Trang

4 tháng 1, 2016

'Người trói kẻ trộm' lãnh 6 tháng cải tạo không giam giữ

BTTD: Trộm cướp lộng hành, dân đen khốn khổ.

Hoàng Nam - Thứ Hai, ngày 4/1/2016 - 09:19
(PLO)- Sáng nay (4-1), TAND tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm lưu động vụ ‘Bắt trói kẻ trộm bị khởi tố’ được dư luận đặc biệt quan tâm. Vụ án đã được Pháp Luật Tp.HCM nhiều lần thông tin.
Trước đó, phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bến Tre ngày 9-12, đã bị hoãn lại vì HĐXX cho rằng sự vắng mặt của bị hại (có đơn xin vắng mặt) có ảnh hưởng đến nội dung kháng cáo của bị cáo nên hoãn phiên tòa để triệu tập bị hại cùng cha mẹ bị hại. 
Sau đó, TAND tỉnh đã có quyết định xét xử lưu động vụ án này tại TAND huyện Chợ Lách.

Anh Trình trước phiên tòa sáng nay 
 Mẹ anh Trình lo lắng trước giờ xét xử

 

Quang cảnh phiên tòa 
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM thông tin anh Nguyễn Văn Trình ngụ xã Vĩnh Bình, Chợ Lách cùng cha là ông Nguyễn Văn Tập giữa khuya bắt quả tang một người trộm tiền trong tiệm tạp hóa nhà mình. Anh đã nhiều lần gọi báo cho trưởng ấp nhưng trưởng ấp không nghe máy. Do đêm khuya không có phà, ghe đưa tên trộm lên xã nên anh Trình “neo” người này tại nhà mình.
Kết luận cơ quan điều tra thể hiện quá trình bắt trộm anh Trình có trói và đánh tên trộm vài cái, dùng dây vắt qua cây kéo tên trộm lên xuống vài cái để tra hỏi tên gì, con ai, ở đâu. Đến khi tên trộm khai rõ con ai thì anh Trình ngưng, không đánh nữa. Đến 4 giờ 40 sáng trưởng ấp mới nghe điện thoại và cùng công an ấp đến nhà anh giải quyết.
Sau khi anh Trình bị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật, cha anh cũng bị xem là đồng phạm, quá trình điều tra ông đã uất ức treo cổ tự vẫn.
Xử sơ thẩm ngày 10-9, dù khẳng định việc bắt người phạm tội quả tang là đúng, TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre) vẫn tuyên phạt bị cáo Trình sáu tháng cải tạo không giam giữ về tội giữ người trái pháp luật nên anh Trình kháng cáo vì cho rằng mình vô tội.
9h00. Sau phần công bố cáo trạng, HĐXX bước vào phần thẩm vấn.
Phần xét hỏi, tòa hỏi bị cáo có ý kiến với bản án sơ thẩm không, bị cáo Trình nói mình vô tội. Tòa hỏi khi gặp K. bị cáo làm gì, bị cáo nói bị cáo đè cổ K. và đánh nhẹ mấy cái rồi ôm lại, sau đó đưa K. ra ngoài quán. Sau đó, bị cáo kêu cha là ông Tập đi lấy dây dù dùng để ràng đồ để ở nhà, ông Tập là người trói hai tay K. lại, sau đó ông Tập tiếp tục trói K. vào gốc cây rồi kéo lên kéo xuống mấy cái.
"Bị cáo chỉ có hỏi K. là mày con ai, còn việc trói hai tay và trói K. vào gốc cây, kéo lên kéo xuống là cha bị cáo thực hiện chứ không phải bị cáo", bị cáo Trình nói.
Cũng theo bị cáo, khi ông Luyến trưởng ấp Phú Bình đến thì K. vẫn còn bị trói vì sợ K. bỏ chạy.
Khi ông Hải là công an đến dẫn K. về đến trụ sở ấp rồi mới cởi trói cho K. Bị cáo cũng nói thời điểm xảy ra vụ việc chỉ thấy thấp thoáng một số người đi tập thể dục chứ không nhìn rõ là ai, sau này khi làm việc với công an mới biết là ai.
Tòa: Bị cáo giữ bị hại bao lâu? 
Bị cáo: khoảng 10 phút.
Tòa: Thời gian 10 phút vậy đủ để làm kịp không?
Bị cáo: Được. Lúc đó bị cáo chỉ lo bắt trộm, chỉ nhớ khoảng 10 phút thôi chứ lúc đó đâu có đi lấy đồng hồ ra coi đâu mà biết chính xác mấy giờ. Lúc đó có điện số khuyến mãi cho ông Luyến 2,3 lần nhưng không được. sau đó bị cáo nhớ lại có số chính của ông Luyến nên gọi số này. Bị cáo không biết số của mấy anh công an nên không thể goi. Điện cho ông Luyến lần sau ông Luyến đến liền.
Tòa: Sao lúc gọi số khuyến mãi không được bị cáo không nghĩ đến gọi số chính mà đợi lúc sau mới gọi?
Bị cáo: Lúc đó bắt trộm rối nghĩ số nào gọi số đó thôi chứ sao nhớ nổi
Tòa: Sao bắt xong lại trói đánh, kéo lên cây?
Bị cáo: Bắt trộm mà không trói nó trốn đi mất sao. Còn đánh là do K. không biết bao nhiêu tuổi nhưng lớn con, trong tiệm bị cáo có bán tạp hóa như dao kéo, lúc đó K. lại vùng vẫy, quơ tay quơ chân dữ quá nên mới khống chế K. lại. Còn việc K. bị kéo lên kéo xuống là cha bị cáo làm. Bản thân bị cáo bắt trộm quả tang nên không có tội. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo tội giữ người trái pháp luật, nhưng bị cáo có lên mạng xem và thấy pháp luật hiện tại quy định bắt trộm phải giao ngay, bị cáo bắt xong chỉ trói khoảng 10 phút rồi giao ngay là đúng.
Tòa: Công an có ép cung không?
Bị cáo: Mấy anh công an có nói khai đại đi, mấy ảnh nói thời gian bao lâu thì tôi khai vậy thôi.
Tòa: Yêu cầu bị cáo hôm nay thế nào? 
Bị cáo: Bị cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm, điều tra lại vì bị cáo vô tội.
10h20.Tòa mời ông B thẩm vấn, cha của K (người bị bắt trói, hôm nay K vắng mặt).
Tòa: Ông biết về vụ này thế nào?. 
Ông B: Lúc đó tôi không có nhà, vợ tôi chứng kiến nên tôi chỉ nghe lại thôi, nên diễn biến vụ việc tôi không nắm rõ.
10h30. Tòa mời nhân chứng thẩm vấn. Nhân chứng thì có người thấy, người không. Tại phiên tòa, nhiều người dân địa phương quá trình chạy thể dục buổi sáng cũng tham gia làm nhân chứng.
Bà Lan (người làm chứng): Lúc đó tôi thấy chú Trình nắm sợi dây kéo lên kéo xuống. 
Bà Linh (nhân chứng): Chú Trình nắm kéo lên kéo xuống bị hại K. la quá trời, ông Tập không có kéo. 
Bà Phe (nhân chứng): Lúc tôi lại thấy cậu Trình đang cầm tay của K. chứ đâu có trói gì đâu. 
Ông Đém (nhân chứng): Lúc đó chỉ thấy K. bị trói tay, chân để dưới đất chứ không có treo lên cây, còn Trình thì đứng gần K. giữ K. lại, xong tôi về ngay không thấy gì thêm.
11h00. Đại diện VKS và luật sư tham gia thẩm vấn
VKS: Sao ở gần nhà trưởng ấp mà không đi báo?
Bị cáo: Nếu chạy đi rồi ai giữ tên trộm, bị cáo có gọi ông Luyến nhưng không được.
Luật sư báo chữa cho bị cáo cho rằng cần làm rõ cụ thể thời gian bắt trộm vì các nhân chứng khai không thống nhất nhau. Quá trình điều tra cơ quan điều tra cũng không cho tiến hành đối chất giữa bị cáo, bị hại với người làm chứng.
11h30. Quan điểm VKS: Chứng cứ không có gì khác biệt so với phiên tòa sơ thẩm. Tòa sơ thẩm xử bị cáo tội giữ người trái phap luật là đúng người đúng tội. Kháng cáo của bị cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm điều tra bổ sung là không có cơ sở xem xét. Ngoài ra, kháng cáo kêu oan của bị cáo cũng không có cơ sở xem xét. VKS đề nghị y án sơ thẩm, tuyên bị cáo 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội giữ người trái pháp luật.
Luật sư: Án sơ thẩm vi phạm tố tụng. Thứ nhất là không lập biên bản ghi nhận sự việc ngay, bị trói như thế nào, tư thế gì, dây gì. Đằng này lấy dây khác thay thế là không đúng. Thứ 2, có sự mâu thuẫn về thời gian. Bản án, cáo trạng đều nêu 2 giờ 30 nghe tiếng chó sủa, nghe tiếng chó sủa thôi chứ chưa phải thời gian bắt trộm. Còn bị hại khai 3 giờ 10 đi khỏi nhà.... Nhân chứng là bà Phe khai đi từ nhà lúc 3 giờ, từ nhà cháu bà đến hiện trường cách 3,4 cây số, bản thân bà lớn tuổi, khi đến đó khoảng 4 giờ thì thấy bị cáo chưa trói mà chỉ giữ tay bị hại phía sau. Vậy có căn cứ thấy rằng thời gian bắt giữ trộm là từ 4 giờ đến 4 giờ 30 phút. Các nhân chứng với bị cáo và bị hại đã không được cho đối chất để làm rõ thời gian. Ngoài ra, hiện nay luật chưa hướng dẫn khi bắt trộm phải giải ngay, nhưng “ngay” là trong bao lâu? Luật cũng không quy định rõ dân phải biết nhà cán bộ, trụ sở ấp lực lượng dân phòng chỉ trực lễ tết, hôm đó cũng không ai trực. Hiện trường cách UBND xã hàng chục cây số nên bị cáo cũng không thể dẫn giải đến.
VKS: Cơ quan điều tra đã kết luận không mâu thuẫn nên không cần đối chất. Phần tranh luận của Luật sư đối với các vấn đề nêu trên đã được trả lời tại tòa sơ thẩm nên tại tòa hôm nay không có cơ sở xem xét.
Luật sư: 4 giờ bà Phe tới thấy chưa trói, đi khoảng 10 phút gặp các nhân chứng khác, 4 giờ 20 phút các nhân chứng này thấy có trói, đến 4 giờ 37 phút đã gọi điện báo. Thời gian giữ người vậy có vi phạm pháp luật không?
12h10. HĐXX đang nghị án.
13h00. HĐXX vào tuyên án. Tòa nhận định, xét kháng cáo, dù bị cáo không thừa nhận hành vi, nhưng lời khai tại cơ quan điều tra phù hợp với tình tiết vụ án. Bị cáo đã cố ý giữ bị hại để đánh trói, tra hỏi. Hành vi của bị cáo là trái quy định pháp luật. Kháng cáo của bị cáo là không có cơ sở, cần giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Hoàng Nam

Kinh tế nhà nước còn chủ đạo thì không thể có kinh tế thị trường


Đăng Bởi  - 
Kinh te Nha nuoc chu dao thi khong co nen kinh te thi truong

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: "Nếu chúng ta vẫn cho rằng kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo thì không có được kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có cuộc trao đổi với báo điện tử Một Thế Giớixung quanh chủ để tổng kết lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và dự báo cho năm 2016.
Chưa có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa
Bà có thể đưa ra đánh giá tổng quan về nền kinh tế Việt Nam năm qua?
- Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam có những chuyển động theo hướng bình ổn hơn, phục hồi dần tốc độ tăng trưởng. Các con số thống kê về kinh tế năm qua đều cho thấy sự tăng trưởng cao mà những năm gần đây chưa có được.
Hạ tầng có sự phát triển khá tốt với việc hoàn thành được nhiều dự án giao thông lớn, làm cho bức tranh giao thông Việt Nam có được một dấu ấn. Kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng ổn định, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, trong khi đó tăng trưởng lại được duy trì ở mức độ cao, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực...
Xét về tổng cầu của nền kinh tế, chỉ số tiêu dùng tăng 9,12%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hoạt động của các doanh nghiệp cũng có những chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao.
Xếp hạng về năng lực cạnh tranh và điều kiện kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. Việt Nam cũng tham gia vào hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với thế giới, đánh dấu một bước hội nhập mới và tạo được đà tăng trưởng trong những năm tới. Quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng đã có được những chuyển biến nhất định, dù còn chậm chạp.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn ở một số ngành. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao, số doanh nghiệp đăng ký mới chưa biết bao giờ họ sẽ bắt tay vào hoạt động và tạo được bao nhiêu sản phẩm thực, việc làm thực cho xã hội. Tôi quan tâm không chỉ là số lượng doanh nghiệp thành lập mới mà còn quan tâm đến chất lượng khởi nghiệp của doanh nghiệp.
Hơn nữa, quá trình tái cơ cấu còn dang dở, nợ công cao, đầu tư công tràn lan… cũng là những thách thức lớn.
Bà có nói thành công lớn trong năm qua là việc chúng ta hội nhập sâu hơn với thế giới qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Có ý kiến rằng, quá trình hội nhập được cho là cơ hội để chúng ta bớt lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
- Quá trình hội nhập cũng là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh lại các mối quan hệ với các nền kinh tế khác trên thế giới. Trung Quốc là một thị trường lớn mà tất cả các nước đều hướng tới. Việt Nam ở bên cạnh thì không thể nói thoát Trung một cách thuần túy mà Việt Nam cần phải cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đặt nó trong mối quan hệ cùng có lợi, bình đẳng hơn.
Việt Nam không thể để rơi vào sự lệ thuộc với kinh tế Trung Quốc, vì đã lệ thuộc thì không thể có được sự bình đẳng, không thể cùng có lợi cho cả 2 bên. Bên bị lệ thuộc sẽ là bên thua thiệt. Ví dụ như ở Việt Nam, 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay Trung Quốc, điều này là không hợp lý.
Việt Nam tham gia các FTA cũng là cơ hội để có thể cân bằng lại các mối quan hệ với các quốc gia khác. Từ đó, tạo cơ hội cho Việt Nam có vị thế khác trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, tránh được sự lệ thuộc sâu hơn về kinh tế. Việt Nam cũng có nhiều sức ép, động lực để cải cách thể chế kinh tế trong nước, đưa Việt Nam đi sâu hơn vào kinh tế thị trường đầy đủ.
Liệu hội nhập có tạo ra được sức ép, động lực để chúng ta có được một nền kinh tế thị trường thực sự, được các quốc gia phát triển công nhận hay không?
- Ở đây không chỉ so với 5 tiêu chí mà Mỹ nêu ra hoặc 6 tiêu chí mà như EU đưa ra mà ngay cả ở trong nước, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng mình chưa có được một nền kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa. Hội nhập này giúp cho Việt Nam có được cái chuẩn của nền kinh tế thị trường theo những cam kết chung và theo đó mà thực hiện.
Không thể có chuyện mình cứ cải cách được một chút rồi nói tiến thêm một bước đến kinh tế thị trường mà không biết bước đó dài hay ngắn,  còn cần bao nhiêu bước nữa mới đến được mục tiêu kinh tế thị trường. Nếu chúng ta vẫn cho rằng kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo thì không có được kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa.
Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng cần phải hiểu khác, không thể giữ tư duy kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ điều tiết, phân bổ nguồn lực thay vì can thiệp quá sâu vào thị trường như hiện nay.
Lâu nay chúng ta cũng đặt ra mục tiêu cải cách cho mình rồi, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 cũng đưa ra 3 đột phá chiến lược cho Việt Nam, trong đó thể chế là ưu tiên số 1 nhưng cũng làm chưa đến đâu. Trong nước chưa đủ động lực, chưa đủ sức ép để mà làm cải cách thể chế. Chúng ta có cải cách trong một thời gian khá dài nhưng vẫn chưa có thể chế kinh tế thị trường đầy đủ.
Những cam kết trong hội nhập lần này đều rất mạnh mẽ và có sự giám sát đầy đủ, nhất là với TPP. Do đó, chúng ta không thể cứ làm theo cách mà Việt Nam vẫn làm lâu nay, nhấn mạnh quá nhiều vào đặc thù của mình mà cho phép mình phát triển kinh tế một cách không giống ai. Hội nhập cũng tạo được nhiều động lực mới để Việt Nam phát triển kinh tế của mình.
Độc quyền làm trì trệ nền kinh tế
Kinh tế Việt Nam có nhiều động lực phát triển nhưng vẫn không ít vướng mắc, vướng mắc lớn nhất có lẽ là độc quyền kinh tế bởi nó làm trì trệ nền kinh tế. Bà nghĩ sao về điều này?
- Rõ ràng là thế! Ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều chống độc quyền trong kinh tế chứ không phải chỉ Việt Nam. Ở Việt Nam tình hình độc quyền kinh tế phổ biến hơn bởi vì nó lớn quá, nhiều quá.
Độc quyền nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay quá lớn, nhất là so sánh về việc sử dụng nguồn lực của các DNNN. Hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 800 DNNN nhưng vẫn sử dụng tới khoảng 50% tổng nguồn lực của quốc gia. Mức sử dụng đó là quá lớn, tạo thêm cho họ thế độc quyền trong sử dụng cũng như vận hành và cung cấp sản phẩm.
Dó đó, xã hội và doanh nghiệp không có sự lựa chọn mà vẫn phải dùng những sản phẩm của họ với giá thành cao, chất lượng không tương ứng. Những gánh nặng về thua lỗ, nợ nần do quản trị kém của họ thì cả xã hội lại phải gánh nợ.
Độc quyền ở Việt Nam còn gây ra rất nhiều hệ lụy khác như tham nhũng, lãng phí và sự quản lý yếu kém. Nếu Nhà nước mà quản trị trong một môi trường cạnh tranh nhiều hơn, bình đẳng hơn thì buộc họ phải có công cụ, chính sách tốt để quản trị.
Những người làm công tác lãnh đạo các DNNN cũng phải trăn trở hơn, có phương pháp điều hành tốt hơn chứ không chỉ dựa vào ưu đãi để hoạt động thua lỗ. Độc quyền cũng liên quan nhiều đến việc đầu tư công tràn lan và kém hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nợ công tăng cao như hiện nay.
Chúng ta cũng đã nhìn nhận được vấn đề này và đã bắt tay thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu vẫn chưa được như kì vọng. Bà có bình luận gì về điều này?
- Tái cơ cấu kinh tế đã có nhiều đề án, chính sách đưa ra và trong các đề án đó cũng nêu khá đầy đủ những điều cần phải làm. Tuy nhiên, cái thiếu vắng, nút thắt lớn nhất có lẽ là quyết tâm chính trị. Để thực hiện công cuộc tái cơ cấu phải xuất phát từ tư duy đổi mới thực sự của Nhà nước.
Tái cơ cấu chủ yếu nằm trong khu vực công, gồm cả DNNN, đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, bản thân khu vực công tự tái cơ cấu mình mà vẫn giữ tư duy kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì sẽ không thể nào có hành động mạnh mẽ được.
Nhà nước đưa ra chủ trương, đề án nhưng quyết tâm chính trị lại chưa có đầy đủ. Ngay như Quốc hội, phải là cơ quan có vai trò rất lớn trong việc tái cơ cấu đầu tư công nhưng ở các diễn đàn Quốc hội cũng vẫn thấy nhân nhượng cho nhau rất nhiều ở việc phân bổ ngân sách, quyết định các dự án đầu tư lớn, giám sát chi tiêu thường xuyên… Như vậy sẽ không có được tái cơ cấu tốt.
Rất tiếc là đề án tái cơ cấu đặt ra thì hay nhưng việc thực hiện lại èo uột và không đáp ứng được kỳ vọng của nền kinh tế cũng như mong đợi của xã hội.
Bà có nghĩ chúng ta nên quy định về trách nhiệm cá nhân chứ tình hình hiện nay, rất ít người phải chịu trách nhiệm về sự điều hành của mình?
- Điều đó là cần thiết bởi cái khó quy trách nhiệm ở Việt nam là ở trách nhiệm tập thể, quyết định tập thể. Khi không có một quyết định làm rõ cá nhân nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình, từng khâu 1 thì rất khó có thể quy kết trách nhiệm về ai. 
Nhiều lắm thì mấy ôngbộ trưởng chỉ xin lỗi ở diễn đàn Quốc hội là cùng. Các lời hứa của bộ trưởng qua năm này, năm khác cũng không thực hiện được nhiều. Quốc hội phải có quyền “không tín nhiệm” chứ không thể chỉ “tín nhiệm thấp” như hiện nay.
Bà có dự đoán gì về kinh tế 2016? 
- Rất khó để nói kinh tế năm tới ra sao. Chúng ta cũng có những lạc quan nhất định như nhiều người đang có dự đoán về kinh tế 2016 dựa vào đà của năm 2015. Tuy nhiên, 2016 vừa chứa đựng nhiều cơ hội và cũng có không ít thách thức.
Về bình diện kinh tế toàn cầu, thế giới đang có thêm những biến động khiến chúng ta cảm thấy lo lắng nhiều hơn là lạc quan. Đó là nạn khủng bố, di cư ở châu Âu khiến nhiều hoạt động kinh tế bị giới hạn. Rồi vấn đề giá dầu thấp, mặt lợi là giảm đầu vào cho nền kinh tế, tuy nhiên, ở Việt Nam, việc giảm sức ép về đầu vào chưa nhiều, chi phí đầu vào vẫn cao trong khi tác hại về giá dầu thì đã thấy rõ. Nông nghiệp cũng đang khó khăn, người nông dân thua thiệt trong cuộc chơi chung.
Sự biến động của đồng tiền cũng như đồng đô la Mỹ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến chúng ta trong thời gian tới. Cơ hội từ hội nhập cũng rất nhiều nhưng liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội đó hay không mới là vấn đề. Có thị trường xuất khẩu lớn những các thị trường kia đều có yêu cầu lớn về chất lượng, thương hiệu chứ không chỉ đơn giản là chúng ta có nhiều hàng, có giả rẻ là chúng ta cạnh tranh được.
Hoặc việc như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, liệu được bao nhiêu nhà máy vào Việt Nam đem được công nghệ mới vào và chuyển giao công nghệ hay vẫn là công nghệ lạc hậu và gây ra nhiều hệ lụy? Nhất là cơ chế đầu tư ở Việt Nam cũng chưa được thay đổi theo hướng trọng chất lượng thay vì số lượng dự án đầu tư.
Những năm tới, cần phải rốt ráo hơn nữa quá trình tái cơ cấu về doanh nghiệp Nhà nước, đặt doanh nghiệp Nhà nước vào kỉ luật thị trường. Cải cách đầu tư công, nâng cao tính minh bạch, giải trình, cải thiện môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp…
Trí Lâm thực hiện

Hải Phòng yêu cầu các cơ quan không sử dụng máy tính Lenovo


Một công văn của Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng từ tháng 12/2015 yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc không dùng máy tính Lenovo do nước ngoài sản xuất.
hai-phong-yeu-cau-cac-co-quan-khong-su-dung-may-tinh-lenovo
Công văn 557 của Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước thành phố Hải Phòng. 
Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước thành phố Hải Phòng vừa phát đi Công văn số 557 yêu cầu các cơ quan đơn vị trực thuộc dừng ngay việc sử dụng máy tính của hãng Lenovo vì lý do an toàn, an ninh mạng... sau khi Bộ Công an thông báo về việc hãng máy tính này cài phần mềm điều khiển trên máy tính sử dụng hệ điều hành Windows trước khi xuất xưởng.
Nội dung công văn nêu: "Từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015, một số dòng máy tính của hãng Lenovo cài đặt sẵn phần mềm có tên 'Lenovo Service Engine' (viết tắt là LSE) vào BIOS trên bo mạch chính của máy trước khi xuất xưởng. Trong lần đầu tiên kết nối Internet, LSE sẽ tự động tải về máy tính phần mềm khác có tên 'Onkey Optimizer'. Do LSE được tích hợp vào BIOS nên khi người sử dụng máy tính cài đặt lại hệ điều hành hoặc định dạng lại ổ cứng thì trong lần khởi động đầu tiên, hệ điều hành cũng sẽ tự động tìm lại phần mềm đó trong BIOS để thực thi…
Quá trình khởi động tiếp theo, LenovoCheck.exe và LenovoUpdate sẽ tự động kết nối ngay đến máy chủ của Lenovo để gửi lên một số thông tin cơ bản của máy tính, tự động tải các trình điều khiển và phần mềm khác do Lenovo chỉ định…"
LSE hoạt động xuất phát từ một tính năng mới của hệ điều hành Windows xuất hiện từ phiên bản Windows 8 tên là "Windows Platform Binary Table". Tính năng này cho phép các tập tin thực thi có thể được lưu lại tại BIOS và tự động thực thi trong quá trình khởi động máy tính với mục đích là giúp các công ty sản xuất máy tính có thể duy trì các phần mềm quan trọng của hãng cả khi chúng bị cài lại hệ điều hành...
Văn bản cũng cho biết, LSE hội đủ các đặc tính của phần mềm gián điệp với khả năng hoạt động ngầm ngay từ giai đoạn khởi động máy tính và can thiệp sâu vào các tập tin hệ thống mặc định của hệ điều hành Windows.
Qua khảo sát tại một số đơn vị sở ban ngành tại Hải Phòng sáng nay, số lượng ban ngành sử dụng máy Lenovo rất ít. Ví dụ, quận Hồng Bàng, Sở Lao động Thương binh Xã hội và Sở tài chính Hải Phòng đều không sử dụng máy Lenovo. Quận Ngô Quyền có 2 bộ, sau khi nhận được công văn số 557 nói trên đã ngừng sử dụng và ngưng kết nối mạng tới 2 máy này. 
cac-may-tinh-dinh-nghi-van-gian-diep-cua-lenovo-tai-viet-nam
Ảnh: Tuấn Hưng.
Tháng 2/2015, một số chuyên gia bảo mật phát hiện máy tính của hãng Trung Quốc được cài đặt sẵn phần mềm Superfish Visual Discovery. Lenovo cho rằng phần mềm không theo dõi hoạt động của người dùng và giúp họ có trải nghiệm mua sắm tốt hơn trên máy tính. Thực tế, đây là phần mềm độc hại, có thể tự động chèn quảng cáo vào trang web khi sử dụng trình duyệt Chrome và Internet Explorer. Lenovo sau đó đã công bố công cụ hỗ trợ gỡ bỏ phần mềm này.
Sáu tháng sau scandal trên, hãng máy tính Trung Quốc một lần nữa bị phát hiện cài sẵn phần mềm Lenovo Service Engine (LSE) trên thiết bị của người dùng. Các chuyên gia bảo mật cho biết, phần mềm này hoạt động như một phần mềm gián điệp, chạy ngầm và kích hoạt ngay khi máy tính bật lên, tự động tải về nhiều tập tin và rất khó gỡ bỏ khỏi hệ thống. Bên cạnh đó, một nhà nghiên cứu bảo mật độc lập đã phát hiện lỗ hổng có thể tạo điều kiện cho hacker thông qua phần mềm LSE để thực hiện tấn công thiết bị, như tấn công tràn bộ đệm và cố gắng kết nối với máy chủ kiểm định của Lenovo.
LSE được cài đặt sẵn trên các dòng máy tính hiệu Lenovo gồm máy tính xách tay chạy Windows 7, 8 và 8.1, và máy tính để bàn Windows 8 và 8.1. Phần mềm này không được cài đặt trong các dòng có thương hiệu Think (Xem danh sách).
hai-phong-yeu-cau-cac-co-quan-khong-su-dung-may-tinh-lenovo-2
Cách gỡ ứng dụng Lenovo Service Engine.
Đại diện Lenovo Việt Nam cho biết việc LSE tự động gửi một vài dữ liệu hệ thống về máy chủ là "để giúp Lenovo hiểu rõ khách hàng của mình sử dụng sản phẩm ra sao. Những dữ liệu này hoàn toàn không chứa thông tin cá nhân của người dùng, mà bao gồm tên sản phẩm, tên vùng, thông tin cấu hình máy - gồm dung lượng bộ nhớ, mã SKU, model CPU, độ phân giải màn hình, dung lượng ổ cứng, card màn hình, phiên bản hệ điều hành. Những thông tin này được thu thập và gửi về máy chủ chỉ ở lần đầu tiên máy kết nối với Internet".
Trước thông tin hacker có thể khai thác lỗ hổng thông qua LSE, Lenovo đã phát hành bản nâng cấp BIOS để loại bỏ LSE và hiện phần mềm này không còn được cài đặt trên bất cứ máy tính mới nào của Lenovo.
Lenovo cũng soạn một tài liệu bằng tiếng Việt để hướng dẫn người dùng gỡ bỏ phần mềm LSE từ máy tính Lenovo mà họ đang sử dụng, đồng thời lập nhóm Hỗ trợ Kỹ thuật chuyên trách để hỗ trợ cho khách hàng nếu họ không tự mình xử lý vấn đề được.
Giang Chinh - Châu An

3 tháng 1, 2016

Cá chết trắng trên sông Đồng Nai

BTTD: Sông đã chết thì cá sống sao nổi. Người dân Biên Hòa và Sài Gòn đang uống nước sông Đồng Nai sẽ ra sao? Trước năm 1975 nơi đây có câu thơ tha thiết: "Con sông Đồng Nai chảy dài nước trong xanh mát. Con gái Đồng Nai xinh sắn tóc dài".

Anh Lê Văn Khương đang vớt cá chết từ dưới bè đem đi tiêu hủy - Ảnh: Lê Lâm



Anh Lê Văn Khương đang vớt cá chết từ dưới bè đem đi tiêu hủy - Ảnh: Lê Lâm




Hơn một tuần nay, hàng chục hộ dân nuôi cá bè trên sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai, đoạn chảy qua xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) như ngồi trên lửa vì đột nhiên cá chết hàng loạt, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.
Ngày 30.12, trao đổi với PV Thanh Niên, anh Phạm Văn Nhân, một hộ đang nuôi hơn 20 tấn cá các loại như cá mè, trắm cỏ, chép, diêu hồng..., cho biết hơn một tuần nay sáng nào ngủ dậy anh cũng phải cầm vợt đi vớt từng xô cá chết đem đổ bỏ. “Trung bình mỗi ngày khoảng 1 tạ cá các loại chết phải vớt mang đi tiêu hủy. Với giá cá 55.000 đồng/kg, đến nay gia đình tôi thiệt hại gần 100 triệu đồng”, anh Nhân nói.
Tương tự, tại bè của anh Lê Văn Khương, hàng chục tấn cá cũng trong tình trạng thoi thóp, ngộp thở. Những con cá yếu hơn thì chết phơi xác trên mặt nước. Anh Khương cho biết đến nay thiệt hại do cá chết ước tính đã hơn 70 triệu đồng.
Theo các hộ dân nuôi cá, năm nào cũng đến thời điểm cuối năm lại xuất hiện tình trạng nước sông ở đây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt. Các hộ dân cho rằng nguyên nhân có thể là do nước thải từ KCN gây ra. Anh Trần Văn Viết, một hộ dân có cá chết phản ánh: “Mấy hôm trước thấy nước có màu khác lạ, tiếp xúc thì gây ngứa tôi đã sinh nghi rồi. Mấy hôm sau đúng y chang, cá chết hàng loạt. Ngoài hàng tạ cá chết mỗi ngày, một số lồng cá có dấu hiệu thoi thóp khiến tôi phải bán đổ, bán tháo. Thiệt hại sơ bộ cũng hơn 50 triệu đồng. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu, can thiệp giúp dân, nếu không, với tình trạng này thì vốn liếng, tài sản của người dân có nguy cơ tiêu tan”.
Trả lời PV Thanh Niên chiều 30.12, ông Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, cho biết hiện xã có tổng cộng 241 hộ nuôi cá bè trên sông Cái. “Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng cá chết bất thường, ngày 28.12 xã đã xuống kiểm tra đồng thời thông báo cho Chi cục nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT Đồng Nai) đến lấy mẫu xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân. Qua kiểm tra nhanh cho thấy lượng ô xy trong nước không đạt, về số lượng, thiệt hại cụ thể thì địa phương chưa thống kê được”, ông Hòa nói.
Đại diện Chi cục nuôi trồng thủy sản Đồng Nai cho biết cá chết có thể do thời điểm này nước sông Đồng Nai đang cạn, lưu lượng nước ít, dòng chảy thấp nên lượng ô xy giảm, trong khi đó các hộ nuôi cá mật độ lại quá dày khiến cá bị ngộp. Ngoài ra do thời tiết thay đổi, lượng thức ăn thừa tích tụ lâu ngày dưới đáy khiến mầm bệnh phát sinh.
Lê Lâm

‘Nhà nước và doanh nghiệp phải ép lẫn nhau’


Theo ông Nguyễn Xuân Thành

 03/01/2016
[143805]21511_NguyenXuanThanh
TS Nguyễn Xuân Thành.
TTTG.VN – Quan hệ Nhà nước và doanh nghiệp là quan hệ hai chiều. Quan hệ ấy chỉ thực sự lành mạnh nếu theo hướng hai bên ép lẫn nhau.
Những nút thắt trong quản lý điều hành của Nhà nước như bảo hộ, ưu đãi tín dụng, ưu đãi đất đai… thì doanh nghiệp phải phản ánh mạnh mẽ. Ngược lại, Nhà nước cũng phải ép lại doanh nghiệp để doanh nghiệp tập trung kinh doanh, không phải dành nhiều thời gian và chi phí để… lobby.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright chia sẻ như vậy với TGTT trong cuộc trò chuyện về bức tranh kinh tế 2016.
– Số liệu kinh tế 2015 vừa công bố cho thấy có sự cải thiện đáng kể về tăng trưởng, ông có thể mổ xẻ cụ thể hơn về những quan ngại đằng sau con số tăng trưởng ấy?
– Nếu như chỉ nhìn vào số liệu công bố chính thức thấy có sự nhất quán về chỉ số sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhưng cũng có một số quan ngại và dấu hỏi về con số tăng trưởng này.
Thứ nhất vì sao tăng trưởng mà doanh nghiệp vẫn thấy khó khăn? Thứ hai vì sao tăng trưởng mà ngân sách vẫn thấy không có tiền? Và thứ ba tiêu dùng của người dân, tăng trưởng như vậy mà tại sao lạm phát thấp? Thị trường phải nóng lên, chỉ số lạm phát phải cao chứ?
Mọi người quan ngại số doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động ở mức cao, nhưng phải lấy tổng số doanh nghiệp đang kinh doanh trừ đi số doanh nghiệp giải thể, mới thấy con số đó cũng bình thường. Khó khăn của doanh nghiệp thực ra không có gì mâu thuẫn. 6,7% tăng trưởng nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại mức tăng trưởng tốt như 2004 – 2006, như vậy có doanh nghiệp cải thiện hơn so với 2012 – 2014, nhưng trở lại bình thường thì chưa.
Như vậy, khó khăn thực sự của doanh nghiệp vẫn còn. Những yếu kém về cấu trúc của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt trong cơ sở hạ tầng để giải quyết những nút thắt chưa cải thiện, chi phí bỏ ra của doanh nghiệp vẫn còn lớn. Kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng doanh nghiệp chưa tin vào tầm nhìn trung hạn. Đặc biệt trong năm vừa rồi yếu tố căng thẳng về tỷ giá gây lo ngại. Tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu nhờ lãi ở bất động sản, tiêu dùng cá nhân. Còn tín dụng của doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với tốc độ bình quân.
Chúng ta nói rất nhiều cải cách thể chế trong ban hành luật mới có hiệu lực giữa năm 2015. Nhưng không phải cứ ban hành luật mới mà phải thay đổi được luật chơi trên thị trường. Trong văn bản luật thì Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng bộ máy hành chính vận hành vẫn theo cách “hành” doanh nghiệp.
Nhiều khi doanh nghiệp bức xúc kêu lên thì các cấp lãnh đạo nhà nước mới nhảy vào cuộc, khó khăn được giải quyết nhất định, sau lại đâu vào đấy, chứ không vận hành theo cơ chế thị trường một cách tự động.
Tăng trưởng mạnh về sản xuất nhờ sản xuất công nghiệp, không phải từ gia tăng đầu tư sản xuất kinh doanh. Tác động từ nguyên liệu giảm nhờ giá thế giới giảm có tác động tích cực cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là giá dầu giảm. Doanh nghiệp được hỗ trợ bởi tiêu dùng nội địa. Niềm tin người tiêu dùng được cải thiện đáng kể qua những thống kê độc lập…
Từ đó thấy hai quan ngại tiếp theo được giải thích. Tăng trưởng nhưng ngân sách vẫn căng thẳng. Do Nhà nước vẫn đang mở rộng tài khoá, chấp nhận thâm hụt ngân sách khoảng 5% GDP, giải quyết bằng vay nợ, cả tăng chi lẫn tăng đầu tư. Trong khi phần thu thấy rõ nhất là giảm thu dầu thô, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm, thu từ các loại thuế xuất nhập khẩu cũng giảm.
Nhưng cũng có cái may là thu thuế giá trị gia tăng tăng mạnh, nên vẫn giữ cho giá trị tuyệt đối của ngân sách tăng. Nhìn vào chính sách điều hành vĩ mô, từ nay đến năm 2020 không thấy hướng đi khả thi để giảm chi, nên vẫn thấy thâm hụt, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ công vượt ngưỡng an toàn 60% GDP.
Thứ ba, tăng trưởng nhanh nhưng trong bối cảnh lạm phát thấp do chi phí giá cả thị trường thế giới thấp nên tăng trưởng tín dụng 2015 không kéo theo lạm phát đi lên, nhờ niềm tin tiêu dùng tăng, thị trường bất động sản ấm lên.
– Sau một loạt nỗ lực về tái cơ cấu, theo ông vì sao vẫn tồn tại những biểu hiện tiêu cực trong cơ cấu kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng, nhiều nghịch lý về giá cả, tiền tệ, bộc lộ điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu?
– Nói là cải cách thể chế để cởi trói cho nền kinh tế, nhưng xử lý những hậu quả trong phát triển không đi vào chất lượng, năng suất, mà dựa vào vay nợ, đầu tư mang tính chi tiêu. Chuyện này đem lại lợi ích cho một bộ phận những người hoạch định, làm chính sách, một bộ phận những doanh nghiệp liên hệ đến người làm chính sách. Nếu thay đổi sẽ làm mất đi lợi ích đó, sẽ có sự cưỡng lại sự thay đổi đó.
Nhìn vào hệ thống thể chế Việt Nam, điểm nổi lên là sự chia cắt theo lĩnh vực cả ngành dọc và ngang một cách có chủ định, để bảo đảm rằng Việt Nam vẫn tăng trưởng, năng lực của cơ quan nhà nước vẫn có thể giải quyết ách tắc, nhưng không đi đến tận cùng, không ai mất đi quyền lợi của mình, không ai phải trả giá.
Ngân hàng, tổ chức tín dụng nào có thua lỗ Nhà nước cũng tìm cách giải quyết bằng cách chia số thua lỗ đó ra cho mọi người dân chịu. Còn người làm ra thua lỗ đó không ai chịu trách nhiệm, cuối cùng không có cách gì để lấp nữa mới xử lý, chứ không xử lý bằng hệ thống pháp lý minh bạch.
Điều đó giúp cho mọi người không cảm nhận được mất mát, nhưng lại đẩy mất mát đó cho tương lai.
– Câu chuyện tăng lãi suất của Hoa Kỳ, tỷ giá đồng nhân dân tệ vẫn treo lơ lửng, sẽ tác động thế nào lên đồng tiền Việt Nam? Sức ép điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn với hệ thống ngân hàng đang đặt ra thách thức lớn nào cho doanh nghiệp?
– Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, điều hành chính sách có hai thái cực, cho đến thời điểm này không Nhà nước nào muốn ở hai thái cực đó. Một là kiểm soát để ổn định nguồn tài chính tín dụng chỉ định cho mục tiêu phát triển kinh tế. Ở thái cực kia thì Nhà nước phải tự do hoá tài chính hoàn toàn, cân bằng thị trường vốn để cung cấp nền kinh tế.
Hai thái cực đó đều tác động xấu cho nền kinh tế. Nếu kiểm soát mạnh thì tạo áp lực chính trị, tính phi hiệu quả rất cao. Nhưng ngược lại tự do hoá tài chính lại gia tăng rủi ro tài chính vĩ mô, khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng nợ.
Việt Nam đã nhìn vào kinh nghiệm quốc tế, muốn có lộ trình tự do hoá tài chính từ từ. Đầu tiên là ban hành luật, nâng cao năng lực của bộ máy. Từ sau khủng hoảng tài chính Đông Nam Á, Việt Nam tự do tài chính theo hướng thúc đẩy thị trường chứng khoán, các tổ chức tài chính như ngân hàng thương mại, khuyến khích mở rộng quy mô. Lãi suất nới lỏng, có thời điểm nới lỏng hoàn toàn, nhiều lúc người ta quên luôn đi luật dân sự.
Điều đó đúng nếu xây dựng khung luật pháp tốt, nâng cao năng lực quản lý bằng các nghị định thông tư ngân hàng, luật chứng khoán, giám sát ngân hàng…. Nhưng khi đi theo hướng đó mình lại bị cuốn theo, nới lỏng kiểm soát các dòng vốn. Nhìn vào những ngân hàng yếu kém buộc phải mua 0 đồng cho thấy họ không tuân thủ luật đã ban hành.
Đáng tiếc là sự không tuân thủ ấy không phải ngân hàng Nhà nước không biết mà là biết nhưng cho qua, vì chưa thấy gây thiệt hại, vẫn thấy khắc phục được nên cho phép hoãn lại, tạo ra văn hoá kinh doanh điều hành vi phạm hay lách cũng được.
Sau một thời gian đầu tư, cho vay mới phát sinh nợ xấu nhiều quá, mà xử lý đúng theo luật lại gây rủi ro cho toàn hệ thống, lại buộc phải xử lý trong tình huống luẩn quẩn. Kiểm soát hoàn toàn, áp chế tài chính, rồi tự do, lại kiểm soát lại, một vòng luẩn quẩn khiến cho những nhóm lợi ích vẫn có cơ hội để hưởng lợi ích đó, đến khi họ gây thiệt hại lớn thì Nhà nước lại cứu, doanh nghiệp lại chịu chung.
– Khu vực kinh tế tư nhân vẫn bị chèn ép, không công bằng, sẽ gây hệ quả thế nào cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp?
– Kinh tế tư nhân thực thụ vẫn bị rào cản để phát triển. Một bộ máy có luật, nhưng lại giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính thì doanh nghiệp nhỏ và vừa không có sự bấu víu. Mọi thủ tục, từ công an phường đến phòng cháy chữa cháy đều bị hành. Doanh nghiệp lớn thì đều phải đầu tư nguồn lực đáng kể về các mối quan hệ để có được những dự án lớn, nếu có khó khăn lại có các gói tín dụng.
Kim Yến thực hiện

Người đẹp bị giam “1706 ngày” kêu oan lên Viện trưởng VKSND Tối cao


 Bạn đọc
 

(PL+) - Bà Lê Thị Thanh Xuân (Sơn Dương - Tuyên Quang) gửi đơn đến Toà soạn Pháp Luật Plus, nhờ chuyển lời kêu oan lên Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

Toà soạn Pháp Luật Plus vừa tiếp nhận đơn kêu oan của bà Lê Thị Thanh Xuân gửi đến với nội dung, nhờ Pháp Luật Plus đăng tải đơn kêu oan gửi đến ông Nguyễn Hoà Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao. Pháp Luật Plus xin đăng tải nguyên văn nội dung lá đơn này:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đơn kêu cứu
<<Lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao>>
Kính gửi: ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tên tôi là: Lê Thị Thanh Xuân. Sinh năm 1975
Hộ khẩu thường trú: Tổ dân phố Đăng Châu – TT. Sơn Dương – Tuyên Quang
Ngày 18/4/2011 tôi bị công an Thành phố Tuyên Quang bắt giam nhưng không có lệnh bắt. Sau rất nhiều phiên tòa xét xử tôi tội cưỡng đoạt tài sản nhưng không có căn cứ. Tòa án Thành phố Tuyên Quang trả hồ sơ rất nhiều lần để điều tra bổ sung.
Sau 853 ngày bị tù giam, ngày 31/8/2013 tôi nhận quyết định tạm đình chỉ vụ án, đến nay sau 853 ngày bị quản thúc tại địa phương vụ án vẫn không được các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang giải quyết minh oan cho tôi. Tôi đã làm đơn tố cáo, kêu oan tới rất nhiều cơ quan trong tỉnh và trung ương nhưng chưa được giải quyết.
Thưa ông! Tôi khẳng định với ông tôi bị oan khi bị bắt giam do công an Thành phố Tuyên Quang cố tình lạm dụng chức vụ bắt tôi để bao che, bỏ lọt tội phạm là người nợ tiền của tôi. Bố tôi là thương bệnh binh chống Mỹ, mẹ tôi là đảng viên, hai em tôi làm trong ngành công an và hai em làm trong quân đội, tôi là người kinh doanh thành đạt, là trụ cột chính trong gia đình.
Chỉ vì thói quan liêu bảo thủ đã bắt là phải có tội của Đội hình sự công an Thành phố Tuyên Quang gây hệ lụy cho gia đình tôi về tinh thần, tôi bây giờ mất nghề, mặc cảm. Tất cả do thói cẩu thả của công an Tuyên Quang và Viện kiểm sát Thành phố Tuyên Quang.
Hôm nay tôi nhờ Tòa soạn báo Pháp Luật Plus chuyển đơn kêu cứu của tôi đến ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời công bố rộng rãi tới các cơ quan ngôn luận được biết để sớm minh oan cho tôi.
Tôi xin trân trọng cám ơn!
Tuyên Quang, 31/12/2015
Người làm đơn
(Đã ký) 
Lê Thị Thanh Xuân
Điện thoại: 0988.247.937
Kính mong ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan liên quan lưu tâm tới việc của tôi.
Người đẹp bị giam giữ “1706 ngày” kêu oan lên Viện trưởng VKSND Tối cao
Đơn Kêu cứu của bị can Lê Thị Thanh Xuân gửi Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình.
Đơn Kêu cứu của bị can Lê Thị Thanh Xuân gửi Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình.
Theo bản cáo trạng năm 2011, VKSND Thành phố Tuyên Quang cho rằng: Lê Thị Thanh Xuân cho Trần Kim Tuyên (ở TP Tuyên Quang) vay hơn 2,9 tỷ đồng. Sau đó, Xuân đòi nợ nhiều lần mà Tuyên không trả.
Tháng 4/2011, Xuân gặp Nguyễn Văn Tuấn qua câu chuyện nhờ Tuấn bán nhà, Xuân có kể về việc cho Tuyên vay nợ và nhờ Tuấn hỏi nợ giúp. Xuân không đi cùng. Tuấn mang theo một khẩu súng đồ chơi (máy lửa) và rủ thêm Toàn và Hoàng Văn Quân đến nhà Tuyên hỏi nợ.
Đến nơi, Tuấn nói thẳng với Tuyên về việc đòi nợ cho Xuân và yêu cầu phải trả. Tuyên tuyên bố không trả nợ và đã chuyển nợ sang cho một người tên Ngọc. Sau lời qua tiếng lại, ông Khoa (chồng bà Tuyên) đòi đuổi nhóm Tuấn ra ngoài. Tuấn giơ tay định túm cổ áo ông Khoa nhưng ông này tránh được.
Tuyên chạy lại xô Tuấn và Quân ra. Ông Khoa hô: "Chúng mày đâu, lên hết đây, trói gông chúng lại để tao báo công an". Tuấn, Toàn, Quân chạy ra ngoài. Tuấn lấy khẩu súng đồ chơi chỉ vào nhà hô: "Tao bắn chết mày". Sau đó Tuấn, bị công an bắt giữ còn Quân bỏ trốn. Cùng đêm đó, Xuân cũng bị công an bắt giữ tại nhà riêng tại huyện Sơn Dương.
Còn bản cáo trạng ngày 07/11/2014, phía VKSND Thành phố Tuyên Quang lại có tình tiết cho rằng: Việc truy tố bị can Xuân vào khoản 2 ở cáo trạng trước lại chuyển sang truy tố Xuân vào khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự. Trong cáo trạng năm 2014, cũng không thấy có tình tiết nào khẳng định cho việc chuyển nợ từ Trần Kim Tuyên sang Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Theo lời bà Xuân, tính đến hết năm 2015, vụ án này đã được đưa ra xét xử đến 12 lần và trong 12 lần đưa vụ án ra xét xử, toà lại tuyên hoãn và trả hồ sơ để làm rõ.
Bị can Lê Thị Thanh Xuân (Người đẹp Tuyên Quang) gửi lời kêu cứu lên Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc và sớm có kết luận vụ án "cưỡng đoạt tài sản".
Tuy nhiên, lý do chính được toà án đưa ra là lời khai tài liệu chứng cứ buộc tội các bị cáo còn nhiều mâu thuẫn, chưa được cơ quan điều tra xác định rõ. Đến nay, bị can Xuân vẫn đang chờ đợi kết luận cuối cùng của vụ án nghiêm trọng này.
Ngày 03/1/2016, trả lời PV Pháp Luật Plus, bà Xuân cho biết: “ Tôi là người bị Công an TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang bắt giam ngày 18/4/2011, nhưng lúc bắt tôi lại không có lệnh bắt giữ. Sau này, khi bị giam cầm trong nhà tạm giam được 3 ngày thì mới có lệnh tạm giam. Công an TP Tuyên Quang còn thu giữ nhiều tài sản của tôi gồm: điện thoại, tiền mặt, thẻ ATM, vàng nữ trang… sau hơn 2 năm trời bị giam cầm và đưa ra xét xử rất nhiều lần. Mới đây nhất, vào ngày 17/6/2015, Toà án TP Tuyên Quang lại có quyết định tạm đình chỉ vụ án lần 2 để điều tra bổ sung”.
Tôi khẳng định rằng, tôi không cưỡng đoạt tài sản của ai nên việc cơ quan tố tụng TP Tuyên Quang đã bắt giam, truy tố tôi là hoàn toàn không đúng pháp luật, việc làm này đã gây nên hệ luỵ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân tôi, đến gia đình và người thân tôi.
Tôi là người bị oan, vì vậy tôi khẩn thiết đề nghị lên ông Nguyễn Hoà Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao và cơ quan liên quan nhanh chóng làm rõ vụ việc để sớm minh oan cho tôi sau 853 ngày bị giam cầm trong trại tạm giam và 853 ngày bị quản thúc tại địa phương (tính đến ngày 03/1/2016).
Được biết, liên quan đến đơn kêu oan của bà Xuân gửi đến cơ quan chức năng, từ năm 2014 đến nay, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã vào cuộc để điều tra làm rõ vụ án. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm này, bị can Xuân cũng như các bị can khác liên quan trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” ngày 18/4/2011 tại Tuyên Quang vẫn đang còn khẩn thiết kêu oan khi cơ quan chức năng liên quan còn bỏ ngỏ kết luận cuối cùng.
5 Thanh niên tại Tuyên Quang cũng đang kêu oan vụ “giết người”
Năm 2015, Cơ quan VKSND Tối cao tại Hà Nội đã vào cuộc thụ lý nội dung đơn kêu oan của 5 thanh niên gồm: Bàn Văn Thái (SN 1974), Bàn Văn Tiếp (1986), Đặng Văn Quang (1984), Đặng Văn Tuyên (1995) cùng trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và Đặng Việt Sơn (1992), trú tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bị Cơ quan điều tra, tố tụng tỉnh Tuyên Quang truy tố tội “giết người” đối với Đăng Văn Cường, trú tại thôn 6, xã Bằng Cốc - Hàm Yên - Tuyên Quang, bị tử vong vào lúc 02 giờ ngày 16/7/2012.
Ngay sau khi vào cuộc điều tra vụ án mạng xẩy ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Yên đã tiến hành việc bắt tạm giam cả 5 thanh niên nói trên, dựa vào một lá đơn tố cáo nặc danh được công dân gửi đến hòm thư tố giác tội phạm của Công an huyện Hàm Yên.
Theo đó, cả 5 thanh niên trên đã bị bắt tạm giam từ tháng 9/2012, đến ngày 11/3/2015 thì được tạm tha tại ngoại, do phía gia đình bị hại (vợ nạn nhân Đặng Văn Cường) có đơn yêu cầu không xem xét hình sự đối với 5 bị can. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình chỉ tạm thời vụ án, thay đổi biện pháp ngăn chặn, thay đổi tội danh truy tố từ vụ án “giết người” thành vụ án “cố ý gây thương tích”.
Đáng chú ý trước đó, trong quá trình thụ lý xét xử vụ án, đã 14 lần 5 bị cáo liên quan đến vụ án “giết người” bị đưa ra xét xử công khai. Tuy nhiên, cả 14 lần các bị cáo đều đồng loạt kêu oan, bởi họ không thực hiện hành vi giết người đối với Đặng Văn Cường.
Cũng tại các phiên toà, các bị cáo đã công khai tố cáo việc họ bị các điều tra viên bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành việc hỏi cung đối với cả 5 người.
Quá trình làm rõ tại các phiên toà, HĐXX đã phải tuyên dời và hoãn phiên xét xử đến 6 lần. Và có đến 8 lần, HĐXX đã tuyên trả lại hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung các tình tiết chưa rõ liên quan đến vụ án.
Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Song Cường - Đức Hiếu