Trang

27 tháng 10, 2014

Cải cách thể chế: “Túm lại, các anh có bỏ được không?”

Thông điệp về đẩy mạnh cải cách thể chế một lần nữa được cả Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh...

Cải cách thể chế: “Túm lại, các anh có bỏ được không?”
Một cuộc gặp cộng đồng doanh nghiệp của Thủ tướng.
HOÀNG ANH MINH
Quốc hội kỳ này khai mạc vào thời điểm cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa trải qua dịp kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định công nhận Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). 

Và, thông điệp về đẩy mạnh cải cách thể chế một lần nữa được cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10 vừa qua.

“Thông điệp quốc gia”

Việc bỏ trần chi phí tiếp thị và quảng cáo và tiếp thị đã được cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, kiến nghị liên tục hàng chục năm qua. Vào năm 2013, một giải pháp “trung hòa” cho vấn đề này đã được Quốc hội thông qua: thay vì bỏ trần, Bộ Tài chính đề xuất và Quốc hội đồng ý tăng trần, theo đó các doanh nghiệp có thể chi tới 15% doanh thu cho hoạt động quảng cáo tiếp thị thay vì chỉ 10% như trước đó.

Động thái mang tính “cải cách” này sau đó nhận được những cái vỗ tay lác đác. Câu hỏi mà các doanh nghiệp tiếp tục đặt ra cho Chính phủ và Bộ Tài chính là tại sao không thể bỏ hẳn như nhiều nước đã áp dụng mà chỉ có thể nới lỏng một cách “nhỏ giọt”?

Một chuyên gia tham dự cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Tài chính mới đây kể, câu hỏi này đã được chính Thủ tướng đặt ra với Bộ Tài chính. 

Sau khi nghe Bộ trình bày và biện minh bằng những lập luận cũ, câu hỏi của Thủ tướng ngắn gọn là: “Túm lại, các anh có bỏ được không?”.

Chưa rõ chuyện gì diễn ra tiếp theo, song các động thái gần đây cho thấy, trần chi phí tiếp thị quảng cáo rất có thể sẽ được chính thức dỡ bỏ trong năm tới, hoặc ít nhất vấn đề này cũng sẽ được nêu lại như một trong những vấn đề chính sách quan trọng nhất mà ngành tài chính cần giải quyết. 

Trước đó, những người vận động cho việc bỏ giới hạn này từng cảm thấy, với việc “nới trần” trong năm 2013, rất có thể vấn đề này còn được “treo” lại nhiều năm nữa.

Câu chuyện về bỏ hay không bỏ con dấu cũng là một ví dụ mà giới doanh nhân có thể cảm nhận về một tinh thần cải cách mới mà Chính phủ đang thúc đẩy. Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi nghe chuyên gia của Bộ trình bày, đích thân Thủ tướng đã nêu vấn đề bỏ con dấu như là một trong những ưu tiên trong vấn đề đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường.

Phát biểu trong hội thảo về vấn đề này tuần trước, nhiều chuyên gia giàu am hiểu về lĩnh vực đăng ký kinh doanh cho biết họ cảm thấy ngạc nhiên. Luật gia Cao Bá Khoát, một trong những người đồng hành cùng quá trình ra đời và hoàn thiện của Luật Doanh nghiệp thời gian qua, nói rằng cách đặt vấn đề và chỉ đạo của Thủ tướng khiến ông thật sự bất ngờ. 

Thậm chí, khi đó Thủ tướng đã nói đại ý rằng, “Bill Gates gửi thư mời Thủ tướng thì cũng có cần con dấu đâu”. Theo luật gia Cao Bá Khoát, đây là một chỉ dấu cải cách rất đáng chú ý.

Hồi đầu năm, thông điệp về cải cách thể chế đã được Thủ tướng nhấn mạnh trong bài viết được xem như một “thông điệp quốc gia”. Khi đó, Thủ tướng viết rằng trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại trong khi xã hội có không ít vấn đề bức xúc.

Một trong những nguyên nhân, theo Thủ tướng, là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, ông viết.

Khi bài viết này được công bố, không ít người băn khoăn liệu những thông điệp trong đó có thể được hiện thực hóa hay không. Sau khá nhiều năm nền kinh tế chững lại và không được chứng kiến những nỗ lực cải cách thể chế đáng kể, năm 2014 cuối cùng lại đang dần định hình vai trò một năm bản lề.

Trong nhiều năm liền, Chính phủ dường như đã đặt niềm tin và kỳ vọng quá nhiều vào khối doanh nghiệp nhà nước. Những chính sách ưu đãi, những sự hỗ trợ… liên tục được ban hành, nhưng giờ đây thì những sự thất bại lớn nhỏ đã được chứng minh. 

Có vẻ như Chính phủ đã nhận thấy, về lâu dài, chính cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mới là nền tảng, là động lực cho phồn vinh, ngay cả khi “kinh tế nhà nước” vẫn giữ vai trò chủ đạo, và việc một số doanh nghiệp nhà nước cần được ưu đãi để tiếp tục những vai trò mang tính công ích là có thể chấp nhận được.

Cải cách không chỉ cần bên trên

Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành từ tháng 3/2013 có thể được coi là văn bản cụ thể hóa thông điệp cải cách thể chế. Nghị quyết này và một loạt văn bản chỉ đạo điều hành được ban hành tiếp sau đó đã “đánh” trực diện vào những vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực thuế, hải quan, khởi sự kinh doanh và đất đai, xây dựng.

Các cuộc làm việc liên tục với các bộ ngành của Thủ tướng đã được tổ chức trong vài tháng qua và đối với báo giới, cuộc nào cũng có thêm những thông tin mới. 

Bên cạnh câu chuyện trần chi phí tiếp thị quảng cáo và bỏ con dấu mà VnEconomy đề cập ở trên, những câu chuyện khác được ghi nhận rộng rãi là việc Thủ tướng giao Bộ Tài chính giảm thời gian thực hiện các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp từ 537 giờ xuống còn 171 giờ trước ngày 30/9/2015, giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, bỏ visa…

Trong khi đó, ở Quốc hội, những nỗ lực để hoàn tất việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng đã và đang được tiến hành. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong các cuộc làm việc gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng việc ban hành hai Luật sửa đổi này sẽ là công việc ưu tiên của Quốc hội, như là một bước song hành với những nỗ lực cải cách thể chế của “bên Chính phủ”.

Tuy nhiên, nếu cải cách chỉ có từ bên trên, trong khi bên dưới không chuyển động, thì tiến trình đó chắc chắn sẽ kéo dài. 

Ông Lộc, người có mặt trong hầu hết các cuộc làm việc của Thủ tướng với các bộ ngành, nói chưa bao giờ cảm nhận một tinh thần cải cách mạnh mẽ như vậy từ Chính phủ và Quốc hội, nhưng cũng cảm thấy lo lắng vì không biết bộ máy bên dưới có “đồng tốc” hay không.

Những ví dụ từ các bộ cho thấy “dư địa” của cải cách là vẫn còn, vấn đề là thực sự các Bộ trưởng có quyết tâm cải cách hay không. Các Bộ trưởng ngồi ở Hà Nội, có thể dễ dàng cảm nhận sức nóng từ quyết tâm của Chính phủ. Nhưng “khoảng cách” từ Chính phủ đến các Chủ tịch tỉnh thành, trong bối cảnh phân cấp sâu rộng lại xa hơn thế và đó là điều mà ông Lộc cũng như nhiều doanh nhân lo ngại. 

“Ngay cả khi một chủ tịch tỉnh thành rất đồng lòng và quyết tâm cũng chính phủ, một chuyên viên cấp phòng hay một nhân viên kiểm hóa hàng ở một cửa khẩu có thể không thay đổi gì”, ông nhận xét.

Nhiều chuyên gia kinh tế và pháp lý, trong các hội thảo về chính sách, vẫn thường ví von rằng ở Việt Nam thì “con đường dài nhất không phải từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, mà là từ lời nói đến hành động”. Nếu cấp trên tăng tốc mà cấp dưới đủng đỉnh, cải cách sẽ luôn bị thử thách.

Tuy nhiên, đã đến lúc các bộ trưởng hay chủ tịch tỉnh thành không thể làm ngơ trước những sự “đủng đỉnh” của cấp dưới, khi Chính phủ nhận ra và biết sử dụng các công cụ đo lường, đánh giá độc lập, mà một ví dụ rất sinh động là việc Chính phủ quyết định đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào Nghị quyết 19 như là một tiêu chí đánh giá. 

Nghị quyết ghi rõ việc “yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các quy định do địa phương mình ban hành và tình hình thực hiện các quy định đó; đặt mục tiêu và lộ trình đến năm 2015 phấn đấu đạt mức của tỉnh, thành phố có PCI trong năm 2013 đã được xếp hạng ở mức cao”.

PCI là chỉ số mà chính các doanh nghiệp tại các địa phương tự đánh giá về năng lực cạnh tranh ở tỉnh đó, và những “lá phiếu” từ các doanh nghiệp chính là áp lực để các chủ tịch tỉnh thành nỗ lực đi theo con đường cải cách mà Chính phủ đã và đang phát động mạnh mẽ. Đó là con đường đòi hỏi sự “tận tâm” từ mỗi công chức, mỗi quan chức.

Giữa lúc những khó khăn vẫn chất chồng trên vai các doanh nhân trong cuộc khủng hoảng kéo dài, câu chuyện về hai chữ “tận tâm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt cho Chính phủ, cam kết với “giới công thương” từ những ngày nền độc lập còn trứng nước, vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Báo VN tố công an 'bôi nhọ' đất nước

BTTD: Sự thật mất lòng !

  • 27 tháng 10 2014

Công an Việt Nam (ảnh minh họa)

Trong một bài báo mới đăng hôm thứ Hai 27/10, báo Giáo dục Việt Nam công khai chỉ trích phương pháp phòng chống tội phạm của Công an TP HCM.
Các sai phạm của cán bộ chiến sỹ ngành công an gần đây không phải là không được phản ánh trên báo chí, nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi toàn ngành công an ở đô thị lớn nhất Việt Nam bị chỉ trích nặng nề như thế này.
Bài viết của tác giả Xuân Dương nói về "sáng kiến" phân phát tờ rơi cảnh báo tội phạm cho khách du lịch nước ngoài của công an thành phố.
Bài này đặt câu hỏi: "Công an TP HCM đã 'sáng tạo' ra kiểu bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thanh danh đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành Công an cả nước?"
Những tờ rơi mà Công an phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 TPHCM phát cho khách du lịch có nội dung khuyến cáo họ tự bảo vệ tài sản cá nhân ở nơi công cộng.
Trong đó có những câu như: "Tội phạm bạo lực rất thường xảy ra ở TP HCM. Hãy giữ túi của quý vị ở gần bên người, đừng mang trang sức quý và đừng phô trương máy ảnh hay điện thoại".
"Đừng tin đồng hồ trên xe taxi. Ăn chặn tiền của khách là nghệ thuật của các lái xe không trung thực. Hãy sử dụng các hãng taxi có uy tín như Vinasun và Mai Linh."
Theo Giáo dục Việt Nam, "đọc xong những dòng chữ in trên tờ rơi này, người Việt (và đương nhiên cả người nước ngoài) buộc phải cho rằng Công an TP HCM đã 'sáng tạo' ra phương cách 'tốt nhất' nhằm bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và cũng là bôi nhọ thanh danh chính đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành Công an cả nước".
Bài báo nhận xét việc công an sở tại lưu ý người nước ngoài rằng tại thành phố mình đang quản lý thường có tội phạm hay đồng hồ trên taxi không chính xác "thì mới thấy lần đầu tại TP HCM và Việt Nam".
"Không chỉ có thế, việc một cơ quan nhà nước khuyến cáo du khách chỉ sử dụng dịch vụ của hai hãng taxi Vinasun và Mai Linh còn là hành động vi phạm luật cạnh tranh trong kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố."

Nhiều lãnh đạo


Tờ rơi của Công an TP HCM

Báo Giáo dục Việt Nam cũng vạch ra một số bất cập khác trong hoạt động của Công an thành phố.
Báo này nói Công an TP HCM có tổng cộng tám vị lãnh đạo gồm bốn thiếu tướng và bốn đại tá.
"So sánh quân hàm và chức vụ công an với bên quân đội, bốn đại tá tương đương bốn sư đoàn trưởng, bốn thiếu tướng tương đương bốn tư lệnh/chính ủy quân đoàn hoặc tư lệnh/chính ủy binh chủng. Giả thiết một quân đoàn gồm 3 sư đoàn thì cấp bậc của lãnh đạo Công an TP HCM tương đương với cấp chỉ huy 16 sư đoàn chính quy!"
Bài báo đặt câu hỏi: "Với đội ngũ lãnh đạo cao cấp như thế, bên dưới là một lực lượng hùng hậu gồm công an phường, quận, thành phố, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, các đội săn bắt cướp và còn một trung đoàn cơ động (khoảng 600 chiến sỹ) từ Bộ Công an chi viện, vậy tại sao tình hình vẫn tồi tệ, không được cải thiện?"
Hiện Công an TP HCM chưa có phản hồi gì về chỉ trích trực diện này.
Giáo dục Việt Nam là tờ báo của Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Tuy nhiên báo này được biết là có nhiều bài viết về mảng quân sự-quốc phòng.
BBC

Để nạn ăn xin tồn tại: vai trò chính quyền ở đâu?



27/10/2014 16:39 GMT+7
TTO - Chính quyền ở đâu khi để nạn ăn xin tồn tại, thậm chí là để nạn chăn dắt ăn xin, ăn xin kiểu lừa đảo tồn tại? Có giải pháp nào giải quyết triệt để không?
Một người bò lê trên đường để xin tiền ở Hải Phòng - Ảnh: TTO
Đó là những câu hỏi bạn đọc đặt ra, phản hồi cho hai bài viết Có nên tiếp tục cho tiền người ăn xin? và "Tôi không cho tiền người ăn xin từ lâu rồi".
TTO xin trích đăng:
- Ta cần có các trung tâm bảo trợ, có tổ chức các lực lượng chuyên gom những người ăn xin về một nơi để phân loại nhằm nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của người đi ăn xin, từ đó có hướng giúp đỡ từng người thật cụ thể. Khi ta gom về địa điểm phân loại thì ăn xin giả sẽ lộ mặt, nạn ăn xin ngoài đường sẽ không còn!
Đỗ Việt Thắng
- Trách nhiệm này thuộc về Nhà nước. Nếu các địa phương có nạn ăn xin, chăn dắt thì lãnh đạo địa phương đó hãy từ chức hoặc bị bãi chức thì chắc chắn sẽ không còn vấn nạn này nữa.
Tuyen
- Tôi đã từng bị lừa khi cho người ăn xin. Họ lê chân đau đớn đi trên đường, nhưng khi nhận được tiền thì rảo chân bước qua đường không còn cảm giác đau đớn gì cả. Qua báo chí, tình trạng chăn dắt, ép buộc trẻ con và người già ăn xin vẫn chưa chấm dứt.
Tệ nạn này tại sao không chấm dứt, các cơ quan chức năng dẹp không được hay sự thờ ơ?
Tại Đà Nẵng có số điện thoại đường dây nóng "Ai phát hiện ăn xin gọi về số máy... được thưởng 200.000 đồng", nhờ đó hiện tượng ăn xin, vé số không còn.
Tại sao các địa phương khác không học tập làm theo cách này? Mong các vị lãnh đạo suy ngẫm và học tập.
Dương Văn Tuấn
- Tôi sẽ cho đúng người khổ hạnh và mong muốn chính quyền các địa phương phải có biện pháp xử lý các trường hợp lợi dụng lòng nhân đạo chiếm đoạt tiền của người khác.
Bùi Ngọc Phú
- Theo tôi, nên có sự góp sức từ nhiều phía. Xã hội phải tạo điều kiện việc làm cho những người xin ăn, nếu già cả, bệnh tật thì Nhà nước phải có trách nhiệm lo an sinh xã hội. Riêng chúng ta nên bỏ cách cho tiền, hãy cho họ việc làm, cho sự tự do, bài trừ nạn "chăn người".
Nguyễn Phương
- Đây rõ ràng là một tệ nạn xã hội, đề nghị Chính phủ ra lệnh cho chính quyền địa phương sớm vào cuộc để rà soát tất cả những người ăn xin trên địa bàn.
Nếu họ thật sự mất sức lao động, chính quyền phải có trách nhiệm đưa họ vào trung tâm để nuôi họ.
Ngược lại nếu họ không mất sức lao động, chính quyền phải giáo dục họ hoặc dạy nghề cho họ, hoặc nếu nặng có thể phạt vì tội lừa đảo.
Không thể để tình trạng này xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đất nước được.      
Thắng 
- Tôi thấy người ăn xin đa số là giả tạo, lười biếng, sống bằng suy nghĩ lợi dụng lòng thương hại của người khác...
Tất nhiên cũng có một số người có hoàn cảnh bi đát, đáng thương thật. Khi Nhà nước chưa đủ điều kiện chăm lo cho họ thì sự giúp sức của cộng đồng mà cụ thể là cho vài đồng tiền lẻ nghĩ cũng cần thiết.
Thi thoảng tôi cũng cho tiền người ăn xin nhưng dứt khoát phải có một trong hai "tiêu chí" đó là người già và tật nguyền.
Với trẻ con, tôi không hề cho vì hầu hết chúng bị lợi dụng từ bọn chăn dắt, thậm chí từ chính cha mẹ chúng.
Biết rằng "vàng thau lẫn lộn" nhưng việc cho tiền người ăn xin gần như là cách làm từ thiện gọn gàng, nhanh chóng nhất, việc còn lại là phải có sự thẩm định rõ ràng.
Quơ đũa cả nắm thì tội cho người có hoàn cảnh cơ hàn thật sự. Nhất là đừng đánh đồng sự gian dối mà đánh mất đi tình người, lòng bao dung, lá lành đùm lá rách truyền thống của dân tộc ta.
Nói về hai đối tượng người già và người tàn tật thì Nhà nước cũng như một số tổ chức, cá nhân đã có cơ sở chăm lo, nhưng dường như tính hiệu quả chưa cao. Tôi biết một vài người già đã từ bỏ trung tâm nuôi dưỡng để sống đời ăn xin mà theo họ là... thoải mái và đầy đủ hơn. Vậy có lẽ để giải quyết vấn đề, chúng ta cần xem lại cơ chế, chính sách này.
Bên cạnh đó báo chí cần đưa tin những cơ sở chăm lo tốt cho người già, người tàn tật để mọi người biết mà chung tay đóng góp.    
Thanh Vân  

Cô giáo uống thuốc sâu tự tử tại phòng hiệu trưởng



27/10/2014 19:46 GMT+7
TTO - Vụ việc xảy ra chiều 27-10 tại Trường tiểu học Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Cô giáo uống thuốc trừ sâu là H.T.B.Q (26 tuổi). 
Trường tiểu học Trung An, huyện Củ Chi - Ảnh: T.L
Trường tiểu học Trung An, huyện Củ Chi - Ảnh: T.L
Gần 15g ngày 27-10, nhiều giáo viên Trường tiểu học Trung An, huyện Củ Chi  nhận được tin nhắn của cô Q. với lời nhắn "vĩnh biệt các thầy cô trong trường".
Các thầy cô bước ra khỏi lớp học thì nhìn thấy thầy hiệu phó bồng cô Q. ra khỏi phòng cô hiệu trưởng đến phòng y tế của trường. Sau đó cô Q. được đưa đi cấp cứu.
Một số giáo viên cho biết trước đó, cô Q. nhiều lần thể hiện thái độ bức xúc với hiệu trưởng trường vì hai năm trước được đứng lớp, nhưng từ đầu năm học này, cô hiệu trưởng lại phân công cô Q. sang làm tổng phụ trách đội.
Theo Bệnh viện Nhân dân 115, khoảng 17g ngày 27-10, bệnh viện tiếp nhận cô Q. vào cấp cứu trong tình trạng mạch, huyết áp tạm ổn, nhịp tim hơi nhanh. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi tại phòng hồi sức của bệnh viện.
Trước đó, khoảng 15g cùng ngày, cô Q. được đưa vào cấp cứu tại Phòng khám đa khoa Tân Quy, huyện Củ Chi vì nghi uống thuốc trừ sâu.
Cô Q. được rửa dạ dày, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân 115.
Theo bản tường trình sự việc của bà P.T.K.Tr, hiệu trưởng Trường tiểu học Trung An, huyện Củ Chi gửi Phòng GD-ĐT huyện: “Lúc 15g5 ngày 27-10, trong lúc hiệu trưởng đang tiếp cha mẹ học sinh lớp 3/2 thì thấy cô Q đã nhiều lần qua lại phòng hiệu trưởng. Sau khi phụ huynh ra về, cô Q bước vào gửi tờ giấy và ngã ra la hét, trên tay cô Q. có cầm chai thuốc trừ sâu”.
Cũng trong văn bản, bà Tr. viết: “Do sáng nay, cô Q. chưa thực hiện hồ sơ sổ sách để sinh hoạt học sinh dưới cờ, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có mời lại để nhắc nhở, góp ý. Cô Q. nói chiều nay gửi đơn xin nghỉ”.
Được biết trước đó, tình trạng khiếu nại, thắc mắc kéo dài của một số giáo viên đã diễn ra tại Trường tiểu học Trung An. 
THÙY DƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG

Nhật Bản bắt thuyền trưởng tàu cá TQ

Nhật Bản hôm nay bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị tình nghi khai thác trộm san hô, sau một cuộc rượt đuổi ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế nước này.
fish2710e-1_1414424906.jpg
Tàu Zheling Yuyun 622 của Trung Quốc (giữa) bị nghi ngờ khai thác trộm san hô. Ảnh: AFP
Theo AFP, Cảnh sát Biển Nhật Bản hôm nay cho biết chiếc tàu mang số hiệu Zheling Yuyun 622 của Trung Quốc đã bỏ chạy sau khi phớt lờ yêu cầu tấp vào bờ một đảo thuộc quần đảo Ogasawara, cách Tokyo 1.000 km về phía nam.
Theo một thông cáo của Cảnh sát Biển Nhật Bản, sau cuộc rượt đuổi qua 12 km trong vòng 85 phút, lực lượng này đã khống chế tàu cá của Trung Quốc và bắt giữ thuyền trưởng Zeng Yong, 31 tuổi.
Truyền thông Nhật Bản trước đó đưa tin số lượng tàu thuyền đánh cá Trung Quốc bị nghi ngờ tìm kiếm san hô đỏ tại vùng biển ngoài khơi Ogasawaras đã tăng lên kể từ tháng trước. Đây là loại san hô có giá trị cao ở Trung Quốc vì được sử dụng làm đồ trang sức.
Tuần duyên Hàn Quốc hồi đầu tháng bắn chết một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc trong một cuộc truy đuổi ở biển Hoàng Hải, Bắc Kinh vô cùng phẫn nộ về vụ việc này.
Phương Vũ

Hoảng loạn vì người nghiện ở Sài Gòn

Giám đốc trung tâm cai nghiện bị học viên xin "đểu", chủ tịch thành phố không dám bước xuống xe khi thấy người nghiện..., người dân Sài Gòn đang hoảng loạn trước thực trạng người nghiện "chưa bao giờ kinh khủng như hiện nay".
20h, chị Trần Thị Lam Giang (30 tuổi, cán bộ trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn) về nhà trên đường Kinh Dương Vương (quận 6, TP HCM). Đường khá vắng, các cửa hàng hai bên cũng nghỉ sớm. 
Đang chạy khá nhanh, chị Giang bỗng thấy một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi, ăn mặc lịch sự đi xe Air Blade biển số 67, từ phía sau vọt lên. Anh ta đi song song với chị một đoạn ngắn rồi quay sang hỏi: "Về Long An đi đường nào hả em?". Thấy cô gái không trả lời mà rồ ga chạy nhanh hơn, người đàn ông đuổi theo, hỏi tiếp: "Hướng về An Lạc đi thẳng hả em?".
Giang không trả lời, chỉ gật đầu nhẹ. Ngay lập tức, hắn chửi thề và quát to: "Tao hỏi mà không trả lời hả mày" rồi nhanh chóng ép xe cô gái vào lề, đứng sát bên. "Có nhiêu tiền móc hết ra", gã đàn ông gằn giọng.
ma-tuy-4328-1413473789.jpg
Hình ảnh người nghiện chích ma tuý công khai ở công viên 23/9. Ảnh: Trần Duy.
Chị Giang bắt đầu hoảng loạn, vội lấy trong túi áo khoác bên trái tờ 500.000 đồng, run run đưa cho hắn. "Còn nữa, móc ra. Phía sau mày còn 2 thằng kìa. Tao kêu tụi nó xử mày bây giờ. Hay mày muốn tao chích mày một mũi", hắn quát và nhứ nhứ bàn tay trái có kẹp ống tiêm về phía cô gái.
Đến lúc này chị Giang mới nhận thấy cách đó không xa còn có hai thanh niên chở nhau trên chiếc xe máy, dừng bên đường. Thấy không thể kêu cứu, lại bị dí kim tiêm, chị đành lôi hết 2,5 triệu đồng đưa cho hắn.
"Hắn trông không có vẻ gì là nghiện ngập, ngược lại còn khá lịch sự. Nếu có người chạy qua thấy hắn đứng cạnh tôi chắc cũng nghĩ là bạn bè. May mắn là chiếc iPhone và một điện thoại khác còn ở túi áo bên phải không bị hắn lấy mất", chị Giang nói và cho biết sau đó đã đến Công an phường 13, quận 6 trình báo thì được cảnh sát cho hay cũng có vài người gặp cảnh tương tự.
Cũng gặp tình huống hoảng hồn vì người nghiện, song chị Thảo Nghi (25 tuổi) may mắn hơn khi không bị mất tài sản. Chị kể, tối 20/10 sau khi hết giờ làm việc ở quận 7 chị đi xe máy về và ghé vào một tiệm in ấn trên đường Lý Thái Tổ (quận 3). Khoá xe cẩn thận, chị vào trong nói chuyện với cô nhân viên cửa hàng thì bất chợt thấy một người đàn ông mặc sơ mi xám, bộ dạng luộm thuộm đang chễm chệ trên yên xe mình. Cô gái sợ đến nỗi không thở được khi hắn đưa tay chỉ vào xe và ra hiệu đưa chìa khoá cho hắn. "Tôi thất kinh hồn vía khi nhìn hắn lờ đờ, gương mặt rất dại", chị Nghi cho hay.
"Chị ra giữ xe đi, nó nghiện đó, nó lấy xe đó", cô nhân viên cửa hàng la toáng lên khiến chị Nghi cũng hét theo và chạy gần đến chiếc xe. Gã đàn ông bỗng nhiên chắp tay lạy và giơ 2 tay lên cho cô gái xem. “Lúc này tôi mới nhìn kỹ, 2 tay và người hắn loang lổ vết máu”, chị Nghi kể, giọng vẫn run run.
Sợ tên này có ống tiêm trong người, chị Nghi không dám lại gần mà chỉ đứng hô hoán. Lúc này, một nam thanh niên trong cửa hàng in cầm chiếc ghế sắt lao ra giương về phía gã đàn ông doạ nạt. Gã thanh niên không tỏ vẻ sợ sệt mà chỉ lừ đừ bước xuống xe, lẳng lặng quay đi như không có chuyện gì.
“Với tình hình nghiện ngập tràn lan ở Sài Gòn, tôi từng chuẩn bị tinh thần, cách phản ứng nếu bị người nghiện cướp xe bằng kim tiêm. Nhưng quả thật, có đụng chuyện mới biết không thể bình tĩnh, chỉ biết kêu cứu", chị Nghi nói.
Tệ nạn nghiện ma túy, vô tư chích hút từ khu trung tâm cho đến các con hẻm được lãnh đạo TP HCM đánh giá là "chưa bao giờ kinh khủng như hiện nay". Dù rất sốt ruột, song chính quyền không thể làm gì bởi vướngthủ tục. Không chỉ người dân hoảng loạn mà ngay cả Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng bất an khi đối diện với người nghiện.
“Hôm đó tôi xuống quận 2 làm việc, ngay chỗ cây cầu sắt. Thấy một anh người thì xăm trổ, tay cầm ống tiêm ngồi trên cầu tôi cũng hoảng, không dám bước xuống xe", ông Quân cho biết tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện.
Hay trước đó, cũng trong một buổi họp, vị giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thuật lại câu chuyện "giám đốc trung tâm cai nghiện bị con nghiện xin tiền" khiến nhiều người giật mình. Tình huống xảy ra khi ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa về nhà. Gặp người từng là học viên cai nghiện ma túy trước cổng, ông Sơn dừng lại hỏi thăm cuộc sống của người này thì nhận được câu trả lời: "Tái nghiện hết trơn rồi. Chú cho con mượn năm chục (50.000 đồng)".
leonocnha-3289-1414129570.jpg
Dân sau khi tỉnh táo tại cơ quan công an. Ảnh: H.V
Chỉ ra nguyên nhân khiến tình hình an ninh trật tự đang diễn biến phức tạp, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm nói: "TP HCM là nơi đông người nghiện nhất cả nước. Có đến 60% các vụ phạm pháp hình sự là do người nghiện gây án".
Hồi giữa tháng 8, Kiều Công Dân (36 tuổi, ngụ Hải Phòng) sau khi phê ma tuý đá đã lững thững đi đến phòng bảo vệ của bến xe khách Hoàng Long tại phường Hiệp Bình Chánh “kiếm chuyện”. Hắn la hét, đe doạ đuổi hết bảo vệ rồi chốt cửa lại. Ít phút sau, tên này trèo lên bồn nước tầng hai của văn phòng và chui vào trong bồn nằm đến tối.
Khi thanh tra của bến xe khách trèo lên yêu cầu Dân phải xuống, gã đàn ông nổi giận, chửi bới rồi bắt đầu chạy nhảy, giẫm đạp làm hư hại mái nhà. Hắn nhặt một đoạn sắt trên nóc, đập phá nhiều thiết bị của văn phòng bến xe. Nhận được tin báo, cảnh sát đã đến thuyết phục suốt nhiều giờ nhưng tên này không hợp tác, tiếp tục đập phá đồ đạc. Đến rạng sáng hôm sau, sau khi “quậy tưng” trên nóc, người đàn ông này trượt ngã và bị cảnh sát khống chế.
Tỉnh lại ở trụ sở công an, Dân khai do sử dụng ma tuý đá, gây ảo giác nên quậy phá. Cảnh sát xác định, người này từng làm bảo vệ tại đây nhưng do nghiện ngập nên bị đuổi việc. Từ đó hắn sống lang thang trên các đường phố Sài Gòn. Công an quận Thủ Đức đã cáo buộc người này về tội Huỷ hoại tài sản.
Cũng gây án trong cơn nghiện, mới đây, Đặng Văn Tuấn (44 tuổi) đã khoá cửa, đánh nhiều cái vào đầu người tình rồi siết cổ đến khi nạn nhân tắt thở. Hai ngày sau, khi thi thể cô gái bắt đầu phân huỷ, Tuấn kéo vào nhà vệ sinh, phân xác rồi bỏ vào 2 túi nylon dán kín miệng, cho vào bao tải đem vứt đầu hẻm 592 đường Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, quận 1). Riêng phần đầu, tên này đem đến khu đất trống cỏ mọc um tùm dưới chân cầu Lò Gốm, phường 10, quận 6, để chôn giấu.
Báo cáo trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP HCM chiều 6/10, Phó giám đốc Công an TP HCM Phan Anh Minh cho biết, thành phố hiện có hơn 19.000 người nghiện, tăng hơn 7.000 so với năm trước. Từ đầu năm đến nay, thành phố không đưa được người nào đi cai do vướng Luật xử lý vi phạm hành chính (ban hành ngày 1/1). Theo văn bản này, để đưa người nghiện đi cai phải thông qua nhiều cửa gồm: y tế, công an, lao động và cuối cùng tòa án sẽ lập hồ sơ quyết định. Cơ sở y tế chứng nhận làm chứng nhận cho người nghiện phải có chứng chỉ riêng của Chính phủ. Nhưng theo ông Minh, hiện cả TP HCM không có cơ sở y tế nào đạt tiêu chuẩn như vậy. Do không được đưa đi cai, người nghiện tụ tập thành băng nhóm, tổ chức các vụ phạm pháp hình sự.
Trước vướng mắc này, ngày 21/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong kỳ họp Quốc Hội, đoàn Đại biểu TP HCM đã kiến nghị Quốc Hội giao cho thành phố quản lý cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người cai nghiện trong khi chờ thành lập hồ sơ đưa tòa án xem xét ra quyết định đưa đi cai nghiện tập trung.
Kiến Tường - Trung Sơn

3 năm không làm xong 30m cầu

Hết hạn lại... gia hạn tiếp

(Dân trí) - Hết thời hạn thi công, cầu Đen vẫn chưa hoàn thành. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định gia hạn thời gian hoàn thành cầu đến cuối năm 2015.
Như Dân trí đã thông tin, công trình Cầu Đen (bắc qua Kênh thấp nối xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên với phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Trung Việt thi công. Công trình có chiều dài 39m, tổng giá trị đầu tư hơn 53 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng (từ 7/12/2011-7/6/2013). Tuy nhiên, hết thời gian nhưng công trình vẫn không được hoàn thành nên được gia hạn đến 30/9/2014. 
3 năm không làm xong 30m cầu: Hết hạn lại... gia hạn tiếp
Hết thời gian gia hạn lần thứ 1, công trình cầu Đen vẫn mới chỉ hoàn thành được việc khoan cọc nhồi trụ cầu T2.
Nguyên nhân được chủ đầu tư đưa ra là do năng thực yếu của nhà thầu thi công và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và không được bố tri nguồn vốn. Việc thi công cầu Đen đã khiến lòng sông bị co hẹp do nhà thầu đắp đất để đặt máy khoan nhồi cọc, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, gây cản trở dòng chảy của sông.
Trước tính hình đó, UBND huyện Hưng Nguyên đã giao BQL dự án chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các cọc khoan nhồi còn lại của trụ cầu T2 để thanh thải lòng sông trước mùa bão lụt 2014, chậm nhất là ngày 15/9/2014. Trong trường hợp nhà thầu chưa hoàn thành việc thanh thải lòng sông trước ngày 15/9, làm ách tắc dòng chảy trong mùa lũ lụt, gây hậu quả thì Công ty TNHH Trung Việt phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. 
Công trường cầu Đen vắng lặng, không còn bóng dáng máy móc cũng như công nhân làm việc.
Công trường cầu Đen vắng lặng, không còn bóng dáng máy móc cũng như công nhân làm việc.
Công văn của UBND huyện Hưng Nguyên cũng khẳng định “Đến ngày 30/9/2014, nhà thầu thi công không hoàn thành các hạng mục công trình theo tiến độ đã cam kết, UBND huyện Hưng Nguyên sẽ chấm dứt, thanh lý hợp đồng, lựa chọn nhà thầu khác có đủ năng lực để tiếp tục thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng”.
Tuy nhiên, có mặt tại công trình thi công cầu Đen vào cuối tháng 10/2014, chúng tôi không ghi nhận được bất kỳ hoạt động thi công nào ở đây. Các thiết bị, máy móc phục vụ cho thi công đã được rút khỏi công trường. Ụ đất được nhà thầu đắp để thi công vẫn chưa được thanh thải, choán hết nửa lòng sông. Sau đợt mưa lớn, mực nước sông dâng cao, chảy cuồn cuộn. Dòng nước chảy với áp lực lớn, bị ụ đất ngăn lại, biến đổi dòng chảy xói thẳng vào bờ sông phía đối diện gây nên 2 điểm sạt lở, đất và cây cối bị xói lở trôi xuống dòng nước.
Công trường cầu Đen vắng lặng, không còn bóng dáng máy móc cũng như công nhân làm việc.
Việc thanh thải lòng sông vẫn chưa được thực hiện dù đã qua thời hạn 15/9/2014 mà chủ đầu tư đưa ra.
Trao đổi với chúng tội, ông Nguyễn Văn Hào – Trưởng BQL dự án huyện Hưng Nguyên cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, đơn vị thi công đã hoàn thành việc khoan cọc nhồi trụ cầu T2. Việc không thanh thải lòng sông, theo ông Hào là chưa thực sự cần thiết bởi hiện mưa lũ chưa lớn, mực nước sông chưa dâng cao, ụ đất nhà thầu đắp để thi công chưa cản trở dòng chảy, gây ách tắc trong việc tiêu thoát nước. “Lúc nào nước lũ lớn thì thanh thải lòng sông”, ông Trưởng BQL dự án cho biết?
Trước câu hỏi của PV về việc thanh thải lòng sông lúc nước lũ dâng cao liệu có kịp và đảm bảo an toàn không? Ông Nguyễn Văn Hào cho rằng, lúc cần, chỉ cần dỡ các cọc sắt bao quanh ụ đất, tự nước lũ sẽ cuốn số đất đá này đi (?!).
Do dòng chảy bị ngăn, áp lực nước lớn khiến tình trạng xói lở bờ sông đã xảy ra.
Do dòng chảy bị ngăn, áp lực nước lớn khiến tình trạng xói lở bờ sông đã xảy ra.
Việc hoàn thành công trình cầu Đen theo thời hạn gia hạn lần thứ nhất (ngày 30/9/2014) là hoàn toàn không thể thực hiện được. Mới đây, ngày 15/10/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành công trình này. Theo đó, công trình cầu Đen sẽ được gia hạn thời gian hoàn thành đến 31/12/2015. 
Do dòng chảy bị ngăn, áp lực nước lớn khiến tình trạng xói lở bờ sông đã xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hóa - Trưởng BQL dự án huyện Hưng Nguyên cho rằng việc thanh thải lòng sông là chưa cần thiết và có thể làm khi mưa lũ về.
Như vậy, thay vì 18 tháng như kế hoạch dự án được phê duyệt, sau 2 lần gia hạn, công trình này sẽ mất tới 36 tháng thi công. Mặc dù vậy, việc hoàn thành công trình này theo thời gian gia hạn lần 2 cũng sẽ khó cán đích nếu không được bố trí nguồn vốn để thi công. Ban đầu, theo dự án được phê duyệt thì công trình này có tổng giá trị xây lắp là hơn 35 tỷ đồng. Sau khi gai hạn lần 1, số vốn đề thực hiện “đội” lên 53 tỷ đồng. Trong thời gian gia hạn hơn 1 năm tiếp theo liệu công trình này có tiếp tục đội vốn?
Hoàng Lam