà ông Lê Sỹ Thuần đã “định giá” rõ là vứt xuống tỉnh 20 cái, đây (huyện) 10 cái!
Vậy mà khi được hỏi, ông Lê Ngọc Hiệp… phiên dịch thế này, chắc sợ báo chí không hiểu tiếng Việt trong đối thoại của ông ta: Ý em là từ trên huyện xuống tỉnh cũng phải thuê xe cộ, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ. Ý em thế thôi.
Liệu có tin được ông Hiệp thương ông Quý đến độ lo cho cả chuyện tàu xe, đi đường ko? Có lẽ cái băng ghi âm của ông Quý nghe đến đây cũng phải… đỏ mặt rần rần!
Và nhất là bà Lê Thị Thu, Thẩm phán: Vì anh là người nhà của cô Niên (bà Niên cán bộ Viện KSND huyện, có họ hàng với bị can Quý), nên bọn em mới giúp, còn là dân thì... bọn em sẽ làm theo quy định của pháp luật! Nghiêm phết!
Mà thực ra, đó chỉ là sự ngụy biện để che dấu cái việc ăn tiền trắng trợn. Nó cũng cho thấy pháp luật chả có ý nghĩa bình đẳng, công bằng gì hết trong chính bàn tay … đếm tiền của các vị!
Thử tưởng tượng, vụ chạy án này trót lọt, thì cho dù có xử giữa công đường, giữa thanh thiên bạch nhật, kết quả vụ án cũng chỉ là một “trò đùa” đốn mạt với công luận, với dư luận xã hội.
Cải cách tư pháp là một sự hối thúc của xã hội, của đạo lý nước Việt đang xuống cấp nghiêm trọng, rất cần chấn hưng. Nhưng cải cách thế nào đây, nếu như cán bộ tư pháp say mê “thoát y” để khiêu vũ với đồng tiền đến chóng mặt như thế này?
Phép thần nào đủ mạnh để cải cách tư pháp nước Việt nhỉ? Nếu như pháp luật không thượng tôn. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó mới chính là con đường sáng duy nhất, để nước Việt có kỷ cương, môi trường xã hội lành mạnh và niềm tin của người dân không bị mất mát.
                                       *****************************
II- Không chỉ có các quan chức cấp thấp, mà có cả một cựu quan chức cấp cao trong tuần qua, ông Hồ Nghĩa Dũng, cựu Bộ trưởng GTVT, cũng trở thành đề tài gây xôn xao dư luận. Bởi vị này không phải khiêu vũ với đồng tiền, mà khiêu vũ với… Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Điều mà dư luận xôn xao trên báo chí là ở chỗ, trước đó, khi còn đương chức ông là người ký quyết định đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả này. Cũng chính ông chỉ định nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đèo Cả. Rồi ở thời điểm vốn vay khó khăn, cũng chính ông nhiệt tình giúp đỡ doanh nghiệp này tiếp xúc với các tổ chức tín dụng trong nước, ngoài nước.
Hồ Nghĩa Dũng, thoát y, khiêu vũ, với pháp luật, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, Triệu Sơn, Thanh Hóa,
Ảnh minh họa: Họa sĩ Khều
Và chỉ 08 tháng sau, khi đã giã từ chiếc ghế quyền lực, ông chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Quản trị công ty. Nói như dân gian chẳng ngoa chút nào, thì cái công ty này như là “sân sau” để ông chuẩn bị hạ cánh cho an toàn.
Cũng phải hơn 02 năm sau, từ tháng 04/2012 đến năm nay, câu chuyện mới “bị lộ”, gây ồn ào, đàm tiếu. Bị lộ bởi trang website của công ty, chẳng biết có phải vì quá tự hào có được một cựu Bộ trưởng ngành mình về làm ủy viên HĐQT không, mà đưa lên công khai, khiến bung bét hết cả chuyện. Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau.
Có điều dở, khi bước chân vào làm thành viên của HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, là ông đã ngang nhiên giẫm lên những quy định của pháp luật. Cụ thể ở đây là một loạt những quy định của Chính Phủ, mà ông từng là một thành viên. Đó là Nghị định 102/2007/ NĐ- CP, Điều 04, Chương II, quy định thời hạn không được kinh doanh ở các lĩnh vực; Điều 05 quy định thời hạn không được kinh doanh với những đối tượng cán bộ, công chức như ông (phải từ 12-18 tháng).
Từng là một Bộ trưởng, một quan chức cao cấp, quản lý ngành GTVT, một ngành huyết mạch, và cực kỳ phức tạp vì đầu tư cực lớn, không thể nói là ông không nắm được luật. Cách đây một vài năm, dư luận đã xôn xao trước một vị cựu Bộ trưởng KH và ĐT, vì “lách luật” mà phải hầu tòa.
Nếu cứ hành xử như các cựu Bộ trưởng nói trên thì con đường thực thi pháp luật cũng sẽ có nguy cơ bị… tắc nghẽn bởi những hành vi phạm pháp. Vừa thiếu nghĩa, và cũng không dũng lắm! Điều đó sẽ rất khó thuyết phục người dân Sống và làm việc theo Hiến pháp, và pháp luật.
Có điều, dù các quy định pháp luật của Nhà nước có vẻ chặt chẽ “đầu vào”, nhưng lại rất lỏng lẻo… “ đầu ra”. Nghĩa là cấm thì cấm, nhưng không hề có chế tài xử lý, nếu như các đối tượng thuộc diện phải thi hành vi phạm. Trả lời phỏng vấn nhà báo, ông Nguyễn Sỹ Cương, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của QH công nhận, nếu không quy định cụ thể điều này thì sẽ rất dở. Mà đầu ra lỏng lẻo- chế tài xử phạt không có, sẽ… huề cả làng? Thì khẩu hiệu Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật vĩnh viễn chỉ là khẩu hiệu.
Được biết, trang website của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả thấy “động”, lập tức gỡ ngay thông tin. Xong om! Theo ngôn từ của một nhà thơ nổi tiếng.
Nhưng hãy còn đây tai tiếng xung quanh vụ việc này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, đây là một bài học về quy định pháp luật phải như thế nào để tránh việc các quan chức, khi còn đương chức thì đưa ra những quyết định để chuẩn bị khi về hưu, có thể được lợi từ các quyết định đó.
Còn đời sống nước Việt trong thế giới phẳng giờ đây, trước quốc nạn tham nhũng, trước tâm lý sống vụ lợi, trước những hiện tượng rối loạn các giá trị lại chỉ dễ dàng tin những quan hệ hợp tác kiểu đó như là một sự “trả nợ miệng”. Mà không hề tin ở những lời  thanh minh thanh nga của ông Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, cũng như của ông cựu Bộ trưởng. Cho dù đến thời điểm này, được biết, ông Hồ Nghĩa Dũng đã rút khỏi vị trí ủy viên HĐQT.
Với cá nhân một cựu quan chức, đó cũng là một mất mát không nhỏ về thanh danh.
Rồi đây, các cá nhân vẽ đường chạy án của TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) sẽ phải trả lời trước pháp luật. Đến lúc nào đó, sự ồn ào về cái cách hạ cánh … chòng chành của cựu Bộ trưởng GTVT cũng sẽ lắng xuống. Nhưng sự nhức nhối của một nền tư pháp không được thượng tôn, với những lỗ hổng pháp luật to tướng vẫn đặt ra cho hành trình hội nhập còn khập khiễng, chậm chạp của nước Việt, những vấn đề quyết liệt của cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách thiết chế quản lý, ở tầm vĩ mô.
Nếu không, lòng tham sẽ khiến cho người ta, từ quan chức đến dân thường, sẵn sàng “thoát y” để khiêu vũ, không chỉ với đồng tiền nữa, mà với chính… pháp luật!
Đó là điều đau khổ và đáng hổ thẹn nhất cho một quốc gia hướng tới văn minh, văn hóa!
  • Kỳ Duyên

Sinh viên Hồng Kông: TQ "ban cho nền dân chủ giả tạo”

Đăng Bởi  - 

Cuộc bãi khóa của sinh viên HK
Cuộc bãi khóa của sinh viên HK
Cuộc bãi khóa một tuần qua của sinh viên Hồng Kông ((HK) kết thúc trong hỗn loạn vào khuya 26.9. Cuộc bãi khóa này nhằm phản đối Trung Quốc (TQ) không cho phép thực hiện các cải cách dân chủ thật sự.  
Lãnh đạo TQ từng hứa sẽ cho phép bầu cử tự do ở đặc khu hành chính HK từ năm 2017, sau khi nhận lại xứ nhượng địa này từ Anh hồi năm 1997. 
Nhưng hồi tháng 8.2014, quốc hội TQ bác việc dân HK tự đề cử các ứng viên chức đặc khu trưởng, ngược lại, nhấn mạnh việc sẽ có một ủy ban xét duyệt các ứng viên. Ủy ban này gồm những người thân Bắc Kinh, nên giới sinh viên bãi khóa gọi đây là "dân chủ giả tạo".  
Khoảng 150 sinh viên đòi dân chủ đã xông vào trụ sở đặc khu hành chính HK vào khuya 26.9, bằng cách vượt qua cổng bảo vệ hoặc reo qua hàng rào cao. Họ xô đẩy với các nhân viên bảo vệ vốn phản ứng lại bằng cách xịt hơi cay. 
Nhân viên y tế đã phải cáng nhiều người, gồm một cảnh sát, ra khỏi "bãi chiến trường" này. Cảnh sát nói 5 thanh niên và một thiếu nữ tuổi từ 16 đến 29 đã bị bắt.
Khoảng 100 người biểu tình bị cảnh sát bao vây tại một quảng trường ở trung tâm HK.  Hàng ngàn người phản đối khác vẫn ở ngoài đường, sau khi cảnh sát nắm lại quyền kiểm soát quảng trường. 
Cuộc bãi khóa 7 ngày của các sinh viên đại học vào ngày 26.9 có sự tăng cường của một nhóm học sinh trung học. Họ sẵn sàng đối đầu với cảnh sát mặc quân phục chống bạo loạn cho tới rạng sáng 27.9.
Ban tổ chức bãi khóa cho biết một trong số 6 nguời bị bắt là Joshua Wong, 17 tuổi, bị 4 cảnh sát kéo đi. 
Wong vừa tốt nghiệp trung học, hai năm trước trở nên nổi tiếng, sau khi em tổ chức các cuộc phản đối, khiến chính quyền HK phải hoãn kế hoạch áp dụng một chương trình học tập của TQ, mà một số người sợ đó là một dạng "tẩy não".
Bảo Vĩnh (theo AP) 

Các cô gái Việt Nam làm nên lịch sử

TT - Tuyển bóng đá nữ VN đã trả được món nợ trước Thái Lan trong một ngày mà các cô gái của bóng đá nước nhà thi đấu đầy quyết tâm để giành chiến thắng 2-1 chung cuộc tại Asiad 17.

Niềm vui chiến thắng của các cô gái VN - Ảnh: Huy Đăng

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá nữ VN có mặt ở bán kết Asiad. Với thành tích này, đội tuyển nữ VN đã được VFF thưởng 800 triệu đồng.
Sau trận đấu, HLV Mai Đức Chung tỏ ra khiêm tốn với những đóng góp của ông mà chỉ đặc biệt đề cao tinh thần thi đấu của các học trò. Ông Mai Đức Chung nói: “Tháng 5 vừa qua, VN đã bị Thái Lan đánh bại ngay tại sân nhà, qua đó mất luôn cơ hội dự World Cup. Trước trận đấu, các học trò của tôi tỏ rõ sự quyết tâm đòi món nợ này nhưng rồi khi mới bắt đầu trận, họ không khỏi bị ngợp trước một đối thủ được xem như “nỗi ám ảnh” nên đã thi đấu có phần chệch choạc trong hiệp một. Trong thời gian nghỉ giữa hiệp, tôi nhắc đi nhắc lại món nợ với Thái Lan và điều đó đã kích thích sự tổn thương của các cầu thủ”.
Thật sự, có không ít sự tổn thương mà các cô gái của bóng đá VN phải chịu trong trận đấu hôm qua. Đầu tiên là món nợ với người Thái khi tiếp tục bị đối thủ này ghi bàn dẫn trước. Tiếp đến là hình ảnh của một khán đài vắng lặng với vỏn vẹn... bảy CĐV VN đến ủng hộ các cô gái trong một buổi chiều mà trời đổ mưa tầm tã. Con số này là quá nhỏ nhoi so với khoảng 2.000 CĐV Việt đến xem trận Olympic VN thi đấu lúc cùng giờ.
Anh Nguyễn Trần Tuấn - một trong nhóm CĐV người Việt ít ỏi đến sân xem các cô gái thi đấu - nói: “Người VN chúng tôi ở Hàn Quốc rất đông. Theo tôi liên lạc từ trước trận, hầu hết bạn bè của tôi đều đến xem trận đấu của đội Olympic VN. Điều đó khiến tôi cảm thấy chạnh lòng cho các chị em nữ cầu thủ và quyết định đến ủng hộ tuyển nữ trong trận đấu này. Sự sung mãn mà các cầu thủ thể hiện dưới cơn mưa tầm tã thật sự khiến chúng tôi quá xúc động”.
HLV Mai Đức Chung nói thêm: “Thái Lan của trận đấu hôm nay không hề yếu hơn lần gặp nhau ở Asian Cup 2014. Thời gian qua họ tập trung thi đấu cùng nhau lâu hơn và chuẩn bị rất kỹ về nhiều mặt. Các cầu thủ của tôi trái lại gặp bất lợi khi giải vô địch quốc gia chỉ vừa mới kết thúc. Dù vậy, họ vẫn thi đấu với thể lực rất tốt trong trận này nhờ vào yếu tố tâm lý. Tôi đã thay đổi sơ đồ chiến thuật với năm hậu vệ sang sơ đồ 4-4-2. Điều này khiến các hậu vệ thi đấu càng quyết tâm và có tinh thần trách nhiệm hơn”.
Cầu thủ hạnh phúc nhất trong trận cầu này có lẽ là Nguyễn Thị Tuyết Dung - người hùng của trận đấu với một cú dứt điểm tuyệt đẹp ấn định chiến thắng 2-1 cho đội nhà. Thời điểm trận đấu đang có tỉ số 1-1, chính Tuyết Dung đã sút hỏng quả phạt đền phút 65, nhưng sau đó cô đã chuộc lỗi bằng pha ghi bàn không thể chê vào đâu được.
* Trong trận tứ kết diễn ra sau trận VN - Thái Lan, đội nữ Nhật Bản đã đè bẹp đội nữ Hong Kong với tỉ số 9-0. Đội nữ VN sẽ gặp đội nữ Nhật trong trận bán kết diễn ra lúc 18g ngày 29-9.
Đối thủ của chúng tôi chơi hay hơn và họ xứng đáng giành chiến thắng
HLV đội nữ Thái Lan Nuengrutai
N.KHÔI - H.ĐĂNG

Kinh tế Việt Nam vật vã đi lên

Hình ảnh nhọc nhằn được nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển sử dụng trong tham luận mở đầu Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, một trong những sự kiện được giới chuyên gia trông đợi nhất trong năm.
Khai mạc sáng nay 27/9 tại Ninh Bình, cùng với diễn đàn Mùa xuân cách đây nửa năm, sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức thường niên quy tụ được những chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Đây cũng được xem là diễn đàn, nơi họ có thể trao đổi một cách khá thẳng thắn quan điểm, qua đó góp ý, phản biện trực diện cho những người làm chính sách.
Diễn ra trong bối cảnh số liệu kinh tế – xã hội 9 tháng vừa được công bố, diễn đàn sẽ dành gần nửa thời gian để bàn về tình hình 2014-2015, trước khi đi sâu hơn vào đánh giá tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2012-2014.
GDP-0-8131-1411780002.jpg
Tổng cầu yếu là trở lực lớn với kinh tế Việt Nam hiện nay. Ảnh minh họa: Anh Quân
Được chọn mở đầu kỷ yếu diễn đàn, tham luận với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng 2014" của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển là phần đề dẫn quan trọng cho tuyến nội dung này của diễn đàn.
Thông qua việc điểm lại tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, diễn biến tại Việt Nam giai đoạn 2008 đến nay, cũng như chỉ ra các nguyên nhân tác động, chuyên gia này nhận định nền kinh tế đã thoát đáy song đang "vật vã để đi lên" với tổng cầu còn yếu. Trong khi đó, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng lên, tín dụng cũng không đến được với nền kinh tế, dẫn đến tốc độ phục hồi chậm...
Nhận định này của vị chuyên gia kỳ cựu nhận được khá nhiều chia sẻ trong các tham luận khác tại diễn đàn. Theo đó, trong nửa đầu năm 2014, nền kinh tế đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực như tăng trưởng GDP cao hơn so với cùng kỳ 2013, lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7%; xuất khẩu tăng gần 15%, giúp cán cân thương mại thặng dư khoảng 1,3 tỷ USD; tổng đầu tư toàn xã hội, doanh số bán lẻ... đều có tăng trưởng; ngân sách dự báo đạt kế hoạch đề ra...
Tuy nhiên, một vấn đề được các chuyên gia thống nhất ở mức cao là khu vực doanh nghiệp vẫn khó khăn (chỉ số quản trị mua hàng PMI vẫn trên ngưỡng trung bình 50 nhưng đã giảm 4 tháng liên tiếp). Đáng quan ngại hơn là khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng yếu đi, thể hiện ở tỷ trọng xuất khẩu giảm. Hệ thống phân phối cũng bị các nhà đầu tư nước ngoài đánh chiếm. Khối FDI hiện đã chiếm tỷ trọng gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.
Ngay trong những tín hiệu được coi là tích cực nêu trên, dù tăng trưởng GDP đã cao hơn, ông Trương Đình Tuyển cho rằng khả năng đạt mục tiêu 5,8% khó xảy ra. Nếu muốn đạt con số này, nền kinh tế không có cách nào khác là đẩy mạnh khai thác dầu thô, than... như đã từng làm và cho thấy là không hiệu quả.
Một loạt những chỉ báo khác như tăng trưởng tín dụng ý ạch, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng và ngay cả việc lạm phát thấp cũng được các chuyên gia đưa ra một lý giải chung là tổng cầu yếu.
Nghiên cứu sâu hơn ở góc độ tổng cầu và tổng cung này, nhóm chuyên gia Trần Thọ Đạt - Nguyễn Việt Hùng - Hà Quỳnh Hoa tại Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng phía cầu đã có những tín hiệu lạc quan hơn và có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, để có sự bứt phá, cần phải có tác động từ chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ.
Trong khi đó ở phía cung, các học giả cho rằng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng nhưng chưa có sự bứt phá rõ ràng. Điều này cùng với xu hướng tăng của chỉ số hàng tồn kho và giảm của PMI cho thấy điều kiện sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp hiện tại vẫn còn khó khăn.
Đứng trước điểm nghẽn như vậy, vấn đề đặt ra là lựa chọn chính sách như thế nào được đa số các tham luận quan tâm và hiến kế. Bên cạnh những giải pháp lâu dài như đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, một giải pháp ngắn hạn được không ít ý kiến nhắc tới là tác động tăng tổng cầu như nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu...
Giữa những ý kiến này, tham luận của 2 tác giả Bùi Trinh - Nguyễn Trí Dũng gây được nhiều chú ý khi cho rằng việc tác động lên tổng cầu - nếu có, sẽ có những điểm tương đồng như học thuyết kinh tế Abenomics đang được Nhật Bản áp dụng, bao gồm 3 mũi tên: kích thích tài chính, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu.
Theo Bùi Trinh và Nguyễn Trí Dũng, nếu tiếp tục kích cầu thì chỉ nên thực hiện ở khu vực tư nhân. Tuy nhiên, hệ số sinh lời của khối này ngày càng giảm, xuống mức khoảng trên 1%. Trong khi lãi suất phải trả ngân hàng trên dưới 10%. Do đó, về mặt kinh tế, các doanh nghiệp này không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất.
Tuy vậy, chương trình này chỉ có thể thành công dựa trên nền tảng sản xuất (phía cung) rất mạnh mẽ, hàng hóa nhiều với chất lượng cao và giá cả thấp. Điều này khác hoàn toàn với Việt Nam khi phía cung vẫn còn yếu kém, sản xuất cơ bản là gia công. Việc can thiệp vào phía cầu khi đó được các chuyên gia này cho rằng không làm tăng sản lượng, mà chỉ làm nền kinh tế đứng trước nhiều rủi ro về vĩ mô (lạm phát, nhập siêu...).
Do đó, các chuyên gia này cho rằng nhà điều hành cần nhất quán quan điểm hy sinh những mục tiêu ngắn hạn (tăng trưởng…) để dũng cảm từ bỏ những chính sách quản lý tổng cầu, kiên trì đẩy mạnh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế - về cơ bản chính là chính sách trọng cung. 
"Đó mới là “kế lâu bền” để đẩy sản lượng tiềm năng lên mức cao hơn và đạt được sự tăng trưởng bền vững, lâu dài, hơn mà không chỉ là “kích cầu” ngắn hạn để năm nay hoặc năm tới có được mức tăng trưởng như ý để làm đẹp báo cáo", tham luận viết.
Nhật Minh

25 tháng 9, 2014

Thượng tá trượt ngã nên... bắn nhầm bạn?

(Tin tức pháp luật) - Một Thượng tá ở Ban chỉ huy Quân sự trong lúc đi vệ sinh đã trượt ngã nên bắn nhầm bạn.
Tờ Pháp luật TP.HCM tường thuật vụ việc như sau, sáng ngày 20/9, đoàn công tác của UBND thị xã Bình Long do một phó chủ tịch UBND thị xã làm trưởng đoàn tổ chức chuyến giao lưu với hai đồn biên phòng đóng trên địa bàn xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) giáp biên giới Campuchia.
Cùng đi có thượng tá Nguyễn Văn Hòa (44 tuổi) – chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước).
Thượng tá Nguyễn Văn Hòa để súng cướp cò khiến ông Nguyễn Văn Thuận (tài xế Văn phòng UBND thị xã Bình Long, Bình Phước) tử vong.
Đại tá Nguyễn Phi Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước cho biết: “Theo thông tin tôi nắm được, chiều 20/9, ông Hòa dừng xe để vào rừng đi vệ sinh thì thấy có con chim lớn nên đuổi theo.
Quá trình đuổi theo con chim, ông Hòa không biết có ông Thuận chạy theo phía sau. Lát sau ông Hòa trượt chân ngã và súng cướp cò, đạn bay trúng ông Thuận”
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo Đại tá Hùng, sau khi cơ quan điều tra quân sự làm việc xong, ông Hòa đã được về nhà.
"Chúng tôi xác định ông Hòa chỉ đuổi theo con chim và bị vấp dẫn đến ngã xuống đất và súng bị cướp cò chứ ông Hòa không tổ chức đi săn” - ông Hùng nói.
Tuy nhiên, báo Tuổi trẻ TP.HCM dẫn nguồn tin Công an tỉnh Bình Phước lại nhìn nhận sự việc theo một hướng khác.
Cụ thể, sau buổi tiệc giao lưu với các chiến sĩ biên phòng, đến khoảng 16h30 ông Hòa và ông Thuận mỗi người một khẩu súng cùng nhau vào cánh rừng thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập săn thú.
Trong lúc thấy ông Thuận đang bám theo để bắn một con thú thì ông Hòa đứng lại chờ phía sau. Một lát sau do bắn không được thú nên ông Thuận quay trở ra. Không nghe súng nổ nên ông Hòa tiến đến chỗ ông Thuận
Theo cơ quan điều tra cho biết, trong lúc đi ông Hòa sảy chân đạp vào ổ mối ngã cúi mặt xuống đất làm súng nổ. Viên đạn bay thẳng vào cổ và trúng động mạch chủ của ông Thuận khiến ông chết tại chỗ.
Thanh Thanh

Thông điệp của Tổng thư ký LHQ về dân chủ

...để có một nền dân chủ toàn diện

Thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhân ngày quốc tế về dân chủ


15 tháng 9 năm 2014 - Khi gần đến lễ kỷ niệm ngày Quốc tế về Dân chủ năm nay, chúng ta có thể thấy rằng thế giới có vẻ hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Tại nhiều khu vực và bằng nhiều cách khác nhau, các giá trị của Liên Hợp Quốc - trong đó bao gồm một số quyền cơ bản nhất và các quyền tự do được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc - đang bị thách thức nghiêm trọng.
Những vụ bùng phát bạo lực gần đây đã củng cố một sự thật mà chúng ta đã chứng kiến nhiều lần qua thời gian và một lần nữa lại được chứng minh: Ở những nơi mà một mô hình xã hội văn minh chưa được coi trọng, và ở những nơi mà các Chính phủ không đáp ứng nhu cầu của người dân và có trách nhiệm, hòa bình, bình đẳng và thịnh vượng chung sẽ không thể đạt được. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để trao quyền cho các cá nhân, tập trung giúp đỡ hàng tỷ người đang trong hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, thất nghiệp, vô vọng và thất vọng cùng cực. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và họ có thể tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tương lai của chính mình.
Đó là lý do tại sao thông điệp ngày hôm nay của tôi hướng tới những người sẽ ở vị trí đi đầu của thế giới sau năm 2015, và những người tự bản thân họ đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của mình: những bạn thanh niên. Cứ một trong số năm người trên thế giới hiện nay đang trong độ tuổi từ 15 và 24. Trong lịch sử, chưa bao giờ sự chuyển đổi từ thanh thiếu niên đến tuổi trưởng thành phải đối mặt với những thách thức to lớn như vậy. Tuy nhiên các bạn cũng gặp rất nhiều may mắn được tạo ra bởi các cơ hội. Các bạn có quyền để kết nối mà điều này không thể tưởng tượng được khi Liên Hợp Quốc được thành lập gần 70 năm trước đây. Các bạn được kết nối với những vấn đề quan trọng. Bất công. Phân biệt đối xử. Vi phạm quyền con người. Các bài giảng về sự thù ghét. Sự cần thiết phải đoàn kết nhân loại.
Tôi kêu gọi các thành viên của thế hệ thanh niên đông đảo nhất trong lịch sử hãy đối đầu với những thách thức và xem xét đến những gì các bạn có thể làm được để giải quyết chúng. Hãy quyết định số phận của các bạn và biến những giấc mơ của các bạn trở thành một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người. Hãy góp phần xây dựng những xã hội dân chủ mạnh mẽ và tốt hơn. Hãy đoàn kết làm việc cùng nhau, hãy sử dụng tư duy sáng tạo của các bạn, hãy trở thành những nhà kiến trúc sư cho một tương lai mà không ai bị tụt lại phía sau. Hãy giúp thiết lập thế giới của chúng ta vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhân ngày Quốc tế về Dân chủ năm nay, tôi kêu gọi các bạn thanh niên ở khắp mọi nơi trên thế giới hãy dẫn dắt cho một sự thúc đẩy lớn lao để có được một nền dân chủ toàn diện trên toàn thế giới.
Ban Ki-moon