Trang

21 tháng 3, 2016

Day dứt khi một phần máu thịt đất nước bị Trung Quốc chiếm


21/03/2016 08:55 GMT+7
TTO - Một số đại biểu Quốc hội sắp rời nhiệm sở, kết thúc sự nghiệp, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ những điều họ còn day dứt, trăn trở, nghĩ suy về những “món nợ” cử tri và Nhân dân.
Day dứt khi một phần máu thịt đất nước bị Trung Quốc chiếm
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định:Trăn trở về thái độ của Quốc hội đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo
Một nhiệm kỳ qua đi, nếu ngồi suy ngẫm lại những gì mình quan tâm, trăn trở, day dứt thì tôi thấy có nhiều điều mà khi mình rời khỏi nhiệm vụ đại biểu thì thấy không yên tâm, thấy “nợ” cử tri, Nhân dân.
Với tôi, vấn đề trăn trở nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay là thái độ của Quốc hội đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, và tôi thấy mình chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri về nhiệm vụ thiêng liêng này. Tôi hiểu rằng đây là vấn đề cử tri, Nhân dân đòi hỏi rất cao đối với chúng tôi, những đại biểu Quốc hội được bầu ra để đại diện cho họ lo việc nước.
Nhưng cho đến thời điểm này Quốc hội vẫn chưa có văn bản chính thức nào tỏ rõ thái độ mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền biển Đông, có chăng chỉ là thể hiện trong các diễn văn khai mạc, bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội và phát biểu riêng rẽ của từng đại biểu.
Gần đây Trung Quốc họp Quốc hội, họ đã dành thời gian bàn về biển đảo, trong đó có nhiều phát ngôn của các nhân vật cao cấp tỏ rõ bản chất sen đầm, hăm dọa chúng ta.
Tôi nghĩ, năm 2016 và những năm tới đây chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt khi mà Trung Quốc thách thức dư luận, liên tục tiến hành các hoạt động tôn tạo, xây dựng và có dấu hiệu vũ trang hóa các đảo, cụm đảo trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN.
Trung Quốc sẽ không từ bỏ dã tâm chiếm trọn biển Đông và chắc chắn họ sẽ thực hiện thêm nhiều chiêu trò mới.
Trong tình hình như vậy, Quốc hội VN không chỉ nghe báo cáo về tình hình, mà cần những phiên thảo luận chuyên đề về bảo vệ chủ quyền biển đảo, ra nghị quyết hoặc tuyên bố chính thức, mạnh mẽ, quyết liệt vấn đề này.
Nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi là những đại biểu ngồi họp trong phòng Diên Hồng, cái tên gắn với sự kiện lịch sử nói lên hào khí của cha ông ta chống giặc ngoại xâm.
Nay, một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Sự day dứt, trăn trở của mỗi đại biểu Quốc hội phải biến thành hành động của Quốc hội, nếu không thì chúng ta sẽ có lỗi với cha ông và mắc nợ con cháu sau này.
Day dứt khi một phần máu thịt đất nước bị Trung Quốc chiếm
Đại biểu Quốc hội Lê Nam - Ảnh: Việt Dũng
Ông Lê Nam, phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Nợ đã quá lâu rồi
Cử tri còn bức xúc nhiều điều, thì với cá nhân tôi đó đều là những món nợ mà mình suy nghĩ, day dứt không nguôi. Nhưng day dứt nhất với tôi vẫn là câu chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với bảo vệ ngư dân. Chính sách của Đảng và Nhà nước thì tôi cơ bản đồng tình, nhưng khâu tổ chức thực hiện thì lại không tương xứng.
Ví dụ, Quốc hội ra quyết sách chi gói 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đi biển, tôi thấy thực hiện rất chậm, đến nay cũng không rõ ràng về hiệu quả.
Thử đếm xem đã có bao nhiêu tàu lớn được đóng, có bao nhiêu cảng cá ngoài Trường Sa được xây dựng? Trong khi biển Đông luôn nóng bỏng, gần đây tàu thuyền của ngư dân chúng ta vẫn liên tục bị đâm, bị bắn, bị khủng bố.
Chủ quyền quốc gia bị đe dọa, thách thức hàng giờ, hàng ngày. Gánh nặng này được trao lên vai Quốc hội Khóa XIV, đó là trách nhiệm nặng nề trước cử tri hiện nay, trước cha ông và con cháu.
Vấn đề thứ hai là “món nợ” đã quá lâu, nói đã quá nhiều, nhưng chuyển biến trên thực tế lại quá chậm, thậm chí có những mặt còn xấu hơn, đó chính là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với cải cách hành chính, đổi mới bộ máy nhà nước.
Tôi nghĩ không chỉ cá nhân tôi, mà bất cứ một đại biểu Quốc hội nào có lương tri đều cảm thấy day dứt, thậm chí là đau đớn, xấu hổ trước cử tri và Nhân dân, bởi chúng ta dường như đang bất lực trước nạn giặc nội xâm này. Pháp luật đã có, bộ máy được bổ sung thêm, các giải pháp được đề xuất, vấn đề cuối cùng là có chịu làm hay không thôi.
Ví dụ, để chống chạy chức chạy quyền thì nhiều người đề xuất là hãy công khai, minh bạch thi tuyển lãnh đạo, công chức, vậy thì bao giờ thực hiện giải pháp này? Tham nhũng làm đất nước suy yếu, khiến doanh nghiệp và người dân kiệt quệ, thì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lại càng thêm khó khăn, gian khổ thêm gấp bội.   
Day dứt khi một phần máu thịt đất nước bị Trung Quốc chiếm
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Ảnh: Việt Dũng
Ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng:Đành phải truyền lại cho nhiệm kỳ sau
Tôi đã hai nhiệm kỳ được dân bầu làm đại biểu Quốc hội, trong khoảng thời gian đó cử tri gửi gắm, kỳ vọng ở mình rất nhiều. Nhưng đến nay nhìn lại tôi thấy những việc mình làm được còn ít quá, mà chủ yếu là chỉ nêu lên trước nghị trường mà thôi.
Ví dụ, tôi đã nói liên tục, mạnh mẽ, gay gắt trong nhiều kỳ họp về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí nhưng đến nay, tham nhũng, lãng phí vẫn trầm trọng, ngang nhiên, thách thức tất cả chúng ta.
Vấn đề thứ hai là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề nặng nề, bức xúc, khiến cho không khí xã hội có lúc rất bức bối, tạo ra rất nhiều áp lực cho cả Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai và tư pháp.
Vấn đề thứ ba rất nhức nhối, đó là lĩnh vực vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói rằng người VN đang hàng ngày bị đầu độc bởi đủ loại thực phẩm không an toàn, để lại những hậu quả nặng nề, dai dẳng, là mối nguy hại cho giống loài.
Có thể nói đây là một trong những nỗi lo lớn nhất của mọi gia đình, cử tri nêu rất nhiều và tôi thấy vô cùng đau xót.
Những vấn đề trên là điều tôi thấy “mắc nợ” cử tri, không biết là đến bao giờ cái nợ này mới được trả hết. Tôi sắp kết thúc sự nghiệp của mình rồi, nhiệm kỳ sắp hết, chúng tôi đành phải truyền lại “món nợ” này cho nhiệm kỳ sau với hy vọng các đại biểu Quốc hội Khóa XIV sắp được bầu không quên những “món nợ” ấy.
Tôi cũng hy vọng tới đây Quốc hội sẽ bầu được các vị lãnh đạo giữ vị trí tư lệnh các ngành là những “tư lệnh hành động”, đừng là những tư lệnh “xin ghi nhận, xin rút kinh nghiệm, xin tiếp tục nghiên cứu…” như trả lời chất vấn mà chúng ta thường thấy vừa qua.
Tổng kết nhiệm kỳ, tôi cũng mong muốn Quốc hội sẽ rút được những bài học xương máu để lại cho khóa sau, để các đại biểu Quốc hội kế nhiệm chúng tôi trả nợ đầy đủ cho cử tri và Nhân dân.
9g sáng 21-3, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.
Dự kiến sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015 và năm năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.
Cũng tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10.
LÊ KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét