Trang

11 tháng 4, 2014

3 người giật lại xe máy bị CSGT bắt giữ


Theo Vnexpress

Người đàn ông đeo con dao phay ở hông hùng hổ leo thẳng lên thùng xe tải, dắt xe máy xuống ngay trước mặt các cảnh sát giao thông.


·     -  BTTD: Vì sao càng ngày càng nhiều người dân chống lại công an? 
·         Ở đất nước VN XHCN công an là "Công an nhân dân", "vì nhân dân phục vụ", "Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân."...
·         Hình ảnh người CAND đẹp là thế, tốt như thế, nhưng theo dư luận xã hội hiện nay, công an là nghề bị dân ghét nhất ở VN? Tại sao ?...
·         CAND là lực lượng đặc biệt quan trọng để bảo vệ đảng, bảo vệ chính quyền, khẩu hiệu của CAND hiện nay là “Còn đảng còn mình”…, họ cũng là con em của dân, từ dân mà ra, … nhưng … vẫn... không được dân yêu? Vì sao?

Một ông già tóc bạc trắngđứng dưới chỉ tay chửi bới các cảnh sát: "Hôm sau các ông vào đây mà còn như thế nữa, chúng tôi không tha cho các ông đâu, các ông phải biết thương dân chứ". Ông cụ vừa nói dứt lời, người thanh niên mặc áo phao xanh rút con dao phay từ hông ra chém 2 nhát vào can đựng nước đang để dưới chân.
"Bình tĩnh, bình tĩnh đi! Mình là công dân Việt Nam cả", một người đàn ông đứng ở trong nói vọng ra. Cụ ông và người thanh niên mặc áo phao xanh vẫn luôn miệng văng tục, chửi bới, rồi dùng chân đạp mạnh can nước 20L ra đường. Chưa dừng lại, người thanh niên ôm cả can nước vứt lên thùng xe tải CSGT và quay lại chửi tiếp, rồi bảo hai người khác dẫn xe đi về nhà.
Năm vị cảnh sát vẫn bình tĩnh và không nói gì. Vụ việc vừa diễn ra mới đây tại xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, Sơn La.
1-6688-1397207558.jpg
Người đàn ông đeo con dao phay ở hông lên thùng xe tải đưa xe máy xuống trước mặt 5 cảnh sát.
2-4580-1397207558.jpg
Ông cụ tóc bạc đứng dưới liên tục chửi bới.
3-2868-1397207558.jpg
Người đàn ông mặc áo phao xanh rút con dao phay ra chém mạnh vào can nước.
4-2960-1397207558.jpg
Người đàn ông vừa chém vừa chửi thề.
5-8067-1397207558.jpg
Chưa dừng lại, người đàn ông ôm cả can nước vứt lên thùng xe. CSGT vẫn nhẫn nhịn và không nói gì.
6-9076-1397207558.jpg
Chiếc xe được "giải cứu" đưa về nhà trước mặt CSGT.
(Video đã bị lược đi phần âm thanh vì có nhiều câu chửi thô tục)
Nguồn: You Tube
6-8057-1396369706.jpg

"Tôi nói các anh đeo dây an toàn vào, tôi còn nhắc nhở cho anh" - viên cảnh sát nói. Lái xe đáp lại: "Thế bây giờ đồng chí có chứng minh được lỗi tôi không đeo dây an toàn không?".

Bí mật siêu dự án Formosa - Kỳ 2

Được, mất ở siêu dự án Formosa

“Vùng đất đi đày” kêu cứu
Nhóm pv Tiền Phong
Ảnh bên:Anh Chu Sỹ Hạ phải tháo dỡ nhà để con dâu không bị đuổi việc- Ảnh: Bảo Anh

Để có được hơn 3.000 ha mặt bằng phục vụ dự án Formosa, trước đó chính quyền Hà Tĩnh đã lập quy hoạch và từng bước di dời người dân đến vùng đất mới.


Việc hàng nghìn hộ dân buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ, cộng với sự thiếu minh bạch, rồi o ép dân trong đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền khiến cuộc sống của không ít người dân lâm vào khó khăn.

Tận khổ vì quy hoạch treo

Vũng Áng (Kỳ Anh) là một trong những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất Hà Tĩnh. Nắng nóng, cộng với gió Lào, rồi những cơn bão dữ quần thảo hằng năm khiến cuộc sống người dân cực khổ.

Theo các bậc cao niên trong vùng, chính vì sự khắc nghiệt của vùng đất này, nên ngày xưa những người có tội trạng với triều đình đều bị lưu đày tới đây.

Qua bao thế hệ, bằng sự kiên gan trước thiên tai, địch họa, cha ông mới xây dựng nên những làng mạc như ngày hôm nay. Và biệt danh “vùng đất đi đày” vẫn theo mãi người dân từ bấy đến giờ.

Rồi Khu Kinh tế Vũng Áng thành lập, dự án Formosa triển khai, vùng đất này nằm trong diện quy hoạch dành mặt bằng cho dự án.

Ai may mắn thì được đền bù giải tỏa trước, còn không thì sống lay lắt trong vùng quy hoạch: Không được phép xây mới hay cơi nới, sửa sang nhà cửa. Con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, gia đình khá giả thì mua đất nơi khác cho con làm nhà, còn đa số cả mấy thế hệ chui rúc trong ngôi nhà rách nát.

Anh Trần Quốc Vũ, một người dân thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi cho biết: Để chắc ăn vùng quy hoạch không có trường hợp xây dựng, cơi nới, sửa chữa, từ lâu chính quyền đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) của huyện lập chốt tại đường vào Cảng Vũng Áng, không cho xe chở vật liệu (sắt, thép, xi măng, gạch, ngói…) đi vào khu vực quy hoạch.

“Do không được sửa chữa, gia cố nên trang trại của tôi tan hoang vì mấy trận bão lớn trong năm 2013 vừa rồi” - anh Vũ cho biết.

Đúng như lời anh Vũ nói, ngay trên đường vào cảng Vũng Áng, thường xuyên có một ô tô tải nhẹ, cùng 3 - 4 CSGT túc trực, cấm xe chở vật liệu qua lại.

“Có lần tôi chở xi măng vào cung cấp cho nhà thầu dự án Formosa, nhưng vì đi lạc đường nên đã bị CSGT chặn lại không cho qua. Họ nghi tôi chở nguyên vật liệu vào cho người dân xây nhà” - anh Nguyễn Nam, một lái xe tải kể lại.

Liên tục bị dọa đuổi việc

Thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi những ngày này được xem là “điểm nóng” khi chính quyền ra quân giải tỏa dành đất xây dựng khu hậu cảng. Khi chúng tôi đến Hải Phong cũng là lúc ông Chu Sỹ Hạ (49 tuổi) đang phải tháo dỡ nhà cửa, quán hàng.

Ông Hạ kể: Con dâu Chu Thị Hoài đang dạy ở trường mầm non trên địa bàn xã liên tục kêu cha phải tháo dỡ nhà cửa, quán hàng, nếu không cô hiệu trưởng sẽ cho nghỉ việc.

“Vì thương con, tôi đã dỡ xong phần mái. Họ đến kiểm tra bảo dỡ thế vẫn chưa được. Phải dỡ hết con dâu tôi mới không bị đuổi việc” - ông Hạ nghẹn ngào.

Gần nhà anh Hạ, anh Nguyễn Văn Thành cũng phải tháo dỡ nhà xây dựng trên đất ông cha để lại vì bị “sếp” dọa đuổi việc. Ô tô chất đầy đồ để chuẩn bị chở đi gửi nhà người quen. Để sinh hoạt, anh Thành che tạm lán bên cạnh tường nhà.

“Tôi bị lãnh đạo cơ quan ép, bắt phải di dời nhà cửa nếu không sẽ mất việc làm” - anh Thành nói. Được biết, anh Thành hiện là công nhân làm việc tại Cảng Vũng Áng với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng.

Anh Chu Văn Hánh (37 tuổi), có một vợ và ba con. Anh Hánh làm nhà được 6-7 năm nay. Anh chuyên làm gạch táp lô, bán vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 17 công nhân. “Trước thì họ gửi công văn dọa sẽ cắt điện, sau bảo nếu không tháo dỡ nhà xưởng sẽ bị cưỡng chế. Nay công nhân đã nghỉ hết, vợ chồng con cái sống không yên ổn, không công ăn việc làm” - anh Hánh nói.

Gia đình ông Văn Anh làm nhà từ khi chưa có dự án Cảng Vũng Áng. Nay, chính quyền bảo phải dỡ nhà, nhưng không có quyết định thu hồi đất, không đền bù đất cũng như hỗ trợ tài sản trên đất. “Tôi dỡ nhà thì vợ chồng, hai con trai, hai con dâu và 7 đứa cháu biết ở đâu. Tôi đã nhiều lần kêu lên huyện, huyện đổ về xã; hỏi xã, xã bảo đây là chủ trương của tỉnh. Thử hỏi, bây giờ tôi biết kêu ai. Ai sẽ lo cho cuộc sống của chừng đó con người trong gia đình tôi - ông Anh bức xúc.

Văn bản “lạ” của UBND huyện

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thời gian qua, UBND huyện Kỳ Anh đã ra nhiều văn bản “lạ” nhằm ép người dân phải tháo dỡ công trình. Ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký công văn yêu cầu cắt điện, nước của dân và buộc các giáo viên nghỉ việc để vận động người nhà tháo dỡ công trình.

Còn ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lại có công văn đề nghị Ban thường vụ huyện này kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên, đồng thời đề nghị Huyện ủy có ý kiến chỉ đạo để UBND huyện có những biện pháp, hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức, viên chức liên quan giải phóng mặt bằng. Công văn này kèm theo danh sách của 57 người thuộc diện bị kiểm điểm.
Người dân Hải Phong đến trụ sở báo Tiền Phong tại Hà Nội kêu cứu-  Ảnh: Bảo Anh
 Các văn bản “lạ” của UBND huyện Kỳ Anh đã bị phản ứng kịch liệt, nhiều đơn thư vượt cấp của người dân đã được gửi lên các ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh. “Gia đình tôi không chống đối, bản thân không vi phạm kỷ luật nơi công tác.

Do hội đồng đền bù làm việc không rõ ràng, thu hồi nhưng làm sai lệch diện tích đất của gia đình tôi cả trăm mét vuông, nên tôi yêu cầu trả lời thỏa đáng. Trong khi chưa trả lời công dân thì bỗng dưng huyện chỉ đạo giao cho nhà trường bắt tôi nghỉ việc” - một thầy giáo ở xã Kỳ Phong bị nghỉ việc bức xúc.

Một nữ giáo viên ở xã Kỳ Ninh cho biết: Gia đình có gần 500m2 đất được cấp sổ đỏ hẳn hoi. Do cần tiền, gia đình cô đã bán cho người khác một phần đất. Khi người này khởi công xây dựng công trình thì bị đình chỉ và họ chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, không hiểu sao trên huyện trát công văn về trường yêu cầu kỷ luật Đảng nữ giáo viên này.

“Chi bộ Đảng đã không kỷ luật tôi, khi tôi đưa ra các giấy tờ chứng minh thửa đất đó tôi đã bán cho người khác: Như giấy tờ chuyển nhượng và cam kết của người được chuyển nhượng đó là đất của họ đã mua. Không kỷ luật được tôi về mặt Đảng, trên huyện lại ép nhà trường kỷ luật tôi về mặt chính quyền. Vì thấy huyện quá quyết liệt nên nhà trường đành thành lập hội đồng và kỷ luật tôi ở mức cảnh cáo” - nữ giáo viên này nói.

    * Tháng 1/2014, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, GPMB các công trình trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại Khu kinh tế Vũng Áng.

    Trong đó, chỉ đạo UBND huyện Kỳ Anh: “Phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng rà soát, kiểm tra các chủ sử dụng đất trong vùng quy hoạch khu hậu cảng, phân loại cụ thể để xử lý từng trường hợp và lập phương án bồi thường, GPMB, tháo dỡ các công trình trong khu quy hoạch hậu cảng dứt điểm trước ngày 30/3/2014”.

    * Sau nhiều nỗ lực liên lạc với lãnh đạo huyện Kỳ Anh để hỏi về những vấn đề đang diễn ra trên địa bàn không thành, chúng tôi đã trực tiếp đến Văn phòng UBND huyện để đăng ký lịch làm việc, tuy nhiên theo thông báo của Văn phòng thì lãnh đạo huyện đã kín lịch nên chưa thể sắp xếp.

    Qua trao đổi với ông Võ Tá Cương, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Kỳ Anh, ông Cương khẳng định: Việc cưỡng chế giải tỏa mặt bằng của huyện được thực hiện đúng luật. Các trường hợp đang giải tỏa ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi mà không đền bù là có lí do của nó.

    Trước đây, xã Kỳ Lợi đã cho một số hộ dân mượn đất công để xây dựng hàng quán, nay Nhà nước cần thì phải lấy lại chứ không thể đền bù.

    Còn các văn bản của huyện yêu cầu nghỉ việc hay kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.. liên quan đến giải phóng mặt bằng cũng không sai. Đã là cán bộ đảng viên thì phải chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, còn vi phạm thì phải kỷ luật.

VN sẽ ra sao khi Lào trở thành một tỉnh của TQ?

Hoàng Mai
Đó là suy nghĩ của người viết bài này, và có thể cũng là suy tư của rất nhiều người Việt Nam khi nghĩ về hiện tình Việt Nam và Lào hiện nay. Nguy cơ mất nước của người Lào về tay Trung Quốc là rất cao, nếu như nhân dân Lào, ngay từ bây giờ không nhận thức được một cách đầy đủ, thường trực về điều đó!
1. Nguy cơ Lào mất nước nhìn từ Việt Nam
Không khó để nhận ra rằng, Bắc Kinh đang làm chủ cuộc chơi tại Việt Nam và tại Lào trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa…. Quan hệ Trung-Việt, cũng như Trung-Lào hiện nay, đã vượt ra khỏi khái niệm “láng giềng hữu nghị”.
Nhìn cách mà Trung Quốc mua chuộc, điều hành quan chức từ Trung ương, đến địa phương ở Việt Nam, thông qua việc hơn 90% công trình trọng điểm quốc gia đều rơi vào tay người Trung Quốc; Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong tổng số 240 quốc gia và vùng lãnh thổ quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam-Trung Quốc năm 2013 lên tới 50,2 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ Trung Quốc là 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (1)… đủ cho ta dự đoán, rằng Lào cũng chẳng thế khác hơn, thậm chí nguy cơ Lào bị mất nước lớn hơn Việt Nam nhiều lần.
Lào (diện tích 236.800 km2, dân số 6,80 triệu người, mật độ dân số 26,70 người/ km2), với mật độ dân số rất thấp, chỉ bằng một phần mười so với Việt Nam (259 người/ km2 -năm 2012) là mảnh đất vô cùng màu mỡ và thuận lợi để Trung Quốc thực hiện di dân thông qua chính sách đầu tư tại Lào.
Cách đây hơn một năm, ngày 02/01/2013, báo infonet.vn, trong bài viết có tựa đề “Lào có thể phải trả giá vì nhận tiền đầu tư của Trung Quốc”(2), cho biết: “Chính phủ Lào đã phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 470 km nối liền miền Bắc nước này tới tỉnh Vân Nam Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia kinh tế quốc tế về cái giá mà nước này sẽ phải trả”.
Một quốc gia dân cư thưa thớt như Lào, GDP hàng năm chỉ khoảng 8 tỷ USD, việc Lào đầu tư tuyến đường sắt nói trên, rõ ràng, chỉ có những kẻ bán nước Lào cho Trung Quốc mới cố tình để làm như vậy.
Về nhân lực để thực hiện dự án này, bài báo cho biết:
“Wang Quan, một ông chủ khách sạn người Trung Quốc tại một thị trấn ở vùng núi nhiệt đới miền Bắc nước Lào, đang chờ đợi khoảng 20.000 công nhân Trung Quốc đầu tiên sẽ đến đây sớm để bắt đầu xây dựng một tuyến đường sắt mới.
Các tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ cho Lào khá dài và “ngoằn ngoèo”, thông qua hàng chục đường hầm, cầu, mà mục đích cuối cùng của nó là liên kết miền nam Trung Quốc với Bangkok, Thái Lan và sau đó là Vịnh Bengal ở Myanmar, mở rộng đáng kể khu vực thương mại hiện đã rất lớn của Trung Quốc với Đông Nam Á”.
clip_image002
Bản đồ hiển thị tuyến đường sắt nối giữa Vân Nam, Trung Quốc và Viên Chăn, Lào dài 420 km, dự kiến tiêu tốn của Lào 7 tỷ USD và vô số những vấn đề phát sinh đối với đất nước và con người nước này
Không chỉ nhân dân Lào lo lắng cho vận mệnh của đất nước mình, các nhà phân tích kinh tế quốc tế cũng quan ngại và cho rằng: “hầu hết các lợi ích sẽ “chảy” về Trung Quốc, trong khi hầu hết các chi phí sẽ do nước chủ nhà gánh chịu. Dự án đường sắt dài 420 km, trị giá 7 tỷ USD, gần bằng GDP 8 tỷ USD của Lào. Lào sẽ vay hầu hết số tiền này từ Trung Quốc”.
"Lào sẽ vấp phải “một sai lầm đắt giá” nếu các điều khoản này được ký kết. Lào sẽ phải dùng các tài nguyên thiên nhiên, các khoáng chất quý như kali và đồng để làm tài sản thế chấp cho khoản vay khổng lồ của mình", tờ The New York Times bình luận”.
Mưu đồ của Trung Quốc đang từng bước chiếm lĩnh các địa danh quan trọng trong chiến lược di dân của họ tại Lào, thông qua bài báo ta có thể nhận thấy:
“Ở Luang Prabang, một điểm du lịch nổi tiếng, nơi tuyến đường sắt chạy qua, Trung Quốc đã xây dựng các bệnh viện, nâng cấp sân bay.
Theo tờ The New York Times, rất nhiều người dân Lào không hài lòng với sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc, đã khiếu nại rằng đất nước của họ đang dần trở thành một tỉnh, hay nói cách khác, là một nước "chư hầu" của Trung Quốc”.
Để trả một khoản nợ khổng lồ như thế (không chỉ có đường sắt nói trên, mà nhiều dự án khác nữa, lên đến hàng chục tỷ USD), Lào chỉ có thể bán tài nguyên cho Trung Quốc, là cơ hội để Trung Quốc đưa người sang khai thác và qua đó, là cơ hội lớn để thực hiện chính sách di dân của họ.
Với một chính thể ngập ngụa về tham nhũng, rõ ràng, không phải ai khác, chính Việt Nam, nước có ảnh hưởng đặc biệt với Lào, là nước “xuất khẩu” mô hình tham nhũng sang Lào, và đến lượt nó, nay đã và đang phát huy tác dụng và đe dọa nguy cơ mất nước không chỉ của Lào mà còn cả Việt Nam.
2. Bài học Ukraine với Lào và Việt Nam
Không khó để nhận ra rằng, đến cuối thế kỷ này, dân số Lào vào khoảng 15 đến 20 triệu người. Khi đó người Hán tại Lào sẽ chiếm khoảng hơn 60% dân số lại Lào. Người Lào trở thành một dân tộc thiểu số ngay trên quê hương của họ. Một cuộc “trưng cầu dân ý” như đối với bán đảo Crimea của Ukraine như đã được Bắc Kinh lập trình từ lâu.
Mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, với khoảng vài trăm ngàn bộ đội Việt Nam hy sinh tại Lào trong thế kỷ XX sẽ trở nên vô ích.
Một khi Lào đã là một tỉnh, hoặc trở thành một khu tự trị của Trung Quốc, thì Việt Nam, cho dù có sự đề kháng mạnh mẽ thế nào đi chăng nữa, thì cũng chỉ là “cá nằm trên thớt”. Cùng với “đường lưỡi bò”, một gọng kìm từ phía Biển Đông, kết hợp với gọng kìm từ phía Lào sẽ bóp nát ý chí của người Việt, và cái tên Việt Nam rất có thể sẽ biến mất sau hơn một trăm năm nữa.
3. Kết luận
Không còn nghi ngờ gì nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (thực chất là những người cộng sản Lào), thì nguy cơ Lào bị Trung Quốc thôn tính là rất rõ ràng và hiện thực. Nếu Việt Nam và Lào không kịp thời chuyển đổi thể chế hiện hành sang thể chế Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự thực sự, với cơ chế “Tam quyền phân lập”… thì nguy cơ cả Việt Nam và Lào bị Trung Quốc thôn tính xem như đã được thiết lập.
Dân số của Lào chỉ tương đương với dân số của hai tỉnh là Thanh Hóa (3,412 triệu) và Nghệ An (2,943 triệu) cộng lại. Đúng ra, Việt Nam phải là một nước tiên phong, trở thành cường quốc… để làm chỗ dựa cho Lào về mọi mặt. Phải xác định rằng, sự toàn vẹn của Lào cũng là sự toàn vẹn của Việt Nam. Tiếc thay, những người cộng sản Việt Nam không có được tư duy đó. Phải chăng, việc hàng trăm ngàn bộ đội Việt Nam hy sinh tại Lào trong thế kỷ XX, chỉ là cách nhìn ngắn hạn của những người cộng sản Việt Nam trước đây, vì chỉ muốn có con đường vào miền Nam Việt Nam trên lãnh thổ Lào?
Nghĩ lại, ta thấy tư duy của người Nhật thật sáng suốt. Việt Nam cách Nhật Bản hàng vạn dặm, nhưng với tầm nhìn về tuyến hàng hải trên Biển Đông, người Nhật đã từng muốn thuê cảng Cam Ranh để khống chế Trung Quốc, qua đó làm chủ tuyến hàng hải tối quan trọng đối với Nhật. Qua đó, người Nhật đã không tiếc tiền của để giúp Việt Nam trở nên hùng mạnh bằng việc viện trợ vốn ưu đãi cho Việt Nam trong hơn vài chục năm qua.
Ngược lại, những người cộng sản Việt Nam, với tư duy và tầm nhìn hạn hẹp, luôn xem người Tàu là bậc thầy của mình, luôn tự ti, yếu thế… trước Bắc Kinh, nên đã không nắm được những vận hội cho Dân tộc và đang sa lầy như hiện nay.
10.4.2014
H. M.
Bài tham khảo:
Tác giả gửi BVN.

Học sinh vô lễ, lười biếng do đâu?

(Dân trí) - Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân dẫn đến học sinh ngày càng hư, vô lễ, sống lười biếng, ỉ lại, đua đòi, thiếu trách nhiệm... vướng vào các tệ nạn xã hội xuất phát từ gia đình và thiếu sự quan tâm nhà truờng.
 >> Lo ngại giới trẻ rảnh rỗi, đạo đức “tụt dốc”
 >> Đạo đức sao lại học thuộc, chấm điểm?

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo “Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV” trên toàn quốc.
Đạo đức lối sống học sinh ngày càng lệch chuẩn
Theo báo cáo khảo sát của Bộ GD-ĐT về đánh giá thực trạng đạo đức lối sống (ĐĐLS) học sinh bậc THCS,THPT cho thấy, đa số các em có nhận thức đúng đắn về các chuẩn mực ĐĐLS, đặc biệt, là các chuẩn mực, giá trị đạt trên 90% tới gần 100% như bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, biết ơn, gọn gàng, ngăn nắp, trách nhiệm trong công việc, tình bạn, hợp tác, tiết kiệm, tôn trọng...
Tuy nhiên, ngoài biểu hiện tích cực trên, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác HS,SV Bộ GD-ĐT cho biết còn nhiều biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại nhất là một số HS có hành vi lệch chuẩn về ĐĐLS như gây gổ đánh nhau, thiếu tôn trọng bạn bè; vô lễ với thầy cô giáo; chây lười trong học tập; nghỉ học, đi học muộn không có lý do; quay cóp, thiếu trung thực trong kiểm tra, thi cử; Nói tục, chửi bậy, hút thuốc lá, vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm tác phong nề nếp của HS; vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Sống lười biếng, ỉ lại, đua đòi, thiếu trách nhiệm với gia đình và những người thân trong gia đình; Sống đua đòi, thực dụng, yêu đương và có quan hệ tình dục sớm.
Ông Ngũ Duy Anh cho hay, lứa tuổi HS THCS, THPT là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm, sinh lí. Đây là khoảng thời gian phát triển từ thiếu niên sang tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành và là một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Chỉ trong vòng khoảng 7 năm (11-18 tuổi), những yếu tố tâm lý, sinh lý của các em có sự vận động bên trong và chịu sự chi phối (một cách thụ động) từ bên ngoài rất lớn. Ở tuổi này, quá trình phát triển tâm lý của các em đều có quan hệ chặt chẽ với điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội và nền văn hóa mà các em đang sống.
Theo ông Duy Anh, nhiều bậc cha mẹ mải mê lo làm ăn kiếm tiền nên ít có thời gian quan tâm đến con cái, phó mặc con cái cho nhà trường, cho người giúp việc, cho gia sư. Vì thế nên có nhiều bậc cha mẹ không biết những gì đang diễn ra đối với con em mình để có thể uốn nắn kịp thời. Nguyên nhân nữa là do bố, mẹ có kiến thức hạn chế, nhất là về văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật, không đủ hiểu biết để định hướng đầy đủ những chuẩn mực xã hội cho con cái, thậm chí, bố mẹ không kiểm soát được việc xem sách báo, băng hình bạo lực, đồi trụy…
 
Học sinh vô lễ, lười biếng do đâu?
Nam sinh cãi cô giáo trên lớp trong clip được cho là của học sinh ghi lại bằng điện thoại đang được dư luận quan tâm.
Giáo viên coi Đạo đức là môn phụ
Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tiễn của Văn phòng Chủ tịch nước vừa qua tại 7 tỉnh, thành phố cho thấy, môn Đạo đức/GDCD được xếp là môn học chính, nhưng qua khảo sát cho thấy: môn này chưa thật sự được coi trọng đúng mức. Vẫn còn tư tưởng "học để thi, không thi không học" nên bị coi là "môn phụ".
Kết quả khảo sát: 39% giáo viên coi môn GDCD là môn phụ; 52% cho rằng môn học này chưa được quan tâm đúng mức; 39% giáo viên cho rằng số tiết học dành cho môn Đạo đức/GDCD như hiện nay là không phù hợp; 36% giáo viên cho rằng nội dung chương trình không phù hợp với học sinh; 38% giáo viên cho rằng phương pháp giáo dục đạo đức là không phù hợp...
TS. Chu Văn Yêm - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết: “Qua khảo sát cho thấy, đại đa số các địa phương có tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá chiếm trên 90%; cá biệt một vài địa phương có tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá thấp nhưng cũng đạt khoảng 85%. Như vậy, có thể thấy đại đa số học sinh phổ thông ngoan ngoãn. Số liệu này là đáng mừng nhưng phần lớn giáo viên các trường vẫn chưa yên tâm về tính bền vững của giáo dục đạo đức trong khuôn viên của nhà trường các em tỏ ra ngoan ngoãn nhưng khi ra ngoài, rất khó kiểm soát hành vi của các em”.
Cũng theo tổng hợp xếp loại hạnh kiểm học sinh từ 25 tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy có sự “suy giảm” về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học, hạnh kiểm tốt giảm, hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Cụ thể: Ở bậc THCS tỉ lệ HS xếp loại tốt đạt 70,77% nhưng lên THPT giảm xuống 65,67%; Tỷ lệ học sinh xếp loại khá bậc THCS 23,54%, THPT: 24,9%; Trung bình: THCS là 5,00%, THPT: 5,58%; Yếu: THCS là 0,69%, THPT: 3,84%.
Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị: “Cần thống nhất nhận thức coi môn Đạo đức/GDCD là môn học đặc thù, quan trọng bởi tính chất đặc biệt của môn học trong việc góp phần giáo dục, đào tạo con người; từ đó có chính sách phù hợp dành cho môn Đạo đức/GDCD cũng như hỗ trợ đời sống giáo viên (giống như chính sách hiện nay dành cho giáo viên dạy Chính trị hoặc giáo viên kiêm tổng phụ trách, giáo viên môn Giáo dục quốc phòng - an ninh và Thể dục).
Thạc sĩ Lương Thạnh Siêu, Trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đưa ra giải pháp tạm thời là phân công các giáo viên (GV) có kinh nghiệm kèm cặp giáo dục các HS cá biệt, giúp các em có đạo đức, lối sống ngày càng tốt hơn.
“Bộ GD-ĐT cần thay đổi nội dung chương trình Giáo dục công dân bậc trung học giảm các nội dung trừu tượng, hàn lâm, đưa vào các nội dung cụ thể gần với cuộc sống như vấn đề về đạo đức, pháp luật…” - đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ đề nghị.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tham mưu văn bản chỉ đạo cụ thể về chế độ, chính sách và công việc của giáo viên tư vấn để làm nền tảng cho hoạt động triển khai tại các tỉnh thành.
Để giáo dục lối sống, đạo đức cho HSSV theo ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD-ĐT và Dạy nghề (Ban Tuyên giáo TƯ) ví rằng mỗi người cha người mẹ, người thầy... phải là tấm gương sáng. Ta cứ rao giảng đạo đức, phải thế này thế kia mà chính chúng ta không làm gương thì dạy người trẻ, con cái làm sao?
Hồng Hạnh

Chi tiết vụ bán độ của các cầu thủ V.Ninh Bình


TPO - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Ninh Bình bước đầu làm rõ chi tiết vụ bán độ, thắng độ 800 triệu đồng xảy ra tại CLB Xi măng The Vissai Ninh Bình, làm rõ số tiền chia chác cụ thể của các cầu thủ.
Theo đó, Phòng PC45 (Công an tỉnh Ninh Bình) phát hiện tại CLB bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình (thuộc Công ty TNHH Hoàng Phát Thể Thao) trong quá trình thi đấu bóng đá ở các giải V.league 2014 do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức và giải AFC Cup do Liên đoàn bóng đá châu Á tổ chức, một số cầu thủ có dấu hiệu tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và dàn xếp tỷ số các trận đấu.
Phòng PC45 (Công an tỉnh Ninh Bình) đã làm việc với Ban lãnh đạo CLB Xi măng The Vissai Ninh Bình, đại diện CLB là ông Phạm Văn Lệ - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Thể Thao (là Giám đốc điều hành CLB Xi măng The Vissai Ninh Bình) xác định thông tin về việc một số cầu thủ trong đội bóng tham gia cá độ bóng đá và giàn xếp tỷ số. Ngày 30/3/2014, ông Phạm Văn Lệ đại diện Công ty có đơn trình báo, đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình điều tra làm rõ.
Qua tìm hiểu, được biết Câu lạc bộ bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình (thuộc Công ty TNHH Hoàng Phát Thể Thao) hiện đang tham gia các giải đấu chính thức bao gồm: giải vô địch quốc gia Vleague 2014, Cúp quốc gia 2014 do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức và giải AFC Cup 2014 của Liên đoàn bóng đá Châu Á.
Ngày 18/3/2014, đội Xi măng The Vissai Ninh Bình có trận đấu với đội Kelantan (Malaysia) trong khuôn khổ giải AFC Cup. Trước đó, ngày 15/3/2014, tại khách sạn The Vissai Ninh Bình, cầu thủ tiền vệ mang áo số 21 là Trần Mạnh Dũng đã gặp gỡ các cầu thủ Nguyễn Mạnh Dũng (thủ môn mang áo số 25), Lê Quang Hùng (Hậu vệ phải mang áo số 20), Lê Văn Duyệt (Hậu vệ biên mang áo số 5) để bàn việc cùng cá độ bóng đá trận đấu giữa Xi măng The Vissai Ninh Bình và đội Kelantan. Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Quang Hùng và Phạm Văn Duyệt đều đồng ý tham gia.
Ngày 16/3/2014, đội Xi măng The Vissai Ninh Bình gồm 18 cầu thủ và 06 người của Ban lãnh đạo, Ban huấn luyện sang Malaysia để chuẩn bị thi đấu.
Ngày 17/3/2014, tại khách sạn ở Malaysia, Trần Mạnh Dũng (tiền vệ mang áo số 21) đã rủ các cầu thủ khác gồm Nguyễn Mạnh Dũng (thủ môn mang áo số 25), Lê Quang Hùng (Hậu vệ phải mang áo số 20), Phạm Xuân Phú (Hậu vệ mang áo số 29); Chu Ngọc Anh (Hậu vệ phải mang áo số 20), Nguyễn Gia Từ (Hậu vệ mang áo số 26); Phan Anh Tuấn (Tiền đạo mang áo số 18); Nguyễn Văn Hưng (Thủ môn mang áo số 32); Lê Văn Duyệt (Hậu vệ biên mang áo số 5) họp bàn.
Các cầu thủ này thống nhất tham gia cá độ bóng đá trận đấu giữa Xi măng The Vissai Ninh Bình với đội Kelantan, với hình thức cá độ là bắt kèo “tài ba hòa”, số tiền cá độ là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng), nếu thua thì chia đều số tiền trên để trả, nếu thắng thì chia đều tiền thắng cá độ.
Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng dùng điện thoại di động (lắp sim của Malyasia) liên lạc với đối tượng Đào Đức Lợi, sinh năm 1978, trú tại An Hưng( An Dương, Hải Phòng) để đặt cá độ, Đào Đức Lợi đồng ý nhận cá độ.
Chiều 18/3/2014, trước khi ra sân vận động thi đấu, các đối tượng trên tiếp tục gặp mặt và vẫn thống nhất cá độ kèo “tài ba hòa” với số tiền 2 tỷ đồng.
Khi ra sân vận động, Trần Mạnh Dũng gọi điện cho Lợi để đặt cá độ nhưng Lợi chỉ nhận cá độ với số tiền 1.020.000.000 đồng(một tuỷ không trăm hai mươi triệu đồng).
Trận đấu này, Xi măng The Vissai Ninh Bình thắng Kelantan với tỷ số 3-2, các đối tượng trên thắng cá độ được số tiền 800 triệu đồng. Sau trận đấu, Trần Mạnh Dũng thông báo về số tiền thắng cá độ cho những người tham gia.
Ngày 19/3/2014, đội Xi măng The Vissai Ninh Bình về thành phố Hồ Chí Minh, Trần Mạnh Dũng gọi điện yêu cầu Đào Đức Lợi chuyển tiền thắng cá độ. Để tránh bị phát hiện, Lợi bảo Trần Mạnh Dũng nhờ người khác ở thành phố Hồ Chí Minh nhận hộ tiền và Lợi nhờ tiệm vàng ở Hải Phòng chuyển tiền vào khách sạn Nhật Hạ.
Do không có người quen ở thành phố Hồ Chí Minh, Trần Mạnh Dũng trao đổi lại với Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng nhờ bạn là Trần Công Thành, sinh năm 1981, trú tại phường Phạm Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có CMND và hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh lấy hộ số tiền 800 triệu đồng mà Lợi chuyển.
Sau khi nhận được số tiền trên, Nguyễn Mạnh Dũng đưa lại cho Trần Mạnh Dũng để chia cho những người cùng tham gia cá độ.
*Về hình thức cá độ của các đối tượng là “tài ba hòa” nghĩa là dựa trên tổng tỷ số trận đấu, nếu có dưới 3 bàn thắng thì thua cá độ, nếu có 3 bàn thắng thì “hòa” - không phải trả tiền cá độ, nếu có từ 4 bàn thắng trở lên thì thắng cá độ, không phân biệt đội nào thắng, thua.
*Về số tiền thắng cá độ, Trần Mạnh Dũng chia cho các đối tượng cùng tham gia cá độ như sau:
Đối tượng được ra sân đá chính trong trận đấu với Kelantan là Lê Quang Hùng, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Nguyễn Văn Hưng mỗi người được 85triệu đồng.
- Những đối tượng là cầu thủ dự bị gồm Chu Ngọc Anh, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Dũng, Phạm Xuân Phú và Trần Mạnh Dũng mỗi người 75 triệu đồng. Riêng Nguyễn Mạnh Dũng do phải về Ninh Bình trước nên chưa nhận tiền, Trần Mạnh Dũng đưa cho Phạm Xuân Phú cầm hộ tiền mà Nguyễn Mạnh Dũng được chia.
Trần Mạnh Dũng đưa cho Lê Văn Thắng (tiền vệ mang áo số 16 của đội Xi măng The Vissai Ninh Bình) - là người biết việc cá độ bóng đá nhưng không tham gia, số tiền 20 triệu đồng;
Theo lời khai của Trần Mạnh Dũng, sau khi Lợi chuyển tiền cho Dũng thì cầu thủ Hoàng Danh Ngọc là tiền vệ mang áo số 9 của đội Xi măng The Vissai Ninh Bình không đi thi đấu tại Malaysia nhưng đã nhắn tin cho Trần Mạnh Dũng với nội dung biết việc Dũng cùng các cầu thủ khác tham gia cá độ bóng đá và dọa sẽ báo cáo Ban huấn luyện.
Vì vậy, Trần Mạnh Dũng đã nhờ Lợi số tiền 50.000.000 đồng cho Hoàng Danh Ngọc. Trần Mạnh Dũng xác định tự nguyện chuyển tiền cho Hoàng Danh Ngọc chứ Hoàng Danh Ngọc không đe dọa bắt Dũng phải đưa tiền.
Trần Mạnh Dũng chuyển tiền “phế cá độ” cho Lợi 15 triệu đồng.
Quá trình điều tra xác minh, xác định:
Người nhận cá độ là Đào Đức Lợi, sinh năm 1978, trú tại An Hưng, An Dương, Hải Phòng.
Công an đã tiến hành triệu tập đối tượng Đào Đức Lợi để làm việc nhưng đối tượng hiện không có mặt tại nhà.
Người lấy hộ tiền cho Nguyễn Mạnh Dũng là Trần Công Thành, sinh năm 1981, có HKTT cũ tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng; năm 2008 chuyển HKTT đi phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
* Trong quá trình làm việc tại Cơ quan CSĐT, các cầu thủ tham gia cá độ bóng đá đã giao nộp lại tiền thắng cá độ, gồm:
1. Nguyễn Văn Hưng: 85.000.000 đồng
2. Lê Quang Hùng: 85.000.000 đồng
3. Lê Văn Duyệt: 85.000.000 đồng
4. Nguyễn Gia Từ: 85.000.000 đồng
5. Trần Mạnh Dũng: 90.000.000 đồng ( gồm 75.000.000 đồng Dũng được hưởng và 15.000.000 đồng mà Dũng cắt phế cá độ cho Lợi)
6. Phan Anh Tuấn: 75.000.000 đồng
7. Nguyễn Mạnh Dung: 75.000.000 đồng
8. Phạm Xuân Phú: 75.000.000 đồng
9. Chu Ngọc Anh: 75.000.000 đồng
10. Lê Văn Thắng: 20.000.000 đồng (không tham gia cá độ nhưng được Trần Mạnh Dũng cho 20.000.000 đồng trong số tiền thắng cá độ)
11. Hoàng Danh Ngọc: 50.000.000 đồng (là tiền mà Trần Mạnh Dũng chuyển thông qua Đào Đức Lợi)
Tổng số tiền CQCSĐT thu giữ: 800 triệu đồng

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Donetsk tuyên bố thành lập quân đội riêng


Người biểu tình ở Donetsk
Người biểu tình ở Donetsk
TPO - Sau khi tuyên bố thành lập nước “Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, những người biểu tình thành lập tại khu vực miền đông Ukraine này, đã quyết định thành lập quân đội riêng.
Trong cuộc họp báo hôm qua (10/4), ông Denis Pushilin, một trong những lãnh đạo của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập quân đội vào hôm nay”.
Cũng theo ông Pushilin, chỉ huy quân đội của  “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” là ông Igor Kakidzyanov.
Cũng trong cuộc họp báo, ông Pushilin nhấn mạnh, quân đội là cần thiết để “bảo vệ người dân cũng như toàn vẹn lãnh thổ của nước ‘Cộng hòa Donetsk’”.
Về phần mình, ông Igor Kakidzyanov cho biết, trong thời gian tới, người dân Donetsk sẽ đăng kí gia nhập quân đội và được trang bị quân trang cần thiết. Bên cạnh đó, cơ cấu chỉ huy cũng sẽ được thành dập dựa trên lực lượng cũ và mới.
Theo ông Pushilin, người biểu tình đã đưa ra một số yêu cầu tại cuộc đàm phán với chính quyền Ukraine ở Donetsk. Những yêu cầu này bao gồm “tuần tra chung với cảnh sát” để ngăn chặn tội phạm trong thành phố.
Một số kế hoạch cũng đã được những người biểu tình công bố như thành lập những nhóm chung để bảo vệ các tòa nhà chính quyền, thiết lập nhóm công tác để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý.
Trong cuộc đàm phán, vấn đề “ân xá hoàn toàn” cho những người biểu tình bị chính quyền Ukraine bắt giữ cũng được đưa ra thảo luận.
Theo Itar-Tass

Giám đốc nhận lương “khủng” lan tới Nha Trang


TT - Công nhân hốt rác đứng đơn tố cáo giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nha Trang nhận lương cao bất thường.
- BTTD: Môi trường ở VN đang bị hủy hoại và ô nhiễm nặng. Đây là một nguyên nhân chính?
Đó là chuyện xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Theo kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa, ban giám đốc công ty đã có bốn sai phạm nghiêm trọng nhưng không bị đặt vấn đề trách nhiệm.
Đứng đơn tố cáo ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (MTĐT) Nha Trang là hai công nhân hốt rác Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Ngọc Quỳnh. Một trong 14 nội dung tố cáo của hai công nhân là “lương bình quân của công nhân trực tiếp lao động thấp hơn 10 lần so với lương của ban giám đốc và cán bộ văn phòng công ty”.
Lương lãnh đạo đột nhiên tăng vọt
Mất quyền chăm sóc cây xanh vì “ngốn” nhiều ngân sách
Theo Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang, trước đây hằng năm TP chi khoảng 120 tỉ đồng để thực hiện các dịch vụ công ích liên quan đến vệ sinh môi trường và đều giao khoán cho Công ty MTĐT Nha Trang. Năm 2013, TP Nha Trang quyết định tổ chức đấu thầu thu gom rác và chăm sóc cây xanh một số khu vực để nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí ngân sách. Kết quả, Công ty MTĐT Nha Trang chỉ trúng gói thầu thu gom rác với giá 6,4 tỉ đồng, một liên doanh ba công ty ngoài tỉnh Khánh Hòa trúng gói thầu chăm sóc cây xanh gần 14 tỉ đồng. Theo đánh giá của Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang, việc mở thầu này giúp ngân sách tiết kiệm được 10,7 tỉ đồng.
B.MINH
Theo kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2012 bình quân lương hằng tháng của giám đốc Lương Khánh Thuận là 31,5 triệu đồng, phó giám đốc Nguyễn Đăng Khoa 24,5 triệu đồng, còn lương bình quân của công nhân tổ một đội môi trường 1 là gần 8,2 triệu đồng/người. Riêng sáu tháng đầu năm 2013, lương ông Thuận lên trên 75,2 triệu đồng/tháng, ông Khoa hơn 58,1 triệu đồng/tháng, công nhân tổ một đội môi trường 1 là 11,7 triệu đồng/người/tháng. UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng tố cáo lương lãnh đạo cao gấp 10 lần lương công nhân là không chính xác, mà chỉ tăng từ 2,99 lần đến 6,4 lần.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết kết luận trên không chính xác. “Tổ một đội môi trường 1 là nơi công nhân nhận mức lương tương đối cao so với các tổ còn lại của công ty. Tôi làm ở tổ này, đến nay đã có thâm niên 13 năm, lương cao so với mọi người trong tổ, nhưng năm 2012 chỉ 6,6 triệu đồng/tháng, còn sáu tháng đầu năm 2013 chỉ 7,7 triệu đồng/tháng, nếu so lương tôi thực nhận với lương của giám đốc thì tôi thua gần 10 lần chứ còn gì nữa. Tôi không biết số liệu bình quân lương công nhân 11,7 triệu đồng/tháng là ở đâu ra” - ông Tâm nói.
Điều ông Tâm thắc mắc nhất mà trong kết luận không làm rõ được là khoản “lương hiệu quả” tăng vọt bất thường của ban giám đốc. “Theo kết luận của UBND tỉnh, lương hiệu quả cả năm 2012 của giám đốc chỉ trên 3,6 triệu đồng, còn phó giám đốc thì không có đồng nào, khối văn phòng làm việc gián tiếp có gần 60 triệu đồng, trong khi cả tổ 1 gồm 22 công nhân chúng tôi chỉ được 51 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng năm 2013, lương hiệu quả của ban giám đốc tăng đột biến, ông Thuận chỉ trong sáu tháng đã nhận hơn 222 triệu đồng, ông Khoa trên 180 triệu đồng, khối văn phòng gần 61 triệu đồng, còn của 22 công nhân tổ một “teo” lại chỉ còn 45 triệu đồng. Vì sao ban giám đốc được hưởng lương hiệu quả rất lớn trong khi năm 2013 công ty không có thỏa thuận hay thay đổi gì về chế độ lương?” - ông Tâm phân tích.
Công nhân bị nợ lương
Kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định lãnh đạo Công ty MTĐT Nha Trang có bốn sai phạm như tố cáo của công nhân. Theo đó, năm 2011 lương tối thiểu vùng tăng, nhưng đến cuối năm 2012 công nhân mới nhận được một đợt truy trả của công ty, số tiền còn lại hơn 26,4 tỉ đồng đến nay vẫn chưa trả. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu công ty làm việc với UBND TP Nha Trang tìm nguồn chi trả. Tuy nhiên chiều 10-4, ông Nguyễn Văn Danh - chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho biết: “Trách nhiệm trả số tiền tăng lương này là của công ty chứ TP không có nguồn để trả”.
Cũng theo kết luận trên, trong giai đoạn 2006-2012 ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang chỉ tổ chức thi nâng bậc lương cho công nhân một lần vào năm 2008, sáu năm còn lại không tổ chức thi, mãi đến năm 2013 mới tổ chức thi lại. Lý do mà ban giám đốc công ty này nêu ra là bộ đề thi cũ không đáp ứng yêu cầu nên không tổ chức thi nâng bậc lương cho công nhân trong thời gian chờ hội đồng soạn đề thi mới. “Theo quy định thì ba năm công ty tổ chức thi nâng bậc cho công nhân. Tôi là công nhân bậc 5 từ năm 2003, nhưng hơn 10 năm nay không lên thêm bậc nào nữa. Khi tôi thắc mắc thì giám đốc bảo phải đến Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp hoặc Trường cao đẳng nghề Khánh Hòa để thi lên bậc 6, bậc 7. Nhưng tôi sang đó người ta bảo làm gì có dạy nghề hốt rác hoặc cắt cây cảnh mà tổ chức thi nâng bậc. Vậy là tôi phải nằm ở bậc 5 mãi cho đến nay” - công nhân Nguyễn Ngọc Quỳnh bức xúc. Còn ông Tâm cho hay ông là công nhân bậc 2 từ năm 2005, mãi đến năm 2014 công ty mới tổ chức thi nâng lên bậc... 3. Sau khi có các khiếu nại của công nhân thì công ty “lùi” thời gian nâng bậc của ông về năm 2008 để hợp thức hóa.
Sai nhiều nhưng không xử lý trách nhiệm
Một vi phạm khác là từ năm 2006 đến trước tháng 9-2013 công ty chỉ ký các thỏa thuận giao và nhận khoán đối với những công việc có tính chất thường xuyên như ở các đội môi trường, cây xanh... mà không ký hợp đồng lao động thời vụ, khiến công nhân không được hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa cho thấy công ty ký với người lao động nhiều biên bản thỏa thuận giao và nhận khoán công việc với thời gian hai tháng, có trường hợp một lao động ký liên tục đến 12 biên bản loại này. Đến tháng 9-2013, công ty mới tổ chức ký hợp đồng lao động đối với người lao động đúng với quy định pháp luật. Theo ông Tâm, sở dĩ lãnh đạo công ty vội vàng “sửa sai” việc này là vì thời điểm đó báo chí phanh phui sai phạm lương khủng của lãnh đạo bốn công ty công ích ở TP.HCM.
Kết luận cũng chỉ ra một sai phạm khác của ban giám đốc công ty này là từ năm 2010 đến 2013 không tăng lương chính thức cho công nhân theo luật, chỉ tăng lương năng suất - chất lượng - hiệu quả lao động.
Với những vi phạm trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Công ty MTĐT Nha Trang thực hiện một loạt biện pháp khắc phục... Tuy nhiên, kết luận không nêu trách nhiệm để xảy ra những vi phạm trên thuộc về ai, cũng không thấy chỉ đạo xử lý vi phạm đối với ban giám đốc công ty.
Theo những người tố cáo, họ không thấy thỏa mãn với bản kết luận và chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh Khánh Hòa về những vi phạm của ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang, càng không chấp nhận việc thấy rõ sai phạm mà không xử lý trách nhiệm những người gây ra nên vừa làm đơn phản hồi gửi các cấp chức năng.
Chiều 10-4, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Lương Khánh Thuận nhưng ông không nghe máy. Còn ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết: “Trước các dư luận về mức lương cao của ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, giải trình rõ vấn đề này và một số nội dung khác. Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ trả lời đầy đủ cho báo chí và công luận vào cuộc giao ban báo chí quý 1 dự kiến tổ chức vào tuần tới”.
DUY THANH