Trang

3 tháng 8, 2014

Ở VN "thông minh bị diệt"

Cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia nên đổi tên thành "Chương trình tìm kiếm tài năng cho nước bạn"



Hôm nay lúc 9h30 sẽ có Truyền hình trực tiếp chương trình Chung kết đường lên đỉnh núi Olympia 2014, một phần háo hức xem phần trổ tài của các thí sinh, một phần thấy buồn vì bản chất của chương trình đã không còn là cuộc thi tìm kiếm những tài năng cho đất nước nữa mà là tìm kiếm tài năng cho nước bạn thì đúng hơn.

[IMG]
Hoàng Thế Anh

Trong mỗi cuộc thi, các thí sinh dự thi đều nói lên ước mơ của mình là mong muốn được thành tài để đóng góp công sức của mình. Thế nhưng nhìn lại chặng đường đã đi qua, thử hỏi được bao nhiêu những nhân tài sau khi tuyển chọn đưa ra nước ngoài đào tạo sẽ quay về để xây dựng đất nước?

Nhìn lại 13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì kết quả thật đáng buồn. Chỉ có 1 nhà vô địch duy nhất sau khi được đào tạo ở nước ngoài quay về phục vụ cho đất nước. Hiện tượng chảy máu chất xám đang là một cảnh báo cho đất nước.

Tất nhiên là ở một nước còn nhiều cái khó khăn như ở nước ta thì chính sách đãi ngộ, điều kiện sẽ không thể bằng các nước tiên tiến khác trên thế giới. Nhưng nếu thực sự vì quê hương đất nước các bạn sẽ chọn quay về phục vụ cống hiến để đưa đất nước đi lên chứ không phải tìm tương lai sáng lạng ở nơi đất khách quê người. Nếu thấy khó khăn và ai cũng chạy trốn thì thử hỏi đến bao giờ quê hương các bạn mới phát triển được?

Hoặc nên chăng các bạn hãy đừng bao giờ nói miệng cái lý thuyết suông muốn cống hiến cho sự phát triển của đất nước nữa. Bên cạnh đó chương trình cũng nên cân nhắc về nguồn tài trợ cho những thí sinh này khi đi du học ở nước ngoài, nên có quy định cụ thể về chuyện ai sẽ đầu tư và sau khi đầu tư thì chúng ta nhận lại được gì?

2 tháng 8, 2014

Thiếu tướng Lê Duy Mật - Có hay không một thỏa hiệp bán nước?

BTTD: Nhân dân sẽ phán xét, lịch sử sẽ phán xét!

YÊU CẦU TỔNG KẾT CUỘC CHIẾN 1979 – 1984 
VÀ CÔNG KHAI THỎA HIỆP THÀNH ĐÔ.


Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 
Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc
Hà Nội ngày 20 tháng 07 năm 2014
Kính gửi: 
- Đ/C Tổng Bí thư BCHTW Đảng
- Các đ/c Uỷ viên Bộ Chính Trị
- Các đ/c Uỷ viên Ban Bí thư TW Đảng
- Các đ/c ủy viên Trung ương Đảng khóa XI.
             Tôi là: Lê Duy Mật – Thiếu tướng – Nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Tư lệnh Mặt trận 1979-1984 (Hà Giang) thay mặt một số đảng viên xin được nêu thắc mắc và kiến nghị như sau:
Cuộc chiến tranh biên giới 1979 – 1984 cũng là một trong những cuộc chiến đẫm máu vô cùng đau thương trong lịch sử nước ta. Đây là cuộc chiến tương tự các cuộc chiến Bạch Đằng,Chi Lăng, Đống Đa, nhưng tại sao đã qua 30 năm mà cuộc chiến này vẫn không được tổng kết, đúc rút kinh nghiệm phục vụ cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc cấp thiết trước mắt, Việc tổng kết này vô cùng cần thiết và sẽ rất hữu ích khi mà đối tượng chiến đấu vẫn là một, khi mà quân xâm lựợc đang cận kề chứ không xa xôi như trong các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bên cạnh đó các chính sách đối với gia đình liệt sĩ và những người chống xâm lược năm 1979 – 1984, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị nhưng vẫn không được giải quyết, mà chỉ có những lời hứa hẹn xuông.
Phải chăng có một nguyên nhân mà chúng tôi săp nêu lên sau đây.
Chúng ta đều biết mọi tiêu cực trong xã hội hiện nay từ Trung Quốc gây ra, khiến cho nước ta sản xuất lẹt đẹt, lạc hậu, đã thế, họ lại còn có những lời sỉ nhục đôi với cả dân tộc ta: “Việt Nam là con hoang, loại vô liêm sỉ, phải cho thêm vài bài học”.
Vậy mà, lãnh đạo ta không hề có một phản ứng nào!
Rồi khi bọn xấu trà trộn trong đám biểu tình được xúi giục phá phách gần 1000 nhà máy của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, thì công an lúc đó làm ngơ, sau đó mới xuất hiện, chỉ xử lý qua loa và xin lỗi xin đền bù thiệt hại cho họ. Trong khi đó Tung Quốc đâm phá gần 30 tàu, thuyền của chúng ta thì không quyết liệt đòi bồi thường, mà chỉ “nhẹ nhàng” lên án.
Khi có hiện tượng bất thường nho nhỏ về dân sự thì lập tức nửa đêm đại sứ của Việt Nam ở Bắc Kinh bị gọi đến để nhận thư phản kháng, còn khi Trung Quốc gây hại cho ta thì chỉ có cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam đến gặp cơ quan Lãnh sự Trung Quốc tại Hà Nội để giao công hàm phản kháng.
Lạ lùng nhất là tỉnh ủy Quảng Đông mà lại ngang nhiên gửi công văn cho Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phải thực hiện 16 việc phải làm. Một thái đọ trịch thượng, coi thường nước ta rất vô lễ mà ta vẫn chịu đựng.
Trung Quốc tự tiện cho giàn khoan vào xâm nhập lãnh hải ViệtNam bất chấp mọi ý kiến phản đối của nhân dân ta và dư luận các nước lên án. Khi rút đi, họ tuyên bố là do họ đã xong việc. Trung Quốc làm như vậy mà ta vẫn khen Trung Quốc là bạn tốt,16 chữ vàng và 4 tốt. Đến nỗi dư luận thế giới cũng phải ngạc nhiên về thái độ quá ư nhu nhược của chúng ta.
Ngạc nhiên hơn là Nhà nước đàn áp những người biểu tình chống xâm lược ở trong nước mà chỉ khuyến khích biểu tình ở nước ngoài.
Chẳng lẽ một dân tộc Việt Nam anh hùng đã ba lần chiến thắng Nguyên Mông, đã có Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu mà nay lại hèn kém như vậy sao! Chúng tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là ở Thỏa hiệp Thành Đô ngày 4/9/1990 của một số vị lãnh đạo. Chúng tôi chưa rõ thực hư thế nào mà chỉ biết sau này những hiện tượng tiêu cực xảy ra đã thể hiện nội dung của bản Thỏa hiệp đó. Xin trích một đoạn Thỏa hiệp Thành Đô: “ Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….
Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.”. (Hết trích) (1).
Vì vậy, chúng tôi yêu cầu trong hội nghị TW này Bộ chính trị, Ban Bí thư cần công bố các văn bản của Thỏa hiệp Thành Đô, để chứng minh thực hư thế nào. Nếu Thỏa hiệp Thành Đô là đúng như vậy thì rõ ràng là một bản thỏa hiệp rất nguy hiểm cho đất nước như là phản bội Tổ Quốc. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Hội nghị TW xem xét và ra tuyên bố phản bác bản thỏa hiệp đó, chấn chỉnh lại tổ chức, kỷ luật những người đã ký và những người thực hiện sau này. Có như vậy Đảng ta mới thực sự là một Đảng chân chính, dám nhận khuyết điểm, dám công khai khuyết điểm như Bác Hồ đã nói: “Một Đảng mà không dám nhận khuyết điểm, công khai khuyết điểm là một Đảng hỏng”.
Theo điều lệ Đảng (điều 3 khoản 3), Đảng là của nhân dân lao động, Đảng của toàn thể đảng viên vì vậy chúng tôi có quyền yêu cầu phải công khai các hoạt động của những người lãnh đạo để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra như trong các Nghị quyết TW đã đề ra.
Trên đây là những kiến nghị tâm huyết và bức xúc của đảng viên. Tôi mong rằng: Bộ chính trị, Ban bí thư nên tôn trọng ý kiến của các đảng viên cơ sở và thực hiện các việc nói trên. Tóm lại là:
1- Tổng kết cuộc chiến tranh chống quân xâm lược năm 1979, thực hiện chính sách qui tập mồ mả ghi công các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược cũng như bao cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc trước đây của dân tộc ta, tổ chức kỷ niệm trọng thể hàng năm.
2- Công khai bản Thỏa hiệp Thành Đô tháng 9/1990 để toàn dân, toàn Đảng biết được thực hư và ra tuyên bố để giải thích các hiện tượng tiêu cực. Thỏa hiệp Thành Đô là thứ ung nhọt đang di căn khắp cơ thể đất nước ta.
Nguy cơ mất nước đang là sự thật, mong các đồng chí có lương tâm, vì sự nghiệp của tổ quốc mà thực hiện cho được. Nếu ở Hội nghị Trung ương X này không ra được bản tuyên bố thì yêu cầu đưa vào chương trình Đại hội Đảng bất thường hoặc Đại hội 12.
              Chúng tôi chờ mong hồi đáp của các đồng chí.
Kính
Thiếu tướng Lê Duy Mật
---------------
(1)Theo tin của Tân hoa xã Trung Quốc và báo Hoàn cầu Trung Quốc
                (Theo Blog Bà Đầm xòe / TTHN )
------------------

Obama: Putin phớt lờ các lợi ích lâu dài của Nga

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay Mỹ bị hạn chế về những điều có thể làm nhằm ngăn chặn các hành động của Nga vì Mátxcơva và Tổng thống Vladimir Putin đang phớt lờ các lợi ích lâu dài của họ.

Obama và Putin đã có cuộc điện đàm vào hôm qua 1/8.
Obama và Putin đã có cuộc điện đàm vào hôm qua 1/8.
Trong cuộc điện đàm với ông chủ điện Kremlin hôm qua 1/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ "những lo ngại nghiêm trọng" về sự ủng hộ ngày càng gia tăng của Mátxcơva đối với các phần tử ly khai ở đông Ukraine.
"Tôi cho rằng chúng ta đã làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính phủ Ukraine và ngăn chặn Nga tiến sâu thêm vào Ukraine", ông Obama phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington ngày 1/8 sau cuộc điện đàm.
"Nhưng để ngăn chặn chiến tranh, sẽ phải có một số kiềm chế ở góc độ những điều chúng tôi có thể làm", ông Obama nói.
"Lúc này, những điều mà chúng tôi làm là thực thi những cái giá phải trả đối với Nga để họ - Tổng thống Putin giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng con đường ngoại giao, để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này, để đưa kinh tế phát triển trở lại, và có mối quan hệ tốt với Ukraine", ông Obama nói.
"Nhưng đôi khi con người không phải lúc nào cũng hành động sáng suốt và họ không hành động dựa trên các lợi ích trung và dài hạn của Họ. Điều đó ngăn cản chúng tôi. Chúng tôi phải dừng ở đó", Obama nhấn mạnh.
Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Vladimir Putin, ông Obama cũng nói về ưu tiên giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Về phần mình, Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng cuộc khủng hoảng hiện thời tại Ukraine không mạng lại lợi ích cho hai bên.
Mátxcơva cho hay ông Putin và ông Obama đã nhất trí cần "chấm dứt kiên quyết và ngay tức thì các cuộc giao tranh tại đông nam Ukraine và bắt đầu một tiến trình chính trị".
Cũng theo Kremlin, ông Putin đã nói với ông Obama rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây là "phản tác dụng, gây tổn hại nghiêm trọng đối với hợp tác song phương và sự ổn định trên thế giới nói chung".
Mỹ viện trợ 8 triệu USD cho lính biên phòng Ukraine
Trong một diễn biến liên quan tới tình hình Ukraine, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/8 đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để thông báo về khoảng viện trợ mới trị giá 8 triệu USD dành cho lực lượng biên phòng Ukraine.
Số tiền trên sẽ được sử dụng để mua "thiết bị kỹ thuật nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng dọc biên giới Ukraine, các phương tiện tuần tra và vận chuyển", cũng như các thiết bị giám sát và các tàu nhỏ để tuần tra biển.
Phát ngôn viên Lầu năm góc, Tướng John Kirby ngày 1/8 cho biết Nga đang tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự dọc biên giới Ukraine.
"Con số đó tiếp tục tăng lên tới khoảng 10.000 binh sĩ, nhưng nó hay dao động", ông Kirby nói, cho biết thêm rằng "các binh sĩ ở gần biên giới, trong vòng 50 km tính từ biên giới, gần hơn những gì chúng tôi nhìn thấy vào mùa xuân".
An BìnhTheo AFP, AP

TQ 'bo' tiền cho hàng vạn ngư dân 'câu trộm' ở Trường Sa

BTTD: Biết TQ xấu, có mưu đồ xâm lược nhưng vẫn coi TQ là bạn. Tại sao?

Đăng Bởi  - 
Các tàu cá được trả tiền để đi "câu trộm"
Các tàu cá được trả tiền để đi "câu trộm"

Để đòi chủ quyền phi pháp dựa trên đường lưỡi bò tự vạch ra trên biển Đông, Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp. Bên cạnh việc khoe cơ bắp bằng lực lượng quân sự và bán quân sự, họ còn triệt để tận dụng ngư dân để xâm phạm biển Đông trong đó có vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ý đồ của Trung Quốc là dùng sự hiện diện của ngư dân để thực hiện chiến lược "mưa dầm thấm lâu" làm cho thế giới lầm tưởng đó là ngư trường truyền thống của Trung Quốc. Trong những năm trước, chính quyền Trung Quốc tổ chức "tour" du lịch xuống nam biển Đông đánh cá, nhưng đội ngũ tàu hùng hậu được hải giám, hải cảnh hộ tống không thu hoạch được nhiều vì không hiểu rõ tính chất ngư trường.
Hơn nữa, những tàu đánh cá lẻ Trung Quốc đánh bắt xa bờ ở biển Đông của Trung Quốc cũng hay "lạc" xuống lãnh hải các nước khác rồi bị bắt giữ rất phiền toái. Cũng vì lẽ đó mà các ngư dân của Trung Quốc không muốn xuống sâu biển Đông.
Để kích thích ngư dân đi sâu xuống đáy lưỡi bò, chính quyền Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ. Họ trang bị cho ngư dân các thiết bị liên lạc và định vị giúp các tàu đánh bắt ở biển Đông liên lạc trực tiếp với cảnh sát biển để yên tâm có bảo kê khi đánh bắt cả trộm ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế nước khác.
Đến cuối năm ngoái, hệ thống vệ tinh Beidou "cây nhà lá vườn" của Trung Quốc đã được cài đặt trên hơn 50.000 tàu thuyền đánh cá ở đảo Hải Nam và các tỉnh duyên hải phía nam. Giá thành thiết bị này được nhà nước tài trợ đến 90% và ngư dân chỉ phải trả 10% còn lại.
Với các ngư dân chịu khó xuống tận Trường Sa đánh bắt trộm cá, chính quyền đảo Hải Nam có chính sách đặc biệt để khuyến khích là trợ giá nhiên liệu. Tùy theo công suất của tàu là bao nhiều thì được trợ giá xăng cao tương ứng. Với một tàu cá có động cơ 500 mã lực thì có thể được trợ giá đến 3.000 tệ tức gần 500 USD cho mỗi ngày hoạt động trên biển. Hệ thống định vị sẽ xác định xem họ có ra Trường Sa hay không để về lĩnh tiền.
Với chiến lược xâm chiếm biển Đông bằng thuyền câu, Trung Quốc đang chơi kiểu "mưa dầm thấm lâu" và tạo ra thách thức mới đáng lo ngại với các láng giềng, chuyên gia Harry J. Kazianis chuyên nghiên cứu về chính sách Trung Quốc tại trường đại học Nottingham cảnh báo.
Anh Tú (tổng hợp)

Nguyên Ngọc và "Lời nguyền Tây Nguyên"

Tây Nguyên và sự phát triển của VN

Cập nhật: 10:40 GMT - thứ bảy, 2 tháng 8, 2014
Ông Nguyên Ngọc nói con người đã gây "tội ác" ở Tây Nguyên
Lời nguyền Tây Nguyên không phải là lời của tác giả của 'Đất nước đứng lên' và 'Rừng xà nu'.
Nhưng tôi không khỏi có cảm giác đó chính là những gì ông muốn nói khi được hỏi về sự phát triển của vùng cao nguyên ở Việt Nam trong cuộc gặp tình cờ tại miền nam nước Pháp.
Chính xác hơn ông Nguyên Ngọc nói về "lời nguyền tài nguyên".
"Cái quan điểm phát triển lấy tài nguyên làm chính vẫn chưa thay đổi trong phát triển ở Việt Nam và chúng tôi khẳng định đó là con đường phát triển sai," ông nói.
"Người ta có cái gọi là ‘lời nguyền tài nguyên’ thì Việt Nam hiện đang lâm vào lời nguyền tài nguyên.
"… Một là dựa vào đó là đường lối phát triển rất dở. Hai là thường anh có cảm giác vô tận [về tài nguyên].
"Nhưng những phát triển trong những năm vừa qua cho thấy nó không vô tận chút nào.
"Rừng Tây Nguyên bây giờ hết rồi, không còn gì cả, không vô tận tí nào cả."
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện sau bữa ăn trưa tại khuôn viên một trường đại học ở Toulouse, nơi ông và một số bạn bè gặp mặt.
"Rừng Tây Nguyên bây giờ hết rồi, không còn gì cả, không vô tận tí nào cả."
Nhà văn Nguyên Ngọc
Tôi hỏi ông về việc thí điểm khai thác bauxite ở Tây Nguyên với nhà máy ở Tân Rai, Lâm Đồng đã đi vào hoạt động trong khi nhà máy ở Nhân Cơ, Đắk Nông cũng đang chuẩn bị hoàn thành.
Nhà văn nói 10 lý do không nên làm bauxite mà ông và kỹ sư mỏ Nguyễn Thành Sơn đưa ra trong một bài viết phản đối khai thác bauxite "đang dần dần bộc lộ hết".
Về kinh tế đang "rất lỗ" do cách tính chi phí đầu vào mà ông gọi là "ăn gian", không liệt kê đủ các chi phí trong tính toán ban đầu.
Vì thế việc khai thác bauxite không mang lại hiệu quả kinh tế dù đã được giảm một số loại thuế.
Về vận tải, việc vận chuyển đang diễn ra trên đường 20, đường "dân sinh" từ Đà Lạt qua Lâm Đồng và về thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyên Ngọc nói mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe với trọng tải thiết kế 40 tấn đi trên đường với những cây cầu chỉ chịu được 25 tấn.
Sự lưu thông của các xe tải hạng nặng này cũng dễ gây tai nạn.
Về môi trường, ông nói, đã có "tai nạn bùn đỏ gây chết người."
Đắc Nông và Lâm Đồng có lượng mưa nhiều nhất ở Tây Nguyên và thêm nữa mưa dồn dập trong 2 tháng trong năm gây nguy cơ vỡ hồ chứa bùn đỏ.

Khách hàng Trung Quốc

Nhưng điều khiến nhà văn gắn bó và hiểu biết Tây Nguyên lo ngại không kém là sự liên quan của Trung Quốc tới khai thác bauxite.
Hiện Bắc Kinh là khách hàng duy nhất của Hà Nội trong việc bán nguyên liệu sản xuất nhôm từ hai nhà máy thí điểm khiến việc ép giá có thể xảy ra.
Bên cạnh đó nhà văn cũng có những lo ngại về an ninh khi nói về khai thác bauxite:
"Về mặt quốc phòng rất nguy hiểm. Từ xưa người ta đã nói ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ toàn bộ khu vực Nam Đông Dương…
Nhà văn Nguyên Ngọc nói Trung Quốc 'ráo riết' vào các dự án bauxite
"Một mặt Biển Đông như thế, một mặt ở phía tây mà có bất ổn nữa thì rất nguy hiểm.
Ông nói việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông vừa qua cũng là dịp nhìn lại vấn đề bauxite.
"Vì sao họ cứ chăm chăm họ đòi vào làm bauxite? Thực ra vì bauxite ở Tây Nguyên. Nếu bauxite ở chỗ khác chưa chắc họ đã vào đâu.
"Và có điều rất lạ là trong ký kết giữa ông Nông Đức Mạnh với Trung Quốc thì nói từng nhà máy ở Tây Nguyên… như vậy tỏ ra Trung Quốc rất ráo riết vào mấy nhà máy bauxite ở Tây Nguyên.
"Trong khi đó nhu cầu về bauxite của họ ở Tây Nguyên là không lớn, thì họ có mục đích khác."
Ông nói ông hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam thấy rõ "âm mưu" của Trung Quốc ở Tây Nguyên hơn qua việc họ hạ đặt giàn khoan.

'Dân tộc điêu tàn'

Về tái định cư người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi các dự án bauxite, ông Nguyên Ngọc nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có yêu cầu nơi tái định cư phải tốt hơn chỗ cũ hoặc ít nhất bằng chỗ cũ nhưng điều này không được thực hiện trên thực tế.
Ông nói với BBC:
"Tôi đã đến mấy làng, ví dụ làng của Tập đoàn Than khoáng sản làm cho người K’Ho ở đây thì không tài nào mà sống được.
"Mình thấy cũng không sống được chứ chưa nói là họ với văn hóa của họ.
"Ví dụ ở những nhà xây bê tông chật hẹp, xa nơi chăn nuôi… thậm chí gà vịt cũng không chăn được.
"Rẫy của họ rất xa, họ đi làm café, cao su, lúa …. rất xa.”
Nhà văn cũng lo ngại việc mất môi trường sống và văn hóa của người thiểu số sẽ để lại hậu quả "nguy hiểm."
"Ta biết một dân tộc mất văn hóa thì sẽ điêu tàn," ông nói.

'Tội ác' của con người

Trên thực tế việc khai thác bauxite chỉ là một trong các lý do khiến văn hóa của người thiểu số ở Tây Nguyên lụi tàn.
Ông Nguyên Ngọc nói cuộc "đại di dân" lên Tây Nguyên khiến người Kinh từ chỗ là người thiểu số trước đây giờ chiếm tới 80% dân số và nói thêm về ảnh hưởng của việc di dân này:
Người Kinh đã khiến người dân tộc thành thiểu số trên quê hương họ
"Từ tập quán canh tác, văn hóa, cách sống đều thay đổi hết.
"Nó đảo lộn đột ngột như vậy tai hại vô cùng cho tất cả các phương diện ở đó.
"Người Tây Nguyên hàng ngìn đời đã có phương thức canh tác để giữ gìn tự nhiên…
"Nhưng người Kinh có tập quán canh tác khác – đó là phá rừng.
"Người Tây Nguyên nhìn rừng là môi trường sống của họ.
"Thực ra cũng không phải là môi trường nữa mà là toàn bộ cuộc sống của họ.
"Người Kinh nhìn vào rừng là thấy gỗ."
"Người Tây Nguyên nhìn rừng là môi trường sống của họ. Thực ra cũng không phải là môi trường nữa mà là toàn bộ cuộc sống của họ. Người Kinh nhìn vào rừng là thấy gỗ."
Nhà văn Nguyên Ngọc
Theo nhà văn, việc tàn phá rừng đã khiến "về cơ bản rừng tự nhiên không còn ở Tây Nguyên" và điều này ảnh hưởng cả tới đồng bằng sông Cửu Long do nước ở phía tây Tây Nguyên đổ vào sông Mekong.
“Ở đời cái gì cũng có cái ngưỡng, khi nào chưa đến cái ngưỡng đó thì mình có thể quay lại," ông nói.
“Nhưng mà vượt qua ngưỡng đó thì không thể quay lại được nữa.
“Tôi nghĩ ở Tây Nguyên có những điều hoặc là mấp mé ngưỡng, hoặc là quá ngưỡng rồi.
“Ví dụ rừng tôi sợ không khôi phục được nữa, văn hóa tôi sợ không khôi phục được nữa, tự nhiên ở đó rất khó.
“Thí dụ tôi nói thế này, voi, tôi ở trong rừng mấy chục năm tôi biết mà, voi nó hiền lành lắm, con vật rất hiền lành, voi nó quay lại nó tấn công con người.
“Bây giờ voi rất nguy hiểm, không còn bao nhiêu. Thỉnh thoảng cả vùng rộng lớn chỉ còn một con voi mà nó phá và giết người nữa cơ.
“Thì vì sao? Vì nó mất môi trường sống.
“Mình làm cho thiên nhiên trở nên thù địch với con người. Nó cực kỳ nguy hiểm.
“Tôi sợ Tây Nguyên vượt ngưỡng, khó quay trở lại.”
Ông coi những gì xảy ra ở Tây Nguyên là "tội ác" của con người.

Thay đổi 'bất ngờ'

Nhưng cũng không vì thế mà nhà văn bi quan về khả năng có thay đổi tích cực ở Việt Nam.
Biểu tình phản đối Trung Quốc nhân kỷ niệm 35 năm cuộc chiến Việt - Trung
Thay đổi bất ngờ có thể diễn ra ở Việt Nam theo nhà văn Nguyên Ngọc
Ông nhận định:
"Thường khi mình thấy nó càng bế tắc đến cùng cực thì lúc đó rất dễ xảy ra thay đổi.
"…Thứ hai thường thay đổi nó cũng rất bất ngờ…
"Bây giờ thấy rất bế tắc, chưa thấy có nhân tố nào, nhân vật nào, chưa thấy biểu hiện nào để thay đổi.
"Nhưng thường thường nó diễn ra thì một là nó diễn ra theo những cách bất ngờ, ở những nơi bất ngờ và vào những lúc bất ngờ."
Ông cũng nhìn điều mà ông gọi là sự "bành trướng trắng trợn hơn và hung hăng hơn" của Trung Quốc như một cơ hội để Việt Nam thay đổi.
"Thách thức đó bộc lộ ra hết những nhếch nhác, hư hỏng của cơ chế, những vấn nạn của xã hội và chính cái đó thúc đẩy sự thay đổi," ông nói.

Tấn công ở Tân Cương, 96 người thiệt mạng

TTO - Ngày 3-8, truyền thông Trung Quốc đưa tin 37 thường dân và 59 “kẻ khủng bố” thiệt mạng trong vụ tấn công ở Tân Cương hôm 28-7.

Cảnh sát Trung Quốc có vũ trang tuần tra ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương - Ảnh: NBC
Tân Hoa xã cho biết có 13 thường dân khác bị thương. Cảnh sát Tân Cương bắt giữ 215 “tên khủng bố” trong vụ tấn công bằng dao tại một đồn cảnh sát và một số cơ quan chính quyền địa phương ở huyện Shache, vùng Kashgar thuộc Tân Cương.
Truyền thông Trung Quốc chỉ hé lộ thông tin về vụ tấn công này vào ngày 29-7. Một tổ chức người Uighur ở nước ngoài cho biết gần 100 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa những người Uighur nổi loạn và cảnh sát Tân Cương.
Theo Tân Hoa xã, trong số các thường dân thiệt mạng có 35 người Hán và hai người Uighur. Cảnh sát thu giữ nhiều con dao ở hiện trường vụ án và những băng rôn với khẩu hiệu kêu gọi thánh chiến chống chính quyền Trung Quốc.
Bắc Kinh tuyên bố vụ tấn công “được lên kế hoạch từ trước và có liên quan đến nhóm khủng bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan”. Hôm 1-8, cảnh sát ở Tân Cương bắn chết chín “nghi can khủng bố” và bắt giữ một người khác.
Trong thời gian qua, hàng loạt vụ bạo động nổ ra ở Tân Cương, đẫm máu nhất là vụ tấn công vào khu chợ trời thủ phủ Urumqi hồi tháng 5 khiến 39 người thiệt mạng. Trước đó là vụ tấn công bằng dao ở nhà ga Côn Minh hồi tháng 3, do một số người Uighur thực hiện, khiến 29 người chết.
Các tổ chức người Uighur ở nước ngoài cáo buộc chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách đàn áp văn hóa, kinh tế và chính trị đối với người Uighur ở Tân Cương, dẫn tới tình trạng bạo loạn.
SƠN HÀ

Bắt kiểm lâm viên ở Thanh Hóa nhận hối lộ 100 triệu đồng

BTTD: Bọn tiếp tay cho lâm tặc phải bị trừng phạt.

TTO - Sau khi làm việc với tài xế, chủ hàng, kiểm lâm viên Lê Đức Hải đòi chủ hàng phải đưa tổ công tác 100 triệu đồng để cho qua lỗi vi phạm.
Lực lượng công an và kiểm lâm Thanh Hóa kiểm tra chiếc xe chở gỗ mang biển kiểm soát 37C- 06012 và điều tra, làm rõ các đối tượng có liên quan đến vụ án bắt giữ ông Lê Đức Hải - Ảnh do Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Chiều 2-8, Công an tỉnh Thanh Hóa chính thức cung cấp thông tin về vụ bắt giữ kiểm lâm viên Lê Đức Hải thuộc Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa).
Theo Công an Thanh Hóa, sau một thời gian theo dõi, lập án đấu tranh, vào lúc 18g ngày 1- 8, lực lượng của Cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về tham nhũng (C48 - Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã bắt quả tang ông Lê Đức Hải (sinh năm 1979) - trạm trưởng trạm kiểm lâm của Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) đang có hành vi nhận hối lộ 100 triệu đồng của chủ hàng gỗ.
Cụ thể, tại trụ sở Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1, sau khi làm việc với tài xế, chủ hàng, ông Lê Đức Hải đã đòi chủ hàng phải đưa 100 triệu đồng cho tổ công tác để cho qua lỗi vi phạm. Khi ông Hải đang nhận tiền của chủ hàng thì bị lực lượng công an ập vào bắt quả tang.
Lúc này, thấy có đông công an bao quanh, ông Hải bỏ chạy lên tầng hai trụ sở của đơn vị; vừa chạy vừa vứt lại số tiền vừa nhận hối lộ xuống tầng một trụ sở nhằm tiêu hủy chứng cứ phạm tội.
Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về tham nhũng của Bộ Công an cùng lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt gọn ông Hải, thu hồi toàn bộ tang vật liên quan.
Trước đó, khoảng 9g30 ngày 1- 8, tổ công tác của Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 Thanh Hóa do ông Lê Đức Hải làm tổ trưởng đã tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 1A và phát hiện xe ôtô mang biển kiểm soát 37C- 06012 đang chở 22m3 gỗ cẩm lai theo hướng từ Nam ra Bắc.
Qua kiểm tra, tổ công tác của ông Hải phát hiện ngoài số gỗ cẩm lai theo hồ sơ, trên xe ô tô nêu trên còn có gỗ xẻ giáng hương (nhóm I) không có thủ tục vận chuyển theo quy định của pháp luật, nên các kiểm lâm viên cơ động yêu cầu tài xế đưa xe và hàng về trụ sở Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 để xử lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-8, ông Nguyễn Văn Hùng, đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 Thanh Hóa, cho hay ông Lê Đức Hải công tác tại đơn vị này được bốn năm nay.
"Từ trước đến nay, anh Hải chưa vi phạm kỷ luật gì. Anh Hải là cán bộ trẻ, có năng lực trong công tác, nhất là việc đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Anh Hải mới được lãnh đạo bổ nhiệm trạm trưởng - chỉ huy các tổ công tác của đơn vị." - Ông Hùng nói.
HÀ ĐỒNG