Trang

14 tháng 9, 2018

Đề nghị dừng thử nghiệm SGK-CNGD của Gs Hồ Ngọc Đại!

(CH XHCN....)
Kính gửi: Ông Phùng Xuân Nhạ- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!
Đồng kính gửi: Văn phòng Chính phủ! Văn phòng Quốc hội !
V/v: Đề nghị dừng thử nghiệm đại trà Sách Giáo khoa TIẾNG VIỆT - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC của Gs Hồ Ngọc Đại!
Tôi là: Phạm Văn Hải ( CMND, Hộ khẩu, ĐT.)
Nghề nghiệp: Biên kịch/Đạo diễn/Sản xuất phim.
Thưa các vị lãnh đạo!
Tôi đề nghị ông Bộ trưởng, Chính phủ và Quốc hội cho dừng chương trình thử nghiệm Sách Giáo khoa TIẾNG VIỆT - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC của Gs Hồ Ngọc Đại!
Lý do cụ thể như sau:
1- Tôi nghiên cứu và được biết, Sách Giáo khoa TIẾNG VIỆT - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (SGK- CNGD) của Gs Hổ Ngọc Đại tương tự PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC của D. B. ELKONIN và PHƯƠNG PHÁP DẠY TIẾNG NGA thời Liên Xô những năm 70 thế kỷ 20, không phù hợp để dạy tiếng Việt. PHƯƠNG PHÁP ELKONIN nhằm ĐIỀU TRỊ CÁC TRẺ EM GẶP KHÓ KHĂN TRONG ĐỌC VÀ VIẾT. 
SGK- CNGD chỉ phù hợp dạy loại ngôn ngữ có chữ đa âm tiết và tượng hình, không phù hợp để dạy tiếng Việt.
2- Thử nghiệm SGK chỉ được phép trong phạm vi nhỏ vài ngàn học sinh, việc triển khai đại trà dạy thử nghiệm 800.000 học sinh theo SGK-CNGD của Gs Đại là hành vi lách Luật, vi phạm Luật Giáo Dục.
3- Theo GS Nguyễn Văn Lợi - chuyên gia ngữ âm tiếng Việt hàng đầu Việt Nam, nguyên Viện phó Ngôn ngữ học: 
- "việc dạy học sinh đánh vần các âm tiết chân không về nghĩa như tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục thực hiện, là trái với thực tế hình thành kỹ năng nghe nói của trẻ em".
Hội đồng quốc gia thẩm định sách Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục, nhận xét:
- "Quan điểm chân không về nghĩa không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp". 
Như vậy, SGK- CNGD của Gs Đại sai phương pháp.
4- SGK- CNGD thay đổi cách phát âm: Chữ C/K/Q đều đọc là /cờ/, nguyên âm đôi là IÊ (đọc là /ia/) và có cách viết (ia, ya, iê, yê), nguyên âm đôi UÔ đọc là /ua/ có hai cách viết là ua và uô; 
là trái với cách dạy truyền thống, sẽ làm học sinh viết sai chính tả.
5- SGK- CNGD có nhiều bài học mà trong câu chuyện lại ẩn hiện ý nghĩa "mớm" cho trẻ những thói xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm người khác… Nhiều từ ngữ mang tính tiêu cực chứ không có ý nghĩa giáo dục, ví dụ như: "Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen. Sách dùng quá nhiều từ địa phương như bể (biển), gà qué, quả chấp, bé huơ, khươ mũ..., sách có nhiều từ láy khó như thia lia, thìa lìa, chon chót, sứt sát, quằm quặp, khuýp khuỳm khuỵp… Câu thành ngữ, tục ngữ khó hiểu như "trăm thứ bà giằn", "bạt ngàn san dã", "đổ vỡ tóe loe"… (theo báo Zing)
Bài "Quả bứa" (trang 87) có nội dung thiếu trung thực, tranh giành, khôn lỏi, không công bằng...
6- Giáo sư Hồ Ngọc Đại có thái độ và phát ngôn trước công luận thiếu tính giáo dục, thể hiện triết lý giáo dục chưa chuẩn mực:
- "Phụ huynh không nên can thiệp vào việc học của con". "Người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con. Bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con".
Với trẻ lớp 1 thì bố mẹ là người quan tâm, dạy trẻ học chỉ sau thầy/cô giáo.
- "Các bạn dự có một tiết, tôi chịu trách nhiệm cả đời học sinh". 
Sai quan điểm, không phải ông Đại mà cả gia đình, nhà trường và xã hội phải chịu trách nhiệm nuôi dạy trẻ thơ.
- "Chỉ có giáo viên mới dạy được học sinh, ngoài ra cha mẹ cũng không dạy được".
Đây là hành vi độc quyền giáo dục, độc quyền sách giáo khoa.
7- Phương pháp dạy tiếng Việt truyền thống dù chưa hoàn thiện nhưng đang khá ổn, chưa thể thay đổi trừ khi có phương pháp mới ưu việt hơn. Người Mỹ dạy tiếng Anh cho trẻ lớp 1 cũng gần giống phương pháp của người Việt dạy tiếng Việt vậy.
8- Hiện nay, SGK- CNGD của Gs Đại đang gây bão dư luận, cộng đồng phản đối mạnh, nhiều người dân bất bình, nhiều phụ huynh lo lắng vì không kiểm tra được việc học của con mình.
Tiếng Việt là quốc ngữ, là linh hồn của dân tộc Việt, để thay đổi tiếng Việt, thay đổi phương pháp dạy tiếng Việt phải có sự đồng thuận của đa số nhân dân, cần phải được Quốc hội thông qua hoặc TRƯNG CẦU DÂN Ý.
Kết luận: Dù SGK- CNGD có ưu điểm thế nào, nhưng còn nhiều lỗi nội dung và phương pháp như thế, thì không thể đưa ra dạy học sinh. 
Rất mong ông Bộ trưởng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm, nghiên cứu để có quyết định sáng suốt vì tương lai con em chúng ta.
Trân trọng!
Công dân Phạm Văn Hải
(Đã ký)
Nơi gửi: thongtinchinhphu@chinhphu.vn, hotro@qh.gov.vn, bogddt@moet.gov.vn 
(Nếu các bạn quan tâm đến các vấn đề xã hội, có ý kiến với nhà nước thì hãy viết thư gửi theo các đ/c Mail: hotro@qh.gov.vn, bogddt@moet.gov.vn)

13 tháng 9, 2018

Gs Hồ Ngọc Đại CHÔM Khoa học?

CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC của Gs Hổ Ngọc Đại thực chất là PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC của ELKONIN thời Liên Xô những năm 70 thế kỷ 20.
PHƯƠNG PHÁP ELKONIN nhằm ĐIỀU TRỊ CÁC TRẺ EM GẶP KHÓ KHĂN TRONG ĐỌC VÀ VIẾT, ở VN mở rộng thêm để dạy trẻ em các dân tộc thiểu số.
Mời các bạn đọc bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Australia) nói về CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC "vuông, tròn, tam giác" của ông Hồ Ngọc Đại:
THỰC CHẤT CỦA "CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC" CHÍNH LÀ ĐÂY !
“Trong y văn thế giới, đánh vần theo "Công nghệ giáo dục" ô vuông, tròn, tam giác là một sáng kiến của nhà tâm lí học người Nga D. B. Elkonin nhằm ĐIỀU TRỊ CÁC TRẺ EM GẶP KHÓ KHĂN TRONG ĐỌC VÀ VIẾT.
Elkonin là người thầy của ông Hồ Ngọc Đại !
Chúng ta biết rằng, lời nói được xây dựng bằng chữ (words). Chữ được cấu thành từ âm tiết (syllables). Âm tiết được hình thành từ âm thanh hay tiếng (sound). Phonemes là đơn vị nhỏ nhất của âm thanh (cũng như nucleotide trong di truyền học vậy). Trong tâm lí ngôn ngữ học, họ có khái niệm "Phonemic Awareness" (chưa biết dịch là gì ?) để chỉ sự hiểu biết về chữ nói từ âm thanh. Phonemic Awareness là một kĩ năng nói (oral) và nghe (aural). Sáng kiến của ông Elkonin xoay quanh vấn đề Phonemic Awareness.
Sáng kiến của Elkonin là dùng các ô để thể hiện âm thanh [sound] của một chữ (1). Một ví dụ nhỏ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn chút. Chẳng hạn như với tiếng Anh, theo phương pháp của Elkonin, chữ CAT sẽ được thể hiện bằng 3 ô vuông, vì chữ này có 3 âm thanh: /k/ + /a/ + /t/. Nhưng với chữ SOAP thì cũng được thể hiện bằng 3 ô dù nó có 4 mẫu tự. Tuy 4 mẫu tự, nhưng chỉ có 3 âm thanh: /s/ + /O/ + /p/. Tuy nhiên, với chữ MILK thì có 4 ô chữ vì 4 mẫu tự có 4 âm thanh khác nhau: /m/ + i/ + /l/ + /k/. Người ta gọi phương pháp đánh vần này là "Elkonin box", có khi còn gọi là "Sound Box".
Ngày nay, có cả một App trong điện thoại để sử dụng trong việc dạy cách đánh vần này !
Trên thế giới, có khoảng 15% trẻ em gặp khó khăn về đọc và đánh vần (hội chứng "dyslexia"). Phương pháp của Elkonin chủ yếu áp dụng nhằm giúp những trẻ em với hội chứng "dyslexia", nhưng cũng áp dụng cho trẻ em nước ngoài mới học tiếng Anh hay một ngoại ngữ (2-3). Có một số chứng cứ khoa học cho thấy khi can thiệp trên trẻ em gặp khó khăn về đọc viết, thì phương pháp Elkonin có hiệu quả giúp các em cải tiến đọc chữ. Có cả một luận án tiến sĩ báo cáo hiệu quả của Elkonin box ở trẻ em gặp khó khăn trong việc đọc (4). Nhưng ở HỌC TRÒ BÌNH THƯỜNG THÌ CHƯA CÓ DỮ LIỆU NÀO CHO THẤY PHƯƠNG PHÁP ELKONIN CÓ HIỆU QUẢ.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần biết là phương pháp Elkonin chỉ là một trong nhiều phương pháp cho trẻ học đọc / đánh vần. Các phương pháp khác là bắt cặp (one-to-one matching), tách chữ (taking words apart), và ví von (analogies). Có thể tóm tắt các phương pháp này thành 2 nhóm [theo tiếng Anh]: nhóm "whole language" và nhóm "decoding". Nhóm whole language xem chữ là một hình tượng có ý nghĩa, nên học trò phải học nguyên chữ và ý nghĩa của nó, chứ không tách ra từng âm thanh. Phương pháp Elkonin có thể xem là thuộc nhóm decoding, có nghĩa là tách chữ thành âm thanh, mà ít quan tâm đến ý nghĩa. Xem ra cách tiếp cận whole language thích hợp cho trẻ em bình thường, còn cách tiếp cận decoding thích hợp cho trẻ em có khó khăn về đọc/viết.
Trong thực tế, phương pháp Elkonin rất hiếm được áp dụng ở các nước phương Tây. Lí do có lẽ do số trẻ em gặp khó khăn đọc/viết không nhiều, và ngay cả trong nhóm này thì bằng chứng về hiệu quả của phương pháp Elkonin không nhiều và thuyết phục bằng các phương pháp khác.
Quay lại trường hợp Việt Nam, phương pháp dạy theo ô chữ (hay 'công nghệ giáo dục') là một sản phẩm của một đề tài nghiên cứu cấp Bộ do ông HNĐ chủ trì. Đề tài này có mục tiêu giúp học sinh tiểu học các dân tộc thiểu số (5). Trong khoa học, có khái niệm "external validity" (hợp lí ngoại tại), có nghĩa là kết quả nghiên cứu trên quần thể nào thì chỉ có thể áp dụng cho quần thể đó. Nếu thuốc được nghiên cứu ở nữ giới sau mãn kinh, thì chỉ định điều trị thuốc đó chỉ cho phụ nữ sau mãn kinh. Tương tự, nếu nghiên cứu trên người thiểu số thì kết quả chỉ áp dụng cho họ, chứ khó áp dụng cho ngoài dân tộc thiểu số. Do đó, ĐÁNG LÝ RA, CÁCH DẠY THEO Ô CHỮ CỦA ELKONIN Ở VIỆT NAM CHỈ NÊN ÁP DỤNG CHO HỌC TRÒ DÂN TỘC THIỂU. THẾ NHƯNG TRONG THỰC TẾ, PHƯƠNG PHÁP NÀY ĐƯỢC TRIỂN KHAI ĐẠI TRÀ CHO HÀNG TRIỆU HỌC SINH LÀ ĐIỀU KHÔNG ĐÚNG KHOA HỌC.
Càng kém tính khoa học hơn khi chưa có chứng cứ về hiệu quả từ các thử nghiệm khoa học (chứ chưa nói đến thử nghiệm randomized controlled trial) mà đã áp dụng cho hàng triệu trẻ em. Thật ra, có chứng cứ ban đầu cho thấy phương pháp 'công nghệ giáo dục' không có gì hơn so với phương pháp hiện hành ở trẻ em ở vùng xa thành phố (6). Việc triển khai đại trà như thế là cách làm không đúng với chủ trương giáo dục thực chứng -- evidence based education.

Nguồn: 
(1) Clay M. Reading Recovery: a guidebook for teachers in training. Portsmouth, 1993.
(2) Teffaine R. Phonemic Awareness prevents reading disabilities. 
http://psych.hsd.ca/Phoneme.pdf
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Elkonin_boxes
"Elkonin boxes are an instructional method used in the early elementary grades especially in children with reading difficulties and inadequate responders in order to build phonological awareness by segmenting words into individual sounds."
(4) https://etd.ohiolink.edu/…/document/get/osu1342804885/inline
(5) http://giaoduc.net.vn/…/Ve-loi-ich-nhom-dang-sau-tranh-luan…
"Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa sách Công nghệ Giáo dục trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: 'Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số'."
Nguyên văn: http://www.thesaigonposts.com/…/thuc-chat-cua-cong-nghe-gia… 

11 tháng 9, 2018

Muốn thay đổi tiếng Việt, phải hỏi ý kiến dân Việt

Là người Việt Nam, chúng ta ai cũng đã học tiếng Việt. 
Từ khi lọt lòng đã được làm quen với các từ đơn giản cha, mẹ, ông, bà. Tuổi thơ đã được cha mẹ dạy những từ gần gũi, thân thương như nhà cửa, sân vườn, hoa lá. Lớn lên được đến trường, được thầy cô dạy đọc, viết và phát âm những chữ cái đầu tiên A, B, C... được học nói/viết những từ gắn bó với nơi chôn rau, cắt rốn: Gia đình, trường học, làng xóm, quê hương. Qua những bài hát ru của mẹ, của bà, chúng ta đã nhận thức được thế giới xung quanh, tình yêu cha mẹ, bạn bè, làng xóm, ngọn núi, con sông đã trở thành tình yêu đất nước. Có thể nói, tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam.
Bao đời qua người Việt đã gắn bó, sinh ra, lớn lên cùng tiếng Việt: "Tiếng Việt còn thì còn dân tộc Việt".
Dù cho tiếng Việt của chúng ta chưa thật sự hoàn chỉnh, còn có những bất cập, nhưng đây là quốc ngữ, mọi sự thay đổi tiếng Việt và dạy tiếng Việt theo phương pháp mới đều phải thận trọng vì sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng dân Việt, ảnh hưởng đến sự phát triển và vận mệnh của dân tộc, phải có sự ủng hộ của đa số nhân dân, phải tuân thủ luật pháp, Hiến pháp và khi cần thì phải TRƯNG CẦU DÂN Ý.
Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn còn nhớ những bài học vỡ lòng, những kỷ niệm ngày đầu đến lớp:
Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp...
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xoè ô che nắng
Râm mát đường em đi. ( Xuân Mai)
Ảnh: Những bài học xưa, ai còn nhớ và ai đã quên!

9 tháng 9, 2018

Thư gửi Giáo sư Hồ Ngọc Đại !

Thưa Giáo sư! Tôi muốn nói đến những phát ngôn sai lầm của ông.
1- Gs nói: "Tương lai của Công nghệ giáo dục là vĩnh viễn". Gs muốn khẳng định SGK "Công nghệ giáo dục" của ông là vĩnh viễn.
Sai rồi, thưa Gs! Mọi sự vật và hiện tượng đều thay đổi theo thời gian, ngôn ngữ cũng không ngoại lệ, tiếng Việt cũng sẽ thay đổi theo thời gian và cuộc sống. Khi ngôn ngữ thay đổi thì dạy tiếng Việt sẽ có những điều chỉnh và thay đổi, nhá!
2- Gs nói: "Học chữ của tôi là chắc chắn không thể tái mù"
Hahaha! Việc này thì ông đúng nhưng "đúng trong cái đúng hiển nhiên" thì không cần phải nói. Thời CM 4.0 chả có ai đi học chữ rồi lại tái mù chữ cả, trừ một số trường hợp ở xứ thiên đường và các nơi quá nghèo đói, xa xôi cách trở, không thể tiếp cận được với xã hội văn minh.
3- Gs nói: "Phụ huynh không nên can thiệp vào việc học của con". 
Tôi phản đối! Từ bao đời nay người Việt đã có truyền thống là ông bà, cha mẹ dạy trẻ thơ học nói, dạy con làm người. Trẻ thơ trưởng thành phải có sự phối hợp dạy dỗ của gia đình, nhà trường và xã hội, nhá!
4- Gs nói: "Người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con. Bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con".
Tôi phản đối! Ông chỉ đúng khi bố mẹ là những kẻ thất học, thiếu ý thức, vô văn hóa. 
Đa số các bậc phụ huynh ngày nay đều có thể lấy những ưu điểm của bố mẹ, ông bà để dạy trẻ en, cho trẻ noi theo. Năm nay tôi gần 60 tuổi mà vẫn dạy các cháu noi gương bố mẹ, ông bà, tổ tiên đó. Tôi khẳng định, các cháu tôi không học sách của ông nhưng đều tiến bộ, tự lập và khá thành đạt. Ví dụ: Cháu Nguyễn Thanh Hà, khi học THPT Hà Trung, Thanh Hóa là Á quân Olympia.
5- Gs nói: "Ý thức trách nhiệm với đất nước là trên hết"
Vậy sao SGK của ông lại in, bán độc quyền với giá cao?
HỌC SINH hay TIỀN? Nếu không độc quyền in, bán sách giáo khoa siêu lợi nhuận, người ta có tranh nhau làm SGK không?
6- Gs nói: "Các bạn dự có một tiết, tôi chịu trách nhiệm cả đời học sinh".
Xin lỗi ông, ông là ai? Ông có đẻ ra hàng triệu học sinh không? Ông lấy tư cách gì để chịu trách nhiệm cho hàng triệu học sinh kia? Ông già rồi, nếu ông qua đời thì ai thay ông chịu trách nhiệm với học sinh?
Các cháu còn bé, chính cha mẹ các cháu, gia đình, nhà trường và xã hội sẽ chịu trách nhiệm nuôi dạy các cháu thành người nhé! Nếu có, ông chỉ chịu trách nhiệm về phần việc của ông thôi.
Triết lý giáo dục của ông sai, phương pháp giáo dục của ông chưa chuẩn. Phương pháp này có thể dạy loại ngôn ngữ mà 1 chữ có nhiều âm tiết. Tiếng Việt 1 chữ chỉ có 1 âm tiết, phát âm gọn, mỗi chữ là 1 tiếng rõ ràng, mạnh lạc thì không cần mô hình vuông, tròn để dạy trẻ mới bắt đầu học chữ.
Chỉ với 6 phát ngôn trên, tôi đã không thể cho con cháu tôi học theo SGK và phương pháp dạy học của ông rồi.
Có mấy dòng tâm huyết gửi ông, mong ông suy ngẫm!
Chào giáo sư!
Phạm Văn Hải
Các phát ngôn của Gs Đại ở bài báo sau:
https://www.nguoiduatin.vn/gs-hồ-ngọc-đại-sách-của-tôi-sẽ-tồn-tại-vĩnh-viễn-a398098.html