Trang

11 tháng 3, 2015

Những sự thật khác như Dung Quất: Mắc bẫy?

(Doanh nghiệp) - Phải thay đổi luật về khu kinh tế, nơi nào đã thất bại thì phải sửa. Nếu không làm được thì buộc phải thu hồi, đấu thầu bán cho tư nhân...

ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề "hội chứng khu kinh tế".
Sa bẫy?
Lý giải cho "hội chứng khu kinh tế" ở Việt Nam, Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng sức hấp dẫn của nó xuất phát từ việc các khu kinh tế được lấy nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thành lập.
"Khi lập ra các khu kinh tế, ai quản lý được vấn đề xây dựng và chi tiêu trong đó? Các động cơ để xây dựng khu kinh tế thì chẳng cần phải chứng minh kỹ thuật gì, không có một quy trình nào để nói rằng lập ra khu kinh tế này thì hiệu quả mà là do các tỉnh. Các tỉnh vì muốn có thành tích hay có tiền để chi tiêu thì phải lập ra thứ nọ thứ kia để xin, còn thành công hay không thì mặc kệ".
Bởi thế cho nên không chỉ khu kinh tế, rất nhiều thứ ở Việt Nam chạy theo phong trào, từ sân bay đến cảng biển... 
Về mặt nguyên tắc, theo ông Sơn, tất cả những hoạt động trên thuộc về vấn đề của thị trường, Nhà nước chỉ cấp phép mà thôi.
"Nếu thích thì các công ty tự lập ra một công ty đủ lớn hoặc nhập lại với nhau để thành lập ra một khu như thế, sau đó đệ trình lên chính quyền phê duyệt, cấp phép hoạt động theo luật quốc gia. Kinh doanh được hay không, lỗ lãi thế nào là việc của họ", ông Sơn đề xuất.
Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất có quy mô đầu tư hơn 3 tỷ USD đến nay vẫn chưa được triển khai
Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất có quy mô đầu tư hơn 3 tỷ USD đến nay vẫn chưa được triển khai
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, "hội chứng khu kinh tế" xảy ra ở Việt Nam chính là hiện tượng bong bóng.
"Có một dạng bong bóng là do thị trường. Sự thất bại của thị trường không điều tiết hết cầu, đầu cơ quá cao. Một dạng khác nữa là do lỗ hổng về chính sách, người ta lợi dụng lỗ hổng ấy và trục lợi khiến bong bóng bùng phát. Những thứ đó sẽ tạo ra các công trình thừa, vứt đi sau đó nợ xấu sẽ chất đống, nằm trong nợ của Chính phủ, nợ công. Khi ấy tài sản không bán được, nợ công thì quá lớn không thể giải quyết được, lấy tiền đâu để phát triển kinh tế nữa? Thế kẹt ấy chính là cái bẫy".
Dẫn câu chuyện về bong bong bất động sản xảy ra ở Mỹ vào năm 2008, ông Sơn cảnh báo Việt Nam phải thận trọng bởi ngay một nền kinh tế phát triển như Mỹ cũng có thể mắc bẫy vì một lỗ hổng. 
Vào thời điểm đó, cho vay dưới chuẩn tăng mạnh là khởi điểm cho quả bong bóng tại thị trường nhà đất tại Mỹ. Các ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản mà không quan tâm tới khả năng chi trả của khách. Theo thông tin trên báo chí, dư nợ trong mảng này nhảy từ 160 tỷ USD của năm 2001 lên 540 tỷ vào năm 2004 và bùng nổ thành 1.300 tỷ vào năm 2007.
Ước tính vào cuối quý III năm 2008, hơn một nửa giá trị thị trường nhà đất Mỹ là tiền đi vay với một phần ba các khoản này là nợ khó đòi. Trước đó, để đối phó với lạm phát, Cục Dự trữ liên bang (FED) đã liên tiếp tăng lãi suất từ 1% vào giữa năm 2004 lên 5,25% vào giữa năm 2006 khiến lãi vay phải trả trở thành áp lực quá lớn với người mua nhà. Thị trường bất động sản thời điểm này bắt đầu có dấu hiệu đóng băng và sụt giảm.
Trước tình hình trên, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính... đã mua lại các hợp đồng thế chấp và biến chúng thành tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu ra thị trường. Loại sản phẩm phái sinh này được đánh giá cao bởi các tổ chức định giá tín dụng, nên thanh khoản tốt. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều công ty bảo hiểm còn sẵn sàng bảo lãnh cho những hợp đồng hoán đổi này.
Chiến lược trên được đưa ra với mục đích giảm rủi ro cho những khoản vay bất động sản. Tuy nhiên, trái lại nó tạo ra hiệu ứng đổ dây chuyền và khiến rủi ro bị đẩy lên cao hơn. Những bất ổn từ hoạt động cho vay dưới chuẩn khiến giá nhà sụt giảm mạnh, thị trường nhà đất đóng băng. Cuộc khủng hoảng từ đó lan từ thị trường bất động sản sang thị trường tín dụng và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Mỹ và tràn sang nhiều nước châu Âu, khiến nhiều công ty lớn phá sản.
"Như vậy, lỗ hổng ở Mỹ là do chưa kiểm soát được việc chứng khoán hoá tài sản cầm cố (chứng khoán cầm cố -PV) và giới đầu cơ lập tức nhảy vào phát triển nó, buộc Mỹ phải sửa luật", ông Sơn nói. 
Ông cho rằng, đối với các nước chậm phát triển, nguy cơ mắc bẫy càng trở nên dễ dàng bởi tốc độ phát triển mạnh theo chiều rộng, bộ máy quản lý dễ tham nhũng và trình độ quản lý kinh tế yếu kém.
"Thất bại của thị trường và thất bại về mặt quản trị nhà nước, hai thứ ấy song hành với nhau rất dễ gây nên hiện tượng thao túng và làm cho thị trường méo mó, phát triển lệch lạc. Khi hiện tượng này mạnh lên thì nó trở thành cái bẫy, đã sa vào đấy thì khó có thể đi tiếp được".
Cần sửa luật
Nhấn mạnh lẽ ra phải tính toán những thiệt hại do "hội chứng khu kinh tế" gây ra từ lâu nhưng ông Sơn cho rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội để chỉnh sửa.
"Muốn sửa phải đổi thay đổi toàn bộ hệ thống luật về vấn đề khu kinh tế. Ngân sách nhà nước hãy chỉ chi cho quốc phòng, an ninh, xã hội, các cơ sở hạ tầng thực sự cần thiết, những thứ còn lại hãy để tư nhân làm nốt, kể cả đường sá, sân bay, đường sắt. Nhà nước chỉ cấp phép và yêu cầu họ tuân thủ luật pháp, còn lỗ lãi, sống chết là việc của họ".
Với những thứ đã làm, đã thất bại, theo ông Sơn, nên ngừng lại và buộc phải thu hồi, đấu thấu bán cho tư nhân, cho phép chuyển quyền sử dụng hoặc mục đích sử dụng các khu vực đó. 
"Không phải như bây giờ, xây mà không cần biết làm ăn có được không, chỉ cần có thành tích và có tiền, thua lỗ thì vứt đấy, muốn thay đổi lại không có luật. Cứ xây sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế quá dễ dàng bảo sao thất thoát, tham nhũng nhiều.
Nếu Nhà nước quyết hết sẽ lại có hiện tượng nhảy vào xin xin xỏ xỏ hay có thể lại xảy ra câu chuyện ụ nổi những năm trước, nước ngoài vứt đi Việt Nam lại mua về với giá cao", chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cảnh báo.
  • Thành Luân

Gái mại dâm Việt đứng đầu 'danh sách bán dâm quốc tế' ở Malaysia

Ảnh minh họa
(TNO) Số liệu về gái mại dâm quốc tế năm 2012 của cảnh sát Malaysia chỉ ra rằng gái mại dâm Việt Nam... đứng đầu danh sách này.

Năm 2012, trong số 12.434 gái mại dâm nước ngoài bị bắt ở khắp Malaysia, có đến 3.456 gái mại dâm Việt Nam, theo trang tinABN News của Malaysia ngày 17.7.
Theo ABN News, trong năm 2012, cảnh sát Malaysia đã tiến hành tổng cộng 42.788 cuộc bố ráp vào các tụ điểm mại dâm, bắt giữ nhiều gái mại dâm. Tổng cộng có 12.434 gái mại dâm nước ngoài bị bắt, đến từ Việt Nam, Bangladesh, Lào, Uganda, Nigeria, Mongolia, Tajikistan, Sri Lanka, Kenya, Marocco, Kyrgystan, Iran, Singapore, Hong Kong, Nga và Canada.
Con số gái mại dâm Việt Nam bị bắt giữ trong năm 2012 đã tăng 2.196 trường hợp so với năm 2011, ABN News dẫn lời ông Abdul Jalil Hassan, Trợ lý giám đốc Cục phòng chống Tệ nạn, Cờ bạc và Hội kín của cảnh sát Malaysia.
Ông Hassan cho biết đa số gái mại dâm Việt hành nghề tại các quán bar, karaoke và tiệm mátxa.
Phúc Duy

10 tháng 3, 2015

Mỹ điều hàng nghìn binh sĩ tới tập trận sát Nga

Washington bắt đầu điều 3.000 binh sĩ tới tham gia cuộc tập trận dài ba tháng cùng các quốc gia Baltic để trấn an những nước này.
An Abrams tank is seen during delivery in the port of Riga on March 9, 2015. The US delivered over 100 pieces of military equipment to vulnerable NATO-allied Baltic states Monday in a move designed to provide them with the ability to deter potential Russian threats. AFP PHOTO / ILMARS ZNOTINS
Một xe tăng Abrams được chuyển tới cảng Riga, Latvia hôm 9/3. Ảnh: AFP.
Cuộc tập trận mang tên Operation Atlantic Resolve sẽ có sự tham gia của các lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng một số quốc gia đồng minh như Latvia, Litva và Estonia.
AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren hôm 9/3 cho biết các phương tiện, trực thăng và trang thiết bị hạng nặng đã bắt đầu được chuyển tới thủ đô Riga của Latvia. Cuộc tập trận chung dự kiến kéo dài 90 ngày. Theo Warren, đơn vị được điều động là một "Lữ đoàn Chiến đấu" với khoảng 3.000 binh sĩ.
Một nguồn tin quân đội Mỹ giấu tên nói những trang thiết bị quân sự sẽ được để lại khu vực sau khi binh sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 3 trở về căn cứ.
Ba quốc gia Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva, trở thành thành viên NATO và Liên minh châu Âu từ năm 2004 nhưng sở hữu rất ít khí tài quân sự. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm ngoái cùng xung đột ở miền đông Ukraine khiến NATO lo lắng và tập trung chú ý tới các quốc gia Baltic.
NATO tăng cường phòng thủ ở phía đông châu Âu với lực lượng mũi nhọn gồm 5.000 binh sĩ cùng những trung tâm chỉ huy ở các quốc gia Baltic, Bulgaria, Ba Lan và Romania, trong động thái được cho là đối trọng với Nga.
Như Tâm

Mồng mí măm !


Mượt mà mơn mởn mới mây mưa.


Mong manh mệt mỏi mần mãi mờ 

Mang mác muộn màng mí mộng mơ

Mênh mang mềm mại mồng mời mọc

Mân mó miên man mải mê mò.


Phạm Hi  

Trung Quốc đưa quân tới đảo mới ở Hoàng Sa

(Tin tức 24h) - Từ ngày 8/3, Trung Quốc đã chính thức triển khai lực lượng đồn trú tới đảo Triệu Thuật (Đảo Cây) - nơi nước này đang chiếm đóng phi pháp.

Thông tin trên được Tân Hoa xã dẫn nguồn từ lực lượng cảnh sát thuộc Chi đội công an biên phòng của cái gọi là thành phố  Tam Sa cho biết.
Mục đích chính của việc này, theo tuyên bố của phía Trung Quốc, là để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Triệu Thuật, các bãi đá và doi cát ở khu vực Bắc Trung Nam và vùng biển xung quanh hòn đảo này.
Đảo Cây là một đảo san hô thuộc nhóm đảo An Vĩnh trong quần đảo Hoàng Sa. Đảo Cây nằm cách đảo Phú Lâm khoảng 9,2 hải lý (17 km) về phía Bắc Tây Bắc và cách Cồn cát Tây 4 hải lý (7,4 km) về phía Đông. Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp hòn đảo này.
Nhóm đảo có đảo Cây, nhìn từ trên không
Nhóm đảo có Đảo Cây, nhìn từ trên không
Trước đó, cũng tại Hoàng Sa của Việt Nam, đầu tháng 1/2015, Trung Quốc đã ngang nhiên cho ra đời cái gọi là "Ban Vũ trang Nhân dân" trái phép.
Theo đó, Bắc Kinh đã thành lập đồng thời 4 “Ban Vũ trang Nhân dân” nói trên, trong đó có “Ban Vũ trang Nhân dân” đảo/thị trấn Vĩnh Hưng (thực tế là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), “Ban Vũ trang Nhân dân” Thất Liên (7 hòn đảo gần nhau, đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “Ban Vũ trang Nhân dân” quần đảo Vĩnh Lạc (thực tế là nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Đây là một trong những tổ chức cơ sở của chính quyền ở Trung Quốc, thông thường được thiết lập ở cấp xã, phường, thị trấn, phụ trách công tác nghĩa vụ quân sự, quản lý quân nhân dự bị và động viên chiến tranh.
Theo CNS, việc thành lập các “Ban Vũ trang Nhân dân” này là biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của công tác vũ trang tại cơ sở, nhằm hoàn thiện nhu cầu của hệ thống chính quyền ở Tam Sa.
Bốn “Ban Vũ trang Nhân dân” này sẽ chịu sự lãnh đạo của Thị ủy Tam Sa, chính quyền thành phố Tam Sa và Khu Cảnh bị Tam Sa.
Như vậy, Trung Quốc đã có những bước đi liên tiếp nhằm xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó.
Mọi hành động của phía Trung Quốc nhằm xây dựng, mở rộng trái phép công trình, đưa người tới các quần đảo này không chỉ xâm phạm nghiệm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN.
Mưu đồ Trung Quốc cải tạo đảo đá Biển Đông
An Nhiên (Tổng hợp)

Trung Quốc: Người Việt Nam không được “chết nhanh” mà phải chết “từ từ”

Kênh 13.  10/03/2015 09:28
Mai Phương
Câu chuyện hàng Trung Quốc độc hại tràn ngập thị trường Việt Nam đã không còn là chuyện mới. Tuy nhiên càng ngày mức độ càng trầm trọng hơn, báo động hơn, có nguy cơ phá hoại nền kinh tế và đầu độc sức khỏe người dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng thực chất đây là cái bẫy của thương mại tự do khiến chúng ta dễ trở thành bãi phế thải các loại hàng hóa phẩm chất xấu của Trung Quốc. Xây dựng một hàng rào kỹ thuật thương mại nghiêm ngặt là việc chúng ta cần phải làm ngay, không thể chậm trễ.
Sự quyến rũ chết người
Không thể không thừa nhận Trung Quốc với 1,3 tỷ dân và một nền kinh tế đứng thứ hai thế giới là một thị trường quyến rũ. Nhưng như nhận định của dư luận thế giới, đó là sự quyến rũ chết người. Hàng chục nước trên thế giới đang có vấn đề trong thương mại, đầu tư với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng đang tỏ ra là nước sử dụng thành thạo việc kết hợp các sức ép ngoại giao, chính trị song hành với kinh tế để trả đũa các nước khác mỗi khi có “vấn đề” với Trung Quốc.
Bán cái chết cũng là chủ đề của cuốn sách đang nổi tiếng tại các nước phương Tây bàn về chất lượng hàng hóa Trung Quốc. Cuốn “Chết dưới tay Trung Quốc” được viết bởi Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter Navarro. Một loạt những vụ bê bối về thực phẩm độc hại của Trung Quốc trong suốt thời gian qua đã khiến cả thế giới phải rùng mình. Mỗi ngày qua đi lại có thêm một vụ thực phẩm bẩn, độc hại xuất hiện. Những “sát thủ giấu mặt” đó vẫn hàng ngày hàng giờ hiện diện trên bàn ăn của mỗi gia đình. Không chỉ thực phẩm mà cả những hàng hóa rẻ tiền, chất lượng kém, phát hiện có chất độc của Trung Quốc cũng đang làm nhiễu loạn thị trường thế giới. Nhiều nước đã đồng loạt tẩy chay hàng Trung Quốc.
Thương lái Trung Quốc hoành hành – đâu là bộ mặt thật?
Từ việc thương lái Trung Quốc thu gom móng trâu bò của đồng bào dân tộc, tận thu gốc rễ, gốc cây tiêu ở Tây Nguyên, thu mua hạt chè ở Thái Nguyên cho đến việc lừa đảo mặt hàng hải sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hoa hồng ở Đà Lạt, mua đỉa ở khắp nơi, mua lá xoài khô, mua nguyên liệu đông dược trên mọi cánh rừng trong cả nước… Gần đây nhất, thương lái trung Quốc lại tìm mua rễ cây rừng ở xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
images955331_qe9S4k3o
Hàng trăm câu chuyện mua bán với thương nhân Trung Quốc đã để lại những hậu quả xấu. Điển hình là năm 2011, người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh ồ ạt rủ nhau đi bắt đỉa, gom về bán cho các đầu nậu. Nhưng sau đó, các đầu nậu bỏ đi, để lại những cánh đồng đầy đỉa và nỗi lo sợ cho người dân. Thương nhân Trung Quốc đã tổ chức mua móng trâu bò với giá cao, thậm chí chỉ bốn cái chân trâu, bò giá trị đã bằng nửa con trâu, bò. Vậy là dân đua nhau giết trâu bò đem bán. Từ đó, toàn bộ sức kéo nông nghiệp một vùng núi phía bắc bị hủy hoại. Lúc đó thương nhân Trung Quốc lại sang gạ bán trâu với giá cao gấp hai lần, đưa máy kéo nhỏ sang bán. Hết trâu bò rồi thì phải mua thôi.
Ở Cao Bằng, Lạng Sơn thương nhân Trung Quốc mua rễ cây hồi với giá cao. Vậy là hàng loạt cánh rừng hồi bị phá hủy bởi những kẻ đào trộm rễ hồi đem bán. Rồi các thương lái lại mua râu ngô non, xúi giục nông dân triệt phá nương ngô mang bán, đánh trúng vào cái dạ dày đồng bào. Hàng tốp thương lái Tàu xuất hiện từ Hà Giang cho đến Lâm Đồng để thu mua chè vàng, là thứ chè chặt thô phơi tái, không cần chế biến. Thương lái Tàu mua chè vàng với giá rất cao, kích thích nông dân chặt trụi đồi chè mang bán. Thế là thương lái Tàu đã triệt hạ vùng nguyên liệu của các nhà máy chè Việt Nam. Hoặc việc Trung Quốc thu mua cây phong ba có khả năng làm sạch không khí sẽ ảnh hưởng đến môi trường cũng như giá trị kinh tế về lâu dài. Cây mật gấu là cây thuốc quý, nằm trong sách đỏ Việt Nam, dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm gan, vàng da, nhưng mấy năm nay, cây mật gấu bị khai thác mạnh làm thương phẩm bán sang Trung Quốc. Vì vậy cây mật gấu có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Họ mua dây đồng vụn giá cao nhắm tới đường dây tải điện, mua cáp quang phế liệu nhắm tới đường truyền cáp quang… Họ mua gạo Việt Nam, nhưng đề nghị chúng ta trộn gạo thường vào gạo thơm rồi đem bán gây dư luận xấu về chất lượng gạo Việt Nam, mua tôm rồi bơm chất chất bẩn vào và đem bán ngay trên thị trường chúng ta…
Càng ngày, danh sách những thứ lạ đời mà thương lái Trung Quốc tìm mua tại Việt Nam càng được nối dài. Dù mua bán công khai hay lén lút với thương lái Trung Quốc thì đa số người dân cũng không rõ “Trung Quốc mua những thứ đó để làm gì”. Những chiến dịch mua bán của họ chỉ sau vài năm mới lộ ra ý đồ thật sự.
Đầu độc người dân Việt Nam
Cục Bảo vệ thực vật đã công bố nho Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng 3-5 lần, được bày bán tại Việt Nam dưới mác “nho Mỹ” để đánh lừa người tiêu dùng với giá 40.000-60.000 đồng nhưng giá gốc trên hóa đơn chỉ có 6.000 đồng/kg. Táo Trung Quốc được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại. Lê Trung Quốc chứa thuốc trừ sâu Endosulfan có tính độc cao và có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người. Với lợi thế giá rẻ và không bị ràng buộc về mặt chất lượng, nên các mặt hàng phổ thông, có tác động trực tiếp đến sự an toàn của người dân như đồ gia dụng, rau củ quả, trái cây “Made in China” được nhập về Việt Nam một cách thoải mái qua con đường tiểu ngạch. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn trái cây được nhập về Việt Nam. Ngày 21-4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, 5 người dân tộc Dao, tại bản Phố Vây, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ đã phải nhập viện do ăn phải hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau đó, 1 bệnh nhân tử vong là cháu Tẩn U Mẩy (5 tuổi).
Báo chí cả trong nước lẫn quốc tế từ lâu đã cảnh báo mối họa nhập hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như: gạo giả, sữa bột giả, trứng giả, trái cây nhuộm chất hóa học, dư lượng thuốc trừ sâu, thịt đông lạnh hư thối… cho tới cả tiền giả đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam một cách âm ỉ và có hệ thống.
Thủ đoạn kinh doanh
Thủ đoạn kinh doanh của các thương lái Trung Quốc đã bộc lộ rõ bản chất: thiếu đạo đức kinh doanh. Ban đầu, các thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản ồ ạt, họ đặt trạm gom hàng nông sản khiến nhu cầu tăng đột biến, giá nông sản tăng nhanh. Các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được đành chịu thiếu nguyên liệu sản xuất. Sau khi đã thao túng được thị trường, tất cả thương nhân Trung Quốc bắt đầu hạn chế và dừng mua đột ngột khiến giá giảm nhanh chóng. Đến khi giá giảm rất thấp thì họ bắt đầu quay trở lại ép giá thấp hơn nữa và bắt đầu thu mua.
Họ tự đặt ra các tiêu chuẩn “kì lạ” để có lý do ép giá nhiều hơn (ví dụ khoai lang củ to không mua, bắt phải giảm giá). Như trường hợp khoai lang tím, sau khi giá giảm chỉ còn 300,000 đồng/tạ, nông dân đã chủ động kéo dài thời gian thu hoạch, khoai lớn củ hơn nhưng giá lại bị ép xuống còn 250,000 đồng/tạ. Với cùng một thủ đoạn lặp đi lặp lại, các thương nhân Trung Quốc đã có thể ép giá dứa giảm hơn một nửa, khoai lang tím giảm tới 70%, và giá dừa thậm chí giảm đến 90%, còn gạo thì đang giảm giá liên tục và vẫn loay hoay tìm kiếm thị trường thay thế. Chúng ta đã có không ít hệ luỵ từ rất nhiều bài học trên thương trường mang tên “Trung Quốc” như những vụ thu mua một lượng lớn nông sản với giá trên trời, đến khi người dân đổ xô khai thác, thu hoạch thì các thương lái Trung Quốc lặn mất tăm.
Trung Quốc còn sử dụng “chiêu” đơn phương hủy các hợp đồng thương mại, sử dụng rào cản kiểm dịch và cố tình làm chậm việc thông quan hàng xuất khẩu của Việt Nam tại các cửa khẩu trên biên giới hai nước đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam thiệt hại, nhất là đối với các mặt hàng nông sản mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Đó là các thiệt hại trực tiếp cho nông dân, còn đối với các doanh nghiệp cần hàng sản xuất thì thiệt hại lại đau đớn hơn nhiều khi nguồn cung nguyên liệu của thị trường rất lớn nhưng họ lại không thể mua được và phải sản xuất dưới công suất do không thể cạnh tranh thu mua với thương lái Trung Quốc.
Việt Nam đang thành bãi phế thải của Trung Quốc
Vì Việt Nam thiếu các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hàng kém chất lượng nên lâu nay chúng ta đã trở thành nơi tiêu thụ “thượng vàng hạ cám” của Trung Quốc. Trên thị trường Việt Nam đủ các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vứt đi vẫn đang tồn tại đầy rẫy ngoài chợ, thậm chí cả trong siêu thị: gà thải loại, trứng gà giả, trái cây, rau quả tẩm ướp hóa chất độc hại, gừng tỏi, gia vị, và thậm chí các loại phụ gia gây ung thư cũng được nhập về và bày bán khắp nơi. T.S Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng điều này đã tạo ra 2 mối nguy cho Việt Nam: trước hết đó là hàng hóa thực phẩm giá rẻ tràn vào nhưng không được kiểm soát tốt về chất lượng, thứ hai, nguy hiểm hơn là Trung Quốc có chiến lược “đẩy” hàng nghìn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, trong đó có Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ, bãi phế thải của những hàng hóa phẩm chất xấu của Trung Quốc.
TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: Có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế
Hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam? Nhập siêu luôn tăng qua các năm. Là một chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Hàng Trung Quốc càng ngày càng nhập ồ ạt vào Việt Nam, từ cái tăm cho đến trang thiết bị dẫn đến nhập siêu rất lớn. Các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua hàng có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế của chúng ta như mua lá cây hồi, mua lá cây điều… Điều này diễn ra với tất cả các nước, đặt biệt là những nước có biên giới chung với Trung Quốc. Tôi sang Thái Lan, Thái Lan cũng kêu. Miến Điện cũng kêu nhưng với Việt Nam đặc biệt nghiêm trọng vì Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc rất dài. Thứ hai là hàng Trung Quốc làm ra rất rẻ, chất lượng nhiều mặt hàng kém. Họ sản xuất được nhiều mặt hàng tốt nhưng họ xuất đi nước khác chứ không xuất sang Việt Nam. Xuất sang nước ta là có chính sách, có chủ ý, những mặt hàng có chất lượng thấp, giá rất rẻ.
Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao hàng Trung Quốc độc hại và kém chất lượng như vậy nhưng chúng ta vẫn ồ ạt nhập về?
Có mấy lý do: Chênh lệch giá giữa hàng của chúng ta và hàng Trung Quốc quá lớn, ví dụ như quả trứng gà. Trứng gà thải loại Trung Quốc có giá 500 đồng, đó là họ bán phá giá. Thứ hai là chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc trong đó chúng ta cam kết các thuế nhập khẩu của hàng Trung Quốc vào Việt Nam được giảm từ 0-5%. Và điều quan trọng nhất là những rào cản kỹ thuật về thương mại chúng ta làm quá chậm nên giờ chúng ta đối phó rất khó. Nhiều người dân ở vùng biên giới nghèo nên đi làm cửu vạn để chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Chúng ta đã bắt nhưng không bắt được người cầm đầu cho nên bắt cóc bỏ đĩa, bắt người này thì lại có những người khác.
Hệ lụy của tình trạng này là gì, thưa ông?
Về kinh tế là rất đáng báo động. Đó là những điều hết sức đáng lo ngại cả về mặt kinh tế và sức khỏe của người dân, về ổn định trật tự xã hội.
Chúng ta có thể có những giải pháp nào để hạn chế việc nhập khẩu và tiêu thụ hàng Trung Quốc độc hại tại Việt Nam?
Chúng ta đã ký hiệp định thương mại nên không thể nói là tẩy chay hàng Trung Quốc. Chúng ta chỉ có thể cực lực tố cáo những mặt hàng có hại cho sức khỏe, kêu gọi người dân không sử dụng những hàng hóa đó. Ví dụ ăn một quả trứng 500 đồng nhưng mang bệnh vào người và phải bỏ ra 100 triệu đồng để chữa trị. Cần phải nói rõ để mọi người dân hiểu.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam cần làm gì để bảo vệ mình?
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia tích cực, có những rào cản kỹ thuật và những biện pháp để bảo vệ. Người Việt Nam cần dùng hàng Việt Nam trước hết để bảo vệ sức khỏe của mình, sau là bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, chứ không phải là người tiêu dùng mù quáng. Doanh nghiệp tự đổi mới, cải tiến để nâng cao tính cạnh tranh. Ví dụ chúng ta thấy những năm gần đây dệt may Việt Nam được đánh giá rất cao, người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam thay vì hàng Trung Quốc. Hay bia Vạn Lực trước đây bán tốt nhưng gần đây không bán được nữa. Và bản thân người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình và gia đình mình.
Cơ quan quản lý hàng nhập khẩu là Bộ Công thương. Ông có ý kiến gì về các biện pháp quản lý của Việt Nam?
Tôi thấy biện pháp của Bộ Công thương rất kém hiệu quả. Bộ Công thương rất chậm chạp trong việc có hàng rào kỹ thuật. Thí dụ ta xác định những mặt hàng nào độc hại thì phải phối hợp với Bộ Y tế là có những biện pháp kiểm soát rất nghiêm ngặt. Vừa qua chúng ra đã làm chiến dịch ngăn chặn gà lậu qua biên giới và kêu gọi các cơ quan liên ngành vào cuộc nên có những kết quả và biến đổi bước đầu. Nhưng cần làm quyết liệt và đồng bộ hơn ở nhiều mặt hàng khác.
Xin cảm ơn ông!

9 tháng 3, 2015

3 kịch bản cho kinh tế VN từ 2016 – 2020


3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo Dự báo về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020.

Tóm tắt
Theo VEPR:
- Mức  tăng  trưởng kinh tế bình quân hàng năm (giai đoạn 2016 – 2020) của Việt Nam khó có khả năng vượt mức 6% do động lực tăng trưởng không có nhiều cải thiện
-  Nếu mức tăng trưởng tín dụng khoảng 20% thì nguy cơ lạm phát tăng trở lai (vượt 10%) là cao, tạo ra nguy cơ phá vỡ các cân bằng vĩ mô
- Chỉ với những nỗ lực cải cách với cam kết cao, Việt Nam mới có hy vọng kiểm soát được mức tăng trưởng khoảng trên 6% (trong điều kiện bối cảnh quốc tế thuận lợi).

Theo đó,  báo cáo cho rằng các dự báo đều cho thấy  trong  giai  đoạn  2016-  2020,  mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Việt Nam khó có khả năng vượt mức 6% do động lực tăng trưởng không có nhiều cải thiện.
“Nếu  nền kinh tế không nhận được động lực tăng trưởng mới từ sự cải thiện yếu tố năng suất lao động tổng hợp, trong khi đó các nguồn lực cơ bản là vốn và lao động không có nhiều khả năng cải thiện đột biến, sẽ dẫn đến nhiều khả năng tăng trưởng khó thoát khỏi khuynh hướng suy giảm dài hạn” – Báo cáo nêu.
VEPR đưa ra quan điểm rằng: Tín dụng tăng trưởng khoảng 12-15% là mức bảo đảm để lạm phát duy trì trong mức mục tiêu 6%. Còn mức tăng trưởng tín dụng khoảng 20%, nguy cơ lạm phát tăng trở lai (vượt 10%) là cao, tạo ra nguy cơ phá vỡ các cân bằng vĩ mô.
Cụ thể 3 kịch bản mà Viện nghiên cứu này đưa ra cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 như sau:
Kịch bản tăng trưởng thấp
Tốc độ tăng trưởng của các yếu tố đầu vào trong kịch bản này (bình quân năm, cho giai đoạn 2016-2020):
Nhân tố năng suất tổng hợp (TFP): 2,0%/năm
Lao động: 0,88%/năm
Vốn đầu tư toàn xã hội (giá hiện hành): 11,5%/năm, tăng trưởng thực (giá cố định, đã loại bỏ lạm phát): 5,5%, (tương đương tỉ lệ vốn đầu tư trên GDP khoảng 30,5-31% GDP, giữ ổn định như hiện nay)
Chỉ số ICOR toàn nền kinh tế duy trì ở mức cao như hiện nay  (không có cải thiện), khoảng 5,6-5,7.
Tỉ lệ tiết kiệm nội địa (tiết kiệm/GDP) bình quân: 30,35%
Vốn FDI: tăng trưởng 0-3%/năm
Vốn vay của khu vực tư nhân: tăng 5%/năm
Lạm phát: 6%/năm
Tăng trưởng tín dụng bình quân: 11,3-15,7 %/năm.
Với kịch bản này VEPR dự báo nền kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức từ 4,20-4,62%
Kịch bản tăng trưởng vừa phải
Tốc độ tăng trưởng của các yếu tố đầu vào trong kịch bản này (bình quân năm, cho giai đoạn 2016-2020:
Nhân tố năng suất tổng hợp TFP: 2,4%/năm
Lao động: 0,88%/năm
Vốn đầu tư toàn xã hội (giá hiện hành): 11%/năm, tăng trưởng thực (giá cố định): 6%, (tương đương tỉ lệ vốn đầu tư trên GDP khoảng 30-31% GDP, ổn định so với hiện nay).
Chỉ số ICOR toàn nền kinh tế được cải thiện nhờ chặt chẽ hơn trong đầu tư công,  tỉ  lệ trung bình khoảng 5,4.
Tỉ lệ tiết kiệm nội địa (tiết kiệm/GDP) bình quân: 30,35%
Vốn FDI: tăng trưởng 4-6%/năm
Vốn vay của khu vực tư nhân: tăng 10%/năm
Lạm phát: 5%/năm
Tăng trưởng tín dụng bình quân: 13,3-18,7 %/năm
Với kịch bản này, nền kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức từ 4,66-5,08%.
Kịch bản tăng trưởng cao
Tốc độ tăng trưởng của các yếu tố đầu vào trong kịch bản này (bình quân năm, cho giai đoạn 2016-2020:
Nhân tố năng suất tổng hợp TFP: 2,7%/năm
Lao động: 1,0%/năm
Vốn đầu tư toàn xã hội (giá hiện hành): 12,5%/năm, tăng trưởng thực (giá cố định): 6,5%
(tương đương tỉ lệ vốn đầu tư trên GDP khoảng 31-32% GDP, tăng nhẹ so với hiện nay)
Chỉ số ICOR toàn nền kinh tế được cải thiện so với hiện nay, đưa về mức trước năm 2010, khoảng 5,2 (bằng giai đoạn 2000-2005).
Tỉ lệ tiết kiệm nội địa (tiết kiệm/GDP) bình quân: 30,35%
Vốn FDI: tăng trưởng 7-10%/năm
Vốn vay của khu vực tư nhân: tăng 15%/năm
Lạm phát: 6%/năm

Tăng trưởng tín dụng bình quân: 16,3-21,7 %/năm
Ở kịch bản này, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng: Giả thiết TFP tăng khoảng 3%/năm bình quân trong giai đoạn 2016-2020 là một mức tăng rất cao. Để đạt mức này, bản thân nền kinh tế phải có những cải cách và thay đổi rất tích cực.
Và với kịch bản này, nền kinh tế tăng trưởng bình quân trong khoảng 5,06-5,52%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
VEPR đưa ra ý kiến rằng, để cải thiện tốc độ tăng trưởng và chất lượng của nền kinh tế, chắc chắn cần phải có quyết tâm cải cách thực sự mạnh mẽ quyết liệt nhằm tăng  năng suất của toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn  lực theo hướng chất lương cao hơn. Cải cách thể chế kinh tế, hành  chính có ý nghĩa quyết định.
Ngoài ra, việc cải thiện nguồn nhân lực cho nền kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu với mô hình liên kết  quốc tế theo kiểu mới. Chỉ với những nỗ lực cải cách với cam kết cao, Việt Nam mới có hy vọng kiểm soát được mức tăng trưởng khoảng trên 6% (trong điều kiện bối cảnh quốc tế thuận lợi).
“Việc đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 7% trong giai đoạn 2016-2020 hầu như không khả thi. Nói cách khác, giai đoạn tăng trưởng cao như trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000 (bình quân 7,5%/năm) sẽ không còn cơ hội lặp lại trong thời gian tới” – Nhóm nghiên cứu của báo cáo kết luận.
Khánh Nhi
Theo Trí thức trẻ