Trang

21 tháng 4, 2015

Càng làm càng lỗ, càng lỗ càng muốn làm?

Đường sắt Việt Nam: Thu 400 tỉ, chi 2.000 tỉ đồng/năm

(LĐ) - Số 90 ĐẶNG TIẾN 
Minh họa của ĐAN

Hiệu quả kinh doanh của ngành đường sắt rất tệ hại. Không thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Cần có ngay những hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đẩy tiến trình xã hội hóa ngành đường sắt. Đó là những vấn đề “nóng” tại cuộc đối thoại ngày 20.4. Thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ từ người đứng đầu Bộ GTVT là quyết liệt đổi mới từ phương thức quản lý đến nguồn nhân lực, nhằm đưa ngành này hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ trong hệ thống giao thông quốc gia.

    Phải sớm xã hội hóa
    Chủ tịch HĐTV TCty Đường sắt Việt Nam (VNR) - ông Trần Ngọc Thành - cho biết: Để thực hiện công tác huy động nguồn lực xã hội vào hợp tác công tư (PPP), cải tạo nhằm nâng cao hiệu quả tối đa trong việc kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư và giao cho VNR quản lý, khai thác, VNR đang kêu gọi đầu tư hệ thống kho chứa, bãi hàng tại các ga đường sắt như đường và thiết bị xếp dỡ, đường lập tàu, nhà kho... Và chỉ được đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho vận tải hàng hoá bằng đường sắt và được thu phí dịch vụ trên cơ sở khung giá nhà nước và được VNR chấp thuận. 
    Hiện nay, tổng thu của ngành đường sắt mỗi năm chỉ khoảng 400 tỉ đồng, nhưng phải chi phí lên đến trên 2.000 tỉ đồng. Do vậy rất cần phải xã hội hoá, chuyển nhượng quyền khai thác một số tuyến đường sắt, nâng cao chất lượng chạy tàu. Để làm được những điều này, trước tiên phải rà soát lại toàn bộ công lệnh tốc độ trên các tuyến đường sắt sao cho hợp lý để rút ngắn thời gian hành trình chạy tàu trên từng tuyến đường.
    Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, muốn đổi mới ngành đường sắt, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan sửa Luật Đường sắt. Theo đó, Bộ GTVT đồng ý chủ trương nhường quyền khai thác cho các DN trên nguyên tắc phải mang lại lợi ích cho Nhà nước, DN và người dân. Trước mắt sẽ chuyển nhượng toàn bộ quyền khai thác tuyến Hà Nội - Lào Cai cho các nhà đầu tư. “Muốn phát triển phải được đầu tư đồng bộ, khó khăn nhất hiện nay là vốn đầu tư lớn, trong khi đó hạ tầng đường sắt được sử dụng hàng trăm năm nay nên việc đầu tư xây dựng mới là rất khó khăn” - ông Đông nhấn mạnh.
    Xã hội hoá đầu tư được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ ngành đường sắt. Ảnh: HẢI NGUYỄN 
    Cần hành lang pháp lý rõ ràng
    Đó là ý kiến của hầu hết các DN tại cuộc đối thoại với Bộ GTVT ngày 20.4 về vấn đề xã hội hóa ngành đường sắt. Ông Trần Tuấn Anh - Cty CP giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL) - cho biết, rất muốn vận tải đường sắt phát triển vì hiện Cty chỉ phát triển vận tải đường sắt 5%, logistics là chuỗi cung ứng giữa đường biển, đường sắt và đường bộ. Nếu đường sắt không phát triển thì khách hàng chỉ đến với đường bộ và sẽ tiếp tục tăng chuyện chở hàng quá tải. Nhà đầu tư luôn kỳ vọng Bộ GTVT gỡ các chính sách để sớm triển khai được việc xã hội hóa vận tải ngành đường sắt để DN có cơ sở phát triển dịch vụ.
    Đại diện Tập đoàn Vingroup - ông Trần Thanh Sơn - mong muốn được đầu tư vào các tuyến đường sắt để phát triển du lịch, nhưng cần phải có những đoàn tàu chất lượng và tiêu chuẩn của Châu Âu, để giảm thời gian chạy tàu xuống còn dưới 5 giờ thì sẽ thu hút hành khách đi tàu. Cùng chung ý kiến này, ông Trần Thế Hùng - Cty CP vận tải đường sắt - cho biết cần phải có sự đầu tư đầu máy theo dạng xã hội hoá, các DN bỏ tiền ra mua đầu máy đơn giản nhưng quan trọng là không có cơ sở vật chất để sửa chữa bảo dưỡng. Ngành đường sắt có sẵn cơ sở vật chất, do vậy nếu xã hội hoá theo hình thức PPP thì sẽ tạo thuận lợi cho các DN. Rất mong Bộ GTVT xem xét những dịch vụ chung nhất, còn những dịch vụ phục vụ khách hàng cần phải xã hội hoá để DN làm tốt hơn hoạt động phục vụ người dân.
    Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa VNR
    Trước hàng loạt vấn đề các DN đưa ra, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cần để nhiều DN tham gia đầu tư mới tránh được độc quyền trong kinh doanh và các DN mới có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tốt nhất. VNR là một DN, do vậy, mọi hoạt động SX-KD phải bình đẳng, không được độc quyền. Cần phải đổi mới từ thể chế, chính sách Nhà nước quản lý để hạn chế thấp nhất cơ chế xin-cho. Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu ngành đường sắt rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật xây dựng ngành đường sắt phát triển.
    Đường sắt là sở hữu toàn dân, các nhà đầu tư chỉ được phép thuê đất và phải sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch. Hiện cung cách quản lý ngành đường sắt chưa cao và các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng để đầu tư khai thác. DN kinh doanh hiệu quả, Nhà nước sẽ thu được thuế cao hơn và tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong lĩnh vực đường sắt nói riêng và đối với các phương thức vận tải nói chung. Cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa VNR đúng lộ trình; xây dựng hoàn chỉnh các đề án, công bố công khai để mời gọi các nhà đầu tư.

    VN vẫn ở đáy

    ‘Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi’: 

    Văn  hoá tăng trưởng của Việt Nam là đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Tăng trưởng kinh tế tuy phục hồi, nhưng vẫn trong vùng đáy của 25 năm qua.
    Phục hồi không bền vững
    Báo cáo đề dẫn về tổng quan nền kinh tế tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm 2015 có chủ đề "Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động" tại TP Vinh, Nghệ An sáng nay, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, nền kinh tế Việt Nam tuy phục hồi, nhưng vẫn trong vùng đáy.
    Mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 1990-2010 là 7,8%. Nhưng kể từ 2009 đến nay, tăng trưởng luôn dưới con số này. Từ năm 2012, tăng trưởng có nhích lên chậm rãi thì GDP 2014 vẫn là 6,8%, chưa đến 7%.
    Trần Đình Thiên, diễn đàn kinh tế mùa Xuân, tăng trưởng, Samsung, FDI, chuyển giá, nợ xấu
    TS Trần Đình Thiên
    "Đáng chú ý, văn hoá tăng trưởng ở Việt Nam là đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Tức là, đầu năm ăn tiêu tiết kiệm, dè xẻn, tăng trưởng chậm, nhưng cuối năm chi tiêu tăng lên, tăng trưởng lại bò lên. Đó là sự tăng trưởng chưa bền vững", TS Thiên bình luận.
    Ông nhấn mạnh, chất lượng phục hồi vẫn còn nhiều điều quan ngại. Đó là nền kinh tế phục hồi trong xu thế gia tăng bất cân xứng cơ cấu, thiên lệch ngoại lực.
    Theo ông, phục hồi của nền kinh tế  năm qua vẫn chỉ là uống thuốc khoẻ, bồi bổ tăng lực mà chưa thực sự chữa bệnh. Cơ bản tăng trưởng vẫn là số lượng mà ít thấy có dịch chuyển đẳng cấp về chất lượng và sức cạnh tranh. Đẳng cấp nền kinh tế vẫn là đẳng cấp thấp, cả công nghiệp, dịch vụ. Các điểm yếu kém cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ còn nguyên.
    Các nền tảng tăng trưởng bền vững vẫn chưa được xác lập vững chắc mà điển hình là cục máu đông nợ xấu chưa giải toả được, nợ công gia tăng nhanh.
    Ông Thiên cho biết, nợ xấu bị xích lại hầu hết, nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường.  Còn dự báo nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách sẽ vượt vạch đỏ, là 25,9%. Nợ công có xu hướng nội địa hoá, dựa nhiều vào trái phiếu Chính phủ thay vì ODA. Đáng chú ý là nguy cơ lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh khốc liệt.
    Nền kinh tế luỵ FDI
    Trở lại câu chuyện phục hồi tăng trưởng, TS Thiên đặt vấn đề.
    Ông cho rằng, khu vực FDI đóng vai trò quan trọng hơn, quyết định khả năng phục hồi của nền kinh tế.
    Dẫn chứng rõ nét nhất là vừa qua FDI vào nhiều, với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như Samsung, Microsoft, Toyota vào Việt Nam đã làm thay đổi sâu sắc cơ cấu chủ thể phát triển của nền kinh tế. Số lượng không nhiều, nhưng vị thế và chất lượng tốt hơn hẳn khu vực nội địa.
    Nhưng câu hỏi đặt ra là, các đại gia FDI đưa gì vào Việt Nam và xu hướng đó có làm thay đổi đẳng cấp công nghệ, đẳng cấp phát triển của Việt Nam như ta mong đợi?
    "Tại sao DN Việt Nam không hội nhập quốc tế được ngay trên đất nước mình, không thể mượn sức mà lớn lên? Chúng ta kéo thế giới vào đây rồi nhưng không hội nhập được. Samsung họp cả nghìn DN nhưng cũng chỉ tuyển được 4-5 DN vào làm hỗ trợ", ông Thiên nhấn mạnh.
    Vị Viện trưởng lo ngại, nếu FDI vẫn dồn dập đổ vào thì sẽ xảy ra hai  xu hướng, một là FDI lấn át các DN nội, hai là nguy cơ khi FDI rời bỏ Việt Nam, chẳng hạn, Samsung rút khỏi Thái Nguyên, Bắc Ninh khi chu kỳ tận thu lợi thế của Việt Nam chấm dứt thì điều gì sẽ xảy ra?
    Ông cho biết, các bạn doanh nghiệp Hàn Quốc đã nói, nếu Việt Nam không cải thiện gì thì 5-7 năm nữa, Samsung cũng phải rời đi, trong khi họ đã chiếm 22% xuất khẩu của Việt Nam.
    Về cơ cấu doanh nghiệp, ông Thiên cho rằng, có xu hướng bất bình thường. Ví dụ, FDI lỗ lớn và chuyển giá, có tới hơn 60% kê khai lỗ kéo dài, nhưng lại là khu vực có tốc độ tăng vốn nhanh nhất, đặc biệt là DN lớn như Pepsi, Metro. Đồng thời, tuy lỗ nhưng FDI tăng trưởng doanh thu và xuất nhập khẩu ngoạn mục nhất, liên tục xuất siêu lớn, chiếm 65-67% kim ngạch.
    Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa đóng cửa ngày càng nhiều. Năm 2010, cả nước có 40.000 DN đóng cửa nhưng đến năm 2014, con số đóng cửa đã lên tới 67.832 DN.
    Dường như, địa phương nào có nhiều FDI lớn là tăng trưởng vọt lên. Chẳng hạn như ở Bắc Ninh, khi có Samsung đầu tư mạnh thì GDP cao, nhưng năm qua, Samsung chuyển sang đầu tư ở Thái Nguyên, FDI ở tỉnh này giảm sút, công nghiệp tăng trưởng âm 4,5% và GDP cả năm 2014 chỉ hơn 0,2%. Thái Nguyên ngược lại, nhờ Tập đoàn này mà có tăng trưởng tới 18,6% và công nghiệp tăng tới 33,4%.
    Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đề nghị, năm 2015, Việt Nam cần tập trung 5 ưu tiên lớn, trong đó tập trung cổ phần hoá DNNN theo thị trường, đẩy mạnh cải cách bộ máy điều hành của Nhà nước như trường hợp ngành thuế vừa qua, chuẩn bị năng lực hội nhập khi việc ký kết các FTA quan trọng đã được dự báo chốt năm 2015, tiếp tục tháo nút thắt nợ xấu, tỷ giá.
    Phạm Huyền

    Tổng thống trấn áp dân biểu tình bị trừng phạt

    ​Ai Cập tuyên ông Morsi 20 năm tù giam

    22/04/2015 06:42 GMT+7
    TTO - Một tòa án Ai Cập ngày 21-4 tuyên án 20 năm tù giam đối với cựu Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi về việc ông đã ra lệnh bắt giữ và tra tấn những người biểu tình trong thời gian cầm quyền.
    Các bị cáo ở trong lồng khi tham dự phiên xét xử - Ảnh: Reuters
    BBC cho biết đây là bản án đầu tiên ông Morsi nhận được kể từ khi bị lật đổ và là một trong số các phiên tòa xét xử mà ông phải đối mặt.
    Ông Morsi bị lật đổ hồi tháng 7 năm 2013 cùng với việc bắt giữ hàng ngàn người ủng hộ ông trong khi phong trào Anh em Hồi giáo bị cấm đoán.
    Ông Morsi và 14 thành viên khác trong phong trào  Anh em Hồi giáo cũng thoát khỏi cáo buộc kích động việc giết hại người biểu tình đòi lật đổ ông trong năm 2012. Nếu tòa cáo buộc ông tội danh này thì ông Morsi có thể đối mặt với án tử hình.
    BBC cho biết tòa cũng tuyên án 20 năm tù giam cho hầu hết các bị cáo khác.
    Nhóm pháp lý của ông Morsi cho biết họ sẽ kháng cáo bản án của tòa án dành cho thân chủ của họ.
    Một nhân vật cấp cao của Anh em Hồi giáo là Amr Darrag gọi phán quyết của tòa án là một "trò hề công lý". "Họ muốn thông qua án tù chung thân cho nền dân chủ Ai Cập" - ông Darrag kết luận.
    Trong khi đó Reuters dẫn lời anh trai của một nạn nhân trong cuộc biểu tình năm 2012 cho biết ông chỉ muốn "bước vào chiếc lồng và moi ruột của ông Morsi ra".
    ANH THƯ

    Một đồng đút lót đổi một đồng lãi

    Thứ ba, 21/4/2015 | 13:02 GMT+7
    Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|Print


    Tình trạng phí bôi trơn, hối lộ gia tăng dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh và trở thành điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, theo các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân.
    Tham luận của chuyên gia kinh tế lão làng Lê Đăng Doanh mang tựa đề “Môi trường đầu tư kinh doanh và tác động của tham nhũng và chi phí phi chính thức” gây chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân khai mạc sáng nay. Ông dẫn hàng loạt số liệu của các tổ chức thế giới cũng như trong nước về xếp hạng môi trường đầu tư cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cho thấy tình trạng tham nhũng, hối lộ sau thời gian lắng xuống đang có chiều hướng gia tăng trở lại.
    Tuần trước, trong lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết gánh nặng phí bôi trơn, đút lót đang cản trở ý định mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
    Dẫn nghiên cứu từ năm 2009-2011, ông cho biết doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận cần phải trả 0,7-1 đồng tiền chi phí không chính thức. Câu chuyện Nhật Bản 2 lần dừng giải ngân ODA, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam cũng được ông mang tới diễn đàn với thái độ chua chát.
    “Ngày 1/4/2015, Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam đã tuyên bố ‘Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng xảy ra với các dự án ODA của Nhật Bản. Nếu có vụ thứ ba tôi nghĩ là nhân dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ Nhật Bản dừng ODA cho Việt Nam. Tuyên bố trên thực sự là một điều đáng báo động, cho thấy phía Nhật Bản đã mất kiên nhẫn đối với tình trạng tham nhũng kéo dài, lặp đi lặp lại ở Việt Nam”, ông nói.
    Theo ông tham nhũng làm chệch hướng động lực của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đút lót, hối lộ ít quan tâm hơn đến đổi mới công nghệ hay sản phẩm, một tác động đặc biệt nghiêm trọng trong môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt và đổi mới khoa học-công nghệ là động lực chính cho phát triển hiện nay. Điều đáng lo ngại, theo ông Doanh, đó là doanh nghiệp đang tham gia vào các hoạt động tham nhũng một cách thản nhiên.
    “Tham nhũng sẽ làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, cạnh tranh không còn phản ánh chính xác hiệu quả của các doanh nghiệp vì doanh nghiệp đút lót nhiều hơn sẽ được nhiều ưu đãi hơn và có thể thành đạt hơn doanh nghiệp có hiệu quả nhưng đút lót ít hơn. Doanh nghiệp lương thiện, không đút lót sẽ bị thiệt thòi nhiều mặt, chán nản vì không thể cạnh tranh”, ông bức xúc. Ông Doanh từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương và từng là cố vấn cao cấp cho chính phủ về lĩnh vực kinh tế.
    doanh-nghiep-2937-1429605049.jpg
    Trong cái nhìn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, môi trường Việt Nam kém hấp dẫn vì tham nhũng và các chi phí không chính thức.
    Tại diễn đàn sáng nay, tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng công bố số liệu từ một cơ quan nghiên cứu cho thấy 73% doanh nghiệp phải lót tay, 43% dân chúng phải lót tay, 33% nhân viên muốn kiếm chức, kiếm vị trí phải lót tay. “Điều này khiến chi phí doanh nghiệp tăng vô lối, lòng tin vốn đã giảm lại càng đi xuống”, ông bình luận.
    Ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng tham gia diễn đàn với bài tham luận về chủ đề môi trường đầu tư Việt Nam qua góc nhìn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Theo ông, các doanh nghiệp FDI đều cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều vì tham nhũng, chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
    “Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào. Song ngạc nhiên hơn cả, đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với hai nước này”, ông nói.
    2 chuyên gia đến từ Trường Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) là tiến sĩ Lê Hồng Nhật và tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng đã lấy ví dụ về câu chuyện Toyota Việt Nam để nhìn thấy tác động khác của tham nhũng hối lộ. Theo các chuyên gia, sự thiếu hỗ trợ của chính quyền, bộ máy hành chính công trong vấn đề cấp giấy phép đầu tư kinh doanh, vấn đề kiểm tra, giám sát và thu thuế doanh nghiệp có thể là một trong số nhiều nguyên nhân khiến hãng ô tô đến từ Nhật Bản không nỗ lực nâng tỷ lệ nội địa hóa.
    “Nếu doanh nghiệp bị chèn ép bởi thủ tục hành chính quá rườm rà và chậm chạp; dễ bị ép giá về các nguồn cung hạ tầng thiết yếu như năng lượng; hoặc dễ bị nhũng nhiễu bởi có quá nhiều đoàn kiểm tra, với các khoản phí, phạt bổ sung, thì nỗ lực đầu tư, tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu của các công ty đa quốc gia như Toyota sẽ bị bào mòn”, hai chuyên gia khuyến cáo.
    Theo 2 ông, môi trường kinh doanh với thể chế tổ chức tồi có xu hướng tăng nhũng nhiễu từ phía cơ quan chức năng, tăng các khoản phí, phạt, và tăng các sắc thuế sẽ làm tăng việc trốn thuế, hoặc hối lộ để tránh nộp thuế, hay để lách luật.
    “Có một quy luật chung là, môi trường thể chế tổ chức càng tồi, thì doanh nghiêp càng dễ chịu rủi ro vì nạn tham nhũng. Và việc phải chi cho hối lộ, tham nhũng, làm giảm ý định đầu tư của doanh nghiệp. Tham nhũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm tăng chí phí sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh của các nền kinh tế thuộc Liên xô cũ sau cải cách”, hai chuyên gia phân tích.
    Một nghiên cứu mới đây của VCCI cho thấy, nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn và do đó nếu các doanh nghiệp giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức, thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm. Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng (tần suất tham nhũng được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp thừa nhận có chi trả các khoản không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%. Nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%.
    “Có thể dự báo rằng nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện một cách cơ bản. Tác động gián tiếp của tham nhũng đối với tăng trưởng kinh tế thông qua kênh đầu tư mạnh hơn tác động trực tiếp rất nhiều. Tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư, do đó cản trở sự phát triển”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cảnh báo.
    tran-dinh-thien-0-5908-1429594057.jpg
    PGS. TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi về thành tích giảm 300 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp trong năm qua. Ảnh: Phương Linh
    Là người báo cáo đề dẫn quen thuộc tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Trần Đình Thiên tiếp tục chia sẻ nhận định cho rằng tăng trưởng hiện nay chưa thực sự bền vững, khi đầu năm thường tăng rất thấp, rồi lại vọt lên vào cuối năm, tương tự như cảnh "đầu năm mua muối cuối năm mua vôi". Một trong những lý do được chuyên gia này đưa ra là do có quá nhiều ngày nghỉ lễ tập trung vào dịp đầu năm.
    "Nếu tiếp tục nghỉ quá nhiều, hạnh phúc theo kiểu riêng của dân tộc sẽ rất xung đột với quá trình hội nhập", PGS. TS Trần Đình Thiên nhận xét.
    Đánh giá về tình hình hiện tại, chuyên gia này nhận xét kinh tế Việt Nam đã phục hồi, song chưa qua được vùng đáy. Do vậy, ông kiến nghị cần có đánh giá đúng về chất lượng tăng trưởng, khi "cơ thể còn ốm yếu, nhiều căn bệnh còn chưa chữa được".
    Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu nhắc lại việc GDP quý I/2015 tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 4 năm. Với tiền đề này, Ủy ban Giám sát tài chính mới đây đánh giá kinh tế năm nay có thể tăng 6,5% . ANZ cũng dự báo trưởng có thể vượt 6,5%. Theo ông Giàu, những báo cáo này cho thấy tương lai rất lạc quan nhưng cần phải chỉ rõ mô hình để thấy rằng các tính toán này có khoa học và khả thi.
    Trong khi đó, theo các chuyên gia, hiện nền kinh tế còn rất nhiều điểm nghẽn không giải quyết được, hoặc ngược lại, được giải quyết một cách bất ngờ. "Cả giai đoạn 2010-2014, Việt Nam giảm được 70 giờ nộp thuế. Để làm được đã có biết bao nhiêu chiến sĩ thi đua. Nhưng chỉ riêng mấy tháng trong năm 2014 đã giảm gần 300 giờ thì không hiểu có phép màu nào kỳ diệu vậy?", ông Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.
    Cho rằng đây dường như là câu chuyện bí ẩn, ông Thiên đề xuất các chuyên gia cần phải mổ xẻ kỹ lưỡng. "Có một nguyên lý ngược là càng không làm thì thu nhập càng cao, càng dồn cho doanh nghiệp vào chân tường thì bộ máy sống càng khỏe", vị này nói thêm.
    Huyền Thư

    Giáo viên gồng mình dạy gian dối


    - Từ đúc rút sau nhiều năm đứng lớp, nhà giáo Hương Giang đã có góc nhìn khác từ việc “nhà trường chạy đua” “giáo viên chạy đua”…tìm kiếm danh hiệu. Dù góc khuất bài báo đề cập chưa phản ánh diện rộng nhưng cũng là thực tế đáng suy ngẫm. 
    Các cuộc thi được tổ chức cho học sinh ở cấp tiểu học, phần lớn do thầy cô giáo làm và mang tên học sinh. Bạn không tin ư? Nhưng rất tiếc đó lại là sự thật.
    Trước đây, còn thi violympic Toán, tiếng Anh, để hỗ trợ học sinh qua các vòng thi có điều kiện dự thi cấp thị, cấp tỉnh…giáo viên thường giúp các em giải qua vòng. Ở các trường chuẩn Quốc gia, bắt buộc phải có học sinh đạt giải trong các phong trào mũi nhọn. Số lượng học sinh đạt giải càng nhiều, vị thế của thầy cô, tiếng tăm của nhà trường càng lớn. Vì thế, các giáo viên càng phải quyết tâm trong cuộc “chạy đua” tìm kiếm danh hiệu cho các em.
      giáo viên, học sinh, Hương Giang, dạy học, gian dối
    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
    Năm học này, một số cuộc thi kiến thức đã bỏ. Thầy cô như trút được gánh nặng “thi hộ” trên vai.
    Nhưng gần đây nhất lại rầm rộ phát động cuộc thi Giao thông thông minh trên mạng. Với 30 câu hỏi về luật giao thông, mức xử phạt, các tình huống ứng xử giao thông đưa ra. Nhiều giáo viên vào giải cũng trầy trật mãi mới qua vòng nói gì đến học sinh đang ở độ tuổi 7,8?
    Có trường phát động cả học sinh lớp 2, 3…tham dự. Giáo viên về lớp chọn và lập danh sách học sinh dự thi, khuyến khích các em về nhà giải. Nhưng nhiều em không thể giải qua vòng vì quá khó. Ở trường, do không có thời gian, máy móc hạn chế, khó khăn cho việc hướng dẫn, giúp đỡ để các em làm bài. Phần lớn thầy cô về nhà giải giúp, tới vòng dự thi, các em sẽ đàng hoàng bước vào phòng dự thi một cách bình thường.
    Thi hộ học sinh về kiến thức Toán học, Anh văn, Giao thông thông minh coi bộ còn khỏe hơn nhiều việc làm mô hình tham dự “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng” do trường, phòng giáo dục và tỉnh tổ chức.
    Nói là của thanh thiếu niên nhưng thực chất đây là cuộc đua của phụ huynh và thầy cô giáo ở các lớp.
    Ngay từ đầu năm học, giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp 4, 5 lại lo lắng cuối năm phải “vắt óc” tìm đề tài để lớp mình tham gia “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng” tổ chức từ cấp trường, cấp thị và cấp tỉnh. Để có sản phẩm tham dự cấp thị, ở mỗi trường, thường quy định học sinh từ khối 4, 5 mỗi lớp phải dự thi ít nhất 2 đồ dùng.
    Vì đã là chỉ tiêu các lớp không thể không thực hiện. Giáo viên phát động, triển khai trước lớp nhưng thời gian trôi qua cũng không thấy động tĩnh.
    Có lớp may mắn hơn được phụ huynh nhiệt tình họ làm giúp thì thầy cô giáo khỏe. Lớp nào học sinh không biết làm, sợ không có cái để nộp dự thi, thầy cô đành tự mình mày mò làm hoặc thuê người làm hộ. Xong xuôi, thầy cô viết lời thuyết minh và giao cho vài nhóm đứng tên, học thuộc để các em lên thuyết trình dự thi.
    Năm nào tổng kết cuộc thi các cấp cũng được báo cáo là thành công vì chỉ bằng những vật liệu phế phẩm, đơn giản, nhiều sản phẩm thể hiện tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao. Nhiều mô hình, giải pháp gắn với cuộc sống, thân thiện với môi trường như súng nhặt rác dũng cảm, hệ thống tưới cây cảnh tự nhiên đã ra đời…Nhưng trong vô số những sản phẩm đoạt giải ấy có mấy cái thật sự do chính các em học sinh suy nghĩ và làm ra?
    Bản chất các cuộc thi không có tội, có chăng là ở cách tổ chức, cách làm của người lớn. Giá đừng có chỉ tiêu, đừng lo thi đua, đừng áp lực nhiều về việc phải có giải…ai thật sự có kiến thức, có lòng đam mê, chính họ sẽ nhiệt tình tham gia mà không cần thầy cô phải gồng mình làm như hiện nay.
    Hương Giang

    20 tháng 4, 2015

    Xuất khẩu lao động sang Lào, Campuchia hưởng lương trên 20 triệu/tháng

    Dân trí Thị trường Lào và Campuchia đang có nhu cầu khá lớn về lao động có chuyên môn cao; sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam với mức thu nhập trung bình từ 15-23 triệu đồng/người/tháng.

    Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thị trường Campuchia, Lào hiện có nhu cầu khá lớn trong lĩnh vực lao động kỹ thuật và quản lý các ngành xây dựng, kỹ sư công trình hay nhân viên ngành tài chính ngân hàng. Ở nhóm công việc này có thể đạt  mức thu nhập trung bình từ 15-23 triệu đồng/người/tháng.

    Cục đánh giá, khả năng thu hút lao động ở các thị trường nhỏ, trong đó có Lào và Campuchia, chiếm 10 - 15% số lượng lao động xuất khẩu hàng năm (khoảng 8.000 - 10.000 người/năm).

    Đây là thị trường tiềm năng đối với ngành  xuất khẩu lao động (XKLĐ) nước ta và cũng đang được đánh giá là điểm đến của lao động trình độ cao, cạnh tranh ở các ngành thế mạnh của Việt Nam như: kỹ sư nông nghiệp, hóa chất, dược liệu…

    Ngoài ra, cũng trong năm năm 2012, ngành XKLĐ đang tiếp tục mở thêm một số thị trường mới ở châu Âu như Slovakia, Bungaria, Rumania, Ba Lan... là những nơi cần lao động có nghề. Đây được xem là hướng tiếp cận mới, làm đa dạng thị trường xuất khẩu lao động, thay vì chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như trước.

    Theo báo cáo, hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng đã tìm hiểu và ký kết hợp đồng để đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hoa Kỳ và Canada nhưng do một số khó khăn như yêu cầu chất lượng lao động (ngoại ngữ, tay nghề...) và khâu thủ tục xin visa, nên mới có một số doanh nghiệp đưa được lao động sang các thị trường này.

    Cơ quan quản lý cũng khẳng định, một số thị trường khác cũng đang có nhu cầu lớn về đội ngũ chuyên gia. Cụ thể, cần 80 chuyên gia giáo dục làm việc tại các cơ sở đào tạo của Angola, 200 chuyên gia y tế làm việc tại Algeria, Mozambique và Angola, 65 chuyên gia nông nghiệp làm việc tại một số quốc gia châu Phi trong khuôn khổ hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - FAO và các nước này…

    Cơ hội không ít, nhưng cơ quan chức năng cũng thừa nhận, lao động chất lượng cao vẫn còn là thách thức đối với ngành xuất khẩu lao động nước ta.

    P. Thanh

    Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: lợi chưa thấy, dân đang chịu thiệt hại

    Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn thêm 318 triệu USD: Thiệt hại chưa có điểm dừng

    (LĐ) - Số 89 NHÓM PV 
    Sau nhiều năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thành. Ảnh: KỲ ANH

    Việc chậm trễ thi công đẩy giá đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ khoảng 550 triệu USD lên tới 868,06 triệu USD, gây thiệt thòi lớn cho phía chủ đầu tư. Chưa hết, sau những sự cố về tai nạn, khả năng kéo dài thời gian dự án là điều khó tránh khỏi. Điều này sẽ càng làm cho vốn đầu tư bị “đội” lên thêm mà chưa biết đâu là điểm dừng.

      Tiếp tục yêu cầu thay đổi nhân sự nhà thầu
      Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được giao cho Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư và do nhà thầu Cty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Dự án được khởi công từ ngày 10.10.2011 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014 để đưa vào khai thác sử dụng từ quý II/2015. Tuy nhiên, sau hàng loạt lý do dẫn đến sự chậm trễ, dự án được chuyển sang cuối năm 2015 mới xong và đưa vào chạy thử dịp đầu năm 2016. Mới đây theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, so với hợp đồng ký kết, dự án hiện chậm gần 2 năm và tiến độ điều chỉnh lại phải hoàn thành vào 31.12.2015. Dù có chỉ đạo quyết liệt, nhưng thực tế dự án gặp nhiều khó khăn do năng lực nhà thầu, điều hành của Ban QLDA và giải phóng mặt bằng. Cũng theo Thứ trưởng Trường, dự toán tổng vốn đầu tư của dự án ban đầu là 8.770 tỉ đồng (tương đương 550 triệu USD). Nhưng đến nay, tổng đầu tư dự kiến giá trị điều chỉnh “đội” lên thành 868,06 triệu USD. Đến nay dự án vẫn bị chậm tiến độ do năng lực của tổng thầu có tính chuyên nghiệp không cao - khi nhiều lần cam kết nhưng đều không thực hiện được. Đại diện Bộ GTVT cho biết, theo dự kiến đến 31.12.2015, dự án phải cơ bản xong phần hạ tầng cơ sở, nhưng vẫn phải lùi mốc hoàn thành sang quý I/2016 vì phụ thuộc vào chế tạo, thiết kế đoàn tàu.
      Còn theo đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng các công trình giao thông (Bộ GTVT), hiện Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát xem tăng ở hạng mục nào và đâu là nguyên nhân để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời yêu cầu Tổng thầu EPC phải thay đổi nhân sự từ tổng giám đốc điều hành tới nhân sự về quản lý liên quan, kỹ thuật, an toàn, chất lượng, nhân viên thiết kế… để dự án không chậm thêm nữa. Đến thời điểm hiện tại, dù công tác nhân sự của tổng thầu cũng được củng cố, tư vấn giám sát có bổ sung thêm đơn vị trong nước (Viện Khoa học - Công nghệ GTVT) và BQL dự án đường sắt đã thay đổi cách điều hành, quản lý dự án... nhưng tiến độ vẫn chậm.
      Vốn còn tăng nếu không cải thiện
      Hy vọng về một công trình giao thông hiện đại bậc nhất Hà Nội chưa thấy đâu, nhưng nóng bức, khói bụi và tai nạn luôn rình rập... là những gì mà người dân sống quanh khu vực thi công dự án phản ánh với PV Báo Lao Động. Nguyên nhân của sự bức xúc nêu trên là bởi do công trình chậm tiến độ, thời gian thi công ỳ ạch, kéo dài. Thực tế, việc thi công tuyến đường sắt này đang gây nhiều khó khăn, trở ngại cho người dân trong sinh hoạt cũng như khi tham gia giao thông bởi một phần diện tích đáng kể lòng đường đang phải nhường cho các hoạt động xây dựng, trong khi mật độ người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này thường xuyên rất đông.
      Người dân phải phó mặc tính mạng khi di chuyển dưới công trình đang thi công vì không còn... đường.  Ảnh: KỲ ANH 
      Chị Nguyễn Thị Hoa (sinh viên Đại học KHXHNV) cho biết: “Mỗi lần ra đường là mình phải trang bị khẩu trang, áo chống nắng và ô nữa. Đường Nguyễn Trãi lúc nào cũng trong tình trạng bụi bặm, nhất là những ngày nóng bức, rất khó chịu”. Anh Nguyễn Trung Hiếu (trú ở Thanh Xuân) cho biết: “Ngoài việc ô nhiễm, khu vực này thường xuyên xảy ra tắc đường, nhất là vào giờ cao điểm. Từ sau 2 vụ TNLĐ trên công trường này, chúng tôi rất sợ khi phải đi dưới đường đang thi công, nhưng vì không còn đường khác nên đành phải phó mặc”. Phần lớn những người dân sống trên khu vực tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi qua đều ngao ngán vì việc thi công chậm chạp. Theo ông Phúc - trú tại số 200 Nguyễn Trãi, việc làm đường kéo dài đến 2 năm ở vị trí này rồi mà vẫn chưa đâu vào đâu, việc thi công trong thời gian dài đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân và thực sự làm mất mỹ quan thành phố.
      Trước đó, TGĐ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) Lê Kim Thành cho biết, tiến độ dự án tiếp tục chậm tiến độ có nguyên nhân do tổng thầu EPC để xảy ra nhiều tồn tại. Nhất là năng lực, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của tổng thầu không cao. Để khắc phục, Ban QLDA yêu cầu từ nay đến 31.12.2015 phải cơ bản xong phần hạ tầng cơ sở. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo hàng tháng, đề ra tiến độ hoàn thành bao nhiêu, giải ngân bao nhiêu và bằng cách đó có khả năng đến cuối năm sẽ cơ bản hoàn thành phần bêtông, sắt thép. Nói về sự chậm trễ nêu trên, một số chuyên gia ngành GTVT cho biết, nếu không đẩy nhanh tiến độ thi công, nguy cơ “đội vốn” vì trượt giá ngoại tệ kéo theo các nguyên vật liệu và thiết bị cũng tăng giá sẽ làm cho dự án tiếp tục bị đội giá lên cao hơn nữa! 

      TIN BÀI LIÊN QUAN