Trang

24 tháng 8, 2014

Trung Quốc lá mặt lá trái

BTTD: TQ là hiểm họa của hòa bình thế giới

TT - Vụ chiến đấu cơ Trung Quốc chặn máy bay do thám Mỹ tại không phận quốc tế ở biển Đông cho thấy rõ phản ứng lá mặt lá trái của Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải và hàng không.

Máy bay Mỹ chụp ảnh chiếc chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc khi nó áp sát - Ảnh: Reuters
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên máy bay, tàu Trung Quốc và Mỹ va chạm nhau trong khu vực được xem là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Bắc Kinh. Tháng 4-2001, một máy bay chiến đấu F-8 của Trung Quốc đã áp sát một máy bay do thám EP-3E của Mỹ trên bầu trời biển Đông. Cú va chạm khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và chiếc máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Bắc Kinh giam giữ 24 thành viên phi hành đoàn Mỹ trong 11 ngày và đòi Washington phải xin lỗi.
Tháng 3-2009, tàu thăm dò USNS Impeccable của hải quân Mỹ tới hoạt động trong EEZ của Trung Quốc trên biển Đông. Khi đó năm tàu chiến Trung Quốc đã tới bao vây tàu USNS Impeccable để ép tàu Mỹ phải rời khỏi khu vực trên. Thậm chí tàu Trung Quốc còn thả nhiều thanh gỗ lớn xuống biển để phá hoại tàu USNS Impeccable.
UNCLOS không quy định rõ ràng
Trung Quốc chỉ trích Mỹ
Hôm qua, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng máy bay J-11 của nước này chặn đầu nguy hiểm chiếc P-8 Poseidon của Washington là ”không có cơ sở”.
Theo Tân Hoa xã, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định chiếc J-11 “giám sát ở khoảng cách an toàn” và tố cáo “chiến dịch do thám quy mô lớn của Mỹ là nguồn gốc của các tai nạn đe dọa an ninh hàng không và hàng hải”.
Sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh triển khai tàu khu trục tên lửa USS Chung-Hoon tới biển Đông bảo vệ tàu Impeccable. Hồi tháng 12-2013, một tàu đổ bộ của hải quân Trung Quốc đã áp sát tàu khu trục tên lửa USS Cowpens của Mỹ khi nó đang quan sát một cuộc tập trận của Trung Quốc trên vùng biển quốc tế ở biển Đông. Tàu USS Cowpens đã phải né để tránh va chạm.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định rất rõ về quyền của một quốc gia trong các vùng nội thủy, lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải. Tuy nhiên, UNCLOS không đề cập một cách rõ rệt tới vấn đề pháp lý của các hoạt động quân sự trong phạm vi EEZ. Do đó mỗi quốc gia có cách hiểu khác nhau về vấn đề này.
Washington luôn khẳng định quan điểm quân đội Mỹ được phép hoạt động “ở vùng biển bên ngoài vùng nước lãnh thổ của quốc gia khác mà không cần thông báo trước, bao gồm EEZ”. Ngược lại, Bắc Kinh tuyên bố mọi hoạt động quân sự của nước ngoài trong EEZ của quốc gia này là bất hợp pháp “theo luật pháp Trung Quốc”. Trung Nam Hải không ít lần yêu cầu Nhà Trắng ngừng các hoạt động quân sự trong EEZ của Trung Quốc.
Điều đáng nói là trong khi phản đối nước ngoài hoạt động trong EEZ nước mình, Bắc Kinh ngang nhiên do thám ở EEZ các nước khác. Năm 2012, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên thực hiện chiến dịch do thám trong EEZ của Mỹ ngoài khơi đảo Guam và đảo Hawaii. Một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiết lộ thông tin này ở Diễn đàn Shangri-La tại Singapore hồi năm 2013 và cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai.
Mới đây nhất, trong cuộc tập trận RIMPAC diễn ra ở Hawaii hồi tháng 7, Trung Quốc đã cử một tàu do thám lớp Dongdiao tới gần Hawaii để theo dõi mọi hoạt động của hải quân các nước. Khi đó, đô đốc Samuel Locklear - tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) - tuyên bố hoan nghênh sự hiện diện của tàu do thám Trung Quốc. “Đây là một quyền cơ bản của các nước - đô đốc Locklear nhấn mạnh - Còn chính quyền Bắc Kinh khẳng định hoạt động của tàu do thám này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Lá mặt lá trái
Báo cáo tháng 6-2013 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC) khẳng định quân đội Trung Quốc cũng thường xuyên do thám, thu thập thông tin tình báo ở EEZ các quốc gia khác. “Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại EEZ nước ngoài chắc chắn sẽ leo thang khi quân đội nước này đang tiếp tục hiện đại hóa lực lượng và cải thiện năng lực hoạt động tầm xa” - báo cáo viết. Trong vài năm qua, hải quân Trung Quốc liên tục tập trận ở Tây Thái Bình Dương và biển Đông.
USCC chỉ ra rõ rằng Bắc Kinh dùng luật nội địa để cấm cản hoạt động quân sự nước ngoài trong EEZ Trung Quốc, nhưng sẵn sàng viện dẫn các thông lệ và quy định quốc tế để biện minh hành vi triển khai lực lượng quân sự tới EEZ các quốc gia khác. Đây cũng là chiêu trò Bắc Kinh thường xuyên viện tới để biện minh cho các hành vi khiêu khích trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Trước vụ chiếc chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc chặn đầu máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ hôm 19-8 trên bầu trời biển Đông, Chính phủ Nhật từng nhiều lần lên tiếng báo động về tình trạng Bắc Kinh triển khai máy bay chiến đấu chặn máy bay quân sự Tokyo trên bầu trời biển Hoa Đông.
Bắc Kinh không hề tỏ ra e ngại một cuộc đối đầu trên biển hay trên bầu trời. Hôm 19-8, chiếc J-11 bay chỉ cách chiếc P-8 Poseidon từ 6-9m. Nhiều khả năng những cuộc đụng độ tương tự sẽ tái diễn và lần tới, rất có thể một cú va chạm như năm 2001 lặp lại và căng thẳng sẽ bùng lên.
HIẾU TRUNG

Ukraine:Lykhai phản đòn, Poroshenko mang gì đến gặp Putin?

BTTD: Uknaina ngắc ngoải giữa Nga và EU.
(Quan hệ quốc tế) - Phe ly khai tổ chức chiến dịch tổng phản công, ưu thế quân sự tạm có được đã mất, Tổng thống Poroshenko sẽ đem gì lên bàn đàm phán với ông Putin?
Cuộc phản công của người ly khai
ngày 24/8/2014 đánh dấu một bước chuyển trong cuộc nội chiến ở Ukraine, khi phe ly khai bắt đầu tổ chức cuộc tổng phản công tại tất cả các thành phố mà quân đội chính phủ đang giành thế thượng phong.
Tại hai thành phố Severodonetsk nằm ở tây bắc Lugasnk và Debaltseve, đông tỉnh Donetsk, giáp với Lugansk, dân quân tự vệ đã tiêu diệt những toán quân đi lẻ của Ukraine.
Tại thành phố Azov, nơi có cảng biển ở đông nam Ukraine, lực lượng ly khai tổ chức những cuộc tấn công ồ ạt và rầm rộ. Nếu chiếm được thành phố này, việc thông quan trên biển sẽ được kiểm soát và quân đội quốc gia sẽ bị đẩy lùi khỏi vùng biên giới giáp với Nga.
Một thông tin từ phía Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho biết họ đang cô lập và bao vây khoảng 5.000 lính Ukraine, 50 xe tăng, 200 xe bọc thép, 50 pháo đa nòng Grad Uragan, 100 súng pháo, súng cối, cùng nhiều máy bay trực thăng tấn công, vận tải các loại ở một khu vực thuộc Donetsk.
Lực lượng ly khai bên xe bọc thép ở ngoại ô Donetsk
Lực lượng ly khai bên xe bọc thép và súng phòng không ở ngoại ô Donetsk
Lực lượng bị bao vây này thuộc các đơn vị Quân đoàn số 8, Lữ đoàn súng trường cơ giới số 28 và 30, Lữ đoàn không vận số 95, và các tiểu đoàn Aidar, Donbass, Shakhterk...
Ngoài ra, phe ly khai cũng bắt đầu tấn công vào một đơn vị quân đội 2.000 lính với 30 xe tăng, 60 xe thiết giáp chiến đấu, 60 súng cối.
Kiev vây hãm của quân đội tại thành phố Olenovskoye, lực lượng ly khai cũng bắt đầu chiến dịch phá vây.
Tổng chỉ huy quân đội Cộng hòa Donetsk tự xưng cho biết họ đã có một thay đổi mang tính bước ngoặt về chiến lược tác chiến. Thay vì các hoạt động du kích nhỏ lẻ, trong những ngày bị vây hãm và tập kích, phe ly khai đã chủ động rút lui và sau đó tập trung sức mạnh và có những đòn giáng trả đích đáng.
Theo nguồn tin quốc phòng của Ukraine, phe ly khai đã thành lập được ít nhất ba lữ đoàn bộ binh, một trung đoàn tình nguyện gồm các binh lính quân đội đào ngũ và sự kết hợp của những người dân vùng Donbass.
Ưu thế chiến trường đang rời bỏ Kiev
Cục diện chiến trường đã đột ngột thay đổi sau một đêm, khi chỉ trước đó một ngày, trong khi tiếp bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Poroshenko còn khẳng định đanh thép rằng họ đã rất gần với chiến thắng và những người phương Tây hoàn toàn có thể tin tưởng được vào một đất nước Ukraine thống nhất lãnh thổ và nhất quán quan điểm ngả theo EU.
Ưu thế trên chiến trường chính là con át chủ bài để Tổng thống Poroshenko đặt lên bàn đàm phán với Tổng thống V.Putin tại Minsk (Belarus) sắp tới, tuy nhiên, giờ đây họ đã đánh mất.
Xe tăng của quân ly khai treo cờ của quốc gia "Nước Nga mới" - nhà nước tự xưng của Donetsk và Lugansk
Nhiệm vụ của ông Poroshenko sẽ phải đưa ra đủ những lý lẽ để thuyết phục Nga chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với những điều kiện có lợi cho Kiev và EU, thậm chí là lời hứa không hỗ trợ lực lượng miền Đông và rút quân đội khỏi biên giới. Đặc biệt là khả năng nối lại nguồn cung năng lượng cho Ukraine vốn đã bị cắt từ tháng 6/2014.
Tuy nhiên, trong tình thế này, ông Poroshenko đã mất quân cờ chủ lực ngay trước khi gặp được người đứng đầu nước Nga. Vậy người Ukraine có thể mang gì lên bàn đàm phán?
Nhìn vào tình trạng của chính quyền Kiev lúc này thì khó có thể nói mạnh. Chính trường Kiev đang là một mớ bòng bong khi liên minh cầm quyền và Quốc hội đã bị giải tán, những nghị sĩ, các nhà tài phiệt, các quan chức quân đội bắt đầu tham gia vào một cuộc tranh giành ảnh hưởng mới để có thể đảm bảo lợi ích của mình trong cuộc bầu cử vào tháng 10 tới.
Về kinh tế, Ukraine ngày càng kiệt quệ, đặc biệt với vấn đề mùa đông sắp đến gần, bản thân Thủ tướng Arseny Yatseniuk đã phải thừa nhận rằng Ukraine sẽ không trụ qua mùa đông nếu không có 5 tỷ mét khối khí đốt từ Nga. Trong khi Ukraine vẫn chưa thể trả được món nợ khí đốt gần 5 tỷ USD với Nga trước đó.
Chiến trường mất lợi thế, kinh tế bi đát, chính trị khủng hoảng… Phải nói rằng Tổng thống Poroshenko không còn quân bài nào hữu dụng trong tay để mang đi thương thuyết với ông Putin.
Phương Tây có thể làm gì để cứu Kiev?
Điểm sáng duy nhất với Tổng thống Poroshenko lúc này là lời hứa của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm ngày 23/8/2014. Bà Merkel khẳng định Berlins luôn ủng hộ Kiev, đồng thời đã tặng Kiev một lời hứa về khoản tiền 500 triệu euro viện trợ.
Những chiến binh ly khai được vũ trang chuyên nghiệp đứng gác tại một chốt chặn trong một thành phố ở miền đông
Những chiến binh ly khai được vũ trang chuyên nghiệp đứng gác tại một chốt chặn trong một thành phố ở miền đông
Thoạt nhìn có thể cho rằng EU đang tích cực hơn với những lời hứa của mình, nhưng để cầm được đồng tiền của những nhà tư bản lão luyện và thực dụng này, Ukraine có lẽ sẽ rơi vào cảnh há miệng mắc quai.
Vì sao Đức hứa cho tiền Ukraine trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Putin? Có thể giả định được hai lý do. Thứ nhất, Đức muốn Ukraine đừng làm Nga...nổi giận.
Tuần vừa qua, một phát ngôn từ quan chức của Đức, ông Stefan Meister thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại rất đáng chú ý.
Ông Meister đã nói: “Nhằm có được một sự thỏa thuận với Nga, bạn cần những hành động thiết thực của Ukraine. Tôi có cảm giác ông Putin sẵn sàng nói chuyện nhưng ông ấy không thể bị mất mặt”. Và vị quan chức ngoại giao này khẳng định thêm: “Nước Nga sẽ có thêm nhiều hành động khó lường khi Tổng thống của họ bị động chạm đến lòng danh dự.”
Thực tế thì nước Nga đã từng nổi giận trong việc Kiev nhùng nhằng kéo dài thời gian, gây khó dễ cho đoàn xe nhân đạo. Và kết quả là những chiếc xe này đã tự động vào lãnh thổ Ukraine để cứu trợ và rời đi như chỗ không người. Thậm chí, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã khẳng định: “Chúng tôi không thể kiên nhân hơn nữa, nước Nga đang bị Nước Nga đang bị chính quyền Kiev xúc phạm. Đây là một sự dối trá trắng trợn.”
Bà Angela Merkel vừa gặp ông Poroshenko và mang tới món quà là lời hứa hỗ trợ 500 triệu euro
Bà Angela Merkel vừa gặp ông Poroshenko và mang tới món quà là lời hứa hỗ trợ 500 triệu euro
Vậy nếu trong cuộc gặp tại Minsk, ông Putin bị ông Poroshenko chọc giận, rất có thể những hành động tiếp theo sẽ không nhằm vào Ukraine mà nhằm vào chính EU, khi mà cuộc chiến kinh tế với những biện pháp trừng phạt lẫn nhau đang mới chỉ qua đoạn dạo đầu và đôi bên đều có những thiệt hại.
Tuy nhiên, EU không muốn có thêm một hình thức trả đũa nào nữa, bởi bản thân liên minh này đang đứng trước nguy cơ bất hòa do những thiệt hại kinh tế mà họ đang phải gánh chịu. Đặc biệt là Đức, vốn đang có một sự hợp tác kinh tế rất tốt với nước Nga.
Trường hợp thứ hai, Đức thực tâm muốn giúp Ukraine. Và EU hiện tại cũng chỉ có Đức là đủ khả năng viện trợ nhanh chóng, bởi nền kinh tế của họ phát triển nhất, được coi là đầu tàu kinh tế của liên minh này. Nhưng với nửa tỷ euro Kiev sẽ có thể làm gì? Trả nợ Nga không đủ, tái thiết đất nước càng không, bởi Kiev từng kêu gọi hỗ trợ lên tới hơn 10 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế quốc gia này.
Điều duy nhất có thể làm là nuôi dưỡng chiến phí một cách cầm chừng cho cuộc nội chiến mà Kiev đang sa lầy.
Chưa kể đến trường hợp lời hứa của người Đức tiếp tục như những lời hứa hão mà phương Tây đã dành cho Ukraine suốt từ thời kỳ bắt đầu khủng hoảng cuối năm 2013 cho đến nay.
Trên thực tế thì, cái duy nhất mà Tổng thống Poroshenko có thể đặt lên bàn đàm phán với Tổng thống Putin là… mùa đông nước Nga.
Đỗ Minh Tú

Nữ CSGT: Cả tập thể làm, sao chỉ mình tôi bị truy tố?

Đăng Bởi  - 

Trang khai: Lính chỉ chấp hành chứ không có ý kiến gì hết, vì đã nhận sự chỉ đạo phân công của cấp trên
Trang khai: Lính chỉ chấp hành chứ không có ý kiến gì hết, vì đã nhận sự chỉ đạo phân công của cấp trên

“Một mình bị cáo không thể nào làm được mà phải một tập thể. Tại sao những người khác chỉ bị xử lý hành chính còn bị cáo thì bị truy tố?”. Nữ cảnh sát giao thông Lê Thị Minh Trang  thắc mắc như vậy tại phiên tòa xét xử về tội tham ô tài sản sáng nay.
Sáng 22.8, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã mở lại phiên tòa đưa bị cáo Lê Thị Minh Trang (SN 1984, trú Nha Trang, nguyên thiếu úy phòng PC67 Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa) ra xét xử về tội “tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Mặc dù tòa triệu tập 178 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cùng 767 người làm chứng nhưng chỉ có 4 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, với 15 nhân chứng đến tòa. Sau khi hội ý tòa đã quyết định xét xử.
Thất thoát hàng tỷ đồng
Theo cáo trạng, Trang công tác tại Đội đăng ký, quản lý phương tiện thuộc Phòng PC 67 (Công an tỉnh Khánh Hòa) được giao nhiệm vụ thu tiền phí, lệ phí đăng ký biển số xe ô tô. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Trang đã có hành vi gian dối trong việc thu tiền phí, lệ phí để chiếm đoạt tiền và gây thất thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, trong thời gian từ ngày 1.1.2008 đến ngày 31.5.2011, Trang đã thu tiền phí lệ phí đăng ký xe mô tô sai với quy định của nhà nước 9.508 xe. Chiếm đoạt 41.600.000 đồng và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tổng số tiền 2.036.618.083 đồng.
Cụ thể, thu thừa 35 xe, gây thiệt hại cho chủ phương tiện 7 triệu đồng, thu thiếu 9.473 xe, gây thất thu cho ngân sách nhà nước 2.069.000.000 đồng. Trong đó, cơ quan điều tra thu được 150 tờ biên lai (liên 2) thể hiện số tiền Trang ghi ở liên 2 cao hơn số tiền ghi ở liên 1 và liên 3.
Qua đó Trang chiếm đoạt số tiền 41.600.000 đồng. Số tiền còn lại 2.027.400.000 đồng, mặc dù Trang khai nhận có chiếm đoạt, cũng với phương thức thủ đoạn nêu trên, nhưng cơ quan điều tra không thu được liên 2 của biên lai thu tiền phí, lệ phí và các giấy hẹn có ghi tắt số tiền phải nộp của mỗi xe nên không đủ cơ sở chứng minh Trang chiếm đoạt số tiền này.
Tuy nhiên, Trang phải chịu trách nhiệm về việc gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền 2.027.400.000 đồng và thu thừa 35 xe gây thiệt hại cho chủ phương tiện 7 triệu đồng.
Số tiền lệ phí đăng ký biển số xe mô tô thu được, Trang gửi một phần vào tài khoản cá nhân của Trang tại ngân hàng từ ngày 10.9.2008 đến ngày 15.4.2010 tổng cộng 328 triệu đồng, số tiền lãi phát sinh là 2.218.083 đồng. Toàn bọ số tiền này Trang đã sử dụng vào mục đích cá nhân.
"Làm theo chỉ đạo của cấp trên"
Tại phiên tòa, Trang khai chỉ biết thu chứ không rõ quy định. Tòa hỏi việc ghi chênh lệch nhằm mục đích gì? Trang bảo không nhằm mục đích gì mà ghi theo sự chỉ đạo đã có từ trước đó. Bị cáo chỉ làm theo và người lãnh đạo trực tiếp là bà Phạm Thị Khánh (đội phó). Số tiền thu được hàng ngày, Trang cũng giao nộp cho bà này, nếu bà này vắng mặt thì nộp cho một đội phó khác hay đội trưởng trực ngày đó.
Tòa hỏi: “Giao có ký nhận không?”, Trang khai: Lính chỉ chấp hành chứ không có ý kiến gì hết, vì đã nhận sự chỉ đạo phân công. Tòa truy tiếp: “Tiền chênh lệch hàng ngày ai kiểm tra, kiểm soát?, Trang khai: Cuối ngày giao lại biên lai, lãnh đạo kiểm đếm tiền. 
Tòa hỏi: “Tiền của mình thu sao giao cho người khác đếm? , Trang bảo: “Đó là mệnh lệnh, không được ý kiến, bị cáo mới bước chân vào đi làm, cấp trên nói phải nghe theo, việc làm của bị cáo có sự giám sát của lãnh đạo”.
Tại phiên tòa Trang cũng cho rằng tiền mà bị cáo gửi ngân hàng, đứng tên của bị cáo cũng do bà Khánh chỉ đạo gửi vì để ở đội sợ đồng nghiệp mượn và mang biên lai về nhà viết cũng được bà Khánh cho mang về.
Tòa hỏi có gì làm bằng chứng không thì Trang nói “mệnh lệnh” từ miệng chứ không có giấy tờ gì làm bằng chứng, mới về làm nên làm theo “mệnh lệnh” chứ không biết là vi phạm pháp luật.
Cũng theo Trang, chính bà Khánh viết ra giấy hướng dẫn cho bị cáo làm theo. Số tiền chênh lệch thu được Trang nộp hết cho bà Khánh, vì là lính không biết được số tiền đó và cũng không được chia gì hết, cứ làm việc như một cái máy thế thôi.
Theo Trang, việc làm của mình không sai vì làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo. “Một mình bị cáo không thể nào làm được mà cả một tập thể. Việc làm này đã có từ trước và ai cũng có hành vi ghi phiếu sai. Tại sao các người khác chỉ bị xử lý hành chính còn bị cáo thì bị truy tố”, Trang nói.


Trang bảo: “Đó là mệnh lệnh, không được ý kiến, bị cáo mới bước chân vào đi làm, cấp trên nói phải nghe theo, việc làm của bị cáo có sự giám sát của lãnh đạo"
Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành, chỉ huy và quản lý của một số lãnh đạo Phòng PC67 và chỉ huy Đội đăng ký quản lý phương tiện gồm ông Phan Long Để, bà Cao Thị Đoàn, ông Cao Cân, ông Văn Hùng, ông Huỳnh Dương Tuấn, bà Phạm Thị Khánh đã không kiểm tra, giám sát việc thu tiền phí, lệ phí đăng ký biển số xe mô tô, để cho Trang chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và gây thiệt hại cho các chủ phương tiện.
Tuy nhiên, khi phát hiện ra sai phạm của Trang lãnh đạo Phòng PC67 đã báo cáo kịp thời toàn bộ sự việc lên cấp trên để xem xét chỉ đạo xử lý. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để cơ quan CSĐT làm rõ vụ án. Các cá nhân trên là những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều đóng góp cho ngành Công an.
Sau khi sự việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa đã quyết định xử lý kỷ luật hành chính. Vì vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân trên.
Một số cán bộ của Phòng PC67 như Trần Nguyên Sinh, Lê Thị Ngọc Trinh, Phạm Thị Khánh, Nguyễn Thị Mai, Ngô Thị Hồng Trường, Phan Ngọc Anh, Mai Thị Kiếm, Nguyễn Đình Phú, Đinh Tấn Anh, Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Quốc Thắng trong quá trình thu tiền phí, lệ phí đăng ký mới biển số xe mô tô, ở mức độ khác nhau cũng có những sai phạm tương tự. Tuy nhiên cơ quan CSĐT không thu được liên 2 (liên giao cho chủ xe) nên không đối chiếu, xác định được có hay không sự chênh lệch số tiền với liên 1 và liên 3 (liên lưu và liên báo soát). Do đó, không đủ căn cứ chứng minh được động cơ vụ lợi.
Số cá nhân này sai phạm có mức độ. Đã thừa nhận sai phạm và khắc phục hậu quả thiệt hại do mình gây ra. Công an tỉnh Khánh Hòa đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật và điều chuyển công tác đến đơn vị khác theo quy định của ngành.
Bài, ảnh: Hoàng Phúc      

Tố giác sai phạm, một giảng viên bị mất việc, khai trừ Đảng?

BTTD viết ra sự thật cũng có thể bị tù đày, bị hãm hại rồi.

(Dân trí) Từng đứng lên tố cáo những người làm giả hồ sơ đất và ông Ngọc còn tố nhiều sai phạm về thu chi tài chính ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng và nhiều cán bộ bị kỷ luật. Từ người có công, ông Ngọc thành người “có tội” bị khai trừ Đảng, mất việc.


Người mạnh dạng tố cáo nhiều sai phạm nêu trên là ông Lê Văn Ngọc – Nguyên giảng viên, Đảng viên Khoa Nhà nước Pháp luật trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang.  Tuy nhiên, “kết quả” cho hàng chục năm trời kiên quyết đấu tranh, khiếu nại sai phạm về quản lý đất đai tại phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên và những sai phạm trong việc thu chi tài chính tại trường Chính trị Tôn Đức Thắng là việc ông Ngọc bị khai trừ khỏi Đảng, mất việc… cũng từ kết luận còn nhiều khuất tất số 506/KL – UBND do ông Chủ tịch UBND TP Long Xuyên ký vào ngày 16/4/2012.
Phát hiện sai phạm
Ông Ngọc trình bày, năm 2002, ông Ngọc mua một mảnh đất của ông Trần Văn Khuýnh (sinh năm 1940, ngụ khóm Đông Thạnh A, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) có tổng diện tích 5.200m2, tọa lạc tại tổ 8, khóm Đông Thạnh A, phường Mỹ Thạnh, trong đó có 3.962m2 đất được cấp GCN QSDĐ năm 1991 và 1.238m2 đất chưa được cấp GCN QSDĐ. Ngay sau khi tiến hành việc mua bán, đối với mảnh đất 3.962m2 ông Ngọc đã làm thủ tục sang tên và được cấp GCN QSDĐ số 00658/iA gồm các thửa đất số 766 +767+768+769, tờ bản đồ số 03. Riêng mảnh đất 1.238m2 do chưa có GCN QSDĐ nên ông Ngọc và ông Khuýnh chỉ chuyển nhượng phần đất này bằng giấy tay.
Cuối năm 2002, ông Ngọc tiến hành sang lấp mặt bằng mảnh đất 1.238m2chuẩn bị xin cấp GCN QSDĐ thì đầu năm 2003 bà Trần Thị Yến đến xiết nợ một phần đất mà ông Ngọc đang bơm cát, bằng 2 nền nhà. Sau đó bà Yến giới thiệu thêm ông Bùi Xuân Toàn, ông Doãn Quốc Thành, bà Nguyễn Thị Thu Hiền đến mua mỗi người một nền. Cuối năm 2004, bà Nguyễn Thị Dung, bà Bùi Kim Phượng, bà Chung Thị Mỹ Linh, ông Dương Thành Thủy đến mua mỗi người 01 nền. Như vậy, ông Ngọc bán 09 nền đất với diện tích khoảng 900m2 (thuộc mảnh đất 1.238m2) và trừ đường nội bộ, diện tích sang lấp thì ông Ngọc còn lại trên 200m2.
An Giang: Tố giác sai phạm, một giảng viên bị mất việc, khai trừ Đảng?
Hơn 10 năm trời tố cáo những người làm giả hồ sơ đất và khiếu nại kết luận của UBND TP Long Xuyên... Kết quả, ông Ngọc bị khai trừ Đảng, bị mất việc...

Do đất chưa có GCN QSDĐ nên ông Ngọc tiến hành chuyển nhượng với các hộ mua đất bằng hình thức giấy tay và cùng thỏa thuận trong giấy chuyển nhượng là bên mua tự chịu các khoảng phí, thuế khi làm hồ sơ chuyển nhượng đất và phải phối hợp với ông Ngọc để làm hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, các hộ mua đất của ông Ngọc không làm theo cam kết đã viết trong giấy tay. Hộ bà Dung, Linh, Phượng, Thủy tự ý lập hồ sơ giả mạo chữ ký khai người mua là ông Trịnh Văn By (Phường Mỹ Thạnh) mua đất của ông Trần Văn Khuýnh vào năm 1991 với tổng diện tích đất 637,8m2 . Với diện tích này đã bao trùm luôn diện tích 200m2 đất của ông Ngọc.
Còn các hộ Doãn Quốc Thành, Nguyễn Thị Thu Hiền tự ý giả mạo hồ sơ khai là mua đất của ông Trần Văn Khuýnh vào thời điểm 1991 với tổng diện tích 171,4m2. Hộ Trần Thị Yến, Nguyễn Xuân Toàn tự ý giả mạo hố sơ mua đất của ông Ngọc vào năm 1999 với tổng diện tích 300m2. Riêng hộ Trần Văn Thiết không hề mua bán với ông Ngọc nhưng tự làm hồ sơ giả khai mua đất của ông Ngọc vào năm 1999 với diện tích 90m2.
Như vậy, theo ông Ngọc trừ hộ ông Trần Văn Thiết là giả mạo hồ sơ chiếm đoạt tài sản của ông, các hộ còn lại đều làm giả hồ sơ để nhằm mục đích qua mặt cơ quan chức năng trốn thuế khi được cấp GCN QSDĐ và chuyển mục đích sử dụng đất.
An Giang: Tố giác sai phạm, một giảng viên bị mất việc, khai trừ Đảng?
Ông Ngọc chỉ mảnh đất 3.962m2 hiện đang được người dân thuê trồng hoa màu. Nhưng từ năm 2009, Phòng TN - MT TP Long Xuyên đã qui kết ông Ngọc phân lô, bán nền

Khi phát hiện sai phạm (2004), ông Ngọc đã trình báo ngay cho cán bộ Trưởng khóm Đông Thạnh A là ông Nguyễn Ngọc Đức để báo cấp trên ngăn chặn sự việc. Năm 2005, ông Ngọc đến tận phòng TN – MT TP. Long Xuyên “bắt” tận tay khi cơ quan chức năng cấp GCN QSDĐ cho ông Trịnh Văn By (được các hộ nói trên ủy quyền đi làm GCN QSDĐ) và nhiều hồ sơ giả mạo tách thửa khác. Từ chứng cứ này, ông Ngọc yêu cầu Phòng TN – MT TP Long Xuyên lập biên bản vi phạm, kiến nghị khẩn cấp đến Trưởng Phòng TN – MT và Chủ tịch BND TP. Long Xuyên (tháng 7/2006)  ngưng và xử lý vụ việc nhưng Trưởng Phòng TN – MT vẫn không thực hiện và tiếp tục cấp phép GCN QSDĐ cho ông Nguyễn Văn By.
Đặc biệt, để giải trình về việc ông Ngọc kiến nghị can thiệp khẩn cấp đối với trường hợp cấp GCN QSDĐ đối với ông Nguyễn Văn By, Trưởng Phòng TN – MT TP. Long Xuyên, ông Đặng Ngọc Tấn làm báo cáo gửi cho UBND TP. Long Xuyên (số 41/BC.TNMT vào ngày 22/5/2009), nhận xét:Phần đất được cấp GCN QSDĐ có diện tích 3.962m2 loại đất lúa, chuyên dùng và thủy lợi, ông Ngọc tự ý sang lắp mặt bằng, phân nền bán cho người khác trong khi đất chưa chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm Nghị định 182/2004/NĐ –CP về việc sử dụng đất không đúng mục đích.
Nhận thấy báo cáo của Phòng TN –MT TP Long Xuyên có sự nhầm lẫn nghiêm trọng về thửa đất, vì ông Ngọc thực hiện việc sang lấp, phân lô bán nền trên diện tích đất 1.238m2. Ông Ngọc khiếu nại đến Phòng TN – MT, khiếu nại đến UBND TP. Long Xuyên… nhưng không cơ quan nào giải quyết. Trái lại, năm 2011, ông Ngọc nhận được quyết định thanh tra của UBND TP. Long Xuyên về việc quản lý, sử dụng và chuyển nhượng khu đất tọa lạc tại khóm Đông Thạnh A, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên do ông Ngọc đứng tên.
Tòa tuyên đất trống, chính quyền “bảo” phân lô, bán nền…
Sau gần 1 năm thanh tra, ngày 20/4/2012, ông Ngọc nhận được kết luận thanh tra số 506/ KL – UBND ngày 16/4/2012 của UBND TP. Long Xuyên về việc sử dụng, quản lý, chuyển nhượng đất đai của ông Ngọc. Tại kết luận này, Chủ tịch UBND TP Long Xuyên lúc bấy giờ là ông Trần Văn Nhỏ tiếp tục khẳng định ông Ngọc tự ý sang lấp, phân lô bán nền trên diện tích đất 3.962m2 … là trốn thuế, vi phạm pháp luật, chuyển cho cơ quan điều tra.
An Giang: Tố giác sai phạm, một giảng viên bị mất việc, khai trừ Đảng?
Theo ông Ngọc từ kết luận thanh tra 506 của UBND TP Long Xuyên, Đảng ủy khối dân Chính Đảng đã nâng từ hình thức kỷ luật cảnh cáo lên khai trừ Đảng đối với ông Ngọc

Điều trái khuấy ở đây là, chính mảnh đất 3.962m2 này ông Ngọc cho một người dân địa phương thuê trồng lúa và họ không chịu trả đất cho ông Ngọc nên ông Ngọc đã kiện ra tòa và TAND TP Long Xuyên đã có bản án buộc người thuê đất trả lại đất cho ông Ngọc. Và khi Chi cục thi hành án dân sự TP. Long Xuyên lập biên bản giao nhận tài sản giữa hai bên vào ngày 5/4/2012 xác nhận “toàn bộ khu đất ông Ngọc là đất trống”. Và hiện nay (8/2014) mảnh đất này đang được ông Ngọc cho một người dân thuê để trồng hoa màu.
Ông Ngọc chia sẻ: “Nguồn gốc đất của tôi rất rõ ràng và việc tôi sang lấp bán nền thuộc mảnh đất 1.238m2 bằng giấy tay vào thời điểm năm 2003, đầu năm 2004 là pháp luật không cấm. Nhất là khi biết những người mua đất làm giả hồ sơ để được cấp GCN QSDĐ và trốn thuế khi chuyển mục đích sử dụng đất, tôi đổ công tố cáo từ cấp thấp nhất đến cao nhất ở tỉnh An Giang nhưng chẳng hiểu sao cơ quan có thẩm quyền để cho họ làm trót lọt hồ sơ và đến năm 2009 mới xử lí. Đáng nói nhất là từ báo cáo số 41 ngày 22/5/2009 của Trưởng Phòng TN - MT Đặng Ngọc Tấn cho UBND TP. Long Xuyên và cả kết luận thanh tra số 506/KL - UBND của Chủ tịch UBND TP Long Xuyên Trần Văn Nhỏ đều qui tội cho tôi phân lô bán nền trên mảnh đất 3.962m2” là hoàn toàn sai sự thật. Từ kết luận thanh tra này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp chính trị, danh dự của một giảng viên, Đảng viên trường Đảng và cả cuộc sống của gia đình khi tôi bị tổ chức khai trừ Đảng, nhà Trường tinh giảm biên chế đối với tôi.”
An Giang: Tố giác sai phạm, một giảng viên bị mất việc, khai trừ Đảng?
Đây là mảnh đất 1.238m2 mà ông Ngọc sang lấp, bán nền.... Hiện nay là sân bóng chuyền cho thanh niên trong xóm chơi thể thao

Điều đáng nói là ngày 20/5/2013 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Long Xuyên đã ra quyết định không khởi tố hình sự số 31 xung quanh việc cấp GCN QSDĐ và chuyển nhượng đất đai của ông Ngọc và đã thông báo đến UBND TP. Long Xuyên. Tuy nhiên, đến nay ông Ngọc vẫn chưa được UBND TP Long Xuyên giải quyết khiếu nại. Mới đây,  21/01/2014, Chủ tịch UBND TP Long Xuyên Trần Văn Nhỏ còn mạnh dạng trả lời với cơ quan báo đài qua công văn số 170/UBND – TT rằng: Vụ việc của ông Ngọc khiếu nại quyết định số 506 của UBND TP Long Xuyên đang được cơ quan điều tra Công an TP Long Xuyên thụ lí, tiến hành điều tra.Khi có kết quả sẽ xử lí theo đúng qui định pháp luật?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nguyễn Hành

“Đường bay vàng” sẽ tiết kiệm hàng trăm triệu USD

BTTD: Dự án ích nước, lợi doanh nghiệp, tiết kiệm cho dân mà triển khai chậm và khó khăn quá. Vì sao nhỉ?

(Dân trí) - Sau nhiều lần ý tưởng bị bác bỏ, “đường bay vàng” - đường bay thẳng giữa Hà Nội – TP HCM đi qua không phận hai nước Lào và Campuchia đã được lãnh đạo Bộ GTVT tiếp nhận và được phía Campuchia đồng ý nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.
Đây là tín hiệu mừng cho các chuyên gia cũng như các hãng hàng không khi tiết giảm được hàng trăm USD chi phí do bay vòng theo hình chữ S. Vậy tại sao “đường bay vàng” được mong mỏi đến vậy?
Ngày 21/8 Bộ trưởng GTVT đã có buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương quốc Campuchia Sok An về xây dựng đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM qua không phận Campuchia và giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai cụ thể.
“Đường bay vàng” sẽ tiết kiệm hàng trăm triệu USD
"Đường bay vàng" - đường bay thẳng giữa Hà Nội - TP HCM đã được tiếp nhận và nghiên cứu triển khai trong thời gian tới
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Lương nhân viên ngân hàng nào "bèo" nhất Việt Nam?
Thực chất, “đường bay vàng” là đường bay thẳng theo kinh tuyến 106 độ đông giữa Hà Nội – TP HCM, Hà Nội – Phú Quốc và các tuyến bay khác đến và đi trong nội địa Việt Nam. Trước đây và hiện nay, các đường bay của các hãng hàng không từ Hà Nội – TP HCM đều phải tuân thủ đường bay vòng theo biểu đồ hình chữ S nên tăng thêm chi phí và đường bay trở nên dài hơn.
Theo TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam – một trong những chuyên gia đề xuất ý tưởng “đường bay vàng”, đường bay Hà Nội - TP HCM hiện nay là bay vòng, đang lãng phí 26 phút bay với máy bay Boeing 777, tính bình quân lãng phí 25% chí phí sản xuất. Đường bay Hà Nội - Cần Thơ cũng lãng phí 28%, đường bay Hà Nội - Phú Quốc lãng phí 38%...Theo đó, đường bay vòng hiện nay đang “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của các hãng hàng không trên đường bay nội địa.
Từ lúc lên ý tưởng, được tiếp nhận và đem đi thương thảo với các nước bạn, số phận của “đường bay vàng” cũng hết sức gian nan bởi theo TS Bá: đây là đường bay nội địa nhưng nếu chuyển từ đường bay vòng sang đường bay thẳng - “đường bay vàng” sẽ là đường bay quốc tế, phát sinh nhiều vấn đề về pháp lý và có liên đới đến không phận, điều hành bay của các hãng hàng không hai nước Lào và Campuchia.
Từ năm 1980, đường bay thẳng qua không phận Lào, Campuchia đã được Cục Hàng không đưa ra nhưng vì có quá nhiều điểm giao cắt trên không với các đường bay quốc tế khác, đặc biệt là vấn đề chi phí quá cảnh cao nên không được nhất trí.
Giữ năm 2009, Trung tá - cựu phi công quân đội Mai Trọng Tuấn từng đưa phương án “đường bay vàng” Hà Nội – TP HCM theo kinh tuyến 106 độ đông. Với tính toán tiết kiệm được 142 km giảm 550 tỷ đồng/năm so với đường bay hiện tại. Tuy nhiên, ý kiến lúc ấy được cho là sơ sài và chưa có nghiên cứu sâu về kỹ thuật và an ninh quốc phòng nên không được thông qua.
Cuối năm 2012, một ý kiến khác về thiết lập “đường bay vàng” Hà Nội - TPHCM cắt ngang vùng trời của 2 nước láng giềng là Lào và Campuchia được TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tiếp tục đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Tuy nhiên, Cục Hàng không sau đó cũng đã bác bỏ vì… thiếu thông tin nên chưa có cơ sở khoa học.
“Đường bay vàng” sẽ tiết kiệm hàng trăm triệu USD
Đường bay thẳng "đường bay vàng" sẽ tiết kiệm thời gian bay và chi phí cho các hãng hàng không Việt Nam trong các chuyến bay nội địa
Không dừng lại ở đó, đầu năm nay TS Bá tiếp tục gửi kiến nghị này tới Chính phủ để giảm chi phí thời gian, nhiên liệu và nâng cao hiệu quả kinh tế cao cho các hãng hàng không.
Ngày 11/7/2014, Bộ trưởng GTVT thông Đinh La Thăng đã chỉ đạo Cục Hàng không lập đề án nghiên cứu rút ngắn đường bay Hà Nội - TP HCM, giúp các hãng hàng không giảm thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu, bố trí mặt bằng sân bay; đồng thời giảm thời gian phục vụ dưới mặt đất và trên trời, như đề xuất “đường bay vàng” của TS Bá.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, sau khi đã đạt được thoả thuận với Lào và Campuchia, đề án đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM qua hai quốc gia này do Cục Hàng không xây dựng và hoàn thiện, sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Nếu được Thủ tướng đồng ý thì đường bay này có thể thiết lập vào cuối năm nay. Như vậy, cùng với Lào, Campuchia là quốc gia thứ hai đồng ý về nguyên tắc cho phép hàng không Việt Nam mở đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM qua không phận.
Nguyễn Tuyền

23 tháng 8, 2014

Thầy giáo bị tố gạ tình là người có...đạo đức?

(Tin tức thời sự) - Thầy Lợi là người tốt, có phẩm chất đạo đức, nghiêm túc trong giảng dạy và hòa đồng với mọi người.
Để tìm hiểu rõ vụ việc thầy Lê Văn Lợi, giảng viên khoa Lý luận Chính trị - Hành chính, trường đại học Quy Nhơn (Bình Định)  bị tố gạ tình nữ sinh để xóa biên bản vi phạm thi học kỳ, PV Đất Việt đã liên hệ với một số cán bộ trường đại học Quy Nhơn.
Trao đổi với PV chiều 23/8, TS Lê Kim Chung, trưởng phòng Tổ chức cán bộ của trường cho biết: "Tôi vừa nhận được điện thoại thông báo của thầy hiệu trưởng lúc sáng. Chiều nay, nhà trường bắt đầu triệu tập cuộc họp để xác minh, làm rõ thông tin về vụ việc trên".
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Ngân Loan, Phó trưởng khoa Lý luận Chính Trị - Hành chính lại cho hay: "Cô chưa nắm rõ được thông tin vụ tố cáo này. Còn nói riêng về tính cách, phẩm chất của thầy Lợi thì thầy Lợi là một người đàng hoàng, có phẩm chất đạo đức tốt. Thầy Lợi  rất nghiêm túc trong giảng dạy, nhiệt tình với công việc và nhiệt tình với đồng nghiệp, luôn hòa đồng với mọi người".
Tin nhắn được cho là của thầy Lợi gửi cho nữ sinh
Tin nhắn được cho là của thầy Lợi gửi cho nữ sinh
Th.S Phạm Trần Thiện, phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ của trường cũng nói rằng, thầy Lợi là người tốt, rất nghiêm túc trong giảng dạy.
Trước đó, báo chí đưa tin, thầy Lợi bị phụ huynh nữ sinh viên tên L.T.N, khóa 35 của trường, tố cáo gạ tình để xóa biên bản vi phạm trong lúc thi học kỳ II năm học 2013-2014.
Thông tin ban đầu, ngày 17/6, lớp N. thi học kỳ II, thầy Lợi làm giám thị. Phát hiện N. mang theo tài liệu, thầy Lợi tiến hành lập biên bản và yêu cầu N. ký vào nhưng  N. bỏ ra khỏi phòng thi, không ký biên bản. Sau khi hết giờ thi, đợi các bạn ra về hết, N. quay vào phòng xin bỏ qua việc lập biên bản nhưng thầy Lợi kiên quyết không đồng ý.
Đến ngày 24/6, N. nhận được gần chục cuộc điện thoại di động từ số máy lạ, xưng là thầy Lợi và cho biết mình là người lập biên bản N. vi phạm. Sau khi xưng danh xong, người này gạ gẫm N. đến khách sạn Thiên Ân (TP Quy Nhơn) “thể hiện tình cảm” mới cho qua môn thi. N. liền từ chối, hẹn ra quán cà phê nói chuyện thì người xưng thầy Lợi không chấp nhận, khăng khăng đòi N. đến khách sạn.
Bức xúc, ngày 14/8, gia đình N. đến trường gặp trực tiếp lãnh đạo khoa tố cáo việc thầy Lê Văn Lợi thường xuyên gọi điện thoại, nhắn tin cho N. gạ tình. Gia đình N. khẳng định, người gọi điện thoại, nhắn tin gạ tình N. chính là thầy Lợi.
Như Quỳnh

Nhập từ cái tăm, 500 triệu USD nhập hạt giống...quá thường!

BTTD: Tại sao phải nhập khẩu khi người VN làm được
(Thị trường) - Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quá yếu, trong khi doanh nghiệp nhà nước ăn chưa bao giờ đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu khoa học tạo giống.
GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Di truyền Nông nghiệp thẳng thắn chỉ ra thực tế này.
Nhập từ cái tăm đến cuốc xẻng, nhập hạt giống có gì lạ?
Nhiều người cứ cho rằng con số 500 triệu USD Việt Nam chi ra để nhập khẩu hạt giống rau củ là con số khủng, gây sốc nhưng trong khi chúng ta đang phải nhập khẩu từ cái tăm, cuốc, xẻng trở đi thì hạt giống - sản phẩm chứa hàm lượng tri thức cực lớn, âu cũng là chuyện thông thường.
Một quốc gia không thể làm tất cả mọi thứ để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân nhưng có những thứ Việt Nam nhập rất vô lý trong khi tiềm năng trong nước hoàn toàn có thể làm được.
GS.TS Đỗ Năng Vịnh
GS.TS Đỗ Năng Vịnh
Hãy xem những thứ chúng ta đang mặc trên người thứ nào do Việt Nam làm ra, thứ nào phải nhập khẩu? Từng chiếc khuy, móc, nguyên liệu vải sợi... tất tật phải nhập khẩu từ Trung Quốc đó thôi. Trong nông nghiệp, ngoài giống, chúng ta cũng phải nhập phân bón, thuốc trừ sâu... Khi chúng ta không tính toán thị trường, không chuẩn bị nguồn lực thì vẫn còn phải mất tiền để nhập những thứ vô lý nói trên.
Đối với hạt giống rau, hầu hết các loại rau đều có thể ra hạt, nhưng chất lượng hạt thế nào thì mỗi hạt giống từ những công ty khác nhau chứa hàm lượng tri thức khác nhau. Để có một giống cà chua, dưa chuột, bắp cải... năng suất cao, ổn định và đồng đều về chất lượng, các công ty xuyên quốc gia, các công ty chuyên ngành có lịch sử hàng trăm năm phải tích lũy liên tục, có những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm. Cái đó Việt Nam không có. Chúng ta thiếu những kiến trúc sư thiết kế ra những kế hoạch để làm điều đó ngay từ đầu.
Đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về nông sản hình thành trong quá trình phát triển của đất nước, từ những ngày thành lập các viện nghiên cứu, đặc biệt sau năm 1975 khi đất nước hòa bình, họ vẫn làm nhưng không ra sản phẩm đúng mục tiêu.
Cũng có những cái do cách đầu tư của Việt Nam. Một đề tài chỉ 3 năm thôi nhưng để ra sản phẩm phải cần đến 5-7 năm, thế nên 3 năm chưa ra được sản phẩm hoàn hảo đã phải dừng lại rồi.
Thế nên mới có tình trạng năm nay nghiên cứu cà chua, sang năm làm bắp cải, sang năm nữa nghiên cứu khoai lang, rau muống... Tất cả những thứ đấy không tạo ra sự chuyên môn hóa, liên tục, cho nên cuối cùng không ra được sản phẩm hoặc có sản phẩm nhưng không hoàn hảo.
Chúng ta cũng có cà chua lai, dưa chuột lai nhưng lại không cạnh tranh được với đối tác nước ngoài về năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường. Có nhiều nguyên nhân nhưng thật chua xót khi phải nói rằng chúng ta không làm được, muốn làm được chúng ta phải làm với 90 triệu dân của Việt Nam bây giờ.
Có những bí quyết công nghệ để tạo ra giống cây trồng có giá trị cao. Nó đòi hỏi phải hiểu biết về gen, quy luật di truyền, có thời gian nghiên cứu, ít nhất là 7-8 năm, đặc biệt là phải có những con người có tri thức mới làm được.
 Cứ nói Việt Nam có hẳn một chương trình giống quốc gia được chính phủ cho phép thực hiện trong 20 năm với vốn đầu tư không hạn chế nhưng tiền chỉ là một vấn đề. Quan trọng là kế hoạch, tính chất khoa học của tổ chức hệ thống để ra sản phẩm.
500 triệu đô nhập hạt giống: Dại gì mua hàng Việt Nam!?
Nhà khoa học và doanh nghiệp tách rời nhau
Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quá yếu, không đủ thực lực để đầu tư cho nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là Tổng công ty rau quả, nông sản, ăn lương ngân sách nhà nước, chưa có đầu tư nghiêm túc nào cho nghiên cứu khoa học tạo giống, không chủ động để tạo ra lợi nhuận lâu dài cho lĩnh vực chuyên môn của họ, cho nên đương nhiên là chúng ta thua.
Đoàn công tác Nhật Bản ăn thử rau do kỹ sư Nhật Bản và Việt Nam phối hợp trồng tại dự án “Làng thần kỳ” Đà Lạt
Đoàn công tác Nhật Bản ăn thử rau do kỹ sư Nhật Bản và Việt Nam phối hợp trồng tại dự án “Làng thần kỳ” Đà Lạt
Các nhà khoa học cũng làm nhưng về mặt rau quả lại làm quá yếu. Là nước khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất rau quả và hoàn toàn có thể trở thành nước xuất khẩu rau quả như Hà Lan ở châu Á. Nhưng chúng ta chưa tin vào khoa học, chưa nghiên cứu cơ bản, chưa tạo ra những vật liệu ban đầu bởi chưa có sự liên kết.
Ở Việt Nam, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp không liên kết với nhau vì họ không tìm thấy lợi ích. Doanh nghiệp thì cho rằng các nhà khoa học còn lâu mới tạo ra được giống, cũng chẳng ai trả tiền cho nhà khoa học ngoài chút ngân sách ít ỏi không đủ nuôi sống họ.
Còn nhà khoa học cũng không chuyển giao cho các doanh nghiệp, không coi việc chuyển giao là sứ mệnh phát triển cho nên khoa học và doanh nghiệp cứ tách rời nhau. Đấy là bệnh kinh niên của khoa học nước nhà mà chưa có thuốc chữa chạy.
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hà Lan vào Đà Lạt trồng rau, trồng hoa. Họ có tầm nhìn quốc tế, phát hiện ở đâu có lợi thế, trong khi chúng ta đứng trên đất Đà Lạt nhưng không không biết phát huy lợi thế để mà phát triển.
Các doanh nghiệp nước ngoài có lịch sử cả trăm năm, có thị trường, có kinh nghiệm nên thắng cuộc. Họ nhìn thấy Việt Nam có 90 triệu dân là thị trường cực kỳ tiềm năng nên vào đầu tư để bán thịt, rau, sữa... cho người Việt Nam. Còn Việt Nam do tầm nhìn thị trường, định hướng hạn chế, chưa phát hiện được trí tuệ tinh hoa nên đánh mất mảnh đất màu mỡ ngay trên chính đất nước mình.
Không phải các nhà khoa học không nhìn thấy chuyện đó nhưng từ ý tưởng để biến thành thực tế phải có sức mạnh chính trị của Nhà nước, sức mạnh kinh tế. Các nhà khoa học dù rất tâm huyết nhưng không chuyển hóa được thì cũng đành chịu.
Thành Luân (ghi)