Trang

3 tháng 5, 2014

J-20 Trung Quốc không thể là đối của F-22 Mỹ


 0 thảo luận03/05/14 08:37
(GDVN) - Trong tương lai, cục diện đối đầu giữa F-35A/B/C và F-22 với J-20 sẽ diễn ra trên bầu trời Đông Á, J-20 còn rất nhiều hạn chế so với F-22.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc
Tờ "Kanwa Defense Review" Canada ngày 25 tháng 4 đưa tin, trong 20 năm tới, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc đều sẽ triển khai máy bay chiến đấu F-35A/B/C, trong đó F-35B trang bị cho Thủy quân lục chiến Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Biển cũng sẽ là khách hàng tiềm năng; F-35C chủ yếu triển khai cho tàu sân bay.
Nhìn vào tàu sân bay trực thăng 22DDH do Nhật Bản chế tạo và Nhật Bản chuẩn bị nhập khẩu tàu đổ bộ lớp 45.000 tấn của quân Mỹ để phán đoán, một khi 2 chiếc 22DDH và 2 chiếc tàu đổ bộ này đưa vào hoạt động đầy đủ trong giai đoạn 2020 - 2025, Lực lượng Phòng vệ Biển có năng lực triển khai 8 x 4 hoặc 12 x 4 máy bay chiến đấu F-35B, ít nhất 48 chiếc F-35B, quyết đấu với 48, 72 máy bay J-15 trang bị cho 2 - 3 tàu sân bay lớp Liêu Ninh.
Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Trên không đã quyết định nhập khẩu 42 máy bay chiến đấu F-35A, năm 2016 hy vọng có được ít nhất 4 máy bay F-35A dùng để đánh giá tác chiến, vì vậy, thời gian F-35 gia nhập Lực lượng Phòng vệ Trên không có khả năng sớm hơn so với việc đưa J-20 vào hoạt động.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ
Bầu trời Đông Á chắc chắn sẽ bước vào thời đại F-22, F-35 đấu với J-20, trong đó J-20 có khả năng đến đâu? Mỗi nước nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu, tàu chiến mặt nước chắc chắn nhằm vào môi trường tác chiến cụ thể và đối tượng giả định quan trọng hàng đầu, cho dù là lựa chọn loại máy bay, loại tàu chiến nào, các nước khác nhau, môi trường tác chiến khác nhau, ý nghĩa đều khác nhau.
Chẳng hạn, cũng là tàu sân bay kiểu nhảy cầu cũ, Ấn Độ và Trung Quốc đều sử dụng, nhưng ý nghĩa khác nhau, đối tượng tác chiến hàng đầu của Ấn Độ là Pakistan, trong thời chiến phong tỏa căn cứ hải quân chủ yếu của Pakistan, tiến hành tập kích đường không đối với tàu chiến mặt nước Pakistan ra vào Ấn Độ Dương, dựa vào tư tưởng tác chiến như vậy, cho dù là tàu sân bay kiểu nhảy cầu lỗi thời thì vẫn "đủ dùng".
Đối tượng tác chiến chủ yếu của Trung Quốc là quân đội Mỹ, quân đội Nhật Bản, điều này đã dẫn đến vấn đề thiết kế vũ khí khác nhau, có giá trị sử dụng đối với Ấn Độ nhưng có thể không có ích đối với Trung Quốc.
Đây là nguyên nhân tại sao trong thập niên Chiến tranh Lạnh, mỗi loại vũ khí do Liên Xô thiết kế đều tập trung để vượt quân đội Mỹ, có thể quyết đấu với vũ khí cùng loại của quân đội Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ
Chương trình phát triển T10 (Su-27) chính là ví dụ điển hình, hoàn toàn nhằm vào F-15, vì vậy đã tiến hành cải tiến to lớn, T10 ban đầu không thể vượt F-15 về tính cơ động, quân đội Liên Xô cho rằng, đầu tư như vậy là lãng phí, vì vậy, tiến hành thiết kế lại, nếu chỉ nhằm vào Trung Quốc, phương án thiết kế ban đầu đã "đủ dùng".
Dựa vào bố cục thiết kế như vậy, hiện nay J-20 đều không phải là đối thủ của F-22 trên các phương diện như tính cơ động, tính tàng hình, tính năng radar, vũ khí trang bị - đây là điều không thể nghi ngờ.  Hiện nay, điều cần phải thảo luận là, sự đụng độ tiềm tàng trong tình huống J-20 gặp F-35A/B/C.
Trước tiên là F-35A, sau năm 2016, trước tiên là Lực lượng Phòng vệ Trên không, thứ hai là căn cứ quân Mỹ đóng ở Nhật Bản đều có khả năng lần lượt đổi sang trang bị máy bay F-35A phiên bản ưu thế trên không.
Nhìn vào ngoại hình khí động học, F-35A đã quát triệt tính năng tàng hình rất tốt, nhưng phải nói rõ, F-35A hoàn toàn không phải là máy bay chiến đấu ưu thế trên không chuyên nghiệp thế hệ thứ năm (thế hệ thứ tư của phương Tây), tên thực sự là máy bay chiến đấu tấn công liên hợp (JSF), tính năng tấn công (strike) xếp phía trước chiến đấu (fighter), nó đồng thời cũng sẽ thay thế cho máy bay tấn công A10, đây là nguyên nhân F-35 không theo đuổi tuần tra siêu âm.
Máy bay chiến đấu F-35 BF-05 bay thử
Cho dù như vậy, do đã sử dụng vật liệu composite sợi carbon trên 35% (đây là một loại máy bay có tỷ lệ sử dụng vật liệu composite nhiều nhất trong tất cả các máy bay chiến đấu cho đến nay, cánh máy bay, thân máy bay, cánh đuôi, cửa nạp đều sử dụng vật liệu composite sợi carbon), động cơ F135 lực đẩy lớn, vượt tải của F-35A vẫn thiết kế là 9G, đã đạt tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, trọng lượng vũ khí mang theo đạt 8 tấn, trọng lượng rỗng chỉ 13 tấn, trọng lượng cất cánh bình thường đạt 22,4 tấn, hầu như tương đồng với Su-27.
Vì vậy, trong tình hình mang theo đầy đủ đạn dược, tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng của F-35 không cao, F-35A/B/C lần lượt là 0,81, 0,85 và 0,71. Trong tình hình chỉ mang theo tên lửa không đối không, tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng của F-35A vẫn có thể đạt gần tới 1, phối hợp với động cơ véc-tơ hóa, tính cơ động của không chiến vẫn không thể đánh giá thấp.
Mấu chốt là thiết kế tàng hình hóa, sử dụng rất nhiều vật liệu composite, có lý do để tin là tính năng tàng hình của F-35A phải tốt hơn J-20, J-31. F-35A đã sử dụng cánh máy bay hình thoi, tất cả mặt cánh hầu như không nhìn thấy góc nhọn, hai đuôi buông nghiêng cũng được thiết kế tàng hình.
Nhìn vào ngoại hình thiết kế cánh chính hình thoi của máy bay thử nghiệm J-31 Thẩm Dương, J-31 đã tham khảo rất nhiều thiết kế của F-35. Hai loại máy bay chiến đấu đều đã sử dụng cửa nạp DSI, đã giảm mạnh trọng lượng. Đầu máy bay cũng đã áp dụng thiết kế hình thoi, kích thước nhỏ hơn J-20, một mặt có lợi cho tàng hình, mặt khác giảm thấp trọng lượng.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35C bay thử
Chú ý kỹ việc xử lý bề mặt máy bay của F-35, J-20 và F-22 có thể phát hiện, việc xử lý của máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ tương đối chi tiết, không nhìn thấy quá nhiều dây anten, đa số anten đều đã được bố trí theo kiểu nửa nổi nửa chìm, tiếp tục nhìn vào J-20, vẫn có thể nhìn thấy một số anten.
Động cơ của F-35A là mạnh nhất trong các máy bay chiến đấu, lực đẩy lớn nhất của F135-PW-100 lên tới 18.000 kg (191,35kN), lực đẩy quân dụng cũng đạt 125kN, tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng lên tới 11,46, tỷ lệ nén là 28.
F-35B nhấn mạnh hơn đến tấn công đối đất, tính cơ động thấp hơn F-35A, tốc độ tối đa của F-35A/C là M1,7, F-35B chỉ là M1,6, do đã sử dụng máy nâng có khả năng cất/hạ cánh cự ly ngắn, trọng lượng của bản thân máy bay tăng lên, nhưng đã có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng. Trọng lượng rỗng tăng lên 14,5 tấn, phải giảm dự trữ nhiên liệu trong máy bay, từ 8,39 tấn nhiên liệu ở máy bay F-35A giảm xuống còn 6,03 tấn ở F-35B, từ 1.090 km ở máy bay F-35A giảm xuống còn 833 km ở F-35B.
Khoang đạn máy bay chiến đấu F-35B-BF-03

3.000 tự vệ Crimea tiến về miền Đông giúp lực lượng ly khai


 Ngày 2-5, quyền thủ tướng Crimea Sergey Aksenov cho biết, khoảng 3.000 hơn người thuộc lực lượng dân quân Crimea đang sẵn sàng lên đường tiến về miền Đông Nam Ukraine để hỗ trợ lực lượng ly khai chống lại quân đội của chính quyền Kiev.

Theo ông Aksenov, đại diện của lực lượng dân quân ở Crimea đã yêu cầu chính quyền cho phép họ được tới trợ giúp dân quân ở miền Đông Nam Ukraine, nơi những người “anh em” của họ đang đấu tranh giành quyền tự quyết.
Ông Aksenov cho các nhà báo biết rằng ông không thể cấm người dân Crimea đến trợ giúp cho các công dân Nga, cũng như công dân thuộc các dân tộc khác đang sinh sống ở phía Đông Nam Ukraine, những người đang phải chịu đựng đau khổ do chính quyền Kiev đang thực hiện những tham vọng của mình với sự ủng hộ của các nước và các tổ chức khác nhau ở phương Tây.

Lượng lượng dân quân tự vệ Crimea
Báo chí địa phương dẫn lời một số nguồn tin cho biết lực lượng tự vệ Crimea đã lên đường tới khu vực Đông Nam Ukraine. Tất cả đều được vũ trang và được chuẩn bị chu đáo với tinh thần chiến đấu cao.
Tờ Vzglyad của Nga đưa tin, lực lượng dân quân Crimea gồm 2 tiểu đoàn đang tiến về những khu vực mà chính quyền Kiev đang tiến hành "chiến dịch chống khủng bố". Lực lượng dân quân kêu gọi “các bà mẹ và vợ” của những chiến binh thuộc phe Cực hữu (Right Sector) hãy kêu gọi “con em” của mình rút khỏi những nơi đang diễn ra xung đột ở đông nam Ukraine.
Sáng 2-5, chính quyền Kiev đã khởi động lại chiến dịch tái chiếm các toà nhà công quyền với mục tiêu là thành phố Slavyansk khi huy động hàng chục xe bọc thép và máy bay trực thăng. 
Đức Hùng
Theo RIA/komtv

Vinamilk “thanh minh” về kết luận thanh tra giá sữa


(Petrotimes) - Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính tại 5 doanh nghiệp sữa là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A , Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition, thì các doanh nghiệp này đã thực hiện chi vượt mức quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp,  gián tiếp gây tăng giá thành của sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 2,18% đến 16,39%.
Vinamilk “thanh minh” kết luận của Bộ Tài chính
Cụ thể, công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 69 tỷ đồng; Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 249 tỷ đồng; Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã chi vượt mức là 67 tỷ đồng; Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã chi vượt mức là 817 triệu đồng. Công ty Cổ phần sữa Việt Nam chi phí quảng cáo, khuyến mại đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là 811 tỷ đồng (chiếm 21% giá thành).
Ngay lập tức, đại diện của Vinamilk đã có phản hồi về kết luận này, với mong muốn “làm rõ hơn” những công bố của Bộ Tài chính. Theo bà Bùi Thị Thu Hương – Giám đốc Đối ngoại của Vinamilk, 2,7 tỷ đồng trong báo cáo của Bộ Tài chính là số thuế TNDN và GTGT mà Vinamilk cần phải nộp bổ sung – sau khi thanh tra loại trừ một số chi phí không được tính vào chi phí hợp lý. Hoàn toàn không có chuyện Vinamilk cố tình không kê khai và giờ bị truy thu.
Về con số 811 tỷ đồng dành cho chi phí quảng cáo, đại diện của Vinamilk cho rằng, đó là tổng số tiền quảng cáo dành cho tất cả các ngành hàng của Vinamilk chứ không chỉ riêng cho sản phẩm sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi. Trên thực tế, Vinamilk là công ty duy nhất không bị chi vượt mức quy định về quảng cáo và là công ty duy nhất chấp hành đúng theo quy định về chi phí khống chế cho quảng cáo khuyến mãi trong số 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sữa mà Bộ Tài chính vừa thanh tra.
Bảo Sơn

NSƯT Chánh Tín đi bán rau nuôi vợ?


Ca sĩ Long Nhật không chỉ ngưỡng mộ tài năng của nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín mà anh còn bày tỏ sự khâm phục về một con người hết lòng hi sinh vì nghệ thuật.

Hâm mộ nghệ sĩ Chánh Tín đã lâu, Long Nhật đã xem hết các vai diễn mà nghệ sĩ Chánh Tín đảm nhận. Anh từng trốn học, nhịn ăn sáng để dành dụm tiền mua vé coi phim của nghệ sĩ Chánh Tín... Chính từ điều đó, ngay từ nhỏ Long Nhật đã nuôi đam mê trở thành ca sĩ và giúp anh có được thành công đến hiện tại...

"Tôi yêu mến và hâm mộ NSƯT Nguyễn Chánh Tín từ nhỏ. Ngay khi học cấp 1 tôi đã coi ti vi trắng đen và say mê những vai diễn anh đóng cùng với nữ minh tinh Thẩm thúy Hằng như: Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai,Hoa Sim Gai Trắng ( 1977-1978 ).

Bẵng đi một thời gian, có phim màn ảnh rộng chiếu ngoài rạp của anh Tín, tôi đam mê đến mức đòi bằng được ba cho đi coi. Nhà tôi chỉ cách rạp chiếu bóng 1 km nên bộ phim nào của anh Tín tôi cũng có mặt để xem.

Nhiều lúc, tôi để dành tiền mẹ cho ăn quà mua vé xem đi xem lại rất nhiều lần các bộ phim của anh Tín đóng mà hầu hết đều là vai chính, đến mức tôi thuộc tất cả những lời thoại của NS Chánh Tín cùng với các nữ diễn viên xinh đẹp như: Thuý Lan, Hoa Hạ trong các bộ phim trắng đen: Tình đất củ chi, Giữa hai làn nước, Con mèo nhung, Pho tượng.

Những bộ phim của anh Tín đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ mà tôi mang theo cho đến bây giờ. Ngoài ra tôi còn say mê Chánh Tín với những bản tình ca anh thể hiện được chiếu trên ti vi thời bấy giờ như: Mimoza, Tôi đi giữa hoàng hôn, Gẩy đàn lên người bạn Mỹ.
Chánh Tín, vỡ nợ, Long Nhật,
Mặc dù là ti vi trắng đen nhưng tôi nhớ tất cả... áo sơ mi,quần jeans, comple của anh. Với tôi, anh Tín là một diễn viên điện ảnh, diễn viên kịch nói, một ca sỹ tài năng xuất sắc phong độ, đep trai, sang trọng và là hình mẫu cho thế hệ đàn em chúng tôi noi theo .

Đến năm học cấp 2, tôi đã xác định lớn lên sẽ làm ca sĩ. Khi cô giáo hỏi ước mơ sau này sẽ làm gì? Tôi trả lời cô giáo mà không cần suy nghĩ "em muốn làm ca sĩ nổi tiếng và chuyên hát dòng nhạc trữ tình quê hương". Chính những vai diễn những bài hát của anh đã vẽ cho tôi một giấc mơ trở thành ca sỹ chuyên nghiệp sau này và tôi đã làm được điều đó.

Đỉnh điểm năm 1982-1988, ở những bộ phim anh Tín đảm nhận, tôi đều coi hết và thấy anh đẹp lắm, đẹp cả hình thức tài nghệ khi biến hóa vào các nhân vật. Đặc biệt là nhân vật Đại tá Nguyễn Thành Luân trong 8 tập của bộ phim Ván Bài lật Ngửa.

Nhớ nhất, trong lần đầu tiên Chánh Tín ra TP Huế - quê hương tôi - năm 1985, để tham gia hội diễn ca múa nhạc các nhà văn hoá lao động toàn quốc. Khi đi, đoàn nghệ sỹ còn có vợ anh - ca sỹ Bích Trâm và các ca sỹ khác là Thanh Lan, Trang Kim Yến, ban nhạc Đại Dương.
Chánh Tín, vỡ nợ, Long Nhật,
Chánh Tín và Long Nhật.

Tôi cũng hâm mộ đến mức chạy theo sau để nhìn bằng được anh và đó là lần đầu tiên gặp anh Tín. Tôi chạy đến cầm tay anh, thật không ngờ giữa rất nhiều người anh lại cúi xuống nhìn một thằng bé xa lạ chỉ học cấp 3 với nụ cười rất độ lượng

Tối hôm đó, khi nghe anh tín hát bài Alibaba và 40 tên cướp, về nhà tôi đã thức trắng đêm vì cứ nhắm mắt lại hiện ra hình ảnh anh Chánh Tín trên sân khấu.

Trong một lần khác, bất chấp thời tiết mưa to, tôi chạy đến khách sạn Hương Giang để tìm Chánh Tín và Thanh Lan xin hình, chữ ký.

Tôi năn nỉ mãi chú bảo vệ mới cho vào. Tôi đứng ngoài gọi to: “Anh Chánh Tín”, “Anh Chánh Tín ơi" ngay lập tức từ phía trong lễ tân của khách sạn anh cầm mà một cái ô ra cổng che mưa cho tôi, với giọng nói ấm áp anh bảo "vào đây với anh coi chừng ướt hết lại bệnh đó" - anh đã kéo tay tôi vô trong đoàn.

Tôi thật sự không ngờ với một tên tuổi nổi tiếng như anh mà lại để ý đến cậu bé như mình. Tôi đã rất hạnh phúc và kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên. Sau đó, tôi đã nộp đơn xin nghỉ học với lý do bị ốm và bắt đầu đi theo đoàn Chánh Tín để nghe anh cùng các nghệ sỹ hát suốt ngày đêm.

Có ngày đoàn ca nhạc điện ảnh của anh diễn liên tục một ngày 3 suất sáng trưa chiều tối tại nhà hát Hưng Đạo TP Huế.

Đến những ngày anh Tín chuẩn bị cùng đoàn đến nơi khác lưu diễn. Khi nhìn thấy những chiếc băng rôn quảng cáo của đoàn anh gỡ xuống, tôi đã khóc và buồn vì nghĩ rằng mình sẽ không còn cơ hội được thưởng thức anh Chánh Tín biếu diễn trên sân khấu nữa.

Lúc đó nhìn thấy tôi anh đã bước tới xoa đầu và an ủi tôi hãy cố gắng học, nếu đam mê hát thì phải tốt nghiệp cấp 3 và thi vào học viện âm nhạc Huế.

Anh cũng nhắc nhở tôi giống như một người anh trai lớn dạy em ruột của mình: Từ nay em không được bỏ học đi theo đoàn hát mà phải học hành tử tế nếu không nghe lời anh, anh sẽ không làm anh em với em nữa đâu". Những lời nghiêm khắc rất ngọt ngào và ấm áp của anh làm tôi lặng người và nhớ đến tận bây giờ.

Thời gian dần trôi đi, tôi đã thi đỗ vào môt trường âm nhạc sau đó tôi về công tác tại đoàn ca nhạc Sở GTVT Bình Trị Thiên và tôi lại có dịp gặp anh Chánh Tín. Lúc đó anh cùng với ca sỹ Bảo Yến, nhạc sỹ Quốc Dũng ra Huế biểu diễn cùng đoàn ca nhạc điện ảnh TPHCM.

May mắn nhất là tôi vinh dự được diễn cùng anh trên một sân khấu vì cơ quan của tôi có mời đoàn của anh về giao lưu. Lần đó, tôi được anh Chánh Tín và chị Bảo Yến khen hát hay và có tương lai.

Đến năm 1992-1993, tôi về công tác tại đoàn ca múa nhạc Hải Đăng - Nha Trang và bắt đầu nổi tiếng, tôi có cơ hội đứng trên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp cùng Chánh Tín khi đoàn tôi mời anh ra Nha Trang tăng cường cho chuyến lưu diễn miền trung và Hà Nội.

Đó là cảm giác vừa tự hào vừa hạnh phúc vì được biểu diễn cùng thần tượng, vừa được gần một người anh mình yêu quý từ lâu.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín.

Năm 1995, tôi về Sài Gòn để mở rộng hoạt động nghệ thuật, công việc đầu tiên tôi làm là đi tìm và thăm nhà anh Chánh Tín.

Dù lúc đó anh em đã thân thiết nhưng chưa bao giờ tôi nhờ anh Tín giúp đỡ mà luôn nghĩ bản thân phải nỗ lực vươn lên bằng chính sức lực của mình. Nhưng anh Tín đã hết mực yêu thương tạo điều kiện và giới thiệu tôi đến những sân khấu, tụ điểm ca nhạc trong thành phố hát và để phát triển sự nghiệp hơn nữa.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm kể từ ngày đầu tiên đến giờ tình cảm tôi dành cho anh Chánh Tín không thay đổi. Anh Tín là người sống rất quan tâm đến những người xung quanh mình.

Nhớ lại lần đi diễn đêm tại ở một tỉnh khác, cả đoàn ai cũng mệt mỏi và thiếp đi nhưng anh Tín không ngủ để nói chuyện cùng bác tài cho bác quên cảm giác buồn ngủ tập trung lái xe.

Hay mỗi lần tập nhạc, thử giọng anh rất ân cần chỉ bảo, uốn nắn kỹ càng, chu đáo cho từng người em trong đoàn.

Với anh Tín, tôi không chỉ ngưỡng mộ mà còn khâm phục tài năng của anh. Ở bất cứ giai đoạn nào anh đều có những đóng góp đối với nghệ thuật nước nhà từ sân khấu kịch nói, hay dòng phim điện ảnh cách mạng, phim nghệ thuật, truyền hình… Đó là người nghệ sĩ làm việc không biết mệt mỏi. Anh có công rất lớn khôi phục lại dòng phim kinh dị cho điện ảnh Việt Nam với các phim: Chiếc mặt nạ da người, Ngôi nhà oan khốc .

Nhớ lại thời điểm khi tình hình đất nước chưa ổn định, tôi từng hỏi anh tại sao trong giai đoạn đó anh dám đảm nhận vai diễn Thành Luân, một người biệt động chiến sĩ tình báo có rất nhiều kẻ thù.

Vì trong quá khứ có một xuất diễn tại rạp Lao Động B quận 5 Tp.HCM - cô Thanh Nga từng bị ném lưu đạn lên sân khấu, khi vào vai Trưng Trắc trong vở cải lương tiếng trống Mê Linh, sau đó cô đóng tiếp vở Thái hậu Dương Văn Nga thì bị ám sát.

Nhưng anh Tín nói: Sợ chứ ! Ai mà không sợ chết. Thậm chí anh còn nhận được nhiều thư nặc danh, sự hăm dọa nhưng làm người ai cũng phải chết một lần, nếu được chết vì vai diễn để đời của mình thì cũng đáng…Câu nói đó của anh luôn ăn sâu và nhắc nhở bản thân tôi phải cố gắng cho niềm đam mê nghệ thuật của mình.

Cũng chính tài năng diễn xuất tuyệt vời và hình thức diện mạo sang đẹp mà tôi đã nói với anh: “sao anh không lấy nữ đại gia”, vì em thấy có rất nhiều người sẵn sàng giao hết giá tài sản cho anh để được anh yêu và cưới người ta làm vợ, sao anh phải làm việc vất vả như thế?

Nhưng anh trả lời: "Anh có vợ, con rồi. Ai cũng có những lúc lãng mạn, lỗi lầm nhưng phải biết quay lại đúng lúc. Không ai yêu thương anh bằng chị Bích Trâm. Anh hạnh phúc bởi gia đình của mình".

Kể cả thời điểm anh đã nổi tiếng, giàu sang, anh có biệt thự xe hơi, đến khi anh sạt nghiệp phải đi bán rau muống bán trái cây ở chợ (sau 1975) nuôi vợ con, gia đình, nhưng anh vẫn lao động bằng công sức của mình mà không nề hà mình là ngôi sao nổi tiếng.

Anh Tín nói anh hạnh phúc nhất là kiếm tiền bằng công sức và tài năng của mình để lo cho vợ cho con. Anh muốn làm ra tiền để nuôi sống người đàn bà anh yêu.

Tôi đi rất nhiều nơi từ Nam đến Bắc và các nước trên thế giới nhưng anh Tín là người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Ngoài sự ngưỡng mộ tài năng, tôi còn yêu quý sự uy tín chịu khó say mê làm việc và sáng tạo nghệ thuật của anh. Được làm em kết nghĩa, được chơi và yêu thương anh Tín cũng như được anh Tín yêu thương, đối với tôi là một may mắn trong cuộc đời".
(Theo Soha)

Cháy quán karaoke ở Giảng Võ, 5 người tử vong

 - Vụ cháy xảy ra tại quán Karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ, Hà Nội khi quán này đang hoạt động vào trưa nay (3/5).
Theo thông tin ban đầu từ hiện trường, có 5 người đã tử vong trong vụ cháy, gồm 4 nam và một nữ.
Cháy, quán karaoke, 5 người, tử vong, Hà Nội
Hiện trường vụ cháy Ảnh: Nhị Tiến
Vụ cháy được phát hiện vào khoảng 12h trưa nay (3/5). Theo quan sát ngôi nhà dùng làm quán karaoke này có 4 tầng và một tum nằm trên diện tích đất rộng khoảng 100m2.
Đám cháy khiến toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà, biển quảng cáo phía trước bị ngọn lửa thiêu rụi.
5 xe cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường để dập lửa. Lực lượng cứu hỏa đã đập vỡ kính các tầng nhà để khói thoát ra bên ngoài. Các chiến sĩ cứu hỏa phải đeo mặt nạ chống độc để tìm cách tiếp cận bên trong căn nhà. Nhiều người dân lo ngại bên trong ngôi nhà có người bị mắc kẹt.
Đến khoảng 15h, đám cháy cơ bản được khống chế, không còn khói bốc ra từ tòa nhà. Lực lượng phòng chữa cháy cấp cứu các nạn nhân ngay trên tầng thượng. Bên ngoài nhiều người dân hiếu kỳ tập trung trước cửa tòa nhà.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội có mặt tại hiện trường, lực lượng khám nghiệm hiện trường của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hà Nội cũng đã bắt đầu công việc tại nơi xảy ra cháy.
Có 5 người đã tử vong gồm 2 nạn nhân tử vong tại tầng 2 và 3 nạn nhân tử vong tại tầng 3. Trong số này có một nữ chết ngạt trong phòng vệ sinh.
Người dân xung quanh cho biết, khả năng xảy ra cháy là do chập điện từ tầng 1, sau đó lan rộng lên các tầng.
Hiện cơ quan công an đang phong tỏa hiện trường, ngõ 43 Giảng Võ để phục vụ điều tra và di chuyển người bị nạn.
Dưới đây là một số hình ảnh của vụ cháy:
Cháy, quán karaoke, 5 người, tử vong, Hà Nội
Theo người dân, đám cháy được cho là do chập điện từ tầng 1, sau đó lan rộng lên các tầng. Ảnh: Nhị Tiến
Cháy, quán karaoke, 5 người, tử vong, Hà Nội
 Quán karaoke 5 tầng nằm cách mặt đường Giảng Võ hơn 10m, ngõ nhỏ, xe PCCC phải đỗ từ xa.  Tại hiện trường, đồ đạc tầng 1 đã bị cháy rụi vương vãi khắp mặt sân. Ảnh: Zing.vn
Cháy, quán karaoke, 5 người, tử vong, Hà Nội
Do quán sử dụng hệ thống cách âm, phòng kín nên lực lượng cứu hỏa phải đeo mặt nạ để tiếp cận bên trong căn nhà Ảnh: Dân trí
Cháy, quán karaoke, 5 người, tử vong, Hà Nội
Các cửa kính của quán được đập vỡ để thoát khí Ảnh: Lao động
Cháy, quán karaoke, 5 người, tử vong, Hà Nội
Chiếc xe cứu thương thứ 2 đưa người bị nạn rời khỏi hiện trường lúc 16 giờẢnh: NLĐ
Cháy, quán karaoke, 5 người, tử vong, Hà Nội
14h10, vụ hỏa hoạn cơ bản được khống chế. Ảnh: Zing.vn
Cháy, quán karaoke, 5 người, tử vong, Hà Nội
Người dân tập trung rất đông tại hiện trường để theo dõi vụ việc Ảnh: Nhị Tiến
Nhị Tiến - N.Trang

Khánh Ly và chuyện tình bí mật


Khánh Ly và chuyện tình bí mật
Sau khi sang Hoa Kỳ định cư năm 1975, giọng hát của bà vẫn đứng đầu ở hải ngoại. Từ đó đến nay, bà đã hai lần về Việt Nam với tư cách thăm viếng người nhà. Lần sau cùng vào tháng 5.2000. Và cách đây hai ngày là lần thứ 3...
Tài danh là thế, nhưng đường tình cảm của Khánh Ly không được may mắn như sự nghiệp ca hát. Suốt thời son trẻ của bà toàn lận đận với chuyện tình yêu và chưa bao giờ được sống trọn vẹn với mơ ước của mình, và mối tình với hai người đàn ông Đà Nẵng thì ít người biết đến.
khanh_ly_2
Là ca sĩ tài danh, nhưng đường tình của Khánh Ly không mấy suông sẻ
Ông đại úy tay chơi
Sau khi chia tay với người chồng đầu tiên và đã có với nhau hai mặt con, chẳng bao lâu, Khánh Ly gặp người chồng thứ hai, một đại úy biệt kích và là một tay chơi có hạng của đất Sài Gòn thời đó.
Ông ta tên là Mai Bá Trác, con trai thứ trong một gia đình giàu có và tiếng tăm ở Đà Nẵng, từng chỉ huy một trại biệt kích biên phòng ở biên giới Tây Ninh vào những năm cuối thập niên 60.
Là một người đàn ông có thân hình to lớn, không thuộc thành phần đẹp trai, học giỏi, nhưng ông ta có dáng dấp của một kẻ phong trần, bụi bặm và lì lợm. Vốn con nhà giàu, lại nắm chức vụ hái ra tiền, nên mang danh là lính biên giới, nhưng tháng nào Mai Bá Trác cũng có mặt ở Sài Gòn mấy ngày để ăn chơi xả láng với nhiều người đẹp. 
Dạo đó, ông ta đã sắm xe du lịch Mustang mui trần để sẵn ở hậu phương làm phương tiện di chuyển thì ít mà để tán tỉnh các em thì nhiều. Mai Bá Trác tỏ ra rất hào phóng với em út, nên ít cô nào từ chối lời tỏ tình có điều kiện đi kèm của ông ta. Nhưng đến khi gặp Khánh Ly thì Trác chết mê, chết mệt.
Ong Mai Ba Trac
Mai Bá Trác – người chồng thứ hai của Khánh Ly
Thật ra, lúc bấy giờ, chàng trai nào được là bạn của Khánh Ly thôi, cũng đã hãnh diện lắm rồi, nói chi đến người tình. Thế là Mai Bá Trác, bỏ tất cả để dồn hết khả năng vào việc chinh phục mục tiêu duy nhất. Phải công bằng mà nói, thời vàng son của Khánh Ly, những người đeo đuổi bà tầm cỡ như ông Trác, hoặc nhỉnh hơn đều không thiếu. 
Nhưng dầu sao, bà là một nghệ sĩ nên không thiếu chất lãng mạn và dễ xiêu lòng nhưng Khánh Ly cũng đủ cảm nhận Mai Bá Trác quá chân tình. Ngược lại, ông Trác cũng yêu Khánh Ly tha thiết lắm, vì thế mà đồng ý làm đám cưới để thành vợ, thành chồng với nhau.
Năm 1972, họ cho ra đời một bé gái. Ông Mai Bá Trác lấy tên thật của Khánh Ly (là Nguyễn Thị Lệ Mai, bạn bè thường gọi là “Mai đen” bởi làn da không được trắng) làm chữ lót, đặt tên con là Mai Mai Misa như để bày tỏ hết lòng yêu thương của ông ta. Đến khi ván đã đóng thuyền, biết chắc là của mình rồi, ông Trác lại ngựa quen đường cũ, không có ý bỏ vợ, nhưng lại lén lút trăng hoa với nhiều người phụ nữ khác.
Cũng vào năm 1972, ông Mai Bá Trác viện dẫn lý do bận rộn việc nhà binh nên thường xuyên vắng nhà. Thật ra, ông đang chung sống với một người con gái khác, tên là Thơ, còn rất trẻ và đẹp hơn Khánh Ly nhiều. Chuyện vụng trộm này rồi cũng đến tai Khánh Ly. 
Trong lòng đã nguội lạnh nhiều rồi, nhưng bà vẫn nhờ người theo dõi và biết rõ chỗ ở của ông Trác với tình nhân. Không làm ồn ào, Khánh Ly đã âm thầm nhờ văn phòng Thừa Phát Lại ập vào bắt quả tang để có chứng cứ ly dị. 
Thế là chia tay, ông Mai Bá Trác vẫn thường xuyên về thăm con và rất muốn nối lại tình xưa, nhưng Khánh Ly cương quyết từ chối. Chính vì thế mà sau này đã xảy ra trận đánh ghen của ông Mai Bá Trác dành cho tình địch của mình. 
Và, cho đến bây giờ, hơn 40 năm trời trôi qua, Khánh Ly đã có chồng khác, và Mai Bá Trác cũng đã trải qua không biết bao nhiêu mối tình theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng”, nhưng lúc nào ông ta cũng nhắc đến Khánh Ly một cách yêu quý và tỏ ra thích thú khi có ai đó gọi mình bằng “ông Khánh Ly”.
Hiện Mai Bá Trác định cư ở Mỹ và rất thường về Việt Nam để thăm nhà. Lần về nào ông cũng lên Thủ Đức ghé thăm bà chị ruột của Khánh Ly đang sinh sống tại đó.
“Mối tình tuyệt vời” của Khánh Ly
Năm 1972, sau khi nói lời chia tay với Mai Bá Trác, trong một lần ra Huế hát phục vụ cho binh sĩ, Khánh Ly đã gặp Đỗ Hữu Tùng trong một bữa tiệc khao quân.
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, sau khi học xong tú tài, Đỗ Hữu Tùng đã tình nguyện vào học khóa 16, trường Võ bị Đà Lạt. Ra trường với cấp bậc Thiếu úy, ông xin về Thủy quân Lục chiến và trở thành một sĩ quan nổi tiếng của binh chủng được coi là thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. 
Dáng người thấp nhưng chắc chắn và có làn da ngăm đen, khuôn mặt hiền lành, không có vẻ gì là người của trận mạc. Ông ta lại ít nói, có vẻ hơi thâm trầm. Khi gặp Khánh Ly, Đỗ Hữu Tùng đã 32 tuổi, mang hàm Trung tá, giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, rồi sau đó lên Quyền Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến. Lúc bấy giờ, ông ta đã có vợ và 1 con. Người đàn bà này tên Nguyễn Thị Lan, vốn là một cô gái Huế nhưng lớn lên tại Đà Nẵng và là bạn của Tùng từ thời mới lớn.
Sau đó, ông Tùng mải theo đơn vị hành quân, ít có thời gian ở nhà với vợ. Không biết có phải là định mệnh hay không mà ngay phút đầu gặp nhau, Đỗ Hữu Tùng và Khánh Ly đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng trái tim. 
Họ dường như không còn biết đất trời là gì. Dù đã có vợ con nhưng ông Tùng tâm sự đây mới đích thực là mối tình đầu và ông đã yêu một cách say đắm. Còn Khánh Ly cho đến mãi sau này, bà vẫn xác định, mối tình với Đỗ Hữu Tùng là tuyệt vời hơn cả mà suốt đời không dễ gì quên!
Khanh Ly(thu 2 tu trai qua) buoi mot buoi dien van nghe  1972
Khánh Ly, (thứ 2 từ trái qua) trong buổi biểu diễn văn nghệ 1972
Khi chuyện tình của Đỗ Hữu Tùng và Khánh Ly đã đi đến chỗ mặn nồng, ông Tùng có ý sẽ đi đến hôn nhân, thì bạn bè hỏi: “Còn bà Lan và thằng con trai thì sao?”. Ông Tùng không trả lời thẳng câu hỏi mà kể, có lần ông về Sài Gòn, ghé vào bệnh viện Từ Dũ tìm vợ thì bắt gặp bà ta đang tình tứ với viên bác sĩ trực. 
Chuyện này có vẻ khó tin, vì khi đã muốn thay lòng, đổi dạ, người ta phải viện dẫn một lý do nào đó để tự bào chữa cho mình. Bởi lẽ, ông Tùng đến bệnh viện Từ Dũ thì lúc nào cũng được, nhưng xông thẳng vào phòng trực mà không ai biết thì hơi lạ! Hơn nữa, ngay khi chứng kiến tận mắt, tại sao ông Tùng lại không có phản ứng gì, để rồi sau này mới nói cho bạn bè biết.
Suốt năm 1973 cho đến ngày Mai Bá Trác đánh ghen, Khánh Ly thường xuyên bay ra chung sống với Đỗ Hữu Tùng tại vị trí đóng quân. Hầu như tất cả sĩ quan và thuộc cấp của Đỗ Hữu Tùng đều biết, ông ta đã đặt cho Khánh Ly một cái tên được mật mã hóa là Kí-Lô, để tránh tai vách mạch rừng. 
Lần cuối cùng Kí-Lô ra tìm Tùng và ở lại mấy ngày là giữa năm 1974, khi bộ chỉ huy hành quân Lữ đoàn của Tùng đang đóng tại Mỹ Chánh. Vài tháng sau, Đỗ Hữu Tùng được nghỉ phép về Sài Gòn thì đụng đầu với Mai Bá Trác.
Trận đánh ghen chớp nhoáng
Biết chắc sau khi chia tay, Khánh Ly đã dan díu với Đỗ Hữu Tùng nên Mai Bá Trác hết sức ghen tức. Nhưng lúc bấy giờ, Trác đã bị thuyên chuyển lên Buôn Ma Thuột nên không biết làm cách nào để đối mặt tình địch. 
Chẳng may thời gian Đỗ Hữu Tùng về phép thì Mai Bá Trác cũng có mặt tại Sài Gòn. Ông ta theo dõi và biết Tùng thường xuyên có mặt tại phòng trà Khánh Ly, nên rủ thêm vài chiến hữu, lặng lẽ mở cuộc đột kích.
Khi Đỗ Hữu Tùng xuất hiện, mới bước vào bên trong, Trác đã bám theo và đánh Tùng hai tát tai. Trước khi định móc súng ra để xiết cò, thì mọi người kịp thời can ngăn. Đỗ Hữu Tùng đã nhanh chóng rút lui, nhưng ông đâu có chịu nhục, nhất là khi Mai Bá Trác và Khánh Ly đã không còn là chồng vợ. 
Ông ta vội huy động một số đàn em Thủy Quân Lục Chiến ở hậu cứ ra trả đũa, nhưng Mai Bá Trác cũng đoán được ý đồ đó của Tùng nên cũng vội biến khỏi đấu trường.
Mọi chuyện không dừng ở đó. Nắm được vụ việc này, như bắt được vàng, ngày hôm sau nhật báo Trắng Đen đã chạy tít 8 cột trang nhất, mô tả lại trận đánh ghen mà họ đã vẽ rắn thêm chân cho ly kỳ hấp dẫn. 
Kết quả, Đỗ Hữu Tùng thay vì đang chờ được cất nhắc lên Đại tá thì bị ngưng lại và mất luôn chức Lữ Đoàn Trưởng 147, phải về làm Lữ Đoàn Phó 258 cho người bạn cùng khóa là Nguyễn Xuân Phúc. 
Cả Đỗ Hữu Tùng và Nguyễn Xuân Phúc đều tử trận vì đạn pháo kích ngày 29.3.1975 tại bờ biển Đà Nẵng.
Năm 1991, nhân kỷ niệm 30.4 trong một bài viết về chiến trường Đà Nẵng những ngày cuối cùng trên báo Công An thành phố, có nhắc đến cái chết của 2 Trung tá Thủy Quân Lục Chiến là Nguyễn Xuân Phúc và Đỗ Hữu Tùng. 
Sau khi đọc bài báo này, bà Lan, vợ ông Tùng đã đến tòa soạn dò hỏi, với hy vọng sẽ tìm được hài cốt của chồng mình. Bởi theo bà thì dầu ai có phụ bạc ai đi nữa, thì một ngày cũng là nghĩa vợ chồng.
Theo Duyên Dáng Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Thư gửi ông Vũ Khiêu


 Hoàng Kim 


Ảnh bên: Báo Thể thao Văn hóa  viết: Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu là một trong những biểu tượng sống của Việt Nam. ( Xem tại đây!) Tại lễ mừng thọ 95 tuổi của giáo sư do Bộ VHTTDL  tổ chức, giáo sư được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười viết tặng câu đối “Hai bàn tay trắng không vương bụi/ Một tấm lòng son ở với đời”; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư câu đối “Triết gia trong cách mạng/ Nghệ sĩ giữa anh hùng”



Tôi thức dậy trong cơn đau nửa mặt vì chứng xoang trong những ngày trở tiết, nhận được tag (đánh dấu) bài chia sẻ có thêm phần bình nhỏ của một người bạn học cũ thời đại học, hiện đang ở Mỹ (Hoahong Xukhac), về một chuyện kinh thiên động địa, mà tôi nghĩ rằng, nếu không phải ở cái thời mạt pháp này, thì thật khó mà tin một vị Giáo sư tiếng tăm lẫn tai tiếng lẫy lừng như ông, có thể hạ bút để viết tựa cho một cuốn sách có tên là "Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng" do Đỗ Minh Xuân khảo dịch - nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin in năm 2012. Sau khi đọc hết các thông tin liên quan, tôi chỉ biết dùng câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Thân mà thốt lên rằng: Một hành động vô đạo!

Việc một tác giả vô danh, tự bốc mình với hơn 1.000 đơn vị từ tự sửa trong Truyện Kiều là "hay hơn Nguyễn Du", tôi chả quan tâm làm gì cả. Vì những người như thế ở Việt Nam ta không thiếu, nhất là cái đám văn sĩ mậu dịch nửa mùa, cho vài xu rượu vào người, còn tự tâng hay hơn cả Nguyễn Du, Puskin, Banzac... là thường. Nhưng tôi té ghế vì cái tựa sách mang tinh thần húy lạo cổ võ của ông cho tập sách "kinh hồn" kia của ông, một giáo sư với nhiều "công trạng" tai tiếng chẳng kém một nhân tội của lịch sử, mà mai này, con cháu sẽ nhìn thấu rõ, ví như công trình "bài văn bia kiểu bia về Quang Trung dán đè lên thơ Hồ Chí Minh ở Núi Quyết, hay chuyện mới đây ông này lại “giáng bút” (?) ở Bình Đà..." (Lời nhà văn Nguyễn Quang Thân).

Thưa ông giáo sư, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một di sản của dân tộc chúng ta. Trải qua mây trăm năm trồi sụt, nó càng long lanh hơn, diễm tuyệt hơn vì sự 'trong sáng" vốn có của nó, chứ chẳng cần những người như ông và tác giả cuốn sách kia làm theo chỉ đạo hay định hướng nào đó thì nó mới được/bị trong sáng về tiếng Việt. Giá như, là một giáo sư, ông hiểu được rằng, tất cả những từ Hán-Việt còn lại trong bản Truyện Kiều, là những đơn vị từ không thể thay thế, vì nó là những điển tích, điển cố v.v... thì ông đã không hạ bút tự làm nhục mình như vậy. Việc một đại thi hào lỗi lạc như cụ Tố Như, đã dùng Nôm văn [một thứ chữ Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc này] để viết, mà không dùng Hán văn để chuyển Đoạn Trường Tân Thanh sang thơ cho người Việt đọc, là cả một cái "tinh thần dân tộc" không chờ một nghị quyết hay định hướng nào cả. Đến như ai kia còn phải thốt lên rằng, "Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn...", thế mà...

Tôi viết lá thư này gửi cho ông và đăng tải công khai trên Facebook cá nhân, là để kêu gọi ông cũng công khai tự hủy lời tựa của mình cho cuốn sách mang "hành động vô đạo" kia, nếu ông còn chút liêm sỉ trí thức nhỏ nhoi nào đó.  Kính chúc ông sức khỏe để bớt đi sự hồ đồ như ông vẫn hay làm!

Chu Giang Phong, giờ Dậu, ngày 26.4.2014

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả