Trang

22 tháng 3, 2016

Người Cuba chen chân chào đón Tổng thống Mỹ Obama


Những tiếng hô "Nước Mỹ", "Obama" vang vọng trên con phố nơi Tổng thống Obama và gia đình cầm ô đi dạo dưới mưa.
nguoi-cuba-phan-ung-the-nao-khi-tong-thong-obama-toi-tham
Gia đình Obama tự tay cầm ô đi dạo trên đường phố Cuba. Ảnh: New York Times
"Chào mừng tới Cuba. Chúng tôi thích ông", một người đàn ông Cuba hét lên khi tổng thống Mỹ và đoàn tùy tùng đi ngang qua. Ở căn hộ phía trên, một phụ nữ hoan nghênh và hô to lời chào đón qua song cửa sắt, theoNew York Times.
Sau đó, một đoàn xe mô tô hộ tống chiếc limousine của tổng thống, lần đầu tiên treo quốc kỳ của cả Hoa Kỳ và Cuba đi trên những con phố chật hẹp ở Cuba. Nhiều người đứng bên đường vẫy chào nồng nhiệt, họ đã đợi rất lâu trong trời mưa nặng hạt. Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên tới đây sau 88 năm. 
Tổng thống Obama tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước sự chào đón của người Cuba. "Đây là cơ hội lịch sử để trực tiếp trò chuyện với người Cuba và bàn về những hợp đồng thương mại", ông chủ Nhà Trắng nói với các nhân viên ở sứ quán Mỹ. "Tôi mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước chúng ta. Tôi hy vọng một tương lai tươi sáng hơn những gì chúng ta đã có trong quá khứ." 
Nhắc tới Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge, người đã tới Cuba cách đây 88 năm trong chuyến đi kéo dài ba ngày trên một chuyến hạm, ông Obama so sánh: "Giờ đây, chỉ cần ba tiếng đồng hồ là tới được Cuba".
Ông Obama cũng cảm ơn các nhân viên sứ quán đã mang theo con cái tới buổi phát biểu. Người đứng đầu nước Mỹ nói ông mong muốn bọn trẻ thấy rằng "tổng thống Mỹ tới thăm Cuba là điều tự nhiên". Ông cũng mong muốn chúng lớn lên và thấy việc người Cuba và Mỹ hợp tác làm ăn cũng là điều bình thường.
Ông Obama và tùy tùng sau đó đi dạo trên con đường lát đá ở Old Havana, nơi được UNESCO công nhận là di tích lịch sử văn hóa thế giới, thăm tượng đài Carlos Manuel de Céspedes - anh hùng dân tộc Cuba. Tổng thống Mỹ cũng thăm bảo tàng Havana, nơi có tượng Christopher Columbus, người tìm ra châu Mỹ. 
Tại nhà thờ de San Cristóbal de la Habana, ông Obama gặp với Đức Hồng y Jaime Ortega, người được báo chí Mỹ nhận định có vai trò quan trọng trong việc xúc tiến các cuộc đàm phán bí mật năm 2014 để Cuba và Mỹ xích lại gần nhau. 
Đức Hồng y Jaime Ortega từng có chuyến đi bí mật tới Nhà Trắng để thay mặt cho Đức Giáo hoàng Francis thúc đẩy thỏa thuận giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro. 
Chuyến đi dạo hôm nay của ông Obama là bước khởi đầu cho cuộc họp sắp tới với Chủ tịch Raul Castro, cuộc họp chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước sau hơn nửa thế kỷ lạnh nhạt. 
Tên của ông Obama dường như hiện diện khắp nơi ở Cuba, ở một bartender trên tầng cao của khách sạn, những người Cuba đội mưa dưới mái hiên gần bờ biển, hay các gia đình xem ông Obama vẫy tay và mỉm cười trên TV.
Bà Carmen Diaz, 70 tuổi, cho biết bà cảm thấy "mãn nguyện tự đáy lòng" khi chứng kiến người đứng đầu nước Mỹ tới Cuba, điều mà bà từng nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra. 
Tuy nhiên, vẫn có những sự cố xảy ra. Hàng chục người phản đối chuyến thăm của ông Obama bị lực lượng an ninh bắt đi. Một vài tuyến phố nơi ông Obama đi qua hoàn toàn trống rỗng. Một chủ cửa hàng gần nơi treo poster ông Obama và ông Castro đang nói chuyện với nhau cho biết cô được yêu cầu đóng cửa hàng khi tổng thống Mỹ đi qua. 
"Mọi người sẽ nhìn qua cửa sổ. Tôi sẽ kể với tất cả bạn bè về Obama, chúng tôi hạnh phúc khi thấy ông ta tới đây", cô nói.
Ông Obama được nhiều người Cuba ngưỡng mộ từ khi còn là ứng viên tranh cử cho đến khi nhậm chức tổng thống. Ngày 17/12/2014, khi Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba, ông được coi là hiện thân của cơ hội phát triển kinh tế ở Cuba.
Giới chức Cuba đã đề nghị người dân và các nhân viên nhà nước bày tỏ sự tôn trọng khi tổng thống Mỹ tới thăm. Nhiều người Cuba đã làm việc trong vài tuần qua để thành phố trở nên sạch đẹp hơn.
Những con đường có ổ gà trở nên bằng phẳng, các tòa nhà nơi ông Obama đi qua được sơn lại sặc sỡ. Người Cuba nói đùa rằng ông Obama là "Saint Obama" (Thánh Obama) và tổng thống Mỹ sẽ không thể ở lại làm việc trong một tháng hay một năm nếu Cuba quá xấu.
Bên ngoài sân vận động bóng chày nơi ông Obama sẽ tới thăm hôm 22/3, Juliet Garcia Gonzalez, 17 tuổi, nói cô rất vui khi biết tin này bởi ông Obama đem lại cho thế hệ của cô niềm hy vọng, điều hiếm hoi ở đất nước từ lâu vẫn giậm chân tại chỗ. Nhưng cô không dám chắc việc ông Obama tới Cuba có đủ thay đổi điều đó.
"Tôi muốn đi du lịch. Tôi muốn rời khỏi đây", cô nói trong khi đang lướt điện thoại di động kết nối wifi ngoài sân vận động. "Tôi sẽ quay lại khi Cuba trở nên tốt đẹp hơn."
Văn Việt

“Làm người Việt là một định mệnh”


Mấy ngày nay, nhìn vào những tấm hình vụ nổ và tai nạn thảm khốc, tôi thường tự hỏi: Khoảnh khắc ngay trước khi ánh chớp định mệnh giáng xuống ấy, những nạn nhân đang nghĩ gì?
“Lam nguoi Viet la mot dinh menh” - Anh 1
Rất có thể, bà mẹ bán trứng và công chúa 7 tuổi mặc áo hồng đi qua khu Văn Phú, đang khẽ hát bài “Ba ngọn nến lung linh” trên chiếc xe máy cũ, trước khi tiếng nổ hủy diệt tất cả.
Rất có thể, công chúa 7 tuổi , đội chiếc mũ len hồng ở Ái Mộ, Gia Lâm, đang “mặc cả” với ông nội chiều đón về nhà sớm, thì cú đạp ga điên cuồng của gã rửa xe vừa nốc rượu, đã cắt đứt tất cả.
Rất có thể trong đầu những người đi trên cầu Gềnh, Đồng Nai hôm qua, đã hiện hữu một bữa trưa đầm ấm, trước khi chiếc xà lan lạnh lùng đâm họ rơi xuống dòng sông chảy xiết.
Rất nhiều người vô tội đã bị cướp đi mạng sống một cách oan ức như thế.
Thế nhưng, trong quan niệm xã hội, dường như cái chết ấy là định mệnh họ phải chịu, không thể nào đổi khác: “Số đã chết thì ở trong nhà cũng chết”.
Làm người Việt thì phải chấp nhận?
Cách đây ít lâu, tôi đặt hàng TS Lê Hồng Giang (Giang Le), một chuyên gia kinh tế sắc sảo, viết về chuyện du học sinh nên ở lại nước ngoài hay về Việt Nam làm việc. TS Giang cáo lỗi.
Ông bảo không nghĩ được cái gì mới hơn so với nhiều ý kiến đã đăng đàn. Thay vì viết bài dài, ông chia sẻ lại một ghi chú ngắn từ 5 năm trước:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Tôi làm cùng một anh người Đức và một anh người Nga. Hỏi họ hay về nước không, cả hai đều nói chẳng hứng thú quay về quê cũ dù vẫn còn cha mẹ họ hàng ở đó.
Hỏi họ có hay đọc báo, theo dõi tin tức từ Đức, từ Nga không, cả hai đều nói chẳng quan tâm. Hỏi họ có bắt con cái nói tiếng Đức, tiếng Nga ở nhà không, cả hai đều nói tùy chúng nó.
Đúng là làm người Việt là một định mệnh”.
Lẽ nào, đã làm người Việt, thì nhất định phải chịu phán xét?
Lẽ nào, làm người Việt thì phải chấp nhận sống chung với những điều không thể thay đổi?.
“Định mệnh” của người du học: Muốn phát triển đến đỉnh cao thì hãy ở lại nước ngoài, đừng về Việt Nam?
“Định mệnh” của người tham gia giao thông: Phải chấp nhận chuyện mình có thể trở thành 1 trong số 24 người Việt, mỗi sáng đi ra khỏi nhà và không bao giờ trở về?
“Định mệnh” của cô bé Lan Vi 16 tuổi ở Đăk Lăk bị gẫy chân sơ sơ, là là phải cưa cụt chân?
“Định mệnh” của nữ bệnh nhân 49 tuổi gãy chân ở Đà Nẵng, là phải chết, sau khi mổ?
“Niềm vui của họ thật ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác”
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, thấy “lạnh buốt, buồn bã và hoang mang” khi đi ngang qua Văn Phú, nơi vừa xảy ra vụ nổ khủng khiếp.
“Tôi có cảm giác bất cứ lúc nào cũng có thể phát nổ ở đâu đấy. Bất trắc khủng khiếp. Con người Việt Nam vẫn chỉ nghĩ đến việc kiếm ăn.
“Lam nguoi Viet la mot dinh menh” - Anh 2
Thi thể những nạn nhân xấu số trong vụ nổ kinh hoàng vừa xảy ra tại Hà Nội
Họ có thể làm bất cứ thứ gì để sống hoặc kiếm tiền: Dùng thực phẩm thiu thối, độc hại, cạy cả ray tàu hỏa để bán, cưa cả bom mìn, đâm chém nhau khi tranh giành một chỗ bán hàng, lừa lọc nhau như đa cấp;
Họ dùng tre gỗ thay cốt thép cả ở những công trình lớn, mua đồ phế thải của nước ngoài để ăn hoa hồng…
Sau gần nửa thế kỷ chiến tranh, hỏi có bao nhiêu người Việt Nam nghĩ đến hưởng thụ một cuốn sách, một bản nhạc, một bộ phim, một bảo tàng, một vườn hoa… Một đời sống như vậy chưa phải là một đời sống.”
Khi ca sĩ Trần Lập nằm xuống sau 4 tháng chiến đấu với ung thư, nhiều người dần nhận ra rằng: Cái ‘định mệnh” cướp đi cuộc sống của Lập, cũng đang đe dọa rất nhiều người.
Hai tháng trước, Phạm Hoàng Nam, đạo diễn Liveshow “Đôi bàn tay thắp lửa” đã kể cho Trần Lập và cộng sự một câu chuyện về sự nực cười của “định mệnh”:
“Ông trồng chè khoe với bạn là họ đang uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán.
Bà bán rau cũng hân hoan nói với gia đình là người nhà được ăn rau ở khu trồng sạch, khu phun nhiều thuốc là để bán; Ông bán thịt lợn cũng vậy…
Niềm vui của họ thật ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác. Họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt. Họ uống trà nhà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác…
Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…”
Thay đổi “định mệnh”
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đưa ra một con số ám ảnh: Đến năm 2035 (50 năm sau Đổi Mới) mức độ thịnh vượng của người Việt chỉ bằng 1/3 Singapore năm… 2011.
Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm… 2011.
Nhiều năm trở lại đây, người ta hay nói về tụt hậu kinh tế. Tụt hậu kinh tế rất đáng sợ, nhưng tụt hậu về đạo đức, nhân tính, nhiều khi còn đáng sợ hơn.
Có ai thống kê là đến 2035, đạo đức xã hội, nhân tính tụt hay tăng bao nhiêu bậc so với năm 2011?
Sẽ chẳng phải khóc thương Trần Lập sớm thế, nếu những người nông dân không hoan hỉ một cách “ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác” khi “bảo vệ” được gia đình mình bằng những luống rau sạch trồng riêng, rau bẩn mang bán.
Những người như bà Tuất (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng sẽ tránh được “định mệnh” có tới 5 con và chồng phải chết vì ung thư, nếu chính quyền có trách nhiệm hơn nữa trong việc cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
> Mời xem những bài viết cùng tác giả
Ai thống kê là mỗi năm, xuất hiện thêm bao nhiêu Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, và những vụ thảm sát?
Ai ghi chép mỗi năm có bao nhiêu người vong mạng, què cụt vì mang bom ra để cưa mạng sống của chính mình và đồng loại?
Người Việt hay xúc động và phẫn nộ với hành động của kẻ khác, nhưng lại ít tự răn mình và phê phán mình.
Ai cũng có thể chửi rủa những tài xế xe điên, nhưng không ít người muốn đi tắt để có chiếc bằng lái và vẫn thản nhiên cầm vô lăng sau khi đã bá vai bá cổ ma men.
Ai cũng có thể nhỏ nước mắt, nhưng thử hỏi mấy năm qua, đã có mấy người đấu tranh khi nhìn thấy những vật “nguy cơ chết người” bị cưa ở khu Văn Phú?
Khi Trần Lập và cộng sự của anh làm Liveshow “Đôi bàn tay thắp lửa”, điều họ muốn không chỉ là âm nhạc, gây quỹ mà còn để thức tỉnh nhân tính, thay đổi định mệnh: Đồng bào đừng kiếm sống bằng mọi giá, đừng vô cảm, đừng đầu độc lẫn nhau nữa.
Lập không thay đổi được định mệnh của chính mình, nhưng anh chứng minh rằng, ngay cả khi một người nằm xuống, họ cũng có thể “truyền lửa” cho nhiều người khác.
Định mệnh nằm trong tay mỗi người.
Đừng chỉ kêu gào xã hội thay đổi trong khi chính mình dậm chân tại chỗ, bàng quan và vô cảm.
Theo Trí Thức Trẻ

21 tháng 3, 2016

Nha Trang vào top 10 điểm đến mới hấp dẫn nhất châu Á


Đại diện của TripAdvisor đã có mặt tại Nha Trang để trao giải cho Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang trước sự chứng kiến của hàng trăm khách mời. 
Thành phố Nha Trang vừa được tôn vinh là một 10 điểm đến mới hàng đầu của châu Á (Top destinations on the rise). Hạng mục này nằm trong giải thưởng thường niên mang tên Travellers’ Choice Awards của TripAdvisor, trang web về du lịch lớn nhất thế giới, với mục đích tìm ra những điểm du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng có chất lượng dịch vụ và tiêu chuẩn tốt nhất từ khắp các châu lục trên thế giới. 
Tại lễ trao giải chiều 14/3, ông Aaron Hung – đại diện TripAdvisor khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: "Nha Trang được vinh dự xếp hạng thứ 8 trên 10 địa điểm mới nổi trên toàn châu Á vào tháng 12/2015 và cũng là địa điểm đầu tiên được trao giải thưởng này trực tiếp. Việt Nam luôn là điểm đến hàng đầu của khách hàng TripAdvisor. Không chỉ Nha Trang, Việt Nam còn có Hà Nội, Hội An, TP HCM, Huế... Bản thân tôi và vợ cũng từng tận hưởng kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới rất tuyệt vời tại Việt Nam". 
Đại diện của TripAdvisor trao giải cho Chủ Tịch UBND Thành phố Nha Trang.
Đại diện của TripAdvisor trao giải cho Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang. Ảnh: Quỳnh Anh.
Các địa danh thắng giải được xác nhận dựa trên hàng triệu phản hồi tích cực và lựa chọn điểm đến của du khách trên toàn thế giới. Nha Trang đang là điểm đến được rất nhiều khách quốc tế chọn lựa, dẫn đầu là Nga, Trung Quốc và Hàn QuốcTheo trang web này, đến Nha Trang, ngoài việc tận hưởng những nét nổi bật về du lịch biển đảo, du khách còn có dịp tìm hiểu và khám phá chiều sâu văn hóa của vùng đất này qua hệ thống các di tích lịch sử, nền ẩm thực đa dạng và đặc sắc.
Ngoài Nha Trang, các thành phố còn lại bao gồm: New Delhi, Bangalore (Ấn Độ); Khao Lak, Karon (Thái Lan); Colombo (Sri Lanka); Sanur (Bali, Indonesia); Yerevan (Armenia); Phnom Penh (Campuchia). Huế xếp thứ 10 trong danh sách xếp hạng.
Ông Aaron Hung cũng trao chứng chỉ cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tốt nhất Việt Nam và châu Á do du khách TripAdvisor bình chọn năm 2015. TripAdvisor là trang web hoạt động tại 47 quốc gia với hơn 290 triệu lượt đánh giá cũng như ý kiến về 5,3 triệu địa điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn... Những bằng chứng nhận của trang web này được đánh giá là cơ sở đáng tin cậy để du khách quyết định đặt phòng, ăn uống hay vui chơi tại một điểm đến nào đó. 
nha-trang-vao-top-10-diem-den-moi-hap-dan-nhat-chau-a-1
Chính quyền địa phương chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên trong Tổ chức quảng bá điểm đến Nha Trang. Ảnh: Amy. 
Ông Nguyễn Văn Danh – Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang bày tỏ sự tự hào khi nhận giải thưởng này. "Chính quyền hứa sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn... để du lịch Nha Trang ngày càng phát triển bền vững". 
Sự kiện cũng đồng thời giới thiệu Tổ chức quảng bá điểm đến Nha Trang với 15 thành viên là các khách sạn 5 sao, resort, nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ tàu thuyền... Các tư liệu quảng bá du lịch do tổ chức này thực hiện sẽ có 6 thứ tiếng.
Bên cạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức còn thực hiện các hoạt động cộng đồng trong phạm vi thành phố Nha Trang dành cho du khách và dân địa phương như Ngày hiến máu, Ngày thu gom rác ngoài bãi biển, Bữa trưa hàng tháng cho những người kém may mắn... Đây cũng là đơn vị thực hiện sự kiện đón nhận giải thưởng này với mục tiêu giúp Nha Trang trở thành điểm đến thân thiện và nổi tiếng toàn cầu. 
Theo thống kế từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nha Trang, thành phố này đã đón 4,15 triệu lượt khách năm 2015, bao gồm 974.000 lượt khách quốc tế. Mục tiêu của năm nay của Nha Trang là 4,5 triệu lượt khách.
Quỳnh Anh

Day dứt khi một phần máu thịt đất nước bị Trung Quốc chiếm


21/03/2016 08:55 GMT+7
TTO - Một số đại biểu Quốc hội sắp rời nhiệm sở, kết thúc sự nghiệp, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ những điều họ còn day dứt, trăn trở, nghĩ suy về những “món nợ” cử tri và Nhân dân.
Day dứt khi một phần máu thịt đất nước bị Trung Quốc chiếm
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định:Trăn trở về thái độ của Quốc hội đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo
Một nhiệm kỳ qua đi, nếu ngồi suy ngẫm lại những gì mình quan tâm, trăn trở, day dứt thì tôi thấy có nhiều điều mà khi mình rời khỏi nhiệm vụ đại biểu thì thấy không yên tâm, thấy “nợ” cử tri, Nhân dân.
Với tôi, vấn đề trăn trở nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay là thái độ của Quốc hội đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, và tôi thấy mình chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri về nhiệm vụ thiêng liêng này. Tôi hiểu rằng đây là vấn đề cử tri, Nhân dân đòi hỏi rất cao đối với chúng tôi, những đại biểu Quốc hội được bầu ra để đại diện cho họ lo việc nước.
Nhưng cho đến thời điểm này Quốc hội vẫn chưa có văn bản chính thức nào tỏ rõ thái độ mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền biển Đông, có chăng chỉ là thể hiện trong các diễn văn khai mạc, bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội và phát biểu riêng rẽ của từng đại biểu.
Gần đây Trung Quốc họp Quốc hội, họ đã dành thời gian bàn về biển đảo, trong đó có nhiều phát ngôn của các nhân vật cao cấp tỏ rõ bản chất sen đầm, hăm dọa chúng ta.
Tôi nghĩ, năm 2016 và những năm tới đây chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt khi mà Trung Quốc thách thức dư luận, liên tục tiến hành các hoạt động tôn tạo, xây dựng và có dấu hiệu vũ trang hóa các đảo, cụm đảo trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN.
Trung Quốc sẽ không từ bỏ dã tâm chiếm trọn biển Đông và chắc chắn họ sẽ thực hiện thêm nhiều chiêu trò mới.
Trong tình hình như vậy, Quốc hội VN không chỉ nghe báo cáo về tình hình, mà cần những phiên thảo luận chuyên đề về bảo vệ chủ quyền biển đảo, ra nghị quyết hoặc tuyên bố chính thức, mạnh mẽ, quyết liệt vấn đề này.
Nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi là những đại biểu ngồi họp trong phòng Diên Hồng, cái tên gắn với sự kiện lịch sử nói lên hào khí của cha ông ta chống giặc ngoại xâm.
Nay, một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Sự day dứt, trăn trở của mỗi đại biểu Quốc hội phải biến thành hành động của Quốc hội, nếu không thì chúng ta sẽ có lỗi với cha ông và mắc nợ con cháu sau này.
Day dứt khi một phần máu thịt đất nước bị Trung Quốc chiếm
Đại biểu Quốc hội Lê Nam - Ảnh: Việt Dũng
Ông Lê Nam, phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Nợ đã quá lâu rồi
Cử tri còn bức xúc nhiều điều, thì với cá nhân tôi đó đều là những món nợ mà mình suy nghĩ, day dứt không nguôi. Nhưng day dứt nhất với tôi vẫn là câu chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với bảo vệ ngư dân. Chính sách của Đảng và Nhà nước thì tôi cơ bản đồng tình, nhưng khâu tổ chức thực hiện thì lại không tương xứng.
Ví dụ, Quốc hội ra quyết sách chi gói 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đi biển, tôi thấy thực hiện rất chậm, đến nay cũng không rõ ràng về hiệu quả.
Thử đếm xem đã có bao nhiêu tàu lớn được đóng, có bao nhiêu cảng cá ngoài Trường Sa được xây dựng? Trong khi biển Đông luôn nóng bỏng, gần đây tàu thuyền của ngư dân chúng ta vẫn liên tục bị đâm, bị bắn, bị khủng bố.
Chủ quyền quốc gia bị đe dọa, thách thức hàng giờ, hàng ngày. Gánh nặng này được trao lên vai Quốc hội Khóa XIV, đó là trách nhiệm nặng nề trước cử tri hiện nay, trước cha ông và con cháu.
Vấn đề thứ hai là “món nợ” đã quá lâu, nói đã quá nhiều, nhưng chuyển biến trên thực tế lại quá chậm, thậm chí có những mặt còn xấu hơn, đó chính là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với cải cách hành chính, đổi mới bộ máy nhà nước.
Tôi nghĩ không chỉ cá nhân tôi, mà bất cứ một đại biểu Quốc hội nào có lương tri đều cảm thấy day dứt, thậm chí là đau đớn, xấu hổ trước cử tri và Nhân dân, bởi chúng ta dường như đang bất lực trước nạn giặc nội xâm này. Pháp luật đã có, bộ máy được bổ sung thêm, các giải pháp được đề xuất, vấn đề cuối cùng là có chịu làm hay không thôi.
Ví dụ, để chống chạy chức chạy quyền thì nhiều người đề xuất là hãy công khai, minh bạch thi tuyển lãnh đạo, công chức, vậy thì bao giờ thực hiện giải pháp này? Tham nhũng làm đất nước suy yếu, khiến doanh nghiệp và người dân kiệt quệ, thì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lại càng thêm khó khăn, gian khổ thêm gấp bội.   
Day dứt khi một phần máu thịt đất nước bị Trung Quốc chiếm
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Ảnh: Việt Dũng
Ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng:Đành phải truyền lại cho nhiệm kỳ sau
Tôi đã hai nhiệm kỳ được dân bầu làm đại biểu Quốc hội, trong khoảng thời gian đó cử tri gửi gắm, kỳ vọng ở mình rất nhiều. Nhưng đến nay nhìn lại tôi thấy những việc mình làm được còn ít quá, mà chủ yếu là chỉ nêu lên trước nghị trường mà thôi.
Ví dụ, tôi đã nói liên tục, mạnh mẽ, gay gắt trong nhiều kỳ họp về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí nhưng đến nay, tham nhũng, lãng phí vẫn trầm trọng, ngang nhiên, thách thức tất cả chúng ta.
Vấn đề thứ hai là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề nặng nề, bức xúc, khiến cho không khí xã hội có lúc rất bức bối, tạo ra rất nhiều áp lực cho cả Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai và tư pháp.
Vấn đề thứ ba rất nhức nhối, đó là lĩnh vực vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói rằng người VN đang hàng ngày bị đầu độc bởi đủ loại thực phẩm không an toàn, để lại những hậu quả nặng nề, dai dẳng, là mối nguy hại cho giống loài.
Có thể nói đây là một trong những nỗi lo lớn nhất của mọi gia đình, cử tri nêu rất nhiều và tôi thấy vô cùng đau xót.
Những vấn đề trên là điều tôi thấy “mắc nợ” cử tri, không biết là đến bao giờ cái nợ này mới được trả hết. Tôi sắp kết thúc sự nghiệp của mình rồi, nhiệm kỳ sắp hết, chúng tôi đành phải truyền lại “món nợ” này cho nhiệm kỳ sau với hy vọng các đại biểu Quốc hội Khóa XIV sắp được bầu không quên những “món nợ” ấy.
Tôi cũng hy vọng tới đây Quốc hội sẽ bầu được các vị lãnh đạo giữ vị trí tư lệnh các ngành là những “tư lệnh hành động”, đừng là những tư lệnh “xin ghi nhận, xin rút kinh nghiệm, xin tiếp tục nghiên cứu…” như trả lời chất vấn mà chúng ta thường thấy vừa qua.
Tổng kết nhiệm kỳ, tôi cũng mong muốn Quốc hội sẽ rút được những bài học xương máu để lại cho khóa sau, để các đại biểu Quốc hội kế nhiệm chúng tôi trả nợ đầy đủ cho cử tri và Nhân dân.
9g sáng 21-3, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.
Dự kiến sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015 và năm năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.
Cũng tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10.
LÊ KIÊN

Người Việt đang tự giết nhau bằng sự ích kỷ?


19/3/2016 06:45 UTC+7

(Công lý) - Sau cái chết vì căn bệnh ung thư của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập, chúng ta lại giật mình thảng thốt, điều gì đã khiến cho ung thư phát triển nhanh đến như vậy.

Câu chuyện của thói ích kỷ, độc ác
Ung thư – căn bệnh nan y đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người. Tại Việt Nam, con số người chết vì ung thư mỗi năm là hơn 80 ngàn người. Trong bảng xếp hạng của 172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ chết vì bệnh ung thư do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 5/2014, Việt Nam đứng ở vị trí 78.
Những con số thống kê chi tiết khiến chúng ta phải giật mình nhìn lại và tự đặt ra cho mình một câu hỏi: Tại sao người Việt mắc ung thư nhiều đến vậy?
Có một thực tế đó là ở Việt Nam, không cứ là bệnh ung thư mà là bất cứ bệnh gì khi phát hiện đều đã là ở những giai đoạn sau, khó điều trị, khó chạy chữa và dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư có rất nhiều, tuy nhiên chủ yếu là do nguồn nước bị ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại. Điều đáng nói ở đây, những thực phẩm độc hại mà chúng ta đang sử dụng không phải đến từ đất nước xa xôi nào, mà do chính người Việt sản xuất.
Rau quả phun thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ, thậm chí dùng dầu nhớt để tưới cho rau, rồi lợn, gà nuôi bằng những loại cám tăng trọng, siêu nạc… Tất cả những thứ đó, người Việt đã quá lạm dụng và biến thức ăn hàng ngày thành thứ “vũ khí giết người” thầm lặng.
Người Việt đang tự giết nhau bằng sự ích kỷ?
Trong số những luống rau kia, luống nào là rau sạch
Chẳng ai trong chúng ta còn lạ lẫm với câu chuyện, một người nông dân trồng hai luống rau riêng biệt, một luống để gia đình mình ăn, luống còn lại để bán cho mọi người. Đó quả là một suy nghĩ ấu trĩ và đáng hổ thẹn.
Cũng chả ai còn thấy sốc hay giật mình khi nghe ở đâu đó bắt giữ hàng tấn thực phẩm hôi thối, quá hạn, không rõ nguồn gốc… Tất cả dường như đã trở nên quá quen thuộc, như cơm bữa hàng ngày.
Vậy thì người Việt có ích kỷ hay không?. Xin thưa rằng, chúng ta vừa ích kỷ, vừa tàn nhẫn, độc ác. Có ai dám chắc, gia đình, người thân chúng ta chả bao giờ ăn phải thực phẩm bẩn đang đầy rẫy ngoài thị trường kia, có ai dám chắc, luống rau sạch dành riêng cho gia đình kia, con lợn, con gà sạch được riêng biệt kia sẽ bảo vệ được chúng ta.
Sự thật là, không một ai dám chắc được điều đó, bởi chúng ta đang sống trong cộng đồng, trong một xã hội rộng lớn chứ không phải chỉ thu hẹp trong một gia đình bé nhỏ. Đó là sự ích kỷ của chúng ta.
Chúng ta độc ác, tàn nhẫn bởi chúng ta sẵn sàng bỏ mặc đồng loại chết dần dần, miễn làm sao, thực phẩm làm ra bán được hết, tiền thu về thật nhiều, còn hại đến đâu không còn là câu chuyện của mình. 
Chúng ta đừng vô cảm
Xin trở lại với câu chuyện về tinh thần chiến đấu với bệnh ung thư của thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường – ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập. Chẳng phải nói thì ai cũng biết anh có sức ảnh hưởng như thế nào đến cả một thế hệ thanh niên Việt Nam và tinh thần "chiến binh" của anh trong 4 tháng ròng chiến đấu với căn bệnh quái ác, lại một lần nữa làm thức tỉnh nhiều người.
Việc anh chiến đấu với bệnh tật đã không còn là câu chuyện của riêng Trần Lập, bởi tinh thần đó đã như một ngọn lửa thổi bùng ý chí của biết bao người, trong đó có cả những bệnh nhân ung thư như anh.
Đối với anh, cuộc đời là những chuyến đi rất dài, anh đón nhận bệnh tật với một tâm thế bình tĩnh, một tinh thần của một "chiến binh".
Người Việt đang tự giết nhau bằng sự ích kỷ?
Trần Lập trong show diễn cuối cùng của cuộc đời: Đôi ban tay thắp lửa
Show diễn cuối cùng của cuộc đời, anh và những người bạn đã cùng nhau thắp lửa, “một đôi bàn tay không đủ, nhưng nếu nhiều đôi bàn tay kết lại sẽ thành ngọn lửa sưởi ấm cho chính chúng ta và những người xung quanh”.
Ung thư đã đánh gục nhiều người, nó cứ ngấm từ từ, lặng lẽ. Và có lẽ, chúng ta nên nhìn lại chính mình. Đã đến lúc những suy nghĩ ấu trĩ, ích kỷ, khỏe mình hại người kia cần được loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội loài người.
 "Chúng ta hãy đừng sống vô cảm, đừng sống lạnh lùng với nhau. Căn bệnh ung thư không trừ bất kì ai, ung thư có thể cướp đi người thân của bất cứ ai. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ cùng hướng tới việc tìm kiếm được những cách thức khả quan hơn trong việc đẩy lùi căn bệnh ung thư. Điều đó sẽ có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều" - Trần Lập.
Khôi Anh

20 tháng 3, 2016

"Nếu Ngoại giao thất bại, Quốc phòng sẽ nhảy vào"


(GDVN) - "Công việc của Lầu Năm Góc là sẽ hành động nếu như ngoại giao thất bại. Họ phải được chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào".

The Washington Post ngày hôm nay 24/2 đưa tin, quan hệ Trung - Mỹ đã được thể hiện khá đầy đủ hôm Thứ Ba khi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói với Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đang quân sự hóa rõ rệt Biển Đông.
Còn Ngoại trưởng John Kerry khẳng định, Mỹ chỉ có một chính sách đối ngoại trong khu vực, đó là tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, ảnh: Politico.
Đô đốc Harry Harris nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, lên án Trung Quốc đang quân sự hóa rõ rệt Biển Đông với việc kéo tên lửa HQ-9 ra Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và lắp đặt ra đa quân sự công suất lớn ở Châu Viên, Tư Nghĩa, Gạc Ma - Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Còn Ngoại trưởng John Kerry, trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Vương Nghị đã nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ có một lập trường ở Biển Đông.
"Công việc của Lầu Năm Góc là sẽ hành động nếu như ngoại giao thất bại. Họ phải được chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào", ông John Kerry tuyên bố.
Tuy nhiên đến giờ này ông Vương Nghị vẫn tiếp tục luận điệu hung hăng, sai trái khi tuyên bố trong buổi họp báo với Ngoại trưởng Mỹ rằng: "Trung Quốc coi các đảo là lãnh thổ lịch sử của mình và có quyền duy trì toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải hợp pháp".
Nói rồi ông Nghị lại nhắc lại câu nói đầu môi chót lưỡi quen thuộc, nhưng Trung Quốc không bao giờ làm: "Chúng tôi cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán một cách hòa bình".
"Biển Đông không phải và không nên trở thành một vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, mà nó cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên trong khu vực. Chưa có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến tự do hàng hải và không có tàu thương mại nào từng gặp vấn đề gì", ông Nghị tuyên bố.
"Chúng tôi không hy vọng nhìn thấy bất kỳ tàu do thám quân sự nào, hoặc các tàu khu trục mang tên lửa, hoặc máy bay ném bom chiến lược lại gần khu vực này", Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố.
Ông Nghị còn nhắc khéo Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.
Với hành vi leo thang nghiêm trọng quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra hiện nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi "đàm phán tay đôi" với các bên yêu sách và gạt bỏ các cơ quan tài phán quốc tế.
Phải chăng cái ông Nghị nói là Trung Quốc "cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán một cách hòa bình" là một cách đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp đối phương, dùng vũ khí ép đối phương vào bàn đàm phán?
Mặt khác ông Nghị nói "không có vấn đề gì về tự do hàng hải ở Biển Đông", tại sao các tàu và máy bay Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, hàng không bên trong 12 hải lý ở Xu Bi, Vành Khăn, Tri Tôn theo đúng quy định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cho phép, Bắc Kinh lại phản đối và vin cớ leo thang?
Tổng thống Barack Obama vẫn có thiện chí muốn giữ thể diện cho người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình khi nói rằng, ông sẽ chờ xem nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện cam kết ở Vườn Hồng tháng 9 năm ngoái ra sao. Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố trước thế giới rằng,  Trung Quốc "không quân sự hóa Biển Đông".
Nhưng thực tế đã rõ mười mươi, bản thân ông chủ Nhà Trắng lẫn lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tính toán đến các phương án xấu hơn và có thể là xấu nhất, để buộc "một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" sẽ phải trả giá nếu không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan.
Xem ra Bắc Kinh vẫn không chịu ngừng những hành vi leo thang bành trướng. Dư luận mong mỏi, chờ đợi các giải pháp của Hoa Kỳ để buộc Trung Quốc phải trả giá ra sao, và cùng chung sức với Mỹ bảo vệ luật pháp, công lý ở Biển Đông, hòa bình và ổn định trong khu vực - PV.
Hồng Thủy

Sinh nhật của tôi


Sinh nhật ra biển gặp dân chài
Vui với thiên nhiên được mấy ai
Cá tôm dưới biển mò lên nướng
Sung sướng dân chài cạn mấy chai.

Phạm Hải