Trang

23 tháng 7, 2014

Đã thua kiện còn dỡ nhà dân


RELATED CONTENT

Dù bị tòa tuyên thua kiện về quyết định hành chính nhưng chính quyền tỉnh Khánh Hòa vẫn cưỡng chế nhà dân.


Xe ủi đang đập một phần nhà ông Lạp vào chiều 22.7 -  Ảnh: Đình Quân
Cưỡng chế nhà ông Lạp vào sáng 22.7 - Ảnh: Trần Đăng
Sáng 22.7, cơ quan chức năng của TP.Nha Trang tiến hành cưỡng chế ngôi nhà số 100 Trần Phú của ông Đặng Đình Lạp - người đã thắng kiện UBND tỉnh Khánh Hòa trong một vụ án dân sự liên quan đến mảnh đất thuộc ngôi nhà này cách đây 4 năm.
Hai lần thắng kiện
 
Tôi kêu trời không thấu !
Ông Đặng Đình Lạp bức xúc nói: "Tôi bán quán cơm bình dân kiếm ăn qua ngày, giờ họ cắt hết điện nước, dọn sạch bàn ghế tủ giường (phần đất thu hồi - PV), tối nay tôi phải nằm đất thôi. Sáng giờ huyết áp tăng liên tục, không biết chết lúc nào. Tòa là người đại diện cho pháp luật, không ai được đứng trên phép nước nhưng họ (tỉnh Khánh Hòa) làm như vậy, tôi kêu trời không thấu!".
Ông Đặng Đình Lạp nguyên là giáo viên Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật không quân (đóng tại Nha Trang). Năm 1984, ông được nhà trường cấp một căn hộ (41 m2) tại trạm khách T25 khu 100 Trần Phú, TP.Nha Trang. Tháng 6.1994, nhà trường bán thanh lý cho ông Lạp căn hộ trên, cùng số đất còn lại trong khuôn viên, với tổng diện tích cả nhà và đất là 120 m2. Gia đình ông đã ở yên ổn từ đó đến năm 2000, ông đến Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT) làm thủ tục xin đăng ký sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Sau khi kiểm tra thực địa, Sở Địa chính cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà là không bị vướng mắc gì. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Minh Duân lúc đó đã ký quyết định thu hồi một phần diện tích đất của ông để cấp cho hộ khác. Ông Lạp đã khiếu nại nhiều lần không được xem xét nên đã khởi kiện ra Tòa hành chính.
Ngày 27.11.2008, tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa bác yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Đình Lạp. Ông Lạp kháng cáo. Ngày 20.3.2009, tại phiên phúc thẩm, TAND tối cao tại Đà Nẵng tuyên hủy các quyết định cấp đất của UBND tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục khiếu nại xin kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 11.2.2010, TAND tối cao có công văn nêu rõ: “Không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng”. Như vậy, cả phiên phúc thẩm lẫn giám đốc thẩm đều cho rằng  các quyết định lấy một phần diện tích đất của ông Lạp để cấp cho người khác của tỉnh Khánh Hòa là sai. Lẽ ra, sau bản án phúc thẩm, tỉnh Khánh Hòa phải làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cho ông Lạp nhưng tỉnh này vẫn kiên quyết cưỡng chế.
Vẫn bị cưỡng chế
Thay vì thực hiện bản án của Tòa phúc thẩm, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo cho UBND TP.Nha Trang và các sở, ngành liên quan lập sơ đồ quy hoạch phân lô điều chỉnh khu 100 Trần Phú. Theo đó, khu diện tích 341 m2 (gồm đất nhà ông Lạp đang ở và đất của một hộ liền kề) được phân thành 4 lô để tiếp tục cấp cho ông Đặng Văn Hào. Đây là người mà trước đó UBND tỉnh Khánh Hòa đã lấy đất của ông Lạp để cấp dẫn đến việc ông Lạp kiện tỉnh này ra tòa. Ông Hào cũng là nghi phạm bị bắt trong vụ tàng trữ 5.000 tép heroin vào ngày 18.7 vừa qua.
Tại cuộc họp báo định kỳ mới đây, người phát ngôn của tỉnh Khánh Hòa cho rằng tỉnh đã thực hiện nghiêm túc bản án phúc thẩm, còn việc cưỡng chế nhà ông Lạp là thuộc về một quyết định khác(!?). Thua kiện, về bày ra “quyết định khác”, nhưng thực chất là nội dung của vấn đề vẫn không thay đổi, tức là lấy cho bằng được một phần đất của ông Lạp để phân cho người khác. Tại bản “Báo cáo của Thanh tra Chính phủ” ngày 18.6.2014 gửi Thủ tướng Chính phủ có nêu: “Bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng có hiệu lực pháp luật từ ngày 20.3.2009 nhưng đến thời điểm kiểm tra (12.2012), UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa nộp án phí; bản chất nội dung bản án chưa được thực thi triệt để, mặc dù UBND tỉnh Khánh Hòa có khiếu nại xin kháng nghị nhưng không được TAND tối cao chấp nhận”.
Cũng tại báo cáo trên, Thanh tra Chính phủ đã phân tích đúng, sai ở nhiều điểm chung quanh vụ án hành chính này. Nói chung, theo đó, ông Lạp là người đáng được sở hữu trên phần đất mà ông đã ở ổn định, không tranh chấp với ai suốt 30 năm qua. Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để có kết luận cuối cùng thì tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện vụ cưỡng chế vào sáng 22.7.
Trần Đăng

Dân mắc bệnh 'bỏ quên tiền' ở nhà cán bộ?

BTTD: Chẳng lẽ BTTD lâu nay nói dân VN nghèo là sai? Nghèo sao thừa tiền bỏ quên ở nhà cán bộ.
(Tin tức thời sự) - Xã hội cảm thấy vô cùng lo lắng khi phát hiện ra bệnh mới của người dân, đó là bệnh...bỏ quên tiền ở nhà cán bộ
a
Người dân mắc bệnh bỏ quên tiền ở....nhà cán bộ? (Ảnh minh họa)
Sau 6 tháng đầu năm triển khai công tác phòng chống tham nhũng, toàn TPHCM có 6 vụ nộp lại tiền tổng trị giá 8.050.000 đồng. Rất nhiều trường hợp được giải thích là do dân…bỏ quên.
Đọc bản tin về việc có 6 trường hợp nộp lại tiền, quà tặng của dân ở TP HCM, chắc nhiều người cảm thấy như tôi, rất lấy làm vui mừng vì đã có 6 cán bộ công khai làm người gương mẫu. Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy vô cùng lo lắng khi phát hiện ra bệnh mới của người dân, đó là bệnh bỏ quên tiền.
Nguyên văn bản tin như sau: “UBND TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, toàn TP có 6 trường hợp nộp lại quà tặng đều ở quận Phú Nhuận, TPHCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghiêm Xuân Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo quận ủy Phú Nhuận xác minh theo thông tin cập nhật mới nhất, quận Phú Nhuận có 6 cán bộ nộp lại quà tặng và tiền của người dân bỏ quên với tổng giá trị 8.050.000 đồng.
Cụ thể, tại phường 14, quận Phú Nhuận có 3 trường hợp gồm Chủ tịch UBND phường Trần Ngọc Phú (nộp lại 5 triệu đồng và 1 áo sơ mi của cơ sở trong phường tặng); Chị Trần Nguyễn Minh Trang - cán bộ hội phụ nữ phường (nộp lại 400.000 đồng), ông Bùi Văn Phúc- cán bộ phường (nộp 350.000 đồng) đều là tiền của người dân bỏ quên.
Chị Trương Thị Mỹ Lai - Hiệu trưởng Trường Độc Lập - nộp lại 2 triệu đồng do phụ huynh tặng. Ngoài ra, có 2 chiến sĩ cảnh sát giao thông là Phan Trung Kiên (nộp lại 200.000 đồng), Phạm Khắc Kiệt (nộp lại 100.000 đồng).
Theo ông Hoàng - đây là những trường hợp lần đầu tiên nộp lại quà tặng ở quận. Sắp tới, quận sẽ có kế hoạch tuyên dương và nhân rộng những hành động đẹp này”.
6 trường hợp cho cả một thành phố có đến 8 triệu dân như TP HCM chưa phải là nhiều, nhưng điều đáng ngại là rất nhiều trong số đó đều là tiền của dân “bỏ quên” ở nhà cán bộ. Có cả trường hợp dân “bỏ quên” đến cả 5 triệu đồng.
Đọc đến đây thì bạn đọc có cảm thấy lo lắng giống như tôi không nhỉ? Ông bà ta có câu “đồng tiền liền khúc ruột”, thế mà có nhiều người lại đãng trí đến như thế, “bỏ quên” cả 5 triệu đồng, bằng một tháng lương của công chức bậc trung có khoảng trên chục năm thâm niên công tác. Quả là quá đáng lo.
Mà 6 trường hợp nộp lại tiền bỏ quên này dù sao cũng chưa phải con số lớn, chắc chắn còn nhiều những vụ bỏ quên khác với khối lượng khổng lồ hơn thì sao đây. Những người mắc bệnh bỏ quên tiền ấy đâu cả rồi, họ đang ở đâu, phải mau chóng tập hợp về mà đi điều trị tâm lý đi chứ. Quên gì chứ ai lại quên tiền.   
Một người bạn tôi đọc xong bản tin liền bình luận: “Dân thì bỏ quên còn quan thì phải giúp dân cất giữ đồ bỏ quên. Báo đăng nguyên từ “bỏ quên” mà thấy yêu nước mình thật, hồn nhiên như… cô tiên”.
Đúng là sống ở Việt Nam, nếu không chọn một thái độ sống hồn nhiên thì làm sao mà sống vui được. Tôi xin dẫn ra một trường hợp rất “hồn nhiên” khác, ấy là Bộ Công thương. Bộ này mới đây công bố như sau:
“Riêng kết quả qua kiểm tra nội bộ về việc "cấm sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị gây thất thoát, lãng phí; cấm tặng quà, nhận quà không đúng quy định" trong dịp Tết Nguyên đán Giáp ngọ -2014 cho thấy, chưa phát hiện vụ việc tham nhũng”.
a
Sao thế nhỉ?
Còn theo báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2014 do Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương công bố, với trên 1.500 cuộc tự kiểm tra theo kế hoạch mới chỉ phát hiện được 1 vụ vi phạm. Cụ thể, đó là một vụ trộm cắp than tại Công ty Than Hạ Long.
Một tỷ lệ thật tuyệt vời, trên 1.500 cuộc kiểm tra tham nhũng chỉ phát hiện ra 1 vụ trộm cắp than, còn lại tuyệt nhiên không có dấu hiệu của tham nhũng. Vậy cán bộ cứ trong sạch thanh liêm thế, dân ta có phúc quá rồi còn gì. Từ nay những ai kêu ca phải chi tiền bôi trơn cho cán bộ để giải quyết công việc nên ngồi mà tự kiểm điểm bản thân đi nhé, “đổ điêu” cho người tốt thế sao.
Cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về nạn tham nhũng năm 2013 cho biết, 30% dân Việt Nam đã phải đút lót nhân viên công quyền. 55% số người được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên.
Mặc dù năm 2013, Việt Nam xếp thứ 116 trên tổng số 177 nước trong bảng đánh giá hàng năm về tham nhũng trong khu vực công của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nhưng chỉ cần lấy một bộ như Bộ Công thương ra làm ví dụ cho sự tự kiểm tra thì 1.500 cuộc kiểm tra, làm gì tìm thấy vụ tham nhũng nào ngoài 1 vụ trộm.
Đất nước mình đáng yêu thế đấy. Cán bộ chỉ nhìn thấy điểm tốt ở bản thân và đồng nghiệp, tuyệt nhiên không có dấu hiệu tham nhũng. Dân thì chán tiền đến độ mắc căn bệnh tự tìm đến cơ quan, nhà riêng của cán bộ mà bỏ quên tiền.
Càng ngày tôi càng tin Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất nhì thế giới.
  • Mi An

22 tháng 7, 2014

Nhận định chung về thảm họa “MH 17”


Nội chiến tại miền Đông Ukraina do phe ly khai được Nga hỗ trợ và chính phủ Kiev ngày càng khốc liệt làm tình hình an ninh khu vực bất ổn.
Chính phủ Kiev không đóng cửa không phận tại vùng chiến sự để tận thu phí không lưu vì họ nghèo quá, đang phải chắt chiu từng xu để chính quyền hoạt động.
Hãng hàng không Malaisia chọn đường bay qua Donhesk để rút ngắn thời gian và quãng đường cũng vì lý do tiết kiệm. (Họ đang gặp khó khăn trong kinh doanh, nay họ lại chọn đường bay qua không phận Syria, nơi cũng đang có nội chiến).
Nga viện trợ cho phe ly khai dàn tên lửa BUK. Phe ly khai không có đủ phương tiện kỹ thuật (không có hệ thống ra đa nhận dạng máy bay) nên bắn nhầm MH17 ngày 17/7 vì nghĩ là máy bay của chính phủ Kiev.
MH17 bị bắn rơi gây ra thảm họa làm 298 hành khách thiệt mạng.
Sau khi nhận ra sai lầm, phe ly khai và Nga đã xóa các dấu vết, các bằng chứng liên quan.
Nga và Ukraina mở chiến dịch tố cáo, đổ trách nhiệm cho nhau.
Mỹ, EU và các nước khác nhảy vào “khẩu chiến” khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Phe ly khai cố tình ngăn cản, làm chậm tiến độ tiếp cận điều tra, kéo dài thời gian thu dọn, xáo trộn hiện trường…làm cho công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.
Cuộc chiến truyền thông lan rộng, hỏa mù tung ra khắp nơi khiến dư luận khó định hướng chính xác.
Đến ngày 22/7 các thanh tra tạm kết luận: MH17 bị tên lửa BUK của Nga bắn hạ từ khu vực do phe ly khai chiếm đóng. Chưa xác định được thủ phạm gây án.
Cuộc chiến tại miền Đông Ukraina vẫn tiếp tục, cuộc chiến “quy tội cho nhau” vẫn tiếp tục, cuộc chiến truyền thông với các nhận định đa chiều “câu khách” vẫn tiếp tục, cuộc điều tra của quốc tế vẫn tiếp tục… nhưng tiếp tục chưa có câu trả lời chính xác.
Hải Phạm đã nhận định: Phe ly khai sử dụng tên lửa BUK bắn nhầm MH17.
Tình hình thế giới luôn luôn là…phúc tạp với những mưu đồ chính trị bất chấp đạo lý, khó bắt được thủ phạm trong thảm họa này.
Vẫn có một kết luận chính xác là:
- Vì tham vọng quyền lợi điên rồ của một số cá nhân dẫn đến rất nhiều thảm họa đau thương cho nhân loại.
Khi mà THAM- THÂM- SI còn là bản năng gốc của con người ngự trị nơi nào thì nơi đó nhân loại còn loạn lạc và đau khổ.
 Phạm Hải

MH17 trúng tên lửa siêu thanh, bị xé nát trên không?

TT - Đoàn tàu chở thi thể các nạn nhân chuyến bay định mệnh MH17 đã rời khỏi vùng chiến sự ở đông Ukraine. Trong khi đó chuyên gia Mỹ xem hình ảnh để phân tích rằng MH17 thật sự bị tên lửa bắn rơi.


Reuters đưa tin hôm qua Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo đoàn tàu chở 282 thi thể nạn nhân rời khỏi vùng chiến sự ở miền đông Ukraine tới thành phố Kharkov, nơi chính quyền Kiev kiểm soát. Từ đây, các nạn nhân xấu số sẽ được đưa về Amsterdam (Hà Lan).
Một máy bay vận tải Hercules của Hà Lan đã tới Kharkov để thực thi nhiệm vụ này. Một nhóm 28 chuyên gia pháp y từ Hà Lan, Đức, Mỹ và Anh cũng đã có mặt để kiểm tra các thi thể.
Các chuyên gia Malaysia có mặt tại Donetsk khẳng định hai hộp đen mà phe ly khai giao nộp chỉ bị hư hại nhẹ. Nhóm quan sát viên quốc tế cuối cùng cũng được tiếp cận hiện trường án mạng trên cánh đồng ở làng Grabovo.
Tuy nhiên từ Úc, Thủ tướng Tony Abbott vẫn bức xúc cáo buộc: “Chúng ta đang chứng kiến hành vi hủy hoại bằng chứng ở quy mô công nghiệp. Điều đó phải chấm dứt”.
Dấu vết tên lửa siêu thanh
Theo báo New York Times, một mảnh vỡ của chiếc Boeing 777-200 cho thấy dấu vết từ tác động của tên lửa siêu thanh.
Hãng tư vấn quốc phòng IHS Jane’s phân tích các hình ảnh chụp mảnh vỡ máy bay tại hiện trường và kết luận một quả tên lửa siêu thanh đã nổ tại cự ly gần máy bay khi nó đang bay ở độ cao 10.000m.
Sức ép từ vụ nổ cộng với các mảnh tên lửa bắn xuyên qua máy bay đang di chuyển với tốc độ 800 km/g khiến nó bị xé nát trên không. Mảnh vỡ mà New York Times chụp được là một phần thân máy bay.
Trên mảnh thân máy bay này có rất nhiều lỗ thủng nhỏ. Chuyên gia vũ khí Reed Foster của IHS Jane’s khẳng định các mảnh tên lửa bắn đi với tốc độ cực cao đã xuyên thủng phần thân máy bay này, tạo ra các lỗ nhỏ.
Theo ông Foster, dấu vết hư hại từ một vụ nổ động cơ máy bay sẽ hoàn toàn khác biệt. Đó là những vết xước vỡ dài, mảnh, chạy chéo các mảnh thân máy bay.
Quan sát của IHS Jane’s hoàn toàn trùng khớp với đặc tính của tên lửa đất đối không được thiết kế để tiêu diệt máy bay quân sự di chuyển ở tốc độ cao.
Thay vì va vào máy bay, loại tên lửa này bay theo quỹ đạo chặn đầu mục tiêu, phát nổ ở phía dưới, tạo ra một đám mây mảnh vỡ.
IHS Jane’s cho biết với các hình ảnh chụp được ở hiện trường, không thể xác định được loại tên lửa cụ thể nào đã bắn rơi máy bay. Tuy nhiên tên lửa Buk (SA-11) do Nga sản xuất có đầy đủ đặc điểm và tính năng như thế.
Tên lửa Buk dài 5,48m, nặng 680kg trước khi rời bệ phóng, có thể đạt tốc độ siêu thanh và tấn công mục tiêu ở độ cao tối đa 22.000m. Đầu đạn tên lửa chứa 20kg thuốc nổ có sức công phá cao.
Sức ép từ vụ nổ đầu đạn tên lửa lan tỏa ở khoảng cách 30-100m. Các kỹ sư Liên Xô thiết kế loại tên lửa này để bắn trúng loại máy bay chiến đấu nhỏ, nhanh và linh hoạt của quân đội phương Tây. Kể cả khi máy bay tránh được sức ép vụ nổ đầu đạn thì các mảnh vỡ tên lửa cũng sẽ phá hủy nó.
Đấu khẩu căng thẳng
Đến giờ vẫn chưa thể xác định thủ phạm bắn máy bay, nhưng những lời cáo buộc gay gắt đang liên tiếp bay qua lại giữa Kiev và Matxcơva.
Theo Itar-Tass, hôm qua trung tướng Andrei Kartapolov, đại diện quân đội Nga, khẳng định dữ liệu rađa của Matxcơva cho thấy một máy bay chiến đấu của Ukraine, có thể là một chiếc Su-25, đã bay cách chiếc Boeing của Malaysia Airlines từ 3-5km trước khi nó gặp nạn.
Ông Kartapolov cũng cho biết vệ tinh của Nga phát hiện quân đội Ukraine triển khai hệ thống tên lửa Buk ở phía đông nam nước này, bao gồm vùng Luhansk từ ngày 14-7.
Một hệ thống Buk khác cũng có mặt ở vùng Zaroshchinskoye, cách thành phố Donetsk 50km về phía đông. Trung tướng Kartapolov còn cáo buộc đoạn video quay cảnh xe chở tên lửa Buk tại biên giới Ukraine - Nga là ngụy tạo và trên thực tế được quay ở thành phố Krasnoarmeisk do chính quyền Kiev kiểm soát.
Phản ứng lại, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố quân đội Ukraine không hề triển khai máy bay chiến đấu tại Donetsk ngày 17-7.
“Đây là một tuyên bố giả dối của Nga” - ông Poroshenko nhấn mạnh. Báo Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định máy bay chiến đấu Ukraine không thể hoạt động ở độ cao 10km, nơi chiếc MH17 bị bắn hạ.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev ra thông báo rằng đoạn băng ghi âm giữa một tay súng ly khai với một sĩ quan tình báo Nga sau khi MH17 bị bắn hạ là thật.
Báo Washington Post đưa tin tình báo Ukraine đã có trong tay ảnh và các bằng chứng cho thấy ba hệ thống Buk lặng lẽ rời địa phận quân ly khai kiểm soát để trở về Nga chỉ 12 giờ sau khi máy bay rơi.
HIẾU TRUNG
Malaysia Airlines bị chỉ trích vì bay qua Syria
Theo AFP, hôm qua dư luận quốc tế đã chỉ trích dữ dội Hãng hàng không Malaysia Airlines vì đổi đường bay chuyến MH4 từ London tới Kuala Lumpur qua ngả Syria - nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt - sau khi không phận Ukraine bị đóng cửa.
Trên các trang mạng xã hội Twitter và Facebook, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng Malaysia Airlines muốn mất thêm một máy bay nữa. Malaysia Airlines khẳng định đường bay Syria được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đồng ý vận hành.
Úc cảnh báo lừa đảo ăn theo MH17
Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng Úc vừa lên tiếng cảnh báo về các trò lừa đảo lợi dụng thảm kịch rơi máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Ủy ban về người tiêu dùng và cạnh tranh Úc (ACCC) cho biết nhiều âm mưu lừa đảo xuất hiện ngay sau khi xảy ra vụ rơi MH17. Những kẻ trục lợi tạo các tài khoản giả của các nạn nhân trên mạng xã hội Facebook.
“Những hồ sơ này dẫn mọi người tới một trang blog nơi họ bị giội bom bằng các quảng cáo đáng ngờ - AFP dẫn thông báo của ACCC - Nếu bạn nhấp vào quảng cáo, kẻ lừa đảo sẽ trục lợi từ dịch vụ quảng cáo”.
Dịch vụ quảng cáo là cách những kẻ lừa đảo kiếm tiền trên mỗi cú nhấp chuột vào trang web hay sản phẩm của khách hàng quảng cáo. Ngoài ra, ACCC cảnh báo rằng các trang web cũng có thể bị nhiễm mã độc và xâm nhập an ninh các máy tính truy cập vào những trang web này.
TR.PHƯƠNG

Việt Nam sắp trở thành "bãi phế liệu của thế giới”?


Cơ quan chức năng kiểm tra một container chứa rác thải công nghiệp. (Ảnh: Báo Tin tức)
Cơ quan chức năng kiểm tra một container chứa rác thải công nghiệp. (Ảnh: Báo Tin tức)

Việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đang khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành "bãi phế liệu của thế giới”.

Hiện mỗi năm Việt Nam nhập 3 triệu tấn phế liệu, chưa kể riêng trong nước, tổng lượng chất thải rắn lên đến 28 triệu tấn mỗi năm.
Đáng chú ý, hiện nay nước ta có khoảng 160 doanh nghiệp được phép thực hiện hoạt động nhập khẩu phế liệu. Thông qua con đường này, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, hết niên hạn sử dụng; linh kiện điện tử có chứa chất nguy hại… đã bị nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại, nếu không có hình thức xử lý nghiêm, chế tài mạnh tay hơn thì sẽ khó có thể khiến các doanh nghiệp "chùn tay”, bởi lợi nhuận mà các doanh nghiệp đạt được trong lĩnh vực này không hề nhỏ.
Theo VTV

Loạn với các loại phí của ngân hàng

Theo lộ trình thu phí thẻ ATM tại Thông tư 35 của NHNN, năm 2014, các NHTM được phép thu 2.000 đồng/lần phí rút tiền nội mạng.

Khách hàng giao dịch qua hệ thống ngân hàng: máy ATM, dịch vụ ngân hàng điện tử, qua điện thoại, tại quầy… ngày càng phổ biến và cũng tỉ lệ thuận với mức phí của các ngân hàng.
Vừa đăng ký xong dịch vụ ngân hàng (NH) điện tử - Internet banking của một NH thương mại ở TP HCM, chị Phương (ngụ quận 9) lập tức bị trừ 176.000 đồng phí sử dụng trong 1 năm.
Giao dịch là mất phí!
Nhân viên NH này giải thích mức phí bắt đầu được thu theo quy định của NH từ tháng 9/2013, trước đó dịch vụ này miễn phí đăng ký. “Mới đăng ký dịch vụ, tôi còn chưa kích hoạt tài khoản để sử dụng đã nhận được tin nhắn NH báo trừ tiền” - chị Phương than. Đây chỉ là phí đăng ký sử dụng dịch vụ, còn mỗi lần giao dịch, khách hàng phải mất phí.

Dịch vụ Internet banking hiện được nhiều NH triển khai, giúp khách hàng có thể chuyển khoản tiện lợi bất kể thời gian, chuyển khoản liên NH với hạn mức số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng mức phí không hề rẻ. 
Hiện mức phí phổ biến của các NH qua Internet banking như chuyển khoản bằng VND cùng hệ thống nhưng khác tỉnh, thành phố là 10.000 đồng/lần, chuyển khoản ngoài hệ thống cùng tỉnh, thành phố tối thiểu là 15.000 đồng/lần và khác tỉnh, thành phố tối thiểu là 20.000 đồng/lần, chuyển khoản liên NH theo số thẻ là 5.000 đồng/lần… Nếu khách hàng chuyển khoản trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nộp tiền mặt vào tài khoản còn bị thu thêm phí kiểm đếm tối thiểu từ 10.000 - 15.000 đồng/lần.
Đầu năm 2014, NH TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) bất ngờ thông báo thu phí giao dịch nội mạng qua Internet banking thay vì miễn phí như trước. Khách hàng chuyển tiền nội mạng sẽ mất 3.300 đồng/giao dịch, ngoại mạng 11.000 đồng/giao dịch. Với dịch vụ SMS banking, báo số dư qua tin nhắn điện thoại, mỗi tháng khách hàng của Vietcombank mất 8.800 đồng...
Theo quy định, NH được quyền thu các loại phí dịch vụ nhưng nhiều khoản phí rất vô lý mà khách hàng đành chịu. Cách đây không lâu, chị Lê Thị Loan (ngụ quận 2, TP HCM) mở sổ tiết kiệm kỳ hạn tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Đông Sài Gòn. Ngày đáo hạn, chị ghé Phòng Giao dịch Agribank Chi nhánh Biên Hòa (Đồng Nai) yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm, lấy tiền mặt và bị thu phí 0,05% tổng số tiền. 
“Đây là tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm, nay đến hạn tất toán, tôi không gửi tiếp mà rút ra cũng bị mất phí thật vô lý. Gửi 130 triệu đồng mà rút ra mất đến 65.000 đồng phí. Vậy mà nhân viên NH trả lời: Nếu muốn miễn phí, chị phải lên đúng chi nhánh mở sổ tiết kiệm” - chị Loan bức xúc.
Mỗi lần nhắc đến chuyện phí NH, chị Mai Ngọc (ngụ quận 7, TP HCM) lại bực mình. Tài khoản của chị Ngọc mở tại Agribank. Một lần cháu gái chị từ Hà Nội chuyển tiền vào nhờ mua nhà, chị đến một phòng giao dịch Agribank trên địa bàn quận 2 yêu cầu chuyển 10 tỉ đồng tiền mua nhà cho khách hàng có tài khoản tại Agribank Chi nhánh Chợ Lớn. Nhân viên NH cho biết chị sẽ mất phí kiểm đếm là 0,015% tổng số tiền (tối đa 330.000 đồng). “Tiền trong tài khoản của tôi chuyển cho đối tác cùng NH mà cũng tốn phí. Cuối cùng, tôi phải rút toàn bộ số tiền trong tài khoản ra, đem đến Chi nhánh Chợ Lớn để nộp vào tài khoản đối tác” - chị Mai Ngọc phàn nàn.
Khách hàng: “Trứng nằm trong rổ”
“Hoa mắt” nhất có lẽ là mức phí đối với khách hàng giao dịch trên máy ATM. Từ ngày 1/3/2013, theo Thông tư 35 của NH Nhà nước, các NH thương mại được phép thu cả phí rút tiền ATM nội mạng. Theo đó, khi giao dịch qua ATM, khách hàng sẽ tốn đủ thứ phí như phí rút tiền nội mạng, chuyển khoản, in sao kê, vấn tin. Ngoài ra, khách hàng có thẻ ATM còn mất phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí cấp lại mã PIN, phí cấp lại thẻ, phí xác nhận số dư tài khoản thẻ… NH TMCP Đông Á có thêm dịch vụ gửi tiền qua phong bì tại ATM khá tiện lợi nhưng chủ thẻ cũng phải mất 4.400 đồng/lần. Kết quả, mỗi tài khoản khách hàng sử dụng phải gánh cả chục loại phí.
Theo lộ trình thu phí thẻ ATM tại Thông tư 35 của NH Nhà nước, năm 2014, các NH thương mại được phép thu 2.000 đồng/lần phí rút tiền nội mạng và có thể tăng lên 3.000 đồng/lần vào năm 2015. Đối với các loại phí khác, NH thương mại được tự quy định nên mức phí mỗi NH không giống nhau, thậm chí không ít NH còn đẩy mạnh thu phí dịch vụ. Tuy nhiên, không phải mức phí nào cũng tương xứng với chất lượng. Rõ nhất là chuyện về máy ATM, mỗi dịp lễ, Tết, tình trạng nghẽn mạng, máy hết tiền, máy nuốt thẻ, tiền rách vẫn xảy ra nhưng phí ngày một tăng. Có chủ thẻ phải chờ hàng giờ để rút tiền nhưng tới lượt thì máy… hết tiền!
Phó tổng giám đốc một NH TMCP giải thích theo nguyên tắc, sử dụng dịch vụ phải trả phí. Nhưng với NH có ít khách hàng và đang cần phát triển, quảng bá thương hiệu sẽ miễn phí để thu hút. Ngược lại, những NH xây dựng được lượng khách hàng lớn sau một thời gian miễn phí sẽ chuyển sang khai thác phí dịch vụ một cách tối đa để thu lợi nhuận. Khoản phí dịch vụ thường chiếm từ 10%-15% doanh thu của NH. “Phí dịch vụ là khoản dễ thu và lại ít rủi ro nhất cho NH, trong khi lợi nhuận thu về không hề nhỏ, nhất là với NH có đông khách hàng” - vị này nhận xét.
Nên hỏi rõ mức phí
Theo quy định, các NH phải niêm yết công khai các mức phí dịch vụ tại quầy, điểm giao dịch, chi nhánh. Vì vậy, khách hàng khi đến NH giao dịch cần hỏi rõ mức phí, tìm hiểu mức phí để tránh bị thu sai hoặc không rõ gây hiểu lầm. Với các dịch vụ tiện ích, nhiều NH sau thời gian đầu miễn phí sẽ tiến hành thu phí, khách hàng cũng cần hỏi kỹ để tránh đăng ký sử dụng dịch vụ rồi bị trừ tiền mới biết./.
Theo Người Lao động

Từ những lỗ thủng nhỏ trên xác máy bay, lộ mặt kẻ bắn chiếc MH17?


Từ những lỗ thủng nhỏ trên xác máy bay, lộ mặt kẻ bắn chiếc MH17?
Chuyên gia quân sự Anh và Úc đã khẳng định máy bay MH17 gặp nạn trên không phận Ukraine bởi một tên lửa có "tên tuổi". Họ đã nắm được nhiều điều sau khi nghiên cứu một hình ảnh quan trọng từ các mảnh vỡ của chiếc máy bay này.
Financial Times tuyên bố có bằng chứng rõ ràng cho thấy máy bay bị bắn bởi một quả tên lửa, mà họ cho rằng nó của phe ly khai miền Đông Ukraine. Một bức ảnh chụp cho thấy lớp vỏ kim loại của máy bay bị thủng nhiều lỗ nhỏ và có một lỗ hổng lớn ở giữa. 
Dựa vào ảnh, hai nhà phân tích quốc phòng và một cựu phi công quân sự đồng ý với giả thuyết tên lửa đã được phóng vào bên trái và phía trước chiếc MH17. Họ tuyên bố lỗ lớn trong hình có thể được tạo ra do luồng không khí thổi ra từ bên trong máy bay, khi nó bị tụt áp đột ngột ở độ cao hơn 10.000 mét so với mặt biển. 
Chuyên gia thứ nhất Douglas Barrie, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London, cho biết các lỗ thủng nhỏ nhiều khả năng tạo bởi phân mảnh của đầu đạn sau khi nổ với sức công phá cao. Ông tin nó là vũ khí được phát hiện đưa vào Ukraine ngay trước khi thảm họa.
Một nhà phân tích khác là ông Justin Bronk, cũng tin máy bay đã bị phá bởi một quả tên lửa SA-11 hơn là một quả tên lửa Buk-M1. Cần nhớ rằng sau khi xảy ra vụ tai nạn, Bộ Quốc phòng Nga cho là quân đội Ukraine đã bắn tên lửa Buk-M1 và có khả năng trúng máy bay của Malaysia. 
 Mô phỏng lại cảnh tên lửa phát nổ khi tiếp cận máy bay
Ngược lại, phương Tây tố cáo Nga trang bị tên lửa SA-11 cho phe ly khai nên dẫn đến thảm họa. Do vậy, việc xác định được máy bay dính tên lửa nào sẽ góp phần tìm ra thủ phạm. Chính vì thế, các nhà phân tích phương Tây đang nghiêng về hướng máy bay trúng tên lửa SA-11.
"Kích thước của các lỗ thủng phù hợp với những gì người ta có thể hình dung về một quả tên lửa SA-11 phát nổ. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá tổng quát vụ nổ như vậy với một mảnh vỡ nhỏ từ thân máy bay", ông Bronk cho biết.
Bob McGilvray, một phi công Úc đã từng phục vụ trong quân đội Anh trong 12 năm cũng cho rằng, nếu trúng tên lửa Buk thì sẽ chẳng có mảnh vỡ nào tìm được vì sức công phá của Buk rất lớn. Dù đặt nặng nghi ngờ máy bay bị trúng tên lửa SA-11 (tức ám chỉ phe ly khai bắn) nhưng cả ba chuyên gia đều nói với tờ Financial Times rằng cần điều tra thêm bằng chứng.
Trong khi đó, phía Nga khẳng định Su-25 của không quân Ukraine bắn hạ chiếc MH17, và Moscow cũng phủ nhận lời cáo buộc rằng Nga cung cấp hệ thống tên lửa Buk cây sồi, theo tiếng Nga) cho phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Anh Tú (theo The Age)