Trang

28 tháng 7, 2014

12 nước nhất trí truy tố vụ MH17

BTTD: VN không tham gia?

 Hy vọng tìm ra thủ phạm và trừng phạt đích đáng.

Đăng Bởi  - 
Các thành viên của nhóm pháp y Hà Lan và Australian tại Donetsk, miền Đông Ukraine
Các thành viên của nhóm pháp y Hà Lan và Australian tại Donetsk, miền Đông Ukraine
Ngày 28.7, Ukraine và 11 quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay ở miền Đông Ukraine đã đồng ý thành lập một nhóm các công tố viên, để xem xét khả năng truy tố hình sự vụ MH17.
Các nước đã gặp nhau tại The Hague dưới sự hỗ trợ của cơ quan hợp tác tư pháp châu Âu Eurojust. 
Hà Lan, Úc, Malaysia, Anh, Bỉ, Đức, Philippines, Canada, New Zealand, Indonesia, Mỹ và Ukraine đã đồng ý thành lập một nhóm điều tra chung. 
Tuy nhiên, một thỏa thuận chính thức giữa các nước vẫn chưa được ký kết. Tham gia cuộc họp còn có đại diện Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và tổ chức cảnh sát châu Âu (Europol).
Sau cuộc họp, đại diện Hà Lan trong Eurojust ông Han Moraal cho biết: dù mọi chuyện không hề đơn giản nhưng khi các nước sẵn sàng cùng phối hợp, thì ông hy vọng công tác điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và tìm kiếm công lý cho 298 nạn nhân và gia đình của họ sẽ có hiệu quả.
Phát ngôn viên của Eurojust Jacalyn Birk cho biết địa điểm lập tòa án để tiến hành xét xử và luật áp dụng sẽ được quyết định bởi những chứng cứ mà hoạt động điều tra thu thập được.
Hà Lan đã có sẵn một công tố viên đang ở Ukraine và đã yêu cầu sự hỗ trợ của Eurojust để triệu tập cuộc họp vào tối ngày 28.7.
Liên Hiệp Quốc ngày 28.7 cho biết hành động bắn rơi máy bay MH17 làm 298 hành khách thiệt mạng có thể cấu thành tội ác chiến tranh.
Lâm Nguyên (theo AFP)

Người tâm thần, bệnh nhân da cam cũng không thoát tiền đường

BTTD: Bệnh thành tích, bệnh hình thức đang bào mòn sức dân đến cùng cực.

Đăng Bởi  - 
Và hình ảnh phấn đấu thành xã nông thôn mới thực thụ bị tổn thương không phải do dân nghèo mà do cán bộ duy ý chí, chủ quan, áp đặt. Trong ảnh, anh Điệp nói 280.000 đồng tiền bão lụt ăn Tết thôn cũng thu để trừ tiền đường.
Và hình ảnh phấn đấu thành xã nông thôn mới thực thụ bị tổn thương không phải do dân nghèo mà do cán bộ duy ý chí, chủ quan, áp đặt. Trong ảnh, anh Điệp nói 280.000 đồng tiền bão lụt ăn Tết thôn cũng thu để trừ tiền đường.

Sâu trong vùng đồng bằng huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là xã Tân Thủy đang có những báo cáo thành tích xây dựng nông thôn mới. Nhưng vì cách làm duy ý chí, chú trọng đánh bóng cá nhân lãnh đạo xã thôn khiến bao phận đời rơi vào cảnh tủi buồn.>> “Quan chức có vàng khối, tiền tỷ, chỉ... trộm mới biết!?“
>> Không cho hát karaoke, đốt quán cho bõ ghét
Chính tuyên bố của Bí thư xã Lê Quốc Khanh: “Không có chủ trương miễn, giảm cho bất cứ ai” nên người bị tâm thần, hay bị chất độc da cam cũng bị nọc ra thu.
Không nộp kịp, họ “hành hạ” bằng cách đưa lên hệ thống loa đài của thôn xóm đọc ra rả từng buổi. Nhiều người uất quá mà buồn không chịu thấu. Ở các thôn, bao tiếng khóc tủi buồn cất lên.
Tận thu cả người bệnh tâm thần
Chúng tôi về Tân Thủy, những chuyện đau lòng cứ thế người dân gạt nước mắt mà kể. Họ kể trong chua xót, trong cay đắng, trong khổ đau. Có những người chúng tôi gặp, dường như họ không biết gì, chỉ nhìn lơ ngơ, ăn uống vô thức, nhưng sổ đinh của làng, của xã là một suất nộp như người bình thường.
Ông Trần Quang Toán ở làng Tân Bằng bị bệnh tâm thần từ 30 năm nay. Mọi sinh hoạt đều vô thức. Nhưng sổ hộ khẩu do ông làm chủ trong một căn nhà có 5 khẩu. Cạnh sổ hộ khẩu có cuốn sổ chẳng gia đình nào mong muốn, đó là sổ điều trị bệnh tâm thần. 

Ông Toán, người bị tâm thần 30 năm nay cũng bị thôn xã ép gia đình nộp tiền triệu làm đường.
Sổ điều trị tâm thần của ông Toán.
Ông từng đi miền Nam, khi hết nhiệm vụ, trở về bản quán, bệnh tâm thần phát ra ngày mỗi nặng. Bà Ngô Thị Phách thấy thương, tác hợp với ông thành chồng vợ. Gia đình ông tính ra 5 khẩu.
“Thôn xóm cứ thế áp tới nộp. Tui xin giảm hoặc miễn cho ông Toán vì tâm thần, nhưng trên xã nói không được, còn sống là lo nộp. Tui đang đi vay tiền thì loa xóm, loa thôn oang oang ngày ba cử, réo tên người bị tâm thần ra, réo tên nhà tui ra là chưa nộp. Cứ nghe tiếng loa là ớn lạnh tóc gáy thôi chú ơi”- bà Phách kể.
Một người thần kinh khác, trẻ hơn ông Toán, tuy không có sổ trị bệnh tâm thần nhưng suốt ngày đi ngoài đường. Ấy là Trần Kim Tâm (33 tuổi) ở làng Tân Thịnh, con của cựu binh Trần Kim Thịnh. Nhà ông Thịnh có 7 khẩu, Tâm là đứa con bị nhiễm chất độc hóa học; bị thần kinh bẩm sinh, cứ đi lang thang đầu đường cuối xóm, ai cho gì ăn nấy, không cho thì về nhà lục lọi nồi niêu để ăn.
“Nhưng thôn cũng ép phải nộp. Tui nói con tui chả biết chi mà mần, chả biết chi mà lao động, phải hưởng trợ cấp nhà nước chất độc da cam thì thương tình tha cho cháu. Rứa mà trưởng thôn, cán bộ xã về xong chẳng đồng ý. Cứ rứa mà nộp 1,7 triệu đồng. Nhà tui nộp chậm vì không có tiền, thôn bắc loa lên loa như đấu tố. 
Tủi quá, tui phải vay mượn chạy vạy, xóm làng cũng khó khăn cả nên vay khó lắm, nhưng cuối cùng cũng có mà nộp để khỏi réo lên loa”, bà Đinh Thị Lan, vợ ông Thịnh ứa nước mắt.
Ông Trị và vợ phải đi xe lăn nhưng thôn vẫn cấn trừ tiền từ thiện.
Con liệt sĩ, người già neo đơn, mồ côi cũng không tha
Ở làng Tân Hòa, vợ chồng ông Phan Quốc Trị, Lê Thị Hậu tàn tật, di chuyển phải đi xe lăn cả hai vợ chồng. Là con của liệt sĩ thời chống Pháp, nhưng khi làm đường, thôn thông báo hai vợ chồng ông còn nợ hai suất tiền với 340.000 đồng.
Chị Hậu nói:“Tui vay dạm trả được một nửa, còn một nửa tui nói cho tui mần mạn xong có là trả. Bão năm 2013 có suất từ thiện hỗ trợ vợ chồng tui 100.000 đồng, rứa là thôn nói không nhận chi hết, cấn trừ nợ tiền đường. Họ trừ ngang, không cho ký, không cho biết. Buồn lắm chú ạ”.
Bà Dương Thị Ích (83 tuổi) ở Tân Bằng già cả, neo đơn, ở một mình trong ngôi nhà nhỏ. Thôn vẫn áp giá tiền nộp đều như người giàu. Đến vách nhà bà Ích, trong thân người nhỏ thó, bà đang chăm chút mấy con gà con mới nở để chờ lớn mà bán rồi nộp cho thôn tiền làm đường. Bà Ích chả có tài sản gì, cứ có lứa gà vài ba con gầy nuôi bà kêu bán, bán để khi trưởng thôn kêu tên là bà phải có mặt mà nộp.

Đường thôn Tân Lỵ, nếu thoe hợp đồng ký giữa Chủ tịch xã với nhà thầu là hơn 1,1 tỷ đồng, mỗi khẩu phải nộp theo hợp đồng này là gần 3,6 triệu đồng. Nhưng dân phát hiện thực tế được chỉ 580m đã khống lên thành 1000m. Dân đòi lại thi công thì giá trị hơn 650 triệu đồng.
Bà Ích kể: “Chắt bóp được chi, nuôi con gà con chim thì bán mau mà nộp, không có họ kêu tên trên loa cực chi là cực, nhục chi mà nhục chú à. Tui nghèo chứ tui có muốn không ưng nộp mô”. 
Cháu Dương Văn Thiện, bị lơ ngơ và quậy phá vô thức, phải có người trông coi, sảnh ra là chạy đập phá đủ thứ. Thôn bắt nộp như người bình thường. Đã thế, thôn còn cấm người nhà không để cho ai chụp hình.
“Mẹ cháu chết, chừ ở với bộ, khi thì về nhà ngoại, nhà o, nhà dì, có lên xin thôn miễn cho cháu nhưng trưởng thôn trừng mắt nói hắn có trợ cấp nhà nước thì lo mà nộp. Mỗi tháng cháu chỉ có mấy trăm ngàn, cũng chỉ đủ cho cháu ăn, chứ cháu làm được tiền thì nộp rồi”-một người thân của cháu gạt nước mắt kể.

 Người dân gặp nhiều khó khăn với cách làm nông thôn mới ở Tân Thủy.
Cháu Dương Thị Huyền Trang, nhà nghèo, học giỏi, mẹ mất sớm nhưng xã, thôn vẫn ép nộp và đến ngay suất quà Tết bá tánh cho hai bố con cháu ăn Tết họ cũng bức thu không một lời nói lại.
Huyện chỉ đạo rốt ráo xã làm tà tà
Trước sự việc này, ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đã có công văn hỏa tốc 950/UBND-VP gửi lãnh đạo tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn chỉ đạo không được cào bằng trong việc thu hút tiền xây dựng làm đường với các hộ dân.
Văn bản 950 này khẳng định: “Qua thông tin phản ánh của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri và của nhân dân có một số xã, thôn trong quá trình huy động sức đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới, nhất là các công trình giao thông nông thôn như đường liên thôn, đường xóm... chưa thực sự dân chủ, thống nhất, có nơi huy động quá sức của dân, đặc biệt đối với một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo, người bị tàn tật, người bị nhiễm chất độc hóa học...”
Công văn cũng yêu cầu: Trong việc huy động nội lực, sức đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới phải có sự bàn bạc dân chủ, công khai, thống nhất trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của nhân dân và được HĐND xã thông qua; đồng thời xem xét giảm mức đóng góp cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng đặc biệt để đảm bảo an sinh xã hội; tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc; đóng góp cào bằng, bình quân hộ, khẩu gây khó khăn cho một số hộ gia đình và không được huy động quá sức dân”.

Cháu Thiện, bị da cam, mồ côi mẹ cũng bị ép nộp tiền triệu như một lao động thực thụ.
Hiện các xã đang triển khai thực hiện chủ trương trên thì ở Tân Thủy, một số trưởng thôn ở Tân Lỵ, Tân Thái lại đi đe nẹt dân.
Anh Dương Văn Điệp ở Tân Lỵ bị trưởng thôn Dương Đăng Ái cùng bí thư chi bộ Trần Hữu Tài hạch sách không được nói cảnh nghèo khó, không được nói bị thu tiền từ thiện, không được nói chuyện làm đường có vống thêm, không được nói chuyện thôn thu tiền.
Anh Điệp kể: “Ông Ái nói “mi được hộ nghèo là do tau, mi đừng to mỏ. Mi là tau bóp là ngoắc ngoải”. Tui nói lại, phận tui nghèo là do số phận, răng do eng được? Nghèo thì Nhà nước trợ cấp là nhân văn của Nhà nước chơ chi của eng (anh). Còn cấm tui răng được, tui không chấp nhận như rứa được, trưởng thôn mà cấm dân nói là răng”.
Bà Nguyễn Thị Thoái kể: “Trưởng thôn, bí thư chi bộ đi ruồng bố dân cấm không được nói khó khăn, cấm không được nói nộp tiền bạc làm đường nặng nề. Nói rứa răng được. Thôn mần răng dân biết hết, ai ép dân như răng thôn biết hết. Cấm là cấm răng được”.
Bà Thoái cũng kể thêm: “Với trường hợp hộ bà Phạm Thị Lướt phải vay mượn tín dụng đen để nộp cả suất mẹ già bị bệnh thập tử nhất sinh, nộp xong mẹ bà Lướt mất. Trước khi nộp, có xin thôn giảm cho bà mà không cho. Chừ thì thôn không cho gặp bất cứ ai vì sợ bà Lướt nói về hoàn cảnh của mình”.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy khi nắm bắt thông tin này đã ngay lập tức điện thoại chỉ đạo chấm dứt những việc làm trái khoáy trên. Phó Chủ tịch xã Tân Thủy, Trần Văn Lương cũng có chỉ đạo các thôn để người dân sinh hoạt bình thường.

Bà Lượt buồn rầu nói mẹ bà gần mất cũng nọc ra nộp tiền.
Nhưng có một điều đau lòng hơn khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Bởi trong khi người dân bị réo tên nộp cào bằng tiền làm đường thì ông Phan Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy đã cấu kết với nhà thầu là Công ty TNHH&TM Lý Loan nâng khống con đường 580m thành đường 1000m, với tiền thi công mỗi mét dài hơn 1,1 triệu đồng.
Theo lời bà Nguyễn Thị Thoái, chính bà đứng ra tố cáo sự việc, khi bại lộ mọi nhẽ, nhà thầu “bỏ chạy” còn ông Phan Quang Dũng hiện vẫn vô can.
Sự việc được UBND huyện Lệ Thủy kiểm tra và xác tín ông Dũng sai trái khi ký hợp đồng nâng khống để trục lợi tiền dân. Từ đó, con đường bê tông ở thôn Tân Lỵ được giao cho người dân thi công, tổng giá trị hơn 600 triệu đồng. Nếu thực hiện theo hợp đồng ông Dũng cấu kết với nhà thầu ký thì con đường hơn 1 tỷ đồng và sẽ bổ đầu mỗi suất đến 3,6 triệu đồng. Nếu người dân không phát giác, tiền dân phải hao mòn.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Quốc Khanh, Bí thư xã Tân Thủy nói: “Không có chủ trương miễn, giảm cho bất cứ ai”.  
 Bài, ảnh: Quốc Nam

Bóng đen nợ xấu ám ảnh lợi nhuận ngân hàng


Bóng đen nợ xấu lan rộng hơn và trùm lên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại...


Bóng đen nợ xấu ám ảnh lợi nhuận ngân hàng
Nửa đầu năm nay có lẽ là mùa báo lãi nhợt nhạt nhất trong nhiều năm qua.
In
Đã gần hết tháng 7 nhưng vẫn rất ít ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp ngành khác niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đều đã công bố báo cáo tài chính cụ thể.

Những năm gần đây ngành ngân hàng có tình trạng trù trừ như vậy. Nửa đầu năm nay có lẽ là mùa báo lãi nhợt nhạt nhất trong nhiều năm qua. Khi không còn hào nhoáng bởi những mức lãi khủng hay gần như tất cả đều lãi lớn như trước, mà bóng đen nợ xấu ám ảnh và kết quả kinh doanh kém đi thì ngại công bố tình hình hoạt động của mình cũng là dễ hiểu.

Tính đến thời điểm này, những ngân hàng đã có thông tin kết quả cơ bản trong 6 tháng 2014, gồm: TPBank, Sacombank, Vietcombank, VIB, Vietinbank, NamABank, NCB và Kienlong Bank. Bước đầu ở nhóm này là tương đối khả quan, nhưng chừng đó chưa đủ để phản ánh cho bức tranh chung, trong khi ám ảnh nợ xấu lại là dấu hiệu để nhận biết tình hình mùa báo cáo đang đến.

Là thành viên đầu tiên công bố, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đang nỗ lực để lại sau lưng những khó khăn của giai đoạn buộc phải tự tái cơ cấu hơn một năm về trước. Là ngân hàng trẻ nhất trong hệ thống, mạng lưới còn hạn chế, nên con số 263 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế có được nửa đầu năm nay là khá ấn tượng, tương ứng với 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tăng trưởng tín dụng của TPBank 6 tháng đầu năm đạt 8,8%, tỷ lệ nợ xấu từ 1,96% đầu năm xuống còn 1,66%.

Là thành viên lớn trong khối cổ phần, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tiếp tục cho thấy sự ổn định trong hoạt động. 6 tháng đầu năm nay ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 1.531 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm; tăng trưởng tín dụng khá cao với 10,3%.

Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), đầu tàu lợi nhuận của hệ thống những năm gần đây, cũng vừa có thông tin kết quả kinh doanh cơ bản nửa đầu năm: tổng tài sản tăng 3,5%; nguồn vốn tăng 4% và dư nợ tín dụng tăng trưởng 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 56% kế hoạch đại hội đồng cổ đông 2014 đề ra, tương ứng với khoảng 4.000 tỷ đồng; nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục có tăng trưởng về lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm ngoái, khi đạt 2.778 tỷ đồng. Kết quả này nhờ tín dụng tăng trưởng ở mức khá trong ngành với 6,63%. Tuy nhiên, nợ xấu của Vietcombank đến 30/6/2014 ước tính đã chính thức vượt mốc 3% (khoảng 3,06%).

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng có thông tin về kết quả 6 tháng khá sớm. Lợi nhuận trước dự phòng đạt 598 tỷ đồng, tăng 26% (quy đổi theo năm) so với năm 2013. Nhưng VIB tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao, ở mức 447 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 151 tỷ đồng (con số này chưa bao gồm hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận do đánh giá lại danh mục trái phiếu Chính phủ).

Tại hội nghị sơ kết tuần qua, Ngân hàng Nam Á (NamABank) cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay “đạt được có phần khả quan”. Theo đó, tổng tài sản đạt 33.733 tỷ đồng, tăng 17,15% so với đầu năm; tổng huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư đạt 15.383 tỷ đồng, tăng 12,2% đạt 85,46% kế hoạch năm; dư nợ cho vay đạt 13.719 tỷ đồng. tăng 18,57%. Tuy nhiên, NamABank chưa tiết lộ lợi nhuận và nợ xấu cụ thể.

Trong khối ngân hàng nhỏ, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) vẫn khẳng định là một trong những thành viên hiệu quả và ổn định nhất (trên cơ sở số liệu họ công bố). Tính đến 30/6/2014, tổng tài sản của Kienlongbank là 21.897 tỷ đồng, đạt 91,84 % kế hoạch năm 2014, tăng 2,46 % so với năm 2013; dư nợ cho vay tăng 7,46%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 211,86 tỷ đồng, đạt 50,56 % kế hoạch năm.

Trong số ít ỏi các thành viên đã công bố nói trên, một số trường hợp như Vietinbank, Sacombank, NamABank chưa có số liệu cụ thể về tỷ lệ nợ xấu. Số còn lại, mặc dù vẫn kiểm soát dưới 3% hoặc chớm trên mức này, nhưng lại cho thấy một sự ảnh hưởng lớn từ rủi ro này. Như tại VIB, lượng trích lập dự phòng rủi ro đã giảm phần lớn lợi nhuận đạt được trong nửa đầu năm nay. Hay tại Vietcombank, 2.400 tỷ đồng dành để trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm là quy mô lớn…

Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay và đã trở lại trên mức 4%. Tương ứng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại nói chung trong nửa đầu năm nay dự tính sẽ tiếp tục tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Đó dự báo cũng sẽ là xu hướng khi các nhà băng từng bước thực hiện cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro chặt chẽ hơn, theo tinh thần của Thông tư 09.

Việc trích lập dự phòng quy mô lớn ở một số thành viên nói trên và cũng là xu hướng chung có thể là tính toán chủ động của các ngân hàng, nhằm hạn chế những “cú sốc” khi Thông tư 09 được thực hiện một cách đầy đủ vào đầu năm tới, cùng cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm buộc phải chấm dứt. Hay nói cách khác, bóng đen nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục ám ảnh lợi nhuận của họ trong thời gian tới.

VN giữa trật tự thế giới mới

Phan Công Chánh

Cập nhật: 09:47 GMT - thứ hai, 28 tháng 7, 2014
Trung Quốc và Nga thường đồng ý với nhau về các vấn đề ngoại giao
Câu hỏi tôi muốn đặt lại để suy nghĩ trong bài này là: Có phải một trật tự thế giới mới đang trong tiến trình hình thành với cuộc tranh hùng quyền lực toàn cầu kiểu mới giữa ba tay chơi quyền lực quốc tế siêu cường Mỹ, đại cường Nga, đại cường Trung Quốc là nội dung chính của nó?
Sự sụp đổ của đế quốc Nga Xô đã dẫn đến sự thay thế của “một trật tự thế giới lưỡng cực” (với cuộc tranh hùng bá chủ thế giới tay đôi Mỹ - Nga) bằng “một trật tự thế giới nhất cực” (với sự lãnh đạo hoàn cầu của siêu cường Mỹ). Nhưng sự “trỗi dậy” nhanh chóng của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo có viễn kiến của Đặng Tiểu Bình và những lãnh tụ kế nghiệp cũng như sự phục hồi quyền lực nội tại của Nga dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Vladimir Putin đã góp phần tạo dựng điều kiện cho sự hình thành một trật tự thế giới mới.
Nhưng một câu hỏi liên hệ khác cũng đã được đặt ra: Cơ cấu nội tại của trật tự thế giới mới sẽ là một trật tự thế giới nhất cực hay một trật tự thế giới lưỡng cực hay một trật tự thế giới tam cực hay một trật tự thế giới đa cực?
Mặc dù câu hỏi chính trị quan trọng này vẫn còn là một vấn đề tranh cãi nặng tính chất học đường, tôi cho rằng “một trật tự thế giới mới” đang hình thành có nhiều khả năng sẽ là một trật tự thế giới tam cực. Nhưng nó lại được đặt trên căn bản một cơ cấu đa khối quốc gia với nhiều loại hình quan hệ khác nhau cùng nhiều hệ thống trục xoay quyền lực đa dạng đang nối kết tất cả các khu vực chiến lược trên thế giới lại với nhau.
Thuật ngữ “một thế giới tam cực” được dùng để chỉ sự tái định vị trí quyền lực chân vạc của Nga - Mỹ - Trung Quốc trong những cuộc đọ sức tranh hùng tay ba tương lai nhằm mục đích bá chủ thiên hạ cũng như việc theo đuổi những mục đích quốc gia thực tế (đó là duy trì phát triển mở rộng quyền lực quốc gia và lợi ích dân tộc trong quan hệ khối - khu vực - toàn cầu) mà không được che đậy dưới những chiêu bài ý thức hệ lý tưởng cao siêu như xưa.
Nếu nhìn từ quan điểm văn hoá chính trị thì Hoa Kỳ thuộc loại văn minh hiện đại và đang chuyển mình sang loại hình văn minh mới hậu hiện đại. Nhưng ngược lại, văn hoá chính trị của Nga cũng như văn hoá chính trị Trung Quốc vẫn còn thuộc vào loại hình văn minh tiền hiện đại. Thí dụ, Nga và Trung Quốc vẫn còn coi trọng giá trị sở hữu đất đai và biển đảo và không ngần ngại sử dụng những “thủ đoạn” tiền hiện đại như đã xảy ra tại Crimea và Biển Đông.
Đây là loại tâm lý và chính sách thuộc chủ nghĩa thuộc địa kiểu cũ hay chủ nghĩa đế quốc kiểu cũ chứ không phải chủ nghĩa đế quốc kiểu mới như Mỹ vì dân tộc Mỹ đã trải qua hơn 200 trăm phát triển văn minh kỹ thuật hiện đại.
Liệu mô hình “một thế giới tam cực” với nội dung cuộc tranh hùng tay ba Nga - Mỹ - Trung có giống như loại kịch bản “Tam Quốc Chí” hay “The Good, the Bad and the Ugly” (cuốn phim nổi tiếng cao bồi Mỹ 1966)? Ai là “The Good” (Loại Thiện)? Ai là “The Bad” (Loại Ác)? Ai là “The Ugly” (Loại Xấu Xí)? Ai sẽ là kẻ chiến thắng sau cùng?

Siêu Cường Mỹ

Mỹ cố gắng duy trì vị trí lãnh đạo ở châu Á
Mỹ muốn tiếp tục duy trì ngôi vị “siêu cường” của mình theo kiểu “vương đạo” với chính sách xây dựng quan hệ song phương đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vì vẫn xem Nga là “đối thủ chính” của mình (vì an ninh khu vực Đông Âu và Trung Đông). Con số khổng lồ trên 562 tỷ đôla buôn bán thương mại hai chiều Mỹ - Trung năm 2013 nói lên sự quan trọng kinh tế giữa hai nước khi ta so sánh với con số 203 tỷ đôla mậu dịch hai chiều Mỹ - Nhật cùng năm.
Nhưng đối với vấn đề an ninh toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Mỹ đã quyết định “cầm chân Tàu” với chiến lược “Xoay Trục sang châu Á-Thái Bình Dương” vì Trung Quốc lại được xem là “đối thủ chính” trong quan hệ chiến lược đối trọng Mỹ - Trung. Mỹ đã tiến qua giai đoạn triển khai chính sách “Xoay Trục sang châu Á-Thái Bình Dương” cũng như khuyến khích vai trò quân sự mới của Nhật trong chính sách cân bằng quyền lực tại khu vực chiến lược này trước “sự trỗi dậy” đáng ngờ của Trung Quốc. Cuộc tranh hùng Mỹ - Trung đang chuyển thành cuộc tranh hùng khu vực Nhật - Trung.
Đây là vài nghi vấn chiến lược: Việt Nam sẽ chọn đứng chiến tuyến nào trong cuộc tranh hùng tay ba Mỹ - Nhật - Trung? Ai mới thực là “kỳ phùng địch thủ hoàn cầu” của Mỹ trong tương lai: Nga hay Trung Quốc? Mục đích chiến lược mới của Mỹ là gì khi tiếp tục chính sách nuôi dưỡng con sư tử Tàu?

Đại cường Nga - Giấc mơ hồi sinh

Nga lại muốn vươn lên giành lại cái ghế siêu cường một thời oanh liệt đã qua cũng như phục hồi lại cái đế quốc Xô Viết đã mất của mình để có thể có được một ngôi vị siêu cường thật sự trong quan hệ tranh hùng tay ba kiểu mới.
Vì thế, Tổng thống Putin phải chặn đứng ngay chính sách xâm nhập “lót ổ” của Âu Mỹ tại Ukraine bằng cách tiến chiếm bán đảo Crimea của Ukraine (giống kịch bản Trung Quốc chiếm Biển Đông) cũng như kéo Trung Quốc về phe Nga bằng cách đẩy mạnh các loại hình quan hệ song phương lên cao điểm mới (rềnh rang nhất mặc dù bị Trung Quốc chơi trò chơi buôn bán “áp giá” là việc ký kết hiệp thương khí đốt khổng lồ gần đây).
Nhưng đối với sự lo sợ của Nga, Trung Quốc lại là “một địch thủ khó lường” vì Trung Quốc đang từng bước xâm nhập mạnh vào nền kinh tế lạc hậu nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên của các nước Trung Á (thuộc đế quốc Xô Viết cũ) cũng như dân Tàu đang du nhập mạnh vào khu vực rộng lớn đầy tiềm năng Tây Bá Lợi Á (Siberia).
Nga lo sợ Bắc Kinh đang dòm ngó “miếng mồi ngon” không những vì diện tích Siberia khổng lồ, phong phú về tài nguyên nhưng dân chúng lại nghèo khổ.

Giấc mơ Hoa Tộc

Trung Quốc đang làm tất cả những gì cần phải làm trong khuôn khổ mô hình phát triển “Tứ Hiện Đại” để có thể nhanh chóng thực hiện cho kỳ được cái “giấc mơ siêu cường” bao đời ấp ủ của mình. Trung Quốc đã và đang thành công với chính sách “hiện đại kinh tế” của mình và triển vọng sẽ vượt qua cả siêu cường Mỹ để trở thành quốc gia có “nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Chính sách hiện đại quân sự đang làm cho các nước láng giềng lo ngại không những vì Trung Quốc đang “dành đất chiếm biển” và thiết lập “vùng trời bất khả xâm phạm” tại biển Đông Á mà còn đổ tiền vào quốc sách phát triển kỹ nghệ quốc phòng. Theo công bố của Lầu Năm Góc, năm 2013 Trung Quốc đã chi hơn 145 tỷ đôla. Nhưng theo học viện Stockholm International Peace Institute (SIPRI), con số đã lên đến 188 tỷ đôla. Con số thật có thể còn cao hơn nhiều.
Bắc Kinh tỏ ra rất khôn khéo trong những kế hoạch khai thác quan hệ đối kháng Nga - Mỹ để thủ lợi cũng như xây dựng những hệ thống giao thông đường bộ (như tái thiết lập the Con Đường Tơ Lụa) lẫn cái mà nhà báo Mỹ Robert D. Kaplan gọi là “Đế Chế Đại Dương Nẩy Mầm Trung Quốc” nhằm nối liền Trung Quốc với khu vực Trung Đông và châu Phi. Vì thế, Biển Đông và Đông Nam Á được những lãnh tụ Bắc Kinh xem như tối quan trọng đối với chiến lược xây dựng “Đế Chế Đại Dương” vì chúng sẽ nối liền biển Đông Á với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương thành một trục giao thông hàng hải (cũng như một loại lãnh thổ đại dương khổng lồ của Trung Quốc).
Vì thế, ngoài mục đích khai thác tài nguyên biển (như dầu lửa), việc chiếm trọn Biển Đông có thể được xem như là bước chiến lược đầu tiên mà Trung Quốc tiến hành để xây dựng một loại “Trân Châu Cảng” cho Hạm Đội Nam Hải. Từ đó, Trung Quốc sẽ dần tiến chiếm toàn bộ Đông Nam Á nhằm thành lập “khu vực ảnh hưởng đầu tiên của Trung Quốc” để kiểm soát trục vận chuyển đường biển Đông Tây và để phóng chiếu sức mạnh quyền lực khu vực cũng như trên thế giới.

Lựa chọn của Việt Nam?

Việt Nam sẽ là một trong các hội viên hùng mạnh nhất của Asean?
Nếu lịch sử chính trị thế giới đang chuyển động với cuộc tranh hùng kiểu mới tay ba toàn cầu Mỹ - Nga - Trung và cuộc tranh hùng tay đôi khu vực Nhật - Trung, thì sự lựa chọn chiến tuyến lịch sử mới của Việt Nam phải như thế nào?
Việt Nam cần phải làm gì để không trở thành một nạn nhân bi thảm đáng thương như đã từng xảy ra trong quá khứ mà là một tay chơi quyền lực thế giới nặng ký trên chính trường quốc tế?
Những sự lựa chọn mới của Việt Nam có thể được diễn tả bằng 8 chữ vàng sau đây nếu Việt Nam thấy chuyển hướng toàn diện là một sự cần thiết để tìm một sinh lộ mới cho dân tộc đi tới: Tây Tiến - Đông Kết - Bắc Hẹn - Nam Hòa.
“Tây Tiến” nghĩa là Việt Nam phải tiến thẳng vào nền kinh tế Mỹ - Nhật -châu Âu để phát triển và làm giàu. Nước Mỹ phải là đất dụng võ của Việt Nam và phải là một thành trì kiên cố cho sứ mạng dựng nước và giữ nước lâu dài của Việt Nam.
"Những sự lựa chọn mới của Việt Nam có thể được diễn tả bằng 8 chữ vàng sau đây nếu Việt Nam thấy chuyển hướng toàn diện là một sự cần thiết để tìm một sinh lộ mới cho dân tộc đi tới: Tây Tiến - Đông Kết - Bắc Hẹn - Nam Hòa."
“Đông Kết” nghĩa là Việt Nam phải nhanh chóng tiến tới việc thiết lập một hệ thống đồng minh nhất tâm tứ trụ mà trong đó quan hệ đồng minh Việt - Mỹ và Việt - Nhật sẽ là trục xoay quyền lực đầu tiên trong quan hệ đối trọng với Trung Quốc. Để thoả mãn một số yêu sách của Mỹ và mặc cả những bao thầu lớn với Mỹ trong tương lai, Việt Nam nên cho Mỹ thuê quân cảng Cam Ranh và lập một lộ trình xây dựng những thể chế dân chủ. Đây là con đường sống.
“Bắc Hẹn” nghĩa là Việt Nam sẽ tạm đoạn tuyệt với Trung Quốc giống như Mao và Đặng đã làm khi bắt tay với Mỹ và phớt tỉnh với Nga để dốc toàn lực vào quốc sách xây dựng kinh tế trong vòng 60 năm tới (2015-2075) rồi mới “tái xuất giang hồ” làm ăn tại hai nước bạn “đồng chí” năm xưa này cũng như các nước khác trên thế giới sau khi Việt Nam đã trở thành một “trung cường”.
“Nam Hòa” nghĩa là Việt Nam sẽ hoà với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới (trừ Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại) nhưng lấy đại hòa với các nước Đông Nam Á làm trọng. Vì sau 60 năm phát triển Việt Nam sẽ là một trong những nước hội viên hùng mạnh nhất để bảo vệ và lãnh đạo ASEAN thành một khối liên minh thống nhất trong quan hệ đối trọng với các nước đại cường và siêu cường trên thế giới.
Nhưng để làm được những việc này, Việt Nam đang cần những nhà lãnh đạo có viễn kiến.
Bất cứ thời đại nào trong bất cứ một xã hội nào, dân chủ hay phi dân chủ, một nhân vật hay một lãnh tụ bình thường, nhưng yêu nước thương dân, đều có những mưu lược phi thường để xuất hiện làm một nhà lãnh đạo quốc gia có viễn kiến, tự nhận sứ mạng xoay chuyển càn khôn cứu dân độ thế.
Ai sẽ xuất hiện để trở thành một nhà lãnh đạo Việt Nam chân chính như thế? Ai sẽ là nhân vật bình thường vươn lên từ “vũng lầy quyền lực” Đảng Cộng sản hiện nay, giống như một vầng thái dương hừng lửa, để làm nên đại nghiệp huy hoàng cho quốc gia dân tộc?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang giảng dạy ở San Jose State University, Hoa Kỳ.

27 tháng 7, 2014

Chúng ta còn lâu mới có văn minh

(Tin tức thời sự) - Tái giá thì sao? Họ không được phép có một gia đình mà chỉ được sống vật vờ để ôm khư khư lấy danh hiệu hay sao?
a
Các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng được ưu tiên cộng điểm nếu thi đại học.
Trong khi Bộ GD&ĐT sốt sắng cộng điểm cho Bà mẹ VNAH đi thi đại học thì Cục người có công của Bộ LĐTBXH nhất định không phong tặng danh hiệu cho một bà mẹ đã gần đất xa trời vì còn chờ… hướng dẫn.
Mẹ M. ở TP. HCM, một người vợ liệt sĩ từ năm 30 tuổi, mất cả 2 con trai, đứa lớn 16 tuổi, đứa bé 6 tuổi vì làm giao liên cảnh giới cho quân cách mạng, bản thân mẹ M. là thương binh hạng 2/4 vì tù đày. Còn lại một mình trơ trọi trên đời, khi ra tù, mẹ M gá nghĩa với một người đồng đội.
Giờ mẹ M. 83 tuổi, 3 năm nay bệnh nặng nằm liệt giường, 5 tháng trước đây, phường đề nghị Phòng Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phong danh hiệu Bà mẹ VNAH cho mẹ. Nhưng trên trả lời: hồ sơ chưa được thông qua vì mẹ đã tái giá, và còn phải chờ xem thủ tục hướng dẫn thế nào.
Ai là người còn có trái tim ở phía bên ngực trái mà không thấy đau khi đọc những  câu chuyện thế này?
Một người phụ nữ mất chồng, mất cả 2 đứa con trai còn măng sữa cho cuộc chiến tranh, đến lúc nằm liệt giường, sắp nhắm mắt xuôi tay vẫn không được nhận danh hiệu mà bà xứng đáng được hưởng, chỉ vì đã tái giá.
Hỡi ôi, phải chăng các bà mẹ VNAH không phải là người? Hay người ta muốn phong tặng danh hiệu cho các mẹ để hóa thánh, hóa tượng cho các mẹ rồi đặt lên một vị trí cao nào đó, không cho các mẹ là con người nữa?
Một cái danh hiệu vô hình lấp làm sao được nỗi đau trong lòng họ, những người mẹ đã dứt từng nắm ruột của mình, trao cho quân đội để rồi không bao giờ còn nhìn thấy con được nữa. Các liệt sĩ đã hy sinh có bao giờ hình dung người mẹ đáng thương đáng kính của họ đang bị đặt lên bàn cân phát xét thế này không?
Đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Duy Kiên- Phó Cục trưởng Cục người có công của Bộ LĐ-TB&XH về trường hợp của các mẹ mà tôi trào nước mắt. Vì sự vô cảm lạnh lùng của các quy định đang khiến cho chúng ta bị kéo tụt về trạng thái dã man mông muội, không còn biết thế nào là sự nhân văn, tử tế ở đời.
Ông Kiên cho biết: “Theo quy định hiện nay, bà mẹ có 1 con duy nhất, hoặc có 2 con liệt sỹ thì đương nhiên được công nhận bà mẹ Việt Nam anh hùng, dù có tái giá hay không.
Riêng với trường hợp có con và chồng là liệt sỹ, nhưng nếu đã tái giá, tức là đã chuyển sang hôn nhân mới, thì mặc định hôn nhân cũ đã mất hiệu lực. Vì khái niệm chồng được hiểu là người mà hôn nhân đang có hiệu lực.
Tuy nhiên việc xét tặng danh hiệu cho các trường hợp bà mẹ đã tái giá cũng có những cái cần phải bàn. Chẳng hạn như trường hợp mẹ M. như ở TP.HCM có 1 con và chồng là liệt sỹ, nhưng đã tái giá. Vậy trường hợp này nếu lấy chồng cũ ra làm tiêu chuẩn được không?
Cái này trong quy định vẫn chưa có và cần phải chờ hướng dẫn để cân đối với các văn bản pháp luật khác nữa, chẳng hạn như luật hôn nhân gia đình. Được hay không không quan trọng, nhưng về mặt hành lang pháp lý thì cần phải có”.
Thế đấy, chỉ cần chuyển sang hôn nhân mới thì hôn nhân cũ đã mất hiệu lực, chồng cũ dẫu có là liệt sĩ không làm tiêu chuẩn được nữa, mẹ M được hay không không quan trọng, nhưng về mặt hành lang pháp lý thì cần phải có.
Ông Cục phó Cục người có công trả lời thế này, có khiến cho ai thấy đau không, thưa bạn đọc?
“Sá chi tờ giấy?” Mẹ M. đã nói như thế khi biết người ta đang cân đong đo đếm trường hợp hồ sơ của mẹ. Thưa mẹ, mẹ nói đúng rồi. Ba phần tư cuộc đời mẹ đã chết, chồng và hai đứa con trai đã chết, thì một tờ giấy ghi mấy chữ Bà mẹ VNAH dù có vẻ vang cũng có sá chi.
Nhưng những quy định vô cảm, những con người làm chính sách nhưng chỉ cứng nhắc tuân theo những quy định vô cảm làm chúng ta đau lòng thì vẫn còn đó. Vẫn chứng tỏ cho chúng ta một điều cay đắng rằng: chúng ta còn lâu mới có được sự văn minh.
Bởi văn minh là phải đặt ra những điều luật, những quy định tôn lên được tính nhân văn của con người, tô thêm sự ấm áp của tình người chứ không phải quỳ rạp xuống mà phục tùng những điều luật như nô lệ.
Bởi văn minh là phải làm sao để vơi bớt nỗi đau cho những con người đã chịu quá nhiều thiệt thòi cay đắng chứ không phải là dúi thêm những mũi dao vào lòng họ. Tái giá thì sao? Họ không được phép có một gia đình mà chỉ được sống vật vờ như hồn ma bóng quế mà ôm khư khư lấy danh hiệu hay sao?
Ông Kiên cho biết thêm: “Theo tôi, mọi thứ đều phải có một chuẩn mực nhất định. Nếu càng tôn cao phẩm chất thì danh hiệu ấy càng có giá trị. Ngược lại nếu hạ dần phẩm chất đi thì danh hiệu ấy lại giảm giá trị đi.
Ngày xưa chúng ta đề nghị phải có 3 con, giờ lại hạ xuống 2 con liệt sỹ thì được xét tặng. Nhưng thời bình đã vậy, còn thời chiến tranh thì thế nào? Bây giờ trong thời bình, khi phong tặng gần hết rồi chúng ta lại mở rộng thêm. Nếu giải quyết ào ạt như vậy lúc đó sẽ thế nào?”
Nghe mà lạnh hết cả người. Con dân chúng tôi đẻ ra, máu thịt của chúng tôi, nguồn hy vọng sống của cuộc đời chúng tôi, đã dâng cho Tổ quốc không một lời đòi hỏi. Thế mà giờ đây, Cục người có công lại còn lo phải “giải quyết ào ạt” thì giá trị danh hiệu giảm đi?
Tôi xin phép không còn lời nào để nói thêm được nữa.  
  • Mi An

Thủy điện lật lọng không cắt lũ, người dân ngã ngửa!

(Tin tức thời sự) - “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du.Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn.Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN đã nói thẳng như vậy khi người dân trông chờ và kỳ vọng thủy điện sẽ xả lũ, cắt lũ.
Hiện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba yêu cầu các nhà máy thủy điện phải thông báo xả lũ cho dân trước 4 giờ thay vì 2 giờ như trước đây.
Thế nhưng ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ lại cho rằng xả lũ như thế đã là “áp lực”.
Khác với mục tiêu ban đầu, nay đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam nói thẳng: Thủy điện không bao giờ cắt lũ được!
Khác với mục tiêu ban đầu, nay đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam nói thẳng: Thủy điện không bao giờ cắt lũ được!
Còn ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, thẳng thừng: không thể có phương án cắt lũ trên sông Ba! “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”.
Ông Đỗ Đức Quân,Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cũng thừa nhận: bộ từng cân nhắc đến phương án cắt lũ cho hạ lưu sông Ba bằng việc mở rộng hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ nhưng không khả thi.
“Chúng tôi tính toán để giữ được 400 triệu m3 nước vào mùa lũ cho hạ lưu sông Ba thì phải chấp nhận mất đi một diện tích đất lên đến 4.500 ha, gần gấp đôi hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Diện tích đất mất quá lớn trong khi 400 triệu m3 cũng không thấm vào đâu so với lũ sông Ba”.
Sự lật lọng của thủy điện khiến người dân cay đắng. Ông Trần Văn Tiến, một người dân ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên - vùng thường xuyên bị ngập lụt khi thủy điện xả lũ, bức xúc: “Bây giờ, họ lật lọng vậy đó! Trước đây, khi xây dựng thủy điện thì họ nói rất ngon. Họ bảo làm thủy điện sẽ cắt lũ cho dân”.
Trước đó khi lập dự án thủy điện Sông Ba, ngoài mục tiêu chính là cung cấp điện cho đất nước với giá thành hạ, thủy điện Sông Ba Hạ còn là công trình lợi dụng tổng hợp với nhiều lợi ích khác.
Đó là, cung cấp nước tưới cho gần 3.000 ha vùng đất quanh hồ: Củng Sơn, Sơn Phước, Ea Bá, Đức Bình Đông… Nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước gấp 3 lần hồ thủy điện Sông Hinh.
Dự án còn có mục tiêu cải tạo môi trường điều hòa khí hậu trong vùng, mở ra khả năng phát triển du lịch sinh thái gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai.
Đặc biệt hồ thủy điện Sông Ba Hạ còn có nhiệm vụ tham gia cắt lũ cho vùng hạ du, nhất là đối với vùng đồng bằng huyện, thành phố Tuy Hòa với tần suất 10%. Theo kế hoạch toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Thế nhưng kể từ ngày đi vào vận hành đến nay thủy điện sông Ba gây không ít 'tai tiếng'. Và đến bây giờ thì lộ mặt thủy điện chỉ lo cho "túi tiền" của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho rằng việc thực hiện đúng quy trình mới sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà máy thủy điện. Do đó phải tính toán để vừa giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo lợi ích cho các nhà máy thủy điện!
Còn ông Đỗ Đức Quân nói: “Các hồ chứa này không thể chống lũ mà chỉ có thể giảm lũ. Trong khi không chống được lũ mà dành quá nhiều dung tích để giảm lũ thì mùa kiệt sẽ thiếu nước”.
Phương Nguyên (tổng hợp)

Năng suất lao động Việt Nam: Thấp do đâu?

BTTD: Người VN nói nhiều hơn làm.

Năng suất lao động Việt Nam: Thấp do đâu?

Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á–Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore, Nhật và Hàn Quốc lần lượt là 15 lần, 11 lần và 10 lần.

Ngay cả so với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan.
Đáng chú ý là hiện tốc độ tăng của năng suất lao động đang giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2%/năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%/năm.
Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng năng suất lao động ở Việt Nam thấp là do lao động chưa được đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, thể lực người lao động kém, kỹ năng yếu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất thấp v.v...
Theo đó, để cải thiện năng suất lao động thì phải khắc phục những mặt yếu kém này, ví dụ phải củng cố nguồn nhân lực, tăng cường thể chất, kỹ năng và trình độ người lao động, áp dụng kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến.
Tuy nhiên theo người viết, mọi chuyện đều không đơn giản, đúng hơn là không thẳng tuột như thế!
Để tìm đúng nguyên nhân năng suất lao động thấp trước tiên cần hiểu đúng khái niệm năng suất lao động. Theo định nghĩa chung nhất, năng suất lao động đo lường lượng hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong một giờ lao động.
Vì không thể đo lường năng suất lao động của những người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau tạo ra những sản phẩm và dịch vụ khác nhau, nên người ta sử dụng một đại lượng chung, đó là giá trị GDP ròng, hoặc giá trị gia tăng (đo bằng đơn vị tiền tệ), tạo ra trong một giờ lao động.
Với khái niệm và cách đo lường năng suất lao động như trên, có thể nói một cách khái quát rằng năng suất lao động tỷ lệ thuận với tổng GDP của cả nền kinh tế và tỷ lệ nghịch với tổng số giờ lao động tiêu tốn trong cả nền kinh tế để làm ra từng đó GDP.
Như vậy, với cùng quy mô dân số và lao động (giả thiết là cùng một cơ cấu dân số) thì nước nào có GDP lớn hơn sẽ có năng suất lao động cao hơn nước kia.
Trở lại với kết quả so sánh năng suất lao động nói trên của ILO. Không có gì đáng ngạc nhiên khi năng suất lao động của Việt Nam lại quá thấp so với những nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có GDP bình quân đầu người đều cao tới hơn chục lần so với Việt Nam.Cũng tương tự nếu so với Malaysia và Thái Lan.
Do đó, để giảm chênh lệch này thì đương nhiên phải lấp đi khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người. Mà để giảm chênh lệch thu nhập bình quân đầu người thì phải tăng tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này cũng lý giải thực trạng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam chậm lại kể từ 2008 đến nay: tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tụt giảm đáng kể so với giai đoạn tăng trưởng cao 2002-2007.
Để nâng tốc độ tăng trưởng GDP nhằm tăng năng suất lao động, chúng ta cần giải được bài toán khó vốn đang là đề tài nổi cộm hiện nay mà vì thế mới phải có những việc lớn như tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân và FDI, tăng cường hòa nhập với nền kinh tế thế giới v.v...
Trên thực tế, việc nâng tốc độ tăng trưởng GDP và tăng năng suất lao động cũng giống như chuyện con gà và quả trứng. Vì tăng năng suất lao động cũng là giải pháp chính để cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP.
Để tăng GDP hay tăng năng suất lao động thì đều cần phải có vốn tư bản (tiền để đầu tư mua máy móc, công cụ làm việc, càng nhiều tiền thì càng mua được máy móc, công cụ tốt), công nghệ mới (tự động hóa có thể giảm được số người làm việc), và vốn con người (người lao động có kiến thức và kỹ năng tốt thì mới sử dụng và làm chủ được công nghệ mới, thiết bị mới, mới tổ chức được sản xuất một cách hợp lý...).
Nhưng bản thân công nghệ mới và vốn con người, suy cho cùng lại đều phụ thuộc vào vốn tư bản - có tiền thì mới có khả năng đầu tư cho công nghệ cao, hiện đại, đầu tư vào giáo dục, đào tạo nhân lực v.v...
Tuy nhiên, có tiền mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải tiêu số tiền đó ra sao cho hợp lý và đúng đắn nhất. Lời giải cho bài toán, xem ra, nằm ở đó.
Theo TS. Phan Minh Ngọc
Doanh nhân Online