Trang

21 tháng 4, 2015

Một đồng đút lót đổi một đồng lãi

Thứ ba, 21/4/2015 | 13:02 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|Print


Tình trạng phí bôi trơn, hối lộ gia tăng dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh và trở thành điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, theo các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân.
Tham luận của chuyên gia kinh tế lão làng Lê Đăng Doanh mang tựa đề “Môi trường đầu tư kinh doanh và tác động của tham nhũng và chi phí phi chính thức” gây chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân khai mạc sáng nay. Ông dẫn hàng loạt số liệu của các tổ chức thế giới cũng như trong nước về xếp hạng môi trường đầu tư cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cho thấy tình trạng tham nhũng, hối lộ sau thời gian lắng xuống đang có chiều hướng gia tăng trở lại.
Tuần trước, trong lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết gánh nặng phí bôi trơn, đút lót đang cản trở ý định mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dẫn nghiên cứu từ năm 2009-2011, ông cho biết doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận cần phải trả 0,7-1 đồng tiền chi phí không chính thức. Câu chuyện Nhật Bản 2 lần dừng giải ngân ODA, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam cũng được ông mang tới diễn đàn với thái độ chua chát.
“Ngày 1/4/2015, Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam đã tuyên bố ‘Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng xảy ra với các dự án ODA của Nhật Bản. Nếu có vụ thứ ba tôi nghĩ là nhân dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ Nhật Bản dừng ODA cho Việt Nam. Tuyên bố trên thực sự là một điều đáng báo động, cho thấy phía Nhật Bản đã mất kiên nhẫn đối với tình trạng tham nhũng kéo dài, lặp đi lặp lại ở Việt Nam”, ông nói.
Theo ông tham nhũng làm chệch hướng động lực của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đút lót, hối lộ ít quan tâm hơn đến đổi mới công nghệ hay sản phẩm, một tác động đặc biệt nghiêm trọng trong môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt và đổi mới khoa học-công nghệ là động lực chính cho phát triển hiện nay. Điều đáng lo ngại, theo ông Doanh, đó là doanh nghiệp đang tham gia vào các hoạt động tham nhũng một cách thản nhiên.
“Tham nhũng sẽ làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, cạnh tranh không còn phản ánh chính xác hiệu quả của các doanh nghiệp vì doanh nghiệp đút lót nhiều hơn sẽ được nhiều ưu đãi hơn và có thể thành đạt hơn doanh nghiệp có hiệu quả nhưng đút lót ít hơn. Doanh nghiệp lương thiện, không đút lót sẽ bị thiệt thòi nhiều mặt, chán nản vì không thể cạnh tranh”, ông bức xúc. Ông Doanh từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương và từng là cố vấn cao cấp cho chính phủ về lĩnh vực kinh tế.
doanh-nghiep-2937-1429605049.jpg
Trong cái nhìn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, môi trường Việt Nam kém hấp dẫn vì tham nhũng và các chi phí không chính thức.
Tại diễn đàn sáng nay, tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng công bố số liệu từ một cơ quan nghiên cứu cho thấy 73% doanh nghiệp phải lót tay, 43% dân chúng phải lót tay, 33% nhân viên muốn kiếm chức, kiếm vị trí phải lót tay. “Điều này khiến chi phí doanh nghiệp tăng vô lối, lòng tin vốn đã giảm lại càng đi xuống”, ông bình luận.
Ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng tham gia diễn đàn với bài tham luận về chủ đề môi trường đầu tư Việt Nam qua góc nhìn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Theo ông, các doanh nghiệp FDI đều cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều vì tham nhũng, chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
“Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào. Song ngạc nhiên hơn cả, đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với hai nước này”, ông nói.
2 chuyên gia đến từ Trường Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) là tiến sĩ Lê Hồng Nhật và tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng đã lấy ví dụ về câu chuyện Toyota Việt Nam để nhìn thấy tác động khác của tham nhũng hối lộ. Theo các chuyên gia, sự thiếu hỗ trợ của chính quyền, bộ máy hành chính công trong vấn đề cấp giấy phép đầu tư kinh doanh, vấn đề kiểm tra, giám sát và thu thuế doanh nghiệp có thể là một trong số nhiều nguyên nhân khiến hãng ô tô đến từ Nhật Bản không nỗ lực nâng tỷ lệ nội địa hóa.
“Nếu doanh nghiệp bị chèn ép bởi thủ tục hành chính quá rườm rà và chậm chạp; dễ bị ép giá về các nguồn cung hạ tầng thiết yếu như năng lượng; hoặc dễ bị nhũng nhiễu bởi có quá nhiều đoàn kiểm tra, với các khoản phí, phạt bổ sung, thì nỗ lực đầu tư, tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu của các công ty đa quốc gia như Toyota sẽ bị bào mòn”, hai chuyên gia khuyến cáo.
Theo 2 ông, môi trường kinh doanh với thể chế tổ chức tồi có xu hướng tăng nhũng nhiễu từ phía cơ quan chức năng, tăng các khoản phí, phạt, và tăng các sắc thuế sẽ làm tăng việc trốn thuế, hoặc hối lộ để tránh nộp thuế, hay để lách luật.
“Có một quy luật chung là, môi trường thể chế tổ chức càng tồi, thì doanh nghiêp càng dễ chịu rủi ro vì nạn tham nhũng. Và việc phải chi cho hối lộ, tham nhũng, làm giảm ý định đầu tư của doanh nghiệp. Tham nhũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm tăng chí phí sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh của các nền kinh tế thuộc Liên xô cũ sau cải cách”, hai chuyên gia phân tích.
Một nghiên cứu mới đây của VCCI cho thấy, nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn và do đó nếu các doanh nghiệp giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức, thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm. Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng (tần suất tham nhũng được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp thừa nhận có chi trả các khoản không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%. Nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%.
“Có thể dự báo rằng nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện một cách cơ bản. Tác động gián tiếp của tham nhũng đối với tăng trưởng kinh tế thông qua kênh đầu tư mạnh hơn tác động trực tiếp rất nhiều. Tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư, do đó cản trở sự phát triển”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cảnh báo.
tran-dinh-thien-0-5908-1429594057.jpg
PGS. TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi về thành tích giảm 300 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp trong năm qua. Ảnh: Phương Linh
Là người báo cáo đề dẫn quen thuộc tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Trần Đình Thiên tiếp tục chia sẻ nhận định cho rằng tăng trưởng hiện nay chưa thực sự bền vững, khi đầu năm thường tăng rất thấp, rồi lại vọt lên vào cuối năm, tương tự như cảnh "đầu năm mua muối cuối năm mua vôi". Một trong những lý do được chuyên gia này đưa ra là do có quá nhiều ngày nghỉ lễ tập trung vào dịp đầu năm.
"Nếu tiếp tục nghỉ quá nhiều, hạnh phúc theo kiểu riêng của dân tộc sẽ rất xung đột với quá trình hội nhập", PGS. TS Trần Đình Thiên nhận xét.
Đánh giá về tình hình hiện tại, chuyên gia này nhận xét kinh tế Việt Nam đã phục hồi, song chưa qua được vùng đáy. Do vậy, ông kiến nghị cần có đánh giá đúng về chất lượng tăng trưởng, khi "cơ thể còn ốm yếu, nhiều căn bệnh còn chưa chữa được".
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu nhắc lại việc GDP quý I/2015 tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 4 năm. Với tiền đề này, Ủy ban Giám sát tài chính mới đây đánh giá kinh tế năm nay có thể tăng 6,5% . ANZ cũng dự báo trưởng có thể vượt 6,5%. Theo ông Giàu, những báo cáo này cho thấy tương lai rất lạc quan nhưng cần phải chỉ rõ mô hình để thấy rằng các tính toán này có khoa học và khả thi.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, hiện nền kinh tế còn rất nhiều điểm nghẽn không giải quyết được, hoặc ngược lại, được giải quyết một cách bất ngờ. "Cả giai đoạn 2010-2014, Việt Nam giảm được 70 giờ nộp thuế. Để làm được đã có biết bao nhiêu chiến sĩ thi đua. Nhưng chỉ riêng mấy tháng trong năm 2014 đã giảm gần 300 giờ thì không hiểu có phép màu nào kỳ diệu vậy?", ông Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.
Cho rằng đây dường như là câu chuyện bí ẩn, ông Thiên đề xuất các chuyên gia cần phải mổ xẻ kỹ lưỡng. "Có một nguyên lý ngược là càng không làm thì thu nhập càng cao, càng dồn cho doanh nghiệp vào chân tường thì bộ máy sống càng khỏe", vị này nói thêm.
Huyền Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét